CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT
HT. Thích Trí Quảng
HT. Thích Trí Quảng
Chánh tín thuộc về trí tuệ đối lại với mê tín thuộc vô minh, phiền não.
Từ khi con người có mặt trên trái đất, đối trước những hiện tượng thiên nhiên
không giải thích được, họ tự đặt tên đó là thánh thần và tin vào sự hiện hữu
của thánh thần này. Có thể nói từ thời kỳ sơ khai cho đến hiện tại vẫn có hình
thức tín ngưỡng nhân gian, nhưng điều này chỉ tồn tại chủ yếu ở các nước chậm
tiến; còn những nước tiếp nhận văn minh nhân loại thì mê tín đã bị đẩy lùi vào
quá khứ.
Nói đến
niềm tin theo đạo Phật, chúng ta thấy khởi đầu từ Phật giáo Nguyên thủy, Phật
dạy không tin vào những gì người trước truyền lại, hay không tin vào những gì
số đông tin. Muốn tin, chúng ta phải kiểm chứng, tức đưa trí tuệ vào. Một là
kiểm chứng bằng tri thức là hiểu biết của con người, ngày nay gọi là khoa học.
Thứ hai là kiểm chứng bằng suy nghiệm dưới hình thức triết học và ba là kiểm
chứng bằng trực giác là thiền định mà chỉ Phật và các vị A-la-hán mới có trình
độ kiểm chứng này.
Nếu kiểm
chứng theo khoa học, chúng ta thấy rất nhiều điều khoa học chưa biết và những
văn minh của con người hôm nay thường phủ nhận những hiểu biết của ngày hôm
qua. Như vậy, sự tiến bộ khoa học luôn thay đổi. Còn về triết học thì những
triết gia có nhận thức sâu xa, có thể cao hơn khoa học một bước và ít thay đổi
hơn khoa học. Duy nhất chỉ có kiểm chứng theo Phật là có giá trị tuyệt đối, vì
lời Phật nói không sai lầm. Thật vậy, những gì Phật dạy cách đây cả ngàn năm mà
ngày nay vẫn thấy đúng.
Niềm tin
của người Phật tử có qua sự kiểm chứng rõ ràng. Những người không có niềm tin
chắc chắn không làm được gì, nhưng không phải tin mù quáng như Vô Não nghe lời
thầy bảo giết người sẽ thành thánh. Người Phật tử cũng không tin giết súc vật
để cúng tế thần linh được phước. Điều này về khoa học và triết học cũng không
chấp nhận được, chưa nói tới chánh tín theo đạo Phật. Cúng giết súc vật để nhờ
vả Thượng đế, nghĩa là Thượng đế cần ăn súc vật hay sao. Điều này suy luận theo
triết học đã sai, hay thuyết triết học tiến hóa cho rằng Thượng đế là cha đẻ
của muôn loài cũng không chấp nhận được, vì không thể có việc Thượng đế chấp
nhận đứa con mạnh của ngài giết anh em yếu hơn để cúng tế cho ngài.
Khi Phật
chưa thành Phật, Ngài đã từng khuyên vua Tần Bà Sa La đừng giết súc vật để dâng
Thượng đế vì đó là điều mê tín. Và đối với việc thờ cúng trong nhân gian, người
ta sợ sệt núi sông hiểm trở, nên họ thờ thần núi, thần sông. Phật hỏi có ai
thấy biết các vị thần này hay không mà tôn thờ.
Phải xây
dựng cho mình có chánh tín, đòi hỏi chúng ta có trí tuệ để nhận thức đúng. Phật
dạy muốn tin điều gì, phải suy nghĩ xem điều đó có đúng hay không và nếu thấy
đúng thì phải thực tập để xem có mang lại kết quả như chúng ta suy nghĩ hay
không. Thấy đúng bằng việc làm mới đem điều đó dạy. Vì vậy, Phật dạy chúng ta
học giáo lý, thực hành giáo lý và chứng ngộ giáo lý rồi mới truyền bá.
Chúng ta
nghe người nói, nhìn thẳng vào cuộc sống của họ, thấy có kết quả đúng như họ
nói hay không. Nói và làm đúng, chúng ta mới có thể tin được, nhưng cũng chưa
chắc, vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, tâm trạng khác nhau và kiến giải
khác nhau; cho nên tùy hoàn cảnh và thể lực mà áp dụng giáo pháp của Phật khác
nhau. Vì vậy, có những việc mà các vị Thánh làm được, nhưng chúng ta làm không
được.
Chúng ta
cần suy nghĩ Thánh có cơ thể đặc thù, nói dễ hiểu là họ nhịn đói, nhịn khát
được, có sức chịu đựng, không ngủ nghỉ được. Điển hình như Ngài Hiếp tôn giả cả
đời không nằm, chỉ đi đứng ngồi; đó là cơ thể đặc biệt của Thánh nhân. Người
thứ hai mà tôi gặp là Hòa thượng Giác Chánh tu Khất sĩ, suốt đời Ngài không
nằm. Ngài chọn cuộc đời đi khất thực, không tự nấu ăn. Tôi rất quý trọng Ngài
chỉ sống với tinh thần khất thực của Đức Phật. Những vị cao tăng nhờ có cơ thể
đặc biệt nên thực tập được những việc của Hiền thánh làm, còn chúng ta không có
khả năng này.
Ngoài cấu
trúc cơ thể đặc biệt, còn có yếu tố Bồ-đề để làm Phật, làm Thánh. Hạt giống
Bồ-đề hay trí tuệ rất quan trọng, vì nếu không có hạt giống Bồ-đề thì làm sao
thành cây Bồ-đề, không có hạt giống trí tuệ thì dù tu suốt đời cũng như nấu cát
muốn thành cơm. Có hạt giống Bồ-đề thì không học cũng biết; nói cách khác,
người có khả năng hiểu biết mới truyền trao hiểu biết cho họ được. Phật nói chư
Phật Thế Tôn chỉ truyền được hiểu biết cho những người này, còn hạng người
không có khả năng hiểu biết thì Phật phải khai phương tiện để làm lợi ích cho
họ. Khả năng hiểu biết rất quan trọng, có người học mãi cũng không biết, nhưng
có người gặp Phật là đắc quả, như Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên gặp Phật trong
vài tuần là đắc quả A-la-hán, vì khả năng trí tuệ có, nên được Phật dạy, họ
tiếp thu nhanh chóng.
Tôi tới Kobe
ở Nhật Bản để tham vấn Thiền sư Kono là Viện trưởng Đại học Hananojo. Ngài vừa
là nhà trí thức nghiên cứu giáo lý vừa thực tập thiền quán. Tôi chọn ngài làm
thầy để học, ít nhất về giáo lý không sai lầm, vì ngài là học giả nghiên cứu và
là nhà trí thức lớn được tông Lâm Tế coi là người hiểu biết cao nhất, mới làm
Viện trưởng và về việc thực tập thiền quán, ngài cũng rất giỏi. Đầu tiên tôi
tới hỏi đạo, ngài dắt tôi lên ngọn đồi sau chùa và chỉ vào những ngôi mộ nhỏ.
Đơn giản vậy thôi, rồi về; nhưng lòng tôi cảm nhận được ý của Hòa thượng Kono
muốn dạy tôi rằng đây là những người có cơ thể bạc nhược, yếu đuối mà muốn thực
tập pháp môn siêu đẳng nên phải chết non.
Phật cũng
nói tu ép xác phải chết trước khi đắc đạo. Phật nhịn đói một tháng không chết.
Ta nhịn quá mức này có tồn tại được hay không. Cấu trúc cơ thể rất quan trọng.
Ta có sức chịu được đói khát, nóng lạnh hay không. Thiền sư thực tập pháp này
có cơ thể rất đặc biệt, 12 giờ đêm nước hồ trong chùa đông cứng mà đập lấy nước
đá để rửa mặt và tọa thiền. Ngoài ra, thực tập còn bắt buộc cởi quần áo, chỉ
đóng một cái khố và ngồi thiền như vậy mà không chết vì lạnh. Nhìn mộ Sa-di
thấy Thiền sư dạy như vậy, chúng tôi cân nhắc để dạy chúng. Có những người hỏi
thiền, tôi không dạy, vì yếu tố Bồ-đề giữa Phật và ta, giữa Thiền sư và ta phải
ngang nhau, mới truyền lực, truyền pháp được. Còn gỗ và gỗ không truyền điện
được. Phật và Phật, Phật và Bồ-tát, Phật và Thánh chúng có mối liên hệ vô hình,
chúng ta không thấy, không biết được, nhưng đó mới là yếu tố quyết định để các
Ngài tương thông với nhau trên bước đường hành đạo.
Còn Thiền
sư truyền cho thiền sinh thì sao? Theo dòng Thiền Lâm Tế, thầy trò ngồi đối
diện với nhau. Theo dòng Thiền Tào Động thì thầy trò ngồi xây lưng nhau. Tôi
tham quan hai dòng thiền này, hiểu tại sao ngồi như vậy. Đa số
chúng ta thường nói thiền Lâm Tế là trình kiến giải và giải thoại đầu rồi thì
được ấn chứng. Đơn giản như vậy, nhưng ấn chứng rồi, tôi thấy thiền sinh không
có sự tiến bộ tâm linh nào, thì đó là giả.
Thiền sư
và thiền sinh ngồi đối diện, quý vị nghĩ gì? Cả hai người này phải vào định,
sau khi thoát ly đời sống vật chất, thầy trò gặp nhau ở thế giới tâm linh, nên
thầy không nói, trò không hỏi, nhưng họ hiểu nhau. Còn không hiểu, không cảm được
lời Phật dạy thì ngồi làm gì. Phật ví như người bị trúng tên độc mà chờ điều
tra xem mũi tên độc từ đâu tới thì họ chết mất.
Phật đưa
một pháp nào đó để ứng dụng tu hành, giúp chúng ta nhẹ hơn, tâm trí tốt hơn.
Phật ở trình độ cao, Ngài sống trong xã hội tùy trường hợp, tùy từng người mà
làm cho họ kết duyên với Phật đạo, lần hồi họ tiếp cận được chân lý. Các nhà
truyền giáo hiểu thâm ý của Phật, đi truyền đạo, đầu tiên quán sát trình độ
kiến thức của dân chúng, cùng niềm tin và cuộc sống của họ, để khai thị, từng
bước giúp họ thăng hoa. Thật vậy, các vị thiền sư đắc đạo, tới vùng dân chúng
nghèo đói thì nghĩ cách nâng cao đời sống người dân, nghĩa là vừa áp dụng khoa
học và triết học, còn Phật học chưa nói.
Vì vậy, thiền sư đến đâu chăm sóc gần
nhất là sức khỏe của người dân, nên họ đều biết cây thuốc. Ngày nay thức ăn của
chúng ta là thuốc. Thiền sư dạy đạo là dạy ăn ngủ và làm việc, như vậy đạo Phật
rất thực tế. Ăn, ngủ, lao động không đúng cách thì sanh bệnh hoạn. Ngày nay
chúng ta lạm dụng thuốc quá nhiều, ăn thức ăn chứa nhiều độc tố làm cho cơ thể
bên ngoài mập, nhưng bên trong rệu rã. Thiền sư dạy chúng ta lao động, ăn, ngủ,
nghỉ, sao cho cơ thể điều hòa với cuộc sống và thiên nhiên, xã hội. Đạo Phật là
đạo của con người sống. Người trẻ thuyết pháp hay, nhưng bệnh hoạn thì tôi
không nghe theo, vì yếu tố Bồ-đề có hay không chưa biết, nhưng cơ thể như vậy
là nghiệp.
Hòa thượng Phổ Tuệ là Pháp chủ Giáo hội chúng ta và Hòa thượng Trí
Tịnh đều 94 tuổi, nhưng các Ngài vẫn khỏe và sáng suốt, thì ta có thể nghe
theo, học theo hai vị này. Người tuổi cao, khỏe và thông minh, ta tin ít nhất
không thành Phật thành Thánh, cũng thành người sáng suốt, không lú lẫn, không
bệnh hoạn. Ta có thể học với hai vị Hòa thượng này về cuộc sống, vì Phật dạy
đạo Phật xây dựng con người và xã hội, cái gì cao xa chưa nói đến.
Riêng
tôi, 74 tuổi vẫn khỏe, vì biết ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống, đầu tiên là
ứng dụng vào làm việc, ngủ nghỉ. Tôi ăn ít, nhưng làm nhiều được. Theo tôi, ăn
uống, ngủ nghỉ, lao động phải giải quyết xong, mới giải quyết việc khác. Tôi có
người bạn tri thức là bác sĩ Dương Dậu, đệ tử của Tổ Huệ Quang. Ông rất thân
với tôi và lúc tôi còn trẻ đã dặn tôi rằng Đại đức nhớ đến 40 tuổi đừng ăn
nhiều chất bột, chất béo, chất đạm, vì ba thứ này dư thừa rất nguy hiểm. Ông là
bác sĩ nhưng ăn chay trường nhờ lãnh hội giáo lý Phật áp dụng vào cuộc sống.
Ngày nay tôi thấy lời khuyên của ông rất đúng. Ông bảo tôi đừng ăn nấm nhiều,
vì đó là chất dinh dưỡng có nhiều đạm, sanh nhức mỏi, nên ngồi thiền đầu gối bị
đau. Đối với việc căn bản là ăn uống, ngủ nghỉ, chúng ta không giải quyết được,
mà muốn việc cao siêu là điều xa vời, không tưởng.
Ngài Trí
Giả đại sư một ngàn năm trước đã dạy phải điều hòa ăn uống trước. Ngài dạy
không ăn nhiều, không ăn ít, không ăn những gì không thích hợp với cơ thể mình.
Lời dạy này vừa có tính cách khoa học, vừa triết học và đó chính là phương tiện
của Phật, không phải pháp dạy cho hàng Thánh. Tôi không ăn chất béo, nhưng ăn
ngũ cốc, lúa mạch, mè để tăng HDL và làm hạ LDL, không bị béo phì, tuy ốm,
nhưng khỏe, không bị cao huyết áp, không chết vì bệnh tim mạch.
Chúng ta
tin Phật học và kiểm chứng bằng khoa học, tin như vậy là chánh tín; còn nghe
nói cái gì cũng làm theo rồi sanh bệnh, chết. Chúng ta tin Phật học dạy những
điều cao siêu, nhưng chúng ta chưa nhận được thì nhờ khoa học thí nghiệm biết
được đúng và nhờ thiền sư tỉnh giác dạy. Kết hợp ba điều này giúp cơ thể khỏe
mạnh để gieo mầm Bồ-đề vào tâm, trước nhất là gieo niềm tin với Phật, Pháp,
Tăng. Thiếu niềm tin với Tam bảo, dù đã quy y, nhưng tin ma quỷ, thần
thánh hơn là mê tín.
Ví dụ nghe đồn ở chùa Phổ Quang có điện Quan Âm rất linh,
nên đến lạy để xin lợi lộc, như vậy là tham, không phải chánh tín. Không tham,
không giận, không si mê thì không sanh tà kiến. Không tham thì ai xúi dại được,
tham lam là cách Phật xa. Đi chùa để mua may bắn đắt, trúng số đề, nhưng không
được thì bỏ chùa. Nếu có may mắn, thì đó chỉ là phương tiện ban đầu, để từ đó
chúng ta tin lời Phật dạy, nhờ cao tăng khai ngộ, chỉ dạy chúng ta ứng dụng
giáo pháp, chúng ta mới có đời sống an lạc nội tâm và cuộc sống ổn định thì
từng bước đi lên.
Phật tử
giàu sang vẫn được an lạc, hay nghèo khó nhưng không khổ đau, khác với người
giàu mà khổ đau vì tham vọng, nhiều tội lỗi, nên gia đạo bất hòa, con hư, nên
sự nghiệp lớn mà lòng vẫn bất an, thì sớm chiều cũng thành mây khói. Trong đạo
chúng ta, người nghèo được an lạc là các thánh La-hán, không có tiền, không giữ
tiền, nhưng tâm luôn rất an lạc, vì lòng tham đã đoạn tuyệt, chê khen của thế
nhân nằm ngoài tai. Ý này được vua Trần Nhân Tông cảm tác rằng: Thị phi tiếng
rụng theo hoa sớm. Danh lợi lòng băng với bão đêm. Hay: Trẫm xem ngai vàng như
chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được. Tâm Ngài hoàn toàn an lạc là thế.
Chúng ta
tin Phật, áp dụng lời Phật dạy, dù nghèo hay giàu, nhưng biết thì nhân phước
này tạo thêm phước khác. Chưa có phước thì biết tạo phước nhỏ, hay không có
phước cũng không bận tâm, ăn một ngày bao nhiêu mà lo. Phật tử giàu hay nghèo
cũng vậy, lấy tâm an lạc và sức khỏe làm chính và lấy lời Phật xây dựng cuộc
sống chúng ta ổn định cho đến nâng lên Hiền thánh, thì xã hội chúng ta sống trở
thành thiên đường trần gian. Thật vậy, khi quý vị chung sống với người thực sự
giải thoát, không tham, không giận và có trí tuệ, mọi việc được giải quyết nhẹ
nhàng. Người không tham vọng và hiểu biết như năm anh em Kiều Trần Như là những
nhà hiền triết, Phật đưa cho họ Chánh pháp là họ đắc quả liền.
Tóm lại,
chánh tín trong đạo Phật là đầu tiên ta tin Phật, Pháp, Tăng. Tăng là đoàn thể
hòa hợp, thanh tịnh mà chúng ta đặt trọn niềm tin, hoặc tin những nhà thông
thái có ý tưởng hay, tin văn minh khoa học. Kết hợp được như vậy để xây dựng
cuộc sống chúng ta thăng hoa trên bước đường tu học Chánh pháp.
PHẬT GIÁO CÓ BI QUAN KHÔNG?
NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ LÁ CỜ PHẬT GIÁO
HIỂU VỀ Ý NGHĨA HAI CHỮ VÃNG SANH
PHƯỚC TUỆ SONG TU
NHẸ GÁNH LO ÂU
TU HỌC THEO PHẬT
ĐỪNG VỘI KẾT ÁN AI
THUYẾT PHÁP ĐỆ NHẤT