Thursday, December 26, 2019

*** Bức thư đêm Giáng sinh 1965 Vua hài Charlie Chaplin





Bức thư đêm Giáng sinh 1965 Vua hài Charlie Chaplin gửi con gái: "40 năm bố đã mua vui cho mọi người trên trái đất, nhưng bố khóc nhiều hơn họ cười con yêu ạ!"
25-12-2019 - 10:03 AM | 

Charlie Chaplin (Vua hề Sác lô) là một huyền thoại của điện ảnh Hollywood thế kỷ 20. Ông được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện ảnh có đóng góp to lớn phát triển kỷ nguyên phim câm.
Về đời tư, Vua hề Charlie Chaplin có 12 người con. Năm 1965, là một ông già 76 tuổi thông thái, Charlie viết thư cho cô con gái 21 tuổi Geraldine, diễn viên múa sân khấu Paris vào thời khắc đêm Giáng sinh ấm áp...


"Con gái của bố!
Bây giờ đang là đêm. Đêm Giáng Sinh. Các anh, chị của con đang ngủ. Mẹ con cũng đã ngủ rồi. Con ở xa bố biết bao! Nhưng hình ảnh con luôn luôn xuất hiện trước mắt bố. Chân dung con – ở đây, trên bàn, và ở đây, trong trái tim bố. Nơi ấy, thành Paris hoa lệ, con đang khiêu vũ trên sân khấu nhà hát hoành tráng của Điện Élysée. Bố biết rõ điều đó, nhưng dù sao bố cũng cảm thấy trong đêm khuya tĩnh lặng bố nghe được tiếng chân con bước, nhìn thấy cặp mắt con đang sáng lên như những vì sao trên bầu trời mùa đông.
Bố nghe nói rằng con sắm vai người đẹp Ba Tư bị một khan Tácta cầm tù trong vở kịch tưng bừng và vui tươi. Hãy làm người đẹp và hãy khiêu vũ! Nhưng nếu lòng mến mộ và biết ơn của công chúng mê hoặc con, nếu như hương thơm của những đóa hoa con được tặng làm đầu óc con choáng váng, thì hãy ngồi vào một góc kín và đọc bức thư của bố, hãy lắng nghe tiếng nói trái tim mình. Bố là bố của con, Geraldine ạ!
Bố là Charlie Chaplin! Con có biết bao nhiêu đêm bố đã ngồi bên giường con, khi con còn tấm bé, kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích về người đẹp ngủ trong rừng, về con rồng nhiều phép lạ? Còn khi giấc ngủ làm díp đôi mắt già nua của bố, bố cười và nói: «Hãy đi đi! Giấc ngủ của ta – đó là ước mơ của con gái ta!".
Bố nhìn thấy những ước mơ của con, Geraldine ạ, nhìn thấy tương lai của con, ngày hôm nay của con.
Bố nhìn thấy một cô gái đang khiêu vũ trên sân khấu, một nàng tiên đang bay lượn trên bầu trời. Bố nghe thấy khán giả trầm trồ: "Có nhìn thấy cô gái ấy không? Cô ta là con gái của một anh hề già. Có biết ông ta là Charlie Chaplin không?"
Vâng, bố là Chaplin! Bố là một anh hề già! Hôm nay đến lượt con. Hãy khiêu vũ! Bố đã mặc chiếc quần rách rộng thùng thình để khiêu vũ, còn con mặc tấm áo lụa dài của một công chúa để khiêu vũ. Những vũ điệu này và những tiếng vỗ tay như sấm dậy có lúc sẽ nâng con lên chín tầng mây. Con hãy bay! Hãy bay tới đó. Nhưng con cũng hãy hạ cánh xuống mặt đất! Con phải nhìn thấy cuộc sống của những con người, cuộc sống của những vũ công đường phố đang vừa nhảy vừa run lên vì lạnh và đói.
Bố đã từng như vậy, như họ, Geraldine ạ. Vào những đêm ấy, những đêm kỳ diệu, khi con chìm vào giấc ngủ bởi những câu chuyện cổ tích của bố, bố vẫn không hề chợp mắt.
Bố nhìn gương mặt bé xíu của con, lắng nghe nhịp tim con đập và tự hỏi: "Này, Charlie, phải chăng con mèo con này một lúc nào đó sẽ nhận ra ngươi?" Con chưa hiểu hiểu hết bố đâu, Geraldine ạ. Bố đã kể cho con nghe nhiều chuyện cổ tích vào những đêm xa xưa ấy, nhưng chưa bao giờ kể cho con nghe chuyện cổ tích của mình. Mà nó cũng rất lý thú. Đó là câu chuyện cổ tích về một anh hề đói đã hát và nhảy trong những khu phố nghèo của London, và sau đó đi xin bố thí. Đó là chuyện cổ tích của bố! Bố biết thế nào là cái đói, thế nào là không chốn nương thân. Hơn nữa, bố đã nếm trải nỗi khổ nhục của một anh hề rong, trong ngực sục sôi một đại dương kiêu hãnh, và niềm kiêu hãnh này bị tổn thương bởi những đồng xu người ta ném cho bố. Nhưng dù sao bố vẫn sống, vì vậy hãy bỏ qua điều đó.


Tốt nhất là hãy nói về con. Sau tên con - Geraldine - là họ của bố - Chaplin. Với cái họ này hơn 40 năm bố đã mua vui cho mọi người trên trái đất. Nhưng bố khóc nhiều hơn họ cười. Geraldine ạ, trong thế giới con đang sống không chỉ có vũ điệu và âm nhạc! Đêm đêm, khi bước ra từ khán phòng lớn, con có thể quên những người hâm mộ giàu sang, nhưng đừng quên hỏi thăm vợ người tài xế taxi chở con về nhà. Và nếu như cô ta đang mang bầu, nếu như họ không có tiền để sắm tã lót cho đứa con tương lai, con hãy đặt tiền vào túi anh ta. Bố đã đề nghị nhà băng thanh toán các khoản chi phí của con. Nhưng những món nợ của những người khác con cũng phải trả đầy đủ. Thỉnh thoảng con nên đi tàu điện ngầm hay ôtô buýt, đi bộ để ngắm thành phố.
Hãy quan tâm tới mọi người! Hãy để ý tới những góa phụ và trẻ em mồ côi! Và ít ra là một lần trong ngày, con hãy tự nói với mình: "Mình cũng giống họ thôi". Vâng, con cũng là một trong số họ, con gái ạ. Hơn nữa. Nghệ thuật, trước khi cho con người ta đôi cánh để có thể bay cao, thường bẻ gãy chân anh ta. Và nếu như có một ngày con cảm thấy mình cao hơn công chúng, thì ngay lập tức hãy bỏ sân khấu. Con hãy bắt chiếc taxi đầu tiên và đi ra ngoại ô Paris. Bố biết rất rõ những vùng này. Ở đấy con sẽ nhìn thấy nhiều vũ nữ giống như con, thậm chí xinh đẹp hơn, duyên dáng hơn, với niềm kiêu hãnh lớn. Ở đấy không ai biết tới ánh đèn sân khấu rực rỡ của con. Đối với họ đèn sân khấu là mặt Trăng.
Con hãy nhìn thật kỹ! Có phải họ khiêu vũ tốt hơn con không? Hãy thừa nhận đi, con yêu! Bao giờ cũng có thể tìm thấy người khiêu vũ đẹp hơn con, diễn hay hơn con.
Và hãy ghi nhớ: Trong gia đình Charlie không có kẻ thô lỗ có thể mắng chửi người xà ích hay giễu cợt kẻ hành khất đang ngồi bên bờ sông Seine. Bố sẽ chết, những con sẽ sống. Bố muốn con không bao giờ biết đến sự nghèo khổ. Cùng với bức thư này bố chuyển cho con một cuốn séc để con có thể chi tiêu tùy thích. Nhưng khi con tiêu 2 phrăng, đừng quên nhắc nhở mình rằng đồng phrăng thứ ba không phải của con. Nó phải thuộc về một người lạ mặt đang cần đến nó. Mà người đó con có thể dễ dàng tìm thấy. Chỉ cần con muốn nhìn thấy những người lạ mặt nghèo khổ là con sẽ gặp họ khắp nơi. Bố nói với con về tiền, vì bố biết được sức mạnh khủng khiếp của nó.
Bố đã làm việc khá lâu trong rạp xiếc. Và bao giờ bố cũng rất lo lắng cho những người đi trên dây. Nhưng phải nói với con rằng con người hay bị vấp ngã trên mặt đất hơn trên sợi dây mạo hiểm. Có thể, vào một trong những buổi dạ hội mà con được mời, ánh sáng của một viên kim cương nào đấy sẽ làm con lóa mắt. Đúng lúc đó, nó sẽ là sợi dây thừng mạo hiểm đối với con, và con không thể tránh được sự vấp ngã. Có thể, vào một ngày đẹp trời, gương mặt tuyệt mỹ của một hoàng tử nào đó sẽ hút hồn con. Chính vào cái ngày hôm ấy, con sẽ trở thành một người đi trên dây thiếu kinh nghiệm, mà những người thiếu kinh nghiệm bao giờ cũng dễ vấp ngã. Con đừng bán trái tim mình vì vàng bạc, châu báu.
Hãy nhớ rằng viên kim cương lớn nhất của con là mặt trời. May mắn thay, nó tỏa sáng cho tất cả mọi người. Còn đến một lúc nào đó, con bắt đầu yêu, thì hãy yêu thương con người đó với tất cả trái tim. Bố đã nói với mẹ viết cho con về điều đó. Trong tình yêu, mẹ hiểu biết nhiều hơn bố, tốt nhất là để mẹ nói với con. Công việc của con đầy khó khăn, bố biết điều đó.
Thân thể con chỉ được che bằng một mảnh lụa. Vì nghệ thuật có thể xuất hiện thoát y trên sân khấu, nhưng phải trở về từ đó không những trong y phục mà còn sạch sẽ hơn.
Bố đã già, và có thể, lời bố nói nghe buồn cười. Nhưng, theo bố, thân thể thoát y của con phải thuộc về kẻ nào yêu tâm hồn cởi mở của con. Không có gì đáng sợ nếu như đây là ý kiến 10 năm trước của con về vấn đề này, nghĩa là nó thuộc về quá khứ. Đừng sợ, 10 năm không làm con già đi. Bố biết rằng giữa thế hệ bố và con luôn luôn có sự đối đầu. Con hãy quyết đấu với bố, với ý nghĩ của bố. Bố không thích những đứa con dễ bảo. Và khi mà nước mắt của bố chưa rỏ xuống bức thư này, bố muốn tin rằng Giáng Sinh hôm nay là một đêm kỳ diệu.
Bố muốn điều kỳ diệu sẽ xảy ra, và con thực sự hiểu tất cả những gì bố muốn nói với con. Bố Charlie đã già thật rồi, con gái Geraldine ạ. Sớm hay muộn, thay cho chiếc áo dài trắng dành cho sân khấu con phải mặc bộ áo tang để bước tới nấm mồ của bố. Bây giờ bố không muốn làm con buồn. Có điều thỉnh thoảng con nên soi gương – trong đấy con sẽ nhìn thấy những đường nét của bố. Trong huyết quản của con đang chảy dòng máu của bố. Ngay cả khi máu trong huyết quản bố đã khô cạn, bố vẫn muốn con không quên bố Charlie của mình. Bố không phải là thiên thần, nhưng luôn luôn khao khát trở thành một con người. Cố gắng lên, con nhé!
Hôn con, Geraldine, Charlie của con. Tháng 12. 1965"






Ánh Lửa Giao Thừa
(Cô bé với những que diêm)
Truyện cổ tích Đan-mạch của Andersen
Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng kể

Trời lạnh ngắt, tuyết rơi đều và trời bắt đầu tối; đây cũng là chiều cuối năm, tối giao-thừa. Giữa cảnh giá lạnh lẽo tối tăm này một cô bé đang đi ngoài đường đầu trần, chân đất. Đúng rồi, trước đây lúc ra khỏi nhà bé đã đi giầy, nhưng có hơn gì đâu? Đó là đôi giầy quá rộng mẹ bé đã dùng, thật là quá rộng. Rồi bé cũng mất luôn lúc băng qua đường vì lúc đó có 2 chiếc xe vụt qua nhanh kinh khủng. Một chiếc giầy mất luôn không sao tìm lại được, còn chiếc kia thì một thằng nhỏ cầm lấy chạy biến đi và còn bảo là có thể dùng làm nôi cho trẻ con được khi nào nó có con!

Thế là cô bé phải đi chân trần, đôi chân mới đầu thấy ửng đỏ lên rồi xám đi vì lạnh. Trong chiếc áo choàng cũ kỹ bé để những que diêm, tay cầm một mớ khác. Cả ngày chẳng ai mua cho bé mà cũng chẳng có ai cho lấy một xu nhỏ. Bé đi lang thang vừa đói vừa lạnh dáng thật thiểu não, tội nghiệp. Những bông tuyết rơi lên mái tóc vàng và dài của bé, mái tóc cong cong ở chỗ cổ thật đẹp, nhưng bé đâu có tâm hồn để nghĩ đến chuyện này. Ánh đèn chiếu ra từ những chiếc cửa sổ, rồi mùi ngỗng quay ngào ngạt toả ra cả ngoài đường phố; tối Giao-thừa mà. Đúng thế, bé đang nghĩ đến Giao-thừa!


Bé ngồi xuống, thu mình co ro ở một góc khuất giữa hai toà nhà, chỗ một cái nhô nhiều ra phố hơn cái kia, bé ngồi, nhưng như thế hóa ra càng lạnh. Về nhà thì bé không dám rồi vì đã không bán được que diêm nào cả nên chẳng được lấy một xu, chắc chắn bé sẽ bị bố đánh. Vả lại ở nhà cũng lạnh, gia-đình bé đúng là chỉ có một chiếc mái nhà trên đầu, còn thì gió vẫn thổi vào dù bao nhiêu lỗ thủng lớn nhất đều được nhét đầy rơm và giẻ rách. Đôi tay tý xíu của bé đã bị cứng đờ vì lạnh. Ồ, chắc một que diêm sẽ làm đỡ cóng! Giá bé được phép lấy chỉ một que thôi trong bó diêm ra, quệt mạnh vào tường để sưởi cho những ngón tay được ấm!
Bé rút một que diêm ra. Quệt! Nó loé lên, bừng cháy đẹp tuyệt! Khi cong tay lại để che, bé thấy đó là một ngọn lửa tươi vui ấm áp tựa như một tia sáng nhỏ, một tia sáng nhỏ thần diệu. Bé thấy như mình ngồi trước một lò sưởi bằng sắt với những chân bằng đồng sáng choang với một cái nắp cũng bằng đồng; lửa cháy dễ chịu quá, sưởi ấm quá. Nhưng kìa, sao vậy nhỉ? Khi bé duỗi chân ra để sưởi thì ngọn lửa nhỏ vụt tắt. Lò sưởi biến đi, bé ngồi đó bên đường với khúc diêm cháy dở trong tay.


Que diêm thứ hai lại được bật lên bừng cháy, sáng rỡ ràng. Khi ánh diêm chiếu đến bức tường bỗng nhiên bức tường trở thành trong suốt như một tấm màn mỏng: bé nhìn thẳng vào được tận trong căn phòng ở đó bữa tiệc được bày trên chiếc bàn khăn phủ trắng toát với những bát đĩa bằng sứ tuyệt đẹp, rồi mùi ngỗng chiên nhồi táo và mận khô toả ra thơm ngào ngạt. Thú vị hơn nữa là con ngỗng lại nhảy từ đĩa xuống, núng nính đi trên nền nhà với muỗng nĩa cắm trên lưng đến thẳng chỗ bé, cô bé nghèo nàn, tội nghiệp. Bỗng que diêm vụt tắt để trơ lại bức tường dầy đặc lạnh lẽo.


Bé đánh một que diêm nữa lên. Bé đang ngồi đây dưới cây thông Giáng-sinh rực rỡ, lớn hơn và cũng được trang hoàng đẹp hơn cả cây Giáng-sinh bé đã thấy qua cửa kính nhà ông phú thương vào lễ sinh-nhật năm ngoái. Ngàn vạn tia sáng cháy trên những cành thông xanh và bao nhiêu hình ảnh đủ màu cúi xuống nhìn bé, những hình vẫn dùng để trang hoàng các cửa hàng. Bé giơ tay lên cao như đón lấy thì que diêm vụt tắt. Những ánh sáng Giáng-sinh càng ngày càng bay bổng lên cao, bé thấy bỗng nhiên chúng trở thành những vì sao lóng lánh. Một trong những vì sao rơi xuống làm thành một vệt lửa kéo dài trên nền trời.


“Có ai vừa chết”, bé thì thầm, vì Bà của bé, người độc nhất đã tốt với bé nhưng cũng mất rồi, từng bảo là khi một vì sao rụng là có một linh hồn lên với Thượng-đế. Bé lại quệt một que diêm nữa vào tường, lửa bừng sáng chung quanh và bà của bé đứng giữa vừng sáng đó, rõ ràng, rực rỡ, dịu hiền và thần thánh.
“Bà ơi!” Bé kêu lên: “Cho cháu đi theo với! Cháu biết rồi, diêm mà tắt là bà cũng biến đi như chiếc lò sưởi ấm áp, như con ngỗng quay thơm phức với cây Giáng-sinh thật to và đẹp tuyệt vời kia!”.


Rồi bé vội vàng đánh hết cả bó diêm còn lại, vì bé muốn nhất định giữ bà lại. Những que diêm bừng cháy lên thật rực rỡ, sáng hơn cả ánh sáng giữa ban ngày. Chưa bao giờ bà lại đẹp phúc hậu như thế, lại lớn như thế. Bà bế bé vào lòng, hai bà cháu bay trong vẻ rực rỡ và tươi vui, cao lên, cao mãi. Rồi chẳng còn lạnh lẽo, đói khát, sợ hãi nữa, hai bà cháu đang ở cùng Thượng-đế.


Vào buổi sớm tinh sương rét mướt, ở một góc phố cô bé còn ngồi đó, má đỏ hồng với nụ cười trên môi, bé chết vì lạnh vào buổi chiều cuối năm rồi. Sáng tân niên đã về qua cô bé yên giấc ngàn thu ngồi bên những que diêm, trong số đó có một bao dùng gần hết. Người ta bảo nhau, chắc bé muốn đánh diêm lên sưởi cho ấm. Nhưng không ai biết được bé đã thấy những cảnh đẹp gì và đã cùng bà đi vào niềm vui của năm mới ra sao.
Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng kể

Trích : Truyện cổ tích và Thần thoại quốc tế 
Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng 



SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
TKN Thích Nữ Chân Liễu
*** 
Pháp vũ đồng lưu, lưu bất đoạn
Phật đăng phổ chiếu, chiếu vô cùng.
(Mưa pháp tràn lan, lan chẳng dứt
Đèn từ rạng chiếu, chiếu không cùng.)
(Tổ Khánh Hòa)

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, Phật Giáo đồ khắp năm châu đã đón nhận ánh sáng khai ngộ của Ðức Phật bằng sự chân thành cung kính và tri ơn vô cùng vô tận. Khi còn là Thái tử Tất Ðạt Ða, nhận thấy cảnh sanh lão bịnh tử, đem đến sự thống khổ cho nhân loại, Ngài quyết tâm ra đi tìm đạo giác ngộ giải thoát cho chúng sinh. Trải qua nhiều chặng đường cầu đạo gian lao, với sáu năm kiên trì khổ hạnh, Ðức Phật đoạn trừ được hết tham ái, lậu hoặc và vô minh, chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, trở thành Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Sau khi đắc đạo, Ðức Thế Tôn nhắn gởi nhân loại thông điệp: “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong Phật tánh, không phân biệt giai cấp quí tộc hay hạ tiện. Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật”. Nghĩa là không có giai cấp phân biệt trong Phật tánh, khi mê lầm là chúng sanh, khi giác ngộ sẽ thành Phật. Ai cũng có Phật tánh giống nhau và có thể tu hành để thoát vòng luân hồi sanh tử. Ðó chính là “Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh” chân thật tuyệt đối.

Sự Bình Ðẳng Trong Nhân Gian:
Xưa kia, xã hội sống dưới sự thống trị của giai cấp giàu có và đầy quyền lực. Do đó, tạo ra nhiều bất công và bất bình đẳng về vật chất, quyền lợi và địa vị. Nhân gian thống khổ lầm than, đấu tranh, hận thù, chết chóc luôn xảy ra. Vì phải chịu đựng sự áp bức bất công, đau khổ, nghèo đói, và ly tán, người dân thường hay cầu khẩn, van xin, để được nhiều điều ước muốn bình an như ý. Họ tìm tới những thuật sĩ và đạo sĩ, chuyên dụ dẫn mê hoặc tín đồ nhẹ dạ, nhắm mắt tin tưởng những vị thần thánh huyền thoại tưởng tượng, đầy vạn năng, có thể ban phước giáng họa theo lời cầu khẩn van xin. Dựa vào những ảo tưởng mơ hồ đó, thường không được như ý, con người chìm đắm trong đau khổ và thù hận, chiến tranh bùng nổ khắp nơi. Ngày nay, luật pháp do con người đặt ra, tôn trọng nhân quyền trong xã hội tuy có tiến bộ, bình đẳng được cải thiện trong một số lãnh vực cần thiết về đời sống, đạo đức được đánh giá cao, nhưng đó chỉ là bình đẳng tương đối trong thế gian mà thôi.
                           
Trong đời sống gia đình, giữa vợ chồng, con cái, sự bình đẳng được đặt vào vị trí cho từng thành viên. Ðạo đức giữa vợ chồng là phải có sự tôn trọng, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm về sự trưởng thành của các con. Phận làm con cũng phải vẹn tròn hiếu đạo đối với cha mẹ. Như vậy ngay trong gia đình, sự bình đẳng tương đối đem lại an lành và hạnh phúc. Ðạo đức xã hội được cải thiện, đời sống bớt đi tranh chấp, phân biệt đối xử, phải trái, hơn thua, được mất, giấc ngủ mọi người tương đối được bình yên. Kinh Pháp Cú có dạy:

Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua đều xả bỏ
Giấc ngủ được bình yên.

Suối Nguồn Bình Ðẳng Tánh Trong Nhân Quả:
Chân lý nhân quả chi phối việc thiện ác từ quá khứ, hiện tại và vị lai, trong nhiều đời nhiều kiếp. Những hành vi thiện ác đều bình đẳng trong nhân quả, không có sự biệt trừ. Ai tạo nhân lành thì hưởng kết quả an vui, ai gieo nhân ác thì lãnh hậu quả đau khổ. Con người nếu biết dừng các nghiệp nhân xấu ác, bất thiện từ trước, ngày nay biết tạo nhiều nghiệp nhân thiện lành phước báu; đến khi nghiệp quả, nghiệp báo xảy đến, còn gọi là quả báo, con người cũng phải đền trả, nhưng nhờ có phước báo nên chỉ đền trả một cách nhẹ nhàng hơn. Ðó chính là “Suối Nguồn Bình Ðẳng TánhTrong Nhân Quả”. Kinh Pháp Cú có dạy:
       
Hận thù diệt hận thù                            
Trên đời không thể có
Từ bi chuyển hận thù
Hận thù sẽ tự diệt.

Như muốn được an lạc hạnh phúc, con người phải biết xả bỏ oán kết với người, lấy ân báo oán, oán nghiệp sẽ tự tiêu tan. Người muốn tạo phước đức, để không phải đền trả quả báo một cách nặng nề do nghiệp nhân cũ, trước hết phải tự thanh lọc thân khẩu ý cho toàn thiện, tự chế tham sân si của bản thân, tu nhân tích đức, giúp đỡ người hoạn nạn. Ðó là phép tu chuyển nghiệp tốt nhất.

“Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh Trong Nhân Quả”, là tự thân mỗi người khi sanh ra trong thế gian này đều khác nhau về hoàn cảnh, phước báo, khả năng, thể chất, tri thức. Hiểu rõ được các sai khác này là sự suy nghĩ chân chánh, trong bát chánh đạo gọi là chánh tư duy. Từ đó, chúng ta sẽ sống vì người, nghĩa là không so đo, không hơn thua, không ganh ghét đố kỵ và không thù hằn vô cớ với người.

Chúng ta cảm thấy vui với hạnh phúc của người, biết chia sẻ nỗi khổ của người bất hạnh, biết cách đối xử với nhau bằng sự chân thật của lòng bình đẳng vị tha. Nếu con người luôn sống đời phạm hạnh đạo đức, tâm tánh bình đẳng khiêm cung, lòng bao dung và bình đẳng với người kém phước hơn mình, chính là nhân lành đem về kết quả an vui. Sống trên đời không ai muốn bị sỉ nhục, tài sản bị chiếm đoạt, hay bị mất thân mạng. Những hành động tốt giúp đỡ người cô thế, an ủi người bị thất bại, lòng tôn trọng người sẽ được người tôn kính trở lại.

* Tôn trọng nhân phẩm người như nhân phẩm của mình
* Tôn trọng tài sản người như tài sản của mình.
* Tôn trọng sinh mạng người như sinh mạng của mình.

Suối Nguồn Bình Ðẳng Tánh Trong Ðạo Phật:
Ðức Phật như một tấm gương sáng ngời, đạo hạnh của Ngài chuyển hóa được xã hội đầy những chia rẽ, bất công, trở về đời sống đạo đức. Giáo lý của Đức Phật là “Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh” công bằng tuyệt đối, đã đem mọi người trong xã hội ngồi gần lại với nhau. Đạo Phật dạy, giữa người với người một cái nhìn khinh mạn, một cử chỉ chê cười cũng không nên có.

Ngày nay, mọi người gặp nhau trong chùa, thường chắp tay chào nhau một cách cung kính, đó là thể hiện sự trân trọng Phật Tánh bình đẳng sẵn có của mỗi người, không phân biệt tại gia hay xuất gia, hoặc tướng giàu, tướng nghèo, địa vị cao hay thấp. Khi chào nhau như vậy, tâm con người trở nên khiêm hạ vô tư, tinh thần bình đẳng tánh trong đạo Phật là không thấy mình lễ và không phân biệt người nhận lễ. Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh. Ðó là hình ảnh thật đẹp và cao quí vô cùng của những người biết tôn trọng “Sự Bình Đẳng Tánh Trong Đạo Phật”.

Căn bản của đạo Phật là sự sáng suốt ngay tự thân tâm thanh tịnh, rèn luyện người tu đức tánh bình đẳng bằng Phật tâm, Phật tánh. Con người muốn tu phải diệt lòng tham lam, sân hận, si mê và ích kỷ ngã mạn, trở về với “Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh” chân thật cao thượng theo lời Phật dạy. Sự tôn trọng nhân phẩm tất cả mọi người, từ hành động thân khẩu ý đều do tâm từ thanh tịnh mà ra. Đạo Phật khuyến khích con người tu tâm dưỡng tánh, khai mở trí tuệ, tăng trưởng thiện căn, tạo nhiều phước đức, an lạc và hạnh phúc khắp mọi nơi. Kinh Pháp cú, Đức Phật dạy:

Tâm dẫn đầu mọi pháp
Làm chủ và tạo tác
Lời nói hay hành động
Với tâm từ thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình.  

Diệu Dụng Của Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh:
Khi bản tánh cao thượng của con người không còn thấy ai hơn ai kém, không còn tánh kiêu căng ngã mạn, con người sống trong Phật tánh sáng suốt của “Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh”, nghiã là luôn luôn sống với tâm giống như chư Phật. Sự an lạc chân thật của người có tâm hạnh bình đẳng ảnh hưởng đến những người thân sống chung quanh, cũng là gương giác ngộ sáng suốt lợi tha hiệu quả vô cùng. Tuy con người mê ngộ không đồng, nhưng Phật tánh đều bình đẳng. Người biết cách tu, không phân biệt tại gia hay xuất gia, có được tánh khiêm cung và bình đẳng, sẽ gặt hái được rất nhiều điều lợi ích cho cuộc sống. Muốn có được công đức và phước đức, dùng làm chiếc thuyền vượt qua biển khổ phiền não vô cùng vô tận từ nhiều đời kiếp, chúng ta cố gắng làm được 10 điều sau:

Tâm cầu đạo, nhiệt thành tinh tấn
Biết hổ thẹn, ghê sợ tội lỗi
Không độc hiễm, thù oán hại người
Không ganh tỵ, đức tánh trong sạch
Không bỏn sẻn, tâm từ quảng đại
Không khinh người, nếp sống đạo đức
Tu đạo hạnh, trau giồi Phật pháp,
Làm từ thiện, giúp đời cứu người
Biết hy sinh, vì người quên mình.
Hành việc đạo, sáng suốt khôn ngoan.

Ðức Phật thành đạo ngay cõi ta bà và thuyết pháp độ sanh suốt 45 năm cho đến lúc nhập diệt, để lại bao nhiêu lời dạy vàng ngọc quí báu hơn cả trân châu trong cõi đời. Tâm đại từ đại bi như cha lành thương con, tất cả đệ tử đều phải nương vào giáo lý của đức Thế Tôn trao truyền mà được giác ngộ sáng suốt theo chánh đạo, không đi sai đường vào tà đạo. Ðức Phật dạy ba môn học “Giới Ðịnh Tuệ” làm căn bản, nghĩa là hành giả tu theo Phật phải tự thắp đuốc lên mà đi, để biết đường mà tu, biết đạo mà hành.                                 
   
- Giới là những điều luật giữ cho con người không tạo nghiệp ác.
- Ðịnh là sự hành trì tu tập đoan chánh đi đến nhất tâm không còn loạn động.
- Tuệ là sự giác ngộ sáng suốt đưa đến giải thoát sanh tử, đoạn tận vô minh.

Tóm lại, đạo Phật là đạo giác ngộ và giải thoát, đức Phật là bậc từ bi và trí tuệ cao tột. Trí tuệ giác ngộ biết đời sống vô thường, sanh diệt không ngừng, con người chuyển biến từ sanh, lão, đến bịnh, tử; và hiểu được sự bình đẳng vô phân biệt của Phật tánh.

Tâm từ bi đưa con người đến sự giải thoát phiền não của nghiệp chướng nhiều đời kiếp. Người tu biết trưởng dưỡng tâm từ bi, biết giữ giới, tu thiền định, được trí tuệ, tự tu tự độ sẽ được giải thoát khỏi khổ đau và sanh tử luân hồi. Ðó là con đường thành đạo quả chánh đẳng chánh giác mà Ðức Thế Tôn đã đi và chỉ dạy với tâm đại từ đại bi cao thượng.

Trong Kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát đã giác ngộ được Phật tánh bình đẳng cao thượng, gặp ai Ngài cũng nói: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”. Suối nguồn bình đẳng tánh là sự giác ngộ và giải thoát của Phật tâm, Phật tánh nơi tự thân mỗi con người. Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa. Chánh pháp của đức Phật mãi mãi là con đường tiến đến tâm hạnh thiện lành trọn vẹn cho người tu, và đem lại đời sống đạo đức cao thượng, để không còn cái ta khổ đau và phiền não nữa. Chân lý tối thượng vượt trên tất cả chính là “Suối Nguồn Bình Đẳng Tánh” vô ngã tuyệt đối. []

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN. Thích Nữ Chân Liễu (Canada)   


  

MỪNG SINH NHẬT CON GÁI




Mừng con sinh nhật tuổi đôi mươi

Tuổi của vàng son của nụ cười

Thuyền lướt trên sông chưa đổ bến

Trăng soi sóng nước lững lờ trôi

                    ***
Trăm hoa đua nở khoe màu sắc

Ngàn bướm tung tăng lượn ngập trời

Mong ước tình duyên Cha Mẹ định

Đem niềm hạnh phúc trọn đôi nơi.


Tác giả   XUÂN PHONG





  NHƯ

NHƯ CHIẾC LÁ MÙA THU

NHƯ CƠN GIÓ THOẢNG QUA

NHƯ GIỌT SƯƠNG TRÊN LÁ

NHƯ MỘT GIẤC CHIÊM BAO

NHƯ MỘT ĐÓM LỬA TÀN

NHƯ LÀN MÂY MONG MANH

NHƯ MỘT VÌ SAO BĂNG

ĐỜI VÔ THƯỜNG,

TỰA NHƯ BỌT NƯỚC TRÊN ĐẠI DƯƠNG.

ĐƯỢC MẤT THÀNH BẠI HOÁ HƯ KHÔNG…




CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT
NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ NHẸ NHÀNG
LÒNG TIN NGƯỜI CON PHẬT
THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ
TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO
http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2012/10/tam-va-tuong-trong-phat-giao.html