TK Thích-Chân-Tuệ
Dâng sớ cầu an
Tiền mất tật mang
Cúng sao giải hạn
Tai nạn vẫn tới
Thiền môn chân chánh
Dạy người thực hành
Tu tâm dưỡng tánh
Theo bát chánh đạo
Việc ác không làm
Nên làm việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Như chư Phật dạy
* *
Trong đời sống này, dù đông hay tây, Việt Tàu Phi Ấn, Anh Pháp
Mỹ Nga, hễ là người ta, không hề phân biệt, dù nam hay nữ, biết chữ hoặc không,
tông môn giáo phái, tín đồ tu sĩ, bác sĩ luật sư, xuất xứ ngành nghề, trẻ già
bé lớn, thường dân quan chức, học thức ít nhiều, không điều riêng tư, da trắng
da đen, da vàng da đỏ, không bỏ một ai, thảy đều thường gặp: những chuyện may
rũi, chuyện được chuyện mất, chuyện hên chuyện xui, chuyện vui chuyện buồn,
luôn luôn thay đổi, trong mỗi phút giây, lúc được tán thán, khi bị phỉ báng, nhiều khi chán ngán, cái cảnh tình đời, lúc
được lên voi, khi bị xuống chó, không ai thèm ngó, vợ bỏ con chê, lúc được lên
hương, khi bị lọt mương, hết đường chạy chọt, lúc được hiển vinh, khi bị tủi
nhục, ở tù rục xương, lúc được sung sướng, khi bị khổ đau, không sao kể xiết.
Những lúc vui sướng, cuộc đời lên hương, chỉ biết thụ hưởng, phủ phê hỉ hả,
không nhớ gì cả. Nhưng khi quá khổ, chịu đựng không thấu, tranh đấu đảo điên,
khổ nạn liên miên, bấy giờ mới nhớ, đến chuyện cầu nguyện, khấn vái thần linh, van xin bồ tát, khẩn cầu thượng đế, ban cho
phép lành, dành cho phép lạ, hy vọng cầu may, đổi thay vận mệnh.
Bởi vậy cho nên, mỗi
dịp đầu năm, sau tết nguyên đán, mùng tám tháng giêng, người ta thường hay,
chạy ngay vào chùa, nhân mùa thượng ngươn, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, cầu cho nạn khỏi, cầu cho tai qua, cầu cho
toàn gia, bình an vô sự, kể từ đầu năm, chí những cuối năm. Sẵn dịp trăng rằm, cầu luôn đủ thứ: nào được
buôn may, gặp hên bán đắt, một vốn bốn lời, nhất bổn vạn lợi, không đợi kiếp
sau, kiếp này trúng số, con cháu đỗ đạt, tiền bạc như nước, sắm xe tậu nhà, tha
hồ sung sướng. Các chuyện cầu nguyện, van xin cầu khẩn, khấn vái như vậy, có thực hay không, có được gì không?
Người thì nói có, hễ cầu thì được, linh ứng vô cùng, nên tin là
có, mất mát gì đâu. Kẻ lại nói không, trông chi chuyện đó, nằm mơ thì có, mở
mắt tay không, không vẫn hoàn không, uổng công dâng sớ, mất tiền cúng sao, mau mau
tỉnh thức! Tại sao như vậy? Bởi vì, thử hỏi: Sớ kia ai đọc? đọc cho ai
nghe? chấp nhận hay không? thực không ai biết! Sao nọ ở đâu? ảnh hưởng
thế nào? thực không ai biết! Hãy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau, xét thử xem
sao, cái chuyện đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, có đúng chánh pháp, có ích lợi gì, thực tế hay không? Thực ra nếu như, người ta tu nhân, tích phước
nhiều đời, từ trước đến nay, thì được gặp may, không cần cầu nguyện, chẳng cần
van vái, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Những người đạo khác, đâu có bận
tâm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng họ có phước, họ vẫn gặp may, tiêu
tai khỏi nạn, tam tai đại hạn, chẳng nghĩa lý gì, chẳng cần cúng sao, tào lao
quá xá! Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?
Bởi theo thông lệ, từ
xưa tới nay, nhiều người thường hay, vào chùa đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao
giải hạn, nhưng mà tai nạn, vẫn tới ào ào, làm sao giải thích? Theo đúng chánh pháp, chúng ta phát tâm, giúp
đời giúp người, gặp chuyện khó khăn,
khốn khó khổ đau, cùng nhau tu tập, hạnh nguyện bố thí, tài thí pháp thí, cùng
vô úy thí, cứu nhân độ thế, giúp đỡ tiền của, giúp công giúp sức, giúp lời chỉ
dẫn, khuyên lơn an ủi, cho người bớt lo, cho đời bớt khổ, bớt cơn sợ hãi, thấy
đâu là phải, việc đúng thì làm,
đúng với chánh đạo. Làm được như vậy, chúng ta được phước, dù
không mong cầu, chắc chắn không nghi. Khi tích được phước, dù ít hay nhiều,
phước báo lai đáo, nghiệp báo tiêu trừ, chúng ta gặp may, tai qua nạn khỏi, gặp
thầy gặp thuốc, tưởng như phép lạ.
Thử xét thí dụ: trên chuyến phi cơ, xe hơi xe lửa, xe đò tàu thủy, chỉ khi gặp
nạn, mới biết người nào, có phước bao nhiêu. Người nào phước nhiều, thoát nạn
hiểm nguy, đường tơ kẻ tóc, một cách lạ lùng, hoàn toàn an ổn, người đời cho
là: phép lạ hiển linh, thần linh cứu độ, người đó số hên, cho nên mạng lớn.
Người nào kém phước, cũng được người cứu, chậm hơn một chút, xây xát ít nhiều,
người đời cho là: người đó cũng hên, nên còn cứu kịp. Người nào vô phước, rước
họa vào thân, các kẻ ác nhân, làm việc thất đức, không chịu tích phước, chẳng
chịu tu nhân, thân không giữ được, người đời cho là: tới số mạng vong, không ai
cứu nổi! Lúc gặp hiểm nguy, người cầu Đức Mẹ, kẻ khấn Quán Âm, lâm râm
cầu nguyện. Nếu như cả hai, cùng được thoát hiểm, vị nào cứu họ? Còn nếu cả
hai, đều bị thảm tai, chúng ta thử hỏi: Hai ngài ở đâu, chẳng nghe kêu cứu? Bác
ái từ bi, sao nghe chẳng cứu? Thực ra đó là: chẳng có vị nào, cứu hay không cứu, các người gặp
nạn. Chúng ta nên biết, sự thực chính là: chỉ có phước báu, do ở thiện tâm, cứu giúp con người, khi gặp tai biến, dù ở nơi
đâu, trên đất trên không, trên sông trên biển. Còn phước thì sống, hết phước
mạng vong, đừng mong cầu khẩn, hãy mau giác ngộ.
Trong Kinh A Hàm, Đức
Phật có dạy: Chỉ có phước báo, mới
có thể làm, giảm thiểu nghiệp báo. Phước báo là do, việc làm phước thiện, chính
mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế ban cho, hay do cầu nguyện. Nếu cầu
nguyện được, tại sao nhiều người, cùng cầu cùng nguyện, kẻ chết người sống? kẻ
qua người vướng? Chúng ta nên biết, sự thực chính là: người nào tích phước, từ trước đến nay, không cần
cầu nguyện, cuộc đời cũng an, ít gặp nguy nan, ít có sóng gió, ít có trắc trở, đở bớt phiền
muộn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó
hoá dễ. Khi tích phước đức,
dù ít hay nhiều, đều được hưởng phước, rước được điều may, không hay thất bại,
tại thế an vui, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, không chuốc ưu phiền,
người hiền thường gặp, bệnh tật tiêu trừ, tưởng như phép lạ. Còn như cầu
nguyện, mà không tích phước, thì cũng như không, chẳng nên trông mong, phép lạ
xảy đến! Nghiệp báo cũng do, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế
thần linh, hay bất cứ ai, xúi bảo mình làm.
Chính do tâm tham, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin
tiền tài, giàu sang sung sướng, một chút phẩm vật, nhỏ nhoi chút xíu, dâng cúng
cho chùa, nhà thờ đền miếu, cầu xin bạc triệu, liệu còn chưa đủ, ngủ nghỉ ăn
uống, muốn danh muốn lợi, tài sắc phù du, muốn tu nên bỏ. Chính do tâm sân, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin
thắng kiện, tàn hại kẻ thù, triệt hạ đối thủ, người họ không ưa, vui mừng khi
thấy, kẻ thù thê thảm, sống trong khổ nhục, chết cũng không xong, họ mới hài
lòng. Chính do tâm si, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu nguyện vãng sanh, tây
phương cực lạc, mà không cần tu, không gìn giữ giới, ngay trong hiện đời, đợi
lúc hấp hối, nói với người nhà, rước nhiều ông bà, đến nhà hộ niệm, chỉ niệm
mười tiếng, liền khiến được lên, cảnh giới Di Đà: thiệt là vô minh!
Trong Kinh A Hàm, Đức
Phật có dạy, thí dụ như sau: Nếu
một người nào, phải bị trừng phạt, nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ, biết là
dường nào. Nếu bỏ nắm muối, vào một tô nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu,
hơn một chút xíu. Nếu bỏ nắm muối, vào một lu nước, rồi mới phải uống, thì sẽ
dễ chịu, nhiều hơn chút nữa. Nếu bỏ nắm muối, vào một hồ nước, rồi mới uống
vào, thì dễ như không, không còn lớn chuyện. Nắm muối tượng trưng, cho các
nghiệp nhân, bất thiện chẳng lành, con người đã tạo, từ trước đến nay, bây giờ
phải lãnh, nghiệp quả nghiệp báo, nói chung đó là: quả báo khổ đau,
không sao tránh khỏi. Chỉ có phước báo, ít hay là nhiều, tượng trưng tô nước,
lu nước hồ nước, mới có thể giúp, con người vượt qua, sóng gió ba đào, nạn tai
đau khổ, như vậy mà thôi. Đó mới thực là: chí công vô tư. Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.
Con người nên lo, dừng nghiệp chuyển nghiệp, tự mình suy xét, chính bản thân mình, đừng nhìn người khác, tu sửa ba nghiệp: thân
khẩu và ý, đừng làm bậy bạ, đừng nói tốt xấu, đừng nghĩ vẫn vơ, ngay từ bây
giờ, đừng đợi đến khi, nghiệp báo xảy ra, dù có rên la, không còn kịp nữa,
nghiệp báo vay trả, chẳng ai thoát cả, van xin cầu khẩn, thì cũng muộn màng!
Cầu nguyện van xin, dù tin hay không, thực sự chẳng giúp, chẳng ích gì đâu. Hãy
thử suy nghĩ: Tại sao như vậy? Bởi vì các vị, giáo chủ giáo phẩm, giáo quyền
cao cấp, giáo hội trung ương, giáo sĩ địa phương, một khi tai ương, đến lúc xảy
ra, là ai cũng vậy, cũng phải trả nghiệp, đã tạo trước kia, nhiều đời nhiều
kiếp, hoặc trong kiếp này, cũng bị nguyền rủa, vu khống cáo gian, xử án khổ
nạn, bắt bớ giam cầm, ám sát giết hại, dù là người thân, cũng không thay được.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: Dù cho lên non, xuống biển vào hang, nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người, như hình với bóng, không ai có thể, tránh được thoát được.
Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: Dù cho lên non, xuống biển vào hang, nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người, như hình với bóng, không ai có thể, tránh được thoát được.
Tóm lại xưa nay, cuộc đời đổi thay, vui buồn sướng
khổ, cũng tại con người, tạo phước cũng có, tạo nghiệp cũng có, tạo phước hưởng
phước, hưởng phước báo lành, tạo nhân lãnh quả, nhân thiện quả hiền, nghiệp ác
quả dữ. Đúng luật nhân quả, áp
dụng ba đời: quá khứ hiện tại, và cả vị lai, chẳng hề sai chạy, chẳng vị nể ai, bất cứ người nào, dù tin
hay không, nếu đã gieo nhân, cũng đều gặt quả. Trong sách có câu, cổ nhân
thường dạy: Lưới trời tuy thưa, mà chưa ai thoát. Chữ "trời" có
nghĩa: nghiệp báo đã mang, đến giờ phải trả, chưa ai thoát được. Thượng
đế thần linh, ơn trên thiêng liêng, chí công vô tư, không bao giờ làm, theo lời
cầu nguyện, van xin khấn vái, của những con người, chẳng tích phước đức, lại
gây ác nhân, thất đức vô cùng. Chẳng hạn như là: nay đâm bị thóc, mai thọc bị
gạo, vu khống cáo gian, khai man lý lịch, lợi dụng pháp luật, xúi người kiện
tụng, lợi dụng thần thánh, kiếm tiền bất chánh, giựt hụi quịt nợ, sang đoạt tài
sản, chiếm hữu tác quyền, làm tiền trắng trợn, hung tợn hiếp người, bần cùng cô
thế, bất kể khổ đau, của bao người khác.
Ngày xưa chư Tổ, có lòng dạy dỗ, con người phát tâm, làm lành
lánh dữ, tạo nên phương tiện, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Mục đích
khuyến dụ, mọi người về chùa, cúng kiến lễ lạy, mong cầu an tâm, gia đạo hòa
bình, tánh tình hướng thiện, rồi nhân dịp đó, truyền bá chánh pháp, thuyết giảng
giáo lý, chỉ bát chánh đạo, đó là: chánh kiến, và chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, cùng là
chánh mạng, và chánh tinh tấn, chánh niệm chánh định, giảng luật nhân quả, giải lý vô thường, phước
đức công đức, phước báo quả báo, đọc tụng kinh điển, chí tâm tu tập, dạy các
pháp môn, niệm Phật ngồi thiền, hiền lành tạo phước, việc thiện làm trước, từ
khước ác nhân, tu tâm dưỡng tánh, giúp đỡ con người, giác ngộ chân lý, thấy
được sự thực, giải thoát khổ đau, xây dựng cuộc sống, an lạc hạnh phúc. Ngày
nay chúng ta, tâm Phật tâm ma, lẫn lộn khó phân, cho nên tạm dùng, phương tiện
thiện xảo, cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, khi còn hoang mang, tâm
thường bất an, gian nan khốn khổ, không chỗ nương tựa, vì chưa hiểu đạo, chẳng
biết làm sao, thực hành thế nào, cho đúng chánh pháp.
Giờ đây thấu hiểu, rõ ràng không nghi, đâu là chánh pháp, chúng
ta phát nguyện: dừng nghiệp chuyển nghiệp, quày đầu hướng thiện, quyết tâm trì
chí, ý hướng tu hành, tu tâm dưỡng tánh, tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện,
giữ tâm thanh tịnh, tích cực chuyển hóa, cuộc sống tâm linh, của bản thân mình,
ngày được tốt hơn, tâm được an hơn, cuộc sống tốt hơn, an lạc hạnh phúc. Như vậy thực tế, những người xung quanh, cùng
chung phúc lạc, cho đến một ngày, ngộ được chánh đạo, đạt được đỉnh cao: niết
bàn giải thoát.
XIN QUẺ ĐẦU NĂM
- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị xui
xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?
-
Như vậy là xui tận mạng rồi chứ còn gì nữa. Con phải đi chùa lạy Phật nhiều,
cúng chùa nhiều, mới hóa giải tai ách này được. Nhớ đó.
-
Trời ơi! Chết con rồi, trời!
*
* *
- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị
xui xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?
- Chào
đạo hữu. Đạo hữu hãy an tâm, không có gì xui xẻo hết đâu. Mấy cái quẻ xăm này
để lắc cho vui, để những người còn tin chuyện linh thiêng huyền bí, thích cầu
khẩn van xin về chùa dịp đầu năm.
Chuyện
hên hay xui của con người tùy thuộc chuyện làm thiện hay làm ác trong
cuộc sống, chứ không phải tùy thuộc nơi quẻ xăm này.
Luật nhân
quả.
Người
làm việc thiện thì gặp phước báo, gặp may, gặp hên.
Người
làm việc bất thiện thì gặp quả báo, gặp xui, gặp nạn tai, trắc trở.
- Nếu
muốn tránh xui xẻo, tai qua nạn khỏi con phải làm sao?
- Con
người nhiều đời nhiều kiếp vừa làm việc thiện, vừa tạo nghiệp chẳng lành. Cho
nên, có khi gặp may, có khi chẳng may. Để tránh xui xẻo xảy đến, con người phải
biết sám hối và nguyện không làm chuyện sai trái, đem đau khổ cho người, qua thân (đánh người), miệng (chửi mắng, nói xấu), và ý nghĩ (nghĩ xấu, nghi ngờ).
Thêm nữa, hãy tạo phước báu bằng cách cứu người, giúp đời, tu nhân tích đức, bù lại việc xấu ác đã tạo nghiệp trước kia.
Thêm nữa, hãy tạo phước báu bằng cách cứu người, giúp đời, tu nhân tích đức, bù lại việc xấu ác đã tạo nghiệp trước kia.
- Nhưng
mà con vẫn lo sợ chuyện xui xẻo xảy đến. Vậy con phải làm sao?
- Đạo
hữu thử xin quẻ khác xem sao, chắc là quẻ khác chứ gì?
- Dạ,
cám ơn Ni sư đã chỉ dạy quá rõ ràng. Con sẽ đi chùa thường xuyên
để học đạo lý với Ni sư, Ni sư cho phép con nha!
- Mô
Phật. Như vậy gọi là đi
chùa đúng chánh pháp. Quí
lắm. []
CHÚNG SANH LÀ
PHẬT SẼ THÀNH
TKN.Thích Nữ Chân Liễu
Trong Phật giáo, xuất
gia hay tại gia, dù có sinh hoạt trong chốn Thiền môn hay không, chắc hẳn nhiều
người cũng có nghe nhắc lại hoặc biết đến câu nói, từ kim khẩu của Đức Bổn Sư
Thích Ca Mâu Ni Phật ngay khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác sau 49
ngày đêm thiền tọa dưới cội bồ đề: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH - CHÚNG SANH LÀ PHẬT
SẼ THÀNH”.
Có nghĩa là Đức Phật
tuyên bố đã thành Phật ngay rạng sáng hôm đó và tất cả chúng sanh trong sáu
cõi, gồm: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, đều sẽ thành Phật
trong tương lai. Trong hiện tại, tất cả đều là nhân, là hạt giống, nếu biết tu
tập theo đúng chánh đạo, hành đúng chánh pháp, tất cả chúng sanh đều có khả
năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, trở thành một vị Phật.
Ở đây, chúng ta chỉ có
thể cảm nhận được vai trò của cõi người đang sống và phải chịu trách nhiệm về
số phận nghiệp duyên và nhân quả của chính mình. Bao giờ thì thành Phật, hay
mãi mãi là chúng sanh? Câu hỏi nầy có bao giờ con người nghĩ đến hay chưa?
Ngày nào đó với tâm
thái trầm mặc, an bình, con người chọn cho riêng mình một không gian tĩnh lặng,
hít thở nhẹ nhàng, ngồi xuống thiền tọa, chân xếp hình hoa sen, sau đó thực tập
làm Phật vài ba phút.
TÂM CHƯ PHẬT ĐÃ THÀNH
Phật tại Tâm, không
phân biệt Tướng - xuất gia tại gia, nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo. Phật Tâm không
cố chấp, không phiền, không giận, không trách. Ai tôn kính, ai không tôn kính
cũng chẳng khác gì nhau, chính là nghĩa bất tùy phân biệt. Tâm Phật là tâm bình
đẳng, thanh tịnh tuyệt đối. Lòng từ bi của Chư Phật là vô ngã vị tha, thương
chúng sanh như cha lành thương con.
Phật là Tâm sáng suốt,
trí tuệ hiểu biết tất cả thiện ác trong thế gian một cách rõ ràng, không nghi,
nhưng bất tùy phân biệt. Tâm Phật không phê phán, không chê trách, không thiên
vị riêng tư một cá nhân hay một tôn giáo nào, không kết án vội vã một ai, không
tranh cãi, không hận thù, không tà niệm, yêu thích người thiện, bỏ mặc người
ác, khen mình chê người, không dùng lời phỉ báng nặng nề bất chấp sự đau khổ
của người để thỏa mãn cái tôi - tự ngã.
Đức Phật Bổn Sư Thích
Ca Mâu Ni đắc đạo ngay nơi cõi ác thế Ta Bà “ngũ trược” (tức là cõi có 5
điều dục vọng và si mê):
1. Kiếp trược: Nhiều căn bịnh hành hạ đau đớn, nạn đói,
chiến tranh, thiên tai.
2. Kiến trược: Nhiều tà kiến, sai trái, dụ dẫn tạo nghiệp
ác, cuồng tín si mê.
3. Phiền não trược: Nhiều tham vọng, tâm lăng xăng điên loạn,
không tự chủ.
4. Chúng sanh trược: Chúng sanh chưa hiểu suốt nhân quả thiện ác,
nên gây thù oán, thân quyến tương tàn.
5. Mệnh trược: Thọ mệnh chúng sanh ngắn ngủi, vô thường biến
đổi, luân hồi sanh tử đau khổ muôn trùng.
Đức Phật vì lòng từ
bi, không nhập Niết Bàn sau khi chứng đạo. Ngài ở lại thế gian thuyết muôn vạn
pháp môn tu và chỉ dạy con đường tu thành Phật bằng thân giáo. Cử chỉ và hành
động đầy khiêm tốn, bình đẳng, từ bi và hết sức tế nhị. Trong thời gian Đức
Phật còn tại thế, nhiều người không hiểu biết thế nào là thành Phật. Có những
vị còn không tiếc lời phỉ báng và nhiều lần muốn giết Đức Phật để giành ngôi
Thế Tôn. Giá trị tình thương chúng sanh và đức độ kham nhẫn trong tâm lý hoằng
pháp của Đức Phật là bậc trí tuệ tuyệt diệu và thâm sâu vô cùng.
Chư Phật và Chư Tổ
thường dạy:
Lấy từ bi và trí tuệ
làm thăng tiến đạo nghiệp
Lấy sự hy sinh và
phụng sự chúng sanh làm niềm hạnh phúc
Lấy bao dung và hỷ xả
để cư xử với mọi người
Lấy sự nghiệp giác ngộ
và giải thoát làm cứu cánh.
Chư Phật tùy duyên
thuyết pháp, cứu độ cho tất cả những ai thật sự mong cầu một đời sống thánh
thiện tốt đẹp. Chúng sanh nghe lời dạy của Chư Phật, phát tâm tìm hiểu rõ ràng chân
lý của sự giác ngộ và giải thoát. Sau đó, con người thực hành ba chặng đường
VĂN, TƯ, TU (nghe hiểu, suy nghĩ, thực hành). Phát sanh trí tuệ sáng suốt mới
mong vượt ra khỏi sự trói buộc đau khổ của luân hồi sanh tử.
“Như Lai là người chỉ
con đường chứng được cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh.
Thế Tôn là vị đã đoạn
trừ phiền não của thế gian và đem lại nhiều thiện pháp cho chúng sanh”. (Tăng
Chi Bộ Kinh)
Phật Tánh không do cầu
khẩn van xin mà có, cũng không phát sinh từ lòng ái dục, hay tình cảm hạn hẹp
ích kỷ. Phật Tánh phát xuất từ tâm từ bi, bao la tươi nhuần và bình đẳng như
tâm Chư Phật vậy. Đó là những giây phút vô cùng trân quí, khi tâm vô trụ, vô
chấp, đạt được an nhiên và tự tại, hạnh phúc và giải thoát.
Bản tâm thanh tịnh của
Chư Phật không tạp niệm, không tà ý, ví như mặt biển thái bình lặng yên lúc
không sóng không gió, mọi thời mọi khắc đều an nhiên tự tại và hạnh phúc giải
thoát. Nói chung tất cả niệm do tâm chấp, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm đố kỵ,
tâm khinh khi, tâm lúc thuận lúc nghịch, lúc thân lúc thù, khi thương khi ghét,
đó là những tạp niệm vọng tâm vọng chấp mà Chư Phật đã hoàn toàn chế ngự, điều
phục được tất cả, nên Chư Phật là những vị “Phật đã thành”.
TÂM NHỮNG VỊ PHẬT SẼ THÀNH
Người tu theo Phật tuy
chưa được trọn thành Phật đạo, nhưng ai cũng có nhân Phật Tánh và tâm ý thiện
lành. Trong những giây phút con người thật sự để lặng yên tâm thức, chẳng khởi
lên một niệm suy tính so đo, hơn thua, tranh chấp, phiền não, vọng động, thương
ghét, đau khổ, thù hận và xóa bỏ hết ranh giới của nhỏ nhen cố chấp nhị biên,
thiện và ác, đúng và sai, khi đó con người sẽ cảm nhận được Phật Tánh của mình
hiển hiện vô cùng kỳ diệu. Đó chính là tâm từ bi hỷ xả như Chư Phật. Nguồn an
lạc hết sức trong sáng với muôn ngàn thương yêu của lòng bao dung, đồng cảm và
tha thứ.
Câu nói của Ngài
Thường Bất Khinh Bồ Tát: Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài cũng sẽ thành
Phật. Có tu nhiều đời nhiều kiếp mới được làm thân người. Có tài, có sắc, có
phước, vinh hiển trong đời, không phải ai cũng có được. Nhưng dù sanh vào hoàn
cảnh như thế nào cũng là do nhân quả, đều có Phật Tánh sáng suốt để đi đến giác
ngộ và sẽ thành Phật, nhanh hay chậm, tùy theo nghiệp duyên, phước đức và công
phu tu tập của mỗi người.
Chúng sanh bao gồm
những con người còn sống trong luân hồi sanh tử, chưa giác ngộ toàn vẹn, cho
nên tâm vẫn còn hỷ, nộ, ái, ố, tham lam, sân hận và si mê. Không một ai muốn
phạm lỗi lầm, cũng không một ai muốn bị hình phạt, hay bị sỉ nhục. Con người
phàm tục vì những cảnh trần lôi cuốn, đôi khi mất cảnh giác, phải chịu nhiều
đau khổ và phiền não.
Cực Lạc Quốc là nơi
chốn thanh tịnh trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm, không tham sân si.
Đó là cõi Phật, là nơi chư Thượng Thiện Nhơn (người tốt hoàn toàn) đồng câu
hội. Người Phật tử sống ở thế gian ai ai cũng muốn, sau khi xả báo thân nầy,
được về cảnh giới tịnh độ của chư Phật. Cho nên ngoài việc mỗi thời khắc nhất
tâm niệm Phật, thiền tọa tập làm Phật, để phát sanh trí tuệ. Phật Tánh luôn
sáng suốt, chân thật và thanh tịnh tuyệt đối.
Chư Tổ dạy có bốn pháp
cao thượng tu hành như sau:
1. Giới đức cao
thượng.
2. Định tâm cao
thượng.
3. Trí tuệ cao thượng.
4. Giải thoát cao
thượng.
Có nghĩa là giữ giới
bền chặt, giữ tâm chánh trực, có trí tuệ nhận rõ đúng sai, thiện ác, lòng không
cố ý khoe khoang chứng đắc, tự hào hơn thua, không vướng mắc một giả danh nào
hết, cũng không tự gạt tâm mình hay gạt người, không tạo khẩu nghiệp, thân
nghiệp và ý nghiệp. Cuối cùng là tâm được khinh an, thanh thản, tự tại và giải
thoát.
Nước mắt chúng sanh
như biển cả, thế gian đau khổ nhiều lắm rồi. Nếu biết được ai ai cũng có một
thứ quí giá vô cùng, đó là “Phật Tánh Chân Như”, là nhân lành đưa đến hạnh phúc
an lạc vĩnh cửu, không có khổ đau sanh tử, thì con người cần gì phải tham gia
vào sự tranh đua, sân hận, lỗi phải những chuyện danh lợi thế gian. Buông bỏ
hết thì tâm được khinh an.
Suy cho cùng có ai
trên đời không một vài lần phạm lỗi, hối hận, khổ đau. Thường thì con người có
rất nhiều cách biện minh và dễ dàng tha thứ cho chính bản thân, nhưng đối với
người khác, kể cả người thân sống chung quanh, thì không muốn tha thứ hoặc cảm
thông, luôn luôn đòi công bằng và xử lý thỏa lòng. Do đó, con đường đi đến cảnh
giới Chư Phật thật là xa xôi ngàn trùng.
Chúng sanh của thế kỷ
21 nầy có nhiều phương tiện và phước duyên gặp Phật Pháp. Giáo pháp của Đức Bổn
Sư Thích Ca được thế giới tôn kính và đón nhận như nước cam lộ diệt trừ muôn
ngàn phiền não. Sống với Tâm Phật qua cung cách ứng xử đạo đức hằng ngày, tức
là có được hạnh phúc tại thế gian rồi đó. Con người cùng nhau phát nguyện tinh
tấn tu học, nhân Phật tánh càng ngày càng hiển lộ, cây bồ đề đâm chồi nảy lộc
đơm hoa kết trái.
Trong kinh sách Chư Tổ
có dạy:
Nội cần khắc niệm chi
công
Ngoại hoằng bất tranh
chi đức.
Đó là công phu và đức
độ của người tu. Bên trong tâm, giữ gìn chánh niệm, gọi là công phu. Bên ngoài
thân, không hơn thua, không tranh cãi, gọi đức độ. Thân và Tâm song hành tu tập
gọi là Công Đức. Còn gọi là Phúc Tuệ song tu.
Điều quan trọng là
muốn tu phải phát tâm học hiểu Phật Pháp cho thấu đáo và thực hành trong đời
sống hằng ngày. Khi đó giới hạnh được vẹn toàn, tâm định được phát triển, trí
tuệ được khai mở, con người cảm thấy được niềm an lạc thanh tịnh không thể nghĩ
bàn.
Dù là người xuất gia
hay tại gia, con người muốn tu mà không tha thiết mong cầu giác ngộ Phật Pháp,
thì cuộc đời đi tu sống trong sự mệt mõi buồn chán, quanh năm suốt tháng, tin
vào sự linh thiêng huyền bí và chỉ biết chờ đợi phép lạ một cách tiêu cực. Khi
cái chết gần kề, lúc đó hoảng loạn, bơ vơ, tâm trạng vô thức, không biết rơi
vào cảnh giới tốt xấu nào đây, có phải muộn quá hay không?
Đạo Phật được thế giới
tôn vinh là đạo bình đẳng và từ bi trí tuệ bậc nhất. Tuyệt vời hơn nữa là tất
cả người tu phát nguyện: “Vì chúng sanh đạt thành ngôi chánh đẳng chánh giác.
Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Nghĩa là: tự thân giác ngộ và cứu độ
tha nhân, cho đến khi hạnh giác ngộ tròn đầy, tất cả chúng sanh ra khỏi lục đạo
luân hồi.
Trong thời gian qua, nhân
loại trên trái đất chịu đựng quá nhiều thiên tai. Sóng thần Nhật Bổn, bão tố
Sandy, đã cướp mất bao nhiêu tài sản và nhân mạng của những người vô tội. Cảnh
màn trời chiếu đất, cha mẹ mất con, vợ chồng ly tán, đau khổ tột cùng. Nhưng
sau đó, họ không thể ngồi một chỗ than trời trách đất, suy sụp, buông trôi, hay
giận cho trời già cay nghiệt, hận bản thân vô phước. Họ cùng nhau xây dựng lại
ngôi nhà, vườn cây, khóm hoa, đem trở lại sự sống mãnh liệt trong tình người
với người đầy lòng nhân nghĩa thân ái và bao dung. Đó chính là sức mạnh của
Phật Tâm, Phật Tánh trong mỗi con người, trong cuộc sống hàng ngày, trên thế
gian này.
Nói tóm lại, để sống
một cuộc đời có ý nghĩa hơn, với Tâm Phật sẵn có, con người cần được thăng tiến
trên con đường giác ngộ, giải thoát. Con người cần phải luôn phát nguyện vun
bồi công đức và phước đức, cho đến khi được đầy đủ từ bi và trí tuệ, lý sự viên
dung. Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với chúng sanh với câu Phật
ngôn bất hủ: “Ta là Phật đã thành,
chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai ai cũng có thể tu theo con đường Phật dạy và đều có nhân
duyên trọn thành Phật đạo.
Xin thành tâm cầu chúc
cho những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia, cùng là chúng sanh ở cõi ta
bà, buông bỏ được tảng đá nặng nề của cái “ta” nhiều đau khổ phiền lụy và
chuyển đổi những bất thiện nghiệp thành chư thiện nghiệp. Trước mắt còn đầy dẫy
những khó khăn và thử thách cho người tu hành Phật đạo, con người cùng mạnh dạn
bước từng bước chân chánh niệm, sáng suốt, an lạc, đi trên con đường tìm cầu
giác ngộ.
Nguyện cầu tất cả
chúng sanh trong pháp giới đều chứng ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đồng
thành Phật Đạo.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA
MÂU NI PHẬT
TKN.Thích Nữ Chân Liễu
“Lời khẩn cầu” của chim bị phóng sinh
Để thể hiện đức hiếu sinh và mong muốn tích đức cầu may, nhiều người có
thói quen mua chim, cá, rắn, rùa phóng thích chúng về với môi trường tự nhiên.
Do lún sâu vào tham vọng được phát tài, phát lộc mà ngày càng nhiều người phớt
lờ tình cảnh bi đát của những con vật mà họ phóng thả. Điều này đồng nghĩa với
việc đã có hàng ngàn vạn con chim trời bị hành xác thảm thương và chết oan.
Đói,
khát và… chờ chết!
Thực trạng bi đát
ấy hiện diện rõ bên trong các lồng chim phóng sinh được bày bán tại khắp các
ngôi chùa có đông khách đến dâng hương. Tại Tổ đình Hội Sơn, ngôi cổ tự có kiến
trúc đậm chất phương Nam tọa lạc tại phường Long Bình (quận 9), ngay khi vừa bước
vào cổng chính dẫn vào chánh điện, khách trẩy hội lập tức lọt vào vòng quay của
đội quân bán chim phóng sanh với hơn chục chiếc lồng lổn ngổn những chú chim
xác xơ lông cánh. Vỗ vỗ tay vào chiếc lồng đặc đen chim trời, trong đó có nhiều
con đã "nhắm mắt, xụi cánh" với đôi chân bé xíu, khẳng khiu chĩa
thẳng lên trên, bà chủ lồng chim sở hữu gương mặt tô son trét phấn đậm nét cho
biết "trong lồng có hơn hai trăm con, chủ yếu là chim manh manh và chim
sẻ".
Nhìn các lồng bán chim phóng sanh ở Tổ đình Hội Sơn, mới thấy có
trên 80% số lồng có sự hiện diện của những chú chim bạc mệnh chết thẳng cẳng.
Nhiều con ngắc ngứ, đầu cánh rũ rượi đang đậu trên cành cây án ngang chiếc lồng
bị bầy đàn giành chỗ, giẫm đạp thấy mà thương. Chim chết nhiều quá nên một
người đàn ông mở cửa lồng thọc tay vào trong lôi ra bỏ vào chiếc túi nilông màu
đen. Ông này giải thích "tụi nó chết do đói, khát, mệt".
- Sao chú không cho chim ăn, uống để chúng khỏi bị đứt bóng?
- Hơi sức đâu mà làm chuyện đó! Cái giống chim phóng sanh này ngộ lắm, khi bị hốt vào lồng dẫu có cho ăn, cho uống gì chúng cũng chết thôi! Ngó mấy con ngáp ngáp vậy chứ mở cửa lồng là chúng bay vù vù đó!
Nhưng sự thực không như biện giải của người đàn ông nọ. Kịch liệt bài bác chuyện "thả chim phóng sanh tích đức", chị Mai Hương, một phật tử thường xuyên ghé chùa, lắc đầu: "Chim thú cũng như con người, đói khát mà được cho ăn uống thì sao có chuyện chẳng màng tới. Dân bán chim phóng sanh nhiều người ngộ lắm, họ cứ nghĩ trước sau gì cũng bán hết nên không để tâm đến chuyện đói khát của chim. Những con chim chết được họ bỏ vào bọc bán lại cho những quán ăn có trương bảng chim sẻ nấu cháo đậu xanh, nướng muối ớt đấy". Chị Hương cám cảnh: "Phục vụ cho mục đích tích đức của thiên hạ mà số phận của những con chim phóng sanh bi đát lắm, chúng bị bỏ mặc đói khát để chờ chết".
Sinh
- tử mặc bay
Không chỉ Tổ đình
Hội Sơn mà tại nhiều ngôi chùa khác an tọa trên đất Sài thành như chùa Châu Đốc
III (quận 9), chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chùa Xá Lợi, Tổ đình Vĩnh Nghiêm
(quận 3), chùa Phật cô đơn ở Bình Chánh…, số phận chết thảm của những chú chim
phóng sinh cũng được thể hiện rõ trong những chiếc lồng bọc lưới mắt cáo với
con xác xơ lông cánh, con chỏng chân cứng đơ, con ngắc ngứ chờ chết… Nhưng
khách ghé chùa không quan tâm đến điều đó. Họ nhìn những con chim chết thảm tặc
lưỡi ra vẻ xót thương và sau đó dồn tâm trí vào việc mặc cả, hối người bán gom
chim vào chiếc lồng nhỏ đặng phóng sanh tích phước.
Tại chùa Xá Lợi, một bà luống tuổi sau một hồi mặc cả "một
chục sáu chục" (10 con chim giá 60.000 đồng) đã được người bán là một
thanh niên thọc tay vào lồng tóm 20 chú chim cho vào chiếc lồng nhỏ. Bà nọ cầm
chiếc lồng lên xốc xốc đặng kiểm tra chất lượng mẻ "hàng" rồi bảo anh
nọ đổi 4 chú chim toàn thân đầy vết trầy trông ốm yếu bằng những chú chim mạnh
khỏe.
Thấy vậy một bà khách xỏ xiên:
"Mấy
con ốm yếu vậy mới thực sự cần phóng sanh, đổi làm gì?".
Bà nọ đanh giọng
đốp lại:
"Chim mạnh
khỏe thì thả chứ ốm yếu mà tháo cửa cho sổ lồng thì chúng cũng ngủm củ tỏi
thôi. Thà để nó chết khuất mắt chứ chết do mình tiếp tay là tội ác đó"
(???).
Tại chùa Châu
Đốc III, hoan hỉ mỗi người rinh một lồng chim, cặp vợ chồng nọ quỳ trước chiếc
lư hương khổng lồ, 2 tay dâng cao lồng chim rồi lạy liên tục khiến lũ chim nháo
nhào kêu la loạn xạ. Hành xác lũ chim xong, cả hai đến công đoạn mở cửa lồng.
Chừng như do bị choáng nên có vài chú chim lao thẳng vào chiếc lư nhang đang
tỏa khói hương nghi ngút, khiến mùi lông chim cháy tỏa khét lẹt. Nhiều khách lễ
chùa thấy cảnh ấy bảo "sang chỗ khác mà thả" thì anh chồng gân cổ:
"Sống có phần, chết tại số. Con nào mạng tận vận hết thì lủi vô thôi
mà!".
Sau đó cũng
tại khu vực có chiếc lư hương khổng lồ ấy, chừng bực mình vì cửa lồng mở nãy
giờ mà không chịu bay nên chú chim sẻ đuối sức bị chị nọ thọc tay vào lôi ra
rồi tung ném lên trời. Chú chim tội nghiệp đập đập cánh vài cái rồi rơi tõm
xuống sông. Chẳng động chút lòng từ, chị nọ oán trách: "Chỉ mỗi việc
bay mà cũng không nên thân, chết là phải"
Tích phước hay
tiêu diệt chim?
Trái với suy
nghĩ của nhiều thiện nam tín nữ "phóng sanh giúp ích cho môi trường",
hiện tượng ngày càng nhiều người đổ xô vào trào lưu mua chim thả tạo phước càng
khiến hệ sinh thái bị xâm phạm nghiêm trọng. Để có nguồn chim phóng sanh ấy,
đội quân thợ săn ngày lại ngày giăng bẫy ở khắp mọi nơi.
"Điều đáng quan tâm là sau khi được thả ra, nếu không bị chết
vì kiệt sức thì những chú chim phóng sanh ấy lại bị dính bẫy và bị bỏ đói, khát
thảm thương. Vòng quay đầy bi kịch ấy sẽ tái diễn đến khi nào lũ chim trở
thành… chim thiên cổ”. Sau trăn trở trên, chị Thu Hồng, phật tử chùa Xá Lợi,
bày tỏ quan điểm: "Hầu như những người mua chim phóng sinh đều biết rõ
những thảm cảnh sẽ đến với bầy chim mà họ phóng sanh nhưng tham vọng tích đức,
cầu phước lộc đã lấn át lý trí, lòng trắc ẩn trong họ. Biết nhưng vì lợi riêng
mà vẫn lao vào và gián tiếp gây thương tổn cho chim trời theo tôi là đáng phải
lên án"
Thành Dũng
AI VÀO ĐỊA NGỤC
CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT
NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ NHẸ NHÀNG
LÒNG TIN NGƯỜI CON PHẬT
THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ
TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO
http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/tam-va-tuong-trong-phat-giao.html