Tuesday, July 10, 2012

***Người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng,thảnh thơi



(HT.Thích Thanh Từ)


Đề tài tôi nói chuyện hôm nay thật đơn giản: Người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng, thảnh thơi. Người xuất gia khi bước chân vào đạo, thường nhớ rõ câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” của người xưa. Đi tu thì phải xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, đó là điều căn bản của người tu hành. Nếu chúng ta không xả bỏ vật chất, của cải thế gian thì chúng ta làm sao bước chân vào đạo được. Khi vào đạo rồi, nếu chúng ta không xả thân này, không biết hi sinh thân mình, làm lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sanh thì không xứng đáng là người tu. Cho nên câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với giới tu hành của chúng ta.

Người tu nếu không quên của cải sự nghiệp thế gian, chỉ quí trọng thân này, muốn nó được an vui sung sướng thì chúng ta không thể tiến tu đạo nghiệp được. Như vậy chữ tu hiện giờ chúng ta đang ứng dụng có nghĩa là chúng ta phải biết xả bỏ. Xả bỏ của cải thế gian, rồi bước sang xả bỏ cả thân mạng, không quí tiếc. Xả bỏ thân mạng chưa đủ, chúng ta còn phải xả bỏ tam độc. Tam độc tức là tham sân si. Nếu không xả tam độc thì chúng ta không phải là người tu. Đuổi được tham sân si mới nhẹ nhàng, thảnh thơi. Khi dẹp bỏ một thói xấu, một điều hại thì chúng ta được nhẹ nhàng thảnh thơi một phần. Cho nên bước thứ nhất chúng ta tu phải xả bỏ phiền não, mà phiền não đầu là tham sân si.

Trong tâm chúng ta có tham, có sân, có si, bây giờ muốn chúng hết thì ai đuổi nó ra? Mỗi đêm chúng ta thắp hương cầu Phật cho con hết tham sân si được không? Chắc rằng Phật cho không được vì tham sân si trú ngụ sẵn trong nội tâm chúng ta. Muốn đuổi nó thì phải loại ra, phải diệt trừ nó. Phật ở ngoài không làm cho nó hết được. Xin hỏi Ni chúng, chúng ta tu cũng được hai ba mươi năm, hoặc năm mười năm, quí vị đuổi ba con rắn độc này ra hết chưa? Chắc chưa. Bởi vậy, ba thứ độc là căn bản làm cho chúng ta khổ đau, đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là xả luyến ái. Tại sao chúng ta phải xả luyến ái, luyến ái là gì? Luyến ái là yêu thương. Yêu thương người này, yêu thương người kia. Yêu thương trong ái nhiễm chớ không phải yêu thương bằng lòng từ bi nên chúng ta phải xả bỏ nó. Phật thường dạy ái là gốc luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì chúng ta phải xả bỏ luyến ái. Vì luyến ái mà con người phải khổ đau, nên trong bát khổ có khổ ái biệt ly. Người nào còn ôm chặt tâm luyến ái thì nhất định người ấy sẽ còn đau khổ.

Hàng tu sĩ xuất gia chúng ta phải khéo xả bỏ luyến ái đối với huynh đệ, bạn bè, đối với những người chung quanh, đừng bị trói buộc, đừng bị sợi dây ái lôi kéo thì chúng ta mới tu đến nơi, đến chốn được. Nếu người xuất gia không xả bỏ được luyến ái thì không thể nào thoát khỏi luân hồi sanh tử. Đây là điều tối quan trọng, nên Tăng Ni và Phật tử phải cố gắng xả bỏ tâm luyến ái của mình. Tâm luyến ái sạch rồi chúng ta mới hết khổ, mới dứt được dòng luân hồi. Đây là điều thứ hai.

Chúng ta tu hay bị trần cảnh lôi kéo, dẫn dắt nên gặp nhiều trở ngại. Mắt duyên với sắc, tai duyên với âm thanh, mũi duyên với mùi hương, lưỡi duyên với vị, thân duyên với xúc chạm. Tất cả các thứ duyên đó, nếu chúng ta kẹt thì sẽ bị nó lôi dẫn, không an ổn được. Người tu luôn luôn phải gỡ, đừng để sáu căn dính mắc với sáu trần.


Trong nhà Thiền thường chú trọng điều này. Xưa kia có người hỏi Thiền sư thế nào là giải thoát, ngài trả lời “căn, trần không dính nhau là giải thoát”. Người ta cứ nghĩ, tu giải thoát là đi đến một xứ nào xa lạ, kỳ đặc, chớ không ngờ giải thoát là ngay nơi sáu căn không dính với sáu trần. Nếu sáu căn còn dính kẹt với sáu trần thì chúng ta không được giải thoát. Đó là lẽ thật. Tôi hay thí dụ, có người khi đi ra đường, thấy những gì đẹp liền thích, rồi mong mỏi cho được, vì mơ ước thành ra bị trói buộc. Vật đó có dính dáng gì với mình mà bị nó trói buộc, rồi đổ thừa: “Cái đó làm cho tôi phiền não, làm cho tôi khổ sở.” Cảnh bên ngoài có thật buộc mình không? Hay tại mình không khéo tu nên bị nó trói buộc.

Chúng ta ít khi can đảm nhận trách nhiệm về mình, khi bị trần cảnh bên ngoài quyến rũ, thua nó thì đổ thừa tại ai chớ không phải tại mình! Thí dụ có người gặp một số tiền hay một lượng vàng đánh rơi xuống đất, người ấy mừng quá lượm lên. Nếu kẻ làm mất xin trả lại, người ấy có vui không? Lượm được trong tay rồi mà phải trả lại chắc không vui mấy. Nhưng nếu với tâm tốt, biết rõ không phải của mình, chủ xin lại thì mình hoan hỉ liền. Đó là tôi nói thí dụ nhỏ, còn nhiều sự việc lớn hơn nữa. Vì vậy, chúng ta tu phải làm sao đừng để cho căn trần dính mắc nhau.

Hồi xưa, lúc đức Phật còn tại thế có vị tu tiên chứng được Ngũ thông. Ông giảng kinh mọi người rất thích, đến trời Đế Thích cũng tới nghe giảng. Một hôm nghe giảng xong, trời Đế Thích liền khóc. Vị tiên thấy lạ hỏi:

- Tại sao ông nghe tôi giảng kinh mà lại khóc?
Trời Đế Thích thưa:
- Ngài giảng kinh rất hay, nhưng tôi biết tuổi thọ Ngài sắp hết rồi, nên tôi thương tôi khóc.
Nghe vậy vị tiên giật mình. Bởi vì tuy ông chứng Ngũ thông nhưng chưa chứng được Lậu tận thông nên vẫn còn mắc kẹt trong sanh tử. Vị ấy liền hỏi trời Đế Thích:
- Bây giờ làm sao để thoát khỏi sanh tử?
Trời Đế Thích giới thiệu:
- Hiện giờ có đức Thế Tôn hiệu Thích-ca Mâu-ni đang trụ ở tinh xá Trúc Lâm giảng pháp. Nếu Ngài đến đó cầu pháp, đức Phật sẽ giảng dạy cho phương pháp giải thoát sanh tử.

Nghe vậy vị tiên liền tìm đến đức Phật. Trên đường đi, ông nghĩ không có lễ vật cúng dường thì vô lễ quá. Thấy hai cây ngô đồng đang trổ bông thật đẹp, ông dùng thần thông nhổ hai cây ấy để trên hai bàn tay. Đến tinh xá Trúc Lâm, vào lễ Phật rồi, ông thưa hỏi làm sao được giải thoát sanh tử.

Phật bảo:
- Buông.
Ông liền buông một tay xuống, rớt một cây ngô đồng.
Phật bảo:
- Buông.
Ông buông một tay nữa rớt cây thứ hai.
Phật bảo:
- Buông.
Ông thưa:
- Tôi có hai cây ngô đồng, Ngài bảo buông lần thứ nhất, tôi buông bớt một cây; bảo buông lần thứ hai, tôi buông thêm cây nữa, bây giờ còn gì đâu mà buông.
Phật nói:
- Không phải ta bảo ông buông cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo ông buông là buông trần cảnh. Lần thứ hai là buông sáu căn. Lần thứ ba là buông sáu thức. Căn cảnh thức hay là căn trần thức buông hết thì giải thoát.
Vị tiên liền hiểu, lãnh hội trở về tu, được hết sanh tử.

Quí vị thấy, chúng ta tu nếu không khéo xả thì không thể giải thoát sanh tử. Sanh tử là cái khổ đau muôn đời, muốn thoát khỏi nó không gì hơn phải xả bỏ, đừng để căn trần thức cột trói. Đây là gốc của trầm luân, của đau khổ. Đó là phần xả căn trần thức.

Kế đến, thứ tư là xả mọi cố chấp. Chúng ta có bệnh cố chấp rất nặng. Bên ngoài thì chấp người, nơi mình thì chấp ta. Chấp ta, chấp người, chấp phải, chấp quấy, chấp hơn, chấp thua, tất cả các thứ chấp đều là nguyên nhân của đau khổ cả. Vì còn chấp là còn khổ, nên người biết tu phải xả cố chấp. Cố chấp nhiều thì khổ nhiều, chấp ít thì khổ ít. Người chấp hơn, chấp thua khi thấy mình hơn thì mừng, mình thua thì buồn. Hơn thua nối nhau nên mừng khổ cứ thay nhau hoài, nhưng ở đời có ai hơn tất cả được. Hơn người này cũng thua người khác.

Ngày xưa, một hôm đức Thế Tôn đi khất thực qua vùng của Bà-la-môn. Có một ông Bà-la-môn thấy Ngài đi trước, ông lẽo đẽo theo sau kêu tên Ngài chửi. Mặc ông chửi, Phật cứ chậm rãi đi một cách tự nhiên, không trả lời. Hồi lâu bực quá, ông chạy tới trước hỏi:
- Ngài Cồ-đàm, Ngài có điếc không?
Phật nói:
- Không.
- Sao tôi chửi Ngài làm thinh không trả lời?
Phật liền trải tọa cụ ngồi xuống, nói bài kệ:


Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.

Như vậy người hơn kẻ thua đều khổ hết. Thua khổ vì nhục nhã, hơn thắng thì mừng nhưng gây ra oán thù. Nên hơn thua đều xả thì được an ổn ngủ. Chẳng những hơn thua mà kể cả phải quấy, chấp ngã, chấp nhân đều xả hết thì đó là người an ổn bậc nhất.

Trong nhà Thiền, Tổ Hoàng Bá có nói: “Đệ tử của Mã Tổ hơn tám mươi vị thiện tri thức, nhưng nguời tiêu chảy đầy đất chỉ có một mình Qui Tông.” Câu này có nghĩa là sao? Hơn tám mươi đệ tử đều là bậc thiện tri thức, nhưng người tiêu chảy đầy đất chỉ có một mình Qui Tông. Như vậy Ngài khen hay chê Qui Tông?

Tiêu chảy đầy đất là sao? Là uống thuốc xổ. Người nào xổ đầy đất thì trong bụng sạch trống. Xổ tức là xả, xả hết, xả sạch. Người tu xả được như vậy mới là người thấy đạo lý, là người đến chỗ chân thật. Ngài Qui Tông là một trong số đệ tử của Mã Tổ mà Thiền sư Hoàng Bá rất kính trọng. Như vậy chúng ta thấy, người tu phải xả bỏ, đừng cố chấp, thì mới hết khổ.

Như trước tôi đã nói, chúng ta đi tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Hồi ở nhà thì xả bỏ nhà, xả bỏ năm bảy người thân đi tu. Đến khi tu rồi, lại mắc kẹt cái chùa, rồi năm bảy chục đệ tử v.v… nghĩa là sao? Như vậy có phải xả cái này, mắc cái khác không? Nên nhiều người hay chỉ trích: “Tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, mà bây giờ quí thầy quí cô cất chùa to, thâu đệ tử nhiều, vậy có xả hay không?” Quí vị trả lời thế nào? Nếu chúng ta cất chùa to để làm của riêng, thâu đệ tử nhiều để phục vụ cho bản ngã của mình, thì đó là tội lỗi. Ngược lại chúng ta cất chùa to để nuôi chúng có chỗ tu học, vì muốn gầy dựng hàng hậu tấn nên chúng ta lo giúp, hướng dẫn họ tu thì không có lỗi. Phải khéo hiểu như thế, nếu không chúng ta đâm ra hoang mang, sợ sệt.

Kế nói đến xả những đa mang thành tư hữu. Quí vị nhớ lại lúc mình đi tu, có chở đồ đạc lỉnh kỉnh vào chùa không, hay là chỉ một túi xách thôi? Nhưng ở chùa chừng mười năm, hai chục năm, nếu phải dời đi chỗ khác thì chở chừng mấy xe? Hồi vào chùa mang theo rất ít, khi ra đi thì chở quá nhiều. Như vậy có xả không? Những thứ đa mang mình không xả được, mà cứ ky cóp ngày càng nhiều thành ra khổ. Đó là điều tôi muốn nói chúng ta cần phải xả, xả được nhiều chừng nào thì thảnh thơi chừng ấy. Làm sao lúc nhắm mắt ra đi, tất cả những gì mình lo, những gì mình sắm là của Tam Bảo chớ không phải của cá nhân, được như vậy thì mới tốt.


Tôi xin dẫn một câu chuyện như sau: Ngày xưa Vua nước Ba-la-nại có mấy bà phi tần, bà nào cũng thích đeo vòng vàng đầy tay. Một hôm nhà Vua bị bệnh, cần phải thoa trầm hương. Khi các phi tần đến thoa, nghe tiếng kêu lổn cổn điếc tai, Vua chịu không nổi bảo phải cởi vòng vàng ra, mỗi bà chỉ đeo một chiếc thôi, chừng ấy mới hết nghe khua rổn rảng. Khi đó Vua nghĩ đa mang nhiều thì phiền não nhiều. Bây giờ nếu mình bỏ hết thì hết phiền não. Vua lại nghĩ, ta làm Vua có triều đình, có đất nước, có quần chúng v.v… bề bộn quá, nếu xả hết đi tu chắc là hết khổ. Nghĩ vậy, Vua liền trao ngôi cho người khác rồi vào núi tu. Về sau Ngài chứng được quả Độc giác.

Chúng ta thấy, xả nhiều thì nhẹ nhàng nhiều, tu hành mau đắc đạo. Còn cưu mang nhiều thì không được an ổn, không thể đắc đạo.

Có một Thiền khách quảy đãy đến hỏi Thiền sư:
- Thế nào là đạo?
Thiền sư bảo:
- Buông.
Thiền khách liền buông đãy xuống, rồi lại hỏi:
- Thế nào là đạo?
Thiền sư lại bảo:
- Buông.
Thiền khách nói:
- Con có cái đãy đã buông xuống rồi, không còn gì để buông nữa.
Thiền sư bảo:
- Nếu không còn gì để buông thì ông quảy lên đi.
Ngay đó Thiền khách ngộ đạo.

Chúng ta buông cho tới không còn gì để buông nữa, thì ngay đó ngộ đạo không có gì khó. Như vậy tu là khó khăn, cực nhọc hay tu là nhẹ nhàng thảnh thơi? Tôi sẽ dẫn một ít thí dụ cho quí vị thấy rõ tu là nhẹ nhàng thảnh thơi.

Thí như có người leo núi cao năm bảy trăm thước. Đường xa mà lại tham nên mang theo nhiều đồ đạc, thành ra quảy một bị nặng leo núi. Đi một hồi mệt quá anh ta than. Có người bạn cùng đi nói: “Anh bỏ bớt những gì không cần đi.” Anh ta lục trong túi ra, bỏ bớt năm ba món. Đi được chút nữa cũng thấy nặng. Anh than còn nặng quá, người bạn nói: “Anh bỏ bớt nữa đi.” Anh ta soạn lại bỏ bớt nữa. Nhưng đường dốc càng lên cao càng thấy nặng, rồi lại phải bỏ. Cứ tiếp tục bỏ như vậy cho tới khi gần đến chót núi còn cái bị không, nhưng cũng bị vướng, khó đi. Cuối cùng anh bỏ luôn cái bị mới leo lên chót núi được.

Quí vị thấy, muốn leo lên ngọn núi cao mà mang theo nhiều đồ nặng quá, làm sao leo lên nổi. Muốn leo cao phải bỏ bớt từ từ, cho đến khi nào không còn gì để bỏ thì quí vị sẽ leo tới chót núi. Chúng ta xét kỹ xem, bỏ là nặng hay bỏ là nhẹ? Chúng ta tu, bỏ được tham nhẹ được một phần, bỏ được sân nhẹ thêm một phần, bỏ được si nhẹ thêm một phần nữa. Cho nên tu là thảnh thơi. Những người tu hay bực tức, giận hờn, rên rỉ là tại vì ôm nhiều quá, không biết bỏ, thành ra đi không nổi. Nên ở trong chúng nhìn mặt là biết người nào tu khá, người nào tu không khá. Người biết buông bỏ tu hành có kết quả, người ấy nhẹ nhàng thảnh thơi. Người không biết buông bỏ, đụng việc gì cũng bực bội, đó là tu không tiến.

Thí dụ thứ hai, như chúng ta gánh một đôi nước nặng, có người nào đó bảo: “Đưa tôi gánh giùm cho.” Trao gánh nước rồi, lúc đó mình nặng hay nhẹ? Rất nhẹ. Cũng vậy, chúng ta đang ôm ấp việc gì trong lòng, nếu có ai đến giải tỏa thì chúng ta sẽ được nhẹ nhàng.

Lại nữa, người đang giận đang thù oán ai, trong lòng có được an ổn không? Ngồi tu có yên không? Tụng kinh niệm Phật hay làm gì cũng nhớ người mình thù, người mình giận. Nếu chúng ta biết xả bỏ hận thù thì chúng ta sẽ thảnh thơi an ổn. Tu niệm Phật thì nhất tâm, tụng kinh thì chuyên chú không xao lãng, tọa thiền thì dễ định. Khi chúng ta giận ai, trong người mát mẻ hay bị lửa giận thiêu đốt? Thường người nào giận, quí vị nhìn cặp mắt họ đỏ, mắt đỏ là đẹp hay xấu? Người ta nói mắt xanh, mắt trắng mới đẹp, còn mắt đỏ ngầu rất ghê sợ, vì bị lửa nóng giận đang thiêu đốt. Chúng ta xả được thì nhẹ nhàng, mát mẻ, không bị khô cằn.

Thêm một điểm nữa, lúc nào chúng ta gặp cảnh không được vui, chúng ta ôm ấp lòng buồn rầu. Buồn rầu có giúp được gì trên đường tu của chúng ta không? Thường người ta cứ nghĩ buồn đâu có tội lỗi gì. Nhưng buồn cũng là phiền não nên nói buồn phiền. Có buồn có phiền tức là không được an ổn. Vì vậy khi nào trong tâm có việc buồn phiền chúng ta phải khéo xả bỏ. Muốn xả buồn phiền chúng ta phải nghĩ làm sao? Phải nghĩ rằng, ngày mai ngày mốt mình sẽ chết, buồn phiền làm gì. Nghĩ như vậy tâm được bình an.

Cho nên người tu chúng ta phải tập buông hết hận thù, buồn phiền thì đời tu được an ổn vô cùng. Dù ở giữa một trăm, hai trăm chúng vẫn thấy nhẹ nhàng như thường. Trong kinh nói: “Xả tất cả là được tất cả.” Ai biết xả tất cả, người đó được tất cả. Ai muốn được tất cả, sẽ mất tất cả. Quí vị muốn được tất cả thì phải xả, việc gì không đáng thì buông. Những thứ tạp nhạp buồn, thương, giận, ghét lăng xăng xả hết. Xả hết những thứ đó rồi thì chúng ta liền nhận được cái chân thật hiện tiền của chính mình, không thiếu vắng lúc nào.

Tôi thường thí dụ, đêm rằm trên hư không trăng đang sáng, nhưng vì mây mù mịt tiếp nối nên không thấy trăng sáng. Bao giờ mây tan đi chúng ta sẽ thấy được vầng trăng sáng. Nếu mây không tan mà ta muốn thấy trăng sáng cũng không thể thấy được. Mây dụ cho những phiền não tạp nhạp rối ren chất chứa trong lòng. Nếu xả bỏ được thì Tánh giác chân thật hiện bày. Tánh giác chân thật là vầng trăng. Người tu là người buông xả hết những rối ren tạp nhạp trong nội tâm mình, chỉ còn một tâm trong sáng.

Chúng ta tu vì sợ thế gian đau khổ, muốn thoát mọi sự đau khổ ấy. Vị nào hoan hỉ xả các thứ dục lạc ở thế gian là vị đó biết tu. Vị nào còn tiếc nuối không chịu xả là chưa biết tu. Chúng ta buông xả những thứ xấu xa vô dụng của mình là việc làm rất dễ dàng trong tầm tay chớ không khó. Lâu nay nhiều người nói tu sao khó quá. Tôi xin hỏi khó tại chỗ nào? Nếu tham sân si từ đâu đem lại cho mình thì bỏ chắc khó, nhưng tham sân si phiền não v.v… từ nơi mình, nếu mình không thích nó thì mình bỏ, chớ có gì khó. Như trong túi quí vị có những hòn sỏi, những hòn đá, quí vị không thích nó nữa, quí vị móc ra dễ dàng hay khó? Nó trong túi mình thì móc ra có gì là khó. Khó là tại mình tiếc không nỡ bỏ. 


Tôi thấy trong giới tu hành của chúng ta, nhiều vị cũng tiếc những cái lẽ ra không đáng tiếc. Thí dụ như ai đó làm mình trái ý rất nặng, mình cũng nổi sân, chợt có huynh đệ nhắc: “sao huynh tu mà còn sân”, mình liền đáp: “không sân nó không sợ”. Như vậy tiếc cái sân hay muốn bỏ cái sân? Muốn để dành một chút làm oai với thiên hạ chơi. Người tu mà để dành như vậy thì biết chừng nào cho hết sân.

Tất cả phiền não tham sân si từ trong nội tâm phát ra. Chúng ta biết nó dở, biết nó xấu, biết nó là đau khổ, chúng ta can đảm dứt khoát bỏ nó thì nó sẽ hết. Đây là việc trong tầm tay, trong quyền quyết định của mình. Phật, Bồ-tát, thiện tri thức có lấy được phiền não của mình quăng ra không? Nên người tu chúng ta phải biết rõ rằng chúng ta có quyền thành Phật, chúng ta có quyền dẹp phiền não. Phiền não cũng từ trong mình ra, giác ngộ cũng từ trong mình có. Chúng ta bỏ được phiền não, bỏ được tham sân si, đó là chúng ta bước vào địa vị Thánh.

Nhiều người cứ cầu ông này bà kia xem mình có tu được hay không. Nếu ai đó nói quí vị tu được, nhưng quí vị không bỏ phiền não thì có tu được không? Ngay như chúng tôi, có nhiều người đến hỏi: “Thầy tu lâu, Thầy coi con tu có được không?” Tôi chỉ trả lời gọn thế này: “Nếu Phật tử quyết chí thì tu được, không quyết chí thì tu không được.”

Tu là bỏ những gì mình đã đa mang, chớ đâu phải tìm kiếm điều mới lạ. Cho nên trong kinh Phật nói “vô sở đắc”, nghĩa là không có chỗ được. Tại sao? Những gì làm phiền lụy chúng ta bỏ sạch thì được nhẹ nhàng thảnh thơi, chớ được cái gì? Được nghĩa là thêm, nhưng chúng ta xả bỏ hết phiền lụy, trói buộc, đau khổ thì tự nhiên an vui giải thoát. Điều này ở đâu tới mà gọi là được. Hiểu vậy mới thấy những lời dạy trong kinh rất cụ thể rõ ràng, không có gì ngờ vực.

Nếu tất cả Ni chúng khéo ứng dụng tu thì con đường đưa chúng ta tới an vui giải thoát là con đường chắc chắn, không nghi ngờ, ở trước mắt chúng ta chớ không đâu xa. Chỉ vì chúng ta không khéo nên chúng ta cứ lẩn quẩn than thở, không thấy được con đường sáng suốt của Phật pháp, chỉ thấy con đường mù mịt tối tăm. Người tu khéo xả bỏ thì việc tu có kết quả, việc tu được nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ được giải thoát sanh tử.

HT.Thích Thanh Từ



SEN HỒNG MỘT ĐÓA
DIỆU ĐẠO NAN CẦU
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ
AN CƯ KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU
BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN