Saturday, March 23, 2019

Sen Hồng Một Đóa

*** Sen Hồng Một Đóa



Sen Hồng Một Đóa
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Lò lửa sen hồng mấy kẻ hay
Mây che nguyệt rạng chẳng phô bày
Ngọc lành ẩn đá không phai sắc
Bể thánh nguồn chơn mặc tỉnh say.


B ốn câu thơ trên là của Ni trưởng Như Thanh, một bậc tài năng xuất chúng được sự ngưỡng mộ và khâm phục trong ni giới Phật giáo Việt Nam. Như ngọn đuốc sáng bừng trong đêm tối, Ni trưởng là một bậc chân tu vì đạo quên mình, sanh năm Tân Hợi 1911, tại huyện Thủ đức, Gia định. Thiện duyên đưa đến, Ni trưởng xuất gia năm 22 tuổi, đệ tử của Tổ Pháp Ấn, chùa Phước Tường, Thủ đức. Với trí thông minh và lòng hiếu học, cộng thêm nhẫn lực vô biên, Ni trưởng đã đạt được nhiều thành quả trên đường tham học Phật pháp từ Nam ra đến Huế và Hà nội. Năm 1972, Ni trưởng được Giáo hội giao trọng trách Vụ trưởng Ni bộ Bắc tông, và giữ vai trò Cố vấn tối cao trong các nhiệm kỳ kế tiếp. Ni trưởng viên tịch năm 1999, để lại bao thương tiếc cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia.

Vài trang giấy không đủ nói lên hết được đạo hạnh và gương sáng của người, nhưng để chia sẻ với những người đang học Phật và tu Phật, những lời dạy quí báu của người ghi lại trong quyển sách “Cuộc đời và sự nghiệp của Sư trưởng Như Thanh” xem như một nhân duyên thiện lành đặc biệt. Thành kính đảnh lễ giác linh Ni trưởng với tấm lòng tri ân và niềm cảm phục của hàng hậu học.

N ếu như xưa kia, khi đồng ý cho bà di mẫu Maha baxà bađề (Kiều Đàm) cùng 500 người nữ xuất gia trong giáo pháp, đức Thế tôn tuyên báo rằng chánh pháp vì vậy sẽ diệt vong sớm 500 năm. Không ai có thể đoán rằng chánh pháp tồn tại bao lâu để làm bài toán trừ 500 năm đó. Khi đề cập đến quá trình lịch sử đức Phật không cho phép người nữ xuất gia một cách dễ dàng, Ni trưởng đã có một cái nhìn tuệ giác như sau:

“Vì trách nhiệm của người xuất gia rất nặng nề, khó nhọc, mà phạm hạnh cũng khó thực hành, bởi thế đức Phật không hứa cho người nữ xuất gia một cách dễ dàng. Đây là bổn ý của đức Phật muốn mở rộng con đường hóa đạo cho tất cả người nữ sau này. Bởi sự giáo dục của người nữ thời ấy chưa được phát triển, nên họ ở trong thế gian bị nhiều sự chướng ngại buộc ràng, làm cho tâm tính không được sáng tỏ, ý chí không được sâu rộng. Đức Phật vì muốn cho hàng Tỳ kheo ni chứng đến các pháp thiệt tánh mà Ngài đem tâm bình đẳng phương tiện dẫn dắt, khiến cho mọi người đều được tăng trưởng thiện báo, tiêu trừ ác nghiệp, sửa đổi phong hóa ở thế gian trở nên tốt đẹp. Hàng Tỳ kheo ni ở trong chánh pháp của đức Phật gặp được cơ hội mở mang, truyền bá, làm cho ánh sáng Phật pháp được chói rạng, tạo công đức vô lượng”.

Đạo Phật đã đi sâu vào cuộc đời. Đạo Phật không phải là lý thuyết suông để bàn luận. Đạo là sống và hành. Đạo là sự chân thật, sáng suốt, đậm đà và thanh thoát. Để dẫn dắt người nữ tu vượt qua được bản tánh nhi nữ thường tình, nhờ khép mình trong giới pháp, vượt qua mọi trở ngại thuận nghịch bằng khả năng tu chứng, thì người nữ tu vẫn có thể phụng sự và xiển dương Chánh pháp. Ni trưởng chủ trương một căn bản đào tạo ni tài, lập nguyện kiên cường cho ni chúng, trao truyền tam học: Giới, Định, Tuệ.

Ni trưởng dạy rằng:

-        Giới học là giềng mối của người tu Phật.
-        Định học là phép tắc điều phục tâm trí.
-        Tuệ học là năng lực bạt trừ nghiệp chướng si ái.

Ni trưởng Như Thanh đã trải thân phục vụ đạo pháp, khiến cho pháp âm truyền bá khắp nơi. Người là một bậc Ni trưởng đạo cao, đức trọng, làu thông kinh luật, trước tác, dịch thuật nhiều tác phẩm có giá trị. Ni trưởng đã dẫn dắt hàng ni chúng hậu học thoát khỏi những mặc cảm tự ti, sợ hãi, nhút nhát và khai sáng trí tuệ cho hàng đệ tử. Công đức của người thực vô lượng, vô biên.
Ni trưởng luôn luôn quan niệm, để chia sẻ gánh nặng hoằng pháp, người xuất gia, không phân biệt tăng hay ni, đều có trách nhiệm góp phần công đức để đền đáp công ơn sâu dầy của đức Thế tôn.

Khi nói lên phạm hạnh cao quí của hàng xuất gia, trong tác phẩm “Giới đức khiêm ưu”, Ni trưởng đã viết như sau:

“Phẩm hạnh cao quí của tăng già là do công phu tu dưỡng gồm đủ sự lý, đối với tất cả chúng sanh, tìm đủ các chước phương tiện làm lợi ích cho mọi người, như khát thì cho uống, đói cho cơm ăn, bịnh cho thuốc uống, lạnh cho áo ấm, gặp sợ sệt giúp đỡ an ủi hết sợ sệt, thiếu trí tuệ giúp đỡ mong cho tâm trí trở nên sáng suốt, cho đến bỏ mình cho cọp đói ăn cũng gọi là đức hỷ xả bố thí. Trong hoàn cảnh nhịn khổ chịu nhọc, trăm phen bẻ gảy mà lòng vẫn dai bền, việc khó nhọc là cố gắng học tập, việc khó làm cố gắng siêng làm. Dẫu có người khuấy rối, dằn ép cũng chẳng căm tức, giận hờn, hình dung vẫn tự nhiên, chẳng tác sắc nóng nảy bứt rứt”.

Với khả năng, đức độ, tâm từ bi của người đã tạo cho hàng ni chúng xuất gia tiến trên con đường giác ngộ và giải thoát. Sự tương kính nhau như tỷ muội, dùng tâm niệm bình đẳng đối xử, phẩm hạnh của người tu trong chúng nên tự xét lại mình để chừa bỏ lỗi lầm, thay vì phóng tâm  nghĩ đến hơn thua, phải quấy, đúng sai, được mất, biểu lộ đức tính hiền từ, lễ độ, khiêm cung, khoan dung, hòa lạc, khiến người xung quanh sanh lòng quí mến như hoa sen nở hương thơm ngát.

Huynh đệ cùng nhau gắng học hành
Lời qua tiếng lại nhớ đừng tranh
Quyết lòng sửa tánh cho thanh tịnh
Xuân đến đời ta đặng tiếng thanh.
(Hoa Đạo)

Trải qua trong cõi phù sinh
Học rành chữ nhẫn hữu hình ngại chi
Nhẫn là phước quả từ bi
Giúp ta thâm ngộ vô vi đạo mầu.
(Hoa Đạo)

Lời thơ của người là khuôn vàng thước ngọc. Thơ văn của một bậc chân tu đầy đạo tình đạo vị, người đọc cần lắng lòng tỉnh ngộ. Ni trưởng còn khuyên nhắc về trách nhiệm của Tỳ kheo ni về sự nghiệp hoằng pháp như sau:

1)    Xuất gia vì mục tiêu giải thoát tự thân và tha nhân.
2)    Thiết tha cầu học chánh pháp giữa biển sống vô thường.
3)    Thể hiện nghiêm túc nếp sống phạm hạnh Giới-Định-Tuệ,
4)    Phát triển văn huệ, tư huệ và tu huệ.
5)    Tích cực tiếp dẫn hàng hậu học.
6)    Thao thức vì sự nghiệp độ sanh, hưng khởi chánh pháp.

Ni trưởng là một vị Bồ tát dấn thân từ ni giới, mang tâm niệm cứu khổ chúng sanh, thức tỉnh mọi người quay về với tình thương vô hạn trong giới pháp của đức Thích ca mâu ni. Dòng pháp nhủ của Ni trưởng Như Thanh là dòng nước cam lộ của đức Quán thế âm, làm dịu mát những nhiệt não của thế gian, khơi dậy ngọn đèn trí tuệ, không bị tham sân si trói buộc, sai khiến, hành xử lợi mình lợi người, sống với tâm Phật không còn bị vô minh che lấp.

Trong tác phẩm “Hành Bồ Tát Đạo”, Ni trưởng đã đem tâm huyết của mình để truyền trao lại cho người xuất gia cũng như tại gia. Ni trưởng viết:

“Nếu trong một lúc nào đó, chúng ta lắng yên được tâm thức, để cho nó vắng lặng rỗng rang, chẳng khởi lên một niệm suy tính so lường, thì tất nhiên trong sát na ấy, chúng ta nhìn rõ được bản lai diện mục của mình, thấy rõ chân tâm thể tánh của mình vốn bất sanh bất diệt, nó xóa bỏ mọi ranh giới ngã và nhơn, thiện và ác. Trong giây phút linh diệu ấy, tâm thức chúng ta bổng nhẹ nhàng, cõi lòng mở rộng với muôn ngàn thương yêu, tình cảm trong sáng dịu dàng, nó chẳng phải là thứ tình cảm hạn hẹp, phát sinh từ lòng ái dục, mà phát xuất từ tâm bi, nên nó bao la, tươi nhuần và bình đẳng, vô phân biệt. Bấy giờ cái nhìn của chúng ta đối với vạn vật cũng trong suốt và bình đẳng như thế. Đây là giây phút mà tâm ta vô trụ, không vướng mắc, hoàn toàn tự do. Nếu sống mãi với tâm vô trụ như thế, chúng ta đã được giải thoát, được an nhiên tự tại”.

Chư Phật không có tâm phân biệt đây là tăng, đây là ni, đây là tướng nam, đây là tướng nữ, tướng đẹp tướng xấu, tướng giàu tướng nghèo. Chư Phật bình đẳng tuyệt đối trong phong cách hóa độ chúng sanh. Bổn phận người tu phải nhận ra con đường chư Phật đã đi và đã đến.

Đức Phật đã dạy chúng ta hãy mồi ngọn đuốc chánh pháp của Ngài để tự thắp sáng trí tuệ, thấy đường mà tu, thấy đạo mà hành. Các đấng Tôn sư đã tha thiết giảng dạy, khuyến tu, chớ nên đợi khi vô thường đến, không phân biệt già trẻ, sang hèn, tuổi đời càng chồng chất, đau yếu bệnh tật sanh ra, làm cho con đường đi đến giác ngộ ngày càng thêm khó khăn, trắc trở. Bao nhiêu đời kiếp đã qua, con người mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không biết đến kiếp nào mới vượt thoát được.

T óm lại, Ni trưởng Như Thanh như một đóa sen hồng vượt ra khỏi mặt nước với vẻ đẹp cao quí của một bậc giác ngộ. Tư tưởng nhập thế cứu khổ của người đã để lại cho đời một tấm gương sáng. Ni trưởng đã vân du khắp mọi miền đất nước, để thuyết giảng không hề mệt mỏi. Cho đến ngày thanh thản ra đi, để lại cho đời và cho đạo  nhiều tác phẩm có giá trị tu học, Ni trưởng vẫn còn mong các đệ tử Phật gia phải giống như hoa sen rạng ngời ánh sáng trí tuệ, đem ngọn đuốc chánh pháp soi rọi khắp thế gian u tối, giúp mọi người thoát khỏi bùn nhơ khổ đau phiền não, vượt lên trên mặt nước như những đóa sen hồng tỏa hương thơm tinh khiết của sự giác ngộ và giải thoát. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 
TKN Thích Nữ Chân Liễu


DIỆU ĐẠO NAN CẦU 
TKN Thích Nữ Chân Liễu 


 
Ngài Viễn Công nói:  “Trong trời đất thực có những vật dễ sinh. Nhưng, một ngày ấm mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm, và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì ngay nơi mình, đứng, ngồi cũng có thể mong đợi mà đạt tới được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó mà thấy được, tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn cách xa diệu đạo vậy”. (Thiền Lâm Bảo Huấn - Phẩm Tự Cường).

“Thiền Lâm Bảo Huấn”   là cơ duyên may mắn cho tứ chúng đồng tu, cảm nhận hỷ lạc trong mưa pháp, kiếp sống con người vén được màn vô minh, khổ đau phiền não do sự chiêu cảm từ nhiều đời kiếp luân hồi như được giải tỏa. Trên đời không có cuộc vui nào vui hơn sống trong biển giáo pháp.

Nhân thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu.
(Thân người khó được
Diệu đạo khó cầu).

Từ khi được cha mẹ sanh ra, có được thân người đầy đủ trang nghiêm, đó là phước báo thiện lành. Hãy thường tư duy rằng trải qua nhiều đời nhiều kiếp ta mới được nhàn cảnh thân người như vậy. Nhưng đã sanh ra đời thì có khổ, nhờ đau khổ mà ta phát sinh tâm chán lìa sinh tử, kiêu căng tan biến, phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi, tự hổ thẹn về việc ác và hoan hỷ làm điều lành.

Tuổi đời càng thêm lớn, những chướng duyên cùng thuận duyên đưa đến càng nhiều, thân tâm có lúc an vui, có lúc phiền não, buồn giận, thương ghét, tự ti, tự tôn. Tâm sanh diệt luôn luôn hiện hữu chi phối, làm cho con người đôi khi quên mất mình và quên luôn thời gian đang lướt qua trước mắt, khi giật mình thì tóc đã đổi màu, vô thường kề ở bên mình. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều theo luật nhân quả mà thọ sanh. Đường sinh tử luân hồi sáu nẽo không biết về đâu?!

Tâm đại từ đại bi của Đức Phật vì thương xót sự vô minh của chúng sinh mà thị hiện ra đời, để chỉ diệu đạo - con đường vi diệu - ngay trước mắt. Diệu đạo là những gì Đức Phật đã chứng nghiệm và đã trải qua bằng trí tuệ giác ngộ cao thượng của bậc chánh đẳng chánh giác. Diệu đạo không do mong cầu mà có được, cũng không do lễ bái khấn nguyện mà có thể thấy được.

Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy:
“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành. Trong cuộc sống ta có thể tự giải thoát cho chính mình. Giải thoát không tự nhiên mà có, cũng không do cầu xin mà được, mà chỉ cần phát triển nổ lực vào trí tuệ. Ta không nên tin một cách mù quáng bất cứ việc gì mà chưa thông qua trí tuệ, phải sáng suốt nhận định một cách rõ ràng đứng đắn rồi mới hành trì. Nếu thấy bình an và hạnh phúc là giải thoát. Nếu thấy trói buộc và phiền não là sai đường”.

Tu theo Phật nghĩa là phải chuyên tâm giữ chánh niệm, không theo tạp niệm, như kẻ đội bát dầu trên đầu, bị người đưa gươm kề cổ dọa sẽ giết chết nếu đổ đi một giọt.
 
Bản chất thực sự của đời sống, là nguyên nhân sanh đau khổ và nguyên nhân sanh hạnh phúc. Người tu thấy rõ bằng mắt rất chân và rất thật, thì khi ấy mới quyết tâm chuyển đổi trở nên con người đạo đức nhằm đưa đến giải thoát cùng tột, đồng thời đem về trạng thái quân bình cho cuộc sống.

Giây phút hiện tại, chúng ta có thể nhận thức được thực tế cuộc đời không mơ hồ, không mộng tưởng điên đảo, thì sẽ cảm nhận và thấu hiểu được sự chân thật của diệu pháp không còn xa cách nữa, mà ở trong từng hơi thở, trong từng tâm thức vắng lặng bình an. Tâm không còn sanh chấp vào tướng, chấp vào pháp, mà hoàn toàn chánh định, vô trụ và vô niệm.

Trong kinh thường nói, chỉ có trí tuệ mới đem đến cho người tu một sự kiên nhẩn bền chí để đi đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Nhu cầu cuộc sống nếu biết đủ, sống thanh đạm, không đòi hỏi nhiều, không tranh chấp hơn thua được mất, thì người tu có rất nhiều thì giờ để tận dụng khả năng nghiên cứu, suy tư học đạo và luôn giữ tâm ý trong sạch. Phụng trì giới luật, trang nghiêm thân tướng, ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành thì không lo gì không thấy được "diệu đạo" vậy.

Theo như Ngài Viễn Công dạy, nếu như có ngày tu học tinh tấn, có ngày buông xuôi trì trệ, bản tánh dễ duôi, khiến con người rơi vào tình trạng giãi đãi, mất hết năng lực tự tin về mình, hiện tượng vọng tâm vọng niệm xấu ác, ganh tị đố kỵ sẽ xâm nhập và quấy nhiễu chế ngự người tu một cách dễ dàng. Diệu đạo suốt đời khó gặp, thật uổng phí một đời tu!

Khi bước trên đường đạo, chúng ta mang nhiều nghiệp bất tịnh của luân hồi cho nên hành động từ thân, khẩu, ý tha hồ tạo tác.  Do đó khi chuyển thân trên bước đường tu hành thường rơi vào trạng thái mê và tỉnh, thiện và ác lẫn lộn.

Cho nên không phải xấu tốt ở bên ngoài không thôi, mà xấu tốt thiện ác nằm thật sự ở ngay trong tâm. Biết xấu hổ, sợ quả báo, tâm an tịnh, siêng năng đem an vui cho mình và cho người, nhận thức sớm được chừng nào thì “diệu đạo” ngay trước mắt. 

Để giúp hành giả tiến đến đời sống thánh thiện và trọn lành vi diệu trên đường tu, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ban truyền các giới luật cao thượng. Giới luật mới nghe qua chừng như một sự răn cấm khắt khe, đầy những điều kiện khó khăn, nhưng khi thấu hiểu và cố gắng sống với thân tâm một cách chân thành và thực sự, thì giới luật giúp ích cho người tu rất nhiều.

Khi ấy, giới là người bạn đạo chân thật, là phương pháp thực tập chánh niệm hữu hiệu nhất. Đó là sự bảo vệ an lành nhẹ nhàng trong sáng của thế giới tuyệt đẹp, mà người tu theo Phật được thừa hưởng, như "Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí" vô giá, sáng ngời trí tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm “Phổ Môn” vậy.

Tóm lại, an lạc thay khi sống trong pháp vị, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, mưa pháp cam lồ liên tục đã nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Phước báo thay tứ chúng đồng tu, tất cả đều hoan hỷ vì thấm nhuần được sự lợi ích của "Diệu đạo", khi áp dụng Phật Pháp vi diệu vào cuộc sống tỉnh tu hằng ngày ở nơi trụ xứ. Mưa pháp làm hạt giống Phật tánh ở nơi mỗi con người, từ lâu bị chôn vùi khô cạn, nay như được nẩy mầm, đâm chồi kết lộc.

“Qua lẽ tuần hoàn của vũ trụ, sự vật có trải qua sự nghiêm khắc của mùa đông, khi sức sống trỗi dậy, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, mới thấy ánh xuân đầm ấm là quí. Tất cả hiện tượng tốt xấu của xã hội đều do tâm chúng ta sáng tạo. Chúng ta phải có tinh thần tự chủ. Tự thân chúng ta, luôn luôn phải thúc liễm, phải tỉnh thức, phải trong sạch hóa tâm hồn, hành động, nói năng, suy nghĩ, mới có thể đem lại lợi ích cho tha nhân, cho quốc gia, cho cộng đồng và cho nhân loại”.(Tiếng vọng thời gian HT Thích Tâm Châu)

Đối trước mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, con xin chắp tay đảnh lễ, chí thành cầu khẩn các Ngài trụ thế lâu dài và hãy vì chúng sanh đau khổ mê mờ mà đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TKN Thích Nữ Chân Liễu



LỜI HAY Ý ĐẸP
-Trang nghiêm giới hạnh, đó là thân đẹp. 
- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp. 
- Cư xử khiêm hạ, từ tốn, đó là cử chỉ đẹp. 
- Giúp đỡ người bị nạn hay đói nghèo, đó là tấm lòng đẹp.
- Hiếu với cha mẹ, kính bậc hiền thánh, đó là tâm hồn đẹp. 
- Gặp người đau khổ, sợ hãi, nói lời an ủi, đó là ngôn ngữ đẹp.
- Không khởi tà niệm, luôn chánh trực, đó là ý đẹp. 
- Biết độ lượng, bao dung, đó là đức hạnh đẹp.
- Khai mở tâm trí, phá trừ vô minh, đó là trí tuệ đẹp.
- Đạt được giác ngộ và giải thoát, đó là nét đẹp tối thắng.



XIN QUẺ ĐẦU NĂM


- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị xui xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?

- Như vậy là xui tận mạng rồi chứ còn gì nữa. Con phải đi chùa lạy Phật nhiều, cúng chùa nhiều, mới hóa giải tai ách này được. Nhớ đó.

- Trời ơi! Chết con rồi, trời!

* * *


- Thưa Ni sư, đầu năm xin xăm, con bắt nhằm quẻ “hạ hạ”. Có phải con bị xui xẻo, tai nạn suốt năm không, con phải làm sao đây Ni sư?

- Chào đạo hữu. Đạo hữu hãy an tâm, không có gì xui xẻo hết đâu. Mấy cái quẻ xăm này để lắc cho vui, để những người còn tin chuyện linh thiêng huyền bí, thích cầu khẩn van xin về chùa dịp đầu năm. Chuyện hên hay xui của con người tùy thuộc chuyện làm thiện hay làm ác trong cuộc sống, chứ không phải tùy thuộc nơi quẻ xăm này.
Đó là luật nhân quả.
Người làm việc thiện thì gặp phước báo, gặp may, gặp hên.
Người làm việc bất thiện thì gặp quả báo, gặp xui, gặp nạn tai, trắc trở.

- Nếu muốn tránh xui xẻo, tai qua nạn khỏi con phải làm sao?
- Con người nhiều đời nhiều kiếp vừa làm việc thiện, vừa tạo nghiệp chẳng lành. Cho nên, có khi gặp may, có khi chẳng may. Để tránh xui xẻo xảy đến, con người phải biết sám hối và nguyện không làm chuyện sai trái, đem đau khổ cho người, qua thân (đánh người), miệng (chửi mắng, nói xấu), và ý nghĩ (nghĩ xấu, nghi ngờ).
Thêm nữa, hãy tạo phước báu bằng cách cứu người, giúp đời, tu nhân tích đức, bù lại việc xấu ác đã tạo nghiệp trước kia.

- Nhưng mà con vẫn lo sợ chuyện xui xẻo xảy đến. Vậy con phải làm sao?
- Đạo hữu thử xin quẻ khác xem sao, chắc là quẻ khác?

- Ờ hén, cám ơn Ni sư chỉ dạy rõ ràng. Con sẽ đi chùa thường xuyên để học đạo lý với Ni sư, Ni sư cho phép con nha.

- Mô Phật. Như vậy gọi là đi chùa đúng chánh pháp. Quí lắm. []


MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM (CTLĐ TẬP 1)
ÂN OÁN CÕI ĐỜI (CTLĐ TẬP 2)
CHỮ TÂM TRONG ĐẠO PHẬT
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI (CTLĐ TẬP 3)
ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP
PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG?
DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN
LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT?