BIẾT SỐNG TRONG VÔ THƯỜNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Thích Đạt Ma Phổ Giác
CHẾT LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN
Trời hửng nắng, ta trở dậy, mệt nhoài, như mới hôm qua ta còn khoẻ,
nói chuyện tới khuya, giờ đây mình đã ngã bệnh chỉ sau một đêm. Bởi
thế, nói đến vô thường ai cũng thấy buồn chán và ngán ngẩm làm sao;
chỉ trong chớp mắt, trong khoảnh khắc, mọi việc đều đã thay đổi một
cách nhanh chóng, mới thấy đó rồi mất đó, cuộc sống quá mong manh, tạm
bợ. Vì vậy, vô thường có thể là một bài hát buồn đối với nhiều
người. Có một câu chuyện nói về sự vô thường như sau:
Thấy một chú tiểu đang tưới cây, một người khách hỏi, “đã biết
cuộc đời là vô thường, sao chú còn chăm sóc thứ ấy làm gì cho tốn
công, vô ích?”
Chú tiểu đáp, “dạ xin thưa, nếu mọi vật đều là thường, thì đâu
cần chúng con chăm sóc để làm gì?”
Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay
đổi, biến thiên theo thời gian. Mới hồi sáng thấy tinh thần sảng
khoái, dễ chịu, trẻ trung yêu đời, muốn làm gì cũng được; ấy thế
mà buổi chiều, mình lại xìu như bánh bao chiều, mệt mỏi, chán chường,
thất vọng, lo âu, sợ hãi. Chính vì vậy mà Phật dạy, “cuộc đời là mộng
huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, cuộc đời này vốn là thường còn mãi
mãi.
Vậy xin hỏi hết tất cả mọi người, thế gian này có phải là mộng huyễn
hay không? - Đời là một giấc mộng dài, là một đám sương mù, là
một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc rồi tan biến, nên
Hoà thượng Trúc Lâm mới nói bài Mộng như sau:
Gá thân
mộng, dạo cảnh mộng,
Mộng tan
rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời
mộng, nhắn khách mộng,
Biết
được mộng, tỉnh cơn mộng.
Đời người cũng vậy, và tất cả muôn loài vật cũng lại như thế. Vô
thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng
ai, mọi người đều có quyền thấy biết, nhìn nhận như vậy, không phải
của người này, mà cũng không phải của người kia. Bởi vô thường nên
mọi sự vật có thể đổi thay, vì đổi thay nên ta mới khổ.
Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm giữ đủ thứ hết, giữ không được thì
sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ vô thường, nên thân này mới có
sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ,
mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy của thân này cũng khổ. Do
đó, Phật dạy, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta gọi chung cho mọi sự thay
đổi, hư hoại đó là vô thường. Đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang:
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như sương, cũng như chớp,
Phải nên quán như thế.
Như Lai Thế Tôn nhờ tu chứng dưới cội Bồ Đề nên Ngài thấy rõ ràng,
từ con người cho đến muôn loài vật, như mặt trăng, mặt trời, trái đất,
núi rừng, ao hồ, sông suối, hoa lá, cỏ cây…, đều phải theo một định luật
chung muôn đời của vũ trụ, là phải thay đổi, không có cái gì đứng
yên hay trường tồn mãi mãi trên thế gian này.
Ấy thế mà, vẫn có một số người quan niệm rằng, thế gian này thường
còn mãi, nên mặc tình đắm say, lao vào vui chơi, hưởng thụ quá đáng,
để rồi đánh mất đi nhân cách và phẩm chất làm người, nên ngày càng
rơi vào hố sâu tội lỗi; hạng người này đáng thương hơn là đáng ghét.
Chính vì vậy, hôm nay, chúng tôi xin chân thành chia sẻ pháp thoại “biết
sống trong vô thường”.
Vậy vô thường có nghĩa là gì?
Thưa tất cả quý Phật tử, “vô” có nghĩa là không, “thường” nghĩa là
thường có. Vô thường có nghĩa là không thường còn, không bền chắc lâu
dài, dù nhỏ bé như hạt bụi, hoặc lớn như mặt trời, mặt trăng, cũng
đều phải chịu sự chi phối thay đổi, tan rã, chuyển biến theo thời
gian, hoặc chậm hay mau mà thôi. Vô thường tạm chia thành ba loại: Thân
vô thường, tâm vô thường, hoàn cảnh vô thường.
Trước tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về thân vô thường xem nó như
thế nào và chuyển biến ra sao. Thân này từ đâu có? Theo lời Phật dạy, thân này muốn có được phải
hội đủ ba điều kiện: phải có cha mẹ quan hệ với nhau, cùng kết hợp
tinh cha với huyết mẹ và nghiệp thức của một chúng sinh, chung hợp
lại thành bào thai, bào thai lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng bằng máu
huyết và hơi ấm của người mẹ, đến khi mở mắt chào đời, hít thở khí
trời, bú sữa mẹ hay sữa hộp, rồi dần dần biết uống ăn và lớn khôn.
Thân thể này sống được là nhờ bốn đại giữ gìn, cộng với uống ăn và
hít thở khí trời mà sống còn.
Thân này sống được nhờ bốn đại bên trong kết hợp với bốn đại bên
ngoài được đưa vào hằng ngày, như chất cứng gọi là đất, chất lỏng
là nước, nhiệt độ trong người gọi là lửa, và sự hoạt động của thân
là nhờ gió. Vì thế, sự hình thành của thân này là một chuỗi dài
vay mượn liên tục. Nếu chúng ta thở ra mà không hít vào coi như chết.
Vậy mà có người cho rằng, thân này thường còn mãi mãi; nhưng thực
tế có phải vậy không? Chúng ta thử nhìn lại xem, trên đời này có ai
trẻ mãi không già, khoẻ mạnh hoài không đau bệnh, sống hoài mà không
chết. Chắc chắn là không! Tại sao vậy? Vì ai cũng phải chịu quy luật
của sự vận hành già-bệnh-chết chi phối. Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni
còn phải xả bỏ báo thân này khi Ngài 80 tuổi, huống hồ là chúng ta.
Quy luật vô thường già-bệnh-chết không hẹn cùng ai, giống như đoá hoa
phù dung sớm nở, tối tàn. Phật dạy, muôn loài vật ở thế gian này đều vô
thường để mỗi người chúng ta biết mà không quá chấp chặt, dính mắc
vào xác thân này để làm khổ đau cho mình và người. Đã chịu sự chi phối của vô thường thì thân này đâu có thật, do chúng
ta lầm chấp thân này là ta, là tôi, là của tôi, từ đó sinh ra tham
lam, ích kỷ, tìm cách vơ vét về cho riêng mình mà làm tổn hại người khác.
Đã làm
người, ai có mặt trên cuộc đời này, không ít thì nhiều luôn bị bất
hạnh, khổ đau bám víu vào thân phận con người. Cái mà tất cả mọi
người đang lo sợ nhất chính là cái chết; vì thế, một số người cố tìm
cách luyện thuật trường sanh bất tử để sống đời, nhưng có mấy ai được
thoát chết bao giờ đâu?
Thuở Phật còn tại thế, có một thiếu nữ dáng vẻ mảnh khảnh, ốm
yếu, nghèo khổ, sống tại thành Xá Vệ, tên là Kisa (có nghĩa là cô
gái ốm yếu). Khi lớn lên, cô cũng có chồng như bao người con gái
khác; nhưng bị mọi người bên chồng khinh khi, coi thường, vì cô thuộc
giai cấp hạ liệt, thấp kém, ở đợ, làm mướn. Từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống của cô bắt đầu thay
đổi, cô được mọi người bên chồng đối xử tốt đẹp và quý mến hơn. Nhưng
bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, đứa con của cô qua đời vì cơn bạo
bệnh. Đứa con chết làm người con gái ấy gần như điên loạn; dù đau khổ
đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu được đứa con của mình
sống lại, nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.
Nhìn cảnh tượng thảm não, thất tha thất thểu lê từng bước chân để
tìm thuốc cải tử hoàn sinh cho con mình, mọi người nhìn theo chỉ
biết ngậm ngùi, thương tiếc; bởi việc cứu sống đứa trẻ là điều không
thể được mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng.
PHẬT CHỮA
TÂM BỆNH
Có người
vì quá xót thương, nên đã hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong
nhờ đức Phật tế độ. Khi đến, cô tha thiết cầu xin Như Lai Thế Tôn cứu
sống cho con mình. Biết được nhân duyên sâu xa, đức Phật liền hứa sẽ
giúp cô cứu sống đứa trẻ. Nghe vậy, lòng cô dâng trào lên niềm hy vọng vô
biên, cô nghĩ con mình chắc chắn được cứu sống.
Chờ cho nhân duyên đã chín mùi, đức Phật liền chỉ dạy, “này thiếu nữ, con
hãy đến nhà nào chưa từng có người chết xin về đây cho ta vài hạt
cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con. Tin chắc rằng con mình sẽ được
cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một gia đình không có người
chết, cô liền phấn khởi ra đi, trong lòng mừng thầm vô hạn. “Hạt cải nhà
nào cũng có”, cô nghĩ như thế, nên sung sướng đến tột cùng, lòng tràn
đầy hy vọng, vì trong chốc lát đây, con cô sẽ được cứu sống nhờ những
hạt cải nhiệm mầu ấy.
Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm nó trong một gia đình không
có người chết thì quả thật là không thể được. Bởi vì sao? Vì nhà nào
cũng có người chết. Cô thất tha, thất thểu đi hết làng trên xóm
dưới, từ làng này qua xóm nọ, cô đi khắp hang cùng hốc hẻm, nhưng
không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu cầu của Như
Lai Thế Tôn.
Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ bên lề đường, trên tay vẫn còn
ôm chặt xác con của mình. Thế là bao nhiêu hy vọng không còn nữa. Cô
nhìn con với lòng trìu mến, dù xác đứa bé đã cứng đờ. Lúc này,
cảm giác rùng rợn cùng với sự thương tâm phủ đầy trong lòng cô; bỗng
nhiên, tâm trí cô loé lên một tia sáng, cô hiểu rằng, trên đời này, ai
rồi cũng sẽ chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, đau thương mất mát
là một sự thật của kiếp người, yêu thương mà phải xa lìa đó là một
nỗi khổ, niềm đau, có hợp phải có tan, đó là định luật nhân duyên quả
của cuộc đời.
Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận ra, có sinh là có chết, ai rồi
cũng phải lần lượt như vậy, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Từ nhận thức
sáng suốt đó, cô không tìm hạt cải nữa, mà đem xác con mình vào
rừng Thi Lâm (theo phong tục, tập quán Ấn Độ, xác người chết đem bỏ
vào rừng cho thú ăn), rồi thanh thản trở về bạch Phật, “Kính bạch Thế
Tôn, con đã tìm ra hạt cải của sự vô thường rồi, con đã đưa xác đứa
bé bỏ vào rừng. Bây giờ con cảm thấy trong lòng thoải mái và nhẹ nhõm hơn”.
Nhân đó, đức Phật khai thị đạo lý duyên sinh trong cuộc sống cho cô
nghe, “trên đời này, có sinh là có tử, yêu thương xa lìa khổ, không có cái
gì là cố định cả, tuỳ theo nhân duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi
thay sớm hay muộn mà thôi” Ngang đây, cô chứng được quả Dự Lưu, tức đã vào dòng Thánh, từ nay về
sau không còn đoạ vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sau
đó, cô phát tâm xin đức Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo ni; nhờ luôn siêng năng,
tinh tấn tu hành, cuối cùng cô đã chứng quả A-La-Hán.
Khổ đau luôn bám víu thân phận con người, khổ đau về vật chất như
thiếu cơm ăn, áo mặc, rồi đến cái khổ vì già-bệnh-chết, nên ngày xưa
người ta hay cố gắng luyện thuật trường sinh bất tử để sống đời, nhưng
có ai không chết bao giờ đâu?
Như ông Bành Tổ sống đời,
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu.
ÔNG GIÀ
VÔ THƯỜNG
Có một ông già nọ tuổi đã già, nhưng hàng ngày vẫn phải làm lụng
vất vả để nuôi thân. Một hôm, sau khi vào rừng đốn củi mang về, vì
đường sá xa xôi, lại phải vác nặng, nên ông cụ kiệt sức giữa đường.
Ông đặt bó củi xuống đất rồi ngồi than thở một mình, “khổ cho thân già tui
quá trời! Đến từng tuổi này mà còn gian nan, vất vả quá chừng! Giá mà bây giờ
thần chết đến rước mình đi thì hay biết mấy! Mình muốn bỏ quách cái
thân già khốn khổ này đi cho rồi”.
Ông nói vừa dứt lời, vị thần chết xuất hiện ngay, “ta là thần chết
đây, ông lão cần gì, ta sẽ giúp cho ông được toại nguyện?” Ông già nghe nói
vậy, sợ quá, run lên cằm cặp nói, “dạ, kính lạy thần chết! Xin ngài nhấc
hộ dùm bó củi lên vai để lão vác về kẻo trời tối”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy con người khi khổ quá thì muốn chết,
doạ chết, đòi chết, trối chết, nhưng đến khi cái chết đến gần thì
sợ hãi, không muốn chết. Ông già tiều phu kia cũng vậy, lúc thấy
mình quá khổ, phát sinh ý chết quách để hết khổ, thân xác khỏi
phải nhọc nhằn, nhưng khi thần chết hiện ra thì ông hoảng hồn, sợ
chết, muốn đặt gánh củi lên vai và cảm thấy việc gánh củi về nhà
là điều hạnh phúc nhất.
SỐNG CÓ
ÍCH VÌ BIẾT VÔ THƯỜNG
Đức Phật dạy chúng ta hiểu được lý vô thường, mục đích là để ta
biết sống có bổn phận và dám chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác
của mình đối với gia đình, xã hội, không bi quan, không yếm thế, không
chán nản, không buồn lo trước cuộc sống tạm bợ, mong manh này.
Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn vô thường, ngắn ngủi, giống
như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt đi bất cứ lúc nào. Thân
người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già, bệnh mới chết, mà
mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do, vì vậy mà
có câu:
Chớ bảo đến già mới tu tập
Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh.
Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố
gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng
trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này
mà làm khổ luỵ cho nhau. Câu chuyện trên cho ta một bài học đạo lý
về mạng sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Quý vị nên nhớ rằng, sau
khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay
hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi
người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.
Thế gian này không có gì là mất hẳn dù là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau.
Ai sống được như vậy, đến khi thần chết hiện đến, ta không sợ hãi,
hốt hoảng, mà bình thản ra đi với một hành trang tốt đẹp; còn những
thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc, nhà cửa, mình đều bỏ lại,
không mang theo được món nào, lúc ấy chỉ có nghiệp báo tốt, xấu do
ta tạo dựng lúc còn sống sẽ theo mình suốt đời mà thôi. Biết được như
vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi, không tiếc nuối bất cứ một
thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.
TÂM VÔ
THƯỜNG
Trước khi đi sâu vào tâm vô thường, chúng ta cũng cần tìm hiểu, xác
thân này do đâu mà có? Phải chăng do ta điên đảo vọng tưởng mà có thân
này? Đức Phật đã chỉ rõ, con người do vô minh vọng động, bám víu
trần cảnh, tham đắm sắc dục, chạy theo gió nghiệp thức, chấp chặt
vào đó, tạo ra ý thức hệ, nên nỗi khổ, niềm đau bắt đầu có mặt.
Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tâm vô thường. Nói về
tâm thì ai cũng cho rằng, cái hay suy tư, nghĩ tưởng là tâm mình, nhưng
nhìn kỹ lại thì tâm suy nghĩ đó khi có, khi không. Bình thường thì
tâm hay suy tư, nghĩ tưởng lăng xăng đó lúc nào cũng quấy rầy chúng ta, nhưng
khi nhìn lại, tìm kiếm chúng thì không thấy đâu. Bởi tâm luôn thay đổi
và biến dạng, khi thì buồn thương, giận ghét, buổi sáng nghĩ chuyện
này, buổi chiều nghĩ chuyện kia, lúc nhớ về quá khứ, khi nghĩ đến
tương lai, còn hiện tại thì bồn chồn, lo lắng, tính toán đủ thứ, cho nên
không được yên.
Vì thế, đức Phật gọi “tâm viên ý mã” là vậy, nó giống như con khỉ
chuyển cành, hay con ngựa chạy rong. Như hai vợ chồng nọ sống với nhau
rất hạnh phúc, được ba mặt con, hai vợ chồng gây cãi nhau suốt ngày
không thể nào khuyên can; mặc dù đã được ban tư vấn hôn nhân hạnh phúc
gia đình nhiều lần hoà giải, nhưng hai vợ chồng vẫn nhất quyết ly hôn.
Trước lúc xa nhau, người vợ hỏi ba đứa con, “nay ba mẹ không thể sống
cùng nhau được, các con bây giờ muốn theo mẹ hay cha?”
Đứa con thứ nhất nói “con theo mẹ”. Đứa con thứ hai cũng nói “theo
mẹ”, đến thằng cu Tí nhỏ nhất chẳng chờ mẹ hỏi, nó nói “con theo
mẹ à”. Nghe đến đây, người chồng liền nói, “ba đứa tụi nó theo bà thì
tôi cũng theo em luôn”.
Bởi tâm con người luôn thay đổi, khi thì suy nghĩ chuyện này, lúc lại suy
nghĩ chuyện kia, không bao giờ ngừng nghỉ. Như hai vợ chồng nọ, ai cũng
muốn mình có quyền quyết định mọi thứ trong nhà, chẳng ai nhường
nhịn ai. Làm chồng thì có nghiệp của người nam, làm vợ thì có nghiệp
của người nữ, không ai giống ai, vì nghiệp của người nam và nữ khác nhau, ta
không thể buộc mọi người theo ý riêng của mình.
Vì vậy, vợ chồng cần phải biết thông cảm và tha thứ lẫn nhau, ai
cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề tận dụng cái tốt cho nhau.
Nhìn chung, từ cuộc sống cá nhân, gia đình, cho đến quan hệ xã hội,
không thể có khuôn mẫu giống nhau được. Người nam thì lúc nào cũng cứng
rắn, mạnh mẽ, còn người nữ thì yếu mềm, dịu dàng; do đó, nam
và nữ gặp nhau rất khó mà hòa hợp với nhau được.
Khi hình thành một gia đình, một bên cương, một bên nhu và bất đồng như
vậy, nên muốn hoà hợp, tạo hạnh phúc, không phải là chuyện dễ dàng.
Theo lời Phật dạy, cả hai vợ chồng cần phải biết thông cảm, tha thứ
cho nhau, chồng nói vợ nghe, vợ khuyên chồng biết hối cải thì mới
được, chứ vợ chồng không chịu nhường nhịn lẫn nhau, cứ ngấm ngầm
bất đồng quan điểm, cho đến khi “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến ly thân, ly
dị là điều không tránh khỏi.
Như vậy, con người sống trong thế gian không thể có hạnh phúc tuyệt
đối. Vậy mà ai cũng đòi được an vui, hạnh phúc, mà chúng ta không chịu
nhường nhịn nhau. Tâm con người lúc nào cũng tham muốn đủ thứ, lúc thì
muốn cái này, khi thì muốn cái kia.
Người nam thường quan niệm rằng, mình là trụ cột gia đình, vợ chỉ là
người tuân theo, nếu không làm theo đúng ý mình thì chửi mắng, hành hạ,
đánh đập. Bởi vì người nam thường cho rằng, mình là phái mạnh, là
trụ cột gia đình, có quyền quyết định tất cả theo quan niệm khi xưa của
thời phong kiến, “chồng chúa vợ tôi”.
Đó là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, gây đau khổ và làm tan vỡ
hạnh phúc. Vì vậy, sống trong cõi đời này, chúng ta phải biết tu tập
để thấy rõ được nguyên nhân sâu xa của nó, cố gắng vượt qua những bất hạnh,
khổ đau do hai vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau. Trong cuộc
sống hiện tại của một số gia đình, tuy dường như thấy hạnh phúc, nhưng
hạnh phúc trong gượng gạo, không phải là thứ hạnh phúc chân thật và
lâu bền.
Do đó, để tạo được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống gia đình, mọi
người phải biết nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, chồng giận vợ
nhịn, vợ khuyên thì chồng phải biết hối cải, mỗi người phải biết
cảm thông, bao dung và tha thứ. Cho nên, ca dao Việt Nam có câu:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, bớt lửa, mấy đời cơm khê.
Nhân duyên nói về tâm vô thường, tôi kể câu chuyện trên để chúng ta cùng
nhau suy ngẫm lời Phật dạy. Tâm con người luôn thay đổi và biến dạng,
không lúc nào ngừng nghỉ; vì vậy chúng ta phải khéo tu, nhờ tu mà
mình dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.
Như trường hợp hai vợ chồng trong câu chuyện trên, đã quyết chí ly hôn
dù nhiều người khuyên nhủ, cả hai người vẫn khăng khăng trước sau như
một, nhất quyết ra toà ly dị, nhưng khi người vợ hỏi mấy đứa con theo
ai, ba đứa đều trả lời theo mẹ. Lúc đó, người chồng nghe ba đứa con nói
vậy nên chìu theo ý mấy đứa con, “chúng nó theo bà, thì tôi cũng theo
em luôn.” Thế là từ đó về sau, hai vợ chồng chung sống với nhau rất
hoà thuận và hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và nhường nhịn lẫn nhau.
Cũng nhờ tâm con người vô thường, luôn thay đổi, chúng ta mới tu được,
mới chuyển hóa được những ý nghĩ xấu xa, hại người vật, thay vào đó là
những tâm tư thiện lành, tốt đẹp, có tính cách giúp đỡ, an ủi nhau. Trong
kinh Phật dạy rằng, “tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô
hình dạng, như ẩn náu hang sâu, nếu điều phục được tâm thì thoát
khỏi khổ đau, mê lầm từ muôn kiếp.”
Có một chú tiểu xuất gia với thầy mình, nguyên là cậu ruột ngoài
đời, vị thầy này đã chứng quả A-La-Hán. Một hôm, chú tiểu được thí
chủ cúng dường cho hai xấp vải. Chú mừng quá, nhanh chân đi về chùa
để cúng dường lại cho thầy, nhưng chú năn nỉ mãi mà thầy vẫn không
nhận, buồn quá, chú nản chí, không muốn tu tập nữa.
Hôm nọ, chú đang đứng quạt hầu thầy, trong lòng vẫn còn buồn về
chuyện thầy không chịu nhận hai xấp vải, chú mơ màng để tư tưởng trở
về với dòng đời: Mình mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, chỉ có cậu là
người thân yêu duy nhất, nay là thầy mình, vậy mà thầy không thương
tưởng, đoái hoài đến mình, thôi thì mình không theo thầy tu học nữa, mình
ra đời gầy dựng sự nghiệp thế gian cho rồi. Nhưng ra đời rồi phải làm gì
để sống đây?
Chú cứ miên man trong dòng suy tư, nghĩ tưởng, mà lòng càng thêm
buồn rầu, lo lắng, bất an. Đang lúc mơ mộng chạy theo dòng suy tư, nghĩ
tưởng, bỗng nhiên chú loé lên một vấn đề:À đúng rồi, hay là mình đem hai
xấp vải này ra chợ bán đi, lấy tiền mua một con bò cái về nuôi, bò
chỉ ăn cỏ ngoài đồng, không tốn tiền mua thức ăn cho nó, còn mình
hằng ngày chỉ việc dẫn bò đi ăn. Sống như thế thật là sung sướng và
hạnh phúc làm sao? Bò thì mỗi năm sanh một con, đến chừng tám năm sau,
mình có thêm một đàn bò chừng hơn chục con. Thế thì tốt quá, rồi
mình sẽ bán hết số bò đó, chỉ chừa lại một con nuôi tiếp, còn lại bao
nhiêu mình mua nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Khi đó, mình sẽ là ông chủ
một gia tài đồ sộ, và sẽ cưới một cô vợ trẻ xinh đẹp. Sau khi đứa
con đầu lòng được sinh ra đời, mình sẽ dẫn vợ con về thăm thầy, cho
quy y làm đệ tử Phật.
Nghĩ như thế xong, trong lòng chú tiểu mừng vô hạn, bỗng dưng cô vợ
trượt chân té, thằng bé đang bồng trên tay kháu khỉnh rơi xuống đất,
khóc bù lu bù loa, tức quá, không kìm hãm được cơn giận, chú sẵn trên
tay cầm cây quạt khỏ lên đầu vợ liền mấy cái, đã bảo mà, đi không
nhìn trước ngó sau gì hết, để con bị té như vậy, đàn bà gì mà không
ý tứ chút nào”.
Bỗng nhiên, chú nghe một giọng nói điềm đạm, “con đang gõ lên đầu
thầy, con có thấy không?”
Giật mình, chú tiểu tỉnh lại giấc chiêm bao mà sám hối xin thầy tha thứ tội
lỗi.
Câu chuyện trên đã nói lên tâm ý của con người lúc nào cũng toan
tính, tham muốn đủ thứ, suy nghĩ hết chuyện này lại đến chuyện kia; vì chúng ta
cho rằng tâm này là ta, là mình, nên ta nói, ta suy nghĩ đủ thứ. Chú tiểu đang
đứng hầu thầy mà tâm tư cứ tưởng nghĩ đâu đâu, chẳng khác nào loài
vượn khỉ đang chuyển cành. Cho nên, Phật dạy, tâm suy tư nghĩ tưởng là vô
thường không thật có, khi ta nhìn lại thì thấy nó mất tiêu.
Bởi tâm ý con người vô thường thay đổi, nên mình mới tu được; còn nếu tâm
con người không thay đổi được thì trước sau như một, làm sao mình tu tập
được và cũng chẳng cần tu để làm gì? Vì có tu nó cũng như vậy, không thể
thay đổi được, chúng ta vẫn suốt đời, suốt kiếp sống trong vô minh,
phiền não mà thôi.
Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều ai cũng có thể cảm nhận được
rằng, tâm này là vô thường. Cho nên, vua Trần Thái Tông, một vị Thiền
sư đời nhà Trần, Việt Nam nói về tâm suy nghĩ như sau: Nghiệp căn ý
là nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm
chấp tướng như tằm kéo kén, càng buộc càng bền, như bướm lao đèn,
tự thiêu tự đốt.
Chúng ta ai cũng nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, nào là buồn,
thương, giận, ghét, khen chê, đúng sai, phải quấy, tốt xấu, lo lắng đủ
thứ, khi thì điên đảo vọng tưởng, nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ,
nên khi có quyền hành trong tay thì muốn” bình thiên hạ”, do đó vua Trần
Thái Tông mới nói:
Nghĩ vơ nghĩ vẫn, không lúc nào dừng.
Tâm đã suy nghĩ lăng xăng, còn cho mình là ta, là tôi, nên dính mắc,
chấp trước vào đó, và còn cho rằng cái hay suy nghĩ của mình là nhất
thiên hạ. Đôi khi, chúng ta suy tư, nghĩ tưởng muốn vỡ tung cái đầu, mà
vẫn cứ suy nghĩ hoài không để nó yên; đó là ta tự chuốt hoạ vào thân
như con tằm kéo kén, càng buộc càng bền, rồi rốt cuộc rồi bị người ta
cho vào nồi nước sôi.
Cái hay suy nghĩ, tính toán, phân biệt hơn thua đủ thứ hết luôn thay đổi
trong từng phút giây, mới vừa buồn khóc đó, chưa ráo nước mắt liền vui vẻ
khi gặp người thân, mới giận liền thương. Trong một ngày, có hàng trăm
cái hay suy nghĩ như vậy, có khi nghĩ điều thiện lành, tốt đẹp như
Phật, có lúc nghĩ điều xấu, ác giống như cọp sói.
Tâm niệm của chúng ta lúc nào cũng luôn thay đổi không dừng, vì thế
đức Phật mới nói, tâm suy tư nghĩ tưởng là vô thường, đã vô thường mà
cứ nhận lầm mình là ta, là tôi; từ đó, ai không đồng quan điểm với
mình thì chống đối lẫn nhau, dẫn đến thù hằn, ghét bỏ, rồi tìm cách
giết hại nhau.
Chúng ta vẫn biết, tâm vô thường không phải là gươm đao hay súng đạn,
nhưng nó có thể giết chết mình vì bất đồng quan điểm, giết chết mình
trong từng ý niệm. Một ý nghĩ vừa dấy lên, muốn lấy trộm đồ của người khác,
nếu ta không biết kịp thời ngăn dừng, thì bao tai họa sẽ bắt đầu ập đến bởi tâm
tham lam của mình.
Chính vì vậy, người Phật tử chân chính phải biết tu ngay nơi ý nghĩ ban đầu
vừa mới chớm lên, để chuyển hoá chúng trở về bản thể ban đầu. Chúng ta chỉ
cần điều phục ngay nơi tâm ý của mình, bằng cách nghĩ điều có lợi cho người và
vật, nên duy trì và tiếp tục phát huy.
Những suy nghĩ làm tổn hại cho người vật thì mình tìm cách chuyển hóa, không
cho chúng phát sinh; tu như vậy thì mọi người sẽ được bình yên, hạnh phúc ngay
tại đây và bây giờ, khỏi mong cầu đâu xa.
ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ
CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH HẠNH PHÚC
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
NỖI SỢ MUÔN THUỞ
ĐỜI ĐÁNG YÊU HAY ĐÁNG CHÁN