TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU
Trong Phật giáo, xuất gia hay tại gia,
dù có sinh hoạt trong chốn Thiền môn hay không, chắc hẳn nhiều người cũng có
nghe nhắc lại hoặc biết đến câu nói, từ kim khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Phật ngay khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác sau 49 ngày đêm thiền
tọa dưới cội bồ đề:
“Ta là PHẬT đã
thành - Chúng sanh là PHẬT sẽ thành”.
Có nghĩa là Đức Phật tuyên bố đã thành
Phật ngay rạng sáng hôm đó và tất cả chúng sanh trong sáu cõi, gồm: trời,
người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, đều sẽ thành Phật trong tương lai.
Trong hiện tại, tất cả đều là nhân, là hạt giống, nếu biết tu tập theo đúng
chánh đạo, hành đúng chánh pháp, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ,
giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, trở thành một vị Phật.
Ở đây, chúng ta chỉ có thể cảm nhận
được vai trò của cõi người đang sống và phải chịu trách nhiệm về số phận nghiệp
duyên và nhân quả của chính mình. Bao giờ thì thành Phật, hay mãi mãi là chúng
sanh? Câu hỏi nầy có bao giờ con người nghĩ đến hay chưa?
Ngày nào đó với tâm thái trầm mặc, an
bình, con người chọn cho riêng mình một không gian tĩnh lặng, hít thở nhẹ
nhàng, ngồi xuống thiền tọa, chân xếp hình hoa sen, sau đó thực tập làm Phật
vài ba phút.
TÂM CHƯ PHẬT ĐÃ THÀNH
Phật tại “Tâm”, không phân biệt “Tướng”
- xuất gia tại gia, nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo. Phật Tâm không cố chấp, không
phiền, không giận, không trách. Ai tôn kính, ai không tôn kính cũng chẳng khác
gì nhau, chính là nghĩa pháp môn bất tùy phân biệt. Tâm Phật là tâm bình đẳng,
thanh tịnh tuyệt đối. Lòng từ bi của Chư Phật là vô ngã vị tha, thương chúng
sanh như cha lành thương con.
Phật
là Tâm sáng suốt,
trí tuệ hiểu biết tất cả thiện ác trong thế gian một cách rõ ràng, không nghi,
nhưng bất tùy phân biệt. Pháp là Tâm chân chánh, thấu rõ chánh tà, thiên
viên, đại tiểu, chân ngụy, nhưng bất tùy phân biệt. Tăng là tâm thanh tịnh, nội cần
khắc niệm, ngoại hoằng bất tranh, nhưng bất tùy phân biệt.
Tâm Phật sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, không phê phán, không chê
trách, không thiên vị riêng tư một cá nhân hay một tôn giáo nào, không kết án
vội vã một ai, không tranh cãi, không hận thù, không tà niệm, yêu thích người
thiện, bỏ mặc người ác, khen mình chê người, không dùng lời phỉ báng nặng nề
bất chấp sự đau khổ của người để thỏa mãn cái tôi - tự ngã.
Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đắc
đạo ngay nơi cõi ác thế Ta Bà “ngũ
trược” (tức là cõi có 5 điều dục vọng và si mê):
1. Kiếp
trược:
Nhiều căn bịnh hành hạ đau đớn, nạn đói, chiến tranh, thiên tai.
2. Kiến
trược:
Nhiều tà kiến, sai trái, dụ dẫn tạo nghiệp ác, cuồng tín si mê.
3. Phiền
não trược:
Nhiều tham vọng, tâm lăng xăng điên loạn, không tự chủ.
4. Chúng
sanh trược:
Chúng sanh chưa hiểu suốt nhân quả thiện ác, nên gây thù oán, thân quyến tương
tàn.
5. Mệnh
trược:
Thọ mệnh chúng sanh ngắn ngủi, vô thường biến đổi, luân hồi sanh tử đau khổ
muôn trùng.
Đức Phật vì lòng từ bi, không nhập
Niết Bàn sau khi chứng đạo. Ngài ở lại thế gian thuyết muôn vạn pháp môn tu và
chỉ dạy con đường tu thành Phật bằng thân giáo. Cử chỉ và hành động đầy khiêm
tốn, bình đẳng, từ bi và hết sức tế nhị.
Trong thời gian Đức Phật còn tại thế,
nhiều người không hiểu biết thế nào là thành Phật. Có những vị còn không tiếc
lời phỉ báng và nhiều lần muốn giết Đức Phật để giành ngôi Thế Tôn. Giá trị
tình thương chúng sanh và đức độ kham nhẫn trong tâm lý hoằng pháp của Đức Phật
là bậc trí tuệ tuyệt diệu và thâm sâu vô cùng.
Chư Phật và
Chư Tổ thường dạy:
Lấy từ bi và trí tuệ làm thăng tiến
đạo nghiệp
Lấy sự hy sinh và phụng sự làm niềm
hạnh phúc
Lấy bao dung và hỷ xả để cư xử với mọi
người
Lấy sự nghiệp giác ngộ và giải thoát
làm cứu cánh.
Chư Phật tùy duyên thuyết pháp, cứu độ
cho tất cả những ai thật sự mong cầu một đời sống thánh thiện tốt đẹp. Chúng
sanh nghe lời dạy của Chư Phật, phát tâm tìm hiểu rõ ràng chân lý của đạo giác
ngộ và giải thoát.
Sau đó, con người thực hành ba chặng đường
VĂN, TƯ, TU (nghe hiểu, suy nghĩ, thực hành). Phát sanh trí tuệ sáng suốt
mới mong vượt ra khỏi sự trói buộc đau khổ của luân hồi sanh tử.
“Như Lai là người chỉ con đường chứng
được cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh. Thế Tôn là vị đã đoạn trừ phiền não của thế
gian và đem lại nhiều thiện pháp cho chúng sanh”.
(Tăng Chi Bộ Kinh)
Phật Tánh không do cầu khẩn van xin mà
có, cũng không phát sinh từ lòng ái dục, hay tình cảm hạn hẹp ích kỷ. Phật Tánh
phát xuất từ tâm từ bi, bao la tươi nhuần và bình đẳng như tâm Chư Phật vậy. Đó
là những giây phút vô cùng trân quí, khi tâm vô trụ, vô chấp, đạt được an nhiên
và tự tại, hạnh phúc và giải thoát.
Bản tâm thanh tịnh của Chư Phật không
tạp niệm, không tà ý, ví như mặt biển thái bình lặng yên lúc không sóng không
gió, mọi thời mọi khắc đều an nhiên tự tại và hạnh phúc giải thoát.
Nói chung
tất cả niệm do tâm chấp, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm đố kỵ, tâm khinh khi,
tâm lúc thuận lúc nghịch, lúc thân lúc thù, khi thương khi ghét, đó là những
tạp niệm vọng tâm vọng chấp mà Chư Phật đã hoàn toàn chế ngự, điều phục được
tất cả, nên Chư Phật là những vị “Phật đã thành”.
TÂM CHƯ PHẬT SẼ THÀNH
Người tu theo Phật tuy chưa được trọn
thành Phật đạo, nhưng ai cũng có nhân Phật Tánh và tâm ý thiện lành. Trong
những giây phút con người thật sự để lặng yên tâm thức, chẳng khởi lên một niệm
suy tính so đo, hơn thua, tranh chấp, phiền não, vọng động, thương ghét, đau
khổ, thù hận và xóa bỏ hết ranh giới của nhỏ nhen cố chấp nhị biên, thiện và
ác, đúng và sai, khi đó con người sẽ cảm nhận được Phật Tánh của mình hiển hiện
vô cùng kỳ diệu.
Đó chính là tâm từ bi hỷ xả như Chư
Phật. Nguồn an lạc hết sức trong sáng với muôn ngàn thương yêu của lòng bao
dung, đồng cảm và tha thứ.
Câu nói của Ngài Thường Bất Khinh Bồ
Tát:
“Tôi
không dám khinh các Ngài vì các Ngài cũng sẽ thành Phật”.
Có tu nhiều đời nhiều kiếp mới được
làm thân người. Có tài, có sắc, có phước, vinh hiển trong đời, không phải ai
cũng có được. Nhưng dù sanh vào hoàn cảnh như thế nào cũng là do nhân quả, đều
có Phật Tánh sáng suốt để đi đến giác ngộ và sẽ thành Phật, nhanh hay chậm, tùy
theo nghiệp duyên, phước đức và công phu tu tập của mỗi người.
Chúng sanh bao gồm những con người còn
sống trong luân hồi sanh tử, chưa giác ngộ toàn vẹn, cho nên tâm vẫn còn hỷ,
nộ, ái, ố, tham lam, sân hận và si mê. Không một ai muốn phạm lỗi lầm, cũng
không một ai muốn bị hình phạt, hay bị sỉ nhục. Con người phàm tục vì những
cảnh trần lôi cuốn, đôi khi mất cảnh giác, phải chịu nhiều đau khổ và phiền
não.
Cực Lạc Quốc là nơi chốn thanh tịnh
trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm, không tham sân si. Đó là cõi Phật,
là nơi chư Thượng Thiện Nhơn (người tốt hoàn toàn) đồng câu hội. Người Phật tử
sống ở thế gian ai ai cũng muốn, sau khi xả báo thân nầy, được về cảnh giới
tịnh độ của chư Phật. Cho nên ngoài việc mỗi thời khắc nhất tâm niệm Phật, thiền tọa tập làm Phật, để phát sanh trí tuệ.
Phật Tánh luôn sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh tuyệt đối.
Chư
Tổ dạy có bốn pháp cao thượng tu hành như sau:
1. Giới đức cao thượng.
2. Định tâm cao thượng.
3. Trí tuệ cao thượng.
4. Giải thoát cao thượng.
Có nghĩa là giữ giới bền chặt, giữ tâm
chánh trực, có trí tuệ nhận rõ đúng sai, thiện ác, lòng không cố ý khoe khoang
chứng đắc, tự hào hơn thua, không vướng mắc một giả danh nào hết, cũng không tự
gạt tâm mình hay gạt người, không tạo khẩu nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp.
Cuối cùng là tâm được khinh an, thanh thản, tự tại và giải thoát.
Nước mắt chúng sanh như biển cả, thế
gian đau khổ nhiều lắm rồi. Nếu biết được ai ai cũng có một thứ quí giá vô
cùng, đó là “Phật Tánh Chân Như”, là nhân lành đưa đến hạnh phúc an lạc vĩnh
cửu, không có khổ đau sanh tử, thì con người cần gì phải tham gia vào sự tranh
đua, sân hận, lỗi phải những chuyện danh lợi thế gian. Buông bỏ hết thì tâm
được khinh an.
Suy cho cùng có ai trên đời không một
vài lần phạm lỗi, hối hận, khổ đau. Thường thì con người có rất nhiều cách biện
minh và dễ dàng tha thứ cho chính bản thân, nhưng đối với người khác, kể cả
người thân sống chung quanh, thì không muốn tha thứ hoặc cảm thông, luôn luôn
đòi công bằng và xử lý thỏa lòng. Do đó, con đường đi đến cảnh giới Chư Phật
thật là xa xôi ngàn trùng.
Chúng sanh của thế kỷ 21 nầy có nhiều
phương tiện và phước duyên gặp Phật Pháp. Giáo pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca
được thế giới tôn kính và đón nhận như nước cam lộ diệt trừ muôn ngàn phiền não.
Sống với Tâm Phật qua cung cách ứng xử đạo đức hằng ngày, tức là có được hạnh
phúc tại thế gian rồi đó. Con người cùng nhau phát nguyện tinh tấn tu học, nhân
Phật tánh càng ngày càng hiển lộ, cây bồ đề đâm chồi nảy lộc đơm hoa kết trái.
Trong kinh sách Chư Tổ có dạy:
Nội
cần khắc niệm chi công
Ngoại
hoằng bất tranh chi đức.
Đó là công phu và đức độ của người tu.
Bên trong tâm, giữ gìn chánh niệm, gọi là công phu. Bên ngoài thân, không hơn
thua, không tranh cãi, gọi đức độ. Thân
và Tâm song hành tu tập gọi là Công
Đức. Còn gọi là Phúc Tuệ song tu.
Điều quan trọng là muốn tu phải phát
tâm học hiểu Phật Pháp cho thấu đáo và thực hành trong đời sống hằng ngày. Khi
đó giới hạnh được vẹn toàn, tâm định được phát triển, trí tuệ được khai mở, con
người cảm thấy được niềm an lạc thanh tịnh không thể nghĩ bàn.
Dù là người xuất gia hay tại gia, con
người muốn tu mà không tha thiết mong cầu giác ngộ Phật Pháp, thì cuộc đời đi
tu sống trong sự mệt mõi buồn chán, quanh năm suốt tháng, tin vào sự linh
thiêng huyền bí và chỉ biết chờ đợi phép lạ một cách tiêu cực. Khi cái chết gần
kề, lúc đó hoảng loạn, bơ vơ, tâm trạng vô thức, không biết rơi vào cảnh giới
tốt xấu nào đây, có phải muộn quá hay không?
Đạo Phật được thế giới tôn vinh là đạo
bình đẳng và từ bi trí tuệ bậc nhất. Tuyệt vời hơn nữa là tất cả người tu phát
nguyện:
“Vì chúng sanh đạt thành ngôi chánh đẳng chánh giác. Tự giác, giác tha,
giác hạnh viên mãn”. Nghĩa là: tự thân giác ngộ và cứu độ tha nhân, cho đến khi
hạnh giác ngộ tròn đầy, tất cả chúng sanh ra khỏi lục đạo luân hồi.
Trong thời gian qua, nhân loại trên
trái đất chịu đựng quá nhiều thiên tai. Sóng thần Nhật Bổn, bão tố Sandy, đã
cướp mất bao nhiêu tài sản và nhân mạng của những người vô tội. Cảnh màn trời
chiếu đất, cha mẹ mất con, vợ chồng ly tán, đau khổ tột cùng.
Nhưng sau đó, họ không thể ngồi một
chỗ than trời trách đất, suy sụp, buông trôi, hay giận cho trời già cay nghiệt,
hận bản thân vô phước. Họ cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà, vườn cây, khóm hoa,
đem trở lại sự sống mãnh liệt trong tình người với người đầy lòng nhân nghĩa
thân ái và bao dung. Đó chính là sức mạnh của Phật Tâm, Phật Tánh trong mỗi con
người, trong cuộc sống hàng ngày, trên thế gian này.
Nói
tóm lại, để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, với Tâm Phật sẵn có, con người cần
được thăng tiến trên con đường giác ngộ, giải thoát. Con người cần phải luôn
phát nguyện vun bồi công đức và phước đức, cho đến khi được đầy đủ từ bi và trí
tuệ, lý sự viên dung.
Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với chúng sanh với câu Phật ngôn bất hủ:
Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với chúng sanh với câu Phật ngôn bất hủ:
“Ta là Phật đã thành, chúng
sinh là Phật sẽ thành”.
Ai ai cũng có thể tu theo con đường
Phật dạy và đều có nhân duyên trọn thành Phật đạo.
Xin thành tâm cầu chúc cho những người
con Phật, dù xuất gia hay tại gia, cùng là chúng sanh ở cõi ta bà, buông bỏ
được tảng đá nặng nề của cái “ta” nhiều đau khổ phiền lụy và chuyển đổi những
bất thiện nghiệp thành chư thiện nghiệp. Trước mắt còn đầy dẫy những khó khăn
và thử thách cho người tu hành Phật đạo, con người cùng mạnh dạn bước từng bước
chân chánh niệm, sáng suốt, an lạc, đi trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Nguyện cầu tất cả chúng sanh trong
pháp giới đều chứng ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đồng thành Phật Đạo.[]
NAM
MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN.Thích Nữ Chân Liễu
HÃY NHƯ MỘT ĐÓA SEN
Bạn ơi,
Hãy là một đóa sen để làm đẹp cho đời.
Hãy là một đóa sen để đem lại tươi mát cho đời.
Hãy là một đóa sen để đem lại thanh tịnh cho đời.
Hãy là một đóa sen để trải hương thơm cho đời,
Một đóa thỏang dịu êm, thanh khiết,
Không nồng nặc,
Không kích thích,
Không lả lơi,
Trang nghiêm mà hiền dịu.
Đẹp mà chẳng khoe khoang.
Thơm tho mà khiêm tốn.
Công đức mà chẳng kể công.
Như đạo hạnh của các bậc thiền sư.
Cho nên Chư Phật, Chư Vị Bồ Tát
Đều ngự trên tòa sen.
Khi bạn chết đi và vãng sinh Tịnh Độ,
Một đóa sen sẽ nở để chào đón bạn.
Ý nói rằng tâm thức bạn vĩnh viễn cư trú tại một Vùng Đất Không Nhiễm Ô,
Thanh Tịnh. Đào Văn Bình
TU TỪ NHỮNG THỊ PHI CỦA CUỘC ĐỜI. Ý NGHĨA KHẤT THỰC
PHÁP MÔN TU THEO PHẬT
NGHI LỄ TÙY THUẬN TRONG ĐỜI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
LUÂN HỒI LÀ ĐAU KHỔ, PHẬT PHÁP LÀ AN LẠC
TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN