Tuesday, June 3, 2014

Ý Nghĩa Chuyện Bà Lão Cúng Đèn Thời Đức Phật



TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU
 
Ý Nghĩa Chuyện Bà Lão Cúng Đèn Thời Đức Phật
 

Thời đức Phật còn tại thế, có một bà lão nghèo khổ, ăn xin độ nhật. Bà lão ăn xin vì hoàn cảnh nghèo khó, hằng ngày chỉ biết lo miếng ăn, nên chưa bao giờ gặp được đức Phật. Tuy thế, bà lão vẫn âm thầm ngưỡng mộ, quí kính đức Phật.

Một hôm, có lễ hội cúng dường Phật và chư Tăng, từ hàng Phật tử tại gia giàu sang, quyền thế, cho đến những người có thiện tâm đều nô nức trẩy hội. Ngày hội gần đến, gần xa nô nức kéo về tịnh xá Kỳ Viên.

Lúc nầy, bà lão nghĩ rằng: Một đời mình đói khổ, lại già nua, sắp hết tuổi trời, nếu hội này không gặp Phật thì không bao giờ được gặp Ngài. Nghĩ như thế, bà lão vừa lần hồi xin ăn dọc đường, vừa đến gần Kỳ Viên tịnh xá, nơi đức Phật và chư Tăng đang trú ngụ.

Khi đến gần Kỳ Viên, một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ chưa từng thấy, ngựa xe chen chúc, đủ mọi hạng người nêm cứng những con đường về tinh xá. Dọc trên những con đường đó, hoa kết, đèn treo để cúng dường đức Phật và chư Tăng. Những ngọn đèn sơn son thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan đại thần, bên cạnh những ngọn đèn nhỏ hơn của hàng thứ dân dâng cúng. Đủ thứ loại ngọn đèn sáng trưng, màu sắc chói cả mắt người qua lại.

Bà lão tự nghĩ mình chỉ có khả năng cúng dường Phật Pháp Tăng một ngọn đèn nhỏ nhoi, không cầu gì cho riêng mình cả, nhưng tâm nguyện rằng: Ngài là đấng Thế Tôn, là bậc đại từ đại bi, có thể đem Pháp cam lồ giúp chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Hạnh nguyện cao thượng với bồ đề tâm “vì người không vì mình” của bà lão, được đức Phật chứng tri.

Thế rồi, bà lão dốc hết cả gia tài chỉ được 2 xu, để mua cây đèn nhỏ và dầu thắp. Bà lão hướng về Kỳ Viên tịnh xá, hướng về đức Phật đảnh lễ, mong đức Phật chứng tri cho tấm lòng thanh tịnh và thành kính đã phát nguyện.

Ba ngày đêm trôi qua, những tràng hoa héo rủ, những ngọn đèn lần lượt cạn dầu rồi tắt ngúm. Chỉ riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo ăn xin vẫn còn cháy sáng. Hiện tượng đó thật kỳ lạ, nên mọi nguời truyền nhau đi xem, ai cũng cho rằng đó là điều hy hữu, xưa nay chưa từng thấy. Một thí chủ giàu sang đến thưa hỏi đức Phật: Tại sao ngọn đèn nhỏ, ít dầu kia vẫn còn cháy sáng?
 
Đức Phật dạy rằng: Vì đó là ngọn đèn của một thí chủ, tuy nghèo khó, nhưng tâm kính trọng Phật Pháp Tăng và hạnh nguyện cao thượng vượt bực mà cúng đèn.

Tâm của bà lão chỉ cầu mong ánh sáng từ bi và trí tuệ soi sáng đến muôn loài. Vì tâm thành hiền lương thanh tịnh cao tột đó, nên ngọn đèn Phật tâm Phật tánh hiển hiện của bà lão vẫn còn sáng mãi không tắt. Những ngọn đèn khác tuy sang trọng hơn, lớn hơn, nhưng do tâm chúng sanh phàm phu ích kỷ, vì tư lợi mà dâng cúng, và lòng tham mong cầu riêng cho bản thân. Tất cả chỉ cháy sáng trong một thời gian ngắn rồi cũng đều lịm tắt.



Suy Ngẫm: Có hai loại ngọn đèn:

1. Ngọn đèn trí tuệ: tượng trưng "Phật tâm Phật tánh" sáng suốt của mỗi con người ai cũng có sẵn, bình đẳng, không có biệt  trừ. Chỉ có phàm phu mới có tâm phân biệt giai cấp, sang hèn, hơn thua, so đo, nên sanh phiền não. Ý nghĩa cúng đèn với bản tâm thanh tịnh, mồi ánh sáng trí tuệ từ ngọn đuốc Phật Pháp. Ngoài ra, không cầu xin gì riêng cho cái tôi (bản ngã), không đòi hỏi Chư Phật phải ban cho mình gì cả và cũng không tính toán hơn thua danh lợi. Đó mới là tấm lòng cúng dường Phật Pháp trong sáng thanh tịnh, vì người không vì riêng cá nhân mình, gia đình mình (gọi là cúng dường ba la mật), cho nên tương ưng với tâm của Chư Phật và Chư Bồ tát. Ngọn đèn công đức, đầy đủ từ bi trí tuệ đó cháy mãi với thời gian.

2. Ngọn đèn thế tục: tượng trưng sự giàu có phô trương, mặc dù nhiều dầu, sang trọng, mắc tiền, nhưng có lúc cũng phải cạn và lịm tắt dần. Ví như của cải sang giàu, phước báu, nhưng khi hưởng hết, hoặc cuối cuộc đời rồi cũng phải buông xuôi, mất đi tất cả theo luật vô thường. Con người thế gian khi cúng đèn với tâm cầu xin hưởng phước, đòi hỏi nhiều việc từ nơi Chư Phật, Chư Bồ tát, cầu mong được giàu sang an nhàn (cúng dường cầu danh lợi) cho riêng bản thân, thì chỉ được phước hữu lậu trong thời gian ngắn ngủi. Đèn thế tục còn lắm phiền não, tham lam và ích kỷ thì không thể cháy sáng lâu dài được. Đó là những phước báo rất ít ỏi khiến cho con người trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo.

Người tu học đạo phải trải lòng cao thượng rộng lớn, Từ Bi Hỷ Xả, trong khi cúng dường hoa, trái, nhang, đèn, nên phát tâm cầu giác ngộ Chánh Pháp hiện đời cho mình và cho tất cả chúng sanh, đều thành Phật đạo. Tu tâm sửa tánh, không khinh người, giúp đời hành thiện, tha thứ bao dung. Đó là hạnh nguyện đúng chánh pháp của người phát tâm tu theo Phật, hành Bồ Tát đạo. 




Đạo Phật chẳng phải là Tôn giáo
      
      Tất cả Tôn giáo trên thế giới đều phải có các yếu tố: Oai quyền, nghi thức, suy lường, truyền thống, ân điển và thần bí ...
     Về Tôn-giáo của nhân loại, sáu yếu tố này đã phát huy được tác dụng trọng yếu, nhưng chúng lại sanh ra các tệ đoan. Tệ đoan nầy làm cho thực cảnh của Tôn-giáo ngày càng hoang vu và lẩn quẩn trong mê tín.
     Phật Thích-ca đã làm sạch sự hoang vu này để cho chân lý được hiển lộ. Trong Phật-giáo thật chẳng có sáu yếu tố trên :
I. Chẳng có oai quyền :
     Đặc quyền của Bà-la-môn đứng trên các giai cấp ở Ấn-độ thời đó đều bị Phật từ chối. Ngài nói với mọi người chớ nên mê tín và ỷ lại thói quen của thế tục, chớ nên vì thấy một học thuyết ở trên kinh điển cho là phù hợp với tín ngưỡng của mình, hoặc vì lời khai thị của đạo-sư mình mà mình lại tin và mến nó, cho nó là ngọn đèn của mình.
     Chúng ta ở hiện tại cho đến sau khi chết chỉ tin nơi chính mình, chẳng cần sự tiếp tay của người khác. Chỉ có khả năng của chính mình mới đạt được cảnh giới tối cao.
II. Chẳng có nghi thức :
     Phật cho rằng tất cả nghi thức và tế lễ chỉ có hiệu lực bó buộc tinh thần của con người. Về điểm này, nhiều người đã hình dung Phật-giáo chẳng thuộc về lý tánh đạo đức của Tôn-giáo nào cả.
III. Chẳng có suy lường :
     Lý do này rất đơn giản. Đối với sự cầu tri giải của tham dục, Phật cho là chẳng thể giúp cho sự khai mở trí huệ. Thí dụ như một người bị trúng mũi tên độc, anh ta không cho thầy thuốc chữa liền lại đi tìm hiểu mũi tên và người bắn ... Anh ta sẽ chết trước khi tìm hiểu được.
IV. Chẳng có truyền thống :
     Phật kêu gọi tín đồ từ chỗ bị đè ép nặng nề mà tự thoát ra, chớ nên tôn sùng ỷ lại và giữ lấy những lời dạy bảo của đời trước truyền xuống. Nếu tín thọ phụng hành những giáo điều ấy, sẽ làm cho mình mê hoặc và đau khổ, biết đến khi nào tự giác ngộ được chính mình. Phật cho rằng : Nên cắt đứt truyền thống đời xưa là tốt nhất.
V. Chẳng cầu ân điển :
     Vận mệnh của mình không do người khác định đoạt, dù là Thần Tiên cho đến Phật cũng không giải quyết thay cho mình được, mà phải nhờ tự lực mới giải thoát đến cùng tột.
VI. Chẳng có thần bí :
     Phật hoằng dương một Tôn-giáo không có thần bí. Ngài dạy tất cả bói toán tiên tri ... đều là môn học thấp kém, không cho môn đồ làm những phép thần bí này.
    “Người dùng tà thuật để hiển bày kỳ lạ đều chẳng phải đệ tử của ta, làm phép thần bí là một việc rất nguy hiểm”.

(LOTUS LANTERN SƯU TẦM)
 

 TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ

HT THÍCH NHẤT HẠNH

Tu Phước là gieo nhiều hạt giống phước đức (punya), như bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm, như giúp người và làm những điều lành khác để sau này được hưởng hạnh phúc. Tu huệ là quán chiếu học hỏi luôn để mỗi ngày trí tuệ mỗi lớn thêm và có công năng giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc khổ đau. Ở Việt Nam đôi khi mình nói: "người đó chỉ tu phước thôi chứ không tu huệ" câu nói có vẻ chê bai; nhưng thật ra nếu không có huệ thì cũng khó có phước lắm. Tại sao người ta tu phước? Tại thấy rằng tu phước đem lại hạnh phúc cho mình và cho người: như vậy trong hành động tu phước đã có huệ rồi và những người tu học thông minh thì vừa tu phước vừa tu huệ (gọi là phước huệ song tu). Nếu tu hành cho vững chãi, ta sẽ thấy rằng trong phước có huệ và trong huệ có phước.

Có nhiều cách tu: khi quán niệm hơi thở thì gọi là tu an ban, khi ngồi thiền gọi là tu thiền tọa, khi đi thiền hành là tu thiền hành, khi rửa nồi gọi là tu rửa nồi, khi lau bát lau nhà gọi là tu lau bát lau nhà. Nếu tu đúng cách mình sẽ thấy rằng khi lau bát hoặc chùi cầu tiêu hoặc giúp một người đói... không phải ta chỉ tu phước mà cũng tu huệ. Khi tu tập ở Làng Hồng, giữ gìn chánh niệm, gieo trồng những hạt giống tươi mát an lạc vào tâm thức hàng ngày, không chỉ ta chỉ tu huệ mà cũng đang gieo trồng rất nhiều hạt giống phước đức. Nói một cách đơn giản hơn, đó không phải chỉ là phước hay là huệ, chỉ là tu thôi. Tu như vậy là để đạt tới sự giải thoát ra khỏi những khổ đau và đem lại thêm an lạc và hạnh phúc. Hành động tu học của mình không phải là một cái gì tách ra khỏi kết quả của sự tu học; trong khi tu học mình phải cảm thấy được cái hạnh phúc của sự tu học; như vậy mới đúng tinh thần tu học ở đây. Phương tiện và cứu cánh là một. Bước một bước chân trong chánh niệm, hớp một hớp trà, thở một hơi thở... những hành động đó gọi là tu tập.

Tu ở đây biểu lộ khả năng có hạnh phúc của mình (the capacity to be happy). Thật ra trong tâm thức người nào cũng có một hạt giống gọi là khả năng có hạnh phúc. Nếu mỗi ngày biết tưới tẩm hạt giống đó thì mình sẽ có hạnh phúc và có liền trong phút giây mình tưới. Điều mà chúng ta phải làm là biết tưới tẩm hạnh phúc của mình ngay bây giờ, để cho khả năng cho hạnh phúc trong con người mình được phát triển, và như thế mình có hạnh phúc ngay trong giờ phút mình đang tu học. Nếu xét lại phương pháp tu học ở đây, ta sẽ thấy rằng hằng ngày chúng ta ngồi thiền, đi thiền hành, uống trà, ăn cơm trong chánh niệm... là để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi chúng ta. Nếu trong khi làm những điều đó mà chúng ta an trú được trong hiện tại và chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta đã làm đúng và tu đúng. Nếu trong khi làm những thứ đó mà ta vẫn thấy u sầu, vẫn nghĩ rằng ta chỉ có được hạnh phúc trong tương lai thì ta đã không làm được đúng pháp môn mà thầy đã trao truyền và ta đang thực tập.

Khi thiên hạ hỏi "ở Làng Hồng quý vị tu theo pháp môn nào? Vipassana, thiền đại thừa hay Phật Giáo Việt Nam thống nhất?" Ta có thể nói: "Chúng tôi đang thực tập hạnh phúc." Khi mình có thể cắt đứt được những lo lắng, bực bội và sầu đau đã qua (những gì vừa xảy ra hồi nảy, vài giờ trước, vài ngày trước hay vài tháng, vài năm trước) và có thể cắt đứt được những tính toán và lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra trong vài giờ, vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm nữa (thuộc về tương lai), thì mình đã có thể bước được những bước chân có an lạc và khỏe khoắn trong giờ phút hiện tại, nở được một nụ cười, và lúc đó mình đã thật sự có tự do để có thể tiếp xúc với sự sống. Mình có thể thấy rõ là mình còn sức khỏe, còn hai mắt sáng thấy đủ hết các màu sắc, hình dáng, và đường nét; tai mình còn nghe được gió thổi, mưa rơi, chim hót, tiếng nói của người thương và đủ thứ âm thanh khác...

Được như vậy, mình có hạnh phúc lập tức, và đồng thời làm cho khả năng có hạnh phúc của mình biểu lộ ra, và người khác nhìn sẽ thấy liền. Khi được người ta khen ngợi mình, nói rằng cô ấy hay anh đó có sức chịu đựng lớn, làm việc siêng năng, thông minh... mình chưa thực sự cảm thấy hãnh diện. Nhưng nếu được khen là có khả năng có hạnh phúc, có an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi và tươi mát, thì ta sẽ sung sướng hơn, bởi vì một người hạnh phúc và tươi mát như vậy sẽ biết cách chia xẻ niềm vui cho rất nhiều người. 

Cần cù siêng năng mà cau có buồn bã thì chẳng sung sướng gì lắm. Người ta thường nói tu phước là chất chứa công đức để sẽ có hạnh phúc trong tương lai. Đó là một định nghĩa chưa được chính xác trong tinh thần Bụt dạy. Thật ra nếu tu phước đúng pháp thì hạnh phúc đó nằm trong phút giây hiện tại. Và mình biết rằng trong hiện tại mà có hạnh phúc như thế này thì trong tương lai nhất định sẽ có hạnh phúc. Tương lai được làm bằng hiện tại. Dù mình có cực khổ cách mấy mà trong hiện tại mình không có hạnh phúc thì tương lai mình cũng không có hạnh phúc đâu, lý do là tương lai được làm bằng chất liệu hiện tại. Ngày hôm nay nếu bạn mỉm cười được, thảnh thơi được, an trú được trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân, từng tách trà, và từng nụ cười, thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm nay sẽ làm ra cái vốn liếng hạnh phúc cho ngày mai. Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ý tưởng là hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới có thể sung sướng. Ví như câu ca dao:
Rủ nhau đi cấy đi cày
bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
trên đồng cạn dưới đồng sâu
chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Hôm nay khó nhọc ngày mai mới có thiên đường của hạnh phúc. Không chắc lắm đâu. Tôi thấy hai câu sau có chân lý nhiều hơn và đẹp hơn hai câu đầu. Hai câu ấy cho thấy rằng làm việc chung, có đủ vợ, chồng và con trâu là vui biết mấy! Cùng đồng tâm làm việc, đó đã là hạnh phúc rồi, đâu có cần ngày mai ngày mốt gì nữa. Nếu đã đồng tâm làm việc trong hạnh phúc hôm nay thì tương lai dĩ nhiên sẽ được làm bằng hạnh phúc.

Khả năng có hạnh phúc của mình được biểu lộ trong hai trường hợp: trường hợp không làm việc và trường hợp làm việc. Đi thiền hành cũng hạnh phúc mà chùi nồi cũng hạnh phúc. Đi thiền hành, cắt đứt hết những tính toán lo âu, sợ sệt, bước những bước thật thanh thản và nhẹ nhàng, miệng nở nụ cười tươi mát, hít thở không khí trong lành buổi sáng, đó hạnh phúc đã đành mà chùi nồi cũng vậy: trong khi chùi nồi ta cắt đứt những lo lắng, lăng xăng, những suy tư tính toán, ta không hấp tấp, ta làm việc thật thanh thản, thì việc chùi nồi không thua kém gì việc đi thiền hành hay ngồi thiền tọa. Trong những lúc đó mình thật sự có hạnh phúc, mình an trú trong giây phút hiện tại, mình là một con người thật sự tự do. 

Trong khi chùi nồi, nếu ta không bị kéo đi bởi chuyện đã qua và chuyện sắp tới, nếu ta cắt đứt được những sợi dây phiền lo tính toán bất an, thì ta thực đang chùi nồi một cách thật thanh thản, an lạc, và ta không làm hấp tấp như đang bị ma đuổi. Bị ma đuổi là cố làm cho mau xong để còn đi học kinh. Nếu nghĩ rằng học kinh mới là hạnh phúc còn chùi nồi không có hạnh phúc, thì khi học kinh ta cũng có thể không an trú được trong việc học kinh, ta sẽ vừa học kinh vừa tính toán tiếp: học kinh cho giỏi thì mới có hạnh phúc trong tương lai, phải học cho cực khổ thì sau này mới hạnh phúc. Học kinh đâu có quan trọng bằng sống theo lời kinh dạy. Tu là thực tập sống theo lời kinh dạy, tập an trú thảnh thơi trong từng hơi thở, từng giây, từng phút, từng bước chân và từng hành động. Khi an trú thảnh thơi được trong từng phút giây của sự sống, ta tiếp xúc được với tất cả những sâu sắc mầu nhiệm của sự sống.

Ta nhìn sâu vào hiện tại để thấy hiện tại bao gồm hết quá khứ và tương lai, bao gồm cả vũ trụ vạn hữu. Thấy quá khứ và tương lai nhưng ta không trôi lăn vào quá khứ và vào tương lai, bởi vì trong chánh niệm, hiện tại vẫn là nền tảng. Mình phải chứng minh khả năng hạnh phúc thảnh thơi của mình trong từng giây phút. Những phương pháp thực tập để ta tự biến từng phút giây của sự sống ta thành những phút giây an vui hạnh phúc thảnh thơi đã được trao truyền, và nếu quý vị nghĩ rằng tới Làng Hồng chỉ để học kinh Đại Thừa thôi thì rất là uổng. Quý vị nào mới tới chưa được hướng dẫn xin hỏi quý vị thọ giáo của Làng vì những người đó biết cách làm mà cũng thực sự đang tự làm hạnh phúc cho chính mình.

(trích "Về Việt Nam", NXB Lá Bối, Hoa Kỳ 1992)

 
DỪNG LẠI THÊNH THANG
 

Bấy lâu nay,
Y có kế sống nhàn,
Kể từ khi
Giữa dòng cuồng lưu trôi lăn,
Sóng gập ghềnh cuốn hút và chảy xiết,
Một cái chuyển thân tuyệt kỷ,

Từ dòng nước xoáy y nhảy phóc lên bờ.
Lạ lùng thay!
Y trở thành người vô sự,
An nhiên bất động trên thạch bàn.
“Ngày ấm mặt trời chiếu
Đêm lạnh vầng trăng soi”
Mặc dòng nước lững lờ buông xuôi
Trôi trong âm thầm lãng quên lặng lẽ.

Tất cả mọi thứ trôi qua, trôi qua và trôi qua.
Kỳ diệu thay!
Y không thò tay vớt,
Cũng chẳng cần biết nó là gì.
Chỉ ngồi đây lặng lẽ
Như đã từ muôn thuở
Giữa vầng nhật nguyệt đăng minh.
Ô hay!

Bỗng dòng trôi chậm lại,
Chậm lại và đứng yên,
Mé trước, mé sau và chặng giữa,
Đọng lại thành một giọt long lanh,
Mặt nước đóng thành băng giá.
Bờ bên này và bờ bên kia,
Không còn dấu vết,

Người ngồi đây cũng mất hút tự bao giờ.
Tuyệt vời thay!
Chỉ còn lại
Cảnh giới tịnh lưu ly trong suốt,
Giữa vầng thái dương chói sáng rạng ngời.

THÍCH TUỆ GIÁC

 
LUÂN HỒI LÀ ĐAU KHỔ, PHẬT PHÁP LÀ AN LẠC
TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG ĐẠO PHẬT
ĐỨC HỶ XẢ
CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH