Saturday, June 9, 2012

***NHẸ GÁNH LO ÂU



Bạn có lo âu không? Bạn có cảm thấy khốn khổ không? Nếu có, hãy chăm chú đọc quyển sách nhỏ nầy. Những dòng chữ sau đây đã được viết ra cho bạn và cho những ai còn mãi lo âu về những điều không đáng lo - lo suốt đời, lo đến chết!

Lo âu và khốn khổ là cặp tệ hại luôn luôn đi song với nhau như hai con bài trùng. Cả hai tệ hại này cùng sống và cùng chết với nhau, trên thế gian này. Nếu bạn lo âu, ắt bạn cảm thấy khốn khổ. Nếu bạn cảm thấy khốn khổ, ắt bạn lo âu. Chúng ta phải đối phó với những sự kiện của đời sống, phải đương đầu với những diễn tiến khác nhau của kiếp nhơn sinh. Mặc dầu không thể lẩn tránh chúng, ta không nên để cho cặp tệ hại lo âu và khốn khổ tràn ngập và khắc phục ta. 


Trái lại, phải khắc phục chúng, và ta có đủ khả năng để làm việc này. Điều cần thiết là phải hướng dẫn thích đáng mọi cố gắng, mọi quyết tâm và kiên nhẫn của chúng ta. Nếu hiểu biết sự vật một cách chơn chánh, và thận trọng áp dụng trí não thông minh mẫn và sáng suốt của chúng ta vào mọi việc làm ắt chúng ta có thể chế ngự được những cảm xúc và thoát ra khỏi mọi lo âu và khốn khổ.

Những mối lo âu của ta là con đẻ của chính ta. Chính tự ta tạo nó trong tâm, vì không đủ khả năng, hay vì thất bại, không hiểu được và không ước lượng được trọn vẹn những cảm xúc ít nhiều vị kỷ của ta và vì ta lượng định quá đáng hay sai lạc phẩm giá của sự vật. Nếu chúng ta có thể nhìn sự vật đúng trong bối cảnh của sự vật, và thấy rằng không có gì là trường tồn vĩnh cửu, không có gì tồn tại vững bền trong thế gian nầy và tự ngã của chúng ta chỉ là trí tưởng tượng hoang dại, chạy loạn trong cái tâm không kềm chế, như một tuấn mã bất kham, ta sẽ còn đi một đoạn đường dài, dài dẳng, để tìm ra phương thức khả dĩ tận diệt chứng bịnh lo âu và khốn khổ.


Chúng ta phải tự trau dồi tâm trí, tự quên mình, để dấn thân vào những công tác phục vụ nhơn loại và để trở nên người hữu ích cho nhơn quần xã hội. Đó là một trong những đường lối mà, noi theo đó chúng ta có thể tìm đến an tịnh và hạnh phúc thật sự.

Nhiều người có những ham muốn và những khát vọng, những lo âu và sợ sệt mà chính họ cũng cảm thấy hổ thẹn, không dám nhận, dầu là âm thầm tự nhận trong lòng. Họ không biết làm thế nào để cho những cảm xúc ấy trở nên cao thượng hơn. Tuy nhiên, những xúc động ấy có một năng lực. Dầu họ làm cách nào để đè nén, dồn ép và che đậy, nó cũng tìm lối thoát và khi thoát ra, làm xáo trộn guồng máy cơ thể vật chất này và gây nên những chứng bịnh kinh niên. 


Ta có thể sửa đổi những điều ấy bằng các phương pháp tham thiền thích ứng, tức chế ngự cái tâm, bởi vì một tâm hồn buông lung là nguyên nhân chánh tạo nên những lo âu tương trợ.

Bất luận lúc nào mà bạn lo âu trong lòng, chớ nên phô trương gương mặt phiền muộn của bạn trước tất cả mọi người. Chỉ nên tâm sự với những ai thật sự có thể giúp bạn. Trong lúc khó khăn mà bạn phải trải qua trên đường đời, nếu bạn có thể luôn luôn giữ được nụ cười trầm tĩnh thì quả thật là tốt đẹp. Điều này không phải là quá khó nếu ta thật sự cố gắng. Nhiều thanh niên quá đổi lo âu phiền muộn khi mất tình thương của người bạn gái. Trong những hoàn cảnh bất mãn và thất vọng tương tợ vài người nghĩ đến quyên sinh tánh mạng, có người phải loạn trí, phần lớn tự thấy khốn khổ vô cùng. Tất cả những bất hạnh ấy đều do nơi sự kém hiểu biết về bản chất thật sự của đời sống.


Dầu sao đi nữa, chúng ta không thể tránh những cảnh chia ly xa biệt. Ta có thể phân lìa nhau từ buổi đầu, có thể ở đoạn giữa, hoặc nữa, vào lúc cuối cùng của cuộc đời, nhưng chắc chắn không thể tránh. Khi những sự kiện như vậy xảy ra, ta phải cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao. Nếu cảnh biệt ly ấy vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của ta, hãy có đủ can đảm chịu đựng và hãy nhận định rằng đó là bản chất của đời sống.

"Bất luận nơi nào mà sợ hãi phát sanh, nó chỉ phát sanh ở hạng điên cuồng, không phát sanh đến người trí", Đức Phật dạy như vậy.

Sợ hãi chỉ là một trạng thái tâm. Trạng thái tâm của ta phải được kiểm soát và hướng dẫn. Dùng nó một cách tiêu cực ắt có sợ sệt. Được dùng một cách tích cực, nó sẽ đem lại hi vọng và cho ta những lý tưởng trong đời sống. Và dùng nó như thế nào là hoàn toàn do ta quyết định. Mỗi người đều có khả năng kiểm soát tâm. Chỉ có một việc mà con người có thể kiểm soát được một cách tuyệt đối, đó là tư tưởng của mình. Sự kiện này - cùng với sự kiện xác thực khác là tất cả những gì mà con người tạo nên đều phải bắt đầu trong tư tưởng - đưa ta xích lại gần nguyên tắc theo đó ta có thể khắc phục tính sợ sệt.


Khi được một sinh viên hỏi về phương pháp hữu hiệu nhức để chế ngự cái tâm, một nhà cơ thể học trứ danh người Anh trả lời: "Hãy cố gắng làm điều gì cho một người nào". Chàng sinh viên lấy làm ngạc nhiên với câu giải đáp có vẽ bí ẩn ấy và xin giáo sư rọi sáng thêm vấn đề.

"Bạn không thể có hai loại tư tưởng trái ngược nhau cùng một lúc", vị giáo sư giải thích, "những tư tưởng này sẽ xua đuổi các tư tưởng kia. Thí dụ như nếu tâm của bạn hoàn toàn chăm chú vào việc giúp đỡ người khác mà không mảy may vụ lợi thì cùng lúc ấy bạn không thể sợ sệt".

"Sự lo âu làm cạn giòng máu trong cơ thể, sớm hơn là tuổi già". Càng ít sợ hãi, ít lo âu và phiền muộn, sức khoẻ và tuổi thọ càng được bảo tồn tốt đẹp. Mãi mãi sợ sệt và không ngừng lo âu là kẻ thù tệ hại nhất cho cơ thể con người. Nó làm xáo trộn hoạt động bình thường của cơ thể.

Nếu bạn biết làm vui lòng người khác, bạn sẽ có một gương mặt luôn luôn tươi tỉnh. Đó là vì bạn không để cho những lo âu phát sanh trong lòng.

Tiếng gọi của thiên nhiên

Để thành đạt các lợi ích vật chất, con người hiện đại không lắng tai nghe tiếng gọi của thiên nhiên. Hoạt động tinh thần của con người hiện mãi chăm chú mơ tưởng hạnh phúc tương lai mà lãng quên nhu cầu thiết yếu của cơ thể vật chất, và hoàn toàn không nghĩ đến giá trị thực tiễn của khoảnh khắc hiện tại. Tác phong phản thiên nhiên của nhân loại ngày nay là hậu quả tức khắc của những quan niệm sai lạc về trật tự thế gian, về kiếp nhân sinh, và về mục tiêu tối hậu của đời sống. Đó là nguyên nhân của tất cả mọi bất mãn, mọi lo âu, sợ sệt, và mọi hoàn cảnh bất ổn của thời hiện đại. Người thật sự mong muốn hoà bình phải giữ mình, không để làm xáo trộn tự do của kẻ khác. Tìm hạnh phúc cho mình bằng cách làm xáo trộn người khác quả thật là phương pháp sai lạc!

"Bạn có thể làm cho vài người mãi mãi thất vọng, và làm cho tất cả mọi người thất vọng vài hôm, nhưng bạn không thể làm cho tất cả mọi người mãi mãi thất vọng". (Abraham Lincoln)

Nếu con người hung bạo và tội lỗi mãi mãi sống ngược lại với định luật thiên nhiên, định luật vũ trụ, con người sẽ làm ô nhiễm toàn thể bầu không khí bằng những hành động, lời nói và tư tưởng của mình. Hậu quả dĩ nhiên của hành động và tư tưởng sai lạc tương tợ là thiên nhiên không thể tạo nên những gì mà con người cần phải có để sống, trong lúc ấy con người có thể phải đương đầu với những truyền nhiễm và những loại thiên tai vô cùng nguy hại.

Ngược lại, nếu con người có một nếp sống thích ứng với định luật thiên nhiên và trật tự vũ trụ, nếu con người có một lối sống chơn chánh, thanh lọc bầu không khí bằng những công đức, bằng phẩm hạnh thanh cao và rải tâm từ của mình bủa rộng, bao trùm tất cả chúng sanh, ắt con người sẽ thay đổi bầu khí quyển để đem lại hậu quả tốt đẹp cho hạnh phúc nhơn loại.

Bạn có thể là một người tân tiến rất bận rộn. Nhưng chớ quên bỏ ra vài phút trong ngày để đọc những trang sách có giá trị. Thói quen này sẽ giải khuây, giúp bạn quên đi những mối lo âu, và cùng lúc, giúp bạn trau dồi tâm trí. Trong khi ấy, cũng nên nhớ rằng bạn có một tôn giáo. Tôn giáo phục vụ bạn, đem lợi ích đến bạn. Như vậy, chính bổn phận của bạn là suy tư về tôn giáo của mình và dành vài phút trong ngày để thực hành những công việ có tánh cách tôn giáo, hợp theo lẽ đạo.

Sức khoẻ tâm linh và những khuynh hướng tội lỗi

Về phương diện sức khoẻ, không phải lao phổi hay ung thư là những chứng bịnh tai hại nhứt của thời đại chúng ta. Hiện nay, bịnh lao phổi hình như đã được kiểm soát và cũng có nhiều hi vọng rằng trong một tương lai không xa người ta sẽ tìm ra phương thức trị liệu cho bịnh ung thư. Trong thực tế, mối nguy cơ quan trọng nhứt ngày nay là sự tăng trưởng mau chóng của những chứng bịnh thuộc về thần kinh và trí não. Ngoài ra còn nhiều người, tuy thường không được xem là bịnh nhưng rất cần, và hơn ai hết, phải được chữa trị.

Người ta có thể hỏi tại sao những phần tử tội lỗi trong xã hội lại được nêu lên đây cùng một lúc với các bịnh thần kinh. Một trong những hậu quả tích cực và sâu xa nhứt, dồn ép trực tiếp trong công trình khảo cứu của Freud là sự nhìn nhận rằng những người gây tội ác và phạm pháp là những người bịnh về tinh thần, cần phải được chữa trị hơn là hành phạt. Chính cái nhìn phóng khoáng vào vấn đề như thế ấy phải đặt nền tảng cho tất cả mọi cải cách xã hội "cấp tiến", và mở đường dẫn lối đến phương pháp cải thiện, làm cho xấu trở nên tốt, hơn là trả thù.

Hãy biết người láng giềng của bạn

Chúng ta không bao giờ thấy những người khác sống như thế nào. Chúng ta cũng có thể không biết gì về đời sống của những người không cùng một giai cấp xã hội với chúng ta, hoặc kém hơn, hoặc giàu có sang trọng hơn ta. Nếu ta khoẻ mạnh, ta không thể biết được bịnh hoạn là như thế nào, và nếu là người ươn yếu tật nguyền, ta sẽ không hiểu được năng lực của người dồi dào sức khoẻ ra sao.

Vì thiếu kinh nghiệm nên ta quá khắt khe, kém khoan hồng. Đức quảng đại khoan dung chỉ phát sanh do sự hiểu biết. Và nếu không có kinh nghiệm, ắt chúng ta không thể hiểu biết. Do đó, nên có nhiều kinh nghiệm, kinh nghiệm về mọi phương diện của đời sống, nhứt là nên đi lại đó đây để mở rộng tầm mắt, nhưng không nên luôn luôn dùng những phương tiện dồi dào tiện nghi nhứt.

Hạnh phúc con người

Đức Phật dạy rằng tất cả bất hạnh của con người đều phát sanh từ sự ham muốn lầm lạc, muốn những thú vui mà tiền của mua được, muốn nhiều quyền thế hơn kẻ khác, và quan trọng hơn tất cả, muốn tiếp tục mãi mãi sống sau khi chết. Chính vì ham muốn những điều này mà con người trở nên vị kỷ, bởi nó làm cho con người chỉ nghĩ đến riêng mình, chỉ muốn cho riêng mình, và không để ý lo nghĩ đến những gì có thể xảy đến người khác.


Và, bởi vì không thể thành đạt tất cả những gì mình mong muốn, con người luôn luôn lo âu và bất toại nguyện. Phương pháp duy nhất để tránh tình trạng bất ổn này là phải thoát ra khỏi nguyên nhân sanh ra nó, tức vượt qua khỏi mọi ham muốn. Điều này rất khó làm. Nhưng, ai đã thành tựu viên mãn sẽ đạt đến trạng thái toàn hảo và an tịnh.



PHẠM KIM KHÁNH (dịch)



GIẢ DỐI KỆ

Vì người không hiểu biết

Hiện tượng là dối trá

Nên người mới dối trá

Nếu người biết rõ rằng

Vật biết và người biết

Đều cùng giả dối cả

Và sáu căn sáu trần

Đều cũng đang lừa dối

Người tìm đâu sự thật?

Tưởng mê vọng là chân

Nên còn dính sanh tử

Trẻ không thấy tuồng giả,

Tưởng cái giả là thật,,

Các người quay không nghỉ,

Trong bánh xe sanh tử,

Chẳng khác bánh xe nước,

Đi lên rồi đi xuống.

Hãy quán mọi hiện tượng, 

Là ảo ảnh giả tạo,

Mọi sắc thể: giả tướng

Mọi âm thanh: tiếng vọng,

Và cuối cùng hãy xem,

Lòng tin của chính người,

Rằng chúng là giả tạo,

Thì lòng tin cũng giả.

CHÂN NGUYÊN (TĐPH)


Kính mời xem những bài viết theo link:

Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
CHUYỆN MỘT TÁCH TRÀ THIỀN
NHẪN (CAO HUY THUẦN)
HOA SEN TRONG BÙN (HT Thanh Từ)
BIẾT VỌNG KHÔNG THEO