Wednesday, September 4, 2013

*** Cách Báo Ân Cha Mẹ Qua Kinh Tạng Pāli


Tỳ khưu Giác Lộc

Người con biết công ơn cha mẹ được xem là một trong những yếu tố củng cố chánh kiến trong đời sống. Hầu như không có chỗ nào trong kinh tạng có sự phân biệt ân đức của cha và mẹ. Cả hai không thể so sánh và người con thực sự kính yêu cha mẹ không nên ưu ái riêng người nào. Người Ấn xưa đi tìm điềm lành ở nơi thần thánh huyền bí, nhưng Đức Phật không công nhận như vậy, Ngài dạy:
Hiếu dưỡng mẹ và cha = Nuôi dưỡng vợ và con = Làm nghề không rắc rối = Là điềm lành tối thượng.

-- Kinh điềm lành, Suttanipāta
Người con phải hiếu dưỡng như thế nào cho đúng pháp cũng được giảng dạy cụ thể trong kinh tạng, sau đây là vài đoạn trích.
Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ
Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ
Tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống
Tôi bảo vệ tài sản thừa tự
Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.

-- Kinh Thi Ca La Việt - Trường bộ kinh
Phạm thiên, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc đạo sư thời xưa, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỷ kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này. -- Phẩm nghiệp công đức, Tăng chi bộ kinh I

Người con coi cha mẹ như những người trông nom con cái, giữ nhà cửa cho mình, nghĩ rằng lo cho cha mẹ đầy đủ là trọn đạo. Đó là một thiếu sót nghiêm trọng về phương diện tâm lý. Người con chí hiếu phải kính cha mẹ như lời trong Tăng chi bộ kinh vừa nêu. Ngoài ra còn phải quan tâm đến nhu cầu tinh thần của cha mẹ. Ít ra cũng dành thời gian tìm xem cha mẹ của mình nghĩ gì, vui buồn ra sao để kịp lúc chăm sóc và làm cha mẹ vui lòng. Điểm khác biệt lớn về chữ hiếu của đạo Phật so với các tôn giáo khác là ở cách giải quyết vấn đề tinh thần. Chúng ta sẽ hiểu rõ qua vài trích dẫn tiếp theo đây.

Trong kinh Thi của Nho giáo có một bài ca dao nổi tiếng nói về công ơn cha mẹ.
Phụ hề sinh ngã = Mẫu hề cúc ngã = Ai ai phụ mẫu = Sinh ngã cù lao = Dục báo thâm ân = Hạo thiên võng cực.

Cha sinh ta! mẹ nuôi ta! = Nhớ ơn cha mẹ, xót xa tấc lòng ! 
Thương vì khó nhọc vô cùng, = Nhớ ơn cúc dục, nhớ công sinh thành
Sánh cùng trời rộng mông mênh, = Ơn sâu muốn báo, hỏi mình làm sao? = ( Lê Phục Thiện dịch)
Biết ơn sâu dầy của cha mẹ nhưng không có cách gì đền đáp trọn vẹn, nhất là khi cha mẹ không còn nữa. Nghi vấn này khiến cho Trung hoa có nền văn hóa rực rỡ đã mở rộng cửa đón tiếp đạo Phật vì tính ưu việt trong triết lý và tinh thần giải thoát mà xứ sở này còn khiếm khuyết.
Nếu một người con vì thương cha mẹ mà làm những việc phi pháp để cung phụng cha mẹ, đó không phải là có hiếu. Những hành động đó chỉ đưa đến hủy hoại nhân tố trợ duyên giữa bản thân và cha mẹ. Itivuttaka đưa ra một tiêu chuẩn về ba hạng con:

1. Atijātaputta: con hơn cha mẹ
2. Anujātaputta: con bằng cha mẹ
3. Avajātaputta: con thua cha mẹ
Cha mẹ không có Tam quy, ngũ giới, theo ác pháp còn người con có Tam quy ngũ giới, theo thiện pháp. Đây gọi là Atijaataputta. Cha mẹ có đủ quy giới, theo thiện pháp và người con cũng như vậy. Đây gọi là Anujātaputta. Trường hợp thứ ba là cha mẹ có Tam quy, ngũ giới, theo thiện pháp nhưng người con không có những đức tính đó. Đây gọi là Avajātaputta.

Chữ hiếu trong lời Phật dạy được thể hiện bằng chánh tín và thiết lập nền tảng đạo đức qua giới hạnh. Trong xã hội hiện đại dù vật chất có thống trị con người cỡ nào cũng không thể bỏ qua tiêu chuẩn này. Làm sao đem lại thanh danh cho cha mẹ khi sống phi pháp? Làm sao giúp được cha mẹ ở phạm vi lớn hơn về phương diện tinh thần khi sống phi pháp? Ỷ lại mình có quyền thế, có tiền của rồi ăn chơi sa đọa. Cuối cùng bị đời lên án, cha mẹ, thân nhân hỗ thẹn. Đó không gọi là hiếu được. Nho giáo có đường lối trang trọng về bổn phận đối với cha mẹ nhưng còn để ngỏ trước vấn đề "Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực". Đức Phật đã chỉ rõ chỗ thiếu sót trong cách báo hiếu thường tình và giải đáp thỏa đáng nghi vấn trên qua những lời sau đây:

Có hai hạng người, này các tỷ kheo. Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai ? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy cũng chưa đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. 



Vì cớ sao? Vì rằng, này các tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời. Nhưng ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào (thiện) giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các tỷ kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha. -- (Tăng chi bộ kinh I, chương 2, phẩm tâm thăng bằng)

Theo kinh điển tín, giới, thí, tuệ được xem là bốn đức tính cần thiết đem lại bốn công đức lớn – có tài sản đúng pháp, tiếng lành đồn xa, sống lâu, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cõi thiện, cõi trời, cõi đời này. Vả lại, với đức tính trí tuệ người ta có thể tự mình giải quyết vấn đề sanh tử. Nhìn vào thực tế của đời sống người tà tín, vô giới hạnh, bỏn xẻn, keo kiệt thích thu vào nhiều nhưng ghét cho ra, không có chút trí tuệ nào, chỉ nô lệ cho phiền não. 

Người như vậy không thể an lạc được dù có tài sản dồi dào. Tài sản, tiện nghi vật chất chỉ cần thiết cho sự sống nhưng không thể giúp người thiếu những đức tính trên thay đổi những bất thiện nội tâm. Cho nên khi con cái giúp cha mẹ tròn đủ mặt tinh thần này là dâng lên hai bậc sinh thành những châu báu khó tìm.

Khi cha mẹ còn tại tiền con cái có thể giúp cha mẹ về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Nhưng cha mẹ khuất bóng thì sao? Sau cái chết là một khoảng mênh mong vô định đối với kẻ không sống đúng pháp. Điều thứ năm mà người con phải làm theo kinh Thi Ca La Việt là "Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời" Làm tang lễ như thế nào cho đúng pháp? Những cách tổ chức long trọng, giết hại nhiều thú vật, mời nhiều người đến chỉ để ăn nhậu, không phù hợp với Phật giáo.

 Người phật tử áp dụng theo cách làm phước và hồi hướng phước đến cha mẹ. Không phải chỉ làm phước trong tang lễ là đủ. Người con phải tu tập và làm nhiều việc lành trong đời sống và vào những dịp như ngày giỗ phải tạo cơ hội để làm nhiều phước sự và hồi hướng đến cha mẹ. Lễ VU LAN mang ý nghĩa Saṅghapūjā (cúng dường Tăng chúng) là nét đặc trưng của Phật giáo Bắc tông. Nhưng trong dân gian do tập nhiễm những tục lệ lỗi thời của Trung hoa xưa, vào những ngày trang trọng như vậy thay vì làm phước đúng theo pháp, người ta phung phí tiền bạc mua các loại vàng mã gởi cho người chết. 

Những thói mê tín đó đúng ra không phải của Phật giáo Trung hoa, chính ngoại giáo trà trộn vào và truyền sang Việt nam. Ngày nay loại vàng mã được hiện đại hóa bằng những loại tiền âm phủ đô la, nhà, xe, vật dụng trông như thật. Dĩ nhiên tốn kém hơn trước rất nhiều. Thậm chí có một số người kiếm những tranh ảnh của hoa hậu, người mẫu hoặc những trang thanh niên tài tử để cưới cho con của mình đã chết. Sự thoái hóa tinh thần của người sống tạo ra nhiều bất an, rối loạn và do vậy không có phước để giúp bất cứ hàng ngạ quỷ nào.

Tại đó không cấy cày = Cũng không nuôi súc vật = Cũng không có buôn bán = Không trao đổi tiền vàng = Các ngạ quỷ họ hàng
Chỉ sống nhờ bố thí = Không khóc than sầu muộn = Không hối tiếc cách gì = Giúp ích loài ngạ quỷ = Quyến thuộc làm như vậy
Không lợi cho ngạ quỷ = Nhưng khi vật cúng dường = Khéo đặt vào chư Tăng = Ích lợi chúng lâu dài
Bây giờ về sau nữa. -- ( Suttanipāta – Kinh tập )
Khi cha mẹ qua đời không phải chỉ dừng lại ở việc làm phước. Người con hiếu hạnh còn phải biết cách giúp cha mẹ thoát khỏi biển khổ luân hồi. Một tình thương hạn hẹp không thể giúp cho người thân đi vào trạng thái giải thoát bao la. Cho nên điều đầu tiên là bản thân người con phải tu tập theo chánh đạo. Trong luân hồi chắc chắn có vô số cha mẹ, chính những cách hiếu hạnh đúng pháp, những gương tu tập sáng chói in sâu vào tâm trí những bậc cha mẹ mà mình đã có lần gặp gỡ và trở thành người thân yêu. Khi gặp lại dù không quen biết vẫn cảm thấy gần gũi, quý mến ta. Đây là nhân duyên của chánh pháp. Đức Phật giúp được vô số người đến với sự giác ngộ trong những trường hợp đặc biệt cũng do nhiều đời sống giúp người thân bằng sự thể hiện chánh hạnh như thế.
Ý an trú vào ai = Tâm tư được hoan hỷ = Người chưa bao giờ thấy = Hãy tin tưởng người ấy.-- ( Kinh bổn sanh)

Khi sống theo pháp và càng ngày càng chứng nghiệm giải thoát các phiền não nhiều hơn thì tình thưong không còn hạn lượng ở nơi người ruột thịt của mình. Tình thương đó sẽ chuyển thành từ tâm giải thoát và mở rộng đến tất cả chúng sanh, trong đó có những người là cha mẹ chúng ta trong vô lượng đời sống.

Cho nên cứu độ chúng sanh tức là cứu độ cha mẹ. Đây chính là tinh thần hiếu hạnh trong đạo Phật. Công sinh thành là bao la thuộc thế gian phải lấy cái bao la thuộc xuất thế gian là sự giác ngộ thánh pháp mới đền đáp được trọn vẹn. Sự sai khác về cách báo hiếu trong đạo Phật so với Nho giáo chính là dành cho cha mẹ một tình thương vô ngã. Sự duy trì cách sống nhiễm trước không giúp được mình thì làm làm sao cứu độ được cha mẹ.

Điều mẹ cha bà con = Không làm gì được cả = Chính nhờ tâm nguyện lành = Đưa ta lên cao cả. -- Dhammapada 43 (Tịnh Minh dịch) Phật ngôn trên đã nhấn mạnh rằng không ai giúp được ta một khi xa rời thiện pháp và chính tâm hướng về lẽ chánh mới đem lại sự toàn hảo cho chính mình và tạo nhân duyên cho nhiều người đến với chân lý.
Tóm lại có vài phương châm về cách báo ân cha mẹ trong bài viết này:

1. Không thể so sánh về công ơn sinh thành giữa cha và mẹ.
2. Dù vì cha mẹ cũng không làm điều phi pháp.
3. Cung phụng vật chất cho cha mẹ chưa đủ, còn phải lưu tâm đến nhu cầu tinh thần.
4. Bản thân phải tu tập đúng pháp trước khi nghĩ đến việc giúp cha mẹ tại tiền cũng như quá vãng.
5. Tình thương vô ngã có tác dụng sâu rộng hơn. Muốn vậy tự bản thân người con phải cố gắng vươn lên 


SỐNG ĐỜI VUI ĐẠO
TK THÍCH CHÂN TUỆ

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn. Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.

Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.

Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!

Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!

Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.

Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.


Bình đẳng là tánh của vạn:”Pháp”

Thân thọ sanh từ nơi không tướng,
Như giấc mơ do tượng hình ra.
Người mơ tâm thức đâu mà,
Trụ đâu tội phước, đều là thành không.

       Pháp lành khởi vốn xưa là huyễn,
       Nghiệp dữ gây, cũng huyễn mà ra.
       Mình bọt đậu gió lồng qua,
       Không căn, không thật, pháp là huyễn thôi.

 Bốn vật lớn mượn làm thân đó,
Tâm không sanh, nhơn cảnh mà sanh,
Cảnh không, tâm cũng không thành,
Đôi đàng tội phước, như hình huyễn thôi.

       Thân không thật thấy là thân Phật,
       Tâm bông – lông thấy Phật bông lông.
       Thân tâm tánh ấy vốn không,
       Người ta với Phật, cũng đồng như nhau.

 Thân chẳng thấy, biết là thân Phật,
Nếu biết rồi, thì Phật là không.
Người khôn biết tội – tánh không,
Thản nhiên chẳng sợ, trong vòng tử sanh.

         Tánh chúng sanh, thảy thanh tịnh hết,
         Do không sanh, không diệt mà ra.
         Thân tâm là huyễn thôi mà,
         Huyễn thì tội phước, hóa là thành không.

 Pháp là Pháp, vốn xưa không Pháp,
Không pháp mà, cũng Pháp đó đây.
Soi ra không pháp buổi nay,
Pháp nào Pháp nấy, nào hay Pháp nào.

 (Bài này là cốt tủy của Bát Nhã)
       Thích Giác Minh Hữu


 

TỰ TÁNH TAM BẢO
VÌ CON MẸ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
HÃY TỰ MÌNH VƯỢT QUA NỖI ĐAU
PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHƠN
PHÓNG SINH CHIM TỘI HAY PHƯỚC
 
NỖI SỢ MUÔN THUỞ
ĐỜI ĐÁNG YÊU HAY ĐÁNG CHÁN
BIẾT SỐNG TRONG VÔ THƯỜNG
TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ