Thích Phổ Giác
CẦU
NGUYỆN PHÁT NGUYỆN VÀ HỒI HƯỚNG
Tinh thần cầu nguyện cũng là một phương pháp tu trì của người Phật tử. Nếu
chúng ta biết cầu nguyện cho mọi người thoát khổ được vui, ai cũng biết hiếu
thảo với ông bà cha mẹ, sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, đùm bọc,
giúp đỡ lẫn nhau vì tình người trong cuộc sống. Trong hệ Phật giáo phát triển
để hòa nhập vào cộng đồng xã hội “tốt đạo đẹp đời”, tinh thần cầu nguyện nhằm
giúp cho mọi người vững thêm niềm tin và nghị lực, vượt qua các nỗi lo âu, sợ
hãi mà sống an vui, hạnh phúc.
Ngoài tinh thần đó, mỗi Phật tử là một vị Bồ tát. Ta phát nguyện trên cầu
thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh, và cuối cùng là hồi hướng công đức để ai
cũng được thành Phật. Đó là điểm ưu việt của người Phật tử tu theo con đường
Bồ Tát vì lợi ích cho nhiều người.
Thông thường, đa số chúng ta chỉ cầu nguyện cho người thân, gia đình của
mình, hay nói xa hơn nữa là cầu cho đất nước mình. Mặc dù đó là những ước
muốn thiện, nhưng chính yếu cũng vì cái bản ngã của mình, dù ít hay nhiều. Ta
hay cầu nguyện cho người thân mình, nhất là cầu an, cầu siêu, chứ ít ai nghĩ
đến việc cầu cho tất cả chúng sinh, hay người đã từng làm khổ ta, hoặc kẻ thù
của mình. Đó là vì tâm ích kỷ riêng tư, chỉ giới hạn cho mình và người thân
hay cùng lắm là những người đã giúp đỡ ta.
Con người những khi sung sướng, cuộc đời lên hương, chỉ biết hưởng thụ, vui
vẻ hả hê, chẳng nhớ gì cả mà chìm đắm trong hoan lạc. Đến khi phước hết, họa
đến, thân bại, danh liệt, thì than trời trách đất; bấy giờ mới nhớ đến chuyện
cầu nguyện, khấn vái thần linh, cầu xin Bồ tát, chư Phật gia hộ, ban cho
phước báo, hy vọng thay đổi vận mệnh tốt hơn.
Thực ra, tinh thần cầu nguyện của đạo Phật nhằm thay đổi những tín ngưỡng dân
gian có hại cho con người, như cúng sao giải hạn, xin xăm cầu đảo, nên chư Tổ
phương tiện lập ra cầu an, cầu siêu để chuyển hình thức mê tín dị đoan đã len
lỏi vào căn nhà Phật giáo từ bấy lâu nay. Nếu quý thầy có đủ quyền năng để
cúng sao, giải hạn cho Phật tử được, thì Phật đâu có dày công thuyết pháp, độ
sinh suốt 49 năm trời. Vì tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào trong con người
chúng ta, tuy tu theo Phật nhưng ta chưa dám tự tin chính mình và tin sâu
nhân quả.
Nếu ai cũng ý thức và thông suốt giáo lý nhân quả thì các chùa, các tự viện,
thiền viện, chỉ sám hối tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền và giảng dạy chánh
pháp, để giúp quý Phật tử có thêm niềm tin và hiểu biết chân chánh, mà bỏ ác,
làm lành.
Khi con người chưa có đủ niềm tin và hiểu biết về lý nhân quả, nhiều người đến
với Tam bảo bằng niềm tin nhiều hơn là sự tu tập, chuyển hóa. Do đó, đa số
đều ỷ lại và dựa vào tha lực của chư Phật, Bồ Tát. Giáo lý nhân quả là nền
tảng căn bản từ thấp đến cao, giúp quý Phật tử an tâm chọn lựa cuộc sống hiện
tại. Muốn làm người tốt, ta phải tự hoàn thiện bản thân, cho đến học Phật, tu
theo Phật, để được thành Phật.
Muốn được làm người trở lại, ta phải gìn giữ năm giới và tu bát quan trai.
Muốn được làm người trời, thì ta phải tu mười điều lành và các bậc thiền
định. Muốn được giác ngộ và giải thoát, thì ta phải tu tứ diệu đế, khổ tập
diệt đạo. Cho đến ta muốn thành Phật, độ hết tất cả chúng sinh, thì ta phải
hành Bồ tát đạo; và ngược lại, những điều xấu ác sẽ làm cho ta bị đọa ba
đường dữ đó là địa ngục, quỷ đói và súc sinh.
Tinh thần cầu nguyện nhằm đáp ứng và phục vụ nhu cầu cho số đông quần chúng
Phật tử, dần chuyển hóa được những tập tục mê tín, dị đoan. Chính vì lẽ đó,
Phật giáo cũng có những nghi thức, nghi lễ cầu nguyện với tinh thần vị tha,
để truyền bá chánh pháp vào mọi tầng lớp nhân gian, mà chuyển hóa những nỗi
khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc đúng theo tinh thần nhân quả.
Bởi nhân loại tạo nghiệp bất đồng, nên không ai giống ai. Do đó, trình độ căn
cơ cũng sai khác, nên Phật giáo đặt ra những nghi thức như cầu nguyện cho thế
giới được hòa bình, không còn chiến tranh, binh đao, tàn sát, giết hại, và
con người biết sống bằng trái tim hiểu biết, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn
nhau.
Đi chùa, lễ Phật, ước muốn, cầu nguyện để mong mỏi mọi người sống tốt và đạo
đức, là nét đẹp văn hóa tâm linh của người cư sĩ tại gia. Những ước muốn cầu
nguyện thông thường như no cơm ấm áo, mạnh khỏe vui tươi, sắc đẹp lâu dài,
thịnh vượng và bình yên, cũng không ngoài mục đích mong cầu an lạc, thảnh
thơi và giác ngộ, giải thoát.
Sự cầu nguyện, mong ước được tốt đẹp hơn trong
tương lai là điều cần thiết. Người Phật tử chân chính luôn cầu nguyện mà
không ỷ lại, hay dựa dẫm vào chư Phật, Bồ Tát.
Nghi thức cầu an, cầu siêu, cầu sám hối hay cầu dứt ác làm lành, là phương
tiện thiện xảo của chư Tổ, nhằm giúp chuyển hóa nỗi lo lắng, sợ hãi của số
đông quần chúng khi gặp việc bất hạnh, khổ đau. Nhưng nếu ta không biết mà
lạm dụng sự cầu nguyện quá đáng, thì ta sẽ trở thành tín đồ của mê tín dị
đoan, do tâm tham lam, lười biếng, làm ít mà muốn hưởng nhiều, nên muốn xin
cho khỏe. Chính Phật ngày xưa khi bị bệnh vẫn phải dùng thuốc để điều trị và
nhờ thị giả A Nan đi xin dùm. Vậy mà bây giờ, đa số quý Phật tử thích cầu xin
nhiều hơn là tu tập, thì e rằng trái với lời Phật dạy khi xưa.
Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, bởi vì Phật đã giác ngộ và giải thoát
hoàn toàn, nên dứt tâm tham muốn. Chính điều này, lịch sử đã chứng minh cho
ta rất rõ; khi Ngài còn là Thái tử, nếu ngài chấp nhận có một đấng thần linh,
thượng đế ban phước, giáng họa, thì ngài đâu bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp,
con ngoan để ra đi tìm chân lý.
Sau khi tu chứng dưới cội Bồ Đề, Người đã thấy rõ, chúng sinh thăng lên, lộn
xuống ba cõi, sáu đường, là do nghiệp nhân mình đã gây tạo, chỗ này không có
ai chen vô được. Mình làm lành được hưởng báo cõi trời, người; mình làm ác
chịu quả khổ đau ba đường dữ. Người thấy điều này rõ như người đứng trên lầu
cao, nhìn xuống ngã tư đường.
Phật tử ngày nay dù đã tiếp thu chánh pháp qua sự hướng dẫn của chư Tăng Ni,
nhưng một số chùa vẫn giữ những tín ngưỡng, tập tục mê tín, vì sợ Phật tử bỏ
chùa không đến. Do đó, căn nhà Phật giáo Việt Nam hiện tại rồng rắn lẫn lộn
khó phân. Lỗi này do ai? Chúng tôi xin nhường lại cho chư Tăng Ni trụ trì các
tự viện, chùa chiền, phán quyết và suy xét.
Tóm lại, để từng bước thay đổi những tập tục mê tín đã len lõi vào căn nhà
Phật giáo Việt Nam, như trường hợp cúng sao, giải hạn, xin xăm, bói quẻ, chú
tượng… Chúng ta sẽ thế vào đó những nghi thức có tính động viên, an ủi, khích
lệ nhiều hơn như cầu cho thế giới hòa bình, cầu cho con người biết sống hiếu
thảo với ông bà cha mẹ, cầu an, cầu siêu, cầu sám hối, cầu dứt ác làm lành
v.v… và v.v…
Phật giáo trong thời hiện đại tuy có chủ trương cầu nguyện, nhưng không phải
để van xin, mà nhờ sự gia hộ của chư Phật, Bồ Tát trợ duyên cho ngọn đèn tỉnh
thức được soi sáng thêm qua sự từ bi và trí tuệ các Ngài. Ai muốn an lạc,
hạnh phúc, thì phải sống và tu tập đúng như chánh pháp, là cách cầu nguyện
cao cả nhất để hoàn thiện chính mình.
Theo lời Phật dạy, chúng sinh trong ba cõi, sáu đường đã từng là cha mẹ, vợ
chồng, anh em, bạn bè và cùng là họ hàng, quyến thuộc với nhau từ vô thủy
kiếp, trong một chuỗi dài nhân, duyên, sinh tử tiếp nối. Lòng từ bi của các
vị Bồ Tát đã thấm nhuần lời Phật dạy, nhờ tu hạnh buông xả và trí tuệ, nên Bồ
Tát thấy ai cũng là người thân, người thương, không thấy ai là kẻ thù, nên
chỉ một lòng yêu thương, giúp đỡ, san sẻ và còn trải rộng lòng từ đến các
loài động vật, côn trùng và cỏ cây.
Nhờ phát nguyện lớn, các vị Bồ tát không thủ ngôi chánh giác an hưởng một
mình, mà sẵn sàng cận kề, đồng hành cùng nhân loại, để gánh vác và sẻ chia
bằng trái tim hiểu biết, yêu thương. “Phát” có nghĩa là phát tâm, mở rộng
lòng ra để tiếp thu lời dạy của Phật, mà áp dụng tu tập, nhằm chuyển hóa thói
hư, tật xấu. “Nguyện” ở đây có nghĩa là chí nguyện độ sinh, nghĩa là giúp
chúng sinh tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ, nhằm làm giảm bớt nỗi đau bất
hạnh và sẵn sàng san sẻ, giúp đỡ để mọi người đều được an lạc, hạnh phúc ngay
tại đây và bây giờ.
Bồ tát luôn phát nguyện được giác ngộ như Phật, có nghĩa là mình dứt ác, làm
lành và siêng tu trí tuệ, để không còn bị ràng buộc khổ đau, mà cố gắng ích
mình, lợi người. Muốn được thành tựu trọn vẹn, Bồ Tát phải biết hồi hướng
công đức cho tất cả chúng sinh. Cho nên, trong các chùa chiền, mỗi khi tụng
kinh, sám hối, niệm Phật, ngồi thiền, hoặc làm các việc phước đức, đều có kèm
theo hồi hướng.
Nguyện đem công đức này.
Hướng về khắp tất cả.
Đệ tử và chúng sinh.
Đều trọn thành Phật đạo.
Cao hơn nữa là trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh. Đây là tâm nguyện
của những vị Bồ tát. Ai có tâm nguyện như vậy, thì trước sau gì cũng thành
tựu phước huệ song tu, có phước để giúp đỡ nhiều người, có trí tuệ để dứt trừ
phiền não tham sân si, mà sống an vui, giải thoát.
Nói tóm lại, ngoài tinh thần cầu nguyện chân chánh vì lời ích cho nhân loại,
để ta mau được thăng tiến trên con đường giác ngộ, giải thoát, ta cần phải
phát nguyện và hồi hướng công đức cho đến khi nào được đầy đủ từ bi và trí
tuệ, phước đức viên dung, công tròn quả mãn, Bồ tát thành tựu cứu độ chúng
sinh để thành Phật đạo. Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với nhân
loại và muôn loài với câu châm ngôn bất hủ “Ta là Phật đã thành, chúng sinh
là Phật sẽ thành”. Ai cũng có quyền thành Phật, do đó đạo Phật được thế giới
tôn vinh là đạo của con người, vì tất cả mọi người.
Chính vì vậy, đến năm 1999 đạo Phật được thế giới công nhận lễ hội Phật đản
là lễ hội văn hóa của con người. Và cứ như thế, hàng năm, đều có tổ chức đại
lễ Phật đản tại đất nước Thái Lan hoặc những nước nào đăng cai. Người con
Phật, ngoài mục đích cầu nguyện cho gia đình phát tài, được lộc, gia đình an
lạc, hạnh phúc, còn phải mong cầu hướng đến thành tựu giác ngộ và giải thoát.
Nói tóm
lại, cầu nguyện, phát nguyện và hồi hướng công đức, là việc làm thiết thực
mang tích cách nhân bản, nhằm giúp người con Phật vững niềm tin hơn trên con
đường Bồ Tát đạo. Cho nên, cầu nguyện là phụ, phát nguyện dứt ác, làm lành,
giúp đỡ, an ủi, sẻ chia vì người khác, và hồi hướng công đức là chính. Cầu
nguyện để mọi người đều được thành Phật trong tương lai, và thế giới Ta bà
này không ai còn khổ đau trong luân hồi sinh tử. Đó là điều mong muốn của các
vị Bồ Tát.
Chiếc thân tứ đại khói,
Sinh hoạt thế gian mây.
Thành công khối nước đá,
Thất bại chùm bọt tan.
Nhục vinh bong bóng nước,
Thương ghét hạt sương mai.
Khổ vui trong giấc mộng,
Danh lợi bóng chim bay.
Tháng ngày cái chớp mắt,
Còn mất nước trăng lay.
Chung cuộc cơn gió thoảng,
Viên mãn bầu trời trong.
(Thiền viện Chân Không, HT THÍCH THANH TỪ)
Lá sen và giọt sương trên
mặt hồ
Lá sen trước gió, khẽ rung mình,
Dưới ánh trăng vàng, nước lung linh.
Phiền não cớ chi, hồ gợn sóng ?
Lắng nào, cho tỏ bóng trăng xinh !
Sương đêm bao nhẹ khắp gương hồ,
Một vạt mây trời dạo lửng lơ,
Giọt sương đâu nhẹ rơi vào lá,
Lá tâm thiền, vững giữ chân như.
Én liệng đi về trên không gian,
Len mây, tựa gió, cánh an nhàn.
Một cơn gió làm rơi giọt nước,
Duyên đến, duyên di, lá có màng !
Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
BÁT
PHONG
LỜI
DẠY ĐỨC PHẬT VỀ KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC
TU TỪ NHỮNG THỊ PHI CỦA CUỘC ĐỜI. Ý NGHĨA KHẤT THỰC
PHÁP MÔN TU THEO PHẬT
NGHI LỄ TÙY THUẬN TRONG ĐỜI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
LUÂN HỒI LÀ ĐAU KHỔ, PHẬT PHÁP LÀ AN LẠC
TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN