HT Thích Thanh Từ
·
Tất cả chúng ta
hiện giờ có mặt ở đây không phải chỉ một lần, mà là vô số lần rồi. Con người bỏ
thân này chưa phải là hết, mà còn lang thang không biết đến bao giờ. Vì vậy nhà
Phật thường dùng từ “lang thang trong kiếp luân hồi”, cứ đi mãi không biết dừng
nơi đâu? Đức Phật thấy được những nẻo đường của chúng sanh đến và đi nên Ngài
mới nói “Thuyết luân hồi”.
Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là lăn tròn. Luân hồi đi đâu?
Không ngoài ba đường ác và ba đường lành, cứ lên xuống quay tròn như vậy hoài,
gọi là luân hồi. Nếu người làm điều tốt khi chết sẽ đi các đường trên. Hưởng
hết phước rồi thì tuột xuống trở lại, còn kẻ làm xấu thì đọa vào các đường
dưới, đền trả hết nghiệp mới được trồi lên. Lên xuống, lên xuống không ra khỏi
vòng lục đạo nên gọi là bánh xe luân hồi. Đó là nói luân hồi trong các đường.
Khi chúng ta đã biết thuyết luân hồi trong ba đường lành, ba đường dữ
rồi, bây giờ phải làm sao? Phải chọn ba đường lành mà đi, tối thiểu cũng phải
đi lại đường cũ của mình, là làm người. Ai khá hơn thì vươn lên trên cõi trời.
Muốn trở lại cõi người, Phật dạy phải thọ Tam quy, giữ năm giới. Năm điều kiện
đó là Nhân thừa Phật giáo, tức tu để được làm người. Đó là điều căn bản mà
chúng ta phải nhớ. Nghiệp là một luật rất công bằng cho tất cả mọi loài,
mình tạo thì mình hưởng. Làm phước được phước, làm tội chịu tội. Nếu làm trọn
mười điều ác thì đi thẳng xuống địa ngục, không nghi ngờ. Khá khá hơn không tới
mười điều, nhưng nặng về tham thì sanh vào loài quỷ đói. Ngạ quỷ sống lang
thang trong cõi thế gian, tuổi thọ rất lâu phải chịu đói khát ghê lắm, nên kiếp
ngạ quỷ cũng hết sức khổ. Kế đến súc sanh, trong mười điều ác làm chừng năm
điều là đủ làm súc sanh rồi. Súc sanh nặng về si nên không biết phân biệt gì
hết, không có tư cách như con người.
Ai bắt mình đi trong sáu đường? Nghiệp bắt. Nghiệp do ai tạo? Không ai
có quyền áp đặt ta, tự ta quyết định, tự ta chọn lựa mà thôi. Không phải ta có
tội Phật đày xuống dưới địa ngục hay có phước Phật đưa lên cõi trời. Như hiện
giờ chúng ta có mặt trên thế gian này, có người khá giả có kẻ nghèo nàn, cơ cực
là do ai? Đổ thừa trời khiến được không. Sự thực tại người không có phước nên
tính đâu trật đấy, làm gì cũng thất bại nên nghèo. Còn người có phước tính đâu
trúng đó nên giàu. Đó là do phước nghiệp riêng của mỗi người tạo ra, chớ không
phải ai đem đến cho mình.
Đời hiện tại của chúng ta có hai điều quan trọng. Thứ nhất là trả nợ
hoặc hưởng phước của quá khứ. Nhiều người sanh ra là con ông lớn hoặc nhà giàu,
đó là hưởng phước. Nhiều người sanh đã mồ côi hoặc cha mẹ nghèo khổ bần cùng,
hung dữ, độc ác… đó là trả nợ. Thứ hai là chuẩn bị cho đời sau. Thành ra ta có
chuyển nghiệp là chuyển ngay đời hiện tại, cho nên đời hiện tại rất quan trọng.
Nếu cuộc sống này mình được nhiều thuận lợi thì nên chuẩn bị cho mai kia, đừng
để tuột xuống. Nếu cuộc sống này bất như ý mình cũng cười, vì biết tại hồi xưa
mình ngu nên bây giờ phải chịu thôi. Bây giờ đền lại cái ngu hồi xưa nên cam
chịu không giận ai, không kêu trời trách đất. Cố gắng làm sao tạo duyên tốt để
hiện đời an vui phần nào và mai sau được tốt đẹp hơn.
Người hiểu được thuyết luân hồi của Phật dạy thì cuộc sống nội tâm vững
vàng, nghèo không trách, giàu không tự cao. Bởi biết bây giờ ta hưởng mà không
làm tốt nữa thì mai kia tuột xuống sẽ khổ. Hoặc hiện giờ mình bị những đày đọa
thì vui vẻ chấp nhận, sửa lại đừng để tuột xuống nữa mà phải nâng lên. Như vậy
là tu. Biết rõ lý luân hồi tự nhiên ta tạo cho mình con đường đi lên, không có
tâm oán hờn thù ghét ai hết. Thế gian thường có bệnh, mình nghèo mà ai
giàu thì thấy ghét người ta. Mình học dở thấy người học giỏi thì ganh tỵ. Đó là
tật xấu, tự mình chuốc nghiệp mà thôi. Trong kinh Phật nói, từ khi phát tâm tu
cho tới thành Phật, trải qua ba vô số kiếp làm tất cả các việc công đức mới
thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề. Như vậy sự tích lũy rõ ràng không mất, tích
lũy tốt thì quả nối tiếp tốt, tích lũy xấu thì quả nối tiếp xấu.
Người thế gian không biết nên oán trách cha mẹ không có phước nên sanh
mình ra khổ. Hoặc cha mẹ không có tài nên mình bây giờ phải thua sút người ta.
Mà không biết chính mình thọ nhận quả báo đời trước đã tạo nên mới sanh vào gia
đình tương ưng như thế. Cha mẹ chỉ là phần phụ thôi, gốc là bản thân mình. Như
vậy thuyết luân hồi nói lên lẽ thực của kiếp người. Đức Phật đã thấy, đã nhớ rõ
ràng nên nói ra cho chúng ta biết, chớ không phải do Ngài tự tưởng tượng. Ngày
nay mình nghe hơi khó tin. Bởi vì chúng ta nhìn nông cạn quá nên không tin
được. Khi biết rõ kiếp luân hồi như vậy, ai can đảm tạo thêm những nghiệp
ác để chịu khổ hơn?
Cho nên chúng ta phải tinh tấn làm những điều lành. Nếu
không làm cho ai, ít ra ta cũng giữ được phần mình, đừng phạm những giới đưa ta
đi xuống. Đó là tu. Đức Phật thấy rõ sự nguy hiểm của luật nhân quả luân hồi
nên chỉ cho mình đường lối tu, chớ không phải áp đặt mình làm gì. Khi quy y thọ
năm giới, quý thầy hỏi Phật tử “giữ được không?”, quý vị giữ được thì nói “dạ
được”, còn nếu giữ chưa được thì làm thinh, chớ Phật đâu có ép. Vì giữ giới là
giữ cho mình, không phải giữ cho Phật.
Đi sâu vào tâm lý mỗi người, chúng ta sẽ thấy mình đã từng quen thuộc,
ưa thích với những việc làm của thuở quá khứ. Ví dụ như bản thân tôi, tại sao
lại thích tu? Người đời lớn lên lo chuyện làm ăn hoặc gì gì đó, tại sao mình
không thích những chuyện ấy mà lại thích đi tu? Như vậy là từ đời quá khứ ta đã
tích lũy hạt giống đó rồi, nên bây giờ có mặt đây luôn nhớ việc ấy. Rõ ràng
chúng ta không quên hết nhân quá khứ, nhân nào chứa sâu đậm sẽ trở thành sở
thích, việc làm của mình trong đời này. Có người ra đời thích làm lành, có
người ra đời lại hung dữ. Mỗi người thích mỗi cách, đó là do sự tích lũy của
quá khứ khác nhau. Quý Phật tử kiểm lại xem, nếu do gien cha mẹ sanh ra là yếu
tố duy nhất tạo thành những đứa con sau này, thì cha mẹ bệnh tật gì con cũng
phải bệnh tật y hệt như thế. Rồi tâm hồn của con do cái gì tạo?
Có nhiều cha mẹ rất hiền nhưng con không hiền. Hoặc ngược lại cha mẹ dữ
mà con lại hiền. Những sự khác biệt đó, nhà Phật gọi là nghiệp tích lũy của quá
khứ, chúng ta mang theo khi thọ sanh. Những gì mình đã chứa chấp đời trước, bây
giờ nó hiện ra rõ ràng. Như hai anh em ruột, thể xác giống chút chút mà tâm hồn
không giống nhau. Như vậy mới thấy mỗi người sanh ra mang một nghiệp khác nhau,
từ đó có những sai biệt khác nhau. Thế thì muốn trên đường luân hồi mình
đi đường tốt, không đi đường xấu phải làm sao? Thấy người đáng ghét ta nên xử
sự thế nào? Nên nghĩ rằng họ có làm gì hại mình mà ghét. Ghét người như vậy là
ta đã có ý nghĩ xấu rồi. Nếu tiếp tục nuôi dưỡng ý nghĩ này, sanh chuyện nói
này nói kia với người ta là cái cớ để tạo thêm nghiệp.
Nếu mọi người đều biết
tu như vậy thì gia đình, xã hội đẹp biết bao nhiêu.
Muốn biết có luân hồi hay không, chúng ta cứ nghiệm trong tâm niệm của
mình sẽ rõ. Cha mẹ sanh thân được mà không thể sanh tâm niệm của mình. Có tâm
niệm rất lành, có tâm niệm rất dữ. Như vậy tâm niệm đó từ đâu ra? Chính do sự
tích lũy của đời trước, không nghi ngờ gì hết. Tích lũy tức là những gì đời
trước mình đã từng làm từng huân tập. Đời này trở lại những thứ tích lũy đó
không mất. Trong kiếp luân hồi chúng ta theo nghiệp mình đã tích lũy, chất chứa
mà hiện ra thành tâm hồn cá biệt của mỗi người. Nên nói đến luân hồi chúng
ta đừng thèm suy gẫm gì hết, cứ nhìn lại nội tâm mình thì biết ngay. Tại sao
người đó chưa quen thuộc gì hết mà mình thấy dễ thương, hoặc kẻ kia cũng chẳng
quen thuộc gì hết mà mình thấy phát ghét. Đâu có trả lời được. Tại vì chúng ta
không nhớ nổi, nên nói không biết tại sao kỳ vậy. Thật ra do nghiệp tích lũy
của quá khứ chiêu cảm nên.
Trên đời này ai không có những người thân, những kẻ thù. Có thân, có thù
gặp lại nhau là khổ. Người thân thì mình thương, người thù thì mình ghét. Nhiều
người nói tại sao anh chị có duyên quá, xin cái gì cũng được. Còn tôi vô duyên
xin cái gì cũng không ai cho. Chẳng qua hồi trước mình hất hủi thiên hạ quá,
bây giờ tới phiên người ta hất hủi lại mình. Bình đẳng thôi. Như vậy mình
tạo nghiệp lành, nghiệp dữ không đợi đời sau mới trả quả mà ngay hiện tại cũng
ứng hiện quả báo phần nào.
Người Phật tử cần phải nắm vững thuyết luân hồi để
chọn con đường lành mà đi, không khéo rơi vào các đường dữ, chịu khổ nhiều
kiếp, không biết bao giờ mới ra khỏi. Lẽ thực này, chúng ta không thể không
biết.
Nguon:
thuongchieu.net
TÂM PHẬT - TÂM MA
Cùng nhìn một cảnh trên đời
Hai tâm Ma - Phật vực trời khác nhau
Tâm Ma sân hận cơ cầu
Nhìn đâu cũng thấy vực sâu oán thù
Tâm Ma chỉ thấy âm u
Nhìn ngày nắng thấy mịt mù đêm mưa
Nhìn buổi sáng, thấy buổi trưa
Nhìn rồng thấy rắn, nhìn thưa thấy dầy
Nhìn hoa nở thắm trên cây
Thấy toàn lá úa cành gầy không hoa
Tâm Ma không thấy Di Đà
Thấy toàn hùm sói độc xà, sân xi
*
Tâm Phật vì rất từ bi
Thấy ai cũng đẹp, cảnh gì cũng vui
Nhìn cây thấy nụ hoa cười
Nhìn đêm thấy ánh nắng tươi của ngày
Thấy đời tháng mượn năm vay
Bến mê thương kẻ đắm say ôm đời
Nhìn trong sân hận dập vùi
Tâm Phật thương cảm, ngậm ngùi xót xa
Xót vì cùng chốn ta bà
Sao người không mở lòng ra đãi người
Trăm năm dài chẳng mấy mươi
Hãy nên lưu lại cho đời hương hoa
Đấy tâm Phật. Đấy tâm Ma
Khác nhau một cảnh nhìn ra hai hình.
Ngô Minh Hằng
Nhờ thầy bói... giữ chồng
Không chỉ có các cô gái trẻ, độc
thân muốn tìm hiểu về vận may đường chồng con, các chị có chồng cũng “nương nhờ”
bói toán không kém để mong giữ hạnh phúc gia đình. Chị Kim Đ., ngụ quận 11,
TP.HCM đã nhận một bài học không hay vì muốn giữ chồng bằng .. “siêu
nhiên”.
Được thầy K. ở quận 7 phán, chồng
đang có bồ nhí, chị Đ. suốt đêm ngày lo lắng bần thần. Đã bỏ mười triệu ra để
nhờ thầy giải hạn, khiến chồng hồi tâm chuyển ý, thế nhưng chị vẫn chưa an tâm,
vì thầy nói “con ma nữ này cao tay lắm, chồng con cắt được lần này, nhưng về
sau vẫn chưa biết thế nào”.
Bởi vậy, chị vẫn phải theo thầy
K. dài dài, mỗi tháng tiêu tốn cho thầy hơn triệu đồng tiền coi bói, tiền “bùa”
để về sắc nước cho chồng uống lâu dài nhằm “giải trừ tuyệt đối ma lực của yêu nữ”.
Được nửa năm thì chồng chị phát
hiện đau dạ dày. Hóa ra loại giấy vẽ bùa của thầy K. có cả chất chì trên đó, uống
lâu dài khiến chồng chị bị viêm dạ dày. Sau đó, chồng chị Đ. phát hiện vợ mình
lén lút đốt giấy cho mình uống, làm ầm mọi chuyện. Lúc này, để tránh chồng nghi
ngờ không hay, chị đành “khai” thật chuyện lui tới thầy K..
Chồng chị ngã ngửa, mới khẳng định
với vợ rằng mình tuyệt đối không có chuyện lăng nhăng, và tuyên bố vợ đã bị gã
thầy kia lừa đảo. Chồng chị Đ. dẫn theo người em trai, tìm đến địa chỉ nhà thầy
K. quậy tưng bừng, khiến gã thầy phải trốn ra cửa sau, sau đó bị phường đến lập
biên bản, phải chuyển địa điểm về tỉnh khác hành nghề.
Một điều đáng ngạc nhiên là trong số khá đông chị
em mê bói toán, số tin thầy mù quáng như trên không nhiều. Có rất nhiều chị em,
lui tới các địa điểm bói toán như một thói quen, thế nhưng khi được hỏi có tin
lắm không, bói toán có chính xác không, thì chỉ ậm ờ.
Chị Phong Lan, ngụ Lữ Gia, quận 11 chia sẻ: Ngày
trước tôi “nghiện” bói toán tới mức kì lạ. Nghe nói ở đâu có thầy coi hay là
tìm tới, không quản đường xa. Coi nhiều rồi, cũng biết mấy thầy toàn “nói dựa”,
sai trớt quớt, nhưng mà giống như bị lậm, bỏ không được. Rồi lấy chồng, chồng
biết sở thích đó, phản ứng dữ. Rồi dần dà thấy mất thời gian, tốn tiền mà chẳng
được gì, cũng bỏ dần, nay thì nghe đến “thầy” là tôi nản hết cả người.
Mới thấy là, hạnh phúc của mình tự mình tạo nên,
tự mình xây đắp. Số phận của mình tốt đẹp hay không cũng là do bản thân mình
hành xử mà ra hết. Thầy, bà mà làm gì, chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ làm
giàu cho các thầy mà thôi…
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 24
TẾT GIÁP NGỌ 2014
THƯ NGỎ
Ban Biên-Tập Phật-Học Tịnh-Quang Canada
Kính
thưa Quí vị độc giả,
Chư Tôn Đức Ban Biên Tập PHTQ
trân trọng
cảm niệm công đức và phước đức của Quí vị phát tâm bảo trợ và giới thiệu tập
san.
Nhân dịp Tết Nguyên Đán, nhiều sinh hoạt tín ngưỡng dân gian xâm nhập vào chùa chiền mang tính chất mê tín dị đoan, trái với chánh pháp. Chẳng hạn như dâng sớ cầu an, tiền mất tật mang, cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới. Xin xăm bói quẻ, coi tuổi coi tay, tiên đoán vận mệnh, tử vi bói toán, xem ngày cưới hỏi, quan hôn tang tế, hái lộc đầu năm, là những tập tục, mê tín dị đoan, lâu đời trong chùa, không phải chánh pháp. Đó là tà pháp.
Nhân dịp Tết Nguyên Đán, nhiều sinh hoạt tín ngưỡng dân gian xâm nhập vào chùa chiền mang tính chất mê tín dị đoan, trái với chánh pháp. Chẳng hạn như dâng sớ cầu an, tiền mất tật mang, cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới. Xin xăm bói quẻ, coi tuổi coi tay, tiên đoán vận mệnh, tử vi bói toán, xem ngày cưới hỏi, quan hôn tang tế, hái lộc đầu năm, là những tập tục, mê tín dị đoan, lâu đời trong chùa, không phải chánh pháp. Đó là tà pháp.
Có người một năm đến chùa một lần vào dịp tết. Họ cúng một ít tiền lẻ, một bó nhang, nhưng cầu khẩn van xin đủ điều. Nào là sức khoẻ, bình an, đầu năm chí những cuối năm, tai qua nạn khỏi, buôn may bán đắt, nhất bổn vạn lợi, thăng quan tiến chức, thi cử đỗ đạt. Họ không hề quan tâm, không cần biết cách áp dụng các điều Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày một cách thiết thực, để được an lạc và hạnh phúc đúng theo chánh pháp.
Đến khi gặp chuyện bất trắc, bất như ý, tai nạn, bệnh hoạn, họ van vái tứ phương. Họ chạy vào chùa cúng tiền mang lễ vật, cầu xin chư tăng ni làm lễ cúng kiến để giải trừ tai nạn, xin được khỏi bệnh, tai qua nạn khỏi. Họ không biết rằng đó chính là nghiệp báo đã đến lúc xảy đến, ai cũng phải lãnh đủ, bởi không biết lo tu nhân tích phước. Chư tăng ni cũng không tránh khỏi làm sao cúng kiến giúp cho ai khác được?
Vậy, mọi người cần phải biết thế nào là đi chùa đúng theo chánh pháp, để khai mở trí tuệ, tự cứu chính mình, giải thoát phiền não khổ đau. []
Tâm nguyện của PHTQ là tạo thiện duyên, hiểu rằng Phật Pháp tại thế gian, được an lạc hạnh phúc, giác ngộ chân lý, giải thoát khổ đau. Điều nào tôn giáo này công nhận, các tôn giáo khác không công nhận, chưa phải là chân lý. Chân lý tối thượng vượt qua các nghi lễ, các hình thức của tôn giáo, nhất là vượt qua tâm cố chấp, giúp con người sống đời an nhiên tự tại.
Văn-Phòng Phật-Học Tịnh-Quang Canada ấn tống và phát hành
miễn phí Tập san Từ Bi & Trí Tuệ, 3 số mỗi năm, vào các dịp sau:
Tết Nguyên Đán,
Đại Lễ Phật Đản,
Đại Lễ Vu Lan.
Kính mong Quí vị độc giả khắp nơi phát tâm gieo duyên với Tam Bảo, tùy tâm tùy hỷ, tùy duyên phát nguyện, bảo trợ phương tiện hoằng pháp này, như là một nhân duyên bố thí pháp, phước đức và công đức, tự lợi và lợi tha, tự độ và độ tha.
Sự đóng góp này dù số tịnh tài bao nhiêu, nhưng với tấm lòng vị tha rộng rãi, thì phước báu sẽ rất lớn, bao la, vô lượng vô biên. Ví như chỉ với một nhân hạt cam gieo trên mảnh đất từ thiện thì kết quả thu được biết bao nhiêu trái cam ngon ngọt sau này.
Đó chính là phước báo vậy. Con người tai qua nạn khỏi, chính là nhờ phước báo này, không phải nhờ phép lạ.
Quí vị phát tâm bảo
trợ, hùn phước ấn tống, xin ghi chi phiếu trả cho PHAT HOC TINH QUANG và gửi về
địa chỉ:
Phật-Học Tịnh-Quang
108
- 123 Railroad St.
Brampton, ON, L6X-1G9
CANADA
Ngưỡng nguyện thập phương thường trụ Tam Bảo thùy từ chứng minh công đức này và gia hộ quí vị độc giả cùng bửu quyến thân tâm an lạc, trí tuệ khai minh và cư trần lạc đạo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật.
Ban Biên-Tập PHTQ
PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 24 (TỪ BI & TRÍ TUỆ)
AI VÀO ĐỊA NGỤC
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO
TU TÂM DƯỠNG TÁNH
CON GÁI NGƯỜI THỢ DỆT
TU TỪ NHỮNG THỊ PHI CỦA CUỘC ĐỜI. Ý NGHĨA KHẤT THỰC
PHÁP MÔN TU THEO PHẬT