Saturday, July 6, 2019

*** CHO TRỌN NIỀM VUI TRONG MÙA VU LAN







CHO TRỌN NIỀM VUI TRONG MÙA VU LAN
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Ước rằng đóa hoa màu hồng thắm đều cùng được cài lên áo tất cả các bạn, không phân biệt, vì Cha Mẹ của tôi và Cha Mẹ của bạn luôn luôn hiện hữu. Đó là ý nghĩa: “Cho Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan”.

Đại Lễ Vu Lan hằng năm được tổ chức trang nghiêm trong các Tự Viện khắp nơi nơi. Những tà áo đủ màu, vàng, nâu, lam, hân hoan rộn ràng sánh vai cùng lo trang hoàng cho ngày lễ báo hiếu thiêng liêng. Một sự kiện quan trọng hơn hết của buổi lễ, là nhắc nhở con người ý thức sâu sắc trong tình Cha nghĩa Mẹ bảy đời, không phải chỉ Cha Mẹ một đời hiện tiền mà thôi. 

Ý nghĩa hướng về tâm từ bi của đạo Phật, sau giây phút trang trọng của Lễ Vu Lan, phần cài hoa hồng trên áo, cùng nghĩa với sự tôn vinh hai đấng sanh thành, còn là “Ngày Cha Mẹ”. Sâu thẳm trong tâm của mỗi người con chí hiếu, như có tiếng gọi thâm tình và lòng báo ân, báo hiếu kỳ diệu, nhiệm mầu.
Văn hóa Phật giáo luôn chú trọng đến đời sống tâm linh. Đạo đi vào đời bằng những việc thiện lành đơn giản, như hoa hồng cài trên áo, nhưng có năng lượng hữu ích thiết thực vô cùng. Những người con Phật thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật, thì tất cả đều nên được, có quyền được cài đóa “Hoa Màu Hồng”. Tại sao? - Vì ai cũng có bảy đời Cha Mẹ, dù còn sống hay đã mất, Cha Mẹ là những đóa hoa màu hồng, tươi thắm đẹp vô ngần, và luôn được trân quí trong suốt phần đời bên các con.
Con người trên thế gian, tuy khác nhau về màu da, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, sang hèn hay đẳng cấp cao thấp, nhưng đều từ Cha Mẹ sanh ra. Ngày qua, năm tháng trôi đi, có người còn đủ hai đấng sanh thành, có người mất Cha, người thì mất Mẹ, cũng có những mãnh đời bất hạnh mồ côi cả Cha lẫn Mẹ. Tuy sống trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng không ai vui được khi nhận hoa màu trắng, ngậm ngùi, buồn tủi, tiếc thương, hối hận. Đã là hoa hồng, thì hãy luôn là màu hồng tươi thắm. Ý nghĩa nầy chính là tình thương Cha Mẹ trong các con, mãi mãi không bao giờ mất.
Đạo hiếu trong Phật giáo là một nền đạo đức chân thật, tự trong thâm tâm, không phải ở hình tướng bên ngoài. Tùy theo hoàn cảnh và trình độ hiểu biết mà thực hiện sự hiếu dưỡng cha mẹ đúng hay sai. Người tu theo lời Phật dạy, tin vào nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và sự tái sanh, hiểu rằng những người sống xung quanh, nhiều đời kiếp đã từng là Cha, là Mẹ, là anh chị em của mình.

Khi tâm phân biệt, đố kỵ, thù oán, hơn thua, tham vọng, ích kỷ, riêng tư, không còn nữa, con người sẽ có tình yêu thương bao la không có giới hạn, suy nghĩ cho người nhiều hơn cho mình, thì tâm đã gần giống Tâm Chư Phật lắm rồi.
Trong kinh Vu Lan Bồn, với cử chỉ hành động đầy lòng từ bi khiêm tốn và đức độ bình đẳng, tình thương cảm rất tế nhị của Đức Phật được diễn tả trong đoạn kinh sau đây:
 Đáo bán lộ rành rành mắt thấy
 Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
 Thế Tôn bèn vội đến nơi
 Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng
 Đức A Nan tủi lòng ái ngại
 Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương
 Vội vàng xin Phật dạy tường
 Thầy là Từ phụ ba phương bốn loài
 Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
 Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?
 Phật rằng: Trong các môn đồ
 Ông là đệ tử đứng đầu dày công
 Bởi chưa biết đục trong cho rõ
 Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu
 Đống xương dồn dập bấy lâu
 Cho nên trong đó biết bao cốt hài
 Chắc cũng có ông bà cha mẹ
 Hoặc thân ta hoặc kẻ sanh ta
 Luân hồi sanh tử, tử sanh
 Lục thân đời trước thi hài còn đây.

Khi đọc tụng đoạn kinh trên, lắng tâm suy ngẫm cho thấy một hình ảnh chân thật, cao quí trong tâm lý hoằng pháp. Đức Phật đã chỉ dạy chúng sinh phá đi tâm ích kỷ, tâm chấp tướng, tâm phân biệt nặng nề, nên trải lòng thương tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng tuyệt đối, không có nhân ngã. Dù còn sống hay đã thành xương trắng, những người sống trong luân hồi lục đạo nhiều đời kiếp, từng là thân bằng quyến thuộc với nhau.
Thông thường, con người dễ cảm nhận niềm vui riêng, bất chợt, vội cảm ơn hoa màu hồng trên áo, vì nhìn thấy có người phải tủi phận nhận hoa màu trắng. Tuy đó là niềm vui vi tế, không đáng trách, nhưng tâm từ bi chưa vẹn toàn. Tâm vị tha rộng rãi hơn, nên tự nhủ lòng rằng: “Ước rằng hoa màu hồng cùng cài lên áo tôi, và áo bạn, vì Cha Mẹ của chúng ta luôn luôn hiện hữu, cho niềm vui được trọn vẹn trong ngày Lễ Cha Mẹ thiêng liêng nhiều ý nghĩa”.
Có phải sau đó, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, một bông màu hồng cho anh, một bông màu hồng cho chị, một bông màu hồng cho em và một bông màu hồng cho tất cả những ai cũng có Cha Mẹ.
Bất luận người tu - xuất gia hay tại gia - đều có ý thức trách nhiệm, trong sự đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, không chỉ một ngày Lễ Vu Lan mà thôi, mà ở mọi thời khắc, mọi hoàn cảnh đều thấy được cơ hội để báo hiếu. Sự an lạc của Cha Mẹ khi còn hiện tiền, hay đã khuất, đều có sự chiêu cảm cần thiết từ các con. Phẩm hạnh đạo đức các con càng cao, là niềm hạnh phúc, là quà tặng tâm linh cho Cha Mẹ, không vật chất nào có thể sánh bằng.
Đạo hiếu hạnh sáng suốt của người tu học Phật Pháp, có thể cảm hóa được Cha Mẹ hướng về Tam Bảo, học hiểu từ giáo lý Đức Phật sẽ giúp Cha Mẹ bỏ ác làm lành. Tâm chánh tín, chánh kiến và phước đức ngày càng thăng tiến, kết quả đem đến an lạc hạnh phúc hiện tiền, khi xả báo thân được giải thoát về cảnh giới an lành tốt đẹp. Cũng vậy, đối với người xung quanh, kính trên nhường dưới, hướng dẫn qui y Tam Bảo, khuyên làm lành hướng thiện, là cách đền ơn Cha Mẹ tốt nhất.

Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn Cha Mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất, tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, những ai đối với Cha Mẹ chưa sống trong thiện lành, thì hướng dẫn qui y trong chánh pháp, trau dồi đức hạnh chánh trực; đối với Cha Mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí; đối với cha mẹ còn tà kiến, thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho Mẹ và Cha”.
(Tăng Chi bộ Kinh I. 75)

 Đối với Cha Mẹ, món ăn tinh thần dâng lên, cũng không thể không lựa chọn cẩn thận. Người có tuổi, sức khỏe thường nay đau mai yếu, hay buồn giận, dễ hờn tủi, nguồn vui chỉ mong sự săn sóc nuông chìu và hiểu biết của các con, đừng để sự cô đơn, nhớ con cháu giết lần mòn hai đấng sanh thành.
Cơ hội săn sóc Cha Mẹ là lúc tu thực hành nhiều nhất. Kiên nhẫn, bao dung, vị tha đem lại nguồn vui thanh thản cho hai đấng sanh thành. Khi chúng ta còn nhỏ Cha Mẹ lúc nào cũng hy sinh, bảo bọc, che chở và mong muốn tạo hạnh phúc cho các con. Nên dụng tâm, dành nhiều thì giờ thăm hỏi, chăm sóc, viếng thăm thường xuyên, đó mới chính là liều thuốc bổ giúp Cha Mẹ sống thọ, một cách báo hiếu hữu hiệu và công dụng nhất.

Ân Cha Mẹ ví như núi cao, biển rộng, sông sâu, vì có Cha Mẹ mới có thân ta. Phận làm con, tu tập có được chút phước đức, công đức nào, nên hồi hướng cho Cha Mẹ. Sau đó, tạo duyên cho Cha Mẹ biết qui y Tam Bảo, đó là đền ân Cha Mẹ. Vì vậy, thương và quí kính Cha Mẹ nhiều chừng nào, chúng ta phải ráng tu nhiều chừng ấy. Nhờ phước đức cộng nghiệp của những người con chí hiếu mà Cha Mẹ mất đi, đời sau sanh ra gặp Phật pháp, biết sự tu hành. Cha Mẹ còn hiện tiền thì gặp được minh sư khai ngộ, hiểu đạo, tiến tu.
Mong ước rằng Lễ Vu Lan từ nay về sau, sẽ là một ngày vui thật trọn vẹn, vì tất cả người con hướng về bảy đời Cha Mẹ, cùng một lòng hiếu hạnh báo ân. Cài trên áo một bông hoa màu hồng, giống y như nhau, không phân biệt, vì ai ai cũng có Cha, có Mẹ, để thương yêu và đền ơn. Tiềm năng vô tận của lòng từ bi ai cũng có, chỉ cần xử dụng phù hợp, khéo léo một chút thôi, thì đã có “Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan” đầy đủ ý nghĩa nhất.
Nguyện cho bảy kiếp
Cha Mẹ chúng con,
đượm nhuần mưa pháp.
Khi còn tại thế,
thân tâm an ổn,
phát nguyện tu trì.
Khi đã qua đời,
xa lìa ác đạo,
chóng thành Phật quả.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN. Thích Nữ Chân Liễu 



Câu chuyện cuộc sống


HẠ MÌNH

Ngài Đạt Lai Lạt Ma từng nói: Cây lúa nào hạt non hạt lép thì nó đứng thẳng vươn cao.Còn những cây lúa nặng trĩu hạt luôn oằn mình xuống dưới thấp.
Cái Tôi của ai nhỏ bé thì tâm lượng người đó mênh mông!

ĐÊM VÀ NGÀY

Một vị thiền sư hỏi các đệ tử của mình:” Trò nào có thể cho ta biết, đêm kết thúc khi nào, ngày bắt đầu lúc nào?”.
Một đệ tử buột miệng nói:” Ở một cự ly nhất định, vào lúc có thể phân biệt được con vật ở đằng xa là con cừu hay con chó, đó là lúc ngày bắt đầu!”.
– Không đúng! – Thiền sư nói.
– Vào lúc có thể từ đằng xa phân biệt được một cây là cây không có hoa, hay là cây đào là lúc ngày bắt đầu – Một đệ tử khác vội vàng nói tiếp.
– Cũng không đúng! – Thiền sư đã có chút bực bội.
– Vậy thì thưa thầy, ngày bắt đầu vào lúc nào? – Các đệ tử đồng thanh hỏi.
Thiền sư nghiêm túc trả lời:” Chỉ vào lúc các con nhìn rõ khuôn mặt của người đối diện, nhận ra họ là người anh em của mình thì mới là lúc ngày đã đến. Nếu không, bất kỳ lúc nào trong ngày đối với các con cũng chỉ là đêm đen”.

BỐ THÍ

Đang ăn phở với tôi trong quán. Một bà cụ già hành khất ốm nhom bước đến xin bố thí. Nó móc túi lấy tờ 5 ngàn định cho, xong nghĩ sao hắn nhét lại vào túi và nói với cụ già :
-Cụ đã ăn gì chưa ? Con mời cụ tô phở nhé !?
Cụ già gật đầu, hắn mời bà cụ ngồi và gọi một tô lớn trị giá 50 ngàn cho cụ .
Tôi hỏi :
-Sao mày không cho tiền bà cụ 50 ngàn phải hơn không?
Hắn vẫn đang cắm cúi húp phở, không ngẩng đầu lên trả lời tôi :
-Bà ấy có thể xin được một ngày nhiều hoặc ít hơn 50 ngàn từ nhiều người . Nhưng bà ấy sẽ không bao giờ biết được hương vị thơm ngon của một tô phở trị giá 50 ngàn , trong suốt cuộc đời lang bạt còn lại của bà ấy !?…
Tôi lặng lẽ không nói thêm gì ?…

BÌNH AN VÔ SỰ

Ba người đi ra khỏi cửa, một người mang dù, người kia mang gậy, người còn lại đi tay không. Khi trở về, người cầm dù ướt đẫm, người mang gậy thì ngã bị thương, người thứ ba không mang gì thì lại chẳng hề hấn gì. Vốn dĩ lúc trời mưa, người có chiếc dù mạnh dạn bước đi, lại bị mưa dội vào; lúc đi đường bùn trơn trượt, người mang gậy liều lĩnh xông lên nên thường xuyên té ngã; người cái gì cũng không có, lúc mưa to thì tránh đi, đường không tốt thì cẩn thận bước, ngược lại nhờ thế mà bình an vô sự.







Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

Xưa kia, khi còn ở trong nước, đi ngang qua một địa phương, có người tự hỏi tại sao có quá nhiều nhà thờ, khoảng vài cây số lại có một nhà thờ trong khi dân chúng nghèo khổ?
Bây giờ thì chùa chiền cũng mọc lên rất nhiều, không kém gì các nhà thờ xưa kia, mà có vẻ đồ sộ hơn, còn dân chúng nghèo thì vẫn nghèo.
Cớ sao các vị tu sĩ không nhớ lại là khi đi tu, trong tâm chỉ xin Đức Chúa cho được hằng ngày đủ dùng, Đức Phật cũng dạy con người phải biết tri túc để sống đời an vui hạnh phúc.
Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng, du vi an lạc.
Nghĩa là: Người nào biết đủ, tuy nằm trên đất, cũng thấy yên vui. 
Khi đủ sống rồi thì người tu phải làm gì để giúp đỡ người nghèo khổ, người cầu học chánh pháp, người muốn giác ngộ và giải thoát.
Như thế mới thể hiện được lời dạy của các Đấng Tối Cao về lòng bác ái, tâm từ bi, thương người như thể thương thân.
Ngày xưa Đức Phật, đã từ bỏ ngôi báu, cung vàng điện ngọc, với một bát, một cà sa, đi từng nhà này qua nhà khác để khất thực:
«Nhất bát thiên gia phạn. Cô thân vạn lý du»
(Một bát ngàn nhà xin cơm.
Đơn thân muôn dặm độc hành).
Đồng thời Ngài cũng bố thí pháp để cứu độ chúng sanh.
Đây chính là điểm quan trọng nhất mà các tu sĩ nhất định nên làm, phải làm.

Hình ảnh Đức Phật đi khất thực như thế đã cho chúng ta bài pháp thâm thúy nơi thân giáo của Ngài.
Vài người chưa kịp hiểu ý nghĩa cao thượng về pháp khất thực đã vội có tư tưởng và lời nói không hay.
Mỗi tu sĩ Phật giáo, nếu có cái nhìn sâu sắc, thì chính mỗi vị là một ngôi chùa di động
vì trong họ có đủ Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng.
Phật chính là tâm sáng suốt.
Pháp chính là tâm chân chánh.
Tăng chính là tâm thanh tịnh.
Ba tâm đó nói chung mọi người đều có - không phân biệt tôn giáo - người tu sĩ cũng như người cư sĩ đều có.
Họ chỉ cần tu tập, xây dựng vững chắc ngôi chùa trong bản thân thì ngôi chùa bên ngoài cũng có cơ hội hình thành. 

Nơi đâu cũng là đạo tràng, cũng là thiên đàng, cũng là niết bàn.
Ngôi chùa bên ngoài chỉ là phương tiện để hoằng pháp, chứ không phải là cứu cánh của người tu.
Người tu - dù là tu sĩ hay cư sĩ - đi đến chùa là để học hiểu chánh pháp, đặng áp dụng trong đời sống thức tế hàng ngày, chứ không phải để cầu nguyện suông được vãng sanh cực lạc, mà chẳng tìm học và áp dụng những điều đức Phật dạy.
Do đó, người tu sĩ nhận của cúng dường, bố thí từ nơi bá tánh, phải luôn luôn nhớ bổn phận tự tu, tự độ chính bản thân và giúp mọi người biết cách tu đúng chánh pháp, gọi là độ người, độ tha nhân.
Người xưa có nói tu thân rồi mới tề gia. 
Một tu sĩ tự độ rồi mới độ tha, phải là một vị thầy sáng suốt, chân chánh, thanh tịnh, phải là một vị minh sư, mới có thể đem đạo vào đời, giúp đời giảm thiểu phiền não khổ đau, gieo tình thương, an lạc, hạnh phúc vào vườn tâm mọi giới: «Minh sư hưng đạo».
Tu sĩ còn là người lèo lái con thuyền bát nhã, cứu người thoát khổ, độ người thoát khỏi trầm luân, đưa đến bờ giác.
Người tu - tại gia hay xuất gia - cần nắm vững chánh pháp, để tự độ thân và độ tha nhân,
không lầm tà pháp, không chọn tà sư và không lạc vào tà đạo.

Tu sĩ thời nay vẫn còn trầm luân trong biển danh lợi, đem đời vào đạo, đem văn nghệ vào sân chùa,
đem hình ảnh lố lăng y áo sặc sở, ghế ngự như ngai vàng vào ngay chánh điện.

Tu sĩ thời nay không lo nghiên tầm học hiểu chánh pháp, để giảng giải thuyết pháp,
hay viết bài để truyền bá những lời dạy thực tế của chư Phật, chư Tổ.

Họ chỉ trau chuốt giọng đọc, giọng tán tụng, cho du dương, trầm bổng, ê ê a a, lóc cóc leng cheng, tùng tùng xèng xèng, để hát hò như ca sĩ, ngay nơi chánh điện. 

Một lời giảng dạy chánh pháp không nói nổi,
nhưng tu sĩ thời nay thao thao bất tuyệt khi cầm micro quảng bá quyên tiền xây thêm chùa lớn, xây phòng ở nguy nga cho vị trụ trì.

Tệ hơn nữa các tu sĩ thời nay còn dám gạt gẫm bá tánh qua các tà pháp mê tín dị đoan
như: chai nước trì chú trị bá bệnh, lạy tượng Phật ngọc cầu gì được nấy, khai thị vong nhập, cúng sao giải hạn, tổ chức trai đàn bạt độ cứu hộ thai nhi, vãng sanh đủ loại cô hồn, vớt vong trên sông trên biển như vớt bèo.

Tu sĩ thời nay còn dám mang các bộ mặt ma, các mặt nạ, các nick name, xuất hiện trên các diễn đàn xỉa xói, dè bĩu, mạ lỵ, phỉ báng người khác,
dù người đó đang cố gắng truyền bá những điều hay, lẽ phải, những danh ngôn tư tưởng đẹp, những lời dạy tu hành trong nhà Phật.

Nếu một tu sĩ không lo tu tập mà chỉ đem lòng nghĩ đến chùa to, mơ tưởng tượng lớn, chê bai chùa nhỏ, xa rời tâm bồ đề ban đầu, chìm đắm trong dục lạc, tham vọng.

Tu sĩ thời nay giảng dạy điều này, nhưng thực hành một điều khác, thân giáo không đi đôi với khẩu giáo. 

Tu sĩ thời nay thích tranh danh đoạt lợi, thích ngồi ghế lãnh đạo, ăn trên ngồi trước, mâm cao cổ đầy, kẻ hầu người hạ.
Như thế chẳng hóa ra lãng phí cả cuộc đời xuất gia tu hành hay sao?

Tu hành đâu tính tuổi già tuổi trẻ, đâu đếm mấy hủ tương chao để tranh hơn thua, tranh địa vị, chức vụ, ghế ngồi cao thấp.

Tu hành cốt tủy nơi tuệ giác. Đức Phật ngày xưa giác ngộ ngay cội bồ đề năm 35 tuổi.

Các vị tu sĩ khác dù già nua cũng chẳng giác ngộ, bỏ mạng nơi khổ hạnh lâm.

Tu sĩ thời nay đua nhau lập tu viện to lớn, nguy nga như cung điện, tổ chức các loại lễ hội hàng năm, bày trò mê tín, để phô trương và thu tiền bá tánh.
Dù 100 tuổi các lão tăng đó có ích lợi chi cho bá tánh, cho thiền môn, cho đạo pháp?
Các tu sĩ thời nay hành xử giống như ngụ ý của câu châm biếm Pháp «Fais ce que je dis, pas ce que je fais»
(Hãy làm những gì tôi nói, không phải những gì tôi làm).

Trong đạo mà lời nói không đi đôi với việc làm cũng gây rất nhiều thất vọng, hoang mang
cho những người có niềm tin nơi tôn giáo của mình!

Tuy nhiên, con đường người tu đi mà thấy đúng, việc người tu làm mà thấy mang lại an vui, hạnh phúc cho bản thân và cho người khác, được khen cũng tốt, bị chê không phiền.

Người đời thường nói: chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành cứ đi (Le chien aboie, la caravane passe).

Nhưng người biết tu tâm dưỡng tánh nên xem những người tạo thiện duyên (giúp đỡ phương tiện vật chất hay tinh thần)
và những người tạo nghịch duyên (phê phán phỉ báng ngăn đường cản bước)
đều là các bậc thiện hữu tri thức, tất cả đều giúp mình rèn luyện chữ nhẫn và thử thách tâm kiên cố. 

Được như vậy,
con người sống hạnh phúc, chết bình an,
không cần theo tôn giáo nào, cũng chẳng cần cầu nguyện thánh thần thiên địa chi cả.

Con người biết tự làm chủ bản thân trước sóng gió cuộc đời ví như hòn đảo tự đứng vững trước phong ba bão táp vậy. []
 Chuyện gì rồi cũng qua
Hơn thua phiền não mà
Biết tu tâm dưỡng tánh
Không còn người với ta

Chuyện gì rồi cũng xong
Phê phán thêm phiền lòng
Biết tu tâm dưỡng tánh
Muôn sự thảy đều không

&

Nên học hạnh của đất
Nhận chịu của thế gian
Thơm tho và hôi thúi
Hóa thành đóa hoa tươi

Người đời tặng tên đạn
Phê phán và phỉ báng
Biết tu tâm dưỡng tánh
Hóa thành đóa hoa tươi


Hơi ấm của cha

Ngày tôi lên hai tuổi mẹ đã vĩnh viễn đi xa. Ký ức về mẹ chỉ qua lời kể của ba. Mới ba mươi hai tuổi, ba tôi phải một mình nuôi ba đứa con ăn học. Và ông cô đơn đi suốt quãng đời còn lại vì chúng tôi...

Đồng lương của một giáo viên ngày ấy không đủ xoay sở cho chúng tôi ăn no mặc ấm, buộc ba tôi phải lao vào bao nhiêu nghề khác ngoài giờ đi dạy, như: thợ mộc, phụ hồ...
Suốt những năm mẫu giáo đến tiểu học, vì thương tôi thiếu hơi mẹ nên hôm nào về đến nhà ba cũng đều pha cho tôi bình sữa. Hồi đó, tôi cứ hỏi ba: “Mẹ đâu?”. Ba xoa đầu tôi rồi nhìn lên bàn thờ bảo: “Mẹ con đó!”. Lần nào, tôi cũng khóc và nẩy lên bắt ba phải đi tìm mẹ để tôi được có mẹ như các bạn khác. Ông gật đầu hứa rồi ôm tôi vào lòng hát: “Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lai chịu lời đắng cay...” Tôi vẫn khóc và giận dỗi, chỉ đến lúc anh hai hét lên đòi đánh tôi mới chịu im. Chỉ khi lên cấp hai, tôi mới hiểu ra mình mãi mãi không có mẹ như bao bạn khác. Mẹ đi xa và sẽ không bao giờ trở về. Tôi không còn khóc đòi mẹ như lúc còn bé nhưng tiếng “Mẹ” sao cứ lúc xa lúc gần trong tâm thức.

Hồi đó, mỗi anh em chỉ có hai bộ quần áo đi học nhưng đều được ba giặt ủi phẳng phiu. Những ngày mùa đông, sáng nào, ba cũng pha sẳn nước nóng để chúng tôi thức dậy đánh răng, rửa mặt. Trời mưa, nhà dột trước dột sau, ba bảo anh em chúng tôi lên tấm phản khô ráo để ngủ còn ba thức để tát nước. Nửa đêm khi chợt thức giấc, tôi đều thấy mình nằm gọn trong vòng tay ba, hơi ấm của ba làm tôi và hai anh trai ngủ ngon lành, quên đi cơn mưa như trút nước, quên đi cái lạnh giá xung quanh. Vậy mà, tôi vô tư lắm, cứ mong mưa. Ngày nào mưa lớn tôi reo mừng hớn hở lvì được xem ba tát nước, có khi còn bắt được cá nữa. Nhớ nhất và vui nhất là những ngày chủ nhật, ba không nấu cơm, bốn cha con nhảy lên xe buýt ra Sài Gòn xem phim, rồi vào Thảo Cầm Viên đi xem voi và chơi đu quay. Lúc về, ba mua con vịt quay và mấy ổ bánh mì về nhà làm “đại tiệc”.

Cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, vậy mà ba vẫn thu xếp để cho anh em tôi không thua bạn kém bè, chỉ có ba là chịu đủ thiệt thòi. Ngày ấy chúng tôi còn quá bé để hiểu những hy sinh của ba…Dưới mắt mọi người, kể cả thầy cô và các bạn, không ai biết chúng tôi là những đứa bé mồ côi mẹ, vẫn thấy chúng tôi tươm tất và có cuộc sống đầy đủ, như được bàn tay mẹ chăm lo chu đáo. Cứ thế, ba anh em trai tôi cứ lớn lên vô tư, ngày hai buổi đến trường vui chơi cùng chúng bạn mà không hề biết nỗi nhọc nhằn của người vừa làm cha, vừa làm mẹ...
hương con rể một mình lầm lũi nuôi con, mỗi lần ở quê lên, bà ngoại tôi đều khuyên ba lấy vợ. Thậm chí có lần ngoại còn dắt theo một cô gái ở quê do ngoại “chấm”, nhưng ba vẫn lắc đầu...
Giờ đây, ba anh em tôi đều nối nghiệp ba làm nghề dạy học. Cuộc sống ngày nay đã đầy đủ hơn nhưng sao tôi vẫn thèm những món ăn ngày bé thơ do ba nấu, vẫn thèm con vịt quay thuở nào, thèm được nhảy lên xe buýt đi xem phim với ba...
Tôi được làm cha khi cũng vừa tròn ba mươi hai tuổi. Cái tuổi ngày xưa ba tôi một mình nuôi ba đứa con. Bồng bé Thuỳ Dương - con gái tôi - trên tay mà tôi cảm thấy lúng túng vì khó quá, sợ không biết cách sẽ làm đau con. Con bé thì cứ say sưa ngủ trong tay tôi, lâu lâu lại nhoẻn miệng cười đáng yêu.

Bà ngoại ở quê xa, bà nội không còn, vợ chồng tôi phải mua hàng đống sách về nuôi dạy con để tham khảo. Mỗi khi con ấm đầu, sổ mũi, ọc sữa... chúng tôi quýnh cả lên và thay nhau gọi ba để hỏi. Bé con mới ba tháng tuổi mà tôi đã nếm đủ bao hạnh phúc lẫn nhọc nhằn của bậc sinh thành. Nhìn ông nội chăm sóc cháu thành thạo, tôi cảm thấy khóe mắt cay cay khi nghĩ về ngày xưa một mình ba đã vất vả ra sao để lo cho ba đứa con. Vậy mà cho đến khi đã trưởng thành, chưa bao giờ tôi nghe ba một tiếng thở than... Người ta bảo: “Có làm cha mẹ mới hiểu và biết thương cha mẹ mình nhiều hơn” là thế.
Bé con ngủ ngon trong tay tôi. Con gái ơi! Con gái có cảm nhận được hơi ấm của ba như ngày xưa mỗi lần ba cuộn tròn trong tay nội ngủ ngon lành?
Giờ đây, mỗi lần cất tiếng ru con, tôi lại thích bắt đầu bằng câu hát ngày xưa của ba :“Gió đưa cây cải về trời”…
(Sưu tầm - Nguồn: Internet)


LỜI HAY Ý ĐẸP



-Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp. 
- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp. 
- Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp. 
- Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
- Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp. 
- Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
- Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp. 
- Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
- Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
- Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.
 



“Lời khẩn cầu” của chim bị phóng sinh













Để thể hiện đức hiếu sinh và mong muốn tích đức cầu may, nhiều người có thói quen mua chim, cá, rắn, rùa phóng thích chúng về với môi trường tự nhiên. Do lún sâu vào tham vọng được phát tài, phát lộc mà ngày càng nhiều người phớt lờ tình cảnh bi đát của những con vật mà họ phóng thả. Điều này đồng nghĩa với việc đã có hàng ngàn vạn con chim trời bị hành xác thảm thương và chết oan.

Đói, khát và… chờ chết! 

 Thực trạng bi đát ấy hiện diện rõ bên trong các lồng chim phóng sinh được bày bán tại khắp các ngôi chùa có đông khách đến dâng hương. Tại Tổ đình Hội Sơn, ngôi cổ tự có kiến trúc đậm chất phương Nam tọa lạc tại phường Long Bình (quận 9), ngay khi vừa bước vào cổng chính dẫn vào chánh điện, khách trẩy hội lập tức lọt vào vòng quay của đội quân bán chim phóng sanh với hơn chục chiếc lồng lổn ngổn những chú chim xác xơ lông cánh. Vỗ vỗ tay vào chiếc lồng đặc đen chim trời, trong đó có nhiều con đã "nhắm mắt, xụi cánh" với đôi chân bé xíu, khẳng khiu chĩa thẳng lên trên, bà chủ lồng chim sở hữu gương mặt tô son trét phấn đậm nét cho biết "trong lồng có hơn hai trăm con, chủ yếu là chim manh manh và chim sẻ". 


 Nhìn các lồng bán chim phóng sanh ở Tổ đình Hội Sơn, mới thấy có trên 80% số lồng có sự hiện diện của những chú chim bạc mệnh chết thẳng cẳng. Nhiều con ngắc ngứ, đầu cánh rũ rượi đang đậu trên cành cây án ngang chiếc lồng bị bầy đàn giành chỗ, giẫm đạp thấy mà thương. Chim chết nhiều quá nên một người đàn ông mở cửa lồng thọc tay vào trong lôi ra bỏ vào chiếc túi nilông màu đen. Ông này giải thích "tụi nó chết do đói, khát, mệt".
 
- Sao chú không cho chim ăn, uống để chúng khỏi bị đứt bóng?
 
- Hơi sức đâu mà làm chuyện đó! Cái giống chim phóng sanh này ngộ lắm, khi bị hốt vào lồng dẫu có cho ăn, cho uống gì chúng cũng chết thôi! Ngó mấy con ngáp ngáp vậy chứ mở cửa lồng là chúng bay vù vù đó!
 
Nhưng sự thực không như biện giải của người đàn ông nọ. Kịch liệt bài bác chuyện "thả chim phóng sanh tích đức", chị Mai Hương, một phật tử thường xuyên ghé chùa, lắc đầu: "Chim thú cũng như con người, đói khát mà được cho ăn uống thì sao có chuyện chẳng màng tới. Dân bán chim phóng sanh nhiều người ngộ lắm, họ cứ nghĩ trước sau gì cũng bán hết nên không để tâm đến chuyện đói khát của chim. Những con chim chết được họ bỏ vào bọc bán lại cho những quán ăn có trương bảng chim sẻ nấu cháo đậu xanh, nướng muối ớt đấy". Chị Hương cám cảnh: "Phục vụ cho mục đích tích đức của thiên hạ mà số phận của những con chim phóng sanh bi đát lắm, chúng bị bỏ mặc đói khát để chờ chết". 
 
Sinh - tử mặc bay

 Không chỉ Tổ đình Hội Sơn mà tại nhiều ngôi chùa khác an tọa trên đất Sài thành như chùa Châu Đốc III (quận 9), chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chùa Xá Lợi, Tổ đình Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Phật cô đơn ở Bình Chánh…, số phận chết thảm của những chú chim phóng sinh cũng được thể hiện rõ trong những chiếc lồng bọc lưới mắt cáo với con xác xơ lông cánh, con chỏng chân cứng đơ, con ngắc ngứ chờ chết… Nhưng khách ghé chùa không quan tâm đến điều đó. Họ nhìn những con chim chết thảm tặc lưỡi ra vẻ xót thương và sau đó dồn tâm trí vào việc mặc cả, hối người bán gom chim vào chiếc lồng nhỏ đặng phóng sanh tích phước.  


 Tại chùa Xá Lợi, một bà luống tuổi sau một hồi mặc cả "một chục sáu chục" (10 con chim giá 60.000 đồng) đã được người bán là một thanh niên thọc tay vào lồng tóm 20 chú chim cho vào chiếc lồng nhỏ. Bà nọ cầm chiếc lồng lên xốc xốc đặng kiểm tra chất lượng mẻ "hàng" rồi bảo anh nọ đổi 4 chú chim toàn thân đầy vết trầy trông ốm yếu bằng những chú chim mạnh khỏe.
 
Thấy vậy một bà khách xỏ xiên:
  "Mấy con ốm yếu vậy mới thực sự cần phóng sanh, đổi làm gì?".
Bà nọ đanh giọng đốp lại: 
"Chim mạnh khỏe thì thả chứ ốm yếu mà tháo cửa cho sổ lồng thì chúng cũng ngủm củ tỏi thôi. Thà để nó chết khuất mắt chứ chết do mình tiếp tay là tội ác đó" (???).
 Tại chùa Châu Đốc III, hoan hỉ mỗi người rinh một lồng chim, cặp vợ chồng nọ quỳ trước chiếc lư hương khổng lồ, 2 tay dâng cao lồng chim rồi lạy liên tục khiến lũ chim nháo nhào kêu la loạn xạ. Hành xác lũ chim xong, cả hai đến công đoạn mở cửa lồng. Chừng như do bị choáng nên có vài chú chim lao thẳng vào chiếc lư nhang đang tỏa khói hương nghi ngút, khiến mùi lông chim cháy tỏa khét lẹt. Nhiều khách lễ chùa thấy cảnh ấy bảo "sang chỗ khác mà thả" thì anh chồng gân cổ: "Sống có phần, chết tại số. Con nào mạng tận vận hết thì lủi vô thôi mà!".
 Sau đó cũng tại khu vực có chiếc lư hương khổng lồ ấy, chừng bực mình vì cửa lồng mở nãy giờ mà không chịu bay nên chú chim sẻ đuối sức bị chị nọ thọc tay vào lôi ra rồi tung ném lên trời. Chú chim tội nghiệp đập đập cánh vài cái rồi rơi tõm xuống sông. Chẳng động chút lòng từ, chị nọ oán trách: "Chỉ mỗi việc bay mà cũng không nên thân, chết là phải" (???).
 Tích phước hay tiêu diệt chim? 
 Trái với suy nghĩ của nhiều thiện nam tín nữ "phóng sanh giúp ích cho môi trường", hiện tượng ngày càng nhiều người đổ xô vào trào lưu mua chim thả tạo phước càng khiến hệ sinh thái bị xâm phạm nghiêm trọng. Để có nguồn chim phóng sanh ấy, đội quân thợ săn ngày lại ngày giăng bẫy ở khắp mọi nơi.
 "Điều đáng quan tâm là sau khi được thả ra, nếu không bị chết vì kiệt sức thì những chú chim phóng sanh ấy lại bị dính bẫy và bị bỏ đói, khát thảm thương. Vòng quay đầy bi kịch ấy sẽ tái diễn đến khi nào lũ chim trở thành… chim thiên cổ”. Sau trăn trở trên, chị Thu Hồng, phật tử chùa Xá Lợi, bày tỏ quan điểm: "Hầu như những người mua chim phóng sinh đều biết rõ những thảm cảnh sẽ đến với bầy chim mà họ phóng sanh nhưng tham vọng tích đức, cầu phước lộc đã lấn át lý trí, lòng trắc ẩn trong họ. Biết nhưng vì lợi riêng mà vẫn lao vào và gián tiếp gây thương tổn cho chim trời theo tôi là đáng phải lên án"