Tác giả: Thi Thi Hồng Ngọc
Sáng sớm, ánh nắng bình minh rạng rỡ tràn ngập căn phòng nhỏ xinh xắn báo hiệu một ngày mới đầy an lạc. Tường Vi mở tung cánh cửa để gió cùng nắng hớn hở ùa vào phòng, mấy chậu hồng nhung, cúc vàng, cúc trắng trên bệ cửa sổ cũng rung rinh như rút rích cười đùa với các nàng nắng và gió tinh nghịch kia. Tường Vi mỉm cười, tâm hồn nàng thật hân hoan thơi thới, hôm nay là mồng một, nàng quyết định đi chùa.
Chùa cách thành phố nơi nàng cư ngụ không xa. Tường vi đã đến đó vài lần cùng bạn bè nhân những dịp Tết, nhưng hôm nay nàng vẫn có cảm giác náo nức như ngày đầu tiên đến chùa, ngày mà nàng được biết cuối cùng thì cũng có một ngôi già lam thanh tịnh được thành lập nơi chốn xa xôi hẻo lánh này.
Nghe mẹ có đi chùa thì nên rủ thêm người thì sẽ được phúc lạc, nàng chẳng biết sự thật có như thế không, nhưng bạn bè đông đảo đi cùng thì được cái vui là chắc rồi. Nghĩ một thoáng, nàng bấm số cho chị Linh, bà nầy cũng thích đi chùa lắm đây, rủ chắc sẽ được ngồi xe hơi thay vì xe lửa rồi.
- Hôm nay thì không được đâu, chị còn bao nhiêu việc phải giải quyết ở nhà, lần khác nha!
“Mô Phật” Biết ra sao ngày sau?, tôi mà chờ mấy cái “lần khác nha” của mấy người chắc thiên thu cũng chẳng được đi chùa (!?!). Thôi được rồi, đi một mình cũng có làm sao đâu, thay vì trên đường tụ ba tụ bảy, tán dóc hết chuyện mình chuyện người thì ta có dịp tịnh khẩu, thực hành pháp môn thiền định hay là trì danh niệm Phật xem sao.
Chần chờ ít phút trước tủ áo, nàng tặc lưỡi “kín cổng cao tường” nhất, liếc mình trong tấm gương lớn, Tường Vi cầm thỏi son, hộp phấn rồi lại buông xuống tự nhủ rằng hôm nay đi chùa mà, xấu đẹp mặc kệ, nhất quyết không trang điểm, mấy vị sư cô có ai son phấn gì đâu mà người nào cũng đẹp một cách tự nhiên, thuần hậu đấy thôi.
Mua vé ở quầy tự động xong, khi bước lên tàu thì trời vần vũ mây đen, ôi cuộc đời! Đúng là vô thường! Đang nắng đó sắp sửa mưa đây, mà lát nữa mưa sẽ to lắm rồi những bông xinh đẹp hoa ban sáng sẽ ra sao nhỉ? Chắc là sẽ tàn tạ, te tua, tơi tả, tan tác mất thôi.
Nàng liên tưởng đến kiếp sống của một người con gái đẹp, ngày nào xinh sắn mỹ miều, làn da căng bóng, đôi môi mọng, khóe mắt long lanh, không một vết chân cò chân chim, chân…đại bàng, trãi qua thời gian dài đăng đẳng hỡi ơi! “Chìm đáy nước, cá lờ đờ lặn. Lững lơ trời nhạn ngẩn ngơ sa”, chỉ có điều không phải “sa” và “lặn” vì mỹ nhân đẹp mà vì nhìn thấy…ớn quá theo sự tàn phá của thời gian.
Nhất là các bà siêng năng đi tu (ở thẩm mỹ viện thay vì ở chùa), về chiều sắc đẹp càng tuột dốc thảm hại thắng không kịp, tự mình còn thấy…ái ngại khi ngắm mình chứ đừng nói thiên hạ.
Tàu chuyển bánh, mô Phật! Trời vẫn chưa mưa, không biết đi đến chùa có kịp trước khi trời đổ mưa không? Mẹ bảo: “Ở hiền gặp lành con ạ”. Đi chùa thì đúng là ở hiền rồi, nhưng có gặp lành không thì chưa chắc. Trên đường đi mà gặp việc bất như ý, mình có giữ được tâm bình lặng hay là nổi xung thiên lên, xin Phật nghĩ tu một chút, để con xắn tay trợn mắt giải quyết xong vụ này rồi tu tiếp(!).
Mô Phật! Chợt thấy mình đi xa quá rồi, tâm tán loạn, chẳng thiền không định, mà lại còn chưa niệm Phật câu nào, phải áp dụng phương pháp gì để trấn áp vọng niệm lung tung này đây? Áp dụng phương pháp sư ông Làng Mai trước đi nhỉ! “Hít vào tâm tỉnh lặng, thở ra miệng mỉm cười”.
Tường Vi thở ra một hơi dài khoan khoái tâm hồn, nàng nhẹ nhõm trở lại được năm phút…Hít vào, thở ra, hít vào, thở ra không biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Mình hứa sang năm về, mẹ chắc đếm từng ngày, tội mẹ quá! Không biết con nhỏ Ly có nhớ đưa mẹ đi chùa thường xuyên không? Tội nghiệp! Ôi chao hít thở đến đâu rồi, sáu hay bảy hay năm nhỉ? Nguy rồi! Lại vọng tưởng lung tung loạn xị cả lên thì hỏng rồi.
Hít vào, thở ra, ái chà! Xe đến rồi! Bây giờ thì đã ung dung ngồi trên xe rồi. A Di Đà Phật, thực hành phương pháp trì danh niệm Phật mới được, sau này lỡ “có gì” còn được Ngài thương xót cứu vớt cho. Bây giờ thì thở vào A Di, thở ra Đà Phật, tâm nàng từ từ tĩnh lặng , nếu ngồi thiền tại cõi Ta Bà này mà cầu mong quả vị giải thoát coi bộ hơi…bị lâu à nha! Chi bằng đi đường tắt cầu vãng sanh cực lạc, từ đó tu tiếp thì chắc như bắp rồi.
Cổng chùa kia rồi, thật cảm động hoan hỷ làm sao! Tường vi không biết mọi người có cảm giác như thế nào, khi nhìn thấy cổng chùa từ xa xa, nhưng với nàng thì đó là cả một niềm tin yêu, hy vọng, một sự vui sướng gập tràn không gì so sánh được.
Nhìn thấy tấm bảng tên chùa, trên cây cột có lá cờ Phật giáo tung bay phất phới, mái chùa cong cong, nàng như thấy cả đất nước Việt Nam yêu quí, hình ảnh ông bà nội ngoại, cha mẹ và những kỷ niệm êm đềm liên quan đến những ngôi chùa trong thời thơ ấu, cả quảng đời trầm luân khổ ải đã qua, của mình, của người thân, bạn bè, dân tộc, mà bùi ngùi cảm xúc dạt dào.
Nhìn thấy tấm bảng tên chùa, trên cây cột có lá cờ Phật giáo tung bay phất phới, mái chùa cong cong, nàng như thấy cả đất nước Việt Nam yêu quí, hình ảnh ông bà nội ngoại, cha mẹ và những kỷ niệm êm đềm liên quan đến những ngôi chùa trong thời thơ ấu, cả quảng đời trầm luân khổ ải đã qua, của mình, của người thân, bạn bè, dân tộc, mà bùi ngùi cảm xúc dạt dào.
Vừa bước vào, nàng chạm mặt với một người đàn ông đứng tuổi, nét mặt nghiêm nghị cứ như là một vị chánh án đang giữa một phiên tòa không bằng. Tuy nhiên theo thông lệ khi đến chùa, nàng vẫn chắp tay cúi đầu lễ phép chào: “A Di Đà Phật”. Người kia cũng đáp lễ bằng phương thức ấy và mỉm cười, khi cười nhìn anh ta “đẹp chai” hẳn lên, có thế chứ!
Nàng thầm nghĩ: “Sao không cười sớm một chút để tôi bớt tội sân si trong lòng?”.
- Cô lên chánh điện lễ Phật phải không? Đi theo lối này nè!
- Ái chà cọp dạy mèo leo cây đây. Nếu anh ta biết mình lên chùa lần nầy là chẳn chục, chắc không dám dạy bảo tận tình thế đâu.
- Dạ cám ơn anh.
Chánh Điện trang nghiêm thanh tịnh, văng vẳng đâu đây tiếng nhạc niệm Phật thanh thoát, nhẹ nhàng. Nàng thắp một nén nhang, làm mọi nghi lễ như mọi lần đến chùa, sau đó bắt đầu quì xuống lễ Phật.
Cố gắng không tập cái thói quen “xin xỏ Phật” như mọi khi, bắt đầu là: “Đức Phật từ bi phù hộ cho bố mẹ con dồi dào sức khỏe, các em con làm ăn phát tài để tụi em con khỏi xin tiền của con (!). Cầu Phật ban cho con có sức khỏe, mọi sự bình an may mắn, làm ăn khấm khá để con có tiền…cúng dường”.
May mà Tường Vi không có con, chứ không thì bài khấn vái chắc phải dài thêm một đọan nữa đại loại: “xin Đức Phật từ bi thương xót cho mấy đứa con của con được mạnh khỏe, nhiều may mắn, thi đâu đậu đó, biết hiếu thảo với cha mẹ, mấy đứa cháu hay ăn chóng lớn, vạn sự như ý v.v…và v.v…”.
Rồi còn ông chồng nữa chứ, thế nào cũng phải có vài dòng khấn cho ông ta như sau: “Cầu Phật phù hộ cho chồng con nhìn thấy con thì mắt hoa mày quáng tưởng là tiên nữ, nhìn gái thì cứ như yêu tinh, quỉ sứ mặt xanh, nanh đỏ ghê rợn chẳng dám gần, để anh ta lo làm ăn, thương vợ chiều con”. Rồi còn gì gì nữa ai mà biết được (!).
Ôi đời sống! Đức Phật từ bi lắm, thương xót chúng sinh nhiều vô vàn, nhưng Ngài đâu phải là tham quan ô lại đâu, nhận vài thẻ hương, ít bánh trái, chút tiền ít ỏi bỏ vào thùng phước sương, để rồi phải thực hiện mọi đòi hỏi tham lam vô độ của tất cả mọi người?...
Đi chùa lễ Phật, kính Tăng là để học hỏi Phật Pháp, khai mở trí tuệ, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, đó mới là người con Phật chân chính. Nhưng nàng tin chắc rằng mười người đến chùa, hết chín người cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, họa may còn sót lại một vài người “sau khi” cầu nguyện cho mình và người thân, mới nghĩ đến cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Đi chùa lễ Phật, kính Tăng là để học hỏi Phật Pháp, khai mở trí tuệ, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày, đó mới là người con Phật chân chính. Nhưng nàng tin chắc rằng mười người đến chùa, hết chín người cầu nguyện cho bản thân, cho gia đình, họa may còn sót lại một vài người “sau khi” cầu nguyện cho mình và người thân, mới nghĩ đến cầu cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Cảnh chùa tĩnh mịch yên lặng, tiếng mưa rơi rả rích ngoài hiên, Tường Vi sửa lại tư thế ngồi xếp bằng, bắt đầu lắng tâm thực hành pháp thiền định: hít vào A Di, thở ra Đà Phật. Thời gian chậm vhậm trôi qua, nàng xả thiền ngồi dậy lễ Phật, hồi hướng, rồi rời chánh điện, đi tìm Thầy trụ trì, đi vòng vòng lại gặp “ông chánh án” ban nãy.
- Cô giỏi quá! Còn trẻ mà đã biết ngồi thiền, tư thế rất đẹp, “Sư phụ” cô là ai vậy?
- Là… Internet.
- Tôi nghĩ sự am hiểu của cô hẳn không tệ, xin cô chỉ giáo…
- Khoan khoan! Anh vui lòng đừng dùng những từ ngữ quá trịnh trọng làm tôi… sợ, theo như nhận xét của tôi thì anh cũng là người am tường về Phật Pháp đây. Tôi không dám múa rìu qua mắt thợ đâu nha.
- Tôi tên là Quốc, rất hân hạnh được làm quen với cô. Tôi được phép hỏi quí danh cô không?
Nàng rụt rè ngó quanh “bà con ta” lâu ngày êm đềm quá cũng đâm chán, nếu có ai thấy nàng đơn thân độc mã nói chuyện với người lạ, mà còn bắt tay với “giai” nữa thì ối giời ơi! Chuyện nhỏ biến thành Scandal sôi nổi “đạo hạnh” bao năm gìn giữ đi đời còn gì.
- A Di Đà Phật! Danh của tôi không có gì quí nên chẳng muốn nêu ra, pháp danh tôi là Diệu Hoa. Xin hỏi pháp danh đạo hữu là gì ạ!?
- Pháp danh tôi là Huệ Trí.
Quốc cười rất tươi (với nụ cười này, đánh chết Tường Vi cũng không tin “đạo hữu” này đang độc thân).
- Hy vọng cô sẽ không thất vọng về tình bạn đạo nầy.
“Bạn đạo” thôi, cố ráng thêm chữ “tình” làm gì cho rắc rối sự đời không biết nữa? Mặc dù vậy, cuộc gặp gỡ với ông bạn đạo cũng khiến nàng “quên” niệm Phật trong suốt đoạn đường về. Đêm đó, Tường vi nằm mơ thấy có người hao hao giống ông “bạn đạo” tặng cho nàng một lá bồ đề, nhưng vừa chạm đến tay thì chiếc lá vụt bay đi mất…*