Saturday, May 12, 2012

***Những điều nên biết về lá cờ Phật giáo


Lá cờ Phật giáo được treo trong mỗi chùa, tự viện trên khắp thế giới

Mỗi người con của đức Phật phải luôn tôn trọng và bảo vệ lá cờ Phật giáo vì nó tượng trưng cho Phật giáo, cho tinh thần đoàn kết và bất phân biệt của tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới.
 

Nguồn gốc của lá cờ Phật giáo
 

Theo thư viện Hoa sen thì người phác họa ra lá cờ Phật giáo là ông Henry Steel Olcott, sinh ngày 2/8/1832 tại New Jersey (Hoa Kỳ) và mất ngày 17/2/1907 tại Adgar (Ấn Ðộ). Ông nguyên là đại tá Hải Quân của Quân đội Hoa Kỳ.
Ông có công lớn nhất trong công cuộc chấn hưng Phật giáo Tích Lan (tức Srilanka - PV), từ đó nhà Phật học uyên thâm Anaragika Dharmapala người Tích Lan, môn đệ của Olcott đã khôi phục nền Phật giáo Ấn Ðộ ngày 21/1/1891 và cũng từ đó dần dần Phật giáo truyền bá sang phương Tây rồi lan tràn khắp thế giới. 
Từ khi ông Henry Steel Olcott Quy y Tam Bảo, ông đã tổ chức những trường học Phật giáo khắp xứ sở Tích Lan, từ thành thị tới thôn quê hẻo lánh. Không chỉ riêng ở Tích Lan, ông còn vận động để mở các trường học Phật giáo ở các quốc gia khác như Nhật Bản, Thái Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ...
Năm 1889, ông cùng Thượng Tọa Susmangala (người Tích Lan) phỏng theo sáu màu hào quang của Ðức Phật (xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam và màu tổng hợp của năm màu này) đã phác họa ra mẫu cờ Phật giáo.

Lá cờ này đã được công bố trên báo Sarasavi Sandaresa vào ngày 17/4/1885 và được treo vào Lễ Phật Đản 28/4/1885. Đây cũng là lễ Phật Đản đầu tiên ở Sri Lanka dưới chế độ cai trị của thực dân Anh.

Đại tá Henry Steel Olcott đã sửa lại hình dạng của lá cờ trở thành hình dạng như bây giờ để mọi người có thể dễ sử dụng hơn. Lá cờ mới này đã được treo tại Lễ Phật Đản năm 1886.

Vào ngày 25/5/1950, Đại hội Phật giáo Thế giới đã công nhận lá cờ này là lá cờ chính thức của Phật giáo thế giới.

Tại Việt Nam, đến ngày 6/5/1951, tại chùa Từ Ðàm (TP Huế) Ðại Hội Phật giáo ba miền. Trong dịp Đại hội, Thượng tọa Tố Liên (nguyên Trụ trì chùa Quán Sứ - Hà Nội) đã tặng Ðại Hội lá cờ Phật giáo thế giới và đại hội đã chấp nhận lá cờ này cũng là cờ Phật giáo Việt Nam.

Năm màu sắc trên lá cờ Phật giáo

“Cờ Phật giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật giáo còn tượng trưng cho niềm Chính tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật. Ngoài ra, cờ Phật giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Ðạo Pháp và dân tộc” - Theo thư viện Hoa Sen.

Năm sắc theo chiều dọc lá cờ: Xanh đậm, vàng, đỏ, trắng, cam, tượng trưng cho hào quang chư Phật. Năm sắc theo chiều ngang là mầu tổng hợp tượng trưng cho ánh sáng hào quang chư Phật. Ý nghĩa của mỗi màu sắc có sự phân biệt khác nhau.

Màu xanh đậm tượng trưng cho Ðịnh căn, màu xanh tượng trưng cho sự rộng lớn, sáng suốt.

Màu vàng lợt tượng trưng cho Niệm căn vì có Chính Niệm mới sinh Ðịnh và phát Huệ.

Màu đỏ tượng trưng cho Tấn căn, bởi có Tinh tấn mới khắc phục được mọi trở ngại, nghịch cảnh.

Màu trắng tượng trưng cho Tín căn, niềm tin không lay chuyển và có tín căn là có Nhân Duyên với chư Phật và nguồn gốc sinh ra muôn hạnh lành.

Màu da cam tượng trưng cho Huệ căn. Khi có Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh đầy đủ thì Tuệ sẽ phát sinh.

Màu tổng hợp tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của Phật giáo đồ trên toàn thế giới.

Như vậy, năm màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo.

Phật giáo luôn chủ trương hòa bình. Vì thế, nhân loại khắp năm châu, tuy màu da chủng tộc có khác nhau nhưng Phật giáo xem nhau như tình huynh đệ một nhà.

Với tinh thần từ bi, bình đẳng, lục hòa, Phật giáo không có phân chia giai cấp hay phân biệt khác nhau màu da chủng tộc. Vì tất cả đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tính) như nhau.

Vì vậy, lá cờ Phật giáo ngoài ý nghĩa biểu trưng cho giáo lý, nó còn nói lên tinh thần thích nghi hòa hợp.
Bùi Hiền - kienthuc.net.vn


 
THƠ PHẬT ĐẢN

Sáng nay, hoa chen nhau nở
 
Gió đưa hương bay ngạt ngào 

Hoàng hôn, chim vang tiếng hót

Nắng lên, lộng lẫy ban mai 

Lâm tì ni dù bé nhỏ,

Ấp ủ muôn mái đầu

Ôi tình thương! không cách trở

Giọng chuông lên khắp địa cầu.

Bao nhiêu lòng mong đợi

Hôm nay, Phật đản sanh

Núi sông tô điểm mới

Gió reo nhạc thanh bình

Chim ca vang trong rừng vắng

Cá lội mừng giữa đại dương

Triệu người quỳ trong im lặng

Cảm thông, lòng người cảm thông

Từ bi ngời trong ánh mắt

Tình thương phủ khắp năm châu

Trong tôi lòng sao vui quá

Tôi vui, niềm vui sáng ngời...



  NGÓN TAY VÀ MẶT TRĂNG
Phật đứng trỏ vầng trăng
Người nhìn theo tay Phật
Ngón tay tưởng vầng trăng Phật chỉ:
"Ðây Chân lý"
Nhưng người toàn ích kỷ
Chẳng nhìn ra Chân lý Phật nói:
"Yêu chúng sinh" !
Người luôn thích sát sinh
Và chỉ yêu chính mình
Phật chủ trì giải thoát
Nhưng người chỉ khẩu hoạt
Bỏ xa bờ siêu thoát
Ôi chân lý Ðức Phật
Quá dễ nhưng khó thật
Vì người tham, sân, si
  Không tìm ra sự thật !  

Bút Xuân Trần Đình Ngọc

(Trích Như áng mây trôi II)

THIỀN AN ĐỊNH
 Thiền giữ tâm an định ngồi thiền
Ta đem thế sự treo triền núi xa
Hết còn nghe tiếng người ta
Hết còn thế giới ta bà xung quanh
Hồn nương cánh gió thơm  lành
Phiêu diêu tìm tới non xanh mây ngàn
Thiên nhiên yêu mến chứa chan
Tránh xa triền phọc thanh nhàn là vui
Lão tử với đạo ta chẳng nhớ gì,
Chẳng nghĩ suy chẳng thờ kính vái,
Chẳng tâm duy,
Sống như cây cỏ bên bờ suối quên hết giầu sang,
Kệ an nguy Kẻ thù trước mặt ta không sợ
Bạn đứng sau lưng cũng kệ đi
Thản nhiên ta sống như ta chết
Nhìn đời bằng đôi mắt Vô vi
 Bút Xuân  TRẦN ÐÌNH NGỌC
(trích Như Áng Mây Trôi II)
 

CHUYỆN TU HÀNH
PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 16

- Thưa Thầy, tôi có nghe câu nói: Thứ nhứt thì tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Vô chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, thọ bát, bái sám, thì đúng là tu rồi, dễ hiểu quá. Còn tu tại gia, tu tại chợ là làm sao, thế nào, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho. Cám ơn Thầy trước.

- Thông thường, ai cũng nghĩ vô chùa mới gọi là tu thì quả thật không sai. Nhưng chưa hẳn hoàn toàn đúng.

Người thường đi chùa, hoặc cạo tóc ở luôn trong chùa, nếu không tu sửa tâm tánh, vẫn tham lam, vẫn sân hận, vẫn si mê, có khi còn làm phách, dè bĩu, hay khinh khi người khác không biết tu như mình, rủa xả, mắng nhiếc người khác đọa địa ngục, phê phán không căn cứ, phỉ báng không tiếc lời, thích ăn trên ngồi trước, giành miếng ngon, lựa chỗ tốt, thì không gọi là tu được. Có chăng đó chỉ là hình tướng người tu, dù tại gia hay xuất gia, gọi là tu tướng mà thôi.

Còn tu tại gia, tu tại chợ thì rộng rãi hơn, chiếm toàn bộ thời gian trong một ngày, dù là người tại gia hay xuất gia. Lúc nào cũng tự xem xét, hôm nay mình có làm tổn thương ai qua hành động, lời nói và trong tư tưởng. Chẳng hạn như tại chợ, mình có để xe nghinh ngang giữa đường, bất kể người khác có đi qua được hay không. Chẳng hạn như tại gia, mình có ngồi coi TV chờ ông chồng (hay bà vợ) mời ăn cơm, ăn xong coi TV tiếp, không phụ giúp làm cơm, không phụ giúp dọn bàn, dọn dẹp, rửa chén bát, có khi lại ỷ mình là người làm ra tiền, nuôi cả nhà!

Tóm lại, tu tâm dưỡng tánh, hôm nay mình tốt hơn chính mình hôm qua, đó mới chính thực là tu.[]   

    BBT. PHTQ.