Friday, November 3, 2023

*** Ý NGHĨA DUY NGÃ ĐỘC TÔN

https://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2023/11/y-nghia-duy-nga-doc-ton.html

 

Ý NGHĨA DUY NGÃ ĐỘC TÔN

 HT THÍCH THANH TỪ

Ngày Lễ Phật đản, con người thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, đa số ai cũng thuộc lòng như thế.

Ngày trước khi còn trẻ, có một vị Phật tử thắc mắc hỏi: “Bạch Thầy, thường bài kệ phải đủ bốn câu, sao bài kệ này có hai câu, còn hai câu nữa ở đâu”? Nghe hỏi vậy, tôi chỉ còn cách là xin hẹn về tìm lại, vì thật ra lúc đó tôi cũng chỉ thuộc có hai câu.

Sau này đọc kinh A-hàm, tôi mới giật mình thực tình mình dốt rõ ràng. Trong A-hàm có ghi bốn câu đàng hoàng, chớ không phải chỉ hai câu. Bốn câu đó nguyên văn chữ Hán là:

Thiên thượng thiên hạ,

Duy ngã độc tôn.

Nhất thiết thế gian,

Sinh lão bệnh tử.

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về câu nói của Đức Phật khi mới ra đời. Con người sẽ thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển sai biệt ở chỗ nào? Gần đây Phật tử hay hỏi: 

Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?

Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã. 

Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi, có ý nghĩa gì? Đâu phải các Ngài không đọc qua bài kệ đó, nếu con người không nghiên cứu kỹ có thể bị nghi ngờ ở điểm này. Bởi vì tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân. 

Như con người đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”.

Trong kinh Kim cang có bài kệ 

“Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà. 

Giáo lý Phát triển đề cao ngã là cái ngã Pháp thân. Theo tinh thần Phật giáo Phát triển, con người tu phải giác ngộ được Pháp thân, mới giải thoát sanh tử. Từ đó ta thấy tinh thần Phật giáo Nguyên thủy và tinh thần Phật giáo phát triển có chỗ khác nhau. Phật giáo Nguyên thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát triển nhắm vào Pháp thân của con người, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng.  

Có một Phật tử hỏi: “Thưa Thầy, Phật tử tu theo đạo Phật, hiện tại bản thân, gia đình, xã hội có lợi ích gì”? Câu hỏi này rất thực tế, con người không thể lơ là được. Thật ra vấn đề được nêu lên không phải quá khó, nhưng nếu muốn dẫn lại để Tăng Ni ý thức trách nhiệm của người giảng dạy giáo lý. 

Con người giảng dạy giáo lý phải làm sao cho Phật tử thâm hiểu, ứng dụng tu hành có lợi cho bản thân, gia đình và xã hội, đó là trọng tâm của việc truyền bá Chánh pháp. Chính nhờ những câu hỏi này làm cho con người phải nghiên cứu kỹ lưỡng về giáo lý nhà Phật, dạy thế nào cho có lợi ích thiết thực, chớ không thể nói suông được.

Tôi thường dạy Phật tử tu là cốt chuyển đổi ba nghiệp thân, khẩu, ý. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển hóa, biến cái dở xấu trở thành cái hay tốt. Nói cụ thể hơn về tu ba nghiệp nghĩa là ngày xưa chưa biết tu vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm v.v... Bây giờ biết tu rồi thì không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Nếu tích cực hơn, hồi xưa vị đó sát sanh, bây giờ biết tu rồi chuyển lại chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, không phạm tội trộm cắp mà còn tập hạnh bố thí, không tà dâm mà còn khuyến khích những người chung quanh giữ hạnh trinh bạch.

Hồi xưa chưa biết tu ta nói dối, nói hai lưỡi, nói hung dữ, nói thêu dệt vô nghĩa. Bây giờ chặng đầu của sự tu là bớt nói dối, bớt nói hai lưỡi, bớt nói hung dữ, bớt nói thêu dệt. Qua chặng thứ hai phải tiến lên, khi xưa mình nói dối thì bây giờ luôn luôn nói lời chân thật; khi xưa nói hai lưỡi tức nói ly gián, bây giờ nói lời hòa hợp; khi xưa nói lời hung dữ ác độc, bây giờ nói lời hiền hòa nhã nhặn, khi xưa nói lời thêu dệt vô nghĩa, bây giờ nói lời hợp lý. 

Ngày xưa tâm ý nhiều tham, nhiều sân, nhiều si, bây giờ bớt tham, bớt sân, bớt si, đó là chặng số một. Qua chặng thứ hai, chẳng những bớt tham mà còn tập thương người cứu vật, chia sẻ giúp đỡ kẻ cơ hàn. Chẳng những bớt sân mà còn tập trải lòng từ bi đến khắp mọi người. Chẳng những bớt si mà còn tập mở mang trí tuệ theo Chánh pháp. Như vậy thay vì tham sân si, bây giờ đổi lại thành bố thí, từ bi, trí tuệ. Đó là tu. 

Nếu một Phật tử, bản thân không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, bớt tham sân si, như vậy có lợi ích chưa? Bản thân có lợi ích cụ thể rồi. Nếu một thành viên trong gia đình tốt như vậy, tự nhiên gia đình cũng an vui, xã hội cũng tốt theo. Rõ ràng việc tu có lợi ích thiết thực cho mọi người và xã hội.

Lúc tôi đi giảng ở Rạch Giá với thầy Huyền Vi, đề tài giảng là giáo lý Nhị thừa. Trong đó nói về tứ thiền, bát định cho tới tứ quả Thanh văn. Vì thuộc bài nên tôi giảng tương đối cũng rõ. Sau khi giảng xong, có một Phật tử quỳ thưa: “Thưa Thầy, Thầy giảng về tứ thiền, bát định và tứ quả Thanh văn, chúng con nghe hiểu rồi, nhưng xin hỏi thật trong các tầng thiền định và quả vị đó, Thầy đã chứng được cái nào rồi”?

Lúc đó tôi ngớ ngẩn, không trả lời được. May nhờ thầy Huyền Vi ngồi bên cạnh lanh trí, trả lời dùm tôi: “Đạo hữu quên rồi sao, trong kinh thường nói người tu chứng giống như kẻ uống nước nóng lạnh tự biết, làm sao nói cho đạo hữu nghe được”. Lần đó Thầy Huyền Vi đã trả lời cứu bồ tôi. Nhưng thật tình, khi ấy tôi rất đau. Tại sao? 

Chúng tôi cứ quen học hiểu, mà không có thì giờ tu. Một đêm nhiều lắm là tụng kinh đủ hai thời, đôi khi thiếu nữa. Nhất là làm giảng sư được quyền nghỉ để nghiên cứu bài vở, nên tu lếu lếu thôi, chẳng có tới đâu. Chừng khi giảng mình học bài kỹ, nói cho người ta nghe hiểu, Phật tử tưởng mình đã chứng khá khá rồi, khi hỏi lại mình chới với không giải quyết được. Gặp phải câu hỏi trên, lòng tôi bất an vô cùng, vì thấy mình giống như cái máy thâu thanh. Thu lời của những bậc thầy đi trước, rồi phát ra y như vậy, chớ bản thân chưa có gì hết. Do đó tôi thầm nguyện, lúc nào đủ duyên mình phải tìm chỗ tu để yên lòng một chút, chớ nói hay mà làm không được, thật khổ tâm quá. Đó là lý do sau này tôi tìm lên núi tu thiền. 

Tôi kể lại những điều này cho Tăng Ni thấy bổn phận của một người Thầy không giản đơn như mình tưởng. Ta phải nói thế nào cho người hiểu, kế họ hỏi tới công phu tu hành mình cũng phải biết, không thể lúng túng được. Muốn thế con người phải có tu. Tu thế nào? Trong các thời khóa tụng của nhà thiền, thường nhất là kinh Bát-nhã. Bát-nhã là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch trí tuệ, loại trí tuệ siêu xuất thế gian, chứ không phải trí tuệ thường. Muốn bước vào cửa thiền trước tiên phải thâm nhập lý Bát-nhã. 

Lý Bát-nhã còn được gọi là cửa Không. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Tại sao con người tu thiền phải đi từ cửa Không? Vì nếu thấy thân này thật, đối với ngoại cảnh, từ con người cho tới muôn vật, con người đều thấy thật hết thì tâm sẽ chạy theo nó. Bây giờ, muốn tâm không chạy theo, con người phải quán sát kỹ tất cả sự vật ở ngoài cũng do duyên hợp, không thật. Cái nhà từ khoảnh đất trống, ta dựng cây cối, gạch ngói v.v… để thành cái nhà. 

Do vậy cái nhà là tướng duyên hợp. Do duyên hợp nên có ngày nó phải bại hoại, tường vách đổ sụp. Những gì duyên hợp đều hư dối. Từ cái nhà cho đến mọi sự mọi vật, có thứ nào không phải duyên hợp đâu, nên chúng sẽ đi đến bại hoại. Biết rõ như vậy mới không dính mắc với cảnh bên ngoài. Không dính mắc ngoại cảnh thì tâm mới an định được, còn dính mắc thì không bao giờ an định.

Thí dụ như quý Phật tử vừa mới to tiếng với ai đó chừng nửa giờ, bây giờ vô ngồi thiền có yên không? Vừa ngồi vừa tiếp tục cãi, không cãi bằng miệng mà cãi bằng tâm. Họ nói câu đó là sao, mình phải trả lời thế nào cho xứng v.v… cứ ôn tới ôn lui hoài. Vì con người thấy câu nói thật nên không bỏ được. Nếu ta quán con người đó không thật thì lời nói của họ có thật đâu, tất cả là chuyện rỗng, có gì quan trọng. Thấy vậy liền buông nhẹ. Buông được thì ngồi thiền mới yên. Cho nên trước tiên bước vào cửa thiền, con người phải đi từ lý Bát-nhã, dẹp bỏ tất cả những cố chấp của mình. 

Kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc” nghĩa thế nào? Bây giờ tôi dẫn câu chuyện xưa thế này. Đời Đường, có hai vị thiền sư trẻ Trí Tạng và Huệ Tạng, đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Một hôm hai huynh đệ ra ngoài vườn chơi. Ngài Trí Tạng hỏi ngài Huệ Tạng:

- Sư đệ biết bắt hư không chăng?

Ngài Huệ Tạng trả lời:

- Biết.

- Làm sao bắt?

Ngài Huệ Tạng liền đưa tay ra ôm hư không. Ngài Trí Tạng quở:

- Bắt như vậy làm sao được hư không?

Ngài Huệ Tạng hỏi:

- Huynh làm sao bắt?

Ngài Trí Tạng liền nắm lấy lỗ mũi Huệ Tạng lôi đi. Ngài Huệ Tạng la:

- Nắm như vậy chết người ta, buông ra!

Ngài Trí Tạng nói:

- Bắt như vậy mới được hư không. 

Câu chuyện này có đạo lý gì? Lỗ mũi tuy là hình thức vật chất, nhưng bên trong trống rỗng. Nắm cái sắc thì trong đó đã có cái không rồi. Đây là nghĩa sắc tức thị không. Nếu ôm hư không bên ngoài thì làm sao nắm được hư không? Như bình hoa trước mắt con người, nếu bỏ mấy cọng hoa mỗi nơi mỗi cái thì bình hoa không còn. “Bình hoa” là giả danh, do đủ duyên hợp lại mới có, nếu thiếu duyên bình hoa không còn nữa. Nên nói thể bình hoa là không, do duyên hợp tạm có. Ngay nơi bình hoa con người biết tánh nó là không. Tuy tánh không nhưng đủ duyên hợp lại thì thành bình hoa. 

Như vậy lý không ở đây không phải không ngơ, mà là không có chủ thể cố định. Duyên hợp tạm có, duyên ly tán trở về không. Hoa khi phân tán khắp nơi, chỉ còn lại bình không, nếu ta cặm vào đó các hoa khác thì có bình hoa trở lại, nên nói “không tức là sắc”. Rõ ràng sắc và không đều không thật. Nói sắc nói không nhằm chỉ ra lý duyên hợp, đủ duyên thì không biến thành sắc, thiếu duyên thì sắc biến thành không. Nên ngay khi duyên hợp, tánh nó vẫn là không. Vì vậy kinh Bát-nhã nói “không” tất cả: không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, không sắc, thanh, hương… Không là nói đến thể của tất cả các pháp. Tất cả pháp chỉ có giả danh, không có thật thể. 

Từ đó con người dùng trí quán xét hết các sự vật bên ngoài, đều là duyên hợp tánh không. Biết như thế là tỉnh, hết mê. Cho nên biết được lý tánh không rồi, con người mới bỏ được vọng tưởng điên đảo, các vị Bồ-tát mới có thể tu hành tiến lên thành Phật. Dùng trí tuệ Bát-nhã tức là dùng thanh kiếm bén ruồng hết sáu trần, không chấp không kẹt. Không chấp thì ngồi thiền êm ru, không nghĩ, không tính. Vừa chợt nhớ gì liền tự nhắc “Nó giả dối, có thật đâu mà nhớ”. Thế nên bước vào cửa Không phải thấy rõ: 

Một, tất cả cảnh sắc đều hư dối, tự tánh là không.

Hai, thân tứ đại duyên hợp hư dối, tự tánh là không. 

Ba, tâm vọng tưởng sanh diệt hư dối, tự tánh là không. 

Biết ba cái đó không thật rồi, con người phải tìm cho ra cái chân thật. Đây là chỗ thiết yếu hành giả tu thiền cần phải biết. Cái thật đó lâu nay con người không nhớ không biết nên chạy theo trăm thứ đảo điên. Bây giờ ta phải nhớ để nhận ra và sống lại với cái chân thật của chính mình, thì mới chấm dứt sanh tử và đau khổ.

Hiểu rõ và thực hành đúng lời Phật dạy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mới có thể đền ân Phật Tổ và đầy đủ tư lương để trả nợ đàn na tín thí.

 

THA THỨ CHO NGƯỜI 

TK Thích Chân Tuệ

 

Một thiền sinh hỏi:

“Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”

Vị sư phụ đáp:

“Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ”.

Vài hôm sau, người đệ tử trở lại:

“Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!” 

Sư phụ đáp:

“Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ”.

Người đệ tử gải đầu:

“Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”

Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.

Sư phụ gật gù bảo:

“Tốt ! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy”.

Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở.

Anh tuyên bố:

“Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”

Sư phụ cười:

“Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ”.

SUY NGẪM:

Câu chuyện thật ý nghĩa, con người có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho con người đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống. 

Tha thứ giúp cho con người mở rộng lòng yêu thương, giúp nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung. Tha thứ chính là một quá trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi con người thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công, con người sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ. Từ đó giúp cho con người không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù, để tránh tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai, lại phải nhận sự khổ đau. Qua đó, con người nhận rõ sự tha thứ giúp cuộc sống được an ổn trong hiện tại và tương lai. Vì vậy, có thể nói rằng: “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”, vì khi buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an. 

Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả. Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, con người thấy rõ như một trình tự khi biết tha thứ, bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung, hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả, đã cho con người sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”. 

Trên bước đường tu tập của người con Phật, con người phải cảm ơn những bậc thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để có cơ hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình.  

Nghịch tăng thượng duyên là vậy !

Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến thì dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện, đang biến mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn tự đánh mất chính mình lúc nào không hay.

Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng để con người có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả”!

Việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ không phải đơn giản và dễ dàng, nhưng cũng không phải là quá khó nếu mình muốn. Từ đó, con người đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc sống của chính mình với mọi người xung quanh để có được sự bình an hạnh phúc chân thật!

Cổ Đức có câu này: 

Càng buông bỏ dưới chân này. Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao. Tha thứ hay không tha thứ là lối suy nghĩ nhị biên. Con người thường sống trong thế giới nhị biên nên thường phiền não và khổ đau. Thế giới nhị biên là sự suy nghĩ: thị/phi, đúng/sai, phải/quấy, tốt/xấu, trắng/đen. Người nào đạt được "thế giới bất nhị", hay hiểu được và hành được "pháp môn bất nhị", người đó đạt an lạc và hạnh phúc, xa hơn, người đó đạt được "giác ngộ và giải thoát".  

 

PHẬT TÁNH BÌNH ĐẲNG

TKN. Thích Nữ Chân Liễu

Pháp vũ đồng lưu, lưu bất đoạn

Phật đăng phổ chiếu, chiếu vô cùng

*

Mưa pháp tràn lan, lan chẳng dứt

Ðèn từ rạng chiếu, chiếu không cùng.

(Tổ Khánh Hòa)

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Phật Giáo đồ khắp năm châu đã đón nhận ánh sáng khai ngộ của Ðức Phật bằng sự chân thành cung kính và tri ơn vô cùng vô tận. Khi còn là Thái tử Tất Ðạt Ða, nhận thấy cảnh sanh lão bịnh tử, đem đến sự thống khổ cho nhân loại, Ngài quyết tâm ra đi tìm đạo giác ngộ giải thoát cho chúng sinh.

Trải qua nhiều chặng đường cầu đạo gian lao, với sáu năm kiên trì khổ hạnh, Ðức Phật đoạn trừ được hết tham ái, lậu hoặc và vô minh, chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, trở thành Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi đắc đạo, Ðức Thế Tôn nhắn gởi nhân loại thông điệp:

 “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong Phật tánh, không phân biệt giai cấp quí tộc hay hạ tiện. Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”.

Nghĩa là không có giai cấp phân biệt trong Phật tánh, khi mê lầm là chúng sanh, khi giác ngộ sẽ thành Phật. Ai cũng có Phật tánh giống nhau và có thể tu hành để thoát vòng luân hồi sanh tử. Ðó chính là “Sự Bình Đẳng Trong đạo Phật” chân thật tuyệt đối.

Bình Ðẳng Tánh Trong Nhân Gian:

Xưa kia, xã hội sống dưới sự thống trị của giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Do đó, tạo ra nhiều bất công và bất bình đẳng về vật chất, quyền lợi và địa vị. Nhân gian thống khổ lầm than, đấu tranh, hận thù, chết chóc luôn xảy ra. Vì phải chịu đựng sự áp bức bất công, đau khổ, nghèo đói, và ly tán, người dân thường hay cầu khẩn, van xin, để được nhiều điều ước muốn bình an như ý. Họ tìm tới những thuật sĩ và đạo sĩ, chuyên dụ dẫn mê hoặc tín đồ nhẹ dạ, nhắm mắt tin tưởng những vị thần thánh huyền thoại tưởng tượng, đầy vạn năng, có thể ban phước giáng họa theo lời cầu khẩn van xin.

Dựa vào những ảo tưởng mơ hồ đó, thường không được như ý, con người chìm đắm trong đau khổ và thù hận, chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Ngày nay, luật pháp do con người đặt ra, tôn trọng nhân quyền trong xã hội tuy có tiến bộ, bình đẳng được cải thiện trong một số lãnh vực cần thiết về đời sống, đạo đức được đánh giá cao, nhưng đó chỉ là bình đẳng tương đối trong thế gian mà thôi.                       

Trong đời sống gia đình, giữa vợ chồng, con cái, sự bình đẳng được đặt vào vị trí cho từng thành viên. Ðạo đức giữa vợ chồng là phải có sự tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm về sự trưởng thành của các con. Phận làm con cũng phải vẹn tròn hiếu đạo đối với cha mẹ.

Như vậy ngay trong gia đình, sự bình đẳng tương đối đem lại an lành và hạnh phúc. Ðạo đức xã hội được cải thiện, đời sống bớt đi tranh chấp, phân biệt đối xử, phải trái, hơn thua, được mất, giấc ngủ mọi người tương đối được bình yên.

Người hơn thì thêm oán

Kẻ thua ngủ chẳng yên

Hơn thua đều xả bỏ

Giấc ngủ được bình yên.

Bình Ðẳng Tánh Trong Nhân Quả:

Chân lý nhân quả chi phối việc thiện ác từ quá khứ, hiện tại và vị lai, trong nhiều đời nhiều kiếp. Những hành vi thiện ác đều bình đẳng trong nhân quả, không có sự biệt trừ. Ai tạo nhân lành thì hưởng kết quả an vui, ai gieo nhân ác thì lãnh hậu quả đau khổ. Con người nếu biết dừng các nghiệp nhân xấu ác, bất thiện từ trước, ngày nay biết tạo nhiều nghiệp nhân thiện lành phước báu; đến khi nghiệp quả, nghiệp báo xảy đến, còn gọi là quả báo, con người cũng phải đền trả, nhưng nhờ có phước báo nên chỉ đền trả một cách nhẹ nhàng hơn. Ðó chính là “Bình đẳng tánh trong nhân quả”. Kinh Pháp Cú có dạy:

Hận thù diệt hận thù                          

                       Trên đời không thể có

Từ bi chuyển hận thù

Hận thù sẽ tự diệt.

Như muốn được an lạc hạnh phúc, con người phải biết xả bỏ oán kết với người, lấy ân báo oán, oán nghiệp sẽ tự tiêu tan. Người muốn tạo phước đức, để không phải đền trả quả báo một cách nặng nề do nghiệp nhân cũ, trước hết phải tự thanh lọc thân khẩu ý cho toàn thiện, tự chế tham sân si của bản thân, tu nhân tích đức, giúp đỡ người hoạn nạn. Ðó là phép tu chuyển nghiệp tốt nhất.

Tự thân mỗi người khi sanh ra trong thế gian này đều khác nhau về hoàn cảnh, phước báo, khả năng, thể chất, tri thức. Hiểu rõ được các sai khác này là sự suy nghĩ chân chánh, trong bát chánh đạo gọi là chánh tư duy. Từ đó, chúng ta sẽ sống vì người, nghĩa là không so đo, không hơn thua, không ganh ghét đố kỵ và không thù hằn vô cớ với người.

Chúng ta cảm thấy vui với hạnh phúc của người, biết chia sẻ nỗi khổ của người bất hạnh, biết cách đối xử với nhau bằng sự chân thật của lòng bình đẳng vị tha. Nếu con người luôn sống đời phạm hạnh đạo đức, tâm tánh bình đẳng khiêm cung, lòng bao dung và bình đẳng với người kém phước hơn mình, chính là nhân lành đem về kết quả an vui. Sống trên đời không ai muốn bị sỉ nhục, tài sản bị chiếm đoạt, hay bị mất thân mạng. Những hành động tốt giúp đỡ người cô thế, an ủi người bị thất bại, lòng tôn trọng người sẽ được người tôn kính trở lại.

* Tôn trọng nhân phẩm của mọi người.

* Tôn trọng tài sản của mọi người.

* Tôn trọng sinh mạng của mọi người.

Bình Ðẳng Tánh Trong Ðạo Phật:

Ðức Phật như một tấm gương sáng ngời, đạo hạnh của Ngài chuyển hóa được xã hội đầy những chia rẽ, bất công, trở về đời sống đạo đức. Giáo lý của Đức Phật là sự bình đẳng công bằng tuyệt đối, đem mọi người trong xã hội ngồi gần lại với nhau. Đạo Phật dạy, giữa người với người một cái nhìn khinh mạn, một cử chỉ chê cười cũng không nên có.

Ngày nay, mọi người gặp nhau trong chùa, thường chắp tay chào nhau một cách cung kính, đó là thể hiện sự trân trọng Phật Tánh bình đẳng sẵn có của mỗi người, không phân biệt tại gia hay xuất gia, hoặc tướng giàu, tướng nghèo, địa vị cao hay thấp. Khi chào nhau như vậy, tâm con người trở nên khiêm hạ vô tư, tinh thần bình đẳng trong đạo Phật là không thấy mình lễ và không phân biệt người nhận lễ. Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Ðó là hình ảnh thật đẹp và cao quí vô cùng của những người biết tôn trọng “Sự bình đẳng trong Đạo Phật”.

Căn bản của đạo Phật là sự sáng suốt ngay tự thân tâm thanh tịnh, rèn luyện người tu đức tánh bình đẳng bằng Phật tâm, Phật tánh. Con người muốn tu phải diệt lòng tham lam, sân hận, si mê và ích kỷ ngã mạn, chân thật cao thượng theo lời Phật dạy. Sự tôn trọng nhân phẩm tất cả mọi người, từ hành động thân khẩu ý đều do tâm từ thanh tịnh mà ra. Đạo Phật khuyến khích con người tu tâm dưỡng tánh, khai mở trí tuệ, tăng trưởng thiện căn, tạo nhiều phước đức, an lạc và hạnh phúc khắp mọi nơi. Kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:

Tâm dẫn đầu mọi pháp

Làm chủ và tạo tác

Lời nói hay hành động

Với tâm từ thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình.  

 

Diệu Dụng Của Sự Bình Đẳng Tánh:

Khi bản tánh cao thượng của con người không còn thấy ai hơn ai kém, không còn tánh kiêu căng ngã mạn, con người sống trong Phật tánh sáng suốt của “Phật tánh Bình Đẳng ”, nghiã là luôn luôn sống với tâm giống như chư Phật. Sự an lạc chân thật của người có tâm hạnh bình đẳng ảnh hưởng đến những người thân sống chung quanh, cũng là gương giác ngộ sáng suốt lợi tha hiệu quả vô cùng.

Tuy con người mê ngộ không đồng, nhưng Phật tánh đều bình đẳng. Người biết cách tu, không phân biệt tại gia hay xuất gia, có được tánh khiêm cung và bình đẳng, sẽ gặt hái được rất nhiều điều lợi ích cho cuộc sống. Muốn có được công đức và phước đức, dùng làm chiếc thuyền vượt qua biển khổ phiền não vô cùng vô tận từ nhiều đời kiếp, chúng ta cố gắng làm được 10 điều sau:

Tâm cầu đạo, nhiệt thành tinh tấn

Biết hổ thẹn, ghê sợ tội lỗi

Không độc hiễm, thù oán hại người

Không ganh tỵ, đức tánh trong sạch

Không bỏn sẻn, tâm từ quảng đại

Không khinh người, nếp sống đạo đức

Tu đạo hạnh, trau giồi Phật pháp,

Làm từ thiện, giúp đời cứu người

Biết hy sinh, vì người quên mình.

Hành việc đạo, sáng suốt khôn ngoan.

Ðức Phật thành đạo ngay cõi ta bà và thuyết pháp độ sanh suốt 45 năm cho đến lúc nhập diệt, để lại bao nhiêu lời dạy vàng ngọc quí báu hơn cả trân châu trong cõi đời. Tâm đại từ đại bi như cha lành thương con, tất cả đệ tử đều phải nương vào giáo lý của đức Thế Tôn trao truyền mà được giác ngộ sáng suốt theo chánh đạo, không đi sai đường vào tà đạo. Ðức Phật dạy ba môn học “Giới Ðịnh Tuệ” làm căn bản, nghĩa là hành giả tu theo Phật phải tự thắp đuốc lên mà đi, để biết đường mà tu, biết đạo mà hành.                           

- Giới là những điều luật giữ cho con người không tạo nghiệp ác.

- Ðịnh là sự hành trì tu tập đoan chánh đi đến nhất tâm không còn loạn động.

- Tuệ là sự giác ngộ sáng suốt giải thoát sanh tử, đoạn tận vô minh.

Tóm lại, đạo Phật là đạo giác ngộ và giải thoát, đức Phật là bậc từ bi và trí tuệ cao tột. Trí tuệ giác ngộ biết đời sống vô thường, sanh diệt không ngừng, con người chuyển biến từ sanh, lão, đến bịnh, tử; và hiểu được sự bình đẳng vô phân biệt của Phật tánh.

Tâm từ bi đưa con người đến sự giải thoát phiền não của nghiệp chướng nhiều đời kiếp. Người tu biết trưởng dưỡng tâm từ bi, biết giữ giới, tu thiền định, được trí tuệ, tự tu tự độ sẽ được giải thoát khỏi khổ đau và sanh tử luân hồi. Ðó là con đường thành đạo quả chánh đẳng chánh giác mà Ðức Thế Tôn đã đi và chỉ dạy với tâm đại từ đại bi cao thượng.

Trong Kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát đã giác ngộ được Phật tánh bình đẳng cao thượng, gặp ai Ngài cũng nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”.

Phật tánh bình đẳng là sự giác ngộ và giải thoát của Phật tâm, Phật tánh nơi tự thân mỗi con người. Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa. Chánh pháp của đức Phật mãi mãi là con đường tiến đến tâm hạnh thiện lành trọn vẹn cho người tu, và đem lại đời sống đạo đức cao thượng, để không còn cái ta khổ đau và phiền não nữa. Chân lý tối thượng vượt trên tất cả chính là “Phật tánh bình đẳng” vô ngã tuyệt đối. []

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


GIÁ TRỊ CON NGƯỜI (CTLĐ TẬP 3)

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/08/gia-tri-cua-con-nguoi-cu-tran-lac-ao.html

ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/01/au-nam-i-chua-ung-chanh-phap.html

PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG?

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/02/phat-giao-co-me-tin-khong.html

DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/02/dang-so-cau-cung-sao-giai-han.html

LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT?

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/05/lam-sao-tu-theo-uc-phat.html