CẦU TRỜI CÓ ĐƯỢC GÌ ĐÂU?
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
VP. Phật-Học Tịnh-Quang
Canada
Trời ơi, tại sao tôi khổ quá vậy nè?
Tôi ăn hiền ở lành, tôi cầu xin van vái hoài, tại sao trời không giúp đỡ gì
hết? Còn cái bà hàng xóm gian ác, chưa bao giờ cầu xin gì cả, mà trời lại giúp
bà ta được buôn may bán đắt, gia đình hạnh phúc, con cái đỗ đạt? Tại sao lại có
chuyện bất công quá vậy, hả trời?
Trong đời sống hằng ngày, không
nhiều thì ít, chúng ta đã từng nghe qua những câu than thở, trách móc "trời" như vậy, do những người chung
quanh nói ra miệng, hoặc cũng có lúc do chính chúng ta nghĩ thầm như vậy trong
bụng. Khi gặp chuyện không may trong cuộc sống, hay gặp nghịch cảnh trong cuộc
đời, hầu như mọi người đều kêu "trời" cứu
giúp, nếu như người đó không theo tôn giáo nào. Hoặc là van xin, khấn
vái, cầu nguyện "đấng thiêng liêng"
cứu độ, cứu rỗi, cứu vớt, phù hộ, độ trì cho được tai qua nạn khỏi.
Trên thực tế, có những người cầu
nguyện được tai qua nạn khỏi, có những khi cầu nguyện được tai qua nạn khỏi.
Nhưng có biết bao nhiêu người cầu nguyện, không được tai qua nạn khỏi, biết bao
nhiêu khi cầu nguyện, không được tai qua nạn khỏi. Những lúc cầu nguyện nhưng
không được tai qua nạn khỏi, con người bèn tự an ủi, hoặc nghe người khác giải
thích là: Tại vì cầu nguyện chưa khẩn thiết lắm, chưa chí tâm chí thành lắm,
hoặc là lúc đó trời bận đi cứu giúp người khác, cho nên không nghe lời van vái,
lời nguyện cầu của mình. Lời giải thích có tính
cách tiêu cực như vậy, thực tế chẳng giúp ích gì cho cuộc sống tâm linh của con
người. Cầu nguyện hay van xin chỉ giúp con người cảm thấy được bình
an trong nhứt thời đau khổ mà thôi, chứ không giúp con người thực sự giảm bớt
hay thoát ly được phiền não và khổ đau. Cũng giống như miếng thuốc cao dán, chỉ
trị được phần ngoài da, chứ không dứt trừ được căn bệnh trầm kha. Cuộc sống của
con người cứ quanh đi quẩn lại những chuyện đau khổ khổ đau như vậy nhiều đời
nhiều kiếp, không có lối thoát.Tại sao vậy?
Muốn có câu trả lời chính xác, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu: "Nguyên
nhân nào thực sự gây ra những sự khổ đau trên thế gian này?".
Thực sự, nguyên nhân của những
chuyện khổ đau đau khổ trên thế gian này, không phải do "trời" nào gây ra cả, mà chỉ vì con
người quá ích kỷ, thường hay suy nghĩ đến "cái
ta" hay "cái bản ngã" quá nhiều. Chuyện gì có
lợi cho mình, cho vợ chồng mình, cho con cái mình, cho gia đình mình, cho dòng
họ mình, cho tổ chức mình, cho tôn giáo mình, cho dân tộc mình, cho quốc gia
mình thì được, bằng như ngược lại thì dứt khoát là không được! Bất cứ chuyện gì
xảy ra trên đời nầy, con người cũng đều nghĩ là "vì
mình, cho mình". Chẳng hạn như trời nắng tốt là để cho mình,
gia đình mình, bạn bè mình và hội đoàn mình đi chơi vui vẻ! Trời mưa lớn là để
cho mình khỏi tốn tiền rửa xe! Ra đường gặp đám tang, cho là người ta xui xẻo
thì mình gặp hên! Hoa quỳnh nở trong nhà mình cho là điềm may mắn, điềm tài lộc
đến với mình, đến với gia đình mình! Sở công chánh thấy gia đình mình dọn nhà
tới khu vực nầy, liền mở con đường mới băng ngang khu đất trống để cho mình đi
làm tiện lợi hơn trước! Từ hồi dân mình qua Canada nhiều, trời thương dân mình,
nên thời tiết cũng ấm áp hơn trước! Cái gì cũng đều
nghĩ là "vì mình, cho mình" trước tiên hết trơn!
Con người có sự suy nghĩ như vậy cho
nên đau khổ lại hoàn khổ đau! Chính vì con người có tâm ích kỷ như vậy, cho nên
gây phiền não và khổ đau cho mọi người chung quanh, có liên hệ với họ về phương
diện gia đình hay xã hội. Không có trời nào có thể giúp con người được hết khổ
đau, nếu chính con người không chịu từ bỏ lề lối suy nghĩ như vậy. Thậm chí
ngay trong gia đình, nếu người vợ hay người chồng có nếp suy nghĩ ích kỷ, cái
gì cũng "vì mình, cho mình"
trước tiên như vậy, thì gia đình đó khó có hạnh phúc được. Nếu người con nào
cũng chỉ biết suy nghĩ cho chính bản thân mình mà thôi, thì người con đó rất dễ
bất mãn với cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Cái gì cũng đòi hỏi phần tốt,
phần hơn, phần lợi cho mình, không cần đếm xỉa gì đến những người chung quanh,
dù là ruột thịt, thì làm sao có thể sống chung với người khác được? Nhẹ thì bất
hòa, gây gổ triền miên trong gia đạo. Nặng hơn thì bỏ nhà ra đi, hoặc gây đau
khổ cho những người thân thuộc, nhưng vì mê muội, lại xem như kẻ thù.
Còn đối với mọi người khác ngoài gia
đình, các con người có tâm ích kỷ như vậy, lúc nào cũng nghĩ đến mình, vì mình,
cho mình, thường dễ trở nên gian ác đối với đồng chủng, đồng loại, tàn nhẫn đối với đồng bào, đồng hương, hay đồng đạo. Những
con người như vậy chỉ biết có đồng tiền mà thôi. Chẳng hạn như vì muốn được
hưởng lợi nhiều, ở không lãnh tiền, cho nên con người sẵn sàng vu oan giá họa
cho người khác, kiện tụng người khác đòi bồi thường thiệt hại tưởng tượng do họ
tự tạo dựng ra, mặc kệ người khác đau khổ thế nào, gia đình của người khác ra
sao cũng mặc kệ. Miễn là họ thắng kiện dù phải dùng đủ mọi thủ đoạn để hại
người lợi mình. Những người như vậy lại thường hay nói chuyện nhân nghĩa, phải
quấy, nhưng họ nhìn ai cũng thấy quấy, chỉ có họ là phải, nhìn ai cũng thấy
nguy hiểm đáng ghét, chỉ có họ là hiền từ dễ thương!
Trong thời đại văn minh, khoa học
tiến bộ hiện nay, những sự tin tưởng nơi trời, như là một đấng đầy quyền lực,
một đấng toàn năng, một đấng sáng tạo ra muôn loài, một đấng có quyền thưởng
phạt tùy ý, đã và đang dần dần tan biến, không nhiều người còn tin như thế.
Chẳng hạn trước kia, con người tin tưởng có thần sấm sét, thần sông, thần núi,
thần nước, thần gió, thần mưa, rồi đặt tên là: thiên lôi, hà bá, sơn thần, thủy
thần, phong thần, vũ thần. Thực ra đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của
con người trong sách vở truyện mà thôi. Những người
yếu bóng vía, yếu tim, yếu gan, nhẹ dạ, ngây thơ, lại tưởng là thiệt !
Ngày nay, con người đã hiểu được là
nước bốc hơi thành mây, mây tụ lại thành mưa. Khi mưa có thể có sấm sét, do các
luồng điện chạm nhau trên không trung. Ðó là bài khoa học thường thức đã và
đang được dạy ở bực tiểu học từ bao lâu nay. Mưa có ở trong đất liền, mưa có ở
trên rừng núi, mưa có ở ngoài biển khơi. Mưa do đủ "nhân duyên" mà
có. Mưa không vì thương người dân làm ruộng đang cần nước tưới, mưa không vì
ghét dân đô thị muốn được khô ráo sạch sẽ, mưa không vì thương hay ghét một ai,
mưa không do trời nào làm ra cả. Thậm chí, từ lâu nay các khoa học gia còn có
thể làm được mưa nhân tạo. Có đủ "nhân duyên" thì có mưa. Chỉ có con
người khôn ngoan biết dùng nước mưa để làm ruộng, hứng nước mưa để làm nước
uống.
Ai ai cũng biết rõ ràng
hột cam là "nhân" sinh ra cây cam và cây cam sinh ra "quả"
cam. Luật nhân quả đã quá rõ ràng như vậy. Khoa
học cũng đã công nhận như vậy. Thế mà cho đến ngày nay, vẫn còn có người không
chịu tin, lại thích tin tưởng những chuyện linh thiêng huyền bí, càng mơ hồ khó
hiểu, khó giải thích chừng nào, lại càng tin nhiều chừng ấy! Nếu con người chịu
khó suy tư sâu rộng hơn một chút, thì sẽ không còn những lời oán than trách móc
trời như trước đây nữa. Hể đã có "nguyên nhân", cộng thêm "trợ
duyên" đầy đủ thì chắc chắn sẽ có "kết quả hay hậu quả". Thí dụ
như hột cam là nguyên nhân chính, cộng thêm trợ duyên như đất tốt, nước tưới,
phân bón, công người chăm sóc, kỹ thuật trồng trọt thì kết quả sẽ là cây cam và
quả cam.
Luật nhân quả không chỉ áp dụng cho riêng một ai, cho riêng một sắc dân
nào, cho riêng tín đồ của một tôn giáo nào cả. Luật
nhân quả là một lẽ thực, là chân lý, không lệ thuộc thời gian hay
không gian, luôn luôn áp dụng, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Sách vở có nói
về luật nhân quả như các câu sau: cây nào sinh quả nấy,
có lửa mới có khói, gieo gió thì gặt bão, sinh sự thì sự sinh. Về
phương diện tâm linh, về phương diện tinh thần, những việc con người tạo tác,
những việc con người nói ra, những việc con người suy nghĩ, từ thân khẩu ý,
chính là những nguyên nhân, gây ra những kết quả hay hậu quả, mà con người sẽ
thừa hưởng, sẽ nhận lấy, hay sẽ gánh chịu.
Chẳng hạn như câu: "Gieo nhân nào, gặt quả nấy". Thí dụ như
khi còn nhỏ chăm học, lớn lên cố gắng làm việc và biết tiết kiệm là các nguyên
nhân. Kết quả là đời sống vật chất sau nầy khá giả, sung túc. Nghiện ngập, rượu chè, say mê cờ bạc là các
nguyên nhân, hậu quả là sự tán gia bại sản về sau. Tham tiền, tham sắc, tham
danh, tham ăn, tham ngủ là các nguyên nhân của những việc làm sai trái, xấu xa,
độc ác, bất chấp thủ đoạn, chẳng những gây đau khổ cho chính mình, còn gây khổ
đau cho thân nhân và cho những người chung quanh nữa. Những cơn nóng giận không
tự kềm chế được là nguyên nhân của những thất
bại, khổ đau, hối hận sau nầy.
Sách có câu: "Nhất
niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai".
Nghĩa là một khi tâm niệm tức giận,
sân hận khởi lên mà chúng ta không tự kềm chế, không tự khắc phục được, thì
biết bao nhiêu, trăm ngàn vạn chuyện khó khăn, đau khổ, chướng ngại tiếp nối theo
sau đó. Những giây phút nóng giận ngu si, lầm lẫn là nguyên nhân của những sự
hối tiếc, đau khổ sau đó, có khi kéo dài triền miên suốt cả cuộc đời. Những sự cố gắng tu tâm dưỡng tánh, tìm học để hiểu ra
chân lý là các nguyên nhân đem lại kết quả là đời sống an lạc và
hạnh phúc ngay tại thế gian này cho mình và cho những người chung quanh. Như
vậy, nếu con người hiện đang sống khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, gia đình hạnh
phúc, con cái nên thân, đó là đang thụ hưởng "kết
quả" của phước báo nhiều đời nhiều kiếp trước, do chính mình
tạo tác, chứ không do trời nào ban phước cho hết, cũng không do cầu nguyện van
xin, nhắc nhở kêu gào mà được, nếu như mình không thực sự xứng đáng được thụ
hưởng những điều tốt đẹp đó. Còn nếu như con người hiện đang gặp nghịch cảnh,
gặp khổ đau, đó là đang gánh chịu "hậu
quả" của nghiệp báo nhiều đời nhiều kiếp trước, do chính mình
tạo tác, chứ không do trời nào giáng họa cho hết, cũng không do cầu nguyện van
xin, rên la thảm thiết, mà tránh khỏi được.
Trời, nếu là đấng chí công vô tư,
tại sao lại có lòng thương ghét, ban phước giáng họa tùy tiện, theo lời van xin
cầu nguyện được? Trời, nếu là đấng linh thiêng, tại sao lại để cho tội ác xảy
ra, rồi mới giáng họa trừng phạt? Trời, nếu là đấng toàn quyền, tại sao lại
không chịu ngăn ngừa, ngăn chận trước các tội ác trên thế gian? Trời, nếu là
đấng vạn năng, tại sao lại chịu thua loài yêu ma quỉ quái, chỉ biết hành phạt
loài người? Trời, nếu là đấng đầy lòng bác ái, tại sao lại sáng tạo ra cuộc đời
đầy đau khổ cho nhân loại: bệnh tật, thiên tai, hạn hán, bão lụt? Hiểu được lý lẽ này, biết rõ ràng "trời" không
có thực, chỉ là sản phẩm tưởng tượng của con người mà thôi. Hiểu thấu đáo tường
tận sự công bằng của luật nhân quả, con người sẽ giảm bớt khổ đau, sẽ không còn
"than trời trách đất" nữa. Trái lại, con người sẽ không
còn bi quan yếu đuối, sẽ mạnh mẽ hơn, can đảm hơn, mạnh dạn hơn, dám nhận lãnh "hậu quả" do chính mình tạo tác, hay an
nhiên thụ hưởng "kết quả" do
chính mình tạo tác và tiếp tục làm những việc thiện để có phước báo, tránh
những việc bất thiện để tránh nghiệp báo, quả báo.
Thực ra, chỉ có những phước báo do
tạo tác việc phước thiện là có thể giúp con
người được "tai qua nạn khỏi" mà thôi, không có trời nào làm chuyện
bất công bằng, đến giúp đỡ mình theo lời van xin, cầu nguyện cả. Vì
thế cho nên, thay vì cầu nguyện, van vái trời, con người hãy tích phước, tạo
phước, bằng cách làm các việc thiện, nói các lời thiện, nghĩ các điều thiện,
tức là giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh. Làm được như vậy, nhưng
cũng đừng chấp rằng mình đã làm được bao nhiêu việc thiện, để giữ gìn tâm ý
luôn luôn trong sáng và yên tĩnh, là chúng ta đang giảm thiểu nghiệp báo đã
tạo, bớt phiền não và khổ đau của đời mình một cách tích cực vậy.
Chúng ta thử xét thí dụ:
Nếu một người bị bắt buộc phải ăn
một nắm muối thì quả thực là khó khăn và đau khổ. Nhưng nếu người đó có thể bỏ
nắm muối vào trong tô nước rồi uống, thì có lẽ dễ chịu được một chút. Nếu người
đó có thể bỏ nắm muối vào trong lu nước rồi uống, thì sẽ dễ chịu hơn chút nữa.
Nếu người đó có thể bỏ nắm muối vào trong hồ nước lớn rồi uống, thì chuyện sẽ
không còn thành vấn đề lớn nữa.
Nắm muối kia tượng trưng cho những
nguyên nhân tội lỗi, những nghiệp nhân bất thiện do chính mình đã tạo tác trước
đây, bây giờ phải gánh nghiệp quả, phải chịu nghiệp báo, phải lãnh quả báo,
không thể né tránh được, không thể đổ trút cho trời nhờ chuộc tội thế cho mình
được, hay là nhờ các vị đại diện trời tuyên bố tha tội cho là hết sạch được
đâu! Còn tô nước, lu nước hay hồ nước tượng trưng cho phước báo ít hay nhiều có
được từ những nguyên nhân phước thiện do chính mình đã tạo tác trước đây, bây
giờ có thể thụ hưởng kết quả tốt đẹp. Nhờ có phước báo hóa giải được ít nhiều
những nghiệp quả, nghiệp báo, quả báo phải gánh chịu. Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chính là nghĩa đó
vậy.
Người đời thường nói:
"Con người hại thì còn tránh được. Trời hại thì khỏi tránh!".
Sách cũng có các câu: "Chạy
đàng trời không khỏi nắng", hay: "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà
không lọt". Chữ "trời" trong các câu
nói này nên được hiểu là nghiệp quả, hay nghiệp báo, nói chung là "quả
báo", theo quan điểm của Phật giáo, chứ đâu có trời nào lại nỡ lòng
hại con người khơi khơi, vô cớ, vô lý, vô lẽ như vậy.
Thực ra khi nghiệp quả, nghiệp báo, quả báo đến ngày giờ phải lãnh, phải gánh
chịu, dù con người có chạy lên non, lên núi, chui vào hang, trốn trong nhà, ra
ngoài đường, xuống dưới biển, bất cứ đi đến đâu, cũng không thể nào tránh được.
Nghiệp quả, nghiệp báo, hay quả báo, cũng
như phước báo, do con người tạo ra và theo con người từ
kiếp này sang kiếp khác như hình với bóng vậy. Chúng ta cũng đã thấy có những
người xông pha ngoài chiến trận, hiểm nguy vô cùng, giữa lằn tên mũi đạn, nhưng
không hề hấn gì. Ðến khi nằm ở trong nhà, lại tử thương vì đạn pháo kích!
Chúng ta thử xét thí dụ
khác:
Một cục sỏi rớt xuống nước sẽ chìm
lĩm ngay. Nếu cục sỏi đó được đặt trên một chiếc xuồng, dù nhỏ và bằng giấy,
thì cục sỏi đó cũng không chìm được. Cũng như một người gây tội, mà không có
phước báo, sẽ lãnh đủ hậu quả, quả báo, nghiệp báo. Nhưng nếu người đó có phước báo, do đã tạo tác nhiều việc phước
thiện trước đây, thì tội nghiệp sẽ được giảm khinh. Một chiếc máy bay rớt xuống
biển sẽ chìm ngay. Nhưng một chiếc hàng không mẫu hạm có khả năng chuyên chở
được hàng trăm, hàng ngàn chiếc máy bay, vượt qua biển lớn. Theo luật pháp trên
thế gian này cũng vậy, người nào gây tội sẽ phải đền tội tương xứng. Nhưng
người nào có làm công lao gì đó, tội nghiệp sẽ được giảm khinh. Sách có câu: "Lấy công chuộc tội" hay "Ðoái công chuộc
tội", chính là nghĩa đó. Ðó mới thực sự gọi là công bằng vậy.
Tóm lại, qua những tư duy chân chính này, chúng ta hiểu ra rằng
cuộc đời dù có khổ đau, cay đắng, nhưng không vì thế mà bi quan chán đời, không tiêu cực, yếu đuối, van xin, cầu nguyện "ông
Trời" do chính mình tưởng tượng ra, để tự dối mình, chính vì
muốn chạy tội, muốn tránh né nghiệp quả, nghiệp báo, hay quả báo do chính chúng
ta tạo tác. Trái lại, tinh thần của chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, tích cực hơn trong
cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta nhứt định làm tất cả việc
phước thiện, dù lớn dù nhỏ, quyết tâm tránh tất cả việc bất thiện, dù nhỏ dù
lớn. Chúng ta luôn luôn kiếm cách tìm dịp, giúp
người giúp đời, trong phạm vi khả năng của mình, để cố gắng đem lại an lạc và
hạnh phúc cho chính mình và cho những người chung quanh. Chúng ta luôn
luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, không bao giờ bận tâm nhớ nghĩ đến các việc
phước thiện đã làm.
Hiểu được như vậy, làm được như vậy,
chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ giảm bớt khổ đau, tâm tư của chúng ta sẽ
giảm bớt phiền não, tinh thần được khinh an, trí óc được thanh thản và những
người chung quanh chúng ta chắc chắn cũng sẽ cảm nhận được niềm an lạc hạnh
phúc cùng với chúng ta vậy.
Do đó, cuộc đời vui
tươi và đẹp đẽ, an lạc và hạnh phúc, cửa thiên đàng cõi cực lạc rộng mở kể từ
đây.
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Mời quí vị xem bài viết: "Sự Mê Tín Trong Dân Gian"
Chữ
Tâm Trong Đạo Phật
SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI
Có một số người mặc dù cũng biết được rằng làm việc thiện là tốt, nhưng một khi làm việc thiện không nhận được sự báo đáp đã nhanh chóng trở nên nản chí, ngã lòng. Thậm chí họ còn nghi ngờ rằng, thế gian liệu có thực sự tồn tại thiên lý "thiện ác có báo"? Điều này đơn giản là bởi vì lòng nhân từ của họ không đủ trong sáng, thuần túy. Một người thực sự lương thiện thì giống như là nước. Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp. Đây chính là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất! Hiện nay, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên hối hả, bon chen, con người ta đôi khi bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp, sống gấp, sống vội mà bỏ quên đi sự quan tâm, giúp đỡ dành cho mọi người xung quanh.
Thậm chí, giữa thời buổi "thật giả lẫn lộn", điều này càng cổ vũ cho thói vô cảm, khiến nhiều người mặc dù thấy hoạn nạn mà không dám giúp đỡ vì sợ bị lừa gạt, sợ trở thành nạn nhân của các trò dàn cảnh trấn lột, thôi miên, lừa đảo... Tuy vậy, thực tế, nhiều hành động tốt đẹp, giúp đỡ người khác mà không cầu tư lợi, báo đáp vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ nhằm khiến lòng tốt lan tỏa. Đó là câu chuyện mà facebook Tuấn Anh Hoàng chia sẻ, vào chiều ngày 15/6, trên tuyến đường Giáp Bát - Văn Điển (Hà Nội), Tuấn Anh đã bắt gặp khoảnh khắc người phụ nữ mua xăng cho cụ ông gây xúc động. Tuấn Anh kể: "Lúc đó, tôi đi trên đường, đang quay lại đẩy xe giúp thì thấy một chị tầm 30-40 tuổi đưa chai xăng vừa mua cho bác bị hỏng xe. Trước đây, khi xe tôi trong trường hợp tương tự đã được một bạn trẻ giúp đỡ nên thấy xã hội này còn rất nhiều người tốt. Đó là hành động đẹp và đáng được trân trọng".
NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN
TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU
Nắng
mùa hè ấm áp, giúp cho vườn hoa ở Canada cảnh sắc rực rỡ. Một hồ sen điểm
vài cánh hoa hiếm quí tươi nhuần thanh khiết, làm ấm lòng người thưởng ngoạn.
Lá sen màu xanh thẫm, trải khắp mặt hồ, tuyệt đẹp như bức tranh vẽ nghệ thuật.
Vài giọt nước nằm yên giữa dòng lá sen tự lúc nào, một làn gió thổi qua, những
giọt nước rơi nhẹ xuống mặt hồ. Sự yên tĩnh trong sạch và phẳng lặng của hồ
sen, có thể trưởng dưỡng những tâm hồn an tịnh, không tranh chấp, không hơn
thua, không phiền não.
Ai sống trên đời nầy
Tham ái được hàng phục
Sầu khổ tự tiêu diệt
Như giọt nước lá sen.
(Kinh
Pháp Cú)
Tất cả
mọi người trên thế gian đều có chung một số phận "sanh lão bịnh tử",
đó là cái khổ lớn của đời người. Con người có sanh ra, tất có già, có bịnh và
sẽ đi đến cái chết chắc chắn như vậy. Con người tỉnh thức nhận rõ điều này.
Diệu dụng của sự tỉnh thức đưa con người thoát khỏi vô minh, phiền não, khổ đau
của luân hồi.
Căn tánh của chúng sanh không
đồng, nên Ðức Phật giáo hóa tùy duyên, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chỉ dạy
nhưng cũng không ngoài một vị giải thoát. Phương pháp tu cốt yếu là giúp con
người hiểu biết cách thực hành tinh tấn, tận sức kiên trì, chiến thắng tâm ma
cho đến khi đạt được giác ngộ giải thoát, mới mong thoát khỏi đau khổ sanh lão
bịnh tử, trở về niết bàn tịch tịnh. Như hoa sen và lá không nhiễm bùn tanh và
nước đọng. Diệu dụng của sự tỉnh thức là con đường tu bằng trí tuệ cao thượng
để có được kết quả viên mãn.
Ðức
Phật dạy: "Chánh pháp là tặng phẩm quí báu nhất. Pháp vị là hương vị đậm
đà thanh tịnh nhất. Pháp hỷ là niềm hoan hỷ an lạc cao cả nhất. Ái tận là công
đức thù thắng nhất, vì đưa đến quả vị giải thoát tối thượng".
Ðệ tử của Như Lai
Luôn sống trong tỉnh thức
Bất luận ngày hay đêm
Tâm không nhiễm ái dục
Thường tu niệm tỉnh giác
Lậu hoặc ắt tiêu trừ.
(Kinh
Pháp Cú)
Chư Tổ
ví tâm như nước hồ thu không gợn sóng, trăng soi bóng nước. Như ly nước đầy cáu
bẩn, cần thời gian để yên một nơi, cáu bẩn lắng xuống, ly nước được trong dần.
Người tu muốn được thấy sự diệu dụng của Phật pháp, cần phải có không gian yên
tĩnh thích hợp để hành thiền và tu học. Khi không còn thấy sự yên tĩnh là buồn
chán, ly nước cáu bẩn được lọc sạch.
Người
sống không thẹn với lòng là người không tìm hạnh phúc trong quyền lực, trong sự
tranh đấu hơn thua, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác. Chúng ta nhận ra được sự
tai hại của lòng tham và ích kỷ sẽ gây thù oán khắp mọi nơi, không có hạnh phúc
nào bền vững cả. Cuối cuộc đời là sự tự hủy diệt trong cô đơn và đau khổ.
Người
có trí tuệ hàng phục được tham sân si, xa lánh được nhân xấu ác, tâm sáng suốt,
sẽ thấy được đâu là hạnh phúc bền vững chân thật. Khi cảm nhận được hạnh phúc
xuất thế gian là vô giá, thì đối với họ thắng bại, danh vọng, quyền lực, vật
chất không còn là quan trọng nữa.
Chư vị tôn túc thường nói: "Nhịn
một câu sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao". Chuyện
lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Phiền não trên đời như túi đá nặng trên vai,
người nào biết buông bỏ xuống thì nhẹ nhàng như cởi mây ngao du sơn thủy.
Vận
dụng từ bi để trừ sân hận, hiểu được sự bất tịnh sẽ dẹp trừ tham dục, khai mở
trí tuệ phá tan được si mê. Hạnh phúc cao quí là ở nhân phẩm trong sạch và lòng
từ ái mà có được. Quá nhiều thủ đoạn và ích kỷ tham cầu cho riêng mình chỉ
chuốc lấy khổ đau và thù hận mà thôi.
Trong
đời sống hiện đại, mật độ dân cư càng tăng, tiện nghi vật chất phục vụ con
người càng lôi cuốn hấp dẫn, áp lực đồng tiền càng mạnh. Con đường sa đọa mê
đắm đưa nhiều người đến vực thẳm không còn kềm chế được. Nếu họ không thỏa mãn
được những tham vọng điên cuồng, hậu quả đưa đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, tội
lỗi và bất hạnh trước mắt. Lúc đó con người tự hành hạ mình bằng sự sân hận, oán
người, hận đời, đôi khi đi đến loạn tâm điên rồ, mất tự chủ và sáng suốt, để
rồi việc ác gì cũng dám làm, thật là nguy hiểm vô cùng.
Khi
nghĩ đến những bất hạnh mà họ phải gánh chịu, với trí tuệ sáng suốt và lòng từ
bi, mọi người nên thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta không khinh khi,
cũng không bỏ mặc họ, kiên nhẫn tùy duyên, đúng lúc nào đó có thể sẵn sàng giúp
họ bằng tấm lòng khoan dung độ lượng, đưa họ về con đường bình an trong chánh
pháp.
Muốn có
được sự bình an thực sự, con người bớt đòi hỏi vị kỷ, sống đơn giản, xa rời hơn
thua tranh chấp, trao giồi đức hạnh, khiêm hạ vô tư, vì người không vì mình,
trong tất cả hành động của thân khẩu ý.
Sự toàn
thiện về thân và tâm chưa đủ, chúng ta còn phải làm nhiều phước thiện. Tâm an
lạc hạnh phúc khi mọi người xung quanh đều có hạnh phúc.
Tuy lá
sen không được nhiều người ca tụng và chiêm ngưỡng như hoa sen tròn vẹn hương
sắc, nhưng lá cũng góp phần làm cho cảnh sắc của hồ sen tươi thuần và tăng thêm
giá trị thiện pháp cho tâm người biết thưởng ngoạn.
Người
có trí tuệ thấy rõ nhân quả của thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, thì mới
quyết tâm buông bỏ được tham lam, sân hận, và si mê.
Người
giữ được tâm trong sạch, thân đoan chính thanh tịnh, những đam mê của cảnh trần
không làm họ dính mắc bận tâm, như giọt nước trên lá sen.
Người
tu khi hành đạo thường gặp "bát phong", nghĩa là những sự tôn vinh
hay phỉ báng, khen hay chê, sướng hay khổ, lợi dưỡng hay ngược đãi, tất cả đều
không màng.
Bát
Phong là tám điều xảy ra trên đời làm tâm con người loạn động bất an, nhưng với
người biết cách tu, tâm không bị phiền não chi phối. Bát phong gồm 4 cặp đối nghịch:
Lợi: khi gặp lúc lợi lộc, tâm không
ham muốn vui thích.
Suy: khi gặp cảnh suy sụp, bất như
ý, tâm không sầu não, bi lụy.
Hủy: khi gặp sự hủy nhục, tâm không
sân hận, thù oán.
Dự: khi gặp sự danh dự, tâm không
dính mắc, tự mãn.
Xưng: khi gặp sự xưng tán, tâm không
ngã mạn, tự kiêu.
Cơ: khi gặp sự chỉ trích, tâm
không đau khổ, buồn rầu.
Khổ: khi gặp lúc khổ nạn, tâm không
mặc cảm, oán than.
Lạc: khi gặp cảnh vui mừng, tâm
không tham đắm, si mê.
Chư Phật hóa độ chúng sanh bằng
tâm "Ðại hùng, Ðại lực, Ðại từ bi". Các Ngài vượt qua hết trở ngại
của sự phân biệt và chia cách. Người tu theo Phật phải dũng mảnh tinh tiến rũ
bỏ hết tham lam, sân hận và si mê, đem ánh sáng trí tuệ và tâm từ bi, xua tan
bóng tối của vô minh nhiều đời nhiều kiếp cho mình và cho người hữu duyên.
Muốn thanh tịnh hóa tâm hồn, đã
quá nhiều mệt mỏi vì sự cạnh tranh ồn ào của cảnh đời, như giọt nước lá sen,
chỉ cần nhân duyên của cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho giọt nước phiền não rơi
xuống hồ, trả lại sự trong sạch nguyên vẹn cho lá. Sự diệu dụng của Phật Pháp,
đem lợi lạc cho con người ở mọi thành phần giai cấp xã hội.
Ngày
nay, băng giảng, kinh sách, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được phát hành rộng
rãi, các khóa tu học được tổ chức tại các tự viện, chúng ta có thể tham khảo và
tìm một pháp môn thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh để tu học. Các vị học giả
trí thức đã bỏ nhiều tâm huyết và công phu thành lập các "website"
giá trị tu học, đem nhiều lợi lạc cho tứ chúng, xuất gia và tại gia. Giáo lý
đạo Phật cũng được nhân loại đón nhận như nước cam lồ cứu khổ chúng sanh, với
lòng tôn kính và sự biết ơn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng vô tận.
Dù sống một trăm năm
Không thấy Pháp tối thượng
Chẳng bằng sống một ngày
Ðược thấy Pháp tối thượng.
(Kinh
Pháp Cú)
Dù sống một trăm năm
Không tuệ, không thiền định
Không bằng sống một ngày
Có tuệ, tu thiền định.
(Kinh
Pháp Cú)
Sự tu
học không đòi hỏi phải ngộ tức thời, hay nóng lòng cầu mong chứng đắc, nhưng
cũng đừng trì trệ. Niệm Phật hay tọa thiền để đi đến thanh tịnh tâm, là các
pháp môn thực hành, đồng thời với việc tìm hiểu lời Phật dạy, để biết rõ cách
tu tâm sửa tánh, đúng theo chánh pháp. Kết quả trừ dứt tất cả nghiệp ác và các
duyên gây đau khổ, sau đó cứu người giúp đời, tạo công đức và phước đức. Nguyện
đem công đức và phước đức hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều thành
Phật đạo.
Tóm lại, con người thường mong
muốn rất nhiều, nhưng đạt được những điều mong cầu thì rất ít. Không ai muốn
khổ, nhưng vẫn gặp khổ nạn, không muốn già bịnh, nhưng già bịnh không ai tránh
khỏi, không muốn chết cũng không được. Cuộc sống luân hồi khổ nhiều vui ít,
sanh sanh tử tử mãi không thoát được.
Thời
gian qua rất nhanh, tuổi đời tuổi đạo thì tăng dần, phiền não của tâm chấp
trước càng nhiều, là những tư tưởng, quan niệm sai lầm, thành kiến, làm che lấp
ánh sáng giác ngộ. Người tu cần thời gian tĩnh tu, tụng kinh, niệm Phật, tọa
thiền để an định tâm, dẹp trừ định kiến và phiền não. Trong kinh sách, có câu
kệ như sau:
Chánh
thân đoan tọa
Ðương
nguyện chúng sanh
Tọa bồ
đề tòa
Tâm vô
sở trước.
Nghĩa
là:
Thân
ngồi ngay thẳng
Nguyện
cho chúng sanh
Ngồi
tòa giác ngộ
Tâm
chẳng chấp trước.
Chư Tổ
dạy: "Duy Tuệ Thị Nghiệp".
Người tu lấy trí tuệ làm sự nghiệp, tinh tấn làm công phu, dùng đạo lực khắc
phục mọi khó khăn, tu tập thiền định để đi đến kết quả giác ngộ và giải thoát.
Khi nếm
được "Hương Vị Phật Pháp"
hạnh phúc không thể nghĩ bàn, thì mỗi thời khắc luôn được sống trong giới pháp
an lạc của chư Phật. Báo ân đức Phật, hành Bồ Tát đạo, với tâm vô ngã vị tha,
hành từ bi hỷ xả. Từng bước từng bước đạt được đức hạnh trọn vẹn, vô ngã vị tha,
đem tâm trí và đạo lực tinh tấn an nhiên đi vào cảnh giới an lạc của chư Phật.
Từng bước từng bước tạo duyên lành cho mọi người thân quen nếm được Pháp
vị của sự giác ngộ và giải thoát.
Chúng
ta có thể tự nhủ lòng rằng: "Hôm nay sự tu tập của tôi đã được một phần an
lạc thanh tịnh, so với ngày hôm qua có tiến bộ. Nguyện ngày mai sẽ cố gắng
nhiều hơn nữa và không bao giờ thối chuyển. Hãy đặt niềm tin vào con đường mà
Ðức Phật đã giảng dạy, giữ giới thanh tịnh, trừ bỏ ba độc tham sân si. Ðó là
một sự vô cùng quan trọng và cần thiết cho đời tu".
Nguyện chánh pháp lưu truyền
Phổ cập khắp thế gian,
Chúng sanh thường tịnh lạc,
Phật đạo chóng viên thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
CHUYỆN TU HÀNH
PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 16
- Thưa Thầy, tôi có nghe câu nói: Thứ nhứt thì tu tại gia.
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Vô chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, thọ bát,
bái sám, thì đúng là tu rồi, dễ hiểu quá. Còn tu tại gia, tu tại chợ là làm
sao, thế nào, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho. Cám ơn Thầy trước.
- Thông thường, ai cũng nghĩ vô chùa mới gọi là tu
thì quả thật không sai. Nhưng chưa hẳn hoàn toàn đúng.
Người thường đi chùa, hoặc cạo tóc ở luôn trong
chùa, nếu không tu sửa tâm tánh, vẫn tham lam, vẫn sân hận, vẫn si mê, có khi
còn làm phách, dè bĩu, hay khinh khi người khác không biết tu như mình, rủa xả,
mắng nhiếc người khác đọa địa ngục, phê phán không căn cứ, phỉ báng không tiếc
lời, thích ăn trên ngồi trước, giành miếng ngon, lựa chỗ tốt, thì không gọi là
tu được. Có chăng đó chỉ là hình tướng người tu, dù tại gia hay xuất gia, gọi
là tu tướng mà thôi.
Còn tu tại gia, tu tại chợ thì rộng rãi hơn, chiếm
toàn bộ thời gian trong một ngày, dù là người tại gia hay xuất gia. Lúc nào
cũng tự xem xét, hôm nay mình có làm tổn thương ai qua hành động, lời nói và
trong tư tưởng. Chẳng hạn như tại
chợ, mình có để xe nghinh ngang giữa đường, bất kể người khác có đi qua được
hay không. Chẳng hạn như tại gia, mình có ngồi coi TV chờ ông chồng (hay bà vợ)
mời ăn cơm, ăn xong coi TV tiếp, không phụ giúp làm cơm, không phụ giúp dọn
bàn, dọn dẹp, rửa chén bát, có khi lại ỷ mình là người làm ra tiền, nuôi cả
nhà!
Tóm lại, tu tâm dưỡng tánh, hôm nay mình tốt hơn
chính mình hôm qua, đó mới chính thực là tu.[]
BBT. PHẬT HỌC TỊNH QUANG.
CHUYỆN
TRONG CHÙA
- Thưa Thầy, tôi nghe nói hùn phước in kinh sách ấn
tống, phát hành băng giảng, được rất nhiều công đức thù thắng, cho nên có nhiều
cá nhân cũng như tổ chức, chùa viện quyên góp thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy
trong nhiều chùa, số lượng kinh sách, băng dĩa phát không, tràn ngập, bỏ bừa
bãi, không trang nghiêm. Trong đó có quá nhiều kinh sách, băng giảng không có
nội dung tốt, thậm chí mê tín dị đoan, sai lạc giáo lý, chẳng những không lợi
ích gì, còn góp sức truyền bá tà pháp. Kính mong quí Thầy cho biết tôn ý về vấn
đề này.
Đáp:
- Các dạng bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô
úy thí. Tài thí có: ngoại tài (tiền bạc, của cải), và nội tài (các bộ phận của
cơ thể). Pháp thí là bố thí chánh pháp, giúp người hiểu rõ chánh đạo, chánh
kiến, chánh tín, sự thật của cuộc đời, để sống đời được an lạc và hạnh phúc,
hơn nữa, đạt được giác ngộ và giải thoát. Và vô úy thí là giúp người vượt qua
cơn sợ hãi, sợ chết, sợ đủ mọi thứ, ổn định được tâm bất an.
Trong các dạng bố thí vừa kể, bố thí pháp thù thắng
nhất. Bởi lẽ, chánh pháp giúp đỡ con người trong kiếp này được khai mở trí tuệ,
tránh tà pháp và mê tín dị đoan, biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng chánh đạo,
tránh tà đạo, nhận rõ tà sư và tà pháp. Cao cả nhất là chánh pháp giúp con
người thoát ly được phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi.
Đúng như quí Đạo Hữu nhận xét, hiện nay tình trạng ấn tống kinh sách, băng dĩa rất được hưởng ứng, bởi nhiều lý do. Lý do trước hết là nhiều người hiểu rằng bố thí pháp (hùn phước ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp) có công đức và phước đức trên tất cả các dạng bố thí khác. Hoặc, có nhiều người cầu khẩn, van xin, khấn vái điều gì đó cho gia đình hay cho công việc làm ăn, buôn bán, bèn bỏ ra chút tiền để in các loại gọi là “kinh sách” để hối lộ thần linh trước, cho được việc mình mong cầu.
Họ đâu biết rằng các loại sách rẻ tiền, các loại
băng giảng tạp nhạp, hình thức bề ngoài có vẻ như đạo Phật, do chính các chùa
in, các nhà sư giảng, nhưng nội dung rất phi chánh pháp, cho nên vô tình góp
phần truyền bá tà pháp, mê tín dị đoan, làm cho nhiều người ngộ độc, tin theo,
rất tai hại.
Chẳng hạn trước đây vài năm, có người góp tiền in
sách Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi. Nghe qua có vẻ Phật pháp, nhưng nội dung
chứa đựng, xen lẫn nhiều tà pháp. Người không học hiểu giáo lý, không nghiên
tầm kinh điển, kể cả một số nhà sư già cũng như trẻ, rất dễ nhầm lẫn, ngộ nhận
rồi ngộ độc, và đem truyền bá nọc độc cho nhiều người khác.
Thêm nữa, có vô số sách thuộc loại tà pháp, mê tín
dị đoan, được in và bỏ bừa bải trong các chùa như: Bạch Y Thần Chú, Linh Cảm
Thần Chú, Pháp Sám Đại Bi, Kinh Di Lặc cứu đời, Kinh Cứu khổ, Địa Mẫu chơn
kinh, Kinh Hoàng Mẫu, Những điều linh ứng, Lời Nguyện,…
BBT. PHẬT HỌC TỊNH QUANG.
KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC ĐIỀU THỨ NHẤT
ÂN OÁN CÕI ĐỜI
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
BIỂU TƯỢNG ĐÈN
HOA SEN PHẬT ĐẢN
AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
PHÁP TU CĂN BẢN CỦA PHẬT TỬ