Thursday, May 2, 2013

*** TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ





HT Thích Nhất Hạnh 

Tu Phước là gieo nhiều hạt giống phước đức (punya), như bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm, như giúp người và làm những điều lành khác để sau này được hưởng hạnh phúc. Tu huệ là quán chiếu học hỏi luôn để mỗi ngày trí tuệ mỗi lớn thêm và có công năng giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc khổ đau. Ở Việt Nam đôi khi mình nói: "người đó chỉ tu phước thôi chứ không tu huệ" câu nói có vẻ chê bai; nhưng thật ra nếu không có huệ thì cũng khó có phước lắm. Tại sao người ta tu phước? Tại thấy rằng tu phước đem lại hạnh phúc cho mình và cho người: như vậy trong hành động tu phước đã có huệ rồi và những người tu học thông minh thì vừa tu phước vừa tu huệ (gọi là phước huệ song tu). Nếu tu hành cho vững chãi, ta sẽ thấy rằng trong phước có huệ và trong huệ có phước.

Có nhiều cách tu: 
Khi quán niệm hơi thở thì gọi là tu an ban, khi ngồi thiền gọi là tu thiền tọa, khi đi thiền hành là tu thiền hành, khi rửa nồi gọi là tu rửa nồi, khi lau bát lau nhà gọi là tu lau bát lau nhà. Nếu tu đúng cách mình sẽ thấy rằng khi lau bát hoặc chùi cầu tiêu hoặc giúp một người đói... không phải ta chỉ tu phước mà cũng tu huệ. Khi tu tập ở Làng Hồng, giữ gìn chánh niệm, gieo trồng những hạt giống tươi mát an lạc vào tâm thức hàng ngày, không chỉ ta chỉ tu huệ mà cũng đang gieo trồng rất nhiều hạt giống phước đức. Nói một cách đơn giản hơn, đó không phải chỉ là phước hay là huệ, chỉ là tu thôi. 

Tu như vậy là để đạt tới sự giải thoát ra khỏi những khổ đau và đem lại thêm an lạc và hạnh phúc. Hành động tu học của mình không phải là một cái gì tách ra khỏi kết quả của sự tu học; trong khi tu học mình phải cảm thấy được cái hạnh phúc của sự tu học; như vậy mới đúng tinh thần tu học ở đây. Phương tiện và cứu cánh là một. Bước một bước chân trong chánh niệm, hớp một hớp trà, thở một hơi thở... những hành động đó gọi là tu tập. Những hành động đó phải mang tánh chất hạnh phúc trong tự thân chúng thì đó mới đúng pháp môn của chúng mình.

Tu ở đây biểu lộ khả năng có hạnh phúc của mình (the capacity to be happy). Thật ra trong tâm thức người nào cũng có một hạt giống gọi là khả năng có hạnh phúc. Nếu mỗi ngày biết tưới tẩm hạt giống đó thì mình sẽ có hạnh phúc và có liền trong phút giây mình tưới. Điều mà chúng ta phải làm là biết tưới tẩm hạnh phúc của mình ngay bây giờ, để cho khả năng cho hạnh phúc trong con người mình được phát triển, và như thế mình có hạnh phúc ngay trong giờ phút mình đang tu học. Nếu xét lại phương pháp tu học ở đây, ta sẽ thấy rằng hằng ngày chúng ta ngồi thiền, đi thiền hành, uống trà, ăn cơm trong chánh niệm... là để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi chúng ta. Nếu trong khi làm những điều đó mà chúng ta an trú được trong hiện tại và chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta đã làm đúng và tu đúng. Nếu trong khi làm những thứ đó mà ta vẫn thấy u sầu, vẫn nghĩ rằng ta chỉ có được hạnh phúc trong tương lai thì ta đã không làm được đúng pháp môn mà thầy đã trao truyền và ta đang thực tập.

Khi thiên hạ hỏi "ở Làng Hồng quý vị tu theo pháp môn nào? Vipassana, thiền đại thừa hay Phật Giáo Việt Nam thống nhất?" Ta có thể nói: "Chúng tôi đang thực tập hạnh phúc." Khi mình có thể cắt đứt được những lo lắng, bực bội và sầu đau đã qua (những gì vừa xảy ra hồi nảy, vài giờ trước, vài ngày trước hay vài tháng, vài năm trước) và có thể cắt đứt được những tính toán và lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra trong vài giờ, vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm nữa (thuộc về tương lai), thì mình đã có thể bước được những bước chân có an lạc và khỏe khoắn trong giờ phút hiện tại, nở được một nụ cười, và lúc đó mình đã thật sự có tự do để có thể tiếp xúc với sự sống.

Mình có thể thấy rõ là mình còn sức khỏe, còn hai mắt sáng thấy đủ hết các màu sắc, hình dáng, và đường nét; tai mình còn nghe được gió thổi, mưa rơi, chim hót, tiếng nói của người thương và đủ thứ âm thanh khác... Được như vậy, mình có hạnh phúc lập tức, và đồng thời làm cho khả năng có hạnh phúc của mình biểu lộ ra, và người khác nhìn sẽ thấy liền.


Khi được người ta khen ngợi mình, nói rằng cô ấy hay anh đó có sức chịu đựng lớn, làm việc siêng năng, thông minh... mình chưa thực sự cảm thấy hãnh diện. Nhưng nếu được khen là có khả năng có hạnh phúc, có an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi và tươi mát, thì ta sẽ sung sướng hơn, bởi vì một người hạnh phúc và tươi mát như vậy sẽ biết cách chia xẻ niềm vui cho rất nhiều người. Cần cù siêng năng mà cau có buồn bã thì chẳng sung sướng gì lắm. Người ta thường nói tu phước là chất chứa công đức để sẽ có hạnh phúc trong tương lai. Đó là một định nghĩa chưa được chính xác trong tinh thần Bụt dạy.

Thật ra nếu tu phước đúng pháp thì hạnh phúc đó nằm trong phút giây hiện tại. Và mình biết rằng trong hiện tại mà có hạnh phúc như thế này thì trong tương lai nhất định sẽ có hạnh phúc. Tương lai được làm bằng hiện tại. Dù mình có cực khổ cách mấy mà trong hiện tại mình không có hạnh phúc thì tương lai mình cũng không có hạnh phúc đâu, lý do là tương lai được làm bằng chất liệu hiện tại. Ngày hôm nay nếu bạn mỉm cười được, thảnh thơi được, an trú được trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân, từng tách trà, và từng nụ cười, thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm nay sẽ làm ra cái vốn liếng hạnh phúc cho ngày mai. Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ý tưởng là hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới có thể sung sướng. Ví như câu ca dao:
Rủ nhau đi cấy đi cày
bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
trên đồng cạn dưới đồng sâu
chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Hôm nay khó nhọc ngày mai mới có thiên đường của hạnh phúc. Không chắc lắm đâu. Tôi thấy hai câu sau có chân lý nhiều hơn và đẹp hơn hai câu đầu. Hai câu ấy cho thấy rằng làm việc chung, có đủ vợ, chồng và con trâu là vui biết mấy! Cùng đồng tâm làm việc, đó đã là hạnh phúc rồi, đâu có cần ngày mai ngày mốt gì nữa. Nếu đã đồng tâm làm việc trong hạnh phúc hôm nay thì tương lai dĩ nhiên sẽ được làm bằng hạnh phúc. Khả năng có hạnh phúc của mình được biểu lộ trong hai trường hợp: trường hợp không làm việc và trường hợp làm việc. 

Đi thiền hành cũng hạnh phúc mà chùi nồi cũng hạnh phúc
Đi thiền hành, cắt đứt hết những tính toán lo âu, sợ sệt, bước những bước thật thanh thản và nhẹ nhàng, miệng nở nụ cười tươi mát, hít thở không khí trong lành buổi sáng, đó hạnh phúc đã đành mà chùi nồi cũng vậy: trong khi chùi nồi ta cắt đứt những lo lắng, lăng xăng, những suy tư tính toán, ta không hấp tấp, ta làm việc thật thanh thản, thì việc chùi nồi không thua kém gì việc đi thiền hành hay ngồi thiền tọa. Trong những lúc đó mình thật sự có hạnh phúc, mình an trú trong giây phút hiện tại, mình là một con người thật sự tự do. 

Trong khi chùi nồi, nếu ta không bị kéo đi bởi chuyện đã qua và chuyện sắp tới, nếu ta cắt đứt được những sợi dây phiền lo tính toán bất an, thì ta thực đang chùi nồi một cách thật thanh thản, an lạc, và ta không làm hấp tấp như đang bị ma đuổi. Bị ma đuổi là cố làm cho mau xong để còn đi học kinh. 

Nếu nghĩ rằng học kinh mới là hạnh phúc còn chùi nồi không có hạnh phúc, thì khi học kinh ta cũng có thể không an trú được trong việc học kinh, ta sẽ vừa học kinh vừa tính toán tiếp: học kinh cho giỏi thì mới có hạnh phúc trong tương lai, phải học cho cực khổ thì sau này mới hạnh phúc. Học kinh đâu có quan trọng bằng sống theo lời kinh dạy. Tu là thực tập sống theo lời kinh dạy, tập an trú thảnh thơi trong từng hơi thở, từng giây, từng phút, từng bước chân và từng hành động. Khi an trú thảnh thơi được trong từng phút giây của sự sống, ta tiếp xúc được với tất cả những sâu sắc mầu nhiệm của sự sống.

Ta nhìn sâu vào hiện tại để thấy hiện tại bao gồm hết quá khứ và tương lai, bao gồm cả vũ trụ vạn hữu. Thấy quá khứ và tương lai nhưng ta không trôi lăn vào quá khứ và vào tương lai, bởi vì trong chánh niệm, hiện tại vẫn là nền tảng. Mình phải chứng minh khả năng hạnh phúc thảnh thơi của mình trong từng giây phút. Những phương pháp thực tập để ta tự biến từng phút giây của sự sống ta thành những phút giây an vui hạnh phúc thảnh thơi đã được trao truyền, và nếu quý vị nghĩ rằng tới Làng Hồng chỉ để học kinh Đại Thừa thôi thì rất là uổng. Quý vị nào mới tới chưa được hướng dẫn xin hỏi quý vị thọ giáo của Làng vì những người đó biết cách làm mà cũng thực sự đang tự làm hạnh phúc cho chính mình.

(trích "Về Việt Nam", NXB Lá Bối, Hoa Kỳ 1992)



 
CHƠN LÝ TƯƠNG ĐỐI
 HT THÍCH THANH TỪ
Chơn lý tương đối là những sự thật còn nằm trong đối đãi đối trị nhau. Những sự đối đãi ấy là : Sáng đối tối, lạnh đối nóng, xấu đối tốt, thiện đối ác, khổ đối vui, động đối tịnh, sanh diệt đối vô sanh... Còn sinh hoạt trong tương đối thì, có xấu phải có tốt, có thiện phải có ác, có khổ phải có vui..., chúng ta không thể chối cãi sự thật ấy được. 

Chỗ khôn ngoan của chúng ta là, khéo lợi dụng cái này đối trị cái khác, để tiến lên đúng nguyện vọng của mình. Như lương y biết bệnh biết thuốc, khéo dùng thuốc trị lành bệnh cho người. Phật pháp là những phương thuốc tự lành bệnh cho chúng sanh, nên gọi Phật là Ông vua thầy thuốc (Vô thượng y vương), ở đây, chúng ta chỉ đơn cử vài lối đối trị đế làm sáng tỏ lẽ này.

Sáng đối tối. Chúng ta biết tối không phải tự nó tối, mà do nhơn duyên thiếu ánh sáng. Nếu ta khéo tạo điều kiện - đèn dầu, đuốc, đèn điện... - cho nó ánh sáng thì bóng tối tự mất. Ngược lại, muốn có bóng tối cũng như thế. Đây là cái tối, sáng của hiện tượng bên ngoài. Đến cái tối, sáng tinh thần bên trong của chúng ta cũng có nhơn duyên. Nhơn thiếu học, thiếu đọc sách khiến ta tối dốt. Dùng ánh sáng học tập đọc sách... thì cái tối dốt dần dần tiêu diệt.

Nóng đối lạnh. Chúng ta nhơn chạm khí lạnh, gió lạnh, nước lạnh... nên phát lạnh run. Biết thế, chúng ta phải tạo điều kiện cho có hơi nóng để đối trị, như đốt lửa hơ, lò sưởi ấm, mền bông trùm... Ngược lại, gặp khí nóng chúng ta phải dùng các thứ lạnh trị, như nước, gió, máy điều hòa... Nếu lạnh trong thân thì dùng thuốc nóng trị.

Khổ đối vui. Khổ có nhiều lọại : khổ do đói rét, khổ do bệnh tật, khổ do vô minh phiền não... Nếu khổ do đói rét, chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho có ăn có mặc, tức là lây cái vui no ấm trị cái khổ đói rét. Nếu khổ vì bệnh tật, chúng ta phải dùng thuốc thang điều trị, lấy cái vui khỏe mạnh trị cái khổ bệnh tật. Nếu khổ do vô minh phiền não, chúng ta phải lấy chánh pháp của Phật trị nó. Vô minh phiền não tức là si tham sân. Si mê là vô minh, tham sân là phiền não.

Bệnh si mê, chúng ta dùng trí tuệ điều trị. Tức là dùng pháp "quán giới phân biệt" hay "quán nhơn duyên". Bởi chúng ta lười biếng không chịu phân tích quán sát nên tâm trí mờ tối. Phân tích nội tâm tự thân và ngoại cảnh có chia từng phần từng giới hạn, gọi là quán giới phân biệt. Chính sự chia chẻ quán sát ấy, khiến chúng ta thấy rõ thân tâm này không thật, trí tuệ do đó dần dần phát sanh. Hoặc dùng quán nhơn duyên, khéo khảo sát như phần "duyên sanh" trong mục Chơn lý phổ biến ở trước.


Bệnh tham lam, cần phải tra xét coi tham thuộc loại nào trong năm thứ tham : tham tiền của, tham sắc đẹp, tham danh vọng, tham ăn uống, tham ngủ nghỉ. Tham tiền của thì dùng bố thí trị. Bởi vì tham thì muốn gom góp gìn giữ, mà bố thí thì ban cho, cứu giúp chia sớt. Chính của mình còn mang ra cứu giúp chia sớt kẻ khác, huống là của họ mà mình muốn gom góp về, thật vô lý. Do thật tâm bố thí thì bệnh tham tiền của từ từ lành hẳn.

Tham sắc đẹp và ăn uống phải dùng pháp "quán bất tịnh" điều trị. Bất tịnh là bẩn thỉu nhơ nhớp. Xét nơi thân mình từ trong đến ngoài toàn trữ những đồ nhơ nhớp, như cái bô đậy kín, nếu nó hở rỉ ở đâu sẽ nghe mùi hôi thối tràn ra đấy. Những thứ nước hoa, mùi son phấn, đều là loại sơn vẽ khéo của cái bô. Nếu thật con người là sạch sẽ, cần gì phải tô điểm. Các loại tô điểm ấy chẳng qua là, lối đánh lừa mắt mũi kẻ khác mà thôi. Những thức ăn uống lúc còn bên ngoài dường như thơm ngon, song khi qua khỏi cổ, sẽ biến thành những đồ bất tịnh. Thường dùng lối quán sát thân nhơ nhớp như thế, sẽ trị lành bệnh tham sắc đẹp và ăn uống.

Tham danh vọng và ngủ nghỉ, nên dùng pháp "quán vô thuờng" điều trị. Vô thường là chỉ cho sự đời chợt còn chợt mất không bền bỉ lâu dài. Danh vọng được đó rồi mất đó, như sương đầu ngọn cỏ, như lằn điện chớp. Thường nghĩ xét như thế thì còn lòng nào đeo đuổi danh vọng. Đời người mỏng manh sớm còn tối mất, lúc còn khỏe mạnh còn hoạt động, chúng ta phải quý tiếc thời gian, nỗ lực làm lợi ích cho mình cho người, đừng để một đời trôi qua vô ích. Thấy rõ như vậy thì, đâu cam giết chết thì giờ trong cái ngủ nghỉ.
Sân hận dùng pháp "quán từ bi" hạnh "nhẫn nhục" và "hỷ xả", trị nó. Sân là nóng giận, hận là hờn phiền. Nóng giận muốn la rầy đánh đập cho đã cơn giận, khiến người phải đau khổ. Bởi vì khi giận thì không thương, lúc thương thì không giận. 

Từ bi là hằng đem lòng thương chan rải khắp mọi người, xem sự vui khổ của người như sự vui khổ của chính bản thân mình. Thương người như mình, còn lòng nào hại người đau khổ. Tay trái lỡ đập tay phải đau điếng, tay phải cam nhịn chịu không đập lại, vì biết cùng một thân mình. Lòng thương xem người như mình, dù bị người làm đau khổ mấy cũng nhịn chịu, không nóng giận hại lại. 

Nhẫn nhục là nhịn chịu. Khi cơn nóng nổi lên cố gắng dằn ép xuống, để giữ bình tĩnh và nhịn chịu cho qua. Bởi đè ép nên chỉ là phương tiện tạm thời không thể hết gốc nóng giận. Chỉ có quán từ bi thành công thì gốc nóng giận mới tiêu. Hờn phiền là lòng còn ôm ấp những mối bất bình. Hỷ xả là vui vẻ buông bỏ hết, khiến lòng nhẹ nhàng thơi thới. Ôm lòng hờn phiền là gốc bệnh hoạn khổ đau, vui vẻ buông bỏ hết thì lòng vui tươi an ổn, bệnh hoạn khổ đau không có lý do gì tồn tại.


Đêm ở núi

TUỆ THIỀN

Đêm ở núi tâm hồn thành hiền triết
Quên nhỏ nhen để thấy ánh trăng sao
Gió đại ngàn ngấm vào từng suy tưởng
Hương lan rừng xoa dịu những thương đau

Đêm ở núi chợt đáy lòng an định
Tiếng chuông khuya ngân từ cõi vô tâm
Và lời kinh đến từ miền vĩnh tịch
Trái tim đập từng khoảnh khắc nghìn năm…

Về phố chợ mang theo đêm ở núi
Giữa bon chen, cười nói bỗng nhân từ
Đã cung thỉnh Vô Cùng vào hữu hạn
Thì sá gì những được mất hơn thua.

 
TU HỌC THEO PHẬT
ĐỪNG VỘI KẾT ÁN AI
THUYẾT PHÁP ĐỆ NHẤT
BỒ TÁT THƯỜNG BẤT KHINH
TU THEO PHẬT LÀ GIÁC NGỘ TỰ THÂN
SỰ TĨNH LẶNG TRONG MÂU THẪN CUỘC ĐỜI
THẬN TÁNH KHỞI TU
TÂM CÓ AN THÂN MỚI KHỎE