Saturday, May 10, 2014

*** BƯỚC SEN THỨ BẢY - QUẢ VỊ PHẬT









TKN.Thích Nữ Chân Liễu


Mùa Phật Đản đối với những người con Phật là mùa hoa sen nở, thật khó có thể diễn tả hết được niềm hỷ lạc bình an một cách vi diệu trong mùa lễ hội nầy. Hạnh phúc thay, lành thay bậc trí tuệ giác ngộ ra đời. Cách nay 2635 năm, tại vườn Lâm tỳ ni, thành Ca tỳ la vệ, Thái tử Tất đạt đa chào đời, như bao hài nhi khác, là một con người sống trên thế giới ta bà, thật sự có cha mẹ, có gia đình và thân bằng quyến thuộc.


A.- Theo truyền thuyết,

Ngay khi đản sanh, Thái tử Tất đạt đa đi 7 bước, có 7 đóa sen đỡ chân. Truyền thuyết nầy mang nhiều ý nghĩa thâm sâu và nếu hiểu theo tinh thần tu học, có rất nhiều lợi ích cho người tu.

Một vị Phật ra đời, hay một con người ở thế gian phát tâm bồ đề, đều có thể tu giải thoát, đạt đến địa vị Tôn Quí Tối Thượng. Sự đản sanh của một vị Bồ Tát hy sinh cả cuộc đời vì lòng đại từ đại bi vô tận và đã hành Bồ tát đạo nhiều đời nhiều kiếp, kiếp cuối (nhất sanh bổ xứ) trải qua nhiều khổ hạnh và thiền định, với tâm tầm đạo giải thoát, cứu khổ chúng sinh.

1.- SÁU BƯỚC HOA SEN - HÀNH BỒ TÁT ĐẠO



Thái tử Tất đạt đa sau khi cắt đứt mọi trần duyên ràng buộc, xuất gia tu hành  chứng túc mạng minh, thấy biết nhiều đời kiếp trước, Ngài đã từng sanh ở đâu, làm gì, trong lục đạo; tất cả những chuyện quá khứ, được chính Đức Phật thuyết và các vị tỳ kheo kết tập lại trong Kinh Bổn Sanh Bổn Sự. Như vậy, đã nhiều kiếp trước khi thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật cũng đã trải qua sáu nẻo đường sanh tử luân hồi.

Hình ảnh bánh xe luân hồi diễn tả sự trôi lăn tử sinh của chúng sanh trong lục đạo, tức sáu cảnh giới: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh. Giáo lý đạo Phật chủ trương không tin vào một thượng đế sáng tạo, toàn năng, toàn quyền, thưởng phạt con người tùy tiện theo lòng thương ghét.

Giáo lý đạo Phật giải luật nhân quả rất rõ ràng. Niềm tin sâu xa vào luật nhân quả bình đẳng, giúp con người tâm bình an, dù bao phiền não xảy ra, bởi: từ thân, khẩu, ý, người tạo nghiệp thiện hưởng kết quả, người tạo nghiệp ác chịu hậu quả; dù là người thân yêu nhất muốn cứu hay thay thế cũng không được. 

Dụ như hòn đá nặng tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai.Niềm tin sâu luật nhân quả thiện ác ảnh hưởng vào sự tái sanh 6 cõi luân hồi (thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh). 


*Cõi Thiên: Sanh về cõi trời, nơi phúc lạc thế gian, hưởng phước đã tạo tác. 

*Cõi Nhơn: Sanh vào nhân gian làm người, giàu hay nghèo, có thiện có ác. 

*Cõi TuLa: Sanh nhà quyền quí, phước báo gia đình, cùng chung cộng nghiệp. 

*Cõi Địa Ngục: Sanh vào nơi đau khổ, vì nghiệp ác sâu dầy, thiện nghiệp ít.

*Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, tham lam ích kỷ.

 
*Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát, si mê quá nặng.


Tuy sống trong lục đạo luân hồi, nhưng các tiền kiếp Đức Phật là vị Bồ Tát hằng sống với Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) và thường hành Lục Độ Ba La Mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ).
Sự nổ lực tu tập Bồ tát hạnh, thực hành Bồ tát đạo của riêng từng cá nhân con người trong thế gian, có thể vượt thoát khỏi lục đạo sanh tử hay không? 


Bước hoa sen thứ 7 nói lên rằng:
Điều đó có thể, điều đó không do ân huệ trời ban cho, hay thần linh thượng đế dành phần riêng cho ai cả, mà chính do nơi tâm đại từ, đại bi, đại lực, đại tinh tấn của người tự tu, tự chứng đạt được mà thôi. 


2.- BƯỚC SEN THỨ BẢY - QUẢ VỊ PHẬT

Sáu bước sen tinh khiết được tích tụ từ Bồ tát hạnh trong lục đạo. Với tâm từ bi, thanh tịnh, sáng suốt, nhiều đời nhiều kiếp tu hành, Bồ Tát từng xả bỏ thân mạng, cứu khổ ban vui, chan rải ánh sángtừ bi và trí tuệ cho muôn loài.

Ý nghĩa của 6 bước hoa sen đầu tiên thể hiện sự luân hồi trong lục đạo. Thái tử Tất đạt đa dừng lại ở bước sen thứ 7, đó chính là kiếp cuối cùng, chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, ngay trong cõi nhân gian này. 

Đức Phật khi đản sanh bước đi được đến đóa sen thứ bảy, chứng thực một sự thật sâu xa, thật khó thấy khó hiểu, khó nghĩ bàn. Đó là Niết Bàn tịch tịnh của chính con người tu từ bi và trí tuệ, tự cảm nhận được một cách rõ ràng mà thôi.

Đệ tử Phật môn, muốn vượt thoát ra khỏi sự khổ nạn trong 6 cõi luân hồi sanh tử và bước vào được hoa sen thứ 7, đạt đến Niết Bàn an tịnh không còn đau khổ nữa, cần phải tu học và thực hành theo lời Đức Phật dạy: "Con người phải chiến đấu mạnh mẽ với tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê và phải dùng gươm trí tuệ cắt đứt những đam mê dục vọng danh lợi mà người thế gian cho là quí cần chiếm đoạt và hưởng thụ".


B. Theo truyền thuyết,

Ngay khi đản sanh, Thái tử Tất đạt đa đi 7 bước, có 7 đóa sen đỡ chân. Khi dừng lại trên hoa sen thứ 7, Thái tử Tất đạt đa tay mặt chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất, có ý nghĩa là làm phải (tốt) thì sanh lên cõi trên thiên, nhơn, atula, làm trái (ác) thì đọa xuống cõi dưới địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh và tuyên bố:

“Thiện thượng thiên hạ,duy ngã độc tôn”.


Trong cuộc đời này, con người thường sống với vọng tâm, vọng ngã, trôi lăn theo cảnh trần đối đãi thị phi, thương ghét, thay đổi tùy duyên tốt xấu bên ngoài, cho nên tâm luôn luôn bất an, loạn động, phiền não, khổ đau. Cốt tủy của đạo Phật dạy là: con người nên biết sống với chân tâm, chân ngã, không dính mắc, không trôi lăn, dù cảnh trần đời vô thường, biến đổi, tâm vẫn an nhiên tự tại. Đó chính là ý nghĩa thâm sâu của thuyết vô ngã, hay duy ngã độc tôn.


Đức Phật dạy:
Ai còn tham luyến tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi, thời có dao động.
Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không còn chấp . Ai không còn chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có sanh diệt. Ai không còn sanh diệt, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau.  
(Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh)


Chấp ngã, ham muốn, dục vọng càng to, càng xa Niết Bàn. Đức Phật là bậc đại từ, đại bi, đại trí, đại lực, xa rời tất cả ác pháp, sáng suốt phá tan vô minh phiền não, vượt qua đối đãi (nhị nguyên), đạt được Niết Bàn tịch tịnh. Người phàm trần thường chấp đúng sai, hơn thua, thương ghét, tốt xấu, khen chê, thật giả, nên bị chi phối, trói buộc, mê mờ, vô minh luân hồi sanh tử mãi, không thoát ra được.


Cũng chính vì cái bản ngã ràng buộc mà chúng sanh chìm nổi trong biễn khổ luân hồi. Đức Phật dạy pháp quán vô ngã, nhìn cho thấu đáo tứ đại đều do duyên hợp thành, chưa diệt được cái ta tự tôn tự đại, thì còn đau khổ, còn sanh tử. Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, bước ra khỏi lục đạo là giải thoát sanh tử.
Theo "Lý duyên khởi" thì:


*- Cái nầy có, thì cái kia có (có ham muốn ích kỷ, thì có đau khổ tranh chấp)

 
*- Cái nầy sanh, thì cái kia sanh (có trói buộc tham ái, thì có thù oán sân hận)

*- Cái nầy không, thì cái kia cũng không (không có tham dục, không có ưu bi khổ não)

 
*- Cái nầy diệt, thì cái kia cũng diệt (bản ngã diệt, vô minh sanh tử diệt).


Vô minh sanh tử diệt, đạt cứu cánh Niết Bàn.


Đức Phật không đến từ một cõi siêu nhiên thần bí nào. Bản chất một con người, Ngài luôn cảm nhận được một cách trọn vẹn nỗi thống khổ của đời người, từ lúc sanh ra, già, bịnh và chết. Sau khi chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, Đức Phật lưu lại thế gian thuyết pháp và giáo hóa cho tất cả chúng sanh bằng tâm từ bi bình đẳng tuyệt đối, chỉ rõ con đường tu để đạt đến Niết Bàn tịnh lạc. Đức Phật tuyên bố:


"Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".
                              
Phiền não biết, phiền não đoạn.
Tham sân biết, tham sân dứt.
Vui buồn biết, buồn vui dừng.
Thiện ác biết, thiện ác bặt.
Từng sát na biết, còn gì dính mắc.
Tự tại vĩnh hằng.
Trời xanh mây trắng bay. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


 CÁCH NHẬN BIẾT VỀ VÔ NGÃ
Hà Hữu Minh

Vô ngã là một học thuyết rất khó trình bày, và cũng có rất nhiều người không đồng tình về nó. Lý do đơn giản là vì chúng ta chưa đạt đến trạng thái vô ngã, vẫn luôn còn chấp thủ về “tôi, của tôi, và tự ngã của tôi”. Ngay cả những người hiểu sâu về học thuyết vô ngã, những nếu không thực sự ứng dụng tu tập thì sự chấp thủ về ngã vẫn còn bám riết lấy họ, đôi khi lại mạnh mẽ hơn nữa. Trong bài viết này, tôi không đi sâu vào phân tích về con người như những gì mà các nhà Phật học đã từng làm, để chứng minh rằng con người là vô ngã, mà tôi chỉ phác thảo một vài điểm cơ bản để trình bày bài viết của mình.
Theo tôi, vô ngã và tánh không là hai tên gọi khác nhau cùng chỉ cho thực thể của vạn pháp. Tất nhiên nhận định như vậy không nhận được sự đồng tình của tất cả những bộ phái Phật giáo khác nhau. Ở đây, trước khi đi vào phân tích đề tài này, tôi xin được trình bày hai vấn đề cơ bản:
1 – Nhiệt tâm tu tập, với mục đích từ bỏ tất cả những thói quen mà con người đã huân tập trong suốt cuộc đời này và cũng như trong suốt những kiếp sống quá khứ. Những thói quen bao gồm kiến thức, niềm tin, tình yêu, hận thù, và tất cả những hành vi khác của con người.
2 – Tin vào luật nghiệp báo, bằng cách đó ý niệm về ngã có thể được đoạn trừ dần dần và thể tính hiển lộ thông qua việc tích tập những phước đức đạt được nhờ thực tập Sáu pháp Ba-la-mật (paramita): bố thí Ba-la-mật (dana paramita), trì giới Ba-la-mật (shila paramita), nhẫn nhục Ba-la-mật (kshanti paramita), tinh tấn Ba-la-mật (virga paramita), thiền định Ba-la-mật (dhyana paramita), và trí tuệ Ba-la-mật (praya paramita).
Phương pháp một và hai là những pháp môn tu tập, nhưng nếu không có một nền tảng lý thuyết vững chắc thì người ta có thể đi lạc hướng, hay có thể đánh mất sự nhiệt tâm sau một thời gian thực tập đối với phương pháp hai. Vì thế chúng ta có phương pháp thứ ba.
 3 – Thiết lập nền tảng lý thuyết cho con đường 1 và 2 thông qua việc học hỏi và suy nghĩ thấu đáo, tìm kiếm cách thức chặt bỏ những cành nhánh của “thân cây tự ngã” này.
Qua những gì được trình bày chúng ta thấy rằng con người hoàn toàn luôn thay đổi cả thân lẫn tâm. Nó không có một tự thể cố định, nó là vô thường nên vô ngã. Như đã nói, ở đây tôi không đi vào phân tích con người theo cách phân tích qua hợp thể ngũ uẩn như các nhà Phật học thường làm, mà chỉ phân tích theo cách nhận diện hình dạng đặc tính dễ hiểu nhất.
Có lần tôi đã giới thiệu học thuyết về “vô ngã” này cho một vài người bạn của tôi. Một người đã la lên, “Nếu tôi đánh mất bản ngã của tôi và trở thành không, tôi có thể tồn tại bằng cách nào đây?”. Về câu hỏi này, tôi đã trả lời, 
“Đức Phật sau khi giác ngộ ở tuổi 35, nhận biết rằng không có một ngã thể, thế mà Ngài đã sống một cuộc đời an lạc cho đến khi 80 tuổi”. Phá bỏ thái độ chấp ngã, và hiểu biết về tính không, không có nghĩa là kết thúc đời sống. Ngược lại, những nhận thức như vậy là bắt đầu cho một đời sống hạnh phúc.



VUI ĐẠO

CĂN TU

-      Thưa Thầy! xin Thầy xem dùm con có căn tu không vậy?

-      Ừ thì ai cũng vậy muốn tu, tức là có căn tu rồi đó.

-      Nhưng mà con làm Bác sĩ phải mỗ xẻ thú trong phòng thí nghiệm.
Mỗi ngày đều phải sát sanh thì làm sao đây?

-      Ôi…!!! Thật là tội lỗi…!!! tội lỗi, như vậy là không có căn tu, cũng chưa biết tu.

-      Vậy con phải làm sao đây?

-      Bỏ  job đó liền lập tức.

-      Thôi rồi! thế thì cả nhà vợ con chắc chết đói rồi, Thầy ơi cứu con…!!!


LÀM ĐẸP

-      Chị hai có thấy em của chị đẹp hơn những người bạn của em không vậy?

-      Đẹp! nhưng đẹp hay không quan trọng là đẹp nết ở bên trong.

-      Ở bên trong đâu có ai thấy được, trong khi đẹp ở ngoài thì so sánh là thấy liền!

-     !!!

BBT LOTUS LANTERN