Sunday, September 12, 2021

*** VIÊN NGỌC MINH CHÂU

 

 VIÊN NGỌC MINH CHÂU 

TKN Thích Nữ Chân Liễu

 

Các vị Tổ khi xưa tu đắc đạo nhưng thân còn tại thế. Vì muốn hóa độ dễ dàng hơn, các Ngài thường vẽ ra hình tượng các vị Bồ Tát, để diễn tả các pháp tu, để khuyên dạy và giáo hóa chúng sanh. Người thế gian nếu chấp những hình tượng Bồ Tát đều là linh tượng, thánh tượng theo thần quyền, có thể ban phước giáng họa, cầu nguyện van xin, thì không lợi ích gì cho con đường tu tập bản thân. Chẳng những vậy, điều cố chấp này còn làm cho con người yếu hèn, sanh tâm ỷ lại, thêm tâm ích kỷ, ham muốn lợi riêng cho bản thân mình, gia đình mình. Rồi từ đó, con người sống cuộc đời với tâm tranh chấp hơn thua, đấu tranh và đau khổ triền miên.

Khi vô thường đến cướp mất người thân yêu, hay là chính bản thân đứng trước cửa tử, lúc bấy giờ tâm con người bất an, đau đớn, hoảng loạn, kêu cứu, giờ phút đó không biết rơi vào cảnh giới xấu tốt nào, địa ngục hay thiên đàng, Phật ở đâu, Bồ Tát ở đâu, sao không thấy? Làm sao giữ được bình tĩnh để ra đi an lành trong giờ phút đó? Câu hỏi này chúng ta cần phải tìm cho được giải đáp ngay bây giờ, trong lúc thần thức còn sáng suốt, tâm trí còn ổn định. Sanh tử sự đại. Đó mới là sự cần thiết quan trọng bậc nhất.

Trong các chùa chiền, tự viện, tu viện, tôn tượng trang nghiêm được an trí bên cạnh Đức Phật Bổn Sư Thích Ca, vị Bồ Tát thân đắp cà sa, hình tướng một vị tăng xuất thế, tay phải cầm tích trượng, tay trái nâng viên ngọc minh châu tỏa sáng. Đó là hình ảnh tôn tượng đại bi, đại nguyện, đại thánh, đại từ, bổn tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát. Ngài phát đại nguyện: Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Tâm nguyện Bồ Tát không muốn an hưởng Niết Bàn khi thấy chúng sanh còn quá nhiều đau khổ.

Địa: sâu dầy, chắc cứng, kiên cố, sâu kín, tối tăm.

Tạng: chứa đầy đủ, không hạn định, không đo lường. 

Trong đạo Phật, Địa Tạng hàm ý đại địa bao la, tượng trưng cho tạng thức và căn tánh con người có thể dung chứa tất cả thiện ác, tốt xấu, có chân thật, có giả dối, có tham sân si. Tâm con người có địa ngục và tâm con người cũng có niết bàn.


HÌNH TƯỚNG TRANG NGHIÊM VỊ TĂNG XUẤT THẾ

(TỰ TÁNH TĂNG BẢO - THANH TỊNH)


Tinh thần mạnh mẽ vô úy, lý tưởng vị tha của một vị hình tướng xuất gia, luôn dấn thân để cứu độ chúng sanh đang chịu khổ cảnh địa ngục kinh hoàng bởi vô minh. Hình ảnh thân đắp cà sa, gương mặt đôn hậu từ ái, lòng đại từ đại bi cao cả, là tấm gương sáng cho tất cả chúng sanh, tượng trưng cho “Tăng Bảo”, một trong ba ngôi tam bảo quí hiếm. Tăng bảo là người tu xuất gia, là kho chứa châu báu diệu pháp, mồi ngọn đuốc từ bi trí tuệ nơi Đức Thế Tôn, đem lợi lạc cho chúng sinh, mở sáng trí tuệ cho người tu học Phật.

Mặc dù sống trong nhà phiền não, nhưng người xuất thế tục gia được người đời tin tưởng, là bậc thầy chỉ đường vượt qua rừng u minh tăm tối. Tâm từ bi độ lượng bao dung của người tu, như thửa ruộng hạnh phúc  an vui cho cuộc đời. Những lời thuyết pháp của Tăng bảo có sức mãnh liệt phá tan những vọng tâm, vọng tưởng sâu kín tận trong tâm thức của những người đang mê ngủ với thú vui tạm bợ, làm cho họ thức tỉnh.

Thân đắp cà sa có ý nghĩa kham nhẫn, sống đời phạm hạnh thanh tịnh và còn là sức mạnh của giới pháp, ngăn ngừa những tội lỗi của ác pháp. Chiếc áo cà sa che chở cho người tu trong cuộc sống xã hội đầy tham vọng, sân hận và si mê. Người xuất thế tục gia có nghị lực mạnh mẽ phát triển các thiện pháp, tự giải thoát cho bản thân, phát tâm hạnh Bồ Tát vì người, không phải chuyện dễ dàng ai cũng làm được. 

Trong 37 phẩm trợ đạo dạy người tu cần phải có sức mạnh của Ngũ Căn (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ), gọi là “Ngũ Lực” gồm có:

1. Tín Lực:   Sức mạnh của sự tin tưởng vào chánh pháp không thối chuyển.

2. Tấn Lực: Sức mạnh của sự tinh tấn, quyết tâm thành tựu phạm hạnh trên  đường tu.

3. Niệm Lực:Sức mạnh của tâm niệm, luôn ghi nhớ xa rời điều ác, giữ giới  trong sạch.

4. Định Lực: Sức mạnh của sự quán sát tâm và tập trung vào thiền định, an nhiên tự tại.

5. Tuệ Lực: Sức mạnh của sự sáng suốt, trí tuệ mạnh mẽ đi đến bờ giác ngộ.          

Tu là ở nơi nội tâm có chánh tín sáng suốt và tư duy thanh tịnh, không phải ở hình tướng bên ngoài. Con người dù thân còn tại gia nhưng tâm xuất gia đều có thể thực hành “Ngũ Lực” mạnh mẽ và phát hạnh nguyện Bồ Tát như người xuất gia đắp y giải thoát vậy.

Tu là noi theo hạnh nguyện Bồ Tát Địa Tạng, thấy được trong tâm địa con người có nghiệp lành, có nghiệp dữ, có tốt có xấu, có địa ngục, có niết bàn và có tự tâm tự tánh “Tăng Bảo” thanh tịnh. Từ đó có thể tự tu, tự giác ngộ giải thoát cho chính bản thân và mọi người hữu duyên, như hạnh nguyện của người xuất gia đắp y giải thoát vậy.

Người biết cách tu, phải tự lực, tự giác ngộ, tự chuyển đổi tâm địa của chính bản thân, đến khi hoàn toàn không một tạp niệm nào sinh khởi nữa, tức là địa ngục đã trống không, lúc đó được giải thoát.

Đó chính là Tự Tánh “Tăng Bảo” thanh tịnh, mà ai ai cũng có.


TÍCH TRƯỢNG PHÁ CỬA ĐỊA NGỤC: CHÁNH PHÁP

(TỰ TÁNH PHÁP BẢO - CHÂN CHÁNH)

Địa ngục không nhất  thiết khi con người chết đi mới thấy, địa ngục ở ngay cõi đời ngũ trược ác thế. Địa ngục sanh ly tử biệt, địa ngục tù giam cấm cố tra tấn, địa ngục bịnh hoạn, đau đớn, rên xiết. Thật là quá nhiều địa ngục ngay trước mắt, con người phải chịu đền trả quả báo gây tạo ra nhiều đời nhiều kiếp trong lục đạo luân hồi.

Bồ Tát Địa Tạng tay cầm Tích Trượng biểu dương sức mạnh của Chánh Pháp. Năng lực của Tích Trượng hay Thiền Trượng là tâm đại từ đại bi của Bồ Tát, dùng chánh pháp chuyển hóa tâm địa con người đầy tham lam, hận thù, đố kỵ, si mê mù quáng có thể thức tỉnh kịp thời. Như những cánh hoa sen nở thơm tho thanh khiết, kết tụ của sự giác ngộ giải thoát, hoa sen đều từ gốc bùn tanh. Mục đích của người tu là phải có chánh pháp, hiểu tận tường thấu đáo, thực hành đúng theo lời Phật dạy. Chánh pháp chính là hiệu quả của “Tích Trượng phá cửa địa ngục”, là gậy vàng đập tan gông cùm xiềng xích trói buộc của địa ngục phiền não đau khổ.

Xuất gia hay tại gia đều có thể tự tu theo pháp “lục độ ba la mật”, trang nghiêm thân tướng với bố thí, trì giới, kham nhẫn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, để đạt tự tánh “Pháp Bảo” chân chánh. Từ đó phát sanh trí tuệ, phá vỡ cửa địa ngục vô minh nhiều kiếp luân hồi, tâm luôn hướng về Bồ Tát hạnh để cứu khổ chúng sinh. Người tu theo con đường chân chính của Đức Phật chỉ dạy, sống trong chánh pháp được an lạc hạnh phúc. Dù chưa thành Phật, chưa an hưởng niết bàn, nhưng ở mọi cảnh giới đều có thể tự độ và độ tha như hạnh nguyện Bồ Tát Địa Tạng. Còn sống trên đời, còn khỏe mạnh, con người nên dành nhiều thì giờ vào việc tu học, tự quán sát, tự soi vào tâm địa chính bản thân, bởi vì Phật dạy thân người khó được và được thân người là dễ tu nhất.

Trên đường tu học đạo, con người thường phải trải qua nhiều chông gai thử thách. Nào trùng độc, rắn dữ, cám dỗ của ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), tiền của, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ, ngày tháng rong chơi, ai nói gì cũng tin, ai bảo làm gì cũng nghe theo. Những thứ tà pháp đó dẫn dắt con người lạc vào con đường tà đạo đầy bóng tối tội lỗi. Chánh pháp là cứu cánh tận diệt tội lỗi, dứt trừ thói quen tạo nghiệp đua đòi và nhiều tật xấu tiềm ẩn trong kho tàng tâm thức con người. Khi hiểu tận tường giáo pháp trong kinh điển, thực hành và suy ngẫm thấu đáo lời Phật dạy, chuyển hóa tâm địa si mê sâu nặng trong tàng thức và tâm ích kỷ mù quáng, con người thức tỉnh kịp thời, đó là giải thoát.

Đức Phật dạy: "Phải luôn luôn quán chiếu nội tâm, thúc liễm vọng tâm vọng thức để tự giác ngộ. Tâm làm chủ mọi hành động, mọi nghiệp lực. Tâm là địa ngục, tâm cũng là niết bàn. Con người phải hứng chịu mọi quả báo an lạc hay đau khổ do chính mình tạo ra. Chính tự thân mới có đủ năng lực đưa mình ra khỏi địa ngục đau khổ mà thôi".

Địa Tạng là tâm địa sâu kín chân thật của con người, khi thức tỉnh biết tàm quí, sám hối tội lỗi, chấm dứt nghiệp dữ. Chuyển hóa, sửa đổi tâm niệm xấu ác thành thiện lành chính là con đường giải thoát ra khỏi luân hồi, tam đồ ác đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Hiểu được đạo lý như vậy thì rất có lợi lạc cho việc tu nhân, tích phước, kiệm đức, cứu người giúp đời. Người đời có thể che giấu được tâm tốt hay xấu với người xung quanh, nhưng không gạt được tâm địa của chính mình.

Nhận ra được chân lý sống, con người biết dùng chánh pháp làm phương tiện thanh lọc những tư tưởng ô nhiễm bám vào tâm thức nhiều đời nhiều kiếp. Thực hành lời Phật dạy, suy tư và tinh tấn phát huy định lực tự thân, vững bước tu tập cho đến khi đạt được Tự Tánh “Pháp Bảo” chân chánh, thân tâm được tự tại giải thoát khỏi cảnh giới địa ngục.


VIÊN NGỌC MINH CHÂU - TRÍ TUỆ

(TỰ TÁNH PHẬT BẢO - SÁNG SUỐT)

Bồ Tát Địa Tạng tay nâng viên ngọc Minh Châu, tượng trưng cho vật thể vô cùng quí giá, ánh sáng của ngọc Minh Châu có thể soi sáng trong bóng tối vô minh. Hình tượng Phật và Bồ Tát thường được diễn tả những tia hào quang, chiếu sáng xung quanh đầu hay toàn thân, chính là nghĩa đó.

Theo kinh sách, ánh sáng mang ý nghĩa là trí tuệ cao tột và sự sáng suốt thanh tịnh của những bậc giác ngộ siêu phàm, các vị chứng chánh đẳng chánh giác mới có được. Chư Phật, Chư Bồ Tát và Chư Tổ đắc đạo được người đời tin tưởng, là bậc thầy chỉ đường, cứu giúp con người vượt qua rừng u minh tăm tối. Con người nhờ được chỉ  dẫn, cố gắng tìm cho ra viên ngọc Minh Châu tượng trưng cho trí tuệ sáng ngời của tự tâm.

Viên ngọc Minh Châu tiêu biểu cho Phật tánh sáng suốt bất sanh bất diệt của con người mà ai cũng có. Trí tuệ cũng do từ bản tâm tự lực con người thanh tịnh mà được. Muôn pháp đều ở tại tâm, tùy tâm biến hiện.

Viên ngọc Minh Châu là ý nghĩa sự tỉnh thức giác ngộ của Phật tánh có công năng chiếu rọi vào sâu tận tâm địa của con người, vượt lên trên tất cả sự thấy biết của phàm phu. Nhưng con người vì sống trong sáu cõi luân hồi nhiều đời nhiều kiếp mê mờ nên không thấy được cái quí giá của tự thân, cứ lo mãi tìm Phật, cầu Bồ Tát bên ngoài.

Người có được ý chí mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự giác, sống không chọn ăn ngon mặc sang, không hơn thua tranh chấp, biết sợ nhân quả, hiểu rõ vô thường, thân này trăm năm rồi cũng tan rã. Nếu tất cả những đòi hỏi của con người biết tùy theo khả năng và chỉ là phương tiện cần thiết, biết đủ cho cuộc sống, thì đạt được sự tự do và giải thoát khỏi sự trói buộc ngục tù của lòng tham sân si. 

“Phật Bảo” là một trong ba ngôi báu của Tự Tánh Tam Bảo sáng suốt nhất, là kho chứa đựng châu báu rạng ngời và cao cả nhất. Tinh thần của đạo Phật không chấp nhận sự dựa dẫm, ỷ lại vào các hiện tượng linh thiêng huyền bí hay cầu nguyện vì lòng tham lam và ích kỷ. Người tu theo Phật phải có ý chí cương quyết phá tan mọi cám dỗ của danh lợi, không bị sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) trói buộc, tìm cho được tự tánh “Phật Bảo” sáng suốt của tự tâm. Tâm mê là chúng sanh, tâm giác là Phật. Tâm mê ở địa ngục, tâm giác ở niết bàn.

Trong Kinh Kim Cang, Lục Tổ Huệ Năng ngộ được Tự Tâm Tự Tánh Tam Bảo sẵn có nơi tự thân mỗi người:

Bất ưng trụ sắc sanh tâm

           Bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm,

           Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Nghĩa là: Con người không chấp giữ bất cứ việc gì cho riêng mình, đừng thấy sắc sanh phân biệt thương ghét, đừng vì cao lương mỹ vị mất cảnh giác, đừng vì lợi dưỡng sung sướng sanh tâm tham đắm. Không có chỗ dính mắc thì không có địa ngục khổ đau phiền não, tâm được nhẹ nhàng an lành giải thoát. Tâm “vô sở trụ” là tâm bồ đề, là ngọc Minh Châu sáng ngời trí tuệ. Đó chính là Tự Tánh “Phật Bảo” sáng suốt, dù sống ở cảnh giới nào cũng được an vui tự tại.

Tóm lại, Bồ Tát Địa Tạng một tay nắm vững tích trượng (từ bi), một tay nắm chắc viên ngọc (trí tuệ), không phải là vị thần linh, và không có khả năng phá cửa địa ngục cứu chúng sanh theo nghĩa đen, bởi vì như vậy trái với luật nhân quả và hiểu như vậy kinh Bát Nhã gọi là vọng tưởng điên đảo. Bồ Tát Địa Tạng biểu trưng chánh tín đủ hai yếu tố Từ Bi và Trí Tuệ. Người tu theo lời Phật dạy cần có chánh tín. Không có chánh tín, con người sẽ dựa vào thần quyền, dựa vào tha lực, nghĩ rằng tiền của, tài sản có thể mua chuộc được thần linh, và cầu nguyện Bồ Tát Địa Tạng cứu vớt sau khi chết. Cho nên người mê tín không quan tâm đến chánh pháp, suốt đời chỉ lo hơn thua tranh đấu, tạo nghiệp, chứ không sớm biết tu tâm dưỡng tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Từ đó, con người sẽ rơi vào trầm luân đau khổ của sanh tử không thoát ra được.

Người sáng suốt biết quan tâm đến chánh pháp, sớm thức tỉnh, rốt ráo thanh lọc thân tâm, vun bồi công đức, dụng công tu tập càng nhiều thì minh tâm kiến tánh càng sớm đạt thành. Thấy được Phật Pháp Tăng tự tâm tức là hằng sống trong “Tự Tánh Tam Bảo”.

TỰ TÁNH PHẬT BẢO:

Viên ngọc Minh Châu quí hiếm, là trí tuệ viên mãn, là Phật tánh sáng suốt, có công năng phá trừ vô minh và đạt chánh đẳng chánh giác.

TỰ TÁNH PHÁP BẢO:

Tích trượng Chánh Pháp nặng ngàn cân, là sức mạnh từ bi chân chánh vô úy của các pháp, có công năng tự giải thoát khỏi địa ngục đau khổ của thân tâm.

TỰ TÁNH TĂNG BẢO:

Tướng xuất gia và Tâm thanh tịnh. Tuy sống tại thế gian, nhưng Tâm xuất gia, hành Bồ Tát đạo, tự độ độ tha, chính là các vị chân tu thật học, một lòng không thối chuyển. 

Khi mê mờ: Chúng con khổ - nguyện xin cứu khổ.

Khi giác ngộ: Chúng con khổ - nguyện xin tự độ. []


NAM MÔ U MINH GIÁO CHỦ BỔN TÔN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.

TKN Thích Nữ Chân Liễu

SUY NGẪM LỜI PHẬT DẠY

TK Thích Chân Tuệ

 Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

Hãy tự thắp đuốc,

Sáng lên mà đi.

Thắp với Chánh Pháp,

Khai mở Trí Tuệ.


Nghĩa là Phật dạy: 
để dẹp trừ dứt, sinh hoạt mê tín, hiện tượng dị đoan, không đúng Chánh Pháp, 
Phật Tử chân chánh, thành tâm phát nguyện, 
tu tâm dưỡng tánh, cầu mong giác ngộ, chánh đạo giải thoát, sanh tử luân hồi, 
đều cần học hiểu, thực hành Chánh Pháp, ngay trong đời sống, ngay tại thế gian, 
tất cả mọi người, có thể làm được.

Chánh Pháp tại thế gian, không phải do trời ban, chính mình phải cầu học, 
để có thể áp dụng, trong đời sống hằng ngày, chứ không phải là, những pho kinh điển, 
để thờ để lạy, không học hiểu được. 

Đức Phật thị hiện, thế giới ta bà, giảng kinh thuyết pháp, giúp đỡ chúng sanh, 
thoát ly sanh tử, phiền não khổ đau. 
Tại sao chúng ta, lại không tìm học, để đặng áp dụng, vào trong cuộc sống?

Ở trong kinh sách, chư Tổ có dạy:

Tu mà không học,

đúng là tu mù.

Học mà không tu,

chỉ là tủ sách.

Người không phát nguyện, tu tâm dưỡng tánh, dĩ nhiên gặp nhiều, phiền não khổ đau, mỗi khi nghịch cảnh, xảy đến thình lình.  

Người đã phát tâm, tu mà không học, không hiểu Chánh Pháp, chỉ thực hành suông, những điều truyền miệng, người trước làm sao, người sau làm vậy, làm sao tránh được, những điều mê tín, những chuyện dị đoan, tam sao thất bổn, xa rời Chánh Pháp, gọi là tu mù.  

Tam tạng kinh điển, là do chư Phật, chư vị Tổ sư, truyền lại nhiều đời, há chẳng ích lợi, gì cả hay sao? Nếu cứ đọc tụng, mà vẫn không hiểu, có thể tìm kiếm, các vị chân tu, các bậc tôn đức, thực học giáo lý, để xin nương tựa, để xin chỉ dạy.

Làm được như vậy, chúng ta tránh khỏi, những kẻ ngoại nhân, lợi dụng hình tướng, tu sĩ Phật giáo, lẫn lộn vàng thau, hướng dẫn những điều, huyễn hoặc huyền bí, mê tín dị đoan, xa lìa chánh đạo, chẳng ích lợi gì!  

Những người thu thập, tam tạng kinh điển, nghiên cứu từ chương, tìm phương phô trương, sở học tri kiến, cũng chẳng ích lợi, cho việc thoát ly, sanh tử luân hồi, giác ngộ giải thoát, chỉ là tủ sách, hay là đãy sách!

Chúng ta không nên, quan niệm sai lầm, xem chùa như là, cái viện dưỡng lão, dành riêng cho người, gần đất xa trời, hay là dành cho, những người chán đời, thất bại trên đường, công danh sự nghiệp, hoặc là dành cho, những người chán chê, tình duyên gia đạo, ở ngoài thế gian.  

Bởi vậy cho nên, những người phát tâm, thay đổi hình tướng, vào tu trong chùa, bất cứ tuổi nào, cần nên phát nguyện, ly thân cắt ái, dứt bỏ hồng trần, lìa tam giới gia, xuất phiền não gia, tự độ độ tha, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, cầu học Chánh Pháp, tu tập tinh tấn, đến ngày giác ngộ, thấu rõ biết rành, cốt tủy đạo Phật, chứ đừng giải đãi, tụng kinh ê a, lóc cóc leng cheng, như phường hát dạo. 

Chuyên chú hình thức, cúng kiến lễ lạy, cúng sao giải hạn, quanh năm suốt tháng, cầu này cầu kia, vía ông vía bà, thực là uổng phí, cả cuộc đời này, lại còn dẫn dắt, bao người lầm lạc, vì tin màu áo, sa vào tà đạo, xa rời chánh đạo, biết đến bao giờ, quày đầu tỉnh ngộ? 

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: 

"" Không nên tin ngay, tất cả những gì, người xưa đã nói, tất cả những gì, người có thế lực, đạo cũng như đời, tất cả những gì, người bề trên nói, tất cả những gì, nhiều người tin theo, có ghi trong sách.

Chỉ nên tin theo, những gì có thể, kiểm nghiệm lại được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ, sáng suốt thông minh, thấy có ích lợi, cho bản thân mình, và cho mọi người".

 (Trích bài viết: Đi chùa đúng chánh pháp)

Hạnh Phúc Ở Đâu?

TK Thích Chân Tuệ

 

Trước khi phát tâm tu học, con người cứ tưởng Phật pháp chỉ ở trong kinh điển, chỉ ở nơi niết-bàn, hay ở cõi Phật và chỉ dành cho các nhà sư trong chùa chiền, tự viện.

Không ngờ Phật pháp ở khắp thế gian. Phật pháp ở tại thế gian. Sống trong thế gian, nhận được Phật pháp, đó mới là niềm an lạc và hạnh phúc chân thật nhất.

Hạnh phúc không có ở bên ngoài, không có ở địa phương nào, không có ở thành phố lớn hay thị xã nhỏ, dù nơi đó giàu sang hay đang phát triển, không có ở Việt Nam, không có ở Hoa kỳ, Canada, Âu châu hay Úc châu.

Hạnh phúc không có trong nhà, không có trong chợ, cũng không có trong chùa.

Hạnh phúc ở trong tâm của mỗi người. Khi thân tâm an lạc, con người hưởng được hạnh phúc chân thật. Đó chính là niềm mơ ước của con người. Đó chính là câu chúc nhau chân thật nhất, trang nghiêm nhất. Chúc các bạn thân tâm an lạc.

 

Khi nào thân của con người được bình an?

Thân của con người được bình an là khi con người đang hưởng phước. Nghĩa là: con người đầy đủ mắt tai mũi lưỡi, tứ chi lành lặn, không bệnh tật, được ăn no, mặc ấm, sống nơi an ninh, không gặp bất trắc, hiểm nguy.

Khi nào tâm của con người được hỷ lạc? Tâm của con người được hỷ lạc là khi con người đang hưởng phước. Nghĩa là: con người được an nhiên tự tại trong cuộc sống, không bị sợ hãi bởi các lời hăm he, hù dọa, gạt gẫm của các tà sư, không lạc vào tà đạo, mê tín dị đoan, không bị tà kiến trói buộc, tà pháp sai sử. Tâm của con người được hỷ lạc nhất là khi con người sống đời tri túc, biết đủ, tri nhàn, biết thư giãn, không còn tâm tham lam, sân hận và si mê.

 

Thân được bình an, tâm được hỷ lạc, không do lời cầu nguyện, hay chúc tụng, không do ơn trên, thánh thần thiên địa ban cho. Bởi lẽ, tại sao trời lại ban cho người này, không ban cho người kia, không ban cho tất cả mọi người? Thực ra, thân tâm an lạc có được, chính là phước báu, là công đức và phước đức, tạo nên do sự tu tâm dưỡng tánh của chính bản thân.

 

        Có sáu phương cách để tạo nên phước báu, đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhịn, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Trong kinh sách, gọi đó là Lục Độ Ba La Mật.

Thực hành bố thí, tâm con người hoan hỷ, bớt tham lam, ích kỷ, nhỏ nhen. 

Thực hành trì giới, 5 giới căn bản, 10 giới thiện, 250 hay 348 giới xuất gia, tâm con người bớt loạn động, được an tịnh, nhứt tâm.

Thực hành nhẫn nhịn, nhẫn mà không thấy nhục, nhịn mà không thấy thiệt, tâm con người từ bi hơn, khoan dung, độ lượng hơn.

Thực hành tinh tấn, làm việc phước thiện, cứu người giúp đời không mệt mỏi, tâm con người an vui hơn khi thấy người khác an vui.

Thực hành thiền định, tức giữ được sự bình tĩnh thản nhiên trong cuộc sống, tâm con người dễ dàng hỷ xả, không sân hận, không kích động; hành động, lời nói và ý nghĩ thảy đều thanh tịnh.

Thực hành trí tuệ là bước cuối cùng, tâm con người sáng suốt, giác ngộ chân lý, giải thoát phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi. Đây chính là cứu cánh tột cùng của đạo Phật. 

Sách có câu: “Thứ nhứt thì tu tại gia, Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Người tu tại gia thực hành lục độ, tất được phước báu, rốt ráo sẽ được thân an tâm lạc, đó không còn là lời chúc tụng suông nữa. Đó chính là sự thực.

 

Người tu tại gia, cũng phải ra chợ, tiếp xúc với đời, không tránh khỏi. Người tu tại chợ thực hành lục độ, cũng được thân an, tâm lạc, không nghi. Đó chính là sự thực.

Người tu tại gia có lúc đến chùa, hoặc phát tâm xuất gia, thực hành lục độ, nhất định được thân an tâm lạc. Đó chính là sự thực.

...Tất cả đều do tâm tạo. Tâm tạo được an lạc hạnh phúc, nếu trong cuộc sống, con người biết thực hành lục độ. Con người đã có an lạc hạnh phúc trong tâm, dù sống bất cứ ở nơi nào trên thế gian, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong bất cứ thời đại nào, cũng cảm nhận được thân tâm an lạc.

Ngược lại, tâm tánh xấu xa, ích kỷ, nhỏ nhen, ganh tị, đố kỵ, hiềm khích, thù hận, cuồng tín, dù sống tại gia, tại chợ hay tại chùa, dù sống bất cứ nơi nào trên trái đất, con người cũng cảm thấy phiền não và khổ đau, không sao tránh khỏi.

 

Tóm lại, con người biết tu tập, nên quán xét tâm tánh chính mình, cố gắng tu tâm dưỡng tánh. Khi tâm tánh con người sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, không cần lập nguyện, cũng được vãng sanh tịnh độ. Sống hạnh phúc, chết bình an. Nhất thiết duy tâm tạo, chính là nghĩa đó vậy.

 

Suốt đời tìm khắp đông tây,

Ai hay hạnh phúc ở ngay tâm mình!

    

 DIỆU ĐẠO NAN CẦU 

TKN Thích Nữ Chân Liễu 



 
Ngài Viễn Công nói:  “Trong trời đất thực có những vật dễ sinh. Nhưng, một ngày ấm mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm, và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì ngay nơi mình, đứng, ngồi cũng có thể mong đợi mà đạt tới được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó mà thấy được, tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn cách xa diệu đạo vậy”. (Thiền Lâm Bảo Huấn - Phẩm Tự Cường).

“Thiền Lâm Bảo Huấn”   là cơ duyên may mắn cho tứ chúng đồng tu, cảm nhận hỷ lạc trong mưa pháp, kiếp sống con người vén được màn vô minh, khổ đau phiền não do sự chiêu cảm từ nhiều đời kiếp luân hồi như được giải tỏa. Trên đời không có cuộc vui nào vui hơn sống trong biển giáo pháp.

Nhân thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu.

(Thân người khó được
Diệu đạo khó cầu).

Từ khi được cha mẹ sanh ra, có được thân người đầy đủ trang nghiêm, đó là phước báo thiện lành. Hãy thường tư duy rằng trải qua nhiều đời nhiều kiếp ta mới được nhàn cảnh thân người như vậy. Nhưng đã sanh ra đời thì có khổ, bịnh tật phát sinh, nhờ đau khổ mà ta phát tâm chán muốn xa lìa sinh tử, kiêu căng tan biến, phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi, tự hổ thẹn về việc ác và hoan hỷ làm điều lành.

Tuổi đời càng thêm lớn, những chướng duyên cùng thuận duyên đưa đến càng nhiều, thân tâm có lúc an vui, có lúc phiền não, buồn giận, thương ghét, tự ti, tự tôn. Tâm sanh diệt luôn luôn hiện hữu chi phối, làm cho con người đôi khi quên mất mình và quên luôn thời gian đang lướt qua trước mắt, khi giật mình thì tóc đã đổi màu, vô thường kề ở bên mình. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều theo luật nhân quả mà thọ sanh. Đường sinh tử luân hồi sáu nẽo không biết về đâu?!

Tâm đại từ đại bi của Đức Phật vì thương xót sự vô minh của chúng sinh mà thị hiện ra đời, để chỉ diệu đạo - con đường vi diệu - ngay trước mắt. Diệu đạo là những gì Đức Phật đã chứng nghiệm và đã trải qua bằng trí tuệ giác ngộ cao thượng của bậc chánh đẳng chánh giác. Diệu đạo không do mong cầu mà có được, cũng không do lễ bái khấn nguyện mà có thể thấy được.


Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy:

“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành. Trong cuộc sống ta có thể tự giải thoát cho chính mình. Giải thoát không tự nhiên mà có, cũng không do cầu xin mà được, mà chỉ cần phát triển nổ lực vào trí tuệ. Ta không nên tin một cách mù quáng bất cứ việc gì mà chưa thông qua trí tuệ, phải sáng suốt nhận định một cách rõ ràng đứng đắn rồi mới hành trì. Nếu thấy bình an và hạnh phúc là giải thoát. Nếu thấy trói buộc và phiền não là sai đường”.  

Tu theo Phật nghĩa là phải chuyên tâm giữ chánh niệm, không theo tạp niệm, như kẻ đội bát dầu trên đầu, bị người đưa gươm kề cổ dọa sẽ giết chết nếu đổ đi một giọt.

Bản chất thực sự của đời sống, là nguyên nhân sanh đau khổ và nguyên nhân sanh hạnh phúc. Người tu thấy rõ bằng mắt rất chân và rất thật, thì khi ấy mới quyết tâm chuyển đổi trở nên con người đạo đức nhằm đưa đến giải thoát cùng tột, đồng thời đem về trạng thái quân bình cho cuộc sống.

Giây phút hiện tại, chúng ta có thể nhận thức được thực tế cuộc đời không mơ hồ, không mộng tưởng điên đảo, thì sẽ cảm nhận và thấu hiểu được sự chân thật của diệu pháp không còn xa cách nữa, mà ở trong từng hơi thở, trong từng tâm thức vắng lặng bình an. Tâm không còn sanh chấp vào tướng, chấp vào pháp, mà hoàn toàn chánh định, vô trụ và vô niệm.

Trong kinh thường nói, chỉ có trí tuệ mới đem đến cho người tu một sự kiên nhẩn bền chí để đi đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Nhu cầu cuộc sống nếu biết đủ, sống thanh đạm, không đòi hỏi nhiều, không tranh chấp hơn thua được mất, thì người tu có rất nhiều thì giờ để tận dụng khả năng nghiên cứu, suy tư học đạo và luôn giữ tâm ý trong sạch. Phụng trì giới luật, trang nghiêm thân tướng, ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành thì không lo gì không thấy được "diệu đạo" vậy.

Theo như Ngài Viễn Công dạy, nếu như có ngày tu học tinh tấn, có ngày buông xuôi trì trệ, bản tánh dễ duôi, khiến con người rơi vào tình trạng giãi đãi, mất hết năng lực tự tin về mình, hiện tượng vọng tâm vọng niệm xấu ác, ganh tị đố kỵ sẽ xâm nhập và quấy nhiễu chế ngự người tu một cách dễ dàng. Diệu đạo suốt đời khó gặp, thật uổng phí một đời tu!

Khi bước trên đường đạo, chúng ta mang nhiều nghiệp bất tịnh của luân hồi cho nên hành động từ thân, khẩu, ý tha hồ tạo tác.  Do đó khi chuyển thân trên bước đường tu hành thường rơi vào trạng thái mê và tỉnh, thiện và ác lẫn lộn.

Cho nên không phải xấu tốt ở bên ngoài không thôi, mà xấu tốt thiện ác nằm thật sự ở ngay trong tâm. Biết xấu hổ, sợ quả báo, tâm an tịnh, siêng năng đem an vui cho mình và cho người, nhận thức sớm được chừng nào thì
“diệu đạo” ngay trước mắt. 

Để giúp hành giả tiến đến đời sống thánh thiện và trọn lành vi diệu trên đường tu, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ban truyền các giới luật cao thượng. Giới luật mới nghe qua chừng như một sự răn cấm khắt khe, đầy những điều kiện khó khăn, nhưng khi thấu hiểu và cố gắng sống với thân tâm một cách chân thành và thực sự, thì giới luật giúp ích cho người tu rất nhiều.

Khi ấy, giới là người bạn đạo chân thật, là phương pháp thực tập chánh niệm hữu hiệu nhất. Đó là sự bảo vệ an lành nhẹ nhàng trong sáng của thế giới tuyệt đẹp, mà người tu theo Phật được thừa hưởng, như "Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí" vô giá, sáng ngời trí tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm
“Phổ Môn” vậy.

Tóm lại, an lạc thay khi sống trong pháp vị, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, mưa pháp cam lồ liên tục đã nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Phước báo thay tứ chúng đồng tu, tất cả đều hoan hỷ vì thấm nhuần được sự lợi ích của "Diệu đạo", khi áp dụng Phật Pháp vi diệu vào cuộc sống tỉnh tu hằng ngày ở nơi trụ xứ. Mưa pháp làm hạt giống Phật tánh ở nơi mỗi con người, từ lâu bị chôn vùi khô cạn, nay như được nẩy mầm, đâm chồi kết lộc.

“Qua lẽ tuần hoàn của vũ trụ, sự vật có trải qua sự nghiêm khắc của mùa đông, khi sức sống trỗi dậy, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, mới thấy ánh xuân đầm ấm là quí. Tất cả hiện tượng tốt xấu của xã hội đều do tâm chúng ta sáng tạo. Chúng ta phải có tinh thần tự chủ. Tự thân chúng ta, luôn luôn phải thúc liễm, phải tỉnh thức, phải trong sạch hóa tâm hồn, hành động, nói năng, suy nghĩ, mới có thể đem lại lợi ích cho tha nhân, cho quốc gia, cho cộng đồng và cho nhân loại”.(Tiếng vọng thời gian HT Thích Tâm Châu)

Đối trước mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, con xin chắp tay đảnh lễ, chí thành cầu khẩn các Ngài trụ thế lâu dài và hãy vì chúng sanh đau khổ mê mờ mà đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

TKN Thích Nữ Chân Liễu

 


AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2015/06/cu-kho-bau-niem-tin-va-tri-tue.html

XUÂN BÌNH YÊN

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/02/xuan-binh-yen.html

Sen Hồng Một Đóa

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/03/800x600-normal-0-false-false-false-en.html

XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/04/xuan-trong-net-ep-nguoi-tu.html

BÁT CHÁNH ĐẠO

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/03/normal-0-false-false-false-en-us-x-none.html

MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/05/muoi-ieu-tam-niem-kinh-mung-ai-le-phat.html

HẠNH BỐ THÍ TRONG ĐẠO PHẬT -  DỌN KHO ĂN TẾT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/02/hanh-bo-thi-trong-ao-phat.html

LỄ PHẬT ĐẢN – BƯỚC SEN THỨ 7 – QUẢ VỊ PHẬT

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/05/muoi-ieu-tam-niem-kinh-mung-ai-le-phat.html