Cho Trọn Niềm Vui Mùa Vu Lan
Ân Cha Mẹ ví như núi cao, biển rộng, sông sâu, vì có Cha Mẹ mới có thân ta. Phận làm con, tu tập có được chút phước đức, công đức nào, nên hồi hướng cho Cha Mẹ. Sau đó, tạo duyên cho Cha Mẹ biết qui y Tam Bảo, đó là đền ân Cha Mẹ. Vì vậy, thương và quí kính Cha Mẹ nhiều chừng nào, chúng ta phải ráng tu nhiều chừng ấy. Nhờ phước đức cộng nghiệp của những người con chí hiếu mà Cha Mẹ mất đi, đời sau sanh ra gặp Phật pháp, biết sự tu hành. Cha Mẹ còn hiện tiền thì gặp được minh sư khai ngộ, hiểu đạo, tiến tu.
Ước rằng đóa hoa màu hồng thắm đều cùng được cài lên áo tất cả các bạn, không phân biệt, vì Cha Mẹ của tôi và Cha Mẹ của bạn luôn luôn hiện hữu. Đó là ý nghĩa: “Cho Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan”.
Đại Lễ Vu Lan hằng năm được tổ chức trang nghiêm trong các Tự Viện khắp nơi nơi. Những tà áo đủ màu, vàng, nâu, lam, hân hoan rộn ràng sánh vai cùng lo trang hoàng cho ngày lễ báo hiếu thiêng liêng. Một sự kiện quan trọng hơn hết của buổi lễ, là nhắc nhở con người ý thức sâu sắc trong tình Cha nghĩa Mẹ bảy đời, không phải chỉ Cha Mẹ một đời hiện tiền mà thôi.
Ý nghĩa hướng về tâm từ bi của đạo Phật, sau giây phút trang trọng của Lễ Vu Lan, phần cài hoa hồng trên áo, cùng nghĩa với sự tôn vinh hai đấng sanh thành, còn là “Ngày Cha Mẹ”. Sâu thẳm trong tâm của mỗi người con chí hiếu, như có tiếng gọi thâm tình và lòng báo ân, báo hiếu kỳ diệu, nhiệm mầu.
Văn hóa Phật giáo luôn chú trọng đến đời sống tâm linh. Đạo đi vào đời bằng những việc thiện lành đơn giản, như hoa hồng cài trên áo, nhưng có năng lượng hữu ích thiết thực vô cùng. Những người con Phật thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật, thì tất cả đều nên được, có quyền được cài đóa “Hoa Màu Hồng”. Tại sao? - Vì ai cũng có bảy đời Cha Mẹ, dù còn sống hay đã mất, Cha Mẹ là những đóa hoa màu hồng, tươi thắm đẹp vô ngần, và luôn được trân quí trong suốt phần đời bên các con.
Con người trên thế gian, tuy khác nhau về màu da, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, sang hèn hay đẳng cấp cao thấp, nhưng đều từ Cha Mẹ sanh ra. Ngày qua, năm tháng trôi đi, có người còn đủ hai đấng sanh thành, có người mất Cha, người thì mất Mẹ, cũng có những mãnh đời bất hạnh mồ côi cả Cha lẫn Mẹ. Tuy sống trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng không ai vui được khi nhận hoa màu trắng, ngậm ngùi, buồn tủi, tiếc thương, hối hận. Đã là hoa hồng, thì hãy luôn là màu hồng tươi thắm. Ý nghĩa nầy chính là tình thương Cha Mẹ trong các con, mãi mãi không bao giờ mất.
Đạo hiếu trong Phật giáo là một nền đạo đức chân thật, tự trong thâm tâm, không phải ở hình tướng bên ngoài. Tùy theo hoàn cảnh và trình độ hiểu biết mà thực hiện sự hiếu dưỡng cha mẹ đúng hay sai. Người tu theo lời Phật dạy, tin vào nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và sự tái sanh, hiểu rằng những người sống xung quanh, nhiều đời kiếp đã từng là Cha, là Mẹ, là anh chị em của mình.
Khi tâm phân biệt, đố kỵ, thù oán, hơn thua, tham vọng, ích kỷ, riêng tư, không còn nữa, con người sẽ có tình yêu thương bao la không có giới hạn, suy nghĩ cho người nhiều hơn cho mình, thì tâm đã gần giống Tâm Chư Phật lắm rồi.
Trong kinh Vu Lan Bồn, với cử chỉ hành động đầy lòng từ bi khiêm tốn và đức độ bình đẳng, tình thương cảm rất tế nhị của Đức Phật được diễn tả trong đoạn kinh sau đây:
Đáo bán lộ rành rành mắt thấy
Núi xương khô bỏ đấy lâu đời
Thế Tôn bèn vội đến nơi
Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng
Đức A Nan tủi lòng ái ngại
Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương
Vội vàng xin Phật dạy tường
Thầy là Từ phụ ba phương bốn loài
Ai ai cũng kính Thầy dường ấy
Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?
Phật rằng: Trong các môn đồ
Ông là đệ tử đứng đầu dày công
Bởi chưa biết đục trong cho rõ
Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu
Đống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ sanh ta
Luân hồi sanh tử, tử sanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây.
Khi đọc tụng đoạn kinh trên, lắng tâm suy ngẫm cho thấy một hình ảnh chân thật, cao quí trong tâm lý hoằng pháp. Đức Phật đã chỉ dạy chúng sinh phá đi tâm ích kỷ, tâm chấp tướng, tâm phân biệt nặng nề, nên trải lòng thương tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng tuyệt đối, không có nhân ngã. Dù còn sống hay đã thành xương trắng, những người sống trong luân hồi lục đạo nhiều đời kiếp, từng là thân bằng quyến thuộc với nhau.
Thông thường, con người dễ cảm nhận niềm vui riêng, bất chợt, vội cảm ơn hoa màu hồng trên áo, vì nhìn thấy có người phải tủi phận nhận hoa màu trắng. Tuy đó là niềm vui vi tế, không đáng trách, nhưng tâm từ bi chưa vẹn toàn. Tâm vị tha rộng rãi hơn, nên tự nhủ lòng rằng: “Ước rằng hoa màu hồng cùng cài lên áo tôi, và áo bạn, vì Cha Mẹ của chúng ta luôn luôn hiện hữu, cho niềm vui được trọn vẹn trong ngày Lễ Cha Mẹ thiêng liêng nhiều ý nghĩa”.
Có phải sau đó, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, một bông màu hồng cho anh, một bông màu hồng cho chị, một bông màu hồng cho em và một bông màu hồng cho tất cả những ai cũng có Cha Mẹ.
Bất luận người tu - xuất gia hay tại gia - đều có ý thức trách nhiệm, trong sự đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, không chỉ một ngày Lễ Vu Lan mà thôi, mà ở mọi thời khắc, mọi hoàn cảnh đều thấy được cơ hội để báo hiếu. Sự an lạc của Cha Mẹ khi còn hiện tiền, hay đã khuất, đều có sự chiêu cảm cần thiết từ các con. Phẩm hạnh đạo đức các con càng cao, là niềm hạnh phúc, là quà tặng tâm linh cho Cha Mẹ, không vật chất nào có thể sánh bằng.
Đạo hiếu hạnh sáng suốt của người tu học Phật Pháp, có thể cảm hóa được Cha Mẹ hướng về Tam Bảo, học hiểu từ giáo lý Đức Phật sẽ giúp Cha Mẹ bỏ ác làm lành. Tâm chánh tín, chánh kiến và phước đức ngày càng thăng tiến, kết quả đem đến an lạc hạnh phúc hiện tiền, khi xả báo thân được giải thoát về cảnh giới an lành tốt đẹp. Cũng vậy, đối với người xung quanh, kính trên nhường dưới, hướng dẫn qui y Tam Bảo, khuyên làm lành hướng thiện, là cách đền ơn Cha Mẹ tốt nhất.
Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn Cha Mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải
vật chất, tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ
Kheo, những ai đối với Cha Mẹ chưa sống trong thiện lành, thì hướng dẫn qui y
trong chánh pháp, trau dồi đức hạnh chánh trực; đối với Cha Mẹ sinh khởi tham,
thì khuyến khích bố thí; đối với cha mẹ còn tà kiến, thì khuyến khích vào chánh
kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho Mẹ và Cha”.
(Tăng Chi bộ Kinh I.
75)
Đối với Cha Mẹ, món ăn tinh thần dâng lên, cũng không thể không lựa chọn cẩn thận. Người có tuổi, sức khỏe thường nay đau mai yếu, hay buồn giận, dễ hờn tủi, nguồn vui chỉ mong sự săn sóc nuông chìu và hiểu biết của các con, đừng để sự cô đơn, nhớ con cháu giết lần mòn hai đấng sanh thành.
Cơ hội săn sóc Cha Mẹ là lúc tu thực hành nhiều nhất. Kiên nhẫn, bao dung, vị tha đem lại nguồn vui thanh thản cho hai đấng sanh thành. Khi chúng ta còn nhỏ Cha Mẹ lúc nào cũng hy sinh, bảo bọc, che chở và mong muốn tạo hạnh phúc cho các con. Nên dụng tâm, dành nhiều thì giờ thăm hỏi, chăm sóc, viếng thăm thường xuyên, đó mới chính là liều thuốc bổ giúp Cha Mẹ sống thọ, một cách báo hiếu hữu hiệu và công dụng nhất.
Ân Cha Mẹ ví như núi cao, biển rộng, sông sâu, vì có Cha Mẹ mới có thân ta. Phận làm con, tu tập có được chút phước đức, công đức nào, nên hồi hướng cho Cha Mẹ. Sau đó, tạo duyên cho Cha Mẹ biết qui y Tam Bảo, đó là đền ân Cha Mẹ. Vì vậy, thương và quí kính Cha Mẹ nhiều chừng nào, chúng ta phải ráng tu nhiều chừng ấy. Nhờ phước đức cộng nghiệp của những người con chí hiếu mà Cha Mẹ mất đi, đời sau sanh ra gặp Phật pháp, biết sự tu hành. Cha Mẹ còn hiện tiền thì gặp được minh sư khai ngộ, hiểu đạo, tiến tu.
Mong ước rằng Lễ Vu Lan từ nay về sau, sẽ là một ngày vui thật trọn vẹn, vì tất cả người con hướng về bảy đời Cha Mẹ, cùng một lòng hiếu hạnh báo ân. Cài trên áo một bông hoa màu hồng, giống y như nhau, không phân biệt, vì ai ai cũng có Cha, có Mẹ, để thương yêu và đền ơn. Tiềm năng vô tận của lòng từ bi ai cũng có, chỉ cần xử dụng phù hợp, khéo léo một chút thôi, thì đã có “Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan” đầy đủ ý nghĩa nhất.
Nguyện cho bảy kiếp
Cha Mẹ chúng con,
đượm nhuần mưa pháp.
Khi còn tại thế,
thân tâm an ổn,
phát nguyện tu trì.
Khi đã qua đời,
xa lìa ác đạo,
chóng thành Phật quả.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Bên em mùa Vu Lan
Mừng em ngực cài hoa hồng đỏ
Mừng em còn mẹ sống trên đời
Rưng rưng tôi nhận bông hồng trắng
Hoa trắng tôi cài đau đớn lắm em ơi
Mỗi màu hoa có một nỗi buồn vui
Mỗi giọt nước mắt có mấy tầng chua xót
Chiếc lá vàng thay mái đầu điểm bạc
Mẹ tôi đã đi xa
Đi xa mãi trần đời
Tháng bảy về nước mắt lại rơi
Hoa hồng trắng mà lòng tôi thâm tím
Chim mất mẹ tiếng hót buồn ai oán
Thui thủi một mình đêm lạnh co ro
Đời người là một chuỗi âu lo
Dẫu chẳng biết nắng mưa vẫn phải sống hết lòng hết dạ
Phụng dưỡng mẹ cha là điều cao cả
Hạnh phúc biết bao khi áo cài hoa hồng
Có chút gì xa xót trong lòng em không
Đi bên tôi mùa Vu Lan trầm lắng
Tôi mất mẹ ngực tôi cài hoa trắng
Hoa trắng buồn rưng rưng
Cùng em quỳ dưới tiếng chuông ngân
Ngôi sao lẻ loi
Bầu trời trống lạnh
Trong mắt em có nỗi buồn lấp lánh
Như có điều gì san sớt với tôi chăng.
AN CƯ KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
TKN Thích Nữ Chân Liễu
Ngày nay, y theo lời dạy của Đức Từ Phụ Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khắp nơi nơi, Chùa chiền, Tu viện, Thiền viện hằng năm đều trang trọng tổ chức chu toàn cho tứ chúng được hội tụ về an cư, sau đại lễ Phật đản.
Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Đức Phật đã để lại kho báu quí giá vô tận, củng cố niềm tin vào chân lý bất biến và khai mở trí tuệ bát nhã cho hàng đệ tử trong các mùa an cư khi Ngài còn tại thế.
Thế nào là an cư?
Tâm tĩnh lặng tự tại gọi là AN. Thân ở yên một chỗ gọi là CƯ. Tứ chúng là bốn
hình tướng của người tu bao gồm xuất gia và tại gia (Tăng, Ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ
nữ). Ngày xưa chỉ có chư Tăng và chư Ni hành pháp an cư. Ngày nay, khá nhiều
nơi, vì muốn gieo duyên xuất gia thù thắng trong một thời gian hạn định, các
bậc Tôn túc cho phép hàng cư sĩ, Phật tử tại gia tham dự an cư, tập tu đời sống
xuất gia, tìm hiểu học hỏi kinh Phật, nghe giảng pháp, làm quen cách sống đơn
giản tri túc trong thiền môn và còn có dịp tạo phước hộ trì tam bảo.
Tứ chúng tùng hạ an cư đều chân
thành thúc liễm thân tâm, thăng tiến giới hạnh, trưởng dưỡng từ bi, khai mở trí
tuệ, cùng chung mục tiêu giác ngộ và giải thoát.
Mùa an cư giúp người tu xa rời sinh hoạt ồn ào của cảnh trần, sáu căn (mắt tai
mũi lưỡi thân ý) được thanh tịnh, an trụ một nơi, có thời gian nghiên tầm kinh
điển. An cư chính là mong thân tâm được an định, ý nghĩ lời nói việc làm tỉnh
giác và luôn sống với tâm vô ngã vị tha, tâm từ bi tâm hỷ xả.
Đó cũng
là con đường tìm về “kho báu niềm tin và trí tuệ”.
KHO BÁU CỦA NIỀM TIN
Đạo tràng an cư giúp người tu thanh tịnh tâm và là nơi câu hội của tứ chúng tu học, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, trì chú, nghe pháp, học hiễu kinh luật, tham luận… để phát sinh niềm tin chính tín vào giáo lý Đức Bản Sư Thích Ca; hiểu rõ được chân lý vô thường, sinh, lão, bệnh, tử đang chi phối trong cuộc sống con người.
- Niềm tin vào luật nhân quả bình đẳng, người tạo nghiệp thiện nhận kết quả an vui, tạo nghiệp ác phải tự lãnh chịu hậu quả đau khổ, phát sinh từ nghiệp tạo tác của thân khẩu ý. Dụ như hòn đá nặng (nghiệp ác, tâm sân nặng nề) tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ (nghiệp thiện, tâm khinh an) tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai.
- Niềm tin nơi chính mình, thấy được bản tâm thanh tịnh vốn không sinh không diệt. Cứu cánh giải thoát sinh tử y cứ vào văn tư tu tức là lắng nghe pháp, thực hành thấy có lợi lạc, tu dứt hết phiền não, sạch tội nghiệp đạt đến niết bàn tịch tĩnh.
- Niềm tin là căn bản của sự thành công chiến thắng tự tâm, là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Lòng tin của người tu theo Phật một cách sáng suốt là không cuồng nhiệt, không sôi nổi, không so đo và không bản ngã (cái tôi).
- Niềm tin chân chính là sự tự do thật sự, không bị ép buộc, cũng không vì động lực của lòng tham, sân, si sai khiến. Tu và học phải song hành, từ đó phát sinh niềm tin vững mạnh, phân biệt chánh tà, đúng sai rõ ràng, không còn rơi vào mê tín hay bị dụ dẫn.
- Niềm tin Tam bảo là thấy giá
trị lợi ích của Phật Pháp Tăng đối với đời sống con người trong xã hội. Những
điều Đức Phật dạy và những gì bản thân Ngài chứng đắc trong quá trình tu
và hành đạo khổ hạnh, đã để lại cho hàng đệ tử xuất gia tại gia con đường đi
đến Niết Bàn là sự giải thoát hoàn toàn viên mãn. Thế nào là Tam Bảo?
+ Phật:
Bậc sáng suốt, giác ngộ cao tột, tự giác, giác tha giác hạnh viên mãn, phước
đức và trí tuệ lưỡng toàn .
+ Pháp:
Con đường lợi ích rốt ráo đưa đến giải thoát sinh tử, là cứu cánh để trao giồi
giá trị phẩm hạnh đạo đức thánh thiện và trong sạch thanh tịnh.
+ Tăng:
Tăng già thanh tịnh hòa hợp, đời sống đơn giản thanh bần, vì lợi ích chúng
sinh, quên mình cứu người giúp đời, tu hành theo hạnh Bồ Tát.
Những buổi cúng dường trai tăng, trai nghi trong mùa an cư, được tổ chức rất
trang nghiêm thanh tịnh, tứ chúng đồng tu tụng niệm, hồi huớng cho gia đình thí
chủ và cho tất cả mọi chúng sinh trong khắp pháp giới, đời đời được gặp chính
pháp, để tiến tu cho đến ngày giác ngộ và giải thoát.
Trước khi thọ thực, mọi người đều
thầm niệm tam đề và ngũ quán.
- Tam đề:
+ Một là nguyện không làm các điều ác,
+ Hai là nguyện siêng làm các việc lành,
+ Ba là nguyện độ tất cả chúng sinh.
- Ngũ quán:
1. Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,
2. Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,
3. Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,
4. Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,
5. Năm là tạm dùng vật thực để có
sức khoẻ hành đạo.
Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu nhiếp phục tâm, trước và
trong khi thọ dụng vật thực cúng dường của đàn na tín thí. Điều quan trọng là
giúp hành giả trên đường hành đạo luôn tinh tấn dũng mãnh, cố gắng trau giồi
đức hạnh, tăng trưởng lòng từ bi, quyết tâm đạt đến Phật quả và nguyện độ tất
cả chúng sinh được viên mãn.
Đó là
“Kho Báu Của Niềm Tin” mà mọi người tu xuất gia hay tại gia đều mong đợi và tin
tưởng.
KHO BÁU CỦA TRÍ TUỆ
“Nhân thân nan đắc. Diệu đạo nan cầu” - Thân người khó được. Chính pháp khó
gặp. Kiếp này đã được thân người, hội ngộ Phật Pháp, lại được gặp bạn đồng tu.
Người biết cách tu không phí thì giờ về những phiền não thị phi, quyết tâm tu tiến, trừ sạch các tâm ô nhiễm ganh tỵ, đố kị, tham lam, sân hận, si mê. “Phản quan tự kỷ” - xoay lại xét mình, không phê phán người, người tu sẽ thấy rõ thật tính của bản thân.
Thúc liễm thân tâm thanh tịnh,
trau giồi giới, định, tuệ, đó là tìm về trí tuệ sáng suốt Phật tính và phật
tâm.
Sinh hoạt tập thể là cơ hội tốt thực hành nếp sống tri túc, phát triển tâm vị
tha khiêm tốn, đối trị tâm vị kỷ ngã mạn. Tứ chúng đồng tu theo pháp lục hòa,
tuy có khác nhau về xuất xứ, trong hay ngoài giáo hội, nhưng tất cả đều bất tùy
phân biệt, cư xử bình đẳng, từ vật chất đến tinh thần.
Thân hòa, tâm hòa vui vẻ chấp tác, hăng hái hành đường, giúp đở nhau công quả từ chuyện lớn nhỏ, việc nặng nhẹ, tất cả đều hiểu biết và kính quí nhau trong tình đạo vị của chốn thiền môn an tịnh.
Mục đích đưa người tu đến chân
thiện mỹ, pháp Lục Hòa là sáu phương pháp hòa hợp thanh tịnh trong đời sống tập
thể như sau:
*- Thân hòa đồng trú: Sống chung tập thể, hòa
thuận đùm bọc nhường nhịn nhau trong tình thân. Không ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế
hiếp cô. Tránh việc phe phái chia rẽ.
*- Khẩu hòa vô tranh: Với tinh thần đồng tu, giữ gìn lời nói ôn hòa. Không tranh chấp từng câu từng lời. Luận bàn trong sự tương kính và bao dung.
*- Ý hòa đồng duyệt: Ý nghĩ thiện lành, vui vẻ trong sáng, thanh tịnh. Không cố ý tạo bất hòa, đố kỵ, ganh ghét. Đặt sự tôn trọng nhau và đồng hòa giải trên hết.
*- Giới hòa đồng tu: Giữ giới cùng tu, tự giác giữ mình trong kỷ luật và qui tắc. Không xét việc người tự soi mình, kính trên hòa dưới. Giúp đạo tràng trang nghiêm tề chỉnh và qui củ.
*- Kiến hòa đồng giải: Sách tấn nhắc nhở, cùng nhau học hỏi trong sự bình đẳng. Không phân cao thấp, hay dở, khen chê, chỉ trích. Dìu dắt cùng tu, cùng lợi lạc.
*- Lợi hòa đồng quân: Lợi dưỡng đồng chia, tài lợi vật chất đối xử công bằng. Không giành phần tốt để người khác chịu thiệt thòi, so đo tính toán. Chia xẻ đồng đều quân bình như nhau.
Con người còn sống là còn động, còn sinh hoạt là còn phiền não. “Pháp Lục Hòa” tạo được hòa khí trong tình đạo vị, xóa tan phiền não ngăn cách. Hơn vậy nữa, pháp nầy có công dụng nhắc nhở sự bình đẳng trong tăng đoàn, dùng đức phục chúng, người tu trước biết thương yêu lo lắng người tu sau. Kỷ luật tự giác, thời khóa đúng giờ, tinh tấn khắc phục giải đãi, tăng niềm tự tin trong cuộc sống. Đó là “Kho Báu Của Trí Tuệ” ngàn năm vô cùng trân quí không bao giờ mất.
LỢI ÍCH CỦA AN CƯ
Những tháng ngày an cư, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng
tu có thêm niềm tin chính tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chính
pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật Pháp được duy trì,
đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian
không thể nghĩ bàn.
Trong thời gian mùa an cư, mỗi buổi sáng, tứ chúng thức dậy thật sớm, trước
thời khóa tụng kinh Lăng Nghiêm có 30 phút tịnh tâm, mọi người trong chúng từng
bước nhẹ nhàng ngồi vào chỗ của mình, xếp chân với tư thế hoa sen, yên lặng
thiền tọa, niệm Phật, trì chú trong yên lặng. Trong khung cảnh trang nghiêm
thanh tịnh, không tạp niệm, buông bỏ phiền não, không nói chuyện, không niệm
Phật ra tiếng, cũng không lễ lạy. Thời khắc đó mọi người thấy rằng, nếp sống
thanh tịnh của người tu cần thiết và lợi lạc vô cùng.
Phạn thực kinh hành (Sau khi thọ trai Chư Tăng kinh hành niệm Phật)
Những thời khóa tụng kinh như nhắc lại lời Phật dạy, tiếp thu Phật Pháp trong lời giảng Chư tôn đức mở mang trí tuệ, sinh hoạt đối xử nhau đầy đạo tình đạo vị giúp cho tứ chúng đồng tu niềm tin sâu xa nơi Tam bảo. Nhờ có những mùa an cư lợi lạc, người tu mới hiểu biết cách tu đúng chính pháp, trang nghiêm giới hạnh và đi đúng theo con đường Phật dạy để đạt đến cứu cánh Niết Bàn.
Đó là phúc báu của kiếp được làm
thân người lại được sống trong giới Pháp của Chư Phật.
Tứ chúng xuất gia và tại gia đỉnh lễ thành tâm cung kính tri ân Chư Tôn Thiền
Đức tổ chức những mùa an cư hằng năm, đem tâm từ bi hỷ xả cao thượng trao
truyền ngọn đuốc Phật Pháp vi diệu. Các Ngài đã tạo duyên lành cho hàng Phật tử
xuất gia và tại gia chúng con được học hiểu sự lợi ích thực tế của công đức và
phúc đức, có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nơi trụ xứ.
Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ chính pháp trường tồn chúng sinh dị độ.
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
TKN Thích Nữ Chân Liễu
Tồn tại trên 2500 năm lịch sử trong một thế giới có rất nhiều tôn giáo, điều đó nói lên tính ưu việt của đạo Phật, một tôn giáo không có giáo điều mà chỉ tùy duyên truyền đạt, xuyên qua kinh nghiệm bản thân chứng đắc giác ngộ của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và chư lịch đại Tổ Sư đắc đạo.
Đức hạnh từ bi hỷ xả cao cả, cung cách thuyết giảng và hành xử của Đức Phật vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị biên, phá bỏ mọi chấp thủ, giải tỏa mọi phiền não, chế ngự được tâm lý sôi nổi và kích động đầy sai lầm của con người. Lời giáo huấn của Đức Phật từ bi lắng dịu, tinh khiết, trong sạch, không có tham ái ô nhiễm, dễ điều phục và luôn tỉnh giác. Vì vậy đạo Phật sẽ mãi mãi thăng hoa, tồn tại và tiếp tục được sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại cho nhiều thế hệ sau nữa.
Đức Phật đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni nước Ấn Độ. Phật tử Việt Nam ở xa xôi ngàn dặm mà lại có duyên hạnh ngộ với Phật Pháp, còn một số rất nhiều con người sanh sống ngay tại Ấn Độ, nhưng hoàn toàn không biết gì về Phật và cũng không nghe được lời giáo huấn của Ngài.
Hoàng đế Võ Tắc Thiên là vị nữ hoàng Trung Hoa đã phải thốt lên rằng: “Bá Thiên Vạn Kiếp Nan Tao Ngộ”, trăm ngàn muôn kiếp không dễ gì mà gặp được. Một sự kiện chân thật, vô cùng hiếm hoi quí giá đến bực nào để có thể giác ngộ và hiểu được lời Đức Phật dạy.
ĐẠO PHẬT BÌNH ĐẲNG VÀ TỰ DO
Đạo Phật bình đẳng và tự do chọn lựa các pháp môn tu, miễn sao hợp với căn cơ, hoàn cảnh và khả năng hiểu biết của từng người. Không có sự cưỡng ép hay áp đặt hù dọa, hoặc phân biệt giai cấp chủng tộc trong Phật giáo chân chánh. Trong đạo Phật có nhiều pháp môn tu, ba pháp môn tu điển hình và thực hành nhiều nhất có thể kể là: Tu thiền, niệm Phật và trì chú. Tất cả các pháp môn đi từ nhiều con đường, nhưng đều nhắm mục đích cứu cánh Đức Phật dạy là: Giác Ngộ và Giải Thoát. Giác Ngộ Chân Lý và Giải Thoát Sanh Tử.
1.- Tu thiền: Hành giả tu thiền thực tập chánh niệm, oai nghi trong sự đi, đứng, nằm, ngồi, chung qui là trụ tâm nơi hiện tại, loại bỏ vọng tâm, thanh tịnh thân khẩu ý, phương tiện của giới định tuệ. Điều phục tâm bình khí hòa, bình thường tâm là đạo.
2.- Niệm Phật: Hành giả tu hướng tâm theo Phật, niệm Phật cầu vãng sanh, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật, niệm thiện giới, loại bỏ niệm bất thiện, niệm ma, an tịnh thân khẩu ý, phương tiện của giới định tuệ. Chánh tâm biệt niệm, tịnh tâm thì có tịnh độ.
3.- Trì chú: Hành giả trì chú, đi đứng nằm ngồi đều trì chú, trụ tâm nơi thần chú, loại bỏ tâm lăn xăn vọng động, tập trung vào sự tỉnh thức không bị mê loạn, không cần phải đếm mới là trì, phương tiện của giới định tuệ. Thanh tịnh thân, tâm sáng trí thông.
Người thấm nhuần chánh pháp
Thanh lọc thân và tâm
Sống trong niềm hạnh phúc
Thiền định thật an lạc
Như kẻ tìm kho báu
Được lợi lớn cho mình
Hiền trí điều phục tâm
Tham ái chẳng mong cầu
Như tảng đá kiên cố
Bão tố không lay động. (Kinh Pháp Cú)
ĐẠO PHẬT THỰC TẾ VÀ CHÂN THẬT
Một Phật tử giác ngộ Phật tâm Phật tánh chân thật sáng suốt, nhận biết giữa đúng sai, thiện ác và không bị mê lầm điên đảo chấp chặt thành kiến, nhận sự ảo mộng là thật.
Đạo Phật làm biến đổi sự suy nghĩ vô minh của người kiêu mạn, nóng nảy, cố chấp. Giáo lý đạo Phật giúp thấy rõ bản chất thực tế của luật vô thường và luật nhân quả chi phối con người trong nhiều đời kiếp sanh lão bịnh tử.
Lời dạy của Đức Phật thực tế vô cùng, thích hợp mọi hoàn cảnh mọi trình độ và căn cơ của chúng sinh. Thân tâm bớt loạn động, bớt phiền não, dứt nghiệp chướng, thì điều phục được tâm tham, tâm sân, tâm si, chủ động được “thân khẩu ý”.
Giới-Định-Tuệ. Giữ gìn tịnh giới, tập tu thiền định, phát sanh trí tuệ. Những việc khó có như rùa mù nổi lên mặt nước gặp bọng cây, nhưng được thân người lại có nhiều phước duyên nghe được giáo huấn Phật dạy qua kinh điển, cố gắng hành trì thì cũng sẽ thắp sáng được ngọn đuốc trí tuệ.
1. Hiểu được kinh Phật là khó.
2. Bần cùng bố thí là khó.
3. Bỏ danh sắc rất là khó.
4. Nhục không sân là khó.
5. Quyền thế không khinh người là khó.
6. Tâm hành bình đẳng là khó.
7. Không dính cảnh thị phi là khó.
8. Gặp thiện tri thức là khó.
9. Chánh tín học đạo là khó.
10. Bỏ thân hành đạo là khó.
Hằng ngày trong cuộc sống, nơi công sở nếu mọi người biết áp dụng Phật pháp với lòng bao dung, tâm hỷ xả, không ngã mạn cố chấp, bình tỉnh, cư xử tốt với đồng nghiệp, bớt ganh tị đố kỵ, bớt hơn thua, thì bớt phiền não và sẽ cải thiện được môi trường sống, xung quanh trở nên thân thiện tốt đẹp hơn
Trong mọi tình cảnh khó khăn nào, nếu thực hiện sự chánh niệm tỉnh thức, tâm được an thì sự thông minh sáng suốt, năng lực về tinh thần tăng gấp bội, công nhân viên chức sẽ cống hiến được nhiều sáng kiến tiến bộ, việc làm bền vững hoàn hảo, đem lợi ích nhiều cho bản thân, gia đình và cho xã hội.***
Tóm lại, Phật giáo không hứa hẹn là có thể thỏa mãn khát vọng hạnh phúc vĩnh cửu phàm tục chứa đầy nghiệp báo cho riêng bất cứ ai. Nhưng kết quả từ giáo lý thực tế và chân thật của đạo Phật luôn luôn đem lại hòa bình hạnh phúc và an lạc cho mọi người. Sự bình an hạnh phúc bền vững chỉ tìm thấy ở tâm thiền định, thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt của người đã đạt được giác ngộ.
Nếu như xã hội có nhiều người tu theo lời Phật dạy, phát tâm thiện lành, lòng tràn đầy nhân ái của bậc thánh nhân và bồ tát, cõi thiên đàng cực lạc tại thế gian, ngày an lành đêm an lành, giấc ngủ được bình yên, thánh thiện.
Qua nhiều niên kỷ và thời đại con người đã có dịp kiểm nghiệm vai trò tôn giáo của đạo Phật qua thực tế áp dụng trong đời sống hằng ngày. Những vị đắc quả A La Hán sinh ra đời thời Đức Phật, bản thân cũng tự giác ngộ được những tri kiến như Phật, để lại tam tạng kinh điển dạy người đời sau đường lối tu chứng.
Khi liễu ngộ được sự nhiệm mầu vi diệu của Phật Pháp, con người dĩ nhiên đã không ngớt lời tán thán Đức Thế Tôn là bậc Thầy chỉ đường cho người chưa có phương hướng trong cuộc sống, đem đèn sáng vào trong bóng tối. Nói một cách khác, Đức Phật là một lương y đại tài, chữa được hằng vạn tâm bịnh khác nhau của chúng sinh.
Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa.
***
Pháp Phật vi diệu lại cao sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy, chuyên tu học
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
“VÌ CON” MẸ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
Trong cuộc sống, người mà khiến chúng ta đau lòng và phiền muộn thường là những người thân thiết nhất, tình thương càng sâu đậm thì tổn thương càng nhiều.
Cách đây một năm, vào mùa Vu Lan các Ni chúng trong chùa có duyên sự nên được tiếp chuyện cùng bác Diệu Chơn. Tuổi bác Diệu Chơn năm đó khoảng hơn 70, với đôi mắt thật buồn như muốn khóc cùng dáng vẻ mệt mỏi thất vọng. Giọng trầm buồn Bác hỏi:
- Thưa sư cô, tôi có thể vào ở chùa tu luôn được không?
- Thưa Bác có hỏi ý kiến của các người con chưa?
- Các con tôi không ai đồng ý cả, nhưng tôi thì chán lắm rồi, chỉ muốn vào chùa ở luôn không về nữa!
- Như vậy thì các con của Bác vì thương nên sợ rằng vào ở trong chùa với cuộc sống đạm bạc, trở ngại cho sức khỏe của Bác nên không đồng ý.
- Không! thương mẹ cái gì mà chúng chẳng bao giờ nhớ đến sinh nhật của tôi? Hai ba tháng mới về thăm một lần, khi về thì ngồi chưa được nửa ngày vội về, nói bận chuyện chồng chuyện con. Tôi trách móc rầy la thì giận hờn. Tôi nói tôi có bịnh chúng cũng không màng phone hỏi thăm. Tôi nấu món ăn ngon gọi về ăn, thì nói có việc phải làm không về được. Thật là tức muốn chết luôn. Con cái gì mà không nhớ tới Mẹ, cũng không sợ Mẹ buồn, mẹ giận gì hết. Các Cô xem như vậy đó, thôi đi tu núp bóng Từ Bi của Phật cho xong một kiếp người vô phước. (nói xong khóc thật nhiều)
- Thưa Bác, sống với người thân yêu mà quá nhiều khổ lụy và phiền não như vậy, thì có phải Bác nghĩ rằng vào chùa sống chung với những người xa lạ không thân bằng quyến thuộc gì cả, thì sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc chăng?!
- Tôi không muốn nghĩ nhiều như vậy, chỉ muốn đi cho con tôi nó thấy Mẹ là quan trọng, không có Mẹ xem chúng có hối hận không? Có nhận ra tôi đã làm những gì và hy sinh nhiều như thế nào để chúng có được như ngày nay. Ơn Mẹ to tát lắm đấy!!! (khóc)
- Xin thưa, Ni chúng đã nghe được những lời tâm sự vừa rồi. Bây giờ để giúp cho Bác có được một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản hơn, xin nhắc lại lời Phật dạy có câu: “Sống vì người không vì mình”.
Suy nghĩ vì người thì được hạnh phúc. Suy nghĩ vì mình quá nhiều thì đau khổ. Người muốn tu, sống trong hoàn cảnh nào cũng có thể tu được. Trước hết là tu tại thế gian (tu tại gia) với những người thân yêu bên cạnh. Khi đạt được hạnh phúc cho chính bản thân mình và tạo hạnh phúc cho những người thân sống chung quanh rồi, khi đó mới nghĩ đến chuyện tu xuất thế gian (tu xuất gia).
Bác hãy chuyển sự suy nghĩ vì mình quá nhiều và nên thấy rằng, các cô cậu còn trẻ có rất nhiều gánh nặng bổn phận, trách nhiệm và chuyện công ăn việc làm nhiều khó khăn, luôn luôn phải tranh đấu để lo cho gia đình đã bận rộn lắm rồi, chưa nhắc đến những bực dọc và phiền toái từ trong sở làm.
Nếu nhận biết như vậy Bác càng thương họ nhiều hơn, tâm bao dung, lòng hỷ xả, nghĩa là vui sống trong đồng cảm và tha thứ. Khi nghe các con quá bận, không có thì giờ để nghỉ ngơi, không còn nhớ thời gian qua bao lâu, kể cả sinh nhật của chính bản thân, họ có lẽ cũng không nhớ!!
Niềm hạnh phúc họ mang lại cho Mẹ, đó là họ đã cố gắng dành thì giờ ít ỏi về thăm Mẹ, được ăn những món ăn chính tay Mẹ nấu, những thời khắc hạnh phúc đó tuy không nhiều nhưng nếu với lòng thương con không tính toán, không đòi hỏi sự đền đáp, không chấp đúng chấp sai, không một lời trách cứ, không một niệm buồn phiền hay tổn thương vì cái tự ái chẳng đáng gì cả, thì hạnh phúc đó có phải đã tăng lên bội phần.
Sự an lạc là phần thưởng quí báu có ngay từ tâm cao thượng của những người Mẹ thương con vô bờ bến.
TKN Thích Nữ Chân Liễu (2010)
Kính
mời tham khảo:
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/05/muoi-ieu-tam-niem-kinh-mung-ai-le-phat.html
HẠNH BỐ THÍ TRONG ĐẠO PHẬT - DỌN KHO ĂN TẾT
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/02/hanh-bo-thi-trong-ao-phat.html
LỄ PHẬT ĐẢN – BƯỚC SEN THỨ 7 – QUẢ VỊ PHẬT
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/05/muoi-ieu-tam-niem-kinh-mung-ai-le-phat.html
VIÊN NGỌC MINH CHÂU
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/09/vien-ngoc-minh-chau.html
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ – NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2022/02/giot-nuoc-la-sen-thich-nu-chan-lieu.html