Friday, April 18, 2014

***ĐÁM CƯỚI TRẦM MẶC NƠI CỬA PHẬT


Trầm mặc đám cưới nơi cửa Phật
 
Còn nhớ cách đây không lâu, khi đám cưới của diễn viên hài Thúy Nga được tổ chức ở Thiền viện Thường Chiếu (Đồng Nai), giữa sắc áo nâu vàng của hơn 100 chú tiểu, dư luận đặc biệt quan tâm đến "hiện tượng lạ" này. Bởi, từ trước đến nay, các "sao" thường lựa chọn những không gian tổ chức tiệc cưới hoành tráng, chứ ít người lại chọn nơi trầm mặc của cửa chùa.
Trao đổi qua điện thoại, nữ diễn viên cho biết, mặc dù đám cưới đã diễn ra gần hai năm nhưng những nghi thức trước bàn thờ Phật khiến cho chị không bao giời quên. Giây phút đó, chị cùng chồng và gia đình hai bên rất xúc động.

"Tôi ấn tượng nhất là khi trao nhẫn cho nhau trước sự chứng kiến của các sư thầy, chúng tôi nhận được lời giáo huấn ý nghĩa về đạo lý vợ chồng. Chiếc nhẫn chỉ là vật tượng trưng để biết người đó đã kết hôn, nhưng sư thầy không chỉ trao chiếc nhẫn mà còn trao chữ "nhẫn" vào tim mỗi người để biết nhẫn nhịn mà sống bên nhau trọn đời".

Hiện xu hướng làm đám cưới nơi cửa Phật khá phổ biến tại TP.HCM và Hà Nội. Thứ 7 (29/12/2012), chúng tôi tìm đến chùa Đình Quán (xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội) để tìm hiểu về xu hướng tổ chức đám cưới nơi cửa Phật của giới trẻ. Chúng tôi được thầy Thích Đàm Nguyện, trụ trì chùa Đình Quán cho biết, đầu tuần có một đôi bạn đến ngỏ ý xin được làm lễ Hằng Thuận tại chùa. Nhà chùa cũng đang chuẩn bị các nghi lễ cần thiết, chờ gia đình hai bên chọn ngày đẹp để tổ chức hôn lễ.

Thầy Thích Đàm Nguyện cũng cho biết, trong mấy năm trở lại đây, chùa Đình Quán đã tổ chức hơn 10 hôn lễ cho các đôi trẻ ở chùa. Những cặp vợ chồng trẻ này đều đang sống hạnh phúc và vẫn thường xuyên lên chùa lễ Phật cầu an.

Thầy Thích Đàm Nguyện cho biết, buổi lễ trong chính điện vừa xong thì việc sắp xếp, dọn các bàn tiệc cũng sẵn sàng. Các sư thầy, chư tăng ngồi bàn riêng, gia đình hai họ và thân hữu vào mâm với những bàn tiệc bày biện sang trọng không kém nhà hàng, tất cả đều là cơm chay. Đám cưới ở chùa nhiều nghi thức nhưng lại rất tiết kiệm cho hai họ.

Theo chia sẻ của chị H., một người đã từng làm lễ Hằng Thuận tại chùa, vợ chồng chị đã kết hôn được hơn một năm. Thứ 7 hàng tuần, vợ chồng chị lại lên chùa lễ Phật cầu an. Chị H. cho biết, sở dĩ vợ chồng chị chọn tổ chức đám cưới nơi cửa Phật là vì không muốn sát sinh. Điều đó sẽ tích được phước lành và cuộc sống gia đình về sau mới hạnh phúc. "Ban đầu quyết định như thế, tôi hơi lo, vì bạn bè đâu phải đều theo đạo Phật và ăn chay như mình, nhưng cũng may, khách mời đến đông đủ và rất vui vẻ", chị H. vui vẻ nói.

Chị H. bộc bạch, thời gian qua rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn cưới tiệc chay. Khi tham dự một bữa tiệc cưới chay, các vị khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú khi thưởng thức các món ăn chay lạ miệng, được bày trí độc đáo với những tên gọi hấp dẫn như: gỏi Cửu niên diện bích, lẩu Dược sư hải hội, súp Kiến tâm kiến Phật, cơm Bạch ngọc long bửu, món tráng miệng Thưởng nguyệt luyến hoa... "So với tiệc cưới bình thường thì tổ chức tiệc chay còn giúp các bạn trẻ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể ", chị H. nói.

Không chỉ tổ chức hôn lễ Hằng Thuận (là nghi lễ cưới hỏi theo phong tục Phật giáo), nhiều cô dâu chú rể còn mong muốn được tổ chức tiệc cưới đãi khách bằng toàn những món chay. Đặc biệt, ở TP.HCM, chùa Vĩnh Nghiêm là nơi được nhiều đôi uyên ương tin cậy khi nghĩ tới đám cưới nơi cửa Phật. Ngay cạnh chùa còn có một nhà hàng chuyên đãi tiệc với quy mô 140 bàn, nơi đây thường xuyên diễn ra lễ cưới cho các đôi uyên ương Phật tử.

Tại chùa Đình Quán, chúng tôi bắt gặp đôi bạn trẻ Tuấn - Trang (Linh Đàm, Hà Nội) đến tìm hiểu về lễ Hằng Thuận. Chuẩn bị cho cuộc sống gia đình, đôi bạn trẻ Tuấn - Trang cũng muốn quay lại lễ cưới truyền thống. Theo bật mí của Trang, đầu tiên, gia đình đôi bạn trẻ phải thỉnh ý kiến của sư thầy trụ trì, sau khi nhận được sự đồng ý của thầy thì mới chuẩn bị cho buổi lễ kéo dài khoảng một giờ, đầy đủ lễ nghi, thủ tục.

Hôn lễ được tổ chức tại điện Tam Bảo, không có âm nhạc, không có tiếng cười đùa, chỉ có tiếng kinh cầu đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và sắc y vàng rực rỡ của lễ phẩm nhà Phật. Cô dâu, chú rể cùng gia đình, thân hữu mặc lễ phục tiến vào đứng cạnh nhau theo lối chính giữa điện Tam Bảo, chia nhau chỗ ngồi theo đúng quy cách "nam tả, nữ hữu", nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải.

Nghi thức hôn lễ tổ chức tại chùa được tiến hành như một buổi lễ cầu an với những tên gọi như: Nghi thức cầu an lễ thành hôn; Nghi thức lễ thành hôn; Nghi thức hộ niệm hôn lễ… Trong nghi thức này, phần lễ thức thường được chú trọng hơn phần nghi lễ. Phần chính của lễ Hằng Thuận chính là bài pháp ngắn của vị chủ lễ trước khi trao nhẫn cho cô dâu chú rể, khuyên đôi bạn trẻ sống đúng với chánh pháp và đạo lý ở đời.
Sau đó, cô dâu, chú rể quỳ lạy hai bên cha mẹ, quỳ đọc theo năm lời phát nguyện mà cô dâu, chú rể phải thệ nguyện và làm theo nhằm giữ cho cuộc sống gia đình mình yên ấm. Sau mỗi lời phát nguyện, tiếng chuông chùa lại vang lên như chứng giám cho những lời hứa của đôi vợ chồng trẻ.

Quay về giá trị truyền thống
 
Trao đổi với PV, thầy Thích Đàm Nguyện cho biết: "Lễ Hằng Thuận là nghi thức lễ cưới được tổ chức trang nghiêm tại chùa hoặc thiền viện. Ngoài ra, lễ Hằng Thuận cũng có thể tổ chức tại nhà thờ tổ của dòng họ. Theo tên gọi, "Hằng" là thường xuyên, luôn luôn, còn "Thuận" là hòa thuận, đồng thuận, hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Vì vậy, mục đích chính của lễ Hằng Thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm".

Theo chia sẻ của thầy Thích Đàm Nguyện, với đôi vợ chồng trẻ sau đám cưới, họ có thêm một gia đình, đó là gia đình tâm linh. Sau này, mỗi khi cuộc sống vợ chồng gặp khó khăn, họ có thể đến với gia đình tâm linh của mình để được nghe những lời chỉ bảo và giải tỏa những bộn bề lo toan, mang lại cuộc sống yên ổn, thanh thản và hạnh phúc.
Bên cạnh đó, việc tổ chức trong chùa cũng sẽ đem lại cho cô dâu, chú rể một lễ cưới trang trọng. Mâm cỗ với những món chay hoàn toàn, không có bia, rượu vừa giúp gia đình theo đạo Phật tránh khỏi việc sát sinh, đồng thời cũng rất có lợi cho sức khỏe của gia đình và quan khách hai bên.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, khi bước vào hôn nhân, ai cũng mong muốn mình có được một lễ cưới như mong đợi với quy mô hoành tráng, nhiều gia đình còn coi đó là một trong những cách để thể hiện, mà không để ý đến những nghi thức truyền thống của một lễ cưới mang bản sắc Việt. Để rồi, sau khi kết thúc buổi lễ, đôi uyên ương và gia đình lại chịu cảnh nợ nần. Niềm vui, hạnh phúc của đôi uyên ương chưa thấy đâu, nhưng hậu đám cưới đã trở thành gánh nặng với đôi vợ chồng trẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lễ cưới theo phong cách hiện đại, hiện nay, nhiều bạn trẻ đã chọn lựa một cách khác để tiến tới hôn nhân, mà ở đó đôi vợ chồng trẻ phải thật sự thấu hiểu được nhau, mong muốn cùng nhau giải tỏa những bộn bề lo toan. Điều đó rất đáng khích lệ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, hiện nay, tại Việt Nam có nhiều gia đình theo đạo Phật. Vì vậy, việc tổ chức đám cưới tại chùa theo lễ Hằng Thuận sẽ giúp các cô dâu, chú rể có thêm lòng tin vào hôn nhân, từ đó cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình hòa thuận, yêu thương, chung thủy, có trách nhiệm và mục đích sống.   
N.G
 
Sử dụng của cải một cách hợp lý

  Hòa thượng K. Sri Dhammananda – Thích Tâm Quang dịch

Đối với đa số, một người, một cộng đồng hay một quốc gia giàu có có nghĩa là ‘giàu có’ trong ý nghĩa có nhiều tài sản hay tiền bạc do sự đạt được từ vật chất. Nghĩa chữ của cải nguyên thủy là trạng thái hạnh phúc. Khối cộng đồng thịnh vượng mang ý nghĩa ấy. Nhưng bây giờ người ta sử dụng danh từ này vào ý nghĩa tài sản thường để khuyếch trương phúc lợi vật chất hơn là mở mang trạng thái tinh thần .

Đương nhiên chúng ta không thể không công nhận lòng ham muốn của cải là yếu tố phụ quan trọng để thành công nếu được gìn giữ trong phạm vi thích đáng. Ham muốn, chính nó không phải là một tội lỗi. Tuy nhiên không kiềm chế nó sẽ dẫn đến sự bất mãn không ngừng, thèm muốn, tham, sợ hãi và tàn ác với đồng loại. Tích lũy tiền bạc có thể mang đến một thứ hạnh phúc ở một mức độ nào đó, nhưng không thể tự nó mang lại sự thoả mãn hoàn toàn.


Hầu hết những người có nhiều của cải lại thất bại vì họ không hiểu phương tiện với cứu cánh. Họ không hiểu bản chất, ý nghĩa và chức năng đúng của của cải, của cải chỉ là một phuơng tiện mà người ta có thể đạt được cứu cánh của hạnh phúc tối thượng. Nhưng ta có thể hạnh phúc mà không cần phải giàu có. Một câu chuyện cổ Trung Hoa làm sáng tỏ việc này .

Có một ông vua muốn biết làm sao có được hạnh phúc thực sự. Một vị đại thần tâu với vị vua này muốn có hạnh phúc thực sự là phải mặc áo của một người thực sự hạnh phúc. Sau một thời gian dài, nhà vua đã tìm được một người hạnh phúc thực sự, nhưng người sung sướng hoàn toàn này lại không có áo cho nhà vua. Không có cả đến cái áo mà lại là người hạnh phúc!

Của cải phải được sử dụng hợp lý và khôn ngoan. Của cải phải được sử dụng cho hạnh phúc chính mình và cho người khác. Nếu một người bỏ hết thì giờ bám víu vào tài sản của mình không chu toàn nhiệm vụ với xứ sở, dân tộc và đạo giáo, kẻ đó sống một cuộc sống trống trải đầy phiền muộn. Có quá nhiều người bị ám ảnh với sự đạt được vật chất đến mức mà họ quên cả trách nhiệm với gia đình và người đồng loại. 

Hạnh phúc là một điều lạ. Bạn càng chia sẻ hạnh phúc bao nhiêu thì bạn lại càng toại nguyện bấy nhiêu.
Nếu ta ích kỷ, đến khi phải từ giã thế giới này, thì đã quá trễ để tận dụng của cải của ta. Không một ai, kể cả người giàu có, được thực sự lợi lạc từ những người giàu có chuyên tích lũy của cải.



Làm thế nào để có một đời sống đạo đức
Đức Dalai Lama thứ Mười Bốn


Tinh túy của đạo Phật là: nếu có khả năng, ta nên giúp đỡ người khác; nếu không thể giúp họ, thì tối thiểu nên hạn chế việc gây hại cho họ. Đây là tinh túy của cách sống một cuộc đời đạo đức.
Mỗi một hành động đều bắt nguồn từ một động cơ. Nếu ta phương hại người khác, điều này bắt nguồn từ một động cơ; và nếu ta giúp đỡ người khác, điều ấy cũng bắt nguồn từ một động cơ. Thế nên, để hỗ trợ hay phục vụ người khác, chúng ta cần một động cơ nào đấy. Vì thế, ta cần các khái niệm nào đó. Tại sao ta lại giúp đỡ và không phương hại người khác?

Thí dụ, khi ta sắp làm hại ai đó, ta có một loại ý thức nào đấy và điều này sẽ khiến ta kềm chế hành động của mình. Điều này có nghĩa là ta cần có một sự quyết tâm [không làm hại cho người khác]. Một góc của tâm thức ta muốn làm hại người nào đó, nhưng vì một trạng thái nào đó của tâm, một phần khác của tâm ta cho rằng điều này là sai trái, là không đúng. Bởi vì ta thấy rằng nó sai, thế nên ta phát triển một ý chí và tự kềm chế mình. Về mặt của hai sự lựa chọn [gây hại hay kềm chế,] chúng ta cần có một sự ý thức rằng những hành vi nào đó sẽ có những hậu quả lâu dài. Là con người, chúng ta có trí thông minh để thấy được những hậu quả dài hạn. Khi ta thấy được chúng, ở một mức độ nhất thời, ta có thể tự kềm chế mình.

Ở đây, có hai cách tiếp cận khác nhau mà ta có thể chọn lựa. Với cách thứ nhất, ta nghĩ theo khía cạnh của sự quan tâm cho bản thân mình, rồi nếu ta có thể giúp đỡ ai đó, ta sẽ hành động; còn nếu không thể giúp, ta sẽ tự kềm chế mình để [không gây ra bất kỳ sự tổn hại nào]. Cách tiếp cận khác là suy nghĩ theo khía cạnh của sự quan tâm về người khác và cũng như vậy, nếu ta có thể giúp họ, ta sẽ giúp; còn nếu không, ta sẽ tự kiềm chế để không gây hại cho họ.

Về khía cạnh kềm chế để không làm tổn thương người khác, ta sẽ nghĩ: “Nếu mình làm điều này, mình sẽ đối diện với những hậu quả tiêu cực bao gồm những hậu quả về mặt pháp lý” và thế là ta tự kềm chế mình vì lý do này, đó là sự tự chế vì lý do quan tâm đến bản thân mình. Bây giờ, khi suy nghĩ về người khác như một lý do, ta sẽ nghĩ: “Người khác cũng giống như mình. Họ không muốn khổ đau; vì vậy, ta sẽ tránh làm hại họ.”

Khi ta rèn luyện [tâm thức mình], trước tiên, ta nghĩ về bản thân rồi nghĩ đến người khác một cách nhiệt tình. Về mặt hiệu quả, việc nghĩ đến người khác một cách nhiệt tình là điều mãnh liệt hơn. Về phương diện giới Ba La Đề Mộc Xoa – tức biệt giải thoát giới, truyền thống giới luật của sự tu tập trong tu viện – nền tảng chính yếu là suy nghĩ về bản thân mình và vì vậy mà ta tránh việc gây hại cho người khác. Đó là vì ta đang hướng đến mục đích giải thoát. Về mặt tu tập bồ tát hạnh, lý do chính để không phương hại người khác là sự quan tâm đến phúc lợi của tha nhân. Có lẽ điều thứ hai, đó là tránh gây hại và giúp đỡ người khác trên căn bản vị tha, có một sự liên hệ với trách nhiệm phổ quát mà tôi rất thường đề cập đến.

Tính Chất Cơ Bản của Con Người

Nói chung, con người là những động vật xã hội. Bất kể là ai, sự sống còn của người ấy tùy thuộc trên toàn thể cộng đồng nhân loại. Vì sự sống còn và phúc lợi của mỗi cá nhân lệ thuộc vào xã hội, nên nhu cầu nghĩ đến phúc lợi của người khác và quan tâm về nó xuất phát từ bản tính cơ bản của chúng ta. Nếu ta nhìn vào những con khỉ đầu chó, thí dụ thế, con khỉ già hoàn toàn lãnh trách nhiệm cho cả đàn. Trong khi những con khác đang ăn thì con khỉ đực già luôn luôn canh chừng ở bên cạnh chúng. Con thú mạnh hơn sẽ chăm sóc cả đàn vì lợi ích của xã hội loài thú.

Ngày nay, trong thế kỷ hai mươi mốt, có quá nhiều sự thay đổi đã xảy ra trong xã hội loài người. Sự khác biệt giữa chúng ta đã phát triển – những sự khác biệt về học vấn, nghề nghiệp và bối cảnh xã hội. Thậm chí có sự khác biệt về tuổi tác và chủng tộc – nhưng tất cả những điều này không quan trọng. Ở mức độ cơ bản, chúng ta vẫn là con người và tất cả đều giống nhau. Đây là mức độ của hàng trăm nghìn năm trước.

Thái độ của trẻ thơ là như thế. Chúng không quan tâm về bối cảnh xã hội, tôn giáo, chủng tộc, màu da hay sự giàu có của những đứa trẻ khác. Chúng cùng nhau nô đùa; chúng là những người bạn chân thật của nhau, cho đến khi nào chúng còn thân thiện với nhau. Bây giờ cứ cho rằng những người lớn như chúng ta thông minh và phát triển cao độ hơn trẻ con, nhưng chúng ta xét đoán bối cảnh xã hội của nhau. Chúng ta tính toán, “Nếu mình mĩm cười thì mình sẽ được những gì mình muốn không; còn nếu mình nhăn mặt thì mình sẽ mất mát điều gì hay không?”


SỐNG CHẾT KHÔNG SẦU KHÔNG KHỔ

Này ông, tâm không khổ
Với người không kỳ vọng
Mọi sợ hãi không còn
Với người kiết sử đoạn

Nhờ đoạn nhân sinh hữu
Pháp được thấy như thật
Ðối chết, không sợ hãi
Nhờ gánh nặng đặt xuống

Ðạo Phật ta khéo hành
Con đường khéo tu tập
Ta không có sợ chết
Khi gốc lão, bệnh diệt

Bờ kia đến, không thủ
Việc làm xong, sạch trong
Bằng lòng, thọ mạng diệt
Như thoát lò sát sinh

Pháp tính đạt, tối thượng
Ở đời, không sở hữu
Như thoát ngôi nhà cháy
Sống chết không sầu muộn

Quá khứ, ta không có
Tương lai hiện tại, không
Các hành không thực hữu
Ở đây, than khóc gì?

Thanh tịnh pháp sinh khởi
Thanh tịnh hành tương tục
Bậc thấy được như thật
Không sợ hãi, thưa ngài.

(Trưởng lão Adhimutta)
-------------------------------------------------


HƯ KHÔNG

Bồng bềnh ẩn hiện bóng ngư ông
Neo chiếc thuyền nan giữa bến sông
Rộn rã thả câu trong quạnh vắng
Lao xao buông lưới giữa mênh mông

Chập chờn cõi ảo mù sương bạc
Thấp thoáng bờ chân rạng ánh hồng
Muôn đợt sóng vàng loang nước biếc
Dập dồn khuất nẻo chốn hư không.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao


THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ
AI VÀO ĐỊA NGỤC
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO
TU TÂM DƯỠNG TÁNH
CON GÁI NGƯỜI THỢ DỆT
TU TỪ NHỮNG THỊ PHI CỦA CUỘC ĐỜI. Ý NGHĨA KHẤT THỰC
PHÁP MÔN TU THEO PHẬT
NGHI LỄ TÙY THUẬN TRONG ĐỜI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ