Thursday, August 22, 2024

*** CHO TRỌN NIỀM VUI MÙA VU LAN

 


CHO TRỌN NIỀM VUI MÙA VU LAN
TKN Thích Nữ Chân Liễu

 

Ước rằng đóa hoa màu hồng thắm đều cùng được cài lên áo tất cả các bạn, không phân biệt, vì Cha Mẹ của tôi và Cha Mẹ của bạn luôn luôn hiện hữu. Đó là ý nghĩa: “Cho Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan”.

Đại Lễ Vu Lan hằng năm được tổ chức trang nghiêm trong các Tự Viện khắp nơi nơi. Những tà áo đủ màu, vàng, nâu, lam, hân hoan rộn ràng sánh vai cùng lo trang hoàng cho ngày lễ báo hiếu thiêng liêng. Một sự kiện quan trọng hơn hết của buổi lễ, là nhắc nhở con người ý thức sâu sắc trong tình Cha nghĩa Mẹ bảy đời, không phải chỉ Cha Mẹ một đời hiện tiền mà thôi. 

Ý nghĩa hướng về tâm từ bi của đạo Phật, sau giây phút trang trọng của Lễ Vu Lan, phần cài hoa hồng trên áo, cùng nghĩa với sự tôn vinh hai đấng sanh thành, còn là “Ngày Cha Mẹ”. Sâu thẳm trong tâm của mỗi người con chí hiếu, như có tiếng gọi thâm tình và lòng báo ân, báo hiếu kỳ diệu, nhiệm mầu.

Văn hóa Phật giáo luôn chú trọng đến đời sống tâm linh. Đạo đi vào đời bằng những việc thiện lành đơn giản, như hoa hồng cài trên áo, nhưng có năng lượng hữu ích thiết thực vô cùng. Những người con Phật thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật, thì tất cả đều nên được, có quyền được cài đóa “Hoa Màu Hồng”. Tại sao? - Vì ai cũng có bảy đời Cha Mẹ, dù còn sống hay đã mất, Cha Mẹ là những đóa hoa màu hồng, tươi thắm đẹp vô ngần, và luôn được trân quí trong suốt phần đời bên các con.

Con người trên thế gian, tuy khác nhau về màu da, dân tộc, quốc tịch, tôn giáo, sang hèn hay đẳng cấp cao thấp, nhưng đều từ Cha Mẹ sanh ra. Ngày qua, năm tháng trôi đi, có người còn đủ hai đấng sanh thành, có người mất Cha, người thì mất Mẹ, cũng có những mãnh đời bất hạnh mồ côi cả Cha lẫn Mẹ. Tuy sống trong hoàn cảnh khác nhau, nhưng không ai vui được khi nhận hoa màu trắng, ngậm ngùi, buồn tủi, tiếc thương, hối hận. Đã là hoa hồng, thì hãy luôn là màu hồng tươi thắm. Ý nghĩa nầy chính là tình thương Cha Mẹ trong các con, mãi mãi không bao giờ mất.

Đạo hiếu trong Phật giáo là một nền đạo đức chân thật, tự trong thâm tâm, không phải ở hình tướng bên ngoài. Tùy theo hoàn cảnh và trình độ hiểu biết mà thực hiện sự hiếu dưỡng cha mẹ đúng hay sai. Người tu theo lời Phật dạy, tin vào nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và sự tái sanh, hiểu rằng những người sống xung quanh, nhiều đời kiếp đã từng là Cha, là Mẹ, là anh chị em của mình.

Khi tâm phân biệt, đố kỵ, thù oán, hơn thua, tham vọng, ích kỷ, riêng tư, không còn nữa, con người sẽ có tình yêu thương bao la không có giới hạn, suy nghĩ cho người nhiều hơn cho mình, thì tâm đã gần giống Tâm Chư Phật lắm rồi.

Trong kinh Vu Lan Bồn, với cử chỉ hành động đầy lòng từ bi khiêm tốn và đức độ bình đẳng, tình thương cảm rất tế nhị của Đức Phật được diễn tả trong đoạn kinh sau đây:

 Đáo bán lộ rành rành mắt thấy

 Núi xương khô bỏ đấy lâu đời

 Thế Tôn bèn vội đến nơi

 Lạy liền ba lạy rồi rơi giọt hồng

 Đức A Nan tủi lòng ái ngại

 Chẳng hiểu sao Phật lạy đống xương

 Vội vàng xin Phật dạy tường

 Thầy là Từ phụ ba phương bốn loài

 Ai ai cũng kính Thầy dường ấy

 Cớ sao Thầy lại lạy xương khô?

 Phật rằng: Trong các môn đồ

 Ông là đệ tử đứng đầu dày công

 Bởi chưa biết đục trong cho rõ

 Nên vì ngươi ta tỏ đuôi đầu

 Đống xương dồn dập bấy lâu

 Cho nên trong đó biết bao cốt hài

 Chắc cũng có ông bà cha mẹ

 Hoặc thân ta hoặc kẻ sanh ta

 Luân hồi sanh tử, tử sanh

 Lục thân đời trước thi hài còn đây.

Khi đọc tụng đoạn kinh trên, lắng tâm suy ngẫm cho thấy một hình ảnh chân thật, cao quí trong tâm lý hoằng pháp. Đức Phật đã chỉ dạy chúng sinh phá đi tâm ích kỷ, tâm chấp tướng, tâm phân biệt nặng nề, nên trải lòng thương tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng tuyệt đối, không có nhân ngã. Dù còn sống hay đã thành xương trắng, những người sống trong luân hồi lục đạo nhiều đời kiếp, từng là thân bằng quyến thuộc với nhau.

Thông thường, con người dễ cảm nhận niềm vui riêng, bất chợt, vội cảm ơn hoa màu hồng trên áo, vì nhìn thấy có người phải tủi phận nhận hoa màu trắng. Tuy đó là niềm vui vi tế, không đáng trách, nhưng tâm từ bi chưa vẹn toàn. Tâm vị tha rộng rãi hơn, nên tự nhủ lòng rằng: “Ước rằng hoa màu hồng cùng cài lên áo tôi, và áo bạn, vì Cha Mẹ của chúng ta luôn luôn hiện hữu, cho niềm vui được trọn vẹn trong ngày Lễ Cha Mẹ thiêng liêng nhiều ý nghĩa”.

Có phải sau đó, niềm vui sẽ tăng lên gấp bội, một bông màu hồng cho anh, một bông màu hồng cho chị, một bông màu hồng cho em và một bông màu hồng cho tất cả những ai cũng có Cha Mẹ.

Bất luận người tu - xuất gia hay tại gia - đều có ý thức trách nhiệm, trong sự đền đáp ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, không chỉ một ngày Lễ Vu Lan mà thôi, mà ở mọi thời khắc, mọi hoàn cảnh đều thấy được cơ hội để báo hiếu. Sự an lạc của Cha Mẹ khi còn hiện tiền, hay đã khuất, đều có sự chiêu cảm cần thiết từ các con. Phẩm hạnh đạo đức các con càng cao, là niềm hạnh phúc, là quà tặng tâm linh cho Cha Mẹ, không vật chất nào có thể sánh bằng.

Đạo hiếu hạnh sáng suốt của người tu học Phật Pháp, có thể cảm hóa được Cha Mẹ hướng về Tam Bảo, học hiểu từ giáo lý Đức Phật sẽ giúp Cha Mẹ bỏ ác làm lành. Tâm chánh tín, chánh kiến và phước đức ngày càng thăng tiến, kết quả đem đến an lạc hạnh phúc hiện tiền, khi xả báo thân được giải thoát về cảnh giới an lành tốt đẹp. Cũng vậy, đối với người xung quanh, kính trên nhường dưới, hướng dẫn qui y Tam Bảo, khuyên làm lành hướng thiện, là cách đền ơn Cha Mẹ tốt nhất.

Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn Cha Mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng của cải vật chất, tiền bạc, thì không bao giờ đủ để đáp đền ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, những ai đối với Cha Mẹ chưa sống trong thiện lành, thì hướng dẫn qui y trong chánh pháp, trau dồi đức hạnh chánh trực; đối với Cha Mẹ sinh khởi tham, thì khuyến khích bố thí; đối với cha mẹ còn tà kiến, thì khuyến khích vào chánh kiến. Cho đến như vậy, này các Tỳ Kheo, là làm đủ và đáp ơn đủ cho Mẹ và Cha”. 
(Tăng Chi bộ Kinh I. 75)

 Đối với Cha Mẹ, món ăn tinh thần dâng lên, cũng không thể không lựa chọn cẩn thận. Người có tuổi, sức khỏe thường nay đau mai yếu, hay buồn giận, dễ hờn tủi, nguồn vui chỉ mong sự săn sóc nuông chìu và hiểu biết của các con, đừng để sự cô đơn, nhớ con cháu giết lần mòn hai đấng sanh thành.

Cơ hội săn sóc Cha Mẹ là lúc tu thực hành nhiều nhất. Kiên nhẫn, bao dung, vị tha đem lại nguồn vui thanh thản cho hai đấng sanh thành. Khi chúng ta còn nhỏ Cha Mẹ lúc nào cũng hy sinh, bảo bọc, che chở và mong muốn tạo hạnh phúc cho các con. Nên dụng tâm, dành nhiều thì giờ thăm hỏi, chăm sóc, viếng thăm thường xuyên, đó mới chính là liều thuốc bổ giúp Cha Mẹ sống thọ, một cách báo hiếu hữu hiệu và công dụng nhất.

Ân Cha Mẹ ví như núi cao, biển rộng, sông sâu, vì có Cha Mẹ mới có thân ta. Phận làm con, tu tập có được chút phước đức, công đức nào, nên hồi hướng cho Cha Mẹ. Sau đó, tạo duyên cho Cha Mẹ biết qui y Tam Bảo, đó là đền ân Cha Mẹ. Vì vậy, thương và quí kính Cha Mẹ nhiều chừng nào, chúng ta phải ráng tu nhiều chừng ấy. Nhờ phước đức cộng nghiệp của những người con chí hiếu mà Cha Mẹ mất đi, đời sau sanh ra gặp Phật pháp, biết sự tu hành. Cha Mẹ còn hiện tiền thì gặp được minh sư khai ngộ, hiểu đạo, tiến tu.

Mong ước rằng Lễ Vu Lan từ nay về sau, sẽ là một ngày vui thật trọn vẹn, vì tất cả người con hướng về bảy đời Cha Mẹ, cùng một lòng hiếu hạnh báo ân. Cài trên áo một bông hoa màu hồng, giống y như nhau, không phân biệt, vì ai ai cũng có Cha, có Mẹ, để thương yêu và đền ơn. Tiềm năng vô tận của lòng từ bi ai cũng có, chỉ cần xử dụng phù hợp, khéo léo một chút thôi, thì đã có “Trọn Niềm Vui Trong Mùa Vu Lan” đầy đủ ý nghĩa nhất.

Nguyện cho bảy kiếp

Cha Mẹ chúng con,

đượm nhuần mưa pháp.

Khi còn tại thế,

thân tâm an ổn,

phát nguyện tu trì.

Khi đã qua đời,

xa lìa ác đạo,

chóng thành Phật quả.

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

TKN. Thích Nữ Chân Liễu

 

SỰ HI SINH THẦM LẶNG CỦA BA

 

Khi tôi viết những dòng chữ này thì ba tôi đã an nghỉ trong lòng đất. Ba tôi thọ 84 tuổi. Những người đến chia buồn đều cho ông cụ đã thuộc vào hạng “xưa nay hiếm”. Nhưng trong tôi, đó là một nỗi mất mát lớn lao không gì thay thế được.

Ba tôi là một nhà giáo nghiêm túc, hiền lành từ thời Pháp thuộc. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã ý thức được mình có một gia đình hạnh phúc. Chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ cãi nhau. Hai người xưng hô bằng “mình ơi” nghe rất dịu. Ba đi làm, mẹ nội trợ, sáu anh chị em cắp sách đến trường. Một khuôn mẫu của gia đình cách đây năm mươi năm trước.

Năm tôi lên tám tuổi thì mẹ mắc bệnh. Một căn bệnh nan y mà đến giờ y học vẫn bó tay: ung thư. Mẹ tôi nằm sáu tháng tại nhà thương Huế. Dù bác sĩ giám đốc Lê Khắc Quyến đã lắc đầu nhưng ba tôi vẫn không chịu bó tay. Người xin nghỉ việc đưa mẹ vào Sài Gòn với suy nghĩ “còn nước còn tát”. Sáu anh chị em bắt đầu thấm thía nỗi côi cút trong căn nhà vắng.

Rồi từ Sài Gòn mẹ trở về với làn da xanh mét, thân hình gầy guộc. Mắt ba sâu hơn, nụ cười thường nhật biến mất. Tất cả chỉ còn đợi thời gian…Ba đặt một chiếc giường song song cạnh giường mẹ. Trong giấc ngủ trẻ con, nửa đêm tỉnh giấc tôi vẫn thấy ba ngồi nghiêng mình bên mẹ chăm sóc, vỗ về.

Mẹ tôi có một cái hộp bánh LU của Pháp. Trong đó người cất vòng xuyến, chuỗi ngọc hồi môn, những cái kiềng vàng của các con, tiền dành dụm của gia đình. Nhưng cái hộp càng lúc càng cạn dần. Tiền của lần lượt đội nón ra đi. Rồi vay mượn…Khi mẹ tôi mất thì gia đình hoàn toàn khánh kiệt. Suốt đời tôi chẳng thể nào quên cảnh ba ngồi khất nợ với một người bà con.

Một người đàn ông góa vợ lúc 48 tuổi và sáu đứa con dại! Bây giờ tôi mới thấm thía với nỗi vất vả của ba. Chúng tôi không còn người giúp việc. Ba lập một cái sổ thu chi hằng tháng. Chị Hảo chị Hà đi chợ hàng ngày.Tôi nhỏ nhất cũng có bổn phận dọn bàn, lau chén. Chẳng thể còn những món ăn ngon thời mẹ còn sống. Cái bàn tay vốn quen cầm bút của chị tôi chiên trứng thì trứng cháy, nấu canh bữa mặn bữa nhạt, vậy mà ba tôi không hề trách móc, than thở. Có hôm người xuống bếp thay mẹ bảo ban chị. Việc trường, việc nhà chất nặng trên đôi vai ba.

Mất mẹ tôi ngủ với ba. Thói quen sờ vú của đứa con gái út không dễ bỏ đi một sớm một chiều. Ba đã ôm ấp tôi, gối đầu tay cho tôi ngủ, cho tôi mân mê vú ba thay vú mẹ trong tiếng thở dài thầm kín.

Và cứ thế, cuộc đời gà trống nuôi con của ba lặng lẽ qua đi. Ba trả nợ, ba thu xếp cho các con ăn học nên người với số lương còm cỏi của một giáo viên. Mỗi lần anh chị tôi đi thi, không bao giờ ba quên thắp nhang trên bàn thờ mẹ, thầm vái van một sự độ trì.

Năm tôi học đệ tứ- tương đương lớp 9 thời nay-, qua sự thu xếp của ông chú, ba tôi có ý định tục huyền với một người quen cũ, nghe đâu cũng là một cô giáo. Các anh đã lớn không có ý kiến gì. Chị Hà vào bàn thờ mẹ khóc. Tôi quay mặt vào tường, đêm ấy không nói với ba một lời. Quá nửa khuya, tôi vẫn nghe tiếng ba trở mình. Và đó cũng là lần cuối cùng. Không bao giờ chúng tôi còn nghe ba có ý định lấy ai.

Ôi, cái lòng ích kỷ tệ hại của tôi! Giá như ngày ấy chị em tôi biết nghĩ suy hơn một tí. Giá như tôi ý thức được rằng rồi mình cũng sẽ bỏ ba đi tìm một thứ gọi là hạnh phúc, thì hẳn rằng chúng tôi sẽ không ngăn cản ba có môt niềm an ủi khi chúng tôi lần lượt chắp cánh bay xa.

Ngày ba về hưu thì tôi đang ở năm thứ ba Đại học sư phạm, nối tiếp cái nghề truyền thống của gia đình. Các anh chị đã trưởng thành, mỗi người đều có một sự nghiệp tương đối trong xã hội. Tưởng đâu ba đã thong thả tuổi già, an nhàn trong sự bảo bọc của các con, mãn nguyện với hương hồn mẹ.

Miền Nam “được” giải phóng. Đất nước chấm dứt cuộc nội chiến nhưng gia đình tôi lại có nỗi đau riêng. Anh ruột và hai anh rể đi “học tập”. Ba tôi lại tất tả từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn, từ Quy Nhơn lên Đà Lạt giữ cháu cho các chị tôi lăn lộn chợ trời, làm lụng kiếm sống. Còn một chút của cải phòng thân, người cũng ngắt ra giúp cho các chị thêm chút vốn liếng nuôi con.

Sự hy sinh của ba to lớn quá mà chúng tôi nào có cơ hội đáp đền! Sau này khi cuộc sống dần khá lên, các anh chị có điều kiện xuất cảnh gửi tiền về chu cấp thì ba vẫn cứ một đời sống khiêm cung giản dị. Ba đến thăm nhà đứa con nào thì nhà ấy phong quang, sạch sẽ, hoa cỏ tốt tươi. Tám mươi tuổi ba vẫn hái cà phê. Ngăn không cho ba làm thì ba bảo có lao động mới khỏe. Ba già mà tính không chướng. Ba vui vẻ thăm hỏi mọi người từ trong làng ra ngoài xóm. Ai cũng khen ba phúc hậu, quắc thước, phong thái ung dung. Có lần đưa ba về Sàigòn dự buổi họp mặt của cựu học sinh Trường trung học Nguyễn Hoàng-Quảng Trị, ba tươi tắn biết bao nhiêu khi đón bó hoa tươi thắm mừng thọ của học trò, của các cô thầy đồng nghiệp.

Vậy mà tự dưng ba bỗng yếu đi bất ngờ. Ba có nhiều câu lẩn thẩn. Ba bắt đầu nói về cái chết. Ba kể những câu chuyện 40, 50 năm về trước. Ba sống trong hồi ức xa xăm. Tôi đã có cái hạnh phúc được chăm sóc ba những ngày cuối đời. Tôi bón cho ba thìa cháo, muỗng sữa. Tôi tắm cho ba, xoa nắn làn da mồi và những khớp xương gầy…Nhưng tôi vẫn chưa làm được những gì so với công ơn trời biển của ba. Trong những phút tỉnh táo ba vẫn băn khoăn, đau xót cho sự gãy đổ hạnh phúc của đời tôi. Anh chị đến đón, ba không về. Ba muốn sống và chết ở nhà đứa con út thiệt thòi nhiều thứ.

Và đúng là “phụ tử tình thâm”. Cái sáng thứ hai ấy, đang dạy ở trường, lòng tôi bỗng như lửa đốt. Tôi bỏ dở tiết mục dạy ra về và kịp chứng kiến sự ra đi của người cha yêu dấu. Tám mươi tư tuổi. Ba mươi sáu năm ở vậy nuôi con. Trải qua những biến cố thăng trầm, đời ba khổ nhiều hơn sướng.

Đám tang của ba tôi có rất nhiều thầy cô giáo và học sinh. Học sinh cũ của ba và của tôi hiện tại. Một số ở xa cũng đánh điện chia buồn. Âu cũng là một niềm an ủi cho nghề giáo đạm bạc mà thanh cao.

Ba ơi! Nếu quả thật có một thế giới bên kia cực lạc thì con chắc chắn rằng ba đang ở đó. Và xin hương hồn ba ghi nhận tấm lòng tri ân của các con trước sự hy sinh thầm lặng suốt cuộc đời ba.

Hương Thủy

 

XIN ĐỪNG NHƯ TÔi

Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buột miệng “ Mẹ ở …” (… nhà, con đi làm đây!). Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi. Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang, rồi đi…Như vậy là tôi đã đứng về phía những người không còn mẹ…

Thằng con tôi, 16 tuổi, tối qua đi học về, lao cái xe đạp vào nhà, la to từ ngoài cổng: “ Chào bà….” (… nội, con học về). Thằng nhóc cũng khựng lại…, huống gì kẻ quá nửa thế kỷ sống với bà, đâu dễ gì điều chỉnh một thói quen đã trở thành mãn tính.

Vẫn biết tử sinh là lẽ thường… nhưng trước cái chết của người thân, chẳng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Tôi không nói đến tình thương của con cái đối với cha mẹ, ai nhiều hơn ai, nhưng tôi biết một điều, những người con sống với mẹ chung một mái nhà, khi mẹ mất, sẽ có cảm giác mất mát lớn vô cùng. Thời gian chung sống càng dài, cảm giác đó càng lớn.

Cảm giác mất mát lớn là vì thế, hụt hẫng vì thói quen bỗng nhiên mất đi.

Mẹ tôi năm nay 93, thuộc hàng đại thọ rồi. Ai trong trong chúng ta dám nghĩ mình có thể bước đến mức đó?

Bà bị huyết áp cao, đôi khi viêm phổi, suy tim lai rai, nhưng bà mất không phải vì những bệnh đó mà vì …tuổi già. Cách đây 3 tháng, bà bỗng nhiên chán ăn, và rồi chán uống (nước). Cơ thể vẫn có nhu cầu nước, nhưng bà không thấy khát. Cơ thể vẫn có nhu cầu thực phẩm (đạm, lipid, glucid), nhưng bà không cảm giác đói… Bác sĩ nói, chắc chỉ còn vài tháng…

Một người có nghề khoa học thực phẩm như tôi đâu dễ gì bỏ cuộc. Tôi làm riêng thực đơn cho bà, sao cho uống ít nhất và dễ uống nhất, nhưng tạm đầy đủ chất bổ dưỡng cần thiết: sữa bắp, sữa đậu xanh, Milo, Ovaltin, nước ép trái cây,… Bà ngán sữa, thỉnh thoảng mới “độn” thêm một chút “Ensure”. Nhưng điều khó khăn nhất vẫn là, làm sao cho người già “ngán ăn sợ uống” chịu dùng số thực phẩm ít ỏi đó… Ép uổng có khi bà hất tay,giận dữ. Mỗi lần như thế, uống nhiều lắm chỉ được chừng 50 ml. Có lần bí quá, tôi phải xài tới… mật ong, nhưng bà cũng chỉ được nửa thìa.

Đôi lần tôi tự hỏi, có cần phải tạo thêm phiền muộn cho người già đang ở ngưỡng cửa về bên kia thế giới như vậy chăng? Nhưng liệu có thể đành lòng nhìn bà hao mòn dần như vậy không? Mọi người phải thay nhau giả vờ  hỏi chuyện ngày xưa với bà, khi bà vui thì đưa ly ra… Dụ ngày không được, thì dụ đêm. Thức đêm tâm tình với bà, bà cũng chịu uống chút chút.  Có khi cả ngày không uống hết nửa ly trái cây, tôi rớt nước mắt: “ Mẹ muốn bỏ con và các cháu đi sao?”. Bà cầm lấy tay tôi, ngước mắt nhìn như van xin: “ Mẹ sợ ăn …mẹ ói…”.

Người già “ngán ăn sợ uống” dường như sống trong thế giới khác, đâu phải là thế giới của logic y học với đầy đủ lý lẽ. Bà sống trong thế giới trầm lặng, bên ngưỡng cửa về với ông bà, về với cội nguồn… Còn gì để mất? Còn gì để sợ? Chỉ còn lòng thương yêu con cháu, và nếu sợ điều gì, đó là sợ bị… bỏ rơi. Có người bên cạnh, có người hỏi han là sức sống còn được níu kéo.

Nhưng trong sâu thẳm, tôi vẫn không sao chấp nhận mẹ tôi ra đi chỉ vì… không ăn uống. Rồi có lần tôi giả vờ giận bà bỏ đi. Ra ngoài đường, móc phone gọi thằng con dụ bà uống tiếp, thì bà uống. Chắc sợ thằng con bỏ đi thật. Mỗi lần dụ được bà uống, các con tôi đều phone cho tôi để… khoe thành tích. Có ngày bà uống đủ “tiêu chuẩn”, nhưng (rất) thường là không. Nhưng mấy cái “thủ đoạn” vặt này cũng chẳng xài được lâu.

Truyền dịch không phải là giải pháp tốt cho người già, dù là dung dịch muối đẳng trương, dịch glucose hay dịch đạm, vì dễ gây shock tim (sức tim bơm không nổi). Nhưng ông bạn bác sĩ nội khoa dường như cũng “máu” với tính lì lợm của tôi, cài máy đo huyết áp, vừa đo vừa truyền, truyền dịch khoảng 1/3 chai là ngưng, miễn sao có nước. Cách vài ngày lại truyền như thế, hôm đạm, hôm đường. Hai mươi chín Tết truyền, mồng một Tết cũng truyền, … Đánh “du kích” để dành giựt với tử thần là vậy.

Suốt mấy tháng trời, tôi sống với chút hy vọng mong manh đó, biết đâu bà sẽ biết đói và biết khát lại. Nhưng tuyệt vọng thì nhiều. Mỗi ngày tuyệt vọng chồng lên tuyệt vọng… Mỗi sáng thức dậy, thấy yên tĩnh, nghĩa là bà còn sống,…Tôi nhủ thầm, như vậy là mình còn cơ hội “chiến đấu” thêm 24 giờ nữa. Ngày qua ngày như thế…

Hai ngày cuối cùng, đôi mắt bà tinh sáng lạ thường, bà thường nắm chặt tay tôi, nắm chặt lắm, tay kia chỉ vào bụng bà ( hàm ý mẹ đẻ con ra), rồi chỉ vào ngực bà ( hàm ý thương lắm). Bà cũng làm như thế với các cháu. Bà ra đi nhẹ nhàng. Lúc đó cả nhà còn thức

Dọn dẹp nhà và thay quần áo cho bà xong, tôi quỳ xuống, vái bà ba lạy, tạ ơn sinh thành dưỡng dục. Ngày mai tang lễ, tất cả với tôi chỉ còn là thủ tục…

Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi là người đàn bà không biết chữ, bán xôi dạo, nuôi tôi ăn học. Nay kiến thức tôi đủ để đứng trên bục giảng đường đại học. Nhưng kiến thức dù to lớn đến đâu cũng chỉ là phương tiện, chỉ có tấm lòng đơn sơ mới tạo ra nhân cách. Tôi chợt thấy  mình nhỏ bé, quá nhỏ bé so với bà.

Thư này tôi chỉ gửi đến các thân hữu còn mẹ, như một chút chia sẻ thay cho lời cảm tạ. Các bạn còn cơ hội, còn tôi thì không. Hết rồi !  Tôi không còn phải hãi sợ mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại, mà tôi nơm nớp lo rằng đó là cuộc gọi từ nhà tôi.

Có những đêm rủ rỉ nói chuyện với mẹ, tôi mới hiểu ra tâm tư của người già sắp sửa ra đi, khác xa với lý lẽ khôn ngoan của sự đời. Thuốc men hay thực phẩm là thứ yếu. Niềm vui quan trọng hơn nhiều, dù chỉ là nụ cười héo hắt trên môi họ. Một cái gật đầu của người già sắp về bên kia thế giới là dấu hiệu của sự thỏa mãn. Để làm cho họ gật đầu, thì tiền bạc, quyền lực hay lý luận khoa học trở thành vô nghĩa. Chỉ có tấm lòng, bạn ơi ! Chỉ có tấm lòng và sự kiên nhẫn của chính bạn thôi.

Tôi đã hiểu ra, nhưng lại mải mê vật lộn với thần chết, và chính cái “khôn ngoan” đã ngăn trở tôi tiếp cận trọn vẹn với niềm yêu thương của mẹ, với những điều đơn sơ mà mẹ tôi cần nhất. Xin các bạn đừng như tôi…

-                      Con hãy hiểu, tuổi già của mẹ đâu nghĩa là được sống, mà chỉ là sống tạm.

-                      Rồi có ngày con sẽ hiểu, dù còn thiếu sót, nhưng lúc nào mẹ cũng muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con, lúc nào mẹ cũng cố hết sức để lo liệu cho con nên người.

-                      Đừng buồn con ạ! Đừng bức xúc hay tuyệt vọng khi nhìn thấy mẹ (suy kiệt). Chỉ cần con ngồi bên mẹ, ráng hiểu mẹ, và giúp mẹ như mẹ đã làm cho con từ thuở đầu đời

-                      Hãy dìu mẹ đi… hãy giúp mẹ đi trọn cõi trần với lòng yêu thương và kiên nhẫn. Mẹ sẽ dành cho con nụ cười và niềm thương yêu vô hạn như suốt đời mẹ đã làm như thế với con”.

Tôi lặng người khi đọc những dòng chữ đó, như có ai rọi thấu tâm tư, từ lâu rồi mơ hồ chẳng biết đúng hay sai. Mọi phân tích khoa học để đưa tới hành động tưởng chừng hợp lý và thực tế, nhưng có khi trở nên vô nghĩa với người già. Có những cảm nhận trùng hợp giữa lá thư cảm tạ và lời tâm sự của cha mẹ già, nhưng muộn rồi. Tôi đã từng hiểu ra nhưng chưa hiểu thấu. Tôi nhớ lại đôi mắt của mẹ nhìn tôi như van xin: “Mẹ sợ ăn …mẹ ói…”.

Tôi úp mặt vào đôi bàn tay. Tôi biết mình đang ray rứt và sẽ còn ray rứt…

Vũ Thế Thành

 

CHUYỆN TRONG CHÙA(PHTQ)

Kính thưa Quí Vị,

VP.PHTQ.CANADA vừa nhận được thư của Phật tử Diệu Từ (Houston, TX).

Nhận thấy đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình có bậc cha mẹ phát tâm xuất gia khi tuổi đã cao.

Đến khi vị này lâm bệnh, nhà chùa không có người để chăm nom, điều dưỡng, nên buộc phải kêu gọi thân nhân nhận lãnh.

Nếu thân nhân có khả năng thì mọi chuyện êm xuôi, dễ dàng. Tuy nhiên, có nhiều hoàn cảnh rất khó cư xử sao cho vẹn toàn.

Nơi đây xin nói thêm, có nhiều vị cao niên có ý muốn xuất gia, vào tu trong chùa vì nghĩ rằng nhà chùa là nơi tu hành, 

vô chùa mới gọi là tu và được ở gần Phật. Khi có mệnh hệ nào thì có sẵn chư Tôn Đức làm lễ cầu siêu thì chắc chắn được vãng sanh về cõi Phật.

Thật là đau lòng khi VP.PHTQ.CANADA nhận được những thư hỏi đạo, làm sao áp dụng đạo trong đời sống thực tế, rất khó có giải pháp chu toàn.

Do đó, mọi người nên phát tâm cầu học chánh pháp ngay khi còn khoẻ mạnh, còn minh mẫn trí tuệ, để hiểu rõ rằng: Phật ở trong tâm các người làm việc thiện lành, không làm việc xấu ác và giữ tâm ý trong sạch, thanh tịnh. Trong chùa không có Phật, chỉ có tượng Phật, chẳng có gì linh thiêng. Trong chùa không có chánh pháp, chỉ có các bộ kinh sách bám bụi, còn nhà chùa làm nhiều chuyện phi chánh pháp để có lợi dưỡng và danh tiếng, đẩy dẫy tà pháp. Trong chùa tuy có nhiều người mang hình tướng người tu, nhưng không thực tâm, chỉ thích ăn trên ngồi trước, không chơn thật, chỉ thích áo mão xênh xang, chẳng chịu học hỏi lời Phật dạy, chỉ biết thực hành nhiều nghi lễ có tính cách mê tín, người trước làm sao bây giờ làm vậy, chẳng hiểu ý nghĩa gì, còn bày vẻ thêm, nhằm gạt gẫm thế nhân và gạt gẫm những người vào tu sau.

Kính mời Quí vị đọc bức thư sau đây và cho biết tôn ý.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính thư,

VP.PHTQ.CANADA

lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

 

LỰC BẤT TÒNG TÂM

(HỎI ĐÁP PHẬT HỌC TỊNH QUANG)

Kính thưa Quí Thầy Ban Biên Tập PHTQ.CANADA,

Con là Phật tử PD Diệu Từ hiện sống ở Houston, Texas, kính xin quí Thầy từ bi chỉ dạy.

Con có một người Mẹ, Bà xuất gia lúc 52 tuổi. Khi đó con 30 tuổi và mới lập gia thất.

Mẹ con năm nay 82 tuổi, tức là bà đã tu ở chùa 30 năm. Khi xuất gia Mẹ còn khoẻ mạnh, từ đó con hoàn toàn không được Mẹ thăm hỏi hay giúp gì từ tinh thần với vật chất. Có nhiều lúc gia đình con đến chùa thăm Mẹ, thấy mẹ cực khổ lam lũ trong nhà bếp, bị sai vặt từ việc nặng nhẹ đều phải làm, con rất đau lòng nhưng không dám nói gì cả, vì đó là tâm nguyện của Mẹ. Tất cả tiền già lẫn tiền dành dụm, Mẹ phát tâm, tự nguyện hay lý do nào con cũng không được biết. Chỉ biết một điều, tất cả tiền của Mẹ đều cúng dường cho nhà chùa hết rồi.

Và đến lúc có chuyện xảy ra, là khi Mẹ bịnh sau đó bị tai biến mạch máu não, hơn hai tháng nằm bịnh viện, bác sĩ ngõ ý muốn gia đình đem về nhà chăm sóc, vì Mẹ giờ đây hôn mê không biết bao giờ tỉnh lại. Tiền viện phí, tiền nuôi bịnh, tìm kiếm người chăm sóc… chùa buộc chúng con phải lo hoàn toàn.

Chúng con bây giờ, chồng thì thất nghiệp đang xin tiền hưu trí, vợ thì đi làm công nhân nuôi 3 người con và cháu còn tuổi ăn học, nợ tứ phía, làm sao lo…?!! Con chỉ nói rõ hoàn cảnh khổ của con thôi, thì bị các Thầy Cô trong chùa mắng là “đồ bất hiếu, Mẹ của nó mà nó không lo thì ai ở không đâu mà lo?”.

Thưa quí Thầy PHTQ , vì con quá khổ, ức nghẹn không nói được, không làm được gì cả. Tại sao Mẹ chọn con đường bỏ gia đình đi tu, làm công quả mấy chục năm, tiền bạc dâng cúng tất cả nay cũng không còn gì, đến khi lâm vào hoàn cảnh như thế nầy thì bị nhà chùa bỏ rơi, phủi hết trách nhiệm, con cái gia đình thì mang tiếng “bất hiếu”.

Câu chuyện như vậy, thì quí Thầy Cô trong chùa, Mẹ của con, gia đình con, xin hỏi: ai đúng, ai sai ??!! Thầy là người xuất gia cũng là bậc Thầy mà con học hỏi và kính trọng, mong Thầy cho con vài lời khuyên để con biết phải làm gì cho đúng đạo? Làm sao giải quyết chuyện đau lòng nầy, để cho tâm con được nhẹ nhàng hơn.  Thật là lực bất tòng tâm. Kính mong Thầy hồi âm cho con sớm.

(Thầy có thể công bố thư của con cho mọi người khác biết, con cần nhiều lời khuyên cùng những ý kiến các Phật Tử và chư vị Tăng Ni trong việc nầy)

Kính cám ơn Thầy rất nhiều.

Con Trịnh Kim Chi PD Diệu Từ