Thursday, April 4, 2013

*** NỖI SỢ MUÔN THUỞ




 NI SƯ THÍCH NỮ TRÍ HẢI

(Trích từ bài Nguồn sinh lực đạo Phật qua Trung Bộ Kinh – Ni sư TN Trí Hải)

         Trong kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, Trung Bộ Kinh I, chúng ta được nghe Đức Phật trình bầy rốt ráo nguyên nhân nỗi sợ hãi âm thầm đè nặng trên tâm thức con người muôn thuở. Chúng ta sợ đủ thứ: sợ chết, sợ khốn khổ, sợ bị chê bai chỉ trích, và trên tất cả, hình như chúng ta rất sợ sự thật. Vì sợ hãi chúng ta lao mình vào công việc làm ăn, vào các thú tiêu khiển, lập gia đình, gia nhập các đoàn thể, nỗ lực tạo mãi tiền của, danh vọng, tri thức, tài khéo, cốt làm sao để chứng minh mình không phải là một con số không dưới mắt mọi người và nhất là dưới mắt mình. 

Nhưng cảm giác khó chịu về số không vẫn còn mãi đấy. Càng lao tâm lao lực, cuộc sống chúng ta càng bận rộn chừng nào, với càng nhiều bạn bè, sở hữu, quyến thuộc chừng nào, chúng ta càng thấy rõ sự nghèo nàn cô độc vô vị trống rỗng của nó chừng nấy, khi mà chúng ta bắt buộc một mình đối diện với cuộc tử sinh của chính mình. Vì sợ hãi, chúng ta tạo ra những thần linh bất diệt để có thể đặt niềm tin vào đấy, để có chỗ bám víu ở giữa một thế giới đầy dẫy những lọc lừa tráo trở. Rồi chúng ta gắn cho thần linh ấy đủ các tính xấu của chúng ta, nghĩa là cũng đầy ngã chấp nhỏ nhen, có thể rất từ bi với một tín đồ trung kiên, nhưng cũng có thể rất độc ác với kẻ nào phản bội. 

Tuy vậy, chúng ta thà có một tín ngưỡng bất toàn hơn không có gì cả. Voltaire nói: Nếu Thượng đế không thật có, thì cũng cần phải tạo ra một Thượng đế.” 

 Như những con cừu xích lại gần nhau để tìm hơi ấm, chúng ta cũng ưa quần tụ, gia nhập hội này đoàn nọ, vì không thể chịu được mặc cảm cô đơn. Chúng ta nói tiếng nói của tập thể, ưa thích và lựa chọn giống như sự ưa thích và lựa chọn của mọi người, để khỏi bị xem là “không giống ai”. Quả thế, vì sợ hãi cô độc, chúng ta thà làm một con cừu ngoan ngoãn trong bầy cừu ấm áp hơn là làm một vì sao cô độc trên nền trời giá băng.

            Đức Phật không chấp nhận những giải pháp tạm bợ mà chúng ta thường dùng để đối trị nỗi sợ hãi âm thầm ngự trị trong ta. Ngài đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, tìm những nguyên nhân sâu xa của nó để có thể nhiếp phục sợ hãi.  Những nguyên nhân ấy theo lời Đức Phật dạy, là những thói xấu cố hữu trong ta như tham, sân, si, hôn trầm, thụy miên, giao động, hoài nghi, khen mình chê người, lười biếng thất niệm, ham danh lợi,  thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh: 

            “Này các tỳ kheo, những vị Sa môn, Bà la môn nào có thân nghiệp, khẩu nghiệp,  ý nghiệp không thanh tịnh, có mạng sống không thanh tịnh, những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm, bất thiện khởi lên.  Ta không có mạng sống không thanh tịnh… Ta tự quán sát mạng sống hoàn toàn thanh tịnh này, cảm thấy lòng tự tin được xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.”
             “Này Bà la môn, những Sa môn hay Bà la môn nào có tâm sân hận, ác ý, sống tại các trú xứ xa vắng trong rừng núi hoang vu… những tôn giả Sa môn hay Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên… Những Sa môn hay Bà la môn nào gia động, tâm không an tịnh, những Sa môn, Bà la môn nào còn ham muốn lợi danh, tiếng tăm…. Những Sa môn, Bà la môn nào thất niệm, không chú ý… những Sa môn, Bà la môn nào không có tâm định tĩnh, tâm bị tán loạn mà sống tại các trú xứ vắng trong rừng núi hoang vu…. những tôn giả Sa môn, Bà la môn ấy chắc chắn làm cho sợ hãi khiếp đảm bất thiện khởi lên… (Kinh Sợ hãi và Khiếp đảm, Trung Bộ Kinh I )
 

          
  Một trong những phản ứng thông thường của chúng ta trước sự sợ hãi là chạy trốn: “Tẩu đào vi thượng sách”. Sự chạy trốn mang nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta trốn vào trong những cuộc vui, trốn vào trong những công việc, hội hè đình đám, đoàn thể, bạn bè, để khỏi phải đối mặt với hư vô và với chính mình: ngồi thiền sở dĩ rất khó khăn là vì thế, chúng ta phải đối diện với chính mình trong khi độc cư thiền tịnh. Chỉ có những bậc giác ngộ mới có thể sống hoàn toàn cô độc, đối diện với chính mình mà không phát sinh cảm giác khó chịu, trái lại cảm nhận một lạc thọ, hạnh phúc thuần túy. 

             “Này chư hiền, ta có thể không di động thân thể, không nói lên một lời, sống cảm giác thuần túy lạc thọ luôn trong một ngày một đêm.. luôn trong hai ngày ba đêm… cho đến luôn trong bẩy ngày bẩy đêm.. (kinh Tiểu khổ uẩn).

             Như người ca kỹ trong thơ Xuân Diệu ngày xưa, nỗi sợ hãi lớn nhất của ta là phải chạm mặt với chính mình:
            Chớ để riêng em phải gặp hồn em
            Em sợ lắm giá băng trên mọi nẻo
            Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da

             Cái “Không vô biên” ấy thật là dễ sợ, nó có thể làm chúng ta chết ngạt trong đó như một phi hành gia chết rũ khi bay ra ngoài quỹ đạo của trái đất.

            Đức Phật đối trị sợ hãi bằng cách nhìn thẳng vào nó, không trốn chạy vào một việc làm khác, một tư thế khác, một thái độ khác như lối xử sự thông thường của chúng ta.

             “Này Bà la môn, trong bất cứ hành vi, cử chỉ nào của ta mà khiếp đảm sợ hãi xẩy đến, thì ngay trong hành vi cử chỉ ấy, ta diệt trừ nỗi sợ hãi khiếp đảm… Trong khi đi kinh hành qua lại, mà sợ hãi khiếp đảm đến, thì ta không đứng, không ngồi, không nằm mà ta diệt trừ sợ hãi khiếp đảm ấy ngay trong khi ta đang kinh hành qua lại.”
  
 Do sợ hãi, chúng ta thường bóp méo sự thật cho nó hợp với sở thích của chúng ta, như người điên trong tập “Cuồng nhân nhật ký” của Gogol luôn luôn tưởng tượng mọi sự đều tốt đẹp, cứ ảo tưởng rằng mình là hoàng đế và nhà thương điên là cung điện. Đức Phật không thế. Đối với ngài sự thật là sự thật, dù nó xấu xa hay đẹp đẽ, cần phải được thấy đúng như bản chất của nó:
             “Này Bà la môn, có một số Sa môn, Bà la môn nghĩ rằng ngày là đêm, đêm là ngày. Ta nói những Sa môn, Bà la môn ấy sống trong si ám… Ta nghĩ rằng đêm là đêm, ngày là ngày.” 
 
            Chúng ta nhớ đến một câu trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
            “Nó đánh tôi, mắng tôi
            Nó thắng tôi, cướp tôi,
            Ai ôm hiềm hận ấy,
            Oán thù không thể nguôi”
 
            Một điểm đáng lưu ý ở đây là Đức Phật không dạy chúng ta nên tưởng tượng sự lăng mạ thành ra sự ngợi khen hay tưởng tượng sự đánh đập thành ra sự ve vuốt. Ngài chỉ dạy đừng ôm giữ tâm niệm ấy nghĩa là hãy xả bỏ, cho qua để khỏi rước thêm khổ,  tự hại mình. Một lời khuyên thực tiễn, khôn ngoan.


            Trong kinh ví dụ cái cưa, đức Phật dạy tỳ kheo theo dù có bị cưa xẻ thân thể ra từng mảnh từng đoạn, cũng đừng ôm lòng sân hận mới đúng là đệ tử của Ngài. Nếu ta chấp chặt từng lời từng chữ thì thấy lời dạy này thật khó mà thực hành. Kỳ thực lời dạy này rất thâm thúy hiểu theo nghĩa bóng: Dù không ai cưa xẻ, cái cưa Vô Thường cũng đang cưa xẻ thân ngũ uẩn này từng giây từng phút cho đến khi nó hoàn toàn tan thành tro bụi. Vậy thì, còn sống hơi thở nào, hãy sống trong chánh niệm, an lạc, đừng nổi sân vì những chuyện bất bình mà chuốc thêm đau khổ trong khi đang bị vô thường cưa dần tới nấm mồ hoặc lò hỏa thiêu.

            Không một lời dạy nào của Đức Phật là không liên hệ trực tiếp đến việc tìm hiểu con người chúng ta, thân tâm chúng ta, với những vấn đề của nó. Bản chất của dục, nguyên nhân của dục, con đường thoát ra khỏi dục được đề cập một cách chí lý. Sự sống sở dĩ là khổ chính vì con người vốn đã đau khổ vì già, bệnh, chết, lại còn đi chuốc thêm vào mình những cái phải chịu sự chi phối của già, bệnh, chết: sắc đẹp, danh vọng, tài sản. Nếu chúng ta biết ngay trong đời sống khổ đau này, với thân xác khả hoại này, đi tìm, gần gũi, thân cận những cái không già, bệnh, chết, thì đó là ta đã đạt được Niết bàn, bất tử ngay trong sinh tử. Cái đó là chánh pháp tối thượng. Cho nên, Đức phật dạy rằng tài sản của người xuất gia là chánh pháp tối thượng này.


 
LAY ĐỘNG 

(thơ Lê văn Hiếu)
 
Khe khẽ bước chân

Khe khẽ mắt nhìn.
Tôi sợ động đôi chim bên cửa sổ
Đôi chim, trên cành xanh,như vẽ
Không nỡ làm người bôi bẩn tranh.

**
Giữa trưa lặng im
Nghe gió mát lành.
Giữa lúc buồn hiu
Tôi bỗng đầy hạnh phúc.
Đôi chim vô tư
Như cả đời nhảy nhót
Như cả đời bên nhau.

**
Khe khẽ nghe chân
Kẻo rộn niềm đau.
Khe khẽ nữa là tia nhìn của mắt.
Vô chừng,đôi cánh kia rụng mất
Làm sao tìm ngây ngất những đường bay.
-------------------------------------------------------


Tác dụng của nụ cười.

Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.
Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc quan yêu đời.
Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn.
Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ lanh lợi và thêm lòng yêu thương.
Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.
Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.
Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.
Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.
Cười giúp ta tránh được tâm trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.
Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả năng sáng tạo mọi việc.
Cười nhiều giúp ta biết tự kỷ có trách nhiệm và thực tế hơn.
Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành công vì tiếng cười là trí tuệ.
Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ thuật sống.
Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỉ như mình thành đạt vậy.
Cười có thể làm tan di nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.
Cười giúp ta vui sống hiện tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.
Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.
Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tâm linh.
Cười giúp hồn nhiên tươi sáng,có nhiều khả năng chống lại bệnh tật.
Cười giúp các tế bào loại T trong máu tăng lên, có sức đề kháng mạnh.
Cười làm giảm phong thấp, các khớp xương đỡ bị sưng và chống sưng.
Cười làm giảm các chất hóc môn (cortisone) trong thận, sẽ sống khỏe hơn.
Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.
Cười giúp tống khứ các khí dơ, thêm nhiều dưỡng khí cho bộ não thông minh.
Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh táo.
Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội tâm thể hiện, thấu suốt mọi sự vật.
Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra.
  

Cũng trong chiều hướng ấy mà rải rác khắp nơi trên thế giới, người ta đã bắt đầu tổ chức những “festival cười”.
-Tại Đan Mạch, cứ đến Chủ nhật của thuần lễ thứ hai trong tháng giêng là mọi người lại tụ tập về quảng trường Town Hall của thành phố Copenhagen để…cười sảng khoái.

-Câu lạc bộ cười lần đầu tiên được sáng lập ở Bombay năm năm trước đây bởi bác sĩ tâm lý Ấn Độ Madan Kataria. Tiếng tốt về câu lạc bộ này đã nảy sinh ra một ý tưởng tương tự ở anh công nhân quảng cáo thất nghiệp Đan Mạch, Jan Thygesen Poulsen. Và anh ta đã trở thành người khởi xướng câu lạc bộ cười ở đất nước này.

-Tại Québec bên Canada , từ nhiều năm nay đã xuất hiện “festival chỉ để cười”. Tại festival này, mọi người đều có đủ thời giờ để lập cho mình một kiểu cười chẳng giống ai. Tại Pháp cũng rộ lên “Festival hóm hỉnh” ở Seine-et-Marne. Và mới đây hồi cuối tháng 6 năm 2005 tại Hồng Kông, người ta cũng đã tổ chức đại hội…cười.

  Tuy nhiên, có một điều khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy đem lại cho người khác những nụ cười lành mạnh, bởi vì chính những nụ cười này sẽ đem lại cho họ niềm an ủi trong những khi đau khổ và niềm khích lệ trong những lúc tuyệt vọng.




 
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ
CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH HẠNH PHÚC
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
ĐỨC HỶ XẢ
CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH