CON THUYỀN BÁT NHÃ
(CƯ TRẦN LẠC ĐẠO TẬP 2)
TK THÍCH CHÂN TUỆ
Lời mở đầu: Bát Nhã Tâm Kinh là bài kinh nhựt tụng của tất cả các tông phái Phật giáo. Nếu chúng ta đọc tụng và hiểu rõ những điều Ðức Phật dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh và đem áp dụng trong đời sống hằng ngày của người Phật Tử, dù tại gia hay xuất gia, ích lợi không thể nghĩ bàn, phước đức và công đức vẹn toàn. Trên cuộc đời này, dù giàu sang hay nghèo khó, dù trí thức hay bình dân, dù nam phụ lão ấu, dù da trắng da đen hay da màu, dù vua chúa hay dân chúng, nói chung, bất cứ người nào cũng có hai thứ bệnh: thân bệnh và tâm bệnh. Ðối với thân bệnh, chẳng hạn như đau răng, nhức đầu, sổ mũi, cảm cúm, ho hen, trặc xương, hoặc đau tim gan tì phế thận, chúng ta cần tới tài năng, khả năng trị bệnh của các vị thầy thuốc, dù đông y hay tây y. Ðể phòng ngừa thân bệnh, có những phương pháp tập thể dục, những cách dưỡng sinh khoa học, những chế độ ăn uống thích ứng với từng lứa tuổi, và tình trạng sức khỏe cá nhân.
Những người nghĩ rằng: nhờ tu theo môn phái này, tu theo pháp môn kia, hành theo giáo chủ nọ, sẽ khỏe mạnh sống lâu, sẽ bách niên giai lão, sẽ vô bệnh vô tật, chẳng hạn như người ta tuyên truyền tu thiền trị dứt bệnh ung thư, đó chỉ là những người đang sống trong cơn mê. Ðạo Phật gọi đó là vô minh. Tại sao vậy? Bởi vì ngay đến Ðức Phật, là bậc toàn giác, vẫn "Có" thân bệnh, nhưng "Không" phiền não và khổ đau, tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, trong mọi hoàn cảnh. Nói một cách khác, Ngài không có tâm bệnh. Bất cứ ai sống trên đời này, còn mang thân xác con người, là còn khổ vì thân bệnh, nếu không giác ngộ được chân lý vi diệu nhiệm mầu. Các vị giáo chủ của tất cả các tôn giáo cũng có thân bệnh và rồi cũng chết như mọi người mà thôi. Trong thời buổi khoa học tiến bộ ngày nay, ngay tại những quốc gia văn minh tiến bộ tây phương, vẫn còn một số người, khi có thân bệnh, lại đi tìm uống, nước suối nước sông, cầu mong phép lạ, với cả niềm tin, thượng đế gia trì, hay ban phép lành, hoặc được ân điển, từ đấng bề trên, nào đó chẳng biết, trị dứt bá bệnh, cả bệnh nan y, thậm chí cứu được, người chết sống lại!
Chúng ta thử suy nghĩ xem: những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần, là thiên địa, là tu hành chứng đắc gì đó, cứu người chết được sống lại, để làm gì, để được người đời tôn thờ nể sợ chăng? Tại sao chỉ cứu người này, không cứu những người khác? Dù có cứu được bao nhiêu người, để rồi sau đó, những người này cũng lại chết một lần nữa, lần này chết thiệt đó, như bất cứ mọi người nào khác, trên thế gian này. Nhứt là những vị tự xưng là thượng đế, là thánh thần thiên địa kia, rồi cũng chết như ai, và lại còn chết thảm, không chỗ chôn thây, nữa là khác! Nếu như các phép lạ, các điều linh thiêng huyền bí đó có thực, các bệnh viện, các cơ quan y tế nên đóng cửa, các bác sĩ, dược sĩ, y tá, điều dưỡng viên, chuyên viên y tế, nên giải nghệ, và chức sắc các tôn giáo đó không cần có y sĩ riêng, không cần nằm điều trị ở bệnh viện.
Nhiều người mê tín dị đoan hơn nữa, khi có thân bệnh, lại chạy đi tìm, thầy bùa thầy ngải, tìm sư tìm sãi, thuốc tiên linh thiêng, chỉ một viên thôi, trị dứt bá bệnh, thiệt là tội nghiệp, thực đáng thương xót, chỉ khổ bị gạt, tiền mất tật mang. Những người như vậy là những người không có trí tuệ bát nhã, không nhận được chân tướng của các pháp thế gian, rất dễ bị lung lạc bởi bất cứ luận điệu thuyết giảng, hay tuyên truyền nào, có vẻ mơ mơ hồ hồ, có vẻ linh thiêng huyền bí, có vẻ như điển nhập, từ thế giới vô hình nào đó, không giải thích được, thực ra không làm sao giải thích được, cho dù họ là kỹ sư, bác sĩ, nha sĩ, văn sĩ, thi sĩ, học sĩ, chuyên viên, chuyên gia, hay bất cứ ai. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người đều sợ chết, càng giàu càng giỏi càng sợ nhiều hơn, sợ mất cái thân mạng này, mà thôi!
Còn đối với tâm bệnh thì sao? Tâm bệnh có thể chia làm hai loại: các bệnh tâm thần và những khổ đau về mặt tinh thần. Ðối với các bệnh tâm thần, hay bệnh thần kinh, cũng đã có những bệnh viện thần kinh, các dưỡng trí viện, với các bác sĩ tâm lý, bác sĩ tâm thần, chăm sóc và điều trị. Ðối với những khổ đau về mặt tinh thần, con người mới cần tới sự giúp đỡ của các tôn giáo. Sự giúp đỡ của các tôn giáo có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo căn cơ, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo địa phương, tùy theo phong tục và tập quán của mỗi dân tộc. Nhiều khổ đau phiền não của con người không thể điều trị dứt hẳn tận gốc, bằng thuốc men, hay các phương pháp tâm lý học, mà phải được điều trị bằng đời sống nội tâm, bằng sức mạnh tâm linh, bằng trí tuệ bát nhã. Trong phạm vi bài này, chúng ta chỉ đề cập đến vấn đề đời sống nội tâm, hay sức mạnh tâm linh, hay trí tuệ bát nhã trong đạo Phật, mà thôi.
Ðạo Phật là đạo cứu khổ nhân loại, cho nên đạo Phật mạnh mẽ nhận định: Cuộc đời là bể khổ. Chúng ta ai ai cũng đồng ý với nhau rằng: Cuộc đời khổ nhiều hơn vui. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bi quan, yếm thế, chán đời, thụ động, chấp nhận định mệnh sẵn có, chấp nhận số phận đã an bài, chấp nhận những cảnh khổ đau của cuộc đời. Ðạo Phật không dừng lại ở nhận định như vậy. Ðạo Phật dạy chúng ta nhiều phương pháp: "Làm sao cho đời bớt khổ. Làm sao cho đời hết khổ". Trong tất cả các kinh điển của đạo Phật, ghi lại lời chỉ dạy của Ðức Phật, đều nêu rõ các pháp môn tu tập, nhằm mục đích giúp đỡ chúng sinh, giải thoát khỏi phiền não và khổ đau, một cách tích cực, một cách hiệu quả. Thực ra, đó mới chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy. Tuy nhiên, Ðức Phật chỉ là một bậc đạo sư giác ngộ, đem chân lý giác ngộ chúng sinh, chứ không phải là thần linh, hay thượng đế, chuyên ban phước giáng họa, cho nên không có thể cứu giúp con người thoát khổ, qua các lời khẩn cầu van xin, cầu nguyện khấn vái, mỗi khi con người gặp phiền não và khổ đau. Trong kinh sách, có câu: "Chúng con khổ nguyện xin tự độ". Con người phải tự độ mình, tức là tự cứu chính mình, nhưng bằng cách nào?
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp". Nghĩa là: Con người muốn tự cứu chính mình, thoát ly mọi khổ ách, cần phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, phải sáng suốt học hiểu và nương theo Chánh Pháp, tức là các pháp môn tu tập, Ðức Phật dạy trong các kinh điển, chẳng hạn như "Bát Nhã Tâm Kinh", và luôn luôn thực hành trong cuộc sống hằng ngày, chứ không phải chỉ cầu nguyện suông. "Bát Nhã Tâm Kinh" là bài kinh chỉ dạy phương pháp tu tâm dưỡng tánh, dẹp trừ tâm loạn động bất an, uế trược cấu nhiễm, phát hiện chân tâm, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, để giúp cho chúng sanh sống được an lạc hạnh phúc, không còn phiền não khổ đau, giác ngộ được con người chân thật, để giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Chân tâm đó mới thực là mình, còn cái xác thân và cái tâm bất an loạn động không phải là mình, sẽ bị bỏ lại thế gian, khi chúng ta ra đi sang kiếp khác. Như vậy, chúng ta học "Bát Nhã Tâm Kinh" là để nhận được bản tâm bản tánh thực sự của mình. Khi học xong kinh này, nếu chúng ta trực nhận được bản tâm thanh tịnh hay chơn tâm, tức là trí tuệ bát nhã bừng sáng, con đường vào đạo đã khai mở. Ðó chính là mục đích cứu kính của đạo Phật vậy. Người Phật Tử sinh hoạt trong chùa, hay đi chùa lễ Phật tụng kinh, thường thuộc lòng "Bát Nhã Tâm Kinh".
Bởi vì "Bát Nhã Tâm Kinh" rất quan trọng trong Phật giáo, là cứu kính tối thượng của đạo Phật, cho nên bất cứ khóa tụng kinh nào, bất cứ khóa hành thiền nào, bất cứ khóa tu học nào, thuộc bất cứ tông phái nào của Phật giáo, cũng đều có "Bát Nhã Tâm Kinh", dù bằng tiếng Việt, tiếng Hán Việt, hay tiếng Pali. Thêm một bước nữa, nếu như chúng ta cùng nhau tìm hiểu những điều Ðức Phật dạy trong "Bát Nhã Tâm Kinh", rồi đem áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì ích lợi vô lượng vô biên, công đức và phước đức viên mãn, không thể nghĩ bàn. Theo kinh điển đạo Phật, con người có tám muôn bốn ngàn thứ tâm bệnh. Nào là bệnh tham lam, bệnh sân hận, bệnh si mê, bệnh cố chấp, bệnh nghi ngờ, bệnh cao ngạo, bệnh thành kiến, bệnh tà kiến, bệnh biên kiến, bệnh thiên kiến, bệnh định kiến, bệnh thường kiến, bệnh đoạn kiến, bệnh kiến thủ, bệnh giới cấm thủ, bệnh tưởng tượng, bệnh cảm thọ, bệnh trạo cử, bệnh hôn trầm, bệnh giải đãi.
Bởi vậy cho nên, Ðức Phật chỉ dạy tám muôn bốn ngàn pháp môn tu tập, để đối trị và diệt trừ từng thứ bệnh. Chẳng hạn như để diệt trừ tâm tham lam, bỏn sẻn, Ðức Phật dạy giữ giới và thực hành pháp môn bố thí. Người nào hiểu được hạnh bố thí đem lại vô lượng vô biên phước báu, và thực hành được hạnh bố thí hằng ngày, thì tâm tham lam, bỏn sẻn sẽ giảm đi nhiều. Người nào biết cho ra, biết cứu người giúp đời, tức nhiên, cuộc sống được an vui. Người nào chỉ biết tìm mọi cách hốt vô, mưu mô hại người hại đời, bất chấp thủ đoạn, bất kể tha nhân, cuộc sống chắc chắn bất an. Muốn giảm bớt tâm tham lam, chúng ta phải bớt ham muốn, bớt ham thích, bớt nhu cầu, và nên biết thế nào là đủ. Người không biết thế nào là đủ, ví như người khát nước, lại uống nước biển mặn, càng lúc càng thêm khát, không bao giờ thỏa mãn!
Nếu không có những gì mình thích, thì hãy thích những gì mình có. Thế là yên chuyện! Khỏi tạo tội tạo nghiệp thêm nữa! Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy: Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc bất xứng ý. Nghĩa là: Người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất, cũng thấy an vui, lợi lạc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn! Chẳng hạn như để diệt trừ tâm sân hận, hay nóng giận, Ðức Phật dạy thiền định và thực hành pháp quán từ bi. Con người tăng trưởng tâm từ bi được thì những cơn nóng giận sẽ giảm đi rất nhiều. Cặp mắt của người có tâm từ bi, luôn luôn thương nhìn cuộc đời, cư xử nhẹ nhàng, dễ dãi, khoan dung, với mọi người chung quanh, khó nổi cơn sân đối với những lỗi lầm, những sai trái của người khác, dù là người thân hay kẻ thù cũng vậy, và không lợi dụng lòng từ bi của người khác. Các bậc phụ huynh cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể giữ gìn được hạnh phúc trong gia đình. Các nhà giáo cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể thương yêu, dạy dỗ học sinh, như con ruột của chính mình.
Các nhà tu cần có tâm từ bi quảng đại, mới có thể thương xót chúng sanh đang trầm luân đau khổ, phát nguyện tu hành tinh tấn, để tự độ và độ tha, sẵn sàng hy sinh, phục vụ nhơn loại. Chẳng hạn như để diệt trừ tâm si mê, Ðức Phật chỉ dạy trí tuệ bát nhã. Ðó chính là tam vô lậu học của Phật giáo: Giới-Ðịnh-Tuệ, là phương tiện giúp đỡ chúng sinh giải thoát, không còn lọt vào vòng sanh tử luân hồi, phiền não và khổ đau nữa. Chẳng hạn như để diệt trừ tâm hay cố chấp, sống để dạ chết mang theo những lời người khác nói mích lòng, Ðức Phật chỉ dạy pháp đối trị là tâm hỷ xả. Người nào hiểu được rằng chứa chấp càng nhiều trong tâm thức của mình, càng bị trầm luân trong sanh tử luân hồi, trong phiền não và khổ đau, chẳng ích lợi gì, bèn cố gắng phát triển tâm hỷ xả, tự khắc sẽ cảm thấy khinh an, nhẹ nhàng, mắt sẽ nhìn cuộc đời một cách lạc quan hơn, cuộc sống sẽ an vui, lợi lạc hơn. Trí tuệ bát nhã trong đạo Phật, được giảng giải trong Bát Nhã Tâm Kinh, cũng như được đề cập đến trong tam tạng kinh điển, khác với trí tuệ của thế gian. Ở thế gian, người có trí tuệ là những người học cao hiểu rộng, có bằng cấp các ngành nghề, hoặc là những người thông minh lanh lợi, khôn ngoan sáng suốt, biết cách đối phó, ứng xử nhanh chóng, đối đáp mạch lạc, nói năng lưu loát, thuộc nhiều vấn đề, qua nhiều phương diện, trong mọi hoàn cảnh. Nhưng, những người có trí tuệ trên thế gian vẫn sống trong điên đảo mộng tưởng, vẫn sống trong phiền não khổ đau, vẫn bị cảnh trần lôi cuốn đắm nhiễm, cũng như bao nhiêu người khác.
Khi đắc thời được thế, vinh quang thắng lợi, họ hả hê hỉ hạ, hân hoan hớn hở, vui vẻ rỡ ràng. Khi thời thế xoay trở, mất mát thất thu, cơ nghiệp suy tàn, gia cảnh lầm than, họ ưu tư sầu muộn, phiền não khổ đau, có khi không còn muốn sống nữa. Còn trí tuệ bát nhã trong đạo Phật là phương tiện giúp đỡ tất cả chúng sinh, hiểu biết muôn sự mọi việc trên đời, một cách "đúng như thực", không điên đảo mộng tưởng, không nhận giả làm chân, để đạt được giác ngộ và giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, thoát ly phiền não khổ đau, để kiến tạo một cuộc sống an lạc và hạnh phúc, ngay trên thế gian này.
Mở đầu Bát Nhã Tâm Kinh, Ðức Phật dạy: "Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị". Nghĩa là: Muốn quán chiếu cuộc sống một cách tự tại, như các bực Bồ Tát, cần phải thực hành trí tuệ bát nhã một cách thâm sâu, đến mức tột cùng ba la mật, khi đó xét thấy năm uẩn đều không, con người sẽ vượt qua được tất cả mọi khổ ách. Ở trên đời này, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, các uẩn khác: thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như vậy. Thế nào là:"Chiếu kiến ngũ uẩn giai không", hay làm sao:"Xét thấy năm uẩn đều không"? Năm uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là phần thân xác, có hình tướng, có sắc tướng, nhận thấy được bằng mắt thường. Thọ, tưởng, hành, thức, là phần tinh thần, hay tâm linh, không hình tướng, không nhận thấy được bằng mắt thường.
Chúng ta nên biết rằng: nguồn gốc của mọi sự đau khổ trên thế gian này đều do "tâm cố chấp" mà ra. Chúng ta cố chấp điều gì? Chúng ta cố chấp rất nhiều thứ. Chẳng hạn như chúng ta không nhận thấy được "con người chân thật", cho nên chấp rằng: ngũ uẩn là thực, tức là chấp thân này và tâm này là thực, trong kinh sách gọi như vậy là "chấp ngã". Chẳng hạn như chúng ta không nhận định được toàn bộ sự thực, nguyên vẹn chân lý, cho nên chấp rằng: việc này đúng, việc kia sai, thế này là phải, thế kia là quấy, trong kinh sách gọi như vậy là "chấp pháp". Trong Kinh Viên Giác, Ðức Phật có dạy: "Con người vì vô minh cho nên có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp. Ðó là hai nguyên nhân chính gây ra phiền não và khổ đau của cuộc đời". Khi nào hiểu được một cách rõ ràng và phá trừ được hai nguyên nhân chính gây ra khổ đau về mặt tinh thần này, chúng ta sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc thực sự, ngay trong cuộc sống hiện tại. Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về chấp ngã. Chấp ngã có nghĩa là chúng ta chấp cái thân giả tạm và cái tâm vô thường, lại cho là "thực", lại tưởng chính là "mình", cho nên mới phiền não và khổ đau.
**1) Trước hết, nói về cái sắc thân giả tạm, tức là cái thân xác của chúng ta, lúc mới sanh ra đời, chỉ có vài ký lô thôi, bây giờ thì cân nặng đến mấy chục ký lô. Ở đâu ra mấy chục ký lô đó, nếu không do các chất: đất, nước, gió, lửa, tạo nên mà thôi. Ðất là những chất cứng trong thân người như: tóc, lông, răng, móng, xương, thịt. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ đất mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: cơm gạo, bánh mì, trái cây. Ðến khi chết, những thứ này trở về với đất. Nước là những chất lỏng trong thân người như: máu, mủ, nước miếng. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ nước mà ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: canh, sữa, nước giải khát. Ðến khi chết, những thứ này trở về với nước. Gió là những chất hơi trong thân người. Khi còn sống, chúng ta mượn những chất từ không khí, hít vô thở ra, để bồi bổ cái thân này hằng ngày. Ðến khi chết, những thứ này trở về với không khí. Lửa là những chất ấm trong thân người.
Khi còn sống, chúng ta mượn những chất sanh nhiệt, để bồi bổ cái thân này hằng ngày như: gừng, chất đạm. Ðến khi chết, những thứ này trở về với hư không. Cái sắc thân giả tạm nặng mấy chục ký lô này của chúng ta gồm bốn thứ nói trên, trong kinh sách gọi là thân tứ đại, không phải là "thực". Tại sao vậy? Bởi vì nếu cái thân tứ đại này thực là của chúng ta, thì nó phải tuân lệnh và tùy thuộc quyền xử dụng của chúng ta. Chúng ta ai ai cũng muốn cái thân tứ đại này trẻ mãi không già, khỏe mãi không đau, còn mãi không hoại. Nhưng, từ xưa đến nay, từ đông sang tây, từ hoàng gia đến dân chúng, từ giàu sang đến nghèo hèn, từ học thức đến bình dân, có ai được toại nguyện như vậy đâu! Vậy mà ai động đến "nó", chúng ta liền nổi xung, nhứt định ăn thua đủ, nhứt định vác đơn kiện, nhứt định đòi bồi thường, nhứt định làm tới luôn, cho hả giận cho đã nư, không thể nhịn nổi, chỉ nhằm bảo vệ cái thân tứ đại vốn giả tạm, vốn không thực này, để rồi một ngày kia, dù-muốn-hay-không, mọi người đều phải bỏ lại, để đi sang thế giới khác, để tái sinh kiếp khác, với một đống nghiệp báo chẳng lành! Ðời người chẳng qua chỉ là hơi thở, khi thở hơi ra mà chẳng hít vào được nữa, thì ô hô tử vong!
Ðời người chỉ là tạm vay mượn đất, nước, gió, lửa, từ bên ngoài, để bồi bổ cho đất, nước, gió, lửa, bên trong thân, từng ngày từng giờ, từng phút từng giây. Khi không vay mượn nữa, con người không tồn tại được. Chỉ vì con người mãi quay cuồng sống vội, mãi lo kiếm tiền, mãi lo hưởng thụ, mãi lo giữ gìn, mặt mũi hão huyền, lúc nào cũng tưởng: "đời còn dài mà", cho nên hơn thua, từng câu từng lời, kiếm chuyện đấu tranh, chiếm đoạt tài sản, danh lợi phù du, giành giựt miếng ăn, dựng chuyện thưa kiện, đòi hỏi bồi thường, tiền bạc phi nhân, chỉ biết lợi mình, bất kể hại người, đem lại khổ đau, cho bao người khác. Bởi vậy chính mình cũng chịu đau khổ phiền não luôn luôn. Con người quên rằng: Ở ngoài nghĩa trang, đâu phải chỉ có, mộ phần các cụ, trăm tuổi mà thôi! Hiểu được như vậy, chúng ta không còn chấp cái thân tứ đại mấy chục ký lô này là thực nữa, thì sự đau khổ, cho mình và cho người, chắc chắn sẽ giảm bớt. Cái thân tứ đại không còn là thực nữa, thì những thứ phụ thuộc như: nhà cửa, tiền bạc, danh vọng, địa vị, còn có nghĩa gì nữa đâu, mà ham muốn tranh chấp, đấu đá sát phạt, hơn thua được mất, cho đời thêm đau khổ? Cái thân tứ đại, còn phải bỏ lại, thì có thứ gì, đem theo được chứ? Có đem theo được chăng, chẳng qua là tội nghiệp, đã tạo tác trong đời, mà thôi.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Người hơn thì thêm oán. Kẻ thua ngủ chẳng yên. Hơn thua đều bỏ hết. Giấc ngủ được an lành". Làm được như vậy, chúng ta khỏe re! Bằng không như vậy, đừng than khổ nhọc, như bò kéo xe, te tua tơi tả! Chuốc khổ vào thân là tự chúng ta mà thôi. Không ai làm cho chúng ta đau khổ và phiền não được, nếu chúng ta không muốn tiếp nhận sự phiền não và khổ đau đó. Ví như người ta đưa lửa phiền não đến, nếu chúng ta không đưa thân tâm mình ra đón nhận, thì lửa đó chẳng có tác dụng phiền não gì cả! Chẳng hạn như, có người tới nói, mình là người xấu, mình có thực xấu, hay không phải xấu, tự xét tự biết, tự sửa tự đổi, tự mình chuyển hoá, tự nguyện sám hối, giận dữ làm chi, cho chúng khinh khi! Không thèm tức giận, thì sẽ ngủ khì! Khỏe quá khỏe quá!
**2) Cái thân tứ đại, mấy chục ký lô, tất cả mọi người, là như vậy đó. Còn cái "tâm" thì sao? Con người chúng ta là một, còn cái tâm thì lăng xăng lộn xộn, thay đổi liên miên. Tại sao chúng ta bị khổ đau nhiều đời nhiều kiếp như vậy? Bởi vì chúng ta, chấp lầm "vọng tâm", lăng xăng lộn xộn, thay đổi liên miên, cho đó là "mình", rồi nương theo đó, chợt vui chợt buồn, chợt cười chợt khóc, suốt ngày suốt đêm, suốt tháng suốt năm, suốt cả đời này, và những đời sau! Vọng tâm gồm có: tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức. Cái tâm nghĩ suy, tính toán hơn thua, lăng xăng lộn xộn, suốt ngày suốt đêm, có phải thực là: chúng ta hay chăng? Sách có câu: "Người vui cảnh đẹp bao lâu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Nghĩa là cùng một cảnh, nếu chúng ta có tâm sự buồn phiền áo não, không thấy cảnh vui chút nào. Còn nếu chúng ta có tâm trạng hân hoan vui vẻ, dù cây khô trụi lá, cảnh vẫn đẹp vui như thường. Cái tâm hân hoan vui vẻ là của chúng ta, hay cái tâm buồn thảm lê thê là của chúng ta? Sách cũng có câu:"Tâm buồn cảnh được vui sao. Tâm an thì cảnh ngộ nào cũng an". Cùng một câu nói, nếu tâm an ổn, vui vẻ mát mẻ, chúng ta cho là: nói-đúng-nói-phải, nói-sao-cũng-được, nói-ngược-cũng-xong. Trái lại, tâm đang bực bội, ai nói câu nào, chúng ta cho là: nói-sai-nói-bậy, nói-xiên-nói-xỏ, nói-bóng-nói-gió, nói-hành-nói-tỏi, nói-quấy-nói-quá. Ðối với người thân, thương yêu trìu mến, tâm chúng ta tốt, mặc dù chưa chắc, lúc nào cũng tốt, được y như vậy. Còn như đối với, kẻ thù người oán, tâm mình không tốt, sẵn sàng gây nên, phiền não khổ đau, cho cả nhà họ. Họ càng khổ đau, nhiều đến chừng nào, mình khoái chừng đó! Vậy, thực sự nghĩ xem, chúng ta là người, có tâm thực tốt, hay tâm không tốt? Chẳng hạn như nếu, chúng ta đang cần, giúp đỡ khẩn cấp, khi gặp tai biến, thì viên cảnh sát, chính là ân nhân. Còn nếu chúng ta, vi phạm luật pháp, làm chuyện mờ ám, làm ăn phi pháp, bóng dáng cảnh sát, thực chẳng đáng ưa, chút xíu nào cả. Cùng một câu chuyện, chúng ta ưa thích, thì cho là đúng, ngược lại không ưa, mình cho là sai. Cái tâm thay đổi, bất thường như vậy, "thực" là chúng ta, như vậy hay sao?
Bởi vậy, kinh sách có câu: "Tùy tâm biến hiện". Nghĩa là mọi sự việc trên thế gian này biến hiện như thế nào, tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay không, đều do tâm của chúng ta biến hiện ra cả. Cái sự cảm thọ, tùy theo tâm trạng, tùy theo cá nhân, không ai giống ai, không có lúc nào, giống với lúc nào, không có nơi nào, giống với nơi nào, không thời đại nào, giống thời đại nào. Do đó cho nên, "tâm thọ" thực sự, hết sức nguy hại, không đáng tin cậy, một chút nào cả. Do tâm tham lam, con người thọ nhận, đủ thứ vật chất, của cải tiền bạc, vinh thân phì gia, không cần biết đến, của đó chính tà, bo bo giữ gìn, cho đến lúc chết, sinh lòng tiếc của, nhắm mắt không yên. Do tâm sân hận, con người thọ nhận, đủ thứ lời nói, thiệt là khó nghe, dù vô nghĩa lý, sinh lòng thù oán, bực dọc tức tối, khó chịu bất an.
Do tâm si mê, con người thọ nhận, những chuyện thị phi, phải quấy đúng sai, hơn thua tốt xấu, những chuyện thương ghét, trả thù báo oán, gặp điều bất bình, chạm chút tự ái, hăm he thưa kiện, gây bao đau khổ, phiền lụy người khác, dù thân hay thù. Nói vắn tắt là: Thọ nhiều khổ nhiều, chấp nhiều mệt nhiều. Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái. Chuyện hiểu rất đơn giản, thực hành không dễ dàng, nhưng không phải bất khả. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: "Thắng lợi sinh thù oán. Thất bại chịu khổ đau. Không quan tâm thắng bại. Sống an lạc hạnh phúc", chính là nghĩa đó vậy.
**3) Lại thêm nữa, tâm của chúng ta luôn luôn giàu sự tưởng tượng nên mới gây ra đau khổ. Có người nói ra, một câu thực là: vô-thưởng-vô-phạt, chúng ta tưởng tượng, suy diễn thêm ra, vẽ rắn thêm chân, để rồi chuốc lấy, giận dỗi bực bội, phiền não khổ đau. Chuyện này xảy ra, trong mọi cuộc sống, của mọi gia đình, ở khắp mọi nơi, rất là thường xuyên. Trong cuộc nói chuyện, thảo luận đông người, thường dễ xảy ra, những chuyện mích lòng, chỉ vì câu nói, hiểu lầm nào đó, từ miệng một người, được cộng thêm với, tâm trí tưởng tượng, của các người khác. Tâm trí tưởng tượng, của vợ hay chồng, cũng thường dẫn tới, những chuyện ghen tuông, tạo nên sóng gió, làm giảm rất nhiều, hạnh phúc gia đình. Có một đám mây, ở trên không trung, lơ lửng bay qua, ánh sáng thái dương, hiện ra ngũ sắc, rực rỡ huy hoàng, con người tưởng tượng, đó là thần linh, thượng đế giáng trần, ban phước phép lành, giáng điển ứng nghiệm. Thực là quá sức, mê tín dị đoan! Do đó cho nên, "tâm tưởng" thực sự, hết sức nguy hại, không đáng tin cậy, một chút nào cả.
**4) Tâm trí suy nghĩ, luôn luôn tiếp nối, không ngừng không nghỉ, từ chuyện này đến chuyện khác, từ việc này đến việc khác, từ người này đến người khác, từ nơi này đến nơi khác, từ xứ này đến xứ khác, từ đời này đến đời khác, tạo thành một dòng tư tưởng, kéo dài vô cùng vô tận, gọi là tâm hành. Trong những lúc đó, tâm chúng ta có, những dòng tư tưởng, tiếp nối liên tục, chúng ta hãy thử, tìm cách dừng lại, không suy nghĩ tiếp, xem được hay không? Chắc chắn là không! Lúc đó, dừng nó không dễ, thì mới biết rằng: chúng ta không làm chủ được tâm hành của chính chúng ta vậy. Lúc còn khỏe mạnh như vậy, chúng ta còn không kiểm soát, không điều khiển, không làm chủ được tâm hành của chính mình. Lúc sắp lìa đời, thân thể rã rời, tứ chi đau đớn, thần kinh suy nhược, chắc chắn chúng ta, sẽ bị tâm hành, dẫn dắt đi đâu, thì đến đó vậy. Thí dụ như lúc lên giường muốn ngủ, nhưng cái tâm hành cứ lo lắng, suy nghĩ vớ vẩn vẩn vơ hoài, muốn dừng cũng không được, cứ tiếp nối liên tục, trằn trọc suốt đêm thâu, không thể nào chợp mắt được! Do đó, chúng ta nên biết: "tâm hành" chính là động cơ, dẫn dắt con người vào vòng sanh tử luân hồi, nên trong kinh sách, còn gọi là "hành nghiệp".
**5) Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm đẹp hay xấu, khi mắt trông thấy một hình sắc nào đó, gọi là nhãn thức. Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm dễ nghe hay khó nghe, khi tai nghe thấy một âm thinh nào đó, gọi là nhĩ thức. Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm dễ chịu hay khó chịu, khi mũi ngửi thấy một mùi nào đó, gọi là tĩ thức. Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm ngon hay dở, khi lưỡi nếm thấy một vị nào đó, gọi là thiệt thức. Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm thích hay không thích, khi thân xúc chạm một vật nào đó, gọi là thân thức.
Chúng ta luôn luôn khởi vọng niệm luyến thương hay tức giận, khi ý nghĩ nhớ tới một chuyện nào đó, gọi là ý thức. Ðể rồi những vọng niệm như vậy, gọi chung là lục thức, được đưa đến kho tàng tâm thức, trong kinh sách gọi là tàng thức, là nơi chứa đựng những chuyện vui hay buồn, thương hay ghét, suốt cả cuộc đời của mình. Chính những vọng niệm, vọng thức này là nguồn gốc của khổ đau. Tại sao vậy? Bởi vì, những vọng niệm như: đẹp hay xấu, dễ nghe hay khó nghe, dễ chịu hay khó chịu, ngon hay dở, thích hay không thích, đâu có phải lúc nào cũng tuyệt đối đúng hết đâu. Thí dụ như: cùng một con người, chúng ta khen đẹp, người khác chê xấu, sanh ra mích lòng, đưa đến đấu tranh, cãi cọ cãi vã, cuối cùng đánh nhau, tức nhiên khổ đau.
Thí dụ như: cùng một món ăn, lúc mới bắt đầu, vì quá đói bụng, chính mình khen ngon, ngon đáo ngon để, đến lúc no rồi, thì lại thấy dở, hết còn ngon miệng. Cùng một món trái cây như sầu riêng, một món ăn như khô mắm chẳng hạn, người khen ngon thơm quá xá, thấy là phát thèm, người chê hôi thúi, khó nuốt khó ngửi, tức nhiên sanh ra, tranh cãi với nhau, đưa đến khổ đau, tạo ra phiền não. Như vậy, "tâm thức" hay các vọng niệm, vọng thức đó chính là nguồn gốc của sự khổ đau vậy. Cái thân tứ đại gọi là hình sắc, và vọng tâm gồm có: tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức, nói chung gọi là "ngũ uẩn".
Nếu chúng ta "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không", tức là quán sát, chiếu soi, xem xét, thấu hiểu "ngũ uẩn" giai không, nghĩa là không thực, không thường còn, không vĩnh viễn, không cố định, không đáng để chúng ta quan tâm, thì chắc chắn chúng ta sẽ "độ nhất thiết khổ ách", tức là độ được, qua được hết thảy mọi khổ ách trên đời. Chúng ta sẽ sống một cuộc đời an lạc và hạnh phúc, không nghi ngờ gì cả. Lúc đó, lòng tự ái của chúng ta, tức là sự chấp ngã, giảm bớt được bao nhiêu, chúng ta được an vui lợi lạc trong cuộc sống được bấy nhiêu. Khi chúng ta thực sự "xét thấy năm uẩn đều không", khổ nạn nào cũng qua khỏi, tức là chúng ta đã hành thâm bát nhã. Chứ không phải mỗi ngày đọc tụng đều đều, lưu loát, trơn tru, rào rào, rầm rầm, gọi là hành thâm bát nhã đâu, đó chỉ là trả bài thuộc lòng mà thôi. Hỏi rằng như vậy có ích lợi gì không? Câu trả lời: Tùy! Tại sao vậy? Bởi vì con người vẫn chưa qua khỏi được các khổ nạn. * * *
ÁNH SÁNG TỪ CÂU KINH PHẬT
TKN.THÍCH NỮ CHÂN LIỄU
Đức Phật dạy: “Cổ xe trắng tinh đẹp nhất có thể ví như Niết Bàn. Các con tuấn mã ví như tinh tấn và trí tuệ. Biết hổ thẹn và sợ tội lỗi ví như cái thắng. Nhẫn nại và từ bi giống như áo giáp. Thiền định và nguyện lực ví như bánh xe. Cuối cùng quả vị giải thoát là màu trắng tinh khiết của chiếc xe đẹp nhất, vết bẩn không còn tồn tại vì được người phu xe siêng năng, chuyên cần giữ gìn sạch sẽ”. (Kinh Tạp A Hàm)
Tụng kinh một lần, hai lần hay hằng trăm ngàn lần, nhưng duyên sự đi đến chùa vì cầu khẩn, vì tìm kiếm danh lợi mà không mong cầu tu học hay giác ngộ, điều đó thật phí đi thời gian ngắn ngủi của một đời người. Người đó sẽ không thấy được ý nghĩa thâm sâu trong lời kinh Phật.
Nếu chuyển tâm van xin cầu khẩn ích kỷ của một phàm phu, trở thành tâm của một hành giả trên đường đi tìm giác ngộ, quyết tâm mong giải thoát vòng sanh tử luân hồi, con người phải biết dụng tâm và năng lực vào nghiên tầm kinh điển tu học, chắc chắn sẽ thấy được ánh sáng trí tuệ từ câu kinh Phật. Mọi người đều có quyền thừa hưởng kho báu trí tuệ đó. Chìa khóa kho báu vô giá nằm trong tay ai cũng có, chỉ cần bước thêm bước nữa, để mở cánh cửa trí tuệ bát nhã. Đó chính là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ và giải thoát.
Đức Phật là bậc đạo sư. Kinh sách ghi lại những lời Phật dạy. Ngài chỉ cho con đường vượt ra khỏi khu rừng vô minh tối tăm đầy cạm bẩy. Hành giả là người phải tự bước đi bằng chính đôi chân của mình. Sai lầm nặng nề nhất của người tu là ngồi chờ kỳ nhân, mong cầu tha lực, trông chờ phép lạ. Đức Phật cũng là vị lương y đại tài có thể chữa hằng ngàn tâm bệnh của chúng sanh bằng hằng vạn toa thuốc trị tâm bệnh. Chúng sanh cần phải tự uống thuốc và thực hành theo lời dặn, chứ không chỉ tụng đọc toa thuốc mà có thể khỏi bệnh được.
Lợi ích của kinh Phật, chuyển hóa con người từ phàm phu, mê mờ, ích kỷ, thành người trí sáng suốt. Người tu khi giác ngộ Phật Pháp, sẽ tự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, giải đáp mọi nghiệp duyên xảy ra trước mắt.
Sống trong đời, không phải lúc nào cũng có thảm đỏ trải dưới chân cho bước đi được dễ dàng. Con người phải tự lo cho bản thân có đôi giày an toàn bền chắc, để chống chọi với nghịch cảnh và vượt qua chông gai. Đó chính là trí tuệ, là tâm sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh.
Cũng vậy, người tu dù xuất gia hay tại gia đừng tự dễ dãi với chính mình, đừng để danh lợi lôi kéo vào con đường mù mịt tối tăm không lối thoát. Niềm tin chánh tín vào lời dạy của chư Phật, chư Tổ đã chứng đạo và luôn giữ chánh niệm, dùng công phu “phản quan tự kỷ” nhìn lại chính bản thân.
Đó là cơ hội để có thể tự khắc phục, chuyển đổi phiền não của vọng tâm, nguyên nhân gây ra tội và nghiệp, thấy được thực tế rất chân thật “ta là ai? tốt xấu như thế nào?” để biết đường mà tu.
Nếu không hiểu lời Phật dạy làm sao có sự sáng suốt, tu như thế nào là đúng sai, dễ rơi vào tà tín, tà pháp và tà đạo. Người tu cũng không thể hướng dẫn người khác đúng chánh pháp. Tai hại là ở điểm này: người tu đi sai đường, phổ biến tà pháp, sẽ hướng dẫn rất nhiều người cùng lạc vào tà đạo.
Một số ngôi già lam biến thành chỗ buôn thần bán thánh, xin xăm bói quẻ, tượng Phật bị người đời xem như thần linh, có thể ra oai tác phúc. Đạo Phật mất đi ý nghĩa của đạo giác ngộ giải thoát.
Người đời nhìn hình ảnh các vị tu sĩ xuất thế gian đáng kính trở thành mấy ông thầy tụng, kinh Phật trở thành kinh tụng đám tang. Khi gặp tu sĩ, người đời có cảm giác như xui xẻo và chết chóc. Tất cả đều do người tu không có chánh kiến, chánh tín và không biết thực hành Bát Chánh Đạo.
Bát Chánh Đạo gồm có:
- Chánh kiến là kiến thức thấy biết đúng, hiểu rõ vô thường, nhân quả.
- Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, không trái với chân lý và lẽ phải.
- Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói những lời thô ác, dối gạt.
- Chánh nghiệp là hành vi chân thật, không làm những việc gây ác nghiệp.
- Chánh mạng là nếp sống chân chánh, không làm những nghề bất thiện.
- Chánh tinh tấn là chuyên cần trì giới, tu hành, không lười mỏi.
- Chánh niệm là hiểu rõ việc đang nghĩ, đang nói và đang làm.
- Chánh định là tâm bình tĩnh thản nhiên, không còn si mê loạn động.
Một câu chuyện suy ngẫm:
Ngày kia có một người cha già vì duyên sự phải đi xa nhà một thời gian khá lâu. Trước khi ra đi, ông để lại cho hai người con một bức thư thật dài và đầy đủ. Tất cả là những lời căn dặn dạy dỗ các người con, làm thế nào để sống an lành, vui vẻ, hạnh phúc với nhau, khi không có cha ở bên cạnh.
Người con thứ nhất, rất kính trọng cha nên mỗi ngày thành tâm tụng đọc đến thuộc nằm lòng và dán bức thư lên tường để luôn nhớ về cha. Tốt hơn thế nữa anh còn siêng năng đọc một chữ, lạy một lạy, lập lại nhiều lần như vậy rất thuần thành. Nhưng thật sự anh vẫn không hiểu và cũng không thực hành được tâm ý người cha mong mỏi !
Người con thứ hai, cẩn thận và chậm rãi đọc lá thư, suy tư vận dụng sự thông minh sẵn có để tìm hiểu tâm ý người cha muốn dạy những gì trong lá thư đó. Sau khi anh hiểu được tâm ý trong thư, anh một mực nghiêm túc thực hành tất cả lời cha căn dặn dạy bảo. Bằng tâm bình đẳng, lòng bao dung và khiêm tốn, buông bỏ bản ngã và ích kỷ cá nhân, dẹp tan cố chấp đầy phiền não của tâm tham, tâm sân, tâm si, phục vụ lo lắng chăm sóc và sẵn lòng vì mọi người. Người con nầy tạo được an lạc hạnh phúc cho mình cho đời, đúng như tâm ý người cha mong mỏi.
Qua câu chuyện trên, đời và đạo đều có hai mặt. Trong đạo Phật, công phu tu hành cũng có hai mặt là Tâm và Tướng. Cho nên dù xuất gia hay tại gia việc tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật hay ngồi thiền, tất cả là những điều người tu cần hành trì mỗi ngày, đó là tu tướng còn là phước đức không thể thiếu.
Tuy vậy mục đích cứu cánh đạo Phật là tu tâm. Người biết cách tu, hay nghe thuyết pháp, tìm các bậc thiện tri thức học hỏi, để hiểu lời dạy của chư Phật, lời khai ngộ của chư Tổ được ghi chép lại trong kinh, phát sanh trí tuệ. Thực hành bát chánh đạo, tỉnh giác, thanh tịnh tâm, đó là con đường đi đến giác ngộ và giải thoát.
Cho nên, phước đức và trí tuệ được xem như hai cánh của một con chim, muốn bay xa, bay cao, chim phải có đầy đủ hai cánh mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực.
Tóm lại, đạo Phật không chủ trương thần quyền hay độc quyền, vì vậy giác ngộ và giải thoát không dành riêng cho một vị nào cả. Đạo đi vào đời bằng sự bình đẳng tuyệt đối và sự chân thật vốn có từ vô thủy của mọi người. Nhờ ánh sáng giác ngộ từ những lời kinh mà tự tu, tự cứu, tự lực, tự giác, giải thoát luân hồi sanh tử.
Cao cả đáng kính hơn hết của sự giác ngộ hoàn toàn viên mãn: “Ngoài chẳng nhận là phàm thánh, trong không trụ tự mãn, không chấp phước đức hay công đức”. Khi đó, đạo tràng tụng kinh, chắc không còn ai có tâm cố chấp, tâm phân biệt mà sanh phiền não, bởi vì vị chủ lễ giọng tụng không hay, người thỉnh chuông không đúng lúc, người dẫn mõ quá nhanh, hay quá chậm, người kế bên giọng đọc quá lớn. Tất cả chỉ là những chuyện không đáng để bận lòng.
Tuy tụng ngàn chương cú
Không hiểu nghĩa ích gì
Đâu bằng hiểu một câu
Nghe xong liền ngộ đạo.
(Kinh Pháp Cú). []
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN. THÍCH NỮ CHÂN LIỄU
IM LẶNG MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG
Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để khả dĩ mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý.
Tuy nhiên, có đôi khi
lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im
lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ
diệu, nhưng không dễ thực hiện.
Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng
người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà
gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là diệu kế nếu lời nói vô ích, nếu
không thì có thể phản tác dụng.
Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan
mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng
khi nào nên im lặng?
1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ
Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là
động thái của người có giáo dưỡng, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm.
Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự
“lệch pha” đó khả dĩ khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.
2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
Sự im lặng là “vương quốc” của hoạt động trí óc.
Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao thượng, sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự
hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch,
còn chí khí được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người
khác trầm tư mặc tưởng, đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực
sự cần thiết và có ý nghĩa.
3. Khi người khác không hiểu mình
Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng
để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm
thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im
lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.
4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am
hiểu
Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.
Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với
những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”.
Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng
ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không
biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta
càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.
5. Khi người khác khoe khoang, lý sự
Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít
nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng
lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe
khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói
chữ để cố che lấp khiếm khuyết của mình.
6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến
Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc
tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ
chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói
giấu giếm sẽ đến chỗ cùng.
Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết,
nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha
thứ, và là cuộc sống.
Tuân Tử dạy: “Im lặng,
lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5 cung bậc khác nhau của trí
tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một
nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.
Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để
hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai
đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.
Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người
chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm
cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng
hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu
chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ luyên thuyên bất tận, ra
café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có
khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ
muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan
điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?
Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng
nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao,
trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu
vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà
không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!
Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới
tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì
nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác
hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!
Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng
có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn
chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong
đâu đó.
Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả
vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó
khăn với người này, dễ dãi với người kia?
Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống
thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi
tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng
may ghép vài lần mà không đúng.
Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ
cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ
hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.
Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy
rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh
phúc hơn thế, hãy mang chia sẻ nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết
cảm nhận. Yên tâm…!!!
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI (CTLĐ TẬP 3)
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/08/gia-tri-cua-con-nguoi-cu-tran-lac-ao.html
ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/01/au-nam-i-chua-ung-chanh-phap.html
PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG?
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/02/phat-giao-co-me-tin-khong.html
DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/02/dang-so-cau-cung-sao-giai-han.html
LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT?
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2011/05/lam-sao-tu-theo-uc-phat.html