Saturday, February 23, 2013

*** TU HÀNH PHẢI TIN TẤN



HT THÍCH THANH TỪ


Ngày xưa chư Tăng Ni thời đức Phật sau khi học hiểu nơi Ngài xong, mỗi vị đều đi nơi này nơi kia để khất thực giáo hóa chúng sanh, ít khi tụ họp lại một chỗ. Vì vậy có những vị mới thọ giới Tỳ-kheo hoặc còn Sa-di, chưa hiểu đạo lý nhiều, đi nơi này nơi nọ thường xảy ra những điều không hay. Do đó đức Phật lợi dụng ba tháng mùa mưa, kêu gọi tất cả Tăng Ni tụ họp lại từng nhóm ở mỗi bản xứ riêng, cùng nhau thúc liễm thân tâm tu hành.

Trong mỗi nhóm có những vị trưởng lão, hoặc Tăng hoặc Ni có kinh nghiệm tu hành dày dặn, chịu trách nhiệm nhắc nhở, dạy dỗ trong nhóm ấy. Làm thế nào sau mỗi mùa an cư, Tăng Ni thêm nhiều công đức, xứng đáng là người xuất gia có đạo hạnh. Vì vậy đức Phật rất quan trọng ba tháng an cư, bởi vì trong một năm Tăng Ni chỉ tụ hội lần này, ở yên một chỗ được nghe nhắc nhở, dạy bảo chăm sóc từng oai nghi cử chỉ nhỏ nhiệm, đó là điều hết sức quí báu. Cho nên sau mùa an cư tới ngày tự tứ tức ngày mãn hạ, chư Tăng Ni mới cầu thỉnh các bậc trưởng lão chỉ dạy những điểm sơ suất của mình, nhờ các Ngài bổ túc cho.

Qua lễ tự tứ chư Tăng chư Ni nhất là hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được thêm một tuổi hạ, tức một tuổi công đức. Nếu Tăng Ni nào không được tụ họp một chỗ tu hành trong ba tháng, coi như không có tuổi hạ. Tại sao? Vì đức Phật xem như vị ấy không đủ điều kiện để tu hành tinh tấn nên không được nhận tuổi hạ. Tầm vóc của mùa an cư quan trọng như vậy, do đó ngày nay chư Tăng Ni cũng vẫn theo sự sắp đặt trước kia của đức Phật mà ứng dụng tu tập trong ba tháng an cư. 


Kế đến nói về ý nghĩa tinh tấn của sự tu hành. Tôi đã nhiều lần nhắc tới nhắc lui với chư Tăng Ni rằng chúng ta đi tu không phải do cha mẹ ép buộc, không phải hoàn cảnh bên ngoài bức bách mà do mỗi người tự ý thức, tự tỉnh giác cuộc đời vô thường, đau khổ mà đi tu. Chúng ta tìm đến với đạo để cầu sự an lạc giải thoát. Thế nên làm sao để được an lạc, làm sao để được giải thoát, đó là hai mục tiêu chính mà toàn thể Tăng Ni, không ai có thể lơ là được.

Trước hết tôi nói về niềm an lạc của sự tu. Tôi còn nhớ những năm ở Chân Không, có một số thầy dòng từ Nha Trang, Đà Lạt vào thăm. Các vị hỏi tôi thế này: “Tại sao gần đây chư Tăng Ni cũng như các thầy dòng tu một thời gian rồi ra đời khá nhiều?” Từ bình dân thường dùng là “người tu rụng như sung”. Vì cây sung khi ra bông ra trái rất nhiều, nhưng thời gian sau nó rụng gần hết. Cũng thế, người vào chùa hoặc nhà dòng nhiều nhưng nửa chừng lại bỏ về không tu nữa, tại sao như thế? Tôi trả lời: “Bởi vì họ không tìm thấy được nguồn an vui trong đạo”.
Ở thế gian người ta sống vui vẻ là nhờ hưởng thụ dục lạc. Vì đua nhau tìm hưởng dục lạc nên mỗi người nỗ lực cố gắng tạo điều kiện cho có đủ dục lạc để hưởng, do đó họ quên ngày quên tháng, cứ lao mình trong dục lạc. Tuy nhiên, bên cạnh những kẻ chạy theo dục lạc thế gian, có những người thức tỉnh biết dục lạc là tạm bợ, không có giá trị gì, nên họ bỏ đời vào đạo. Vào đạo vì chán cái tạm bợ, đau khổ ở thế gian. Do đó khi vào đạo, lúc nào người ta cũng nghĩ tìm được nguồn an vui. Nhưng rất tiếc vào đạo rồi cũng lẩn quẩn trong những hình thức tu hành mà không tìm được chút thú vui đạo lý nào nên sau một thời gian họ thối tâm Bồ-đề. Tìm vui mà không được cái vui trong đạo nên họ trở lại tìm cái vui ngoài đời. Nên tôi nói sở dĩ họ thối tâm là vì không tìm được nguồn vui trong đạo.

Tăng Ni cũng như những người tu đạo khác nửa chừng bỏ không tu nữa, đó là vì đang hứng thú hay đang chán nản, đang buồn tẻ với sự tu hành? Dĩ nhiên đang chán, đang buồn. Bởi chán buồn nên mới bỏ đạo. Người phát tâm tu thì rất đông nhưng đi nửa chừng, hoặc một phần ba, phần tư đường lại thối tâm. Đó là do đâu mà ra? Ở đây tôi tạm kể những lý do thối tâm của một số người tu chúng ta.

Lý do thứ nhất, trong khi tu không tìm được nguồn an vui nào cả. Cứ lẩn quẩn hết tháng hết năm không thấy chút vui nên sanh chán nản. 

Lý do thứ hai,trong sự tu hành đa số nghĩ tu sẽ vui, sẽ hạnh phúc. Nhưng không ngờ vào chùa rồi, lâu lâu huynh đệ cũng xảy ra chuyện phiền não. Hạnh phúc đâu chưa thấy mà thấy phiền não nhiều quá. Người này phiền người kia, người kia trách người nọ, đi tìm hạnh phúc mà trái lại gặp phiền não nên đâm ra chán nản. 
Lý do thứ ba, trong khi tu thiếu tinh tấn nên việc tu không tiến. Ngồi thiền một hai giờ, tiến đâu không thấy mà đau chân gần chết. Thêm buồn ngủ nữa, cứ gục lên gục xuống hoài cho nên muốn thối lui.
Lý do thứ tư, trong khi tu ai cũng nghĩ mình sẽ được thầy, cô hay huynh đệ lớn hơn vuốt ve an ủi, nói lời nhẹ nhàng. Nhưng không ngờ được an ủi ít mà bị rầy nhiều. Mất niềm vui được cha mẹ cưng chiều an ủi, vào chùa trông cậy niềm vui nơi thầy nhưng không được nên thối tâm. Đó là những lý do khiến cho người tu dễ thối tâm.

Khi tu được thầy an ủi, vỗ về hay được thầy rầy la, trường hợp nào dễ tu tiến? Nếu người muốn được an ủi vỗ về thì tôi nghĩ nên ở nhà với má chắc sướng hơn. Vì má lúc nào cũng cưng, cũng an ủi mình. Còn vào đạo là lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận mọi khó khổ để tu tiến. Do đó chuyện an ủi vỗ về đối với người quyết chí tu là bằng thừa. Bởi chúng ta đã can đảm, đã quyết tu thì không như những đứa bé nũng nịu đòi cha mẹ nuông chiều. Trong nhà Phật thường nói người tu là người phi thường, là thượng sĩ xuất trần. Xuất trần là ra khỏi sáu trần, thượng sĩ là bậc, bậc thượng ra khỏi sáu trần. Nói cách khác là Bồ-tát ra khỏi sáu trần. Đã là thượng sĩ thì đâu thể yếu đuối, đâu thể nũng nịu như những đứa bé con đòi cha mẹ nuông chiều.

Hồi xưa nhiều vị tu vào rừng, lên núi, ăn trái cây, uống nước suối, ngủ dưới gốc cây, chớ không như chúng ta bây giờ. Ăn thì cơm trắng, uống thì nước lọc, ngủ thì mùng mền đàng hoàng. Như vậy đối với người xưa chúng ta hơn các Ngài vật chất khá nhiều, nhưng lại kém tinh thần quá xa. Vậy nên chúng ta nhớ mình đã quyết chí làm người xuất trần thì đừng đòi hỏi, đừng mong muốn những thứ tầm thường theo thế tục. Chúng ta nên mong muốn vị thầy của mình là người hiểu đạo, người thực tu. Có hiểu đạo, có thực tu mới xứng đáng là thầy của mình.




Trong kinh Trung A-hàm đức Phật dạy, nếu Tỳ-kheo đến trụ xứ nào nương ở tu hành, mà nơi đó thiếu ăn thiếu mặc, thiếu luôn cả giáo lý thì từ giã ra đi, không nên ở lâu. Nếu đến chỗ nào thiếu ăn thiếu mặc mà được sự dạy dỗ, có giáo lý thì cũng phải cố gắng ở lại, không nên đi. Như vậy giá trị của người tu không phải việc ăn việc mặc mà là giáo lý. Quí vị đã có duyên được đến Thiền viện hoặc ở chung quanh Thiền viện, có cơ hội nghe giáo lý, hiểu giáo lý, nên biết nơi đây là duyên tốt xứng đáng cho mình nương gá. 


Vì vậy phải tinh tấn tu hành, không nên coi thường. Bởi nhu cầu của người tu không phải ở việc ăn mặc mà là ở chánh pháp. Có chánh pháp chúng ta mới biết được hướng đi, biết đường lối tu hành. Nếu không có chánh pháp thì đời tu của mình trở thành trống rỗng, không lợi ích cho mình, cũng không lợi ích cho ai. Cho nên tất cả quí vị tu hành an ổn là nhờ hiểu được chánh pháp. Hiểu được chánh pháp rồi mà không nỗ lực tinh tấn tu thì thật là đáng tiếc.

Tinh tấn theo tinh thần đức Phật dạy là lúc nào chúng ta cũng phải tinh tấn. Có tinh tấn mới có khinh an. Nếu không nỗ lực, không cố gắng thì khó tìm được sự an lạc cho mình. Thiền sư Hoàng Bá có mấy câu kệ nói về sự tinh thần rất hay, “Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”. Nếu không một phen chịu cái lạnh buốt của mùa đông thì khó hưởng được mùi thơm của hoa mai. Chịu được cái lạnh buốt của mùa đông để nói lên sức mạnh tinh tấn khiến cho chúng ta quên đau quên khổ.

Như trên tôi đã nói, ngồi thiền thấy đau nhức mà cứ bắt ngồi hoài nên ngán.Hoặc bị ma ngủ lấn lướt hay ma loạn tưởng quấy nhiễu liên tục, cứ ngồi hàng phục chúng mãi đâm chán. Hàng phục vọng tưởng vừa yên yên một chút thì gục lên gục xuống. Hết đau nhức tới vọng tưởng, hết vọng tưởng tới ngủ gục, lẩn quẩn có ba chuyện đó thì hết giờ ngồi thiền, thành ra đâm chán. Đó là vì quí vị chưa nỗ lực vượt qua được giai đoạn ấy. Ai có kinh nghiệm trong công phu tu sẽ thấy rõ lý do thối Bồ-đề tâm chính từ sự thiếu tinh tấn mà ra. Quí vị gắng nỗ lực vượt qua được đau nhức của chân, vượt qua được các loạn tưởng, vượt qua được buồn ngủ,chừng đó sẽ thấy an lạc đến với mình.

Có hưởng được nguồn an lạc này rồi mới thấy thế gian chưa có cái vui nào sánh kịp với cái vui của người tu. Người đã hưởng được nguồn an lạc trong đạo,dù ai níu kéo hoặc cam kết mọi sự an ổn cho họ để ra đời, họ cũng không bao giờ ra. Tại sao? Bởi vì họ đã thấy cái vui của thế gian là trá hình của đau khổ. Chỉ có vui của đạo mới là niềm vui chân thật. Song niềm vui này chỉ đến với những ai tinh tấn tu hành mà thôi.

Quí vị nhớ chúng ta tu là tu cho mình, chớ không phải tu cho thầy. Ngày nay Tăng Ni thường tu giùm cho thầy, cho Phật chớ không phải tu cho mình. Thầy rung chuông kêu dậy thì ráng ngồi dậy tu, chớ thầy đi khỏi là nằm xuống ngủ liền. Tu như thế là tu giùm cho thầy, không phải tu cho mình. Tu kiểu đó dù một năm, hai năm hay cả đời cũng không bao giờ tiến. Nên nhớ tu là phải có sức tinh tấn, vừa nghe tiếng chuông là trổi dậy ngay, không chần chờ, không đợi kêu réo gì hết. Đâu có ai rủ hay ép mình đi tu, mà bây giờ phải kêu phải gọi. Có vị nào không lạy lên lạy xuống đòi tu cho được, thì bây giờ phải làm bổn phận của mình chứ!

Vì vậy nếu chúng ta là người chân chánh xuất gia, quyết tâm cầu giải thoát thì phải nỗ lực, không được chần chờ, không đợi kêu mời, nhắc nhở, phải tự cố gắng nỗ lực. Có vị thầy nào muốn quở phạt đệ tử hoài đâu. Sở dĩ thầy quở phạt là vì mình chểnh mảng, không muốn học, không muốn làm, không muốn tu. Ngủ kêu không muốn dậy, không rầy sao được. Đó là những điểm yếu dở, nhưng thường chúng ta không chịu nhận lỗi của mình, cứ trách tại sao thầy rầy mình, phạt mình? Ông thầy thâu đệ tử đâu phải để rầy phạt, mà thâu đệ tử vô để hướng dẫn tu hành cho được kết quả tốt, mai sau nối tiếp ngọn đèn chánh pháp của Phật tổ. Đâu ai muốn thâu đệ tử để rầy, rầy chi cho sanh phiền não.

 Mục đích ban đầu của chúng ta quá cao thượng, nhưng tới khi thực hành lại lếch bết, lôi thôi, buộc lòng người lớn có trách nhiệm phải rầy phải phạt. Bị rầy phạt mình đâm ra chán, nghĩ sao vào đạo không thấy vui, cứ nghe rầy phạt hoài. Đó là lỗi tại mình mà ra. Nếu một vị tăng hay ni nào vừa nghe tiếng kiểng liền trổi dậy súc miệng rửa mặt, chuẩn bị ngồi thiền ngay, thử hỏi thầy nào rầy được? Khi ngồi thiền đỉnh đạt ngay thẳng, tỉnh táo suốt giờ. Lúc công tác, sai đâu làm tròn đó, bảo đảm trăm phần trăm không ai rầy mình hết. Vì chúng ta không cố gắng, không tinh tấn nên thầy mới quở phạt. Quở phạt mình, thầy cũng đâu có vui.

Như vậy chữ tinh tấn mà chúng tôi đề ra là tinh tấn trong mọi trách nhiệm thầy giao phó, chúng ta phải cố gắng làm tròn. Tinh tấn trong giờ tu, tinh tấn trong giờ học, tinh tấn chinh phục phiền não nữa. Nghĩa là vừa có một niệm buồn niệm chán dấy lên, phải tinh tấn hàng phục liền. Hàng phục bằng cách nào? Nếu khi đang tu mà gặp duyên gì hơi buồn chán, ta nghĩ thôi trở về ở với ba với má khỏe hơn, lúc đó phải thế nào? Phải tự hỏi lại ai bắt mình đi tu? Hồi đi ba má khóc không cho, đến khi vô chùa rồi lại muốn trở về. Tại sao lúc trước anh hùng, bây giờ lại thành kẻ bại trận? Như vậy mình đâu xứng đáng là người quyết tâm đi tu. Nhờ tự nhắc như thế, nên trong lòng mạnh mẽ lên, ta cố gắng vượt qua được tâm trạng buồn chán.

Sự cố gắng có được là do ta biết chinh phục phiền não. Nhiều người ở ngoài xã hội có địa vị chút chút, khi vô chùa tu thấy sao không ai quí mình. Vì tu sau nên bị những người nhỏ tuổi hơn nhưng tu trước chỉ bày quở trách thì nản, tự nghĩ sao đi tu ai cũng xem mình thấp. Đó là điều sai lầm. Đi tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Tất cả những thứ giàu sang của thế gian, ta đều bỏ để trở thành một bần tăng hay bần ni. Xả thân cầu đạo là quên thân để cầu đạo. Chúng ta ngày nay ăn rau luộc với nước tương lâu lâu, đã muốn làm reo rồi. Ăn như vầy sao chịu nổi, sao tu được. Như vậy đã quên thân vì đạo chưa?

Thân này không có nghĩa lý gì, dù chúng ta yêu quí nó bao nhiêu, có ngày cũng sẽ bại hoại. Cưng chiều trong sung túc, nhưng rồi cũng đưa tới kết quả tan hoại. Dùng thân bại hoại để cầu cái bất hoại, đó là mục đích chủ yếu của người xuất gia, còn quí thân bại hoại đuổi theo nó mãi sẽ không bao giờ đạt được cái bất hoại. Bại hoại là luân hồi sanh tử, bất hoại là Niết-bàn, vô sanh. Chư Tổ ngày xưa dám hy sinh thân bại hoại này để cầu đạo giải thoát, chớ không quí chuộng nó như chúng ta bây giờ.

Trong giáo lý căn bản của nhà Phật nói các pháp vô ngã. Vô ngã tức là không chủ thể. Muôn pháp đều từ duyên hợp, nên không có cái gì là chủ thể. Thân này cũng do duyên hợp nên không có chủ thể. Đã là vô ngã duyên hợp thì làm sao giữ mãi được? Hiểu được vậy, chúng ta tranh thủ dùng thân tạm bợ vô thường để cầu cái xuất thế chân thường. Trên đường tu chúng ta nỗ lực dù khó khăn mấy cũng không nản, không chán, miễn sao mỗi ngày đều được an ổn tu hành, mỗi ngày đều có tiến.

Bước tiến tuy thầm lặng bên trong nhưng mình có thấy có biết, chớ không phải căn cứ trên những hình thức bên ngoài. Ví dụ ngày xưa quí vị chưa biết đạo, nghe người ta nói nặng một câu thì phiền não cả ngày. Bây giờ mình biết tu rồi, nghe nói nặng một câu, ta cũng có phản ứng nhưng biết kềm hãm lại, không để nó lôi kéo mình mất nhiều thì giờ, sau đó buông xả đi. Người biết buông xả lẹ làng mau chóng, đó là người tu tiến nhanh. 


Còn người nghe những điều trái tai tuy không nói ra, nhưng ôm ấp ngày này tháng nọ để buồn bực, than phiền, khóc lóc thì tu không tiến chút nào. Vì cái đáng xả lại không xả, đáng vươn lên lại không vươn lên. Ai tu rồi mà vẫn còn cố chấp những lời của thầy rầy hay những phê bình của huynh đệ, ôm ấp buồn tủi mãi là duyên cớ để loạn tâm, dẫn tới thối Bồ-đề tâm. Vì vậy người biết tu là phải biết xả, xả những phiền não đến với mình, vừa đến liền xả. Đó là tinh tấn. Còn nếu ôm ấp chứa giữ mãi, đó là không tinh tấn.
 Tinh tấn của người tu có những điểm như sau:
Thứ nhất, tinh tấn để khắc phục thói quen lười nhát của bản thân. Đang ngủ mà nghe kiểng thức chúng là trổi dậy liền. Giờ ngồi thiền dù đau nhức cũng phải cố gắng, nghĩa là thân luôn luôn khắc phục. Đừng để ma ngủ làm chủ, đừng để sự đau nhức chi phối. Chúng ta nhớ phải làm chủ nó để vươn lên. Đó là tinh tấn thuộc về thân.

Thứ hai là tinh tấn thuộc nội tâm. Nội tâm chúng ta thường có những điểm yếu tùy theo mỗi người. Các phiền não dư sót lại chúng ta cố gắng bỏ hết, gạt qua một bên, đừng nuôi dưỡng, đừng chứa chấp chút buồn phiền nào trong lòng, tâm hồn sẽ trong sạch. Mà trong lòng không buồn bực thì ngồi thiền tâm rất nhẹ nhàng,thanh thản. Ngược lại nếu buồn giận ai, ngồi thiền rất nặng nề. Một giờ ngồi thiền là một giờ vật lộn với bao nhiêu vọng tưởng. Tu như thế rất mệt, làm sao có niềm vui nổi.

Ngồi thiền mà tâm chưa an ổn thì chạy theo vọng tưởng hết giờ không hay. Bữa nào ít vọng tưởng thấy thời gian dường như kéo dài, vì chưa quen với sự vắng lặng. Chỉ người ngồi thiền tâm được an định vững vàng, sâu lặng mới thấy thời gian ngắn, mới đó đã tới giờ xả thiền rồi. Kinh nghiệm cho thấy người nào ngồi thiền cứ nhìn đồng hồ hoài, đó là sức an định chưa nhiều. Ngồi thiền tính giờ để trả nợ, giống như người đi làm thuê, dòm xem hết giờ chưa đặng vác cuốc về. Quí vị ngồi thiền cũng vậy, trông cho hết giờ để xong một buổi trả nợ cho thầy, cho Tổ.

Nếu ngồi thiền tinh tấn khắc phục được mọi thứ phiền não, buông xả hết loạn tưởng điên đảo, chỉ còn một tâm an ổn thanh tịnh, được vậy sẽ thấy thời gian qua mau. Buổi ngồi thiền trở thành khinh an, nhẹ nhàng. Tu như vậy mới vui, mới ham tu chứ!

Trong nội tâm chúng ta có những thứ phiền não rất sâu, muốn khắc phục nó thật khó chớ không phải đơn giản. Những phần nổi cạn, mình dễ thấy nên dễ buông bỏ, phần chìm sâu khó thấy nên khó buông bỏ. Ví dụ như đang ngồi yên, bất chợt những niềm vui nỗi buồn tích lũy đâu năm mười năm về trước bỗng trổi dậy. Đây là những hình ảnh tiềm tàng trong tâm thức chúng ta từ lâu nên rất khó buông. Bỏ cái này nó dẫn tới cái kia, nhiều khi mệt mỏi ta đâm ra chán nản.

Ngoài ra về bản thân như ngủ thiếu, ăn thiếu chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Những nhu cầu đòi hỏi của thân, đôi khi làm phiền chúng ta không ít. Vì vậy Phật dạy người tu phải xem thường những đòi hỏi của thân, thấy không có gì quan trọng hết mới thắng được nó. Tăng Ni nên quán chiếu mọi thứ đều là tướng vô thường, bại hoại, có gì phải quan tâm. Đừng để những chuyện bâng quơ giết mất thì giờ quí báu trong lúc tọa thiền.

Nhớ tới giờ ngồi thiền là chúng ta nhớ tới giờ phút linh thiêng. Cả ngày đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ta chỉ được có mấy giờ quí báu đó nên phải rất trọng, rất quí nó. Qua một phút là tiếc một phút. Bởi vì khi làm việc nhọc nhằn, chúng ta khó làm chủ được, mắt thấy tai nghe đủ thứ nên tâm luôn xao động. Chỉ có giờ ngồi thiền là không nhọc nhằn về thể xác, không thấy nghe những chuyện bên ngoài, ta làm chuyên một việc là chinh phục nội tâm thôi. Nên giờ đó hết sức quí báu, quí vị đừng xem thường, đừng để mất đi. Người nào biết trân quí giờ ngồi thiền, tự nhiên sẽ thấy giá trị và kết quả của ngồi thiền, còn vị nào cho đó là giờ trả nợ, sẽ không bao giờ thấy được giá trị và kết quả của ngồi thiền.

Muốn chinh phục mình, làm sao đừng để nội tâm có những niệm sai lầm, đừng nghĩ giờ này là giờ bị bắt ngồi thiền. Phải biết đó là giờ phút quí báu dành cho mình tu. Nhất là buổi khuya ngủ dậy tỉnh táo, khí hậu mát mẻ, ngồi thiền là cơ hội hết sức tốt để nhận lại cái mình sẵn có. Người dồn hết tâm lực trong sự tu, nhất định sẽ đạt kết quả không nghi. Còn người cảm thấy mình bị bắt buộc tu thì ngàn năm cũng không tiến. Do thấy giờ ngồi thiền quí báu nên chúng ta không dám xem thường, nhờ đó lúc nào cũng nỗ lực tinh tấn. Nếu không thấy như vậy sẽ dễ thối tâm, dễ lùi bước trên con đường đạo. Đó là lẽ thật.

Nên biết tinh tấn là sức mạnh của người tu, bởi vì có cố gắng chúng ta mới vượt qua được những khó khăn. Vượt qua được khó khăn gian khổ, mới có an lạc. An lạc từ thân cho tới tâm. Như Thiền viện qui định mỗi buổi ngồi thiền hai giờ đồng hồ, nhưng người mới vào chùa ngồi hai giờ khó hay dễ? Chắc không dễ. Nó đau thấu xương. Kinh nghiệm của Tăng Ni tại Trúc Lâm, có vài vị tới giờ sau, ngồi khóc thút thít tại chỗ. Lấy làm lạ tôi hỏi, quí vị không dám nói nhức quá khóc, sợ huynh đệ cười yếu đuối, nên nói “Con nhớ má”. Tôi bảo “nhớ má thì về”.



 Đức Phật nhờ liều chết mới tìm được đạo. Nhưng đâu phải tìm là thành Phật liền, phải qua năm năm tầm đạo, sáu năm tu khổ hạnh, những gì đau khổ Ngài đều nếm trải hết. Khổ hạnh tới phải ngất xỉu dưới đất. Một Hoàng tử cầu đạo xả thân như vậy, còn chúng ta là gì, ông hoàng hay ông nông phu? Vậy mà đi tu còn đòi cái này cái kia đủ thứ hết, thiếu một chút không chịu. Như vậy ý nghĩa xả thân ở chỗ nào? Do đó tu hoài cũng không tới đâu.

Khi qua Ấn Độ, tới cội Bồ-đề, tôi hồi tưởng lại thấy quả thật đức Phật gan cùng mình. Cây Bồ-đề ở giữa rừng, không có nhà cửa xóm làng. Xứ Ấn Độ lại nhiều rắn độc, Ngài quyết định ngồi dưới cội Bồ-đề đến khi nào thành đạo mới thôi, chết sống gì cũng không dời chỗ. Từ sự xả thân đó đức Phật mới đạt được đạo. Phải chi Ngài cất cái thất trong hoàng cung, có người hầu hạ cơm nước đầy đủ, tu ba tháng thành Phật, thì bây giờ chúng ta đòi hỏi tiện nghi là điều hợp lý. Viện lý do có người phục vụ sung mãn tôi tu mới thành đạo. Chính đức Phật đã hy sinh xả thân cầu đạo nên mới đạt đạo, tại sao ngày nay chúng ta lại không hy sinh, không gắng sức bỏ thói quen tật xấu của thế gian, để tìm cái cao siêu trong đạo?

Đức Phật như thế, chư Tổ cũng như thế. Chúng ta thấy như tổ Huệ Khả chặt tay, tổ Huệ Năng giã gạo, tổ Trúc Lâm tu hạnh đầu-đà… Tất cả quí Ngài cầu đạo đều phải xả thân hết. Tổ Huệ Khả cầu đạo đứng suốt đêm dưới tuyết mà tổ Bồ-đề-đạt-ma mặt lạnh như tiền. Tổ ngồi xoay mặt vào vách, người ở ngoài đứng khoanh tay chờ, Tổ có biết không? Làm gì không biết. Biết mà vẫn thản nhiên, có phải tàn nhẫn không? Nhưng như thế cũng chưa tàn nhẫn mấy, tới khi Tổ xoay ra thấy tuyết lên gần tới đầu gối mà Ngài vẫn thản nhiên nói “muốn cầu đạo vô thượng Bồ-đề, đâu thể dùng chút ít khổ hạnh như vậy mà được ư?”

Còn Lục Tổ tới Huỳnh Mai hỏi đạo, qua cuộc đối đáp ban đầu, Ngũ Tổ thấy có khả năng lãnh hội giáo lý nên Ngài mới bảo xuống nhà trù công quả. Xuống nhà trù không biết ông trưởng nhà trù có ý gì không mà bắt Ngài giã gạo suốt tám tháng. Lúc đó vì quá ốm yếu, Ngài đứng trên cái chày nhưng không đủ sức cho chày cất lên. Nếu là mình, ta sẽ khiếu nại xin thêm người phụ, phải không? Nhưng Ngài thấy mình không đủ lực làm cho cái chày cất lên, thì cột thêm cục đá ngang lưng để đủ sức cất chày, chớ không khiếu nại. Treo đá giã gạo như vậy lâu ngày, sợi dây xiết vô da thịt lở loét tới có vòi mà ngài vẫn không than một tiếng. Tổ vì cầu đạo đã xả thân như thế. Khi Ngũ Tổ xuống thấy liền nói: “Con vì cầu đạo mà quên thân đến thế sao?”

Chúng ta mới thấy người xưa vì đạo quên thân, bởi quên thân nên mới đạt đạo. Còn mình bây giờ quí thân quá nên khó đạt đạo. Thật ra đạo không phải khó tìm mà vì mình quí thân, trọng bản ngã quá cho nên không thấy đạo. Chúng ta đã quyết tu thì phải nhớ gương của người xưa nỗ lực tinh tấn tu hành, đừng yếu đuối, đừng chần chờ, đừng chểnh mảng, mất bao nhiêu thì giờ quí báu. Đó là điều hết sức thiết yếu.

Tinh tấn trong đạo là quên thân cầu đạo, quên tất cả những thứ vui buồn phiền não. Xả bỏ hết cho thân tâm thanh tịnh thì trí tuệ mới sáng suốt. Còn thân tâm bị xáo trộn chao đảo hoài, trí tuệ không bao giờ sáng được. Vì vậy làm sao trong mùa an cư, mỗi vị đều nỗ lực tinh tấn tu hành cho trọn mùa an cư. Sức tinh tấn ấy phải được thực hiện liên tục, không ngừng nghỉ thì mới thấy được kết quả phi thường của nó. Được vậy tôi tin chắc nguồn an lạc sẽ đến với quí vị, từ đó công phu không bao giờ thối chuyển.

Đó là lời nhắc nhở của tôi nhân ngày đầu mùa an cư. Mong tất cả Tăng Ni cố gắng nỗ lực tu hành để khỏi uổng phí một đời xuất gia cao cả của mình.



TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG ĐẠO PHẬT
ĐỨC HỶ XẢ
CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH
THƯ NGỎ VÀ MỤC LỤC PHTQ SỐ 21
 

Wednesday, February 13, 2013

*** ĐẦU NĂM ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP


Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
 
Theo thông lệ xưa, cứ vào dịp Tết, Nguyên Đán hằng năm, nhiều người Phật Tử, cũng như mọi người, không phải Phật Tử, thường hay đi chùa, lễ Phật đầu năm, hái lộc đầu xuân, thắp hương khấn vái, cầu nguyện chư Phật, chư vị Bồ Tát, tổ tiên ông bà, phù hộ độ trì, năm mới trọn lành, bình yên vô sự, tai qua nạn khỏi, vạn sự kiết tường, muôn sự hanh thông, mọi việc như ý. 
Đó là truyền thống, tín ngưỡng lâu đời, chúng ta giữ gìn, từ thế hệ này, sang thế hệ khác, từ ở trong nước, ra đến hải ngoại. Bất cứ nơi nào, người Việt sinh sống, trước hay là sau, sớm hay là muộn, cũng có cảnh chùa, cũng có tu viện.

Phật đường Thiền đường, tịnh thất thiền thất, đạo tràng tu học, dựng lên phát triển, công sức bá tánh, tịnh tâm tịnh tài, để cho mọi người, có nơi lễ Phật, có nơi tạo phước, có nơi tưởng niệm, tổ tiên ông bà, phát huy văn hóa, có nơi tĩnh tâm, sau những tháng ngày, đấu tranh tranh đấu, kiếm sống vất vã.
Trong suốt cuộc đời, đầy dẫy khó khăn, những sự bất trắc, việc bất như ý, căng thẳng muộn phiền, hệ lụy trầm kha, mất mát vật chất, cũng như tinh thần, thăng trầm sóng gió, quan trọng nhứt là: có nơi tu học, thực hành Chánh Pháp, để đạt mục đích, giác ngộ giải thoát, dứt trừ những chuyện, phiền não khổ đau, thoát ly sanh tử, luân hồi nhiều kiếp. Tuy nhiên nên biết, con người đạt được, cuộc đời bình an, như lời cầu nguyện, hay không đạt được, chuyện đó không tùy, các đấng thiêng liêng, các vị thần linh, ngọc hoàng thượng đế, bất cứ vị nào. Tại sao như vậy? 

Bởi vì sự thực, thánh thần thiên địa, các vị thiêng liêng, nếu là các bậc, chí công vô tư, bất tùy phân biệt, không bao giờ làm, các chuyện bất công, thiên vị kỳ thị, ban cho con người, những điều van xin, cầu nguyện khấn vái, dù là thành khẩn, đến mức độ nào, nếu như người đó, không đáng được nhận, chẳng đáng được hưởng, mà lại không ban, cho bao người khác, xứng đáng hơn nhiều! Thực ra cần biết, tất cả những chuyện, vui buồn sướng khổ, hỷ nộ ái ố, những bước thăng trầm, của cuộc đời này, đều tùy thuộc vào, nghiệp duyên mỗi người, đều tùy thuộc vào, phước báu mỗi người, tạo được từ trước, cho đến giờ này.

Chẳng hạn như là: người nhiều phước báu, cuộc đời của họ, gặp nhiều may mắn, gặp đủ thuận duyên, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, thường gặp người hiền, thiện hữu tri thức, cầu gì cũng được, ít sóng gió hơn, ít phiền não hơn, ít cay đắng hơn, ít ưu tư hơn, ít khổ sở hơn, ít gặp người xấu, ít gặp hiểm nghèo, dù họ đang sống, bất cứ cảnh nào, bất cứ nơi nào, cũng vậy mà thôi.

Trái lại trên đời, những người kém phước, thường gặp xui xẻo, gặp sự hiểm nghèo, thiên tai địa tai, thủy tai hỏa tai, gặp người bất thiện, tổn hữu ác đảng, sa vào nghịch cảnh, sóng gió thường xuyên, khổ sở triền miên, cầu gì chẳng được, làm gì chẳng nên, gia đạo ly tan, tán gia bại sản, người thân gặp nạn, tai họa liên miên. 

Những người ít phước, lao đao lận đận, khốn khổ như vậy, bởi vì không biết, tu nhân tích đức, không chịu chăm lo, tu tâm dưỡng tánh, dù người tuổi già, hay là tuổi trẻ, lại còn tiếp tục, tạo tội tạo nghiệp, tranh chấp hơn thua, mua gian bán lận, bận tâm suy nghĩ, những chuyện vu khống, đặt điều cáo gian, khiến người lầm than, thất điên bát đảo, hại người lương thiện, đòi tiền bồi thường, vài ba triệu bạc, giựt hụi quịt nợ, làm ăn bất chánh, lường người gạt bạn, xúi giục mẹ cha, thưa kiện người ta, tán gia bại sản, thân bại danh liệt, sống dở chết dở, thiệt là tội nghiệp!
 


Bởi vậy cho nên, nhân dịp năm hết, tết đến hằng năm, chúng ta cùng nhau, xét lại cái chuyện, đi chùa đầu năm, hay vào dịp khác, làm sao thực hiện, cho đúng chánh pháp, làm sao cho được, ích lợi thực tế, có thể giúp đỡ, cuộc đời hiện tại, tất cả chúng ta, chuyển hóa tốt đẹp, được may mắn hơn, được an lạc hơn, được hạnh phúc hơn, gặp được thiện nhơn, chỉ đường dẫn lối.

Tìm thấy chánh đạo, biết cách tu tập, theo đúng chánh pháp, tu tâm dưỡng tánh, tránh cảnh chen lấn, giành giựt hái lộc, đi chùa đầu năm, giựt cho bằng được, trái cam trái quít, cành hoa nén hương, để đem về nhà, gọi là lấy hên, đồng thời tránh được, thất vọng não nề, ngay khi nhận ra, những người đi chùa, cũng không khác gì, những người ngoài đời, nhiều khi tệ hại, và nguy hiểm hơn, cũng như tránh được, thất vọng nãn lòng, khi lời cầu nguyện, không được đáp ứng, linh nghiệm như ý, và tránh được cảnh, mê tín dị đoan, tiền mất tật mang, bởi vì tin tưởng, ông bà thầy bói, nói bậy nói bạ, phong thủy địa lý, hý ngôn đủ thứ, tự nhận bừa bải, linh nghiệm như thần, trúng trăm phần trăm, vân vân và vân vân. 
Trước hết cần biết, quan niệm đi chùa, không đúng Chánh Pháp, là như thế nào, nhưng có rất nhiều, Phật Tử cũng như, không phải Phật Tử, hằng năm hằng tháng, vẫn cứ đi chùa, theo như cách đó. Theo như tín ngưỡng, ở trong dân gian, người ta đi chùa, van xin khấn vái, xin xăm xin keo, xem bói xem tướng, xem ngày tốt xấu, quan hôn tang tế, cầu cơ điểm nhãn, lên đồng lên cốt, đốt hình nhân giấy, đốt giấy vàng bạc, đô la mỹ kim, xe hơi nhà lầu, cầu khẩn thần linh, thỉnh bùa buôn bán, tình duyên gia đạo, thỉnh tượng thần tài, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Những việc làm này, không thuộc phạm vi, Phật giáo thuần túy, nhưng đã từ lâu, trộn lẫn vào trong, sinh hoạt chùa chiền, tạo nhiều ưu phiền, tạo nhiều nghi kỵ , xa rời Chánh Pháp, lạc sang tà đạo, cần phải chỉnh đốn. 

Trong suốt cuộc đời, năm nào cũng vậy, chúng ta cũng gặp, những chuyện may mắn, vừa ý vui vẻ, cùng với những chuyện, kém may không tốt, khó chịu buồn phiền! Ngay cả cuộc đời, các bậc thánh nhân, các vị giáo chủ, trên thế gian này, cũng không ngoại lệ, có người tán tụng, tung hô khen ngợi, bái phục qui ngưỡng, đồng thời cũng không, tránh khỏi rắc rối, phỉ báng mạ lỵ , vu khống cáo gian. Thậm chí có vị, bị bắt bỏ tù, hay bị xử chết, một cách thê thảm! Tại sao như vậy? Bởi vì thực ra, đã là người ta, dù là thánh nhân, bậc đại tu hành, hay đã đắc đạo, tất cả đều không, ra ngoài nhân quả.

Nói một cách khác, tất cả mọi người, gây tạo nghiệp nhân, do thân khẩu ý, tốt có xấu có, thiện có ác có, lành có dử có, hiền có hung có, trong vô lượng kiếp, hay trong kiếp này, nếu biết ăn năn, sám hối phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, giác ngộ chánh đạo, giải thoát luân hồi. Tuy nhiên vẫn phải, cam lòng đền trả, nghiệp quả đã gieo, mình làm mình chịu, thế mới công bằng, chí công vô tư, bất tùy phân biệt, chứ đừng lập đàn, cầu được bình an, bằng cách vái van, van xin cầu khẩn, uổng công vô ích, đó là quịt nợ! Khi nào nghiệp quả, còn gọi nghiệp báo, hay là quả báo, đến ngày phải trả, dù là thánh nhân, dù là giáo chủ, giáo phẩm chức sắc, quyền cao chức trọng, giàu sang danh vọng, chí đến thứ dân, bần cùng cố nông, cũng không tránh khỏi!

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
Dù trốn lên non,
xuống biển vào hang,
nghiệp báo đã mang,
không ai tránh được.

Người trên thế gian, thường hay nói rằng: "hễ trời kêu ai, thì người ấy dạ!", hoặc là có câu: "lưới trời tuy thưa, mà chưa ai lọt", chính là nghĩa đó.

Những chuyện vào chùa, cúng chút tiền lẻ, hoặc một nén hương, hay một nãi chuối, một ít trái cây, một chút chè xôi, ôi thôi khấn vái, xin xỏ đủ điều, nhiều khi hái lộc, tay lắc ống xăm, mong được quẻ tốt, tình duyên gia đạo, thảy đều cát tường, thường muốn quẻ thượng, cầu khẩn van xin, khấn vái thần linh, cầu cho trúng số, cầu cho thắng kiện, cầu cho hơn người, đấu tranh thắng lợi, cửu huyền thất tổ, đều được siêu thăng, nội ngoại hai bên, ông bà cha mẹ, con cháu trong nhà, bình yên vô sự, sung sướng tấm thân, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi, thi đâu đậu đó, được làm quan to, giàu sang phú quí. Đem tượng thần tài, vào chùa điểm nhãn, cho được linh hiển, phù hộ làm ăn, buôn may bán đắt, một vốn bốn lời, nhứt bổn vạn lợi, là những việc làm, biểu tượng tâm tham, vô bờ vô bến, thỏa mãn tâm sân, như hỏa diệm sơn, tràn ngập tâm si, vô minh muôn thuở! Tham sân si là, cội nguồn sanh tử, cần phải dứt trừ, chính nghĩa đó vậy.


Bởi vậy cho nên, trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

Hãy tự thắp đuốc,
Sáng lên mà đi.
Thắp với Chánh Pháp,
Khai mở Trí Tuệ.

Nghĩa là Phật dạy: để dẹp trừ dứt, sinh hoạt mê tín, hiện tượng dị đoan, không đúng Chánh Pháp, Phật Tử chân chánh, thành tâm phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, cầu mong giác ngộ, chánh đạo giải thoát, sanh tử luân hồi, đều cần học hiểu, thực hành Chánh Pháp, ngay trong đời sống, ngay tại thế gian, tất cả mọi người, có thể làm được. Chánh Pháp tại thế gian, không phải do trời ban, chính mình phải cầu học, để có thể áp dụng, trong đời sống hằng ngày, chứ không phải là, những pho kinh điển, để thờ để lạy, không học hiểu được. Đức Phật thị hiện, thế giới ta bà, giảng kinh thuyết pháp, giúp đỡ chúng sanh, thoát ly sanh tử, phiền não khổ đau. Tại sao chúng ta, lại không tìm học, để đặng áp dụng, vào trong cuộc sống?

Ở trong kinh sách, chư Tổ có dạy:
Tu mà không học,
đúng là tu mù.
Học mà không tu,
chỉ là tủ sách.

Người không phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, dĩ nhiên gặp nhiều, phiền não khổ đau, mỗi khi nghịch cảnh, xảy đến thình lình. Người đã phát tâm, tu mà không học, không hiểu Chánh Pháp, chỉ thực hành suông, những điều truyền miệng, người trước làm sao, người sau làm vậy, làm sao tránh được, những điều mê tín, những chuyện dị đoan, tam sao thất bổn, xa rời Chánh Pháp, gọi là tu mù. 

Tam tạng kinh điển, là do chư Phật, chư vị Tổ sư, truyền lại nhiều đời, há chẳng ích lợi, gì cả hay sao? Nếu cứ đọc tụng, mà vẫn không hiểu, có thể tìm kiếm, các vị chân tu, các bậc tôn đức, thực học giáo lý, để xin nương tựa, để xin chỉ dạy. Làm được như vậy, chúng ta tránh khỏi, những kẻ ngoại nhân, lợi dụng hình tướng, tu sĩ Phật giáo, lẫn lộn vàng thau, hướng dẫn những điều, huyễn hoặc huyền bí, mê tín dị đoan, xa lìa chánh đạo, chẳng ích lợi gì! Những người thu thập, tam tạng kinh điển, nghiên cứu từ chương, tìm phương phô trương, sở học tri kiến, cũng chẳng ích lợi, cho việc thoát ly, sanh tử luân hồi, giác ngộ giải thoát, chỉ là tủ sách, hay là đãy sách!

Chúng ta không nên, quan niệm sai lầm, xem chùa như là, cái viện dưỡng lão, dành riêng cho người, gần đất xa trời, hay là dành cho, những người chán đời, thất bại trên đường, công danh sự nghiệp, hoặc là dành cho, những người chán chê, tình duyên gia đạo, ở ngoài thế gian. 

Bởi vậy cho nên, những người phát tâm, thay đổi hình tướng, vào tu trong chùa, bất cứ tuổi nào, cần nên phát nguyện, ly thân cắt ái, dứt bỏ hồng trần, lìa tam giới gia, xuất phiền não gia, tự độ độ tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, cầu học Chánh Pháp, tu tập tinh tấn, đến ngày giác ngộ, thấu rõ biết rành, cốt tủy đạo Phật, chứ đừng giải đãi, tụng kinh ê a, lóc cóc leng cheng, như phường hát dạo.
Chuyên chú hình thức, cúng kiến lễ lạy, cúng sao giải hạn, quanh năm suốt tháng, cầu này cầu kia, vía ông vía bà, thực là uổng phí, cả cuộc đời này, lại còn dẫn dắt, bao người lầm lạc, vì tin màu áo, sa vào tà đạo, xa rời chánh đạo, biết đến bao giờ, quày đầu tỉnh ngộ? 

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: 
" Không nên tin ngay, tất cả những gì, người xưa đã nói, tất cả những gì, người có thế lực, đạo cũng như đời, tất cả những gì, người bề trên nói, tất cả những gì, nhiều người tin theo, có ghi trong sách. Chỉ nên tin theo, những gì có thể, kiểm nghiệm lại được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ, sáng suốt thông minh, thấy có ích lợi, cho bản thân mình, và cho mọi người".


Để tránh sai lầm, cho chính chúng ta, không tin mù quáng, bất cứ lời nào, do những người có, thế lực ngoài đời, cũng như thế lực, trong các tổ chức, tôn giáo thế gian, chúng ta nhứt định, phải biết suy xét, tư duy nghiền ngẫm, đối chiếu so sánh, với tam tạng kinh, tạng luật và luận. Hơn như thế nữa, ở trong Phật giáo, có "Tam Tuệ Học", tức ba môn học, giúp đỡ con người, phát sanh trí tuệ, thông minh sáng suốt, phân biệt chánh đạo, khác với tà đạo, có được chánh kiến, và có chánh tín, tránh được mê tín, và tránh dị đoan. Ba môn học đó, là: "Văn, Tư, Tu".

Trước hết chúng ta, cần phải lắng nghe, lời giảng thiết tha, của thiện tri thức, phải học kinh điển, và những lời dạy, của chư tôn đức. Xong rồi, chúng ta phải biết, tư duy quán chiếu, suy nghĩ nghiền ngẫm, một cách kỹ lưỡng, một cách tường tận, một cách thấu triệt. Khi nào nhận thấy, những lời dạy đó, quả thực đem lại, an lạc cho mình, ích lợi cho người, chúng ta bắt đầu, tu tập thực hành, vào trong đời sống, hằng ngày hằng giờ, của chính chúng ta.

Chẳng hạn như là: những lời tiên tri, về ngày tận thế, đã từng làm cho, bao nhiêu con người, nhẹ dạ dễ tin, nơi đấng thần quyền, phải chịu điêu đứng, tự sát tập thể, trước năm 2000, biến động vừa qua. Chẳng hạn như là: những chuyện phép lạ, chữa người tê liệt, đi đứng lại được, chữa cho người mù, thấy được ánh sáng, đều là những chuyện, không tưởng hoang đường, chẳng ích lợi gì, cho việc phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, chỉ đem lợi nhuận, thực là kếch xù, cho người lợi dụng, đức tin mù quáng, của mọi người khác. 

Tại sao như vậy? Bởi vì nếu như, có vị thánh nhân, cứu cho người chết, sống trở lại được, thử hỏi sau này, nếu như người đó, lại chết lần nữa, ai cứu họ đây? Lần này chết thiệt! Không sống lại đâu! Tại sao như vậy? Bởi vì cái vị, gọi là thánh nhân, đã phải lìa trần, bị người khác giết, chết mất đất rồi, ai mà cứu nổi! Khi Phật tại thế, có một thiếu phụ, khẩn cầu Đức Phật, cứu sống người con, mới vừa qua đời. Đức Phật bèn bảo, người thiếu phụ đó, đi xin đem về, cho được hột cải, từ gia đình nào, không bao giờ có, người đã qua đời. Dĩ nhiên kết quả, người thiếu phụ đó, không sao tìm được, hột cải như vậy. Bởi vậy cho nên, người thiếu phụ đó, liền giác ngộ được, "lý lẽ vô thường", của cuộc đời này.
 
Không có cái gì, ở trên đời này, tồn tại vĩnh viễn, không có người nào, trẻ mãi không già, sống mãi không chết, dù cho người đó, là bất cứ ai, giàu sang nghèo hèn, thông minh ngu dốt, quan chức thường dân, tu sĩ tín đồ, da đen da trắng, da vàng da đỏ, khỏe mạnh đau yếu, tất cả cũng đều, có ngày bắt buộc, từ giã cuộc đời, hai bàn tay trắng, chỉ đem theo được, cả khối nghiệp báo, đã gây tạo nên, trong suốt cuộc đời, sống trong vô minh, không biết chánh đạo.

Tóm lại chúng ta, khi gặp thuận cảnh, nhiều sự may mắn, cuộc đời an vui, chúng ta nên biết, mình đang hưởng phước, tiếp tục cố gắng, tu tâm dưỡng tánh, tạo thêm phước báu, tránh xa các việc, tạo tội tạo nghiệp, dù trong hành động, dù trong lời nói, hay trong ý nghĩ.  Khi gặp nghịch cảnh, khốn khổ khó khăn, cuộc đời sóng gió, chúng ta biết ngay, mình kém phước báo, phải trả nghiệp báo, không thể tránh khỏi, không thể cầu an, bằng cách vái van, xin xăm bói quẻ, cho nên quyết chí, tu tâm dưỡng tánh, giúp đời giúp người, làm việc phước thiện, nhứt định chuyển nghiệp, chuyển hóa tâm tánh, tu theo chánh đạo, từ bi hỷ xả, bình tĩnh thản nhiên, trước mọi sóng gió, của cuộc đời này.

Chúng ta quyết tâm, từ đây trở đi, đầu năm đi chùa, chánh tín lễ Phật , mỗi năm một lần, hay thường xuyên hơn, mỗi tháng mỗi tuần, đều với mục đích: cầu học Chánh Pháp, gần gũi bạn đạo, thảo luận pháp tu, thọ bát quan trai, hành thập thiện giới, trao đổi kinh nghiệm, đọc kinh đọc sách, thỉnh băng thuyết pháp, đem về tu học. Tinh tấn thường xuyên, nội cần khắc niệm, tạo được công phu, ngoại hoằng bất tranh, tạo nên đức độ, bên trong tĩnh lặng, bên ngoài an vui, cho đến một ngày, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não, chẳng thấy khổ đau, mặc dù vẫn sống, ngay tại thế gian, như bao người khác, thân tâm tự tại, an lạc hạnh phúc, cư trần lạc đạo.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ



CHUYỆN VUI ĐẠO ĐỜI
 
CHIẾC LÁ KHOAI 

-      Hồi nảy giờ cô giảng cho con nghe nhiều lắm, con còn nhớ gì không?
Con có thể nhắc lại một vài điều mà con nhớ được không?

-      Thưa cô, tâm con như chiếc lá khoai, đổ bao nhiêu nước, ra ngoài bấy nhiêu!!
-      Trời!!
---------------------------------------------------

CÚNG CAFÉ

-      Em thương! Nếu như mai sau anh có chết đi, nhớ anh em chỉ cần cúng anh một ly
Café đen là đủ rồi!!

-      Không còn thêm một tô hủ tiếu và một ổ bánh mì thập cẩm nữa!

-      Chi mà phải tốn kém nhiều như vậy?

-      Anh không ăn được, thì em sẽ ăn thế anh chứ.
-      À! thì là vậy, anh hiểu rồi!!
--------------------------------------------

AI ĐÓI?

-      Thưa Thầy! chồng con khi còn sống rất thích ăn xôi.
Như vậy con cúng dĩa xôi anh ấy có ăn được không?

-      Cúng có một dĩa xôi thôi sao? Con còn nhớ anh ấy thích gì nữa không?

-      Dạ hết rồi!

-      Nếu con cúng chỉ có xôi thôi thì anh ấy là ma đói rồi…!!!
Chùa cũng đói luôn…!!!
------------------------------------------------



Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
BÀN VỀ THIỆN VÀ ÁC
THIỂU DỤC TRI TÚC (HT Thiện Hoa)
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011_03_01_archive.html  
Ý NGHĨA CỦA SỰ THỜ CÚNG  
ĂN CHAY HAY ĂN MẶN  
TỘI VÀ NGHIỆP