HT THÍCH THANH TỪ
Là
người tu Phật, chúng ta phải biết Phật là gì? Phật là Đức Thích Ca Mâu Ni
phải không? Chữ Phật ở đây chỉ cho một con người đã được giác ngộ. Ngoài Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni, những người giác ngộ như Ngài cũng đều gọi là Phật. Cho
nên nói tới tu Phật là nói tới sự giác ngộ.
Lâu nay
chúng ta nghi ngờ tại sao ngoài Bắc, từ thế kỷ XIII về trước gọi Phật bằng
“Bụt”, còn ngày nay gọi Ngài bằng Phật. Như vậy ai gọi đúng? Tôi sẽ
giải thích về điều này. Ngày xưa, vùng đất Luy Lâu là vùng đất thương mại rất
phồn thịnh, thương thuyền người Ấn sang đây buôn bán mang theo các nhà sư
truyền đạo. Sư Ấn Độ sang Việt Nam vẫn nói tiếng Ấn. Các Ngài gọi Phật là
“Buddha”, Trung Hoa dịch là “Giác giả”. Giác là giác ngộ, giả là người. Chữ
“Buddha” là “Người Giác ngộ”. Tổ tiên mình gọi chữ “Bud” là “Bụt”. Như vậy
gọi “Bụt” rất gần với phiên âm tiếng Phạn, nhưng tại sao ngày nay chúng ta
gọi “Phật”?
Đức
Phật là bậc Giác ngộ nên đạo do Ngài truyền cũng là đạo giác ngộ. Vì vậy nói
đạo Phật là đạo giác ngộ. Chúng ta xưng mình là Phật tử tức con của bậc Giác
ngộ, hoặc ta cũng là người giác ngộ chút chút. Giác ngộ chút chút chứ không
phải không chút giác ngộ. Đến với đạo Phật là phải có giác ngộ, chứ không thể
mù quáng được. Thế nhưng có Phật tử đến với đạo Phật nhiều năm, vẫn nói chưa
giác ngộ gì cả. Thực ra có, nhưng quí vị không biết đó thôi.
Đạo
Phật là đạo giác ngộ, nên người tu theo đạo Phật phải có giác ngộ. Giác ngộ
từ gần tới xa, từ thấp lên cao. Giác ngộ gần như thế nào, giác ngộ xa như thế
nào? Tôi xin hỏi quý vị học Phật mấy năm nay có biết lý Vô thường, lý Nhân
quả, lý Nhân duyên không? Nếu biết tức quý vị đã giác ngộ khá rồi. Đối với
cuộc sống vô thường mà tưởng thường là người mê, cuộc sống vô thường ta biết
vô thường tức là giác.
Người
mê cứ nghĩ gặp ác là bị trời phạt, được vui là trời thưởng. Phật tử không như
thế, biết gặp ác là do nhân xấu mình đã tạo từ đời trước, gặp lành là do nhân
lành đã tạo từ trước, nên ngày nay cảm quả thiện ác đến với mình, chứ không
phải do trời ban. Biết đúng lẽ thật như vậy là giác rồi còn gì. Vậy mà quý vị
cứ nói mình không giác, đó là do chưa nắm vững đường hướng Phật dạy.
Phật tử
hiểu các pháp hiện có mặt đây do nhân duyên tụ họp thành, không có gì gọi là
bỗng nhiên mà được. Tất cả đều do nhân duyên tụ họp mới thành. Do nhân duyên
tụ họp thành thì các pháp là thật hay giả? Các pháp là giả. Tôi dẫn một vài
điều cho quý vị thấy có tu Phật là có giác, chỉ tại không chăm chú, không để
ý tới, nên quý vị tưởng mình vẫn mê như thuở nào.
Phật
bảo chúng sanh bất giác nghĩa là không giác ngộ gì hết, Bồ-tát phần giác
nghĩa là giác ngộ từng phần, còn Phật là mãn giác nghĩa là giác ngộ tròn đầy.
Chúng ta nghiệm xem mình thuộc hạng nào? Nếu giác chút chút tức đã được một
phần nhỏ, nếu chưa thành Bồ-tát chính thức thì cũng là Bồ-tát con, phải
không?
Bồ-tát
là tiếng gọi tắt của âm chữ Phạn “Bồ-đề-tát-đỏa” (Bodhisattva), Hán dịch là
giác. Bồ-tát là giác từng phần, Phật là giác viên mãn, tròn đầy, không thiếu.
Chúng ta giác chút chút thì cũng là con cháu của Bồ-tát rồi. Phải hiểu tu là
giác chứ không có quyền mê. Mê thì chưa biết tu. Quý vị là Phật tử, tức biết
tu nên cũng có giác chút chút rồi. Chúng ta đang tiến trên con đường giác
ngộ, chứ không phải đứng ở vị trí của người mê hoàn toàn. Dám xưng mình là
Phật tử, tức con cháu của Phật nghĩa là chúng ta giác ngộ được chút chút, chứ
không mê như thuở xưa.
Nhưng
nói cho thật rõ, chúng ta giác ngộ được điều gì? Phật dạy sở dĩ chúng sanh
không giác ngộ nên trầm luân trong sanh tử. Mê lầm thì trầm luân sanh tử, chỉ
có giác ngộ mới giải thoát sanh tử. Chúng ta mê lầm cái gì, giác ngộ cái gì?
Đó là điều tối yếu mà toàn thể Phật tử phải biết.
Người
phàm phu luôn luôn thấy thân này là thật, còn người Phật tử biết tu thấy thân
này là giả. Nhưng e rằng chỉ thấy giả khi tụng kinh, nghe pháp, còn gặp
chuyện thì thật ngay. Đó là do chưa thấm nhuần chân lý trong mạch sống của
mỗi người, chỉ thấy giả trên mặt suy luận thôi, chứ chưa nhập tâm.
Khi
nhìn thấy thân này thật, tự nhiên chúng ta quý trọng nó. Từ quý trọng nên tìm
đủ mọi cách cho nó được thụ hưởng sung túc. Tất cả những gì ngon, những gì
đẹp, những gì sung sướng trên thế gian đều muốn chu cấp cho nó. Thụ hưởng như
vậy là chúng ta đuổi theo dục lạc của thế gian. Ta thử đặt câu hỏi, nếu người
thụ hưởng đầy đủ sung mãn mọi dục lạc trên thế gian, người đó có chết không ?
Thụ hưởng cho nhiều rồi cũng phải chết. Thế thì họ giành giật tất cả mọi thứ
trên đời, để cuối cùng chỉ còn một thây thối thôi, có ý nghĩa gì đâu? Thân
giả dối mà người ta ngỡ là thật, nên mới giành nhau từng miếng ăn, từng cái
mặc. Càng giành thì càng khổ, nên khổ gốc từ mê lầm mà ra, rõ ràng như vậy.
Nếu
biết thân này giả tạm, không thật, chúng ta sẽ tùy duyên mà sống, tùy duyên
mà tu hành, nên bớt giành giật. Bớt giành giật thì bớt tranh đấu, bớt khổ
đau. Nhờ thấy đúng về thân, chúng ta giảm bao nhiêu đau khổ.
Biết thân hư
giả, khi hết duyên sắp ra đi Phật tử có sợ không? Nó giả tạm thì hư hoại là
lẽ thường, có gì phải sợ. Người chấp thân thật, thụ hưởng cho nhiều, khi sắp
chết thì hoảng sợ, đắm luyến thân vô cùng Trong khi tranh giành để được thụ
hưởng đã là khổ, lúc sắp bỏ thân cũng khổ nữa. Hai ba chặng khổ.
Người
biết thân này giả thì cuộc sống rất đơn giản, không tranh hơn về phần mình,
nhờ vậy bớt khổ. Khi chết biết đã hết duyên, nó phải đi, ta cười thôi, có gì
đâu mà sợ. Hiểu như vậy, thấy như vậy thì đứng trước cái chết chúng ta an ổn,
tự tại. Như vậy, giác được một chút là đã bớt khổ bao nhiêu rồi.
Người
làm việc lành, giúp đỡ mọi người, cuối cùng cũng chết, người không làm gì
hết, cứ lo hưởng thụ rồi cũng chết. Cả hai đều đi đến chỗ chết, nhưng một
người chết bao nhiêu người quý, còn một kẻ chết bao nhiêu người ghét. Nên
người biết tu ngay nơi thân này sử dụng làm lợi ích cho đời, cho đạo. Người
không biết tu cứ cưng dưỡng, không dám nhọc thân, nhưng rốt cuộc rồi cũng
chết, không hơn được chút nào. Đó là một lẽ thật.
Người
rõ biết thân hư dối tạm bợ, đủ duyên thì còn, thiếu duyên nó tan hoại. Thấy
như vậy là thấy được lẽ thật. Thấy được lẽ thật là giác rồi. Đó là giác về
thân. Còn giác thứ hai là giác về tâm. Quý Phật tử nghĩ cái này phải, cái kia
quấy; ai làm theo điều mình nghĩ thì thương, còn làm ngược lại thì ghét. Ai
nói gì mình cho là phải thì quý trọng, nói gì mình cho là quấy thì khinh
thường. Nhưng thật ra, cái phải quấy ở đời có là chân lý chưa? Chưa là chân
lý. Bởi vì cái phải ở đây không là cái phải ở kia, cái phải của người này
không là cái phải của người khác. Người ta thấy cái đó chưa phải mà mình cho
là phải, họ cãi lại mình liền giận, liền ghét. Đau khổ từ đó phát sinh.
Những
suy nghĩ, phân biệt hơn thua phải quấy… thuộc về tâm, nhưng là tâm vọng
tưởng, hư dối, không phải tâm chân thật. Vì nếu thật nó phải còn nguyên, chứ
không đổi thay luôn như vậy. Chúng ta phải biết để dẹp bỏ, đừng chấp vào
những thứ đó, mới thấy được tâm thật của mình. Tâm buồn thương, giận ghét… là
dòng sinh diệt không dừng. Đã sinh diệt không dừng mà theo nó là ta chấp nhận
đi trong dòng sinh diệt.
Tuy
nhiên, bên cạnh tâm hư dối đó có tâm chân thật. Chúng ta phải làm sao phăng
cho ra, tìm cho được tâm chân thật ấy. Đó là gốc của sự tu. Như chúng ta ngồi
thiền để làm gì? Để bỏ tâm hư dối, cho nó lặng xuống. Tâm hư dối lặng thì tâm
chân thật hiện. Đó là giác ngộ được thân này giả dối, tâm suy nghĩ hư dối,
thì tâm chân thật hiện bày. Chừng nào tìm và sống được với tâm chân thật trọn
vẹn mới gọi là gần giác ngộ viên mãn. Như vậy, chúng ta đang đi trên đường
giác ngộ chứ đâu phải thường.
Ở đời,
người ta mê chấp thân, mê chấp tâm nên phải luân hồi sanh tử. Vì vậy kinh Viên
giác, Bồ-tát Văn Thù hỏi Phật: “Cái gì là nhân sanh tử luân hồi?”.
Đức
Phật dạy: “Người chấp thân tứ đại giả hợp là thân thật, chấp tâm hư giả sinh
diệt là tâm thật, đó là nhân luân hồi sanh tử”. Bây giờ chúng ta biết rõ điều
này tức đã có giác rồi. Chúng ta tu là thức tỉnh, nên cố gắng để thoát khỏi
mê lầm đó. Đây là lý do vì sao chúng ta chuyên tu thiền. Tu thiền để làm gì?
Để dừng, lặng tâm lăng xăng. Tâm lăng xăng lặng xuống thì tâm chân thật hiện
đủ. Đó là giác. Giác bằng cách thực hiện ngay nơi mình, chứ không phải tìm
kiếm ở đâu khác.
Những
buồn đau, giận hờn… xảy đến ta cứ chứa chấp sâu trong kho tàng thức, bây giờ
muốn loại trừ phải từ từ. Năm này một ít, năm kia một ít nó mới sạch, chứ
không phải một lần sạch liền. Vì vậy ngồi thiền là cốt loại những bóng dáng
của quá khứ còn lưu lại trong tâm, khiến nó tan mất đi. Chúng hết rồi thì cái
chân thật hiện tiền, hằng tri hằng giác của mình hiện bày. Tri giác ấy là
tánh Phật. Chư Phật ra đời mục đích để chỉ dạy cho chúng ta bấy nhiêu đó
thôi.
Nhận ra
tánh Phật hằng tri hằng giác, không suy nghĩ, không thương ghét, không hơn
thua là dứt tạo nghiệp thiện ác. Không tạo nghiệp thiện ác thì đâu có luân
hồi sanh tử. Đó là nhân giải thoát. Như vậy tu là giác ngộ, biết mình có cái
thật phải nhận lại, cái giả bỏ đi. Bỏ được những thứ hư dối, sống hoàn toàn
với tâm chân thật là giác ngộ. Giác ngộ là giải thoát sanh tử.
Chúng
ta cứ đúng theo đạo lý Phật dạy mà tu. Tu lâu ngày mọi thứ khổ đau mê lầm sẽ
giảm. Khi nào hết mê lầm tức là chúng ta được giác ngộ viên mãn. Như vậy mới
xứng đáng là Phật tử tức con của Phật. Tu là để giải thoát sanh tử, chứ không
phải cứ đi mãi trong mê lầm. Vì vậy Phật tử gặp Phật pháp, được quý thầy nhắc
nhở tu hành là có phước lớn, chứ không phải thường. Nếu không sẽ chìm mãi
trong biển khổ sanh tử, đeo đuổi theo những thứ tạm bợ của thế gian, chịu
nhiều đau khổ không biết đến bao giờ mới hết!
Vì thế người biết tu thương tất
cả mọi người, không thù ghét ai hết, bởi họ cũng mê lầm giống mình, đuổi theo
bóng dáng hư ảo rồi gây khổ cho nhau. Nên giác ngộ rồi tự nhiên phát lòng từ
bi. Lúc chưa giác ngộ mà khởi lòng từ bi, e đó chưa phải thật là từ bi. Đó là
điều chúng ta phải lưu ý, để không bị lầm lẫn trong lúc dụng công tu. Mong
tất cả hiểu được mục đích tu hành của mình để đạt được kết quả như sở nguyện.
HT.Thích
Thanh Từ
MỌI CHUYỆN RỒI SẼ QUA
Nguyễn Minh Tiến biên dịch
Điều quý
giá trong sự khôn ngoan để lại của người xưa đã giúp tôi rất nhiều là câu ngạn
ngữ: «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi.» Nó đã giúp tôi trong việc vượt
qua những điều bực dọc hàng ngày mà mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt,
cũng như nhiều giai đoạn khó khăn trong đời tôi.
Hãy nghĩ
kỹ về điều này. Tất cả mọi việc đều đến, rồi đi. Những rắc rối được tạo thành,
rồi tan biến. Một ngày kia, chúng ta đang trong kỳ đi nghỉ, ngày sau đó, trở lại
với công việc. Chúng ta mắc phải một cơn cảm lạnh hay cảm cúm, và rồi nó qua
đi. Chúng ta bị một vết thương, và rồi, trong hầu hết trường hợp, nó lành lặn
trở lại. Chúng ta mong đợi một sự kiện, và rồi sau đó cũng biết là nó đã qua
đi. Chúng ta mong đợi cúp bóng đá Super Bowl, và những ngày sau đó, lại mong
đợi cho mùa bóng kế tiếp.
Có một
cảm giác tự do lớn lao khi nhớ đến câu ngạn ngữ này. Trong thực tế, nó có thể
là nền tảng của một cuộc sống thanh thản. Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở
quan trọng rằng mọi thứ đều có một không gian, thời gian nhất định của nó. Nó
cho phép chúng ta nhìn thấy triển vọng tương lai trong những giai đoạn đang có
khó khăn, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi. Nó mang lại
cho chúng ta hy vọng và sự tự tin rằng chúng ta rồi sẽ vượt qua điều này – mọi
việc sẽ trôi qua, chắc chắn như vậy.
Lấy ví
dụ, khi bạn có con nhỏ, rất dễ có ý tưởng phàn nàn rằng: «Mình sẽ chẳng bao giờ
có được một đêm yên giấc như xưa nữa.» Nếu không có triển vọng thấy trước là
«Mọi việc rồi đều sẽ qua đi» thật rất dễ đi đến cảm giác quá sức chịu đựng,
thậm chí thất vọng hoàn toàn trong những giai đoạn khó khăn này. Mỗi một đêm
mất ngủ dường như là rồi sẽ kéo dài bất tận. Đầu óc bạn đầy sự lo sợ. Bạn cảm
thấy tuyệt vọng, thấy trói buộc và như quá sức chịu đựng.
Nhưng
chắc chắn là cũng giống mọi chuyện, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua đi. Và bạn
bước vào những giai đoạn thách thức mới. Cùng một khuynh hướng này sẽ áp dụng
cho tất cả những thách thức khác nữa của cuộc sống.
Bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng và cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể vượt qua nổi, nhưng rồi, bằng cách nào đó, bạn tìm được một giải pháp. Bạn có một trận cãi cọ dữ dội với vợ (hoặc chồng) mình, và thề là sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng cuối cùng thì bạn nhận thấy tận đáy lòng mình vẫn yêu thương như cũ. Bạn trải qua một giai đoạn cực kỳ bận rộn trong công việc, và bạn cảm thấy không thể nào chịu đựng lâu hơn nữa. Và rồi thời biểu của bạn cuối cùng cũng trở lại như bình thường. Lần này qua lần khác, chúng ta phấn đấu và vươn tới.
Khi chúng
ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi.
Mùa xuân, mùa hạ, rồi mùa thu. Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, rồi chê trách.
Khó khăn, dễ dàng, nghỉ ngơi và mệt nhoài. Thành đạt, thất bại, và bao nhiêu
điều khác nữa. Sự thanh thản và hạnh phúc chân thật chỉ đến khi chúng ta nhận
ra được nguyên lý này, không chỉ bằng cách hồi tưởng lại, mà là ngay trong khi
chúng ta đang trải qua những khó khăn. Bằng cách này, chúng ta giữ được trạng
thái quân bình giữa sự hỗn loạn.
Khi bạn nhớ rằng mọi việc đều đến và đi, bạn
giữ được cách nhìn của mình, một tâm hồn rộng mở, và thậm chí cả một tính khí
khôi hài, vui vẻ trong mọi giai đoạn của đời mình.
Tôi
khuyến khích bạn tự nhắc nhở mình câu ngạn ngữ này mỗi khi bạn cảm thấy bực
dọc, căng thẳng hay khó chịu, cũng như trong lúc bạn trải qua những giai đoạn
cực kỳ khó khăn. Cuộc sống rất ngắn ngủi. Con cái chúng ta nhỏ dại, rồi trưởng
thành. Bản thân chúng ta trẻ khỏe, rồi già yếu. Chúng ta sẽ đi qua tất cả những
điều đó. Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để duy trì một tâm hồn tươi đẹp và giữ
cho chính mình không rơi vào cảm giác quá sức chịu đựng là luôn nhớ rằng, mọi
việc – kể cả những việc rất khó khăn – rồi đều sẽ qua đi.
HIỂU VỀ Ý NGHĨA HAI CHỮ VÃNG SANH
PHƯỚC TUỆ SONG TU
NHẸ GÁNH LO ÂU
TU HỌC THEO PHẬT
ĐỪNG VỘI KẾT ÁN AI
THUYẾT PHÁP ĐỆ NHẤT
BỒ TÁT THƯỜNG BẤT KHINH
|