Wednesday, July 21, 2021

*** KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ CỦA PHẬT GIÁO

 


KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ CỦA PHẬT GIÁO

TKN Thích Nữ Chân Liễu

 

Ngày nay, y theo lời dạy của Đức Từ Phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khắp nơi nơi, Chùa chiền, Tu viện, Thiền viện hằng năm đều trang trọng tổ chức chu toàn cho tứ chúng được hội tụ về an cư, sau đại lễ Phật đản.

Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Đức Phật đã để lại kho báu quí giá vô tận, củng cố niềm tin vào chân lý bất biến và khai mở trí tuệ bát nhã cho hàng đệ tử trong các mùa an cư khi Ngài còn tại thế.

Thế nào là an cư?

Tâm tĩnh lặng tự tại gọi là AN. Thân ở yên một chỗ gọi là CƯ. Tứ chúng là bốn hình tướng của người tu bao gồm xuất gia và tại gia (Tăng, Ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ). Ngày xưa chỉ có chư Tăng và chư Ni hành pháp an cư. Ngày nay, khá nhiều nơi, vì muốn gieo duyên xuất gia thù thắng trong một thời gian hạn định, các bậc Tôn túc cho phép hàng cư sĩ, Phật tử tại gia tham dự an cư, tập tu đời sống xuất gia, tìm hiểu học hỏi kinh Phật, nghe giảng pháp, làm quen cách sống đơn giản tri túc trong thiền môn và còn có dịp tạo phước hộ trì tam bảo.

Tứ chúng tùng hạ an cư đều chân thành thúc liễm thân tâm, thăng tiến giới hạnh, trưởng dưỡng từ bi, khai mở trí tuệ, cùng chung mục tiêu giác ngộ và giải thoát.

Mùa an cư giúp người tu xa rời sinh hoạt ồn ào của cảnh trần, sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) được thanh tịnh, an trụ một nơi, có thời gian nghiên tầm kinh điển. An cư chính là mong thân tâm được an định, ý nghĩ lời nói việc làm tỉnh giác và luôn sống với tâm vô ngã vị tha, tâm từ bi tâm hỷ xả.

Đó cũng là con đường tìm về “kho báu niềm tin và trí tuệ”.

KHO BÁU CỦA NIỀM TIN

Đạo tràng an cư giúp người tu thanh tịnh tâm và là nơi câu hội của tứ chúng tu học, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, trì chú, nghe pháp, học hiễu kinh luật, tham luận… để phát sinh niềm tin chính tín vào giáo lý Đức Bản Sư Thích Ca; hiểu rõ được chân lý vô thường, sinh, lão, bệnh, tử đang chi phối trong cuộc sống con người.

- Niềm tin vào luật nhân quả bình đẳng, người tạo nghiệp thiện nhận kết quả an vui, tạo nghiệp ác phải tự lãnh chịu hậu quả đau khổ, phát sinh từ nghiệp tạo tác của thân khẩu ý. Dụ như hòn đá nặng (nghiệp ác, tâm sân nặng nề) tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ (nghiệp thiện, tâm khinh an) tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai. 

- Niềm tin nơi chính mình, thấy được bản tâm thanh tịnh vốn không sinh không diệt. Cứu cánh giải thoát sinh tử y cứ vào văn tư tu tức là lắng nghe pháp, thực hành thấy có lợi lạc, tu dứt hết phiền não, sạch tội nghiệp đạt đến niết bàn tịch tĩnh.

- Niềm tin là căn bản của sự thành công chiến thắng tự tâm, là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Lòng tin của người tu theo Phật một cách sáng suốt là không cuồng nhiệt, không sôi nổi, không so đo và không bản ngã (cái tôi).

- Niềm tin chân chính là sự tự do thật sự, không bị ép buộc, cũng không vì động lực của lòng tham, sân, si sai khiến. Tu và học phải song hành, từ đó phát sinh niềm tin vững mạnh, phân biệt chánh tà, đúng sai rõ ràng, không còn rơi vào mê tín hay bị dụ dẫn.

- Niềm tin Tam bảo là thấy giá trị lợi ích của Phật Pháp Tăng đối với đời sống con người trong xã hội. Những điều Đức Phật dạy và những gì bản thân Ngài  chứng đắc trong quá trình tu và hành đạo khổ hạnh, đã để lại cho hàng đệ tử xuất gia tại gia con đường đi đến Niết Bàn là sự giải thoát hoàn toàn viên mãn. Thế nào là Tam Bảo?

+ Phật: Bậc sáng suốt, giác ngộ cao tột, tự giác, giác tha giác hạnh viên mãn, phước đức và trí tuệ lưỡng toàn .
+ Pháp: Con đường lợi ích rốt ráo đưa đến giải thoát sinh tử, là cứu cánh để trao giồi giá trị phẩm hạnh đạo đức thánh thiện và trong sạch thanh tịnh.
+ Tăng: Tăng già thanh tịnh hòa hợp, đời sống đơn giản thanh bần, vì lợi ích chúng sinh, quên mình cứu người giúp đời, tu hành theo hạnh Bồ Tát.

Những buổi cúng dường trai tăng, trai nghi trong mùa an cư, được tổ chức rất trang nghiêm thanh tịnh, tứ chúng đồng tu tụng niệm, hồi huớng cho gia đình thí chủ và cho tất cả mọi chúng sinh trong khắp pháp giới, đời đời được gặp chính pháp, để tiến tu cho đến ngày giác ngộ và giải thoát.

Trước khi thọ thực, mọi người đều thầm niệm tam đề và ngũ quán.

- Tam đề:

+ Một là nguyện không làm các điều ác,

+ Hai là nguyện siêng làm các việc lành,

+ Ba là nguyện độ tất cả chúng sinh.

- Ngũ quán:

1.  Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,

2. Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,

3. Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,

4. Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,

5. Năm là tạm dùng vật thực để có sức khoẻ hành đạo.

Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu nhiếp phục tâm, trước và trong khi thọ dụng vật thực cúng dường của đàn na tín thí. Điều quan trọng là giúp hành giả trên đường hành đạo luôn tinh tấn dũng mãnh, cố gắng trau giồi đức hạnh, tăng trưởng lòng từ bi, quyết tâm đạt đến Phật quả và nguyện độ tất cả chúng sinh được viên mãn.

Đó là “Kho Báu Của Niềm Tin” mà mọi người tu xuất gia hay tại gia đều mong đợi và tin tưởng.
 
KHO BÁU CỦA TRÍ TUỆ

“Nhân thân nan đắc. Diệu đạo nan cầu” - Thân người khó được. Chính pháp khó gặp. Kiếp này đã được thân người, hội ngộ Phật Pháp, lại được gặp bạn đồng tu.

Người biết cách tu không phí thì giờ về những phiền não thị phi, quyết tâm tu tiến, trừ sạch các tâm ô nhiễm ganh tỵ, đố kị, tham lam, sân hận, si mê. “Phản quan tự kỷ” - xoay lại xét mình, không phê phán người, người tu sẽ thấy rõ thật tính của bản thân.

Thúc liễm thân tâm thanh tịnh, trau giồi giới, định, tuệ, đó là tìm về trí tuệ sáng suốt Phật tính và phật tâm.

Sinh hoạt tập thể là cơ hội tốt thực hành nếp sống tri túc, phát triển tâm vị tha khiêm tốn, đối trị tâm vị kỷ ngã mạn. Tứ chúng đồng tu theo pháp lục hòa, tuy có khác nhau về xuất xứ, trong hay ngoài giáo hội, nhưng tất cả đều bất tùy phân biệt, cư xử bình đẳng, từ vật chất đến tinh thần.

Thân hòa, tâm hòa vui vẻ chấp tác, hăng hái hành đường, giúp đở nhau công quả từ chuyện lớn nhỏ, việc nặng nhẹ, tất cả đều hiểu biết và kính quí nhau trong tình đạo vị của chốn thiền môn an tịnh.

Mục đích đưa người tu đến chân thiện mỹ, pháp Lục Hòa là sáu phương pháp hòa hợp thanh tịnh trong đời sống tập thể như sau:

*- Thân hòa đồng trú: Sống chung tập thể, hòa thuận đùm bọc nhường nhịn nhau trong tình thân. Không ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô. Tránh việc phe phái chia rẽ.

*- Khẩu hòa vô tranh: Với tinh thần đồng tu, giữ gìn lời nói ôn hòa. Không tranh chấp từng câu từng lời. Luận bàn trong sự tương kính và bao dung.

*- Ý hòa đồng duyệt: Ý nghĩ thiện lành, vui vẻ trong sáng, thanh tịnh. Không cố ý tạo bất hòa, đố kỵ, ganh ghét. Đặt sự tôn trọng nhau và đồng hòa giải trên hết.

*- Giới hòa đồng tu: Giữ giới cùng tu, tự giác giữ mình trong kỷ luật và qui tắc. Không xét việc người tự soi mình, kính trên hòa dưới. Giúp đạo tràng trang nghiêm tề chỉnh và qui củ.

*- Kiến hòa đồng giải: Sách tấn nhắc nhở, cùng nhau học hỏi trong sự bình đẳng. Không phân cao thấp, hay dở, khen chê, chỉ trích. Dìu dắt cùng tu, cùng lợi lạc.

*- Lợi hòa đồng quân: Lợi dưỡng đồng chia, tài lợi vật chất đối xử công bằng. Không giành phần tốt để người khác chịu thiệt thòi, so đo tính toán. Chia xẻ đồng đều quân bình như nhau.

Con người còn sống là còn động, còn sinh hoạt là còn phiền não. “Pháp Lục Hòa” tạo được hòa khí trong tình đạo vị, xóa tan phiền não ngăn cách. Hơn vậy nữa, pháp nầy có công dụng nhắc nhở sự bình đẳng trong tăng đoàn, dùng đức phục chúng, người tu trước biết thương yêu lo lắng người tu sau. Kỷ luật tự giác, thời khóa đúng giờ, tinh tấn khắc phục giải đãi, tăng niềm tự tin trong cuộc sống. Đó là “Kho Báu Của Trí Tuệ” ngàn năm vô cùng trân quí không bao giờ mất.

LỢI ÍCH CỦA AN CƯ

Những tháng ngày an cư, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng tu có thêm niềm tin chính tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chính pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật Pháp được duy trì, đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian không thể nghĩ bàn.

Trong thời gian mùa an cư, mỗi buổi sáng, tứ chúng thức dậy thật sớm, trước thời khóa tụng kinh Lăng Nghiêm có 30 phút tịnh tâm, mọi người trong chúng từng bước nhẹ nhàng ngồi vào chỗ của mình, xếp chân với tư thế hoa sen, yên lặng thiền tọa, niệm Phật, trì chú trong yên lặng. Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, không tạp niệm, buông bỏ phiền não, không nói chuyện, không niệm Phật ra tiếng, cũng không lễ lạy. Thời khắc đó mọi người thấy rằng, nếp sống thanh tịnh của người tu cần thiết và lợi lạc vô cùng.

Phạn thực kinh hành (Sau khi thọ trai Chư Tăng kinh hành niệm Phật)


Những thời khóa tụng kinh như nhắc lại lời Phật dạy, tiếp thu Phật Pháp trong lời giảng Chư tôn đức mở mang trí tuệ, sinh hoạt đối xử nhau đầy đạo tình đạo vị giúp cho tứ chúng đồng tu niềm tin sâu xa nơi Tam bảo. Nhờ có những mùa an cư lợi lạc, người tu mới hiểu biết cách tu đúng chính pháp, trang nghiêm giới hạnh và đi đúng theo con đường Phật dạy để đạt đến cứu cánh Niết Bàn.

Đó là phúc báu của kiếp được làm thân người lại được sống trong giới Pháp của Chư Phật.

Tứ chúng xuất gia và tại gia đỉnh lễ thành tâm cung kính tri ân Chư Tôn Thiền Đức tổ chức những mùa an cư hằng năm, đem tâm từ bi hỷ xả cao thượng trao truyền ngọn đuốc Phật Pháp vi diệu. Các Ngài đã tạo duyên lành cho hàng Phật tử xuất gia và tại gia chúng con được học hiểu sự lợi ích thực tế của công đức và phúc đức, có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nơi trụ xứ.

Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ chính pháp trường tồn chúng sinh dị độ.

TKN Thích Nữ Chân Liễu


Chân Tâm và Vọng Tâm

Con người trên thế gian ai cũng có: chân tâm và vọng tâm. Chân Tâm là tâm tánh chân thật. Vọng Tâm là tâm tánh, tâm trạng luôn thay đổi theo cảnh trần. 

Vọng tâm thường thấy thể hiện qua ba dạng: tâm tham lam, tâm sân hận và tâm si mê. 

Con người trên thế gian luôn sống trong đau khổ bởi tâm tham sân si. Muốn dứt khổ, con người phải tự diệt tâm tham sân si. Không ai có thể giúp đỡ con người hết khổ khi tâm còn tham sân si. 

Bình sinh con người rất là hiền thiện. Nhân chi sơ tánh bổn thiện. Khi đụng chạm đến hai chữ Danh và Lợi, vọng tâm con người sẽ trổi dậy một các rõ ràng nhất. Đến khi hối hận thì đã quá muộn màng.

Cầu nguyện có được gì đâu? Con người không biết tự diệt tâm tham sân si, diệt vọng tâm để sống với chân tâm an tịnh. Con người chỉ biết cầu nguyện được lên thiên đàng hay cầu nguyện vãng sanh cực lạc. Đúng là con người sống trong ảo tưởng, nấu cát muốn thành cơm.

Người đời thường nói nôm na: Tâm Phật và Tâm Ma, chính là Chân Tâm và Vọng Tâm.

Con người phải tự thắp đuốc trí tuệ mà đi đến cảnh giới an tịnh khi không còn các vọng tâm tham sân si. 


BỒ TÁT THƯỜNG BẤT KHINH

Đọc và tụng phẩm Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong kinh Pháp Hoa, ta có thể học tập ở Ngài với bốn chất liệu: Đức Tin - Lòng Chân Thật - Sự Nhẫn Nhục và Hạnh Bất Khinh.

Chính bốn chất liệu này, Ngài đã làm cho Pháp Hoa sáng chói ở nơi chính đời sống của Ngài và Ngài đã chuyển vận ánh sáng ấy xuyên suốt vào mọi thời đại mà Ngài hiện hữu.

Với đức tin, Bồ Tát Thường Bất Khinh tin tưởng tuyệt đối vào khả năng thành Phật ở nơi chính mình và mọi người. Ngài tin như thế, nên Ngài sống như thế, Ngài nói như thế và Ngài làm như thế, chứ không thể nào sống khác, nói khác và làm khác. Với tấm lòng chân thực, Bồ Tát Thường Bất Khinh đã thiết lập tấm lòng này trên căn bản của đức tin Phật thừa. Do tin như vậy, nên Ngài sống như vậy và trải tấm lòng như vậy, với mọi người bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu.

Với sự kiên trì nhẫn nhục, Bồ Tát Thường Bất Khinh cũng đã thiết lập chất liệu này trên nền tảng của đức tin Phật thừa, với sự soi rọi của tuệ giác và từ bi. Nên, sự kiên trì, nhẫn nhục của Ngài không phải là một kẻ bất lực, hèn yếu và thua cuộc. Trái lại, sự kiên trì, nhẫn nhục ấy là sức mạnh của tuệ giác và năng lượng của từ bi.

Nhẫn nhục mà có nội dung của sự chịu đựng khổ đau, sự nhẫn nhục ấy không phải là sự nhẫn nhục của Bồ Tát Thường Bất Khinh. Vì sao? Vì sự nhẫn nhục như vậy, chứng tỏ rằng, những khổ đau của mình đang bị đàn áp. Hễ có đàn áp tức là có phản ứng. Như vậy, mình đang chiến tranh với chính mình dưới một tác dụng khác âm ỉ và sẽ khốc liệt hơn khi có cơ hội.

Trái lại, nhẫn nhục mà có nội dung của tuệ giác và tình thương, thì sự nhẫn nhục ấy sẽ tạo nên chất liệu an lạc và hạnh phúc, tạo nên chất liệu vững chãi và hùng tráng. Thực hiện hạnh nhẫn nhục tức là phải biết mở to đôi mắt ra để nhìn sâu rộng vào mọi vấn đề, chứ không phải nhẫn nhục là co lại không dám nhìn bất cứ một cái gì.

Sự hiểu biết sâu và rộng, thì không còn có bất cứ một sự đối kháng nào về mặt kiến thức, tri thức và tranh luận. Ví như, sự sâu rộng của biển là làm chỗ cho mọi con sông đổ về, dù bao nhiêu con sông có đổ về, thì biển cũng dung chứa mà không hề phản ứng, giận dữ hay tranh cãi gì với chúng.

Nên, thực hành hạnh nhẫn nhục là mở to đôi mắt để nhìn sâu và rộng vào mọi vấn đề, để mỗi khi mọi vấn đề khúc mắc của bản thân và xã hội đi vào trong đời sống của ta, thì chúng đều bị sự hiểu biết sâu rộng ở trong ta chuyển hóa. Và thực hành hạnh nhẫn nhục, không nên hiểu là sự chịu đựng, khi bị con dao đâm vào trái tim, theo ngôn ngữ biểu tượng của Hán, mà thực hành hạnh nhẫn nhục là phải mở tung trái tim ra, mở tung cõi lòng ra. Cõi lòng càng khép lại, khi gặp sự đối kháng, thì tiếng nổ và tiếng vang dội càng lớn.

Bởi vậy, người càng ích kỷ bao nhiêu, thì sự sân si và giận dữ của họ, lại càng bén nhạy bấy nhiêu và họ là đối tượng cho mọi con dao thế gian đâm vào. Thực hành hạnh nhẫn nhục là sống với đôi bàn tay và tấm lòng chân thực mở rộng. Nên, nhẫn nhục là hạnh khó làm bậc nhất.

Hạnh ấy là một trong những hạnh căn bản của sự thực tập, để thành tựu tuệ giác vô thượng và làm lợi ích cho đời. Hạnh ấy là phép lạ của mọi sự thành công. Nhưng, nhẫn nhục thành công là nhờ luôn luôn có mặt của hạnh Bất Khinh, nên với hạnh Bất Khinh, Bồ Tát Thường Bất Khinh đã biểu lộ sự cẩn trọng tuyệt đối của mình, ngay trong từng giây phút của sự sống, nghĩa là Bồ Tát không khinh suất, bất cứ ai, dù người đó đã từng hủy báng mình, đã từng ném đá vào mình. Và quan trọng hơn hết là Bồ Tát không khinh suất bất cứ một động tác nào của mình, nên bất cứ động tác nào của Bồ Tát cũng là động tác của sự cẩn trọng.

Đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng hành xử, kính lễ đều an trú một trăm phần trăm trong sự cẩn trọng. Do thực hành hạnh bất khinh hay hạnh cẩn trọng, mà Bồ Tát đã thành tựu về các mặt Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ, và cũng do thực hành hạnh bất khinh và cẩn trọng, mà Bồ Tát đã không làm cho ai bị khổ đau bởi một cử chỉ nhỏ nhặt của Ngài.

Nên, Bồ Tát xuất hiện giữa cuộc đời để giúp đời bằng chất liệu bất khinh và sự cẩn trọng của chính mình. Bất khinh là bố thí cho đời bằng sự cẩn trọng và sự khiêm tốn, nên bất khinh là thực hành Bố thí độ; bất khinh thì không có điều ác nào là không nhiếp phục, không có điều thiện nào là không khởi sinh, nên bất khinh là thực hành Trì giới độ; bất khinh thì không có gì để sơ suất giận dữ, để oán ghét và chịu đựng, nên bất khinh là thực hành Nhẫn nhục độ; bất khinh thì chỉ có đi tới, không còn có sự thối lui, nên bất khinh là thực hành Tinh tấn độ; bất khinh thì không mất chánh niệm, không mất định tĩnh khi tiếp xúc với mọi đối tượng thuận nghịch, nên bất khinh là thực hành Thiền định độ và bất khinh thì không còn ngộ nhận, không còn thiếu sót, không còn sân hận, không còn sai lầm, nên bất khinh là thực hành Trí tuệ độ.

Bất khinh thì không còn kiêu mạn. Kiêu mạn không còn là ngã chấp đã đoạn. Bất khinh thì sự phân biệt kỳ thị không còn. Sự phân biệt và kỳ thị không còn là pháp chấp đã đoạn. Chấp ngã và chấp pháp không còn, là ta đã thể nhập vào thực tại vô biên của sự sống, đó là đời sống hay thọ mạng của Như Lai.\

Nên, bất khinh là khởi đầu cho hạnh thực tập và thường bất khinh là kết quả viên mãn của sự thực tập. Thường bất khinh là Phật tính, thực tập hạnh bất khinh là đi về và sống với Phật tính. Nói rõ hơn, thực tập hạnh bất khinh là thực tập hạnh Pháp Hoa và Thường Bất Khinh chính là đời sống của Pháp Hoa vậy. Hạnh ấy là phép lạ của mọi sự hoàn thiện, và đời sống ấy là đời sống diệu thường giữa những sinh hoạt bình thường của thế gian và của con người. 

 Bồ Tát Thường Bất Khinh đã có đức tin tuyệt đối vào khả năng thành Phật của chính mình và khả năng thành Phật của mọi người, nên đem hết tấm lòng chân thật mà kính lễ, ca ngợi đức tính ấy của mọi người và dập tắt lòng kiêu mạn ở nơi chính mình bằng hạnh bất khinh. Nên, hạnh Thường Bất Khinh là con đường chuyển hóa, khiến cho đời sống của Bồ Tát ấy sáng rực Pháp Hoa, và Ngài đã chuyển vận ánh sáng ấy xuyên suốt mọi thời kỳ và đến nay vẫn còn bất diệt, vẫn tiếp tục dẫn lối đưa đường cho mỗi chúng ta và là hướng đi cho mọi thời đại.

Thời đại ngày nay của chúng ta có nhiều sự kỳ thị và bất công là do trong thời đại của chúng ta có quá nhiều người ích kỷ và cao ngạo. Cao ngạo về giàu có, cao ngạo về khoa học kỹ thuật, cao ngạo về vũ khí, cao ngạo về trí thức, cao ngạo về chủ thuyết, cao ngạo về văn hóa, cao ngạo về tôn giáo. Do những cao ngạo ấy, mà trong thế giới của chúng ta ngày nay có nhiều kỳ thị, bất công và bạo động, và đã có nhiều người, nhiều quốc gia hành xử với con người, với thế giới bằng sự ích kỷ và cao ngạo như vậy, nên sông hận sôi mãi, lửa hận cháy mãi, khói hận bốc mãi. 

Nên, ta hãy biến Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong kinh Pháp Hoa, thành Bồ Tát Thường Bất Khinh ở trong đời sống của mỗi chúng ta, cũng như trong thời đại của chúng ta, để cho chúng ta không bị lung lay về đức tin, nghèo nàn về tuệ giác, bạc nhược về ý chí, cạn cợt về thương yêu, sơ suất trong hành xử và để cho đời sống của chúng ta, cũng như thời đại của chúng ta, sông hận lắng yên, lửa hận tắt ngúm, khói hận trở thành mây lành, mọi hành xử của chúng ta không bị rơi vào ngõ cụt, mà cùng nhau sống trong tính thể bất khinh, hòa điệu và sáng đẹp vô cùng.

 

Từ Bi & Bạo Lực

TK THÍCH CHÂN TUỆ 


Trong thành Xá Vệ (xứ Kosala), ai cũng biết Angulimala là một kẻ sát nhân nguy hiểm. Khi nghe tin Angulimala xuất hiện trong thành phố, mọi người đều kinh sợ. Vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng đối với Angulimala, phải huy động cả quân đội mới có thể bắt được. Dân chúng xem Angulimala như ác quỉ, không có tình thương. Tất cả dân chúng trong thành người nào cũng đồng ý là gặp Angulimala thì phải giết, phải tiêu diệt. Chỉ trừ có một người. Người đó nghĩ rằng trong Angulimala vẫn còn có hạt giống thiện. Người đó là đức Thế Tôn. Nhưng chưa ai có khả năng khơi dậy hạt giống đó, cho nên Angulimala chưa có cơ hội để quay đầu trở thành con người tốt.

Angulimala đã giết rất nhiều người. Mỗi khi giết một người, anh ta cắt một ngón tay, rồi xỏ xâu đeo vào cổ. Nghe nói anh ta đã có 99 đốt xương rồi. Anh ta muốn giết thêm một người nữa cho đủ số 100, để có xâu chuỗi nạp cho tà giáo. Chữ ‘mala’ trong danh từ Angulimala có nghĩa là xâu chuỗi. Tên thật của Angulimala là Ahimsaka (Kẻ vô tội). 

Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào thành, đang bưng bát đi khất thực từng bước thảnh thơi thì nghe có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều. 

Đức Thế Tôn không cần phải thi thố phép thần thông. Ngài có niềm tin lớn nơi tình thương và trí tuệ của mình để vượt khỏi những tình trạng khó khăn. Angulimala lớn tiếng gọi:

- Tu sĩ kia, đứng lại! 

Thế Tôn vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên tự tại. Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn:

- Đứng lại! Tu sĩ kia, đứng lại!

Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy. Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên:

- Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?

Thế Tôn vẫn bước đi, nói với giọng điềm tĩnh:

- Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại. 

Chưa bao giờ nghe một câu nói kỳ lạ như vậy, Angulimala ngạc nhiên hỏi:

- Ông nói sao? Ông đang đi rõ ràng mà tại sao nói ông đã dừng lại?

Đức Thế Tôn từ tốn nói:

- Này Angulimala, trên con đường tạo tác những ác nghiệp thì ta đã dừng lại từ nhiều kiếp rồi. Còn anh, anh vẫn còn đang tiếp tục, anh nên dừng lại!

Lúc đó đức Thế Tôn đứng lại. Angulimala cũng đứng lại. Đức Thế Tôn nhìn thẳng vào Angulimala mà nói:

- Anh biết không, ở đời ai cũng sợ đau khổ, ai cũng muốn sống, ai cũng sợ chết. Mình phải biết thương người!

Angulimala la lên:

- Trên đời này có ai thương tôi đâu, mà bảo tôi thương họ? Loài người là loài độc ác nhất ở trên đời, tôi muốn tiêu diệt hết loài người cho hả dạ tôi.

Đức Thế Tôn nói:

-Này Angulimala, tôi biết anh đã chịu nhiều đau khổ. Cuộc đời đã bạc đãi anh, người ta đã không tử tế với anh, đã làm khổ anh. Anh đâm ra hận thù cuộc đời! Nhưng anh nên biết: hận thù chỉ làm cho mọi người thêm khổ đau, chỉ có tình thương mới đem lại hạnh phúc cho đời mà thôi.

Angulimala la lớn:

- Tình thương hả? Ai là người có tình thương, ông chỉ cho tôi coi?

Đức Thế Tôn vẫn dịu dàng:

- Anh đã từng gặp vị tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào chưa? Các vị đó không những tôn trọng sinh mạng của con người, họ còn tôn trọng sự sống của loài vật. Họ tôn trọng các loài cỏ cây và đất đá nữa.

Nếu anh gặp được họ, anh sẽ thấy rằng tình thương là cái gì có thật. Khi có tình thương trong lòng, người ta không còn đau khổ nữa.

Hận thù là một khối lửa đốt cháy con người, đốt cháy thế gian. Anh nên quay đầu lại, từ khước bạo lực, trở về với con đường cảm thông và yêu thương. 

Những lời nói của Thế Tôn tràn đầy từ bi, phát xuất từ trái tim. Angulimala là một con người thông minh nhưng bị hận thù che lấp. Nghiệp thiện ngày xưa của Angulimala tác động vào tư tưởng, và anh ta biết rằng mình đang đứng trước mặt Đức Phật Thích Ca. Ngài đã vì lòng thương xót mà đến cứu anh ra khỏi vòng tội lỗi.

Anh ta vứt gươm xuống đất, xin Đức Phật cho được xuất gia. Đức Phật chỉ nói một câu đơn giản: - "Ehi! Bikkhu" (Hãy đến! Tỳ kheo). 

Thế nhưng, mặc dù xuất gia, tinh thần của Tỳ kheo Angulimala vẫn không được yên ổn. Thường xuyên, ông bị ám ảnh bởi tiếng kêu khóc của những người bị ông sát hại. Có hôm, đi khất thực, ông bị quần chúng đuổi đánh, ném đá, ông trở về tu viện, lỗ đầu, chảy máu.

Đức Phật giải thích cho biết, đó là Angulimala trả nợ nghiệp ác cũ của mình. Sau này, Angulimala tu chứng thánh quả A la hán.

Chúng ta thấy câu chuyện Angulimala gặp đức Thế Tôn là một cuộc đấu gươm rất ngoạn mục. Angulimala có thanh gươm của bạo lực và hận thù. Đức Thế Tôn có thanh gươm của từ bi và trí tuệ. []

 

SUY NGẪM

Tu theo đạo Phật cốt tủy là tu tâm dưỡng tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp. Ngược lại, nhiều người tại gia cũng như xuất gia ưa chuộng hình tướng bên ngoài, bày vẽ các nghi lễ, cách trang phục rườm rà, phức tạp, thích nghe và truyền bá các chuyện linh thiêng, huyền bí, mê tín, huyễn hoặc, như hoa mạn đà la, hào quang chiếu sáng trên nóc chùa, trên tượng lộ thiên, thường ngày không lo tu tập.

Tu theo đạo Phật cốt tủy là nổ lực chuyển hóa tâm niệm bất thiện, thành tâm niệm thiện lành, chuyển hóa tam nghiệp thân, miệng, ý hằng thanh tịnh. Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng tây phương. Không cần phải mong cầu. Không cần phải van xin. Đạo Phật rất thực tế. Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Con người phải nổ lực tự tu, tu tâm dưỡng tánh, dừng nghiệp và chuyển nghiệp, trong suốt đời sống hàng ngày, để trưởng dưỡng từ bi & trí tuệ và đạt được thành tựu tốt đẹp, hoàn mãn. []

BAN BIÊN-TẬP PHTQ.CANADA

cutranlacdao@yahoo.com

http://phtq-canada.blogspot.com

 

KÍNH MỜI THAM KHẢO:

http://phtq-canada.blogspot.com/2021/06/chan-tam-va-vong-tam.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2014/03/luong-tam-va-phat-tam.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2011/05/phat-tam-phat-tuong-phat-hoc-tinh-quang.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2015/06/tap-san-phtq28-ai-le-phat-01-6-2015-muc.html  

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/09/chu-tam-trong-ao-phat-cu-tran-lac-ao.html

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/10/tam-va-tuong-trong-phat-giao.html

 

Hỏi: Thưa quí Thầy, xin giải thích thế nào là Lương Tâm, thế nào là Thiện Tâm, thế nào là Chân Tâm, thế nào là Phật Tâm, thế nào là Tâm và Tướng, thế nào là Tâm và Tánh, thế nào là Tu Tâm Dưỡng Tánh.

Đáp: Kính mời tham khảo:

http://phtq-canada.blogspot.com/2011/06/tu-tam-duong-tanh-cu-tran-lac-ao.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2014/05/tu-tam-duong-tanh-cu-tran-lac-ao-tap-3.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2014/03/luong-tam-va-phat-tam.html 

http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/09/chu-tam-trong-ao-phat-cu-tran-lac-ao.html

http://phtq-canada.blogspot.com/2011/05/phat-tam-phat-tuong-phat-hoc-tinh-quang.html