Wednesday, February 1, 2012

***PHẬT GIÁO CÓ MÊ TÍN KHÔNG?

Phật giáo có mê tín không ?
 Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ
 - Ðôi khi, có người chỉ biết đặt niềm tin nơi đấng thiêng liêng nào đó, để cầu nguyện, van xin, khấn vái cho được tai qua nạn khỏi, cho được bình an, mà không chịu tìm hiểu hư thực, không chịu tìm hiểu Chân Lý, không chịu học hỏi Chánh Pháp, cho nên những người biết lợi dụng lòng mê tín dị đoan dễ gạt gẫm, dễ lợi dụng, dễ sai khiến, hậu quả khó mà lường trước được.

Trên thế gian này, chúng ta từng chứng kiến các cảnh phiền não khổ đau, nhiều hơn là bình yên vui sướng. Ngay trong cuộc đời của chúng ta, những sự bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, cũng nhiều hơn những việc vui vẻ, vừa ý, toại nguyện.

Cho nên, nhận định cuộc đời "khổ nhiều vui ít", đó là sự thực rõ ràng, nhưng trong chúng ta ít người dám mạnh dạn nhìn nhận.  Con người vì mải mê đấu tranh, vật lộn với cuộc sống hằng ngày, nên không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu.  Có người không muốn nhìn nhận sự thực đó, tự kỷ ám thị, tự lừa dối mình, cho rằng cuộc đời là vui đẹp, là đáng hưởng thụ, với mục đích tạm quên đi những đau khổ, bất hạnh trong cuộc sống, không biết ngày mai mình sẽ ra sao, không biết làm sao cho đời bớt khổ, cho đời hết khổ.
Khi gặp hoàn cảnh khổ đau, khi có điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, con người chỉ biết than trời trách đất, hoặc trách cứ tổ tiên, trách cứ ông bà cha mẹ, ăn ở bất nhơn thất đức, cho nên cháu con mới ra nông nổi này!

Ðôi khi, có người chỉ biết đặt niềm tin nơi đấng thiêng liêng nào đó, để cầu nguyện, van xin, khấn vái cho được tai qua nạn khỏi, cho được bình an, mà không chịu tìm hiểu hư thực, không chịu tìm hiểu Chân Lý, không chịu học hỏi Chánh Pháp, cho nên những người biết lợi dụng lòng mê tín dị đoan dễ gạt gẫm, dễ lợi dụng, dễ sai khiến, hậu quả khó mà lường trước được.
Thường thường khi thấy người nào gặp hoàn cảnh không may, gặp điều bất hạnh, bất như ý, đau khổ hoặc ngộ nạn, có người xúc động, tỏ lòng thương xót, thốt lên: "Tội nghiệp quá!".  Ðiều này có nghĩa là khi ở trong trạng thái "tâm bình thường", con người ai cũng có sẵn "tâm từ bi bác ái", thấy người đau khổ thì động lòng trắc ẩn, xót thương.
Cũng trong trường hợp đó, người khác lại nói: Ðáng đời chưa! Gieo gió thì gặt bảo! Làm tội thì phải đền tội!  Cũng có người nói: Nghiệp của họ nặng quá, nên họ mới khổ nạn như vậy!  Hoặc có người khác nói: Trời phạt họ đó!  Những sự suy nghĩ như vậy do tập quán, thói quen mà thốt nên lời. 
Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu:
Tội là gì? Nghiệp là gì?  Tội báo là gì?  Nghiệp báo là gì? 
Làm gì mà phải "tội nghiệp"?  Làm sao cho hết "tội nghiệp"? 
Làm sao "dừng nghiệp và chuyển nghiệp"?


Theo luật nhân quả, chúng ta biết rằng: "gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Thí dụ như gieo nhân là hạt cam, chúng ta sẽ được cây cam và gặt quả cam.  Khoa học đã thí nghiệm và chứng minh điều này rõ ràng, không có gì đáng nghi ngờ cả. Nghĩa là làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, có lửa có khói, sinh sự sự sinh.
Tuy nhiên, cũng có thắc mắc: Tại sao có người gieo thật nhiều gió mà chẳng thấy họ gặt bão, hay nói cách khác, những người đó làm nhiều điều bất thiện, gây nhiều tội ác, mà tại sao họ vẫn bình yên, an ổn, ăn nên làm ra, sống trong cảnh giàu có sung sướng?  Trái lại, có người làm thật nhiều việc phước thiện phước đức, như bố thí cúng dường, hùn công góp của ấn tống kinh sách, quyên góp cho các hội từ thiện, xây cất chùa chiền, lập nhà thương trường học, đắp đường xây cầu, mà tại sao chẳng thấy phước báo đâu, chỉ thấy quả báo xấu, gặp nhiều nạn tai, gặp nhiều điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện?
Chúng ta biết rằng: có những hạt giống gieo trồng, thì gặt được quả sớm, nhưng cũng có những hạt giống gieo trồng xong, phải đợi một thời gian sau, hay một thời gian lâu sau, mới gặt được quả. Cũng vậy, có những việc chúng ta làm đời trước, đời này mới nhận kết quả hay hậu quả.  Có những việc chúng ta làm đời này, đời sau mới có kết quả hay hậu quả.  Do làm ác đời trước, nên con người gặp khổ đau đời này, chớ có oán hận, than trời trách đất, bởi lẽ "mình làm mình chịu", không có ông trời nào, thượng đế nào trừng phạt mình, một cách tùy tiện, một cách vô căn cứ cả.
Chúng ta thường có tánh đổ thừa kẻ khác, kể cả ông bà cha mẹ, đã tạo nghiệp, rồi cháu con phải lãnh hậu quả, chứ không bao giờ chịu nhìn nhận "chính mình đã làm", đã gây ra những lỗi lầm trong kiếp trước, cho nên kiếp này "chính mình gánh chịu".

Còn những việc phước thiện, phước đức mình làm trong đời này, vì quá ít quá nhỏ, chưa kịp có kết quả. Hoặc đôi khi việc phước thiện, phước đức đã có kết quả, đã làm cho nhẹ bớt đi những nạn tai, mà mình phải gánh chịu, chỉ tại mình không biết đó thôi. Nếu không biết làm những việc thiện tạo phước báu như thế, để bù đắp những tội lỗi đã gây ra trước kia, con người có thể đã gặp nhiều phiền não khổ đau hơn, nhiều tai nạn nặng nề hơn. Nếu việc phước thiện đã làm nhiều hơn tội lỗi đã tạo, chắc chắn con người được hưởng sự sung sướng, sự may mắn.  Nghĩa là sự sung sướng, sự may mắn do phước báo chính mình đã tạo ra, từ nhiều kiếp trước hay kiếp này, chứ không do ông trời, hay thượng đế nào thương mình, mà ban cho cả.
Như vậy, chúng ta phải hiểu luật nhân quả được áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng có những quả báo nhãn tiền, tức là kết quả hay hậu quả có ngay trước mắt, gieo nhân đời này, gặt quả cũng trong đời này. Thí dụ như ăn trộm thì bị bắt, ở dơ thì sanh bệnh, làm biếng thì nghèo khó, đánh người thì người đánh, hại người thì người hại, kiện thưa thì tốn tiền, tiết kiệm thì có dư, chăm học thì đỗ đạt, siêng năng, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại, nếu không thành công thì cũng thành nhân.

TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ
 Bài viết cùng tác giả: "Dâng Sớ Cầu An Cúng Sao Giải Hạn"theo link

***

CHUYỆN CÚNG THẦN TÀI THỔ ĐỊA

- Thưa Thầy, tôi sắp khai trương cửa tiệm, xin thỉnh Thầy quang lâm cúng lễ, an vị bàn thờ thần tài thổ địa.
- Được. Chúng tôi sẽ đến.
- Cám ơn Thầy.
...


- Hôm nay khai trương tiệm, nhờ công đức tu hành của Thầy tới cúng lễ, khai quang, điểm nhãn bàn thờ thần tài, thổ địa, tiệm của tôi chắc sẽ đông khách, làm ăn khấm khá tôi sẽ cúng chùa thêm. Giờ đây xin Thầy chấp nhận chút tịnh tài cúng dường tiền xe pháo. Của ít lòng nhiều.

- Mời quí vị dùng chung trà nóng, rồi chúng ta trao đổi chút chuyện nha.
- Dạ. Xin mời Thầy.
- Thưa quí vị, chúng tôi đến đây hôm nay theo lời mời, làm lễ khai trương cửa tiệm làm ăn buôn bán, chúc phúc quí vị, theo nghi thức thông thường của nhà chùa, từ trước đến nay, vẫn làm theo lời thỉnh cầu của bá tánh thập phương.

Việc cúng kiến khai trương cửa tiệm là tín ngưỡng dân gian, do tâm lý và ảnh hưởng văn hóa xưa, từ nhiều đời truyền cho đến ngày nay, từ trong nước ra đến hải ngoại, không do Phật giáo chủ trương.

Các nhà sư được mời thỉnh làm lễ này có bổn phận nói rõ như vậy, để tránh bị ngộ nhận là tà sư, đang hành tà pháp, dụ dẫn người vào tà đạo, để làm tiền phi chánh pháp. Như quí vị thấy, các người không theo đạo Phật, hay người tây phương xứ này, họ đâu cần coi ngày tốt xấu để khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn ăn nên làm ra, phát đạt, đôi khi còn hơn người mình nữa là khác. Họ đâu có thờ thần tài, thờ ông địa, hay quan thánh đế quân gì đâu, nhưng họ vẫn làm ăn thành công, phát tài như thường. Họ chỉ tính toán ngày giờ theo dự án, theo kế hoạch làm việc, theo khả năng chuyên môn nghề nghiệp, không cần xem bói, không coi ngày giờ tốt xấu gì cả.

Còn mình đi coi, ngày lành tháng tốt, khai trương cửa tiệm, một cách rầm rộ, thờ cúng thần tài, thổ địa quan công, đủ thứ xôi chè, thuốc thơm thượng hạng, cúng rượu ngoại quốc, nhưng do không khéo, điều hành thương mại, sập tiệm như thường.  Lúc đó, thần tài, thổ địa, cùng mấy ông bà thầy chùa hay thầy bói có phù phép giúp được gì đâu?



- Thưa Thầy, như vậy có nghĩa cúng lễ khai trương là không thật, không cần thiết?
- Nếu hiểu được như vậy thì hay quá, tốt quá. Thực ra việc làm ăn cần thích hợp với nhu cầu địa phương, tâm lý quần chúng, khả năng chuyên môn, tay nghề vững chắc, kinh nghiệm bản thân, kinh nghiệm quản lý, điều hành, tìm địa điểm tốt, thích hợp, tiện lợi và nhất là đạo đức căn bản.
- Kính xin Thầy nói rõ hơn.
- Căn bản là có 3 điều làm cho con người khổ đau và thất bại, trên đường đời, cũng như trên thương trường. Đó chính là: tham, sân và si.

Chẳng hạn như sau một thời gian buôn bán, khách tới đông, do lòng tham mình tăng giá bán, hoặc giảm bớt chất lượng, số lượng. Nếu khách phát hiện, khiếu nại, phê phán, mình nổi sân, phản ứng thiếu kềm chế. Do si mê kém hiểu biết nghệ thuật quảng cáo, chiêu dụ khách hàng, tiếp đãi không khéo, dần dà mất khách. Trái lại, mình làm chủ tiệm, khách đến đông, mình giảm giá bán, tăng phẩm chất món hàng, tiếp đãi ân cần, khách hàng truyền miệng rỉ tai tốt, khách hàng càng đông hơn, doanh thu lợi nhuận càng cao hơn. Những điều này đâu liên can gì đến chuyện cúng kiến, thờ thần tài thổ địa hay dán bùa xin phép làm ăn từ mấy ông thầy chùa, mấy bà thầy bói bá xàm bá láp đâu? Phải không?

- Chân thành cảm ơn Thầy chỉ dạy rất nhiều. []

BBT.PHTQ.CANADA

 -KÍNH MỜI VIẾNG THĂM

Quí vị có thể thỉnh Tập San PHTQ theo địa chỉ dưới đây:
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 1 ĐẾN SỐ 18

**

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9, Canada.
Tel: 647-828-1016