Sunday, August 3, 2014

*** BAO LA TÌNH MẸ




Bao La Tình Mẹ

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, gọi các Tỷ kheo:


Các ông nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, cái gì là nhiều hơn ? Sữa mẹ mà các ông đã uống trong
 khi các ông lưu chuyển luân hồi  trong thời gian dài hay nước trong bốn biển ?

Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn dạy, chúng con hiểu rằng,  nhiều hơn là sữa mẹ mà chúng
con đã uống trong khi lưu chuyển luân hồi  trong thời gian dài chớ không phải là nước trong bốn biển.

Lành thay, này các Tỷ kheo, các ông đã hiểu pháp mà Ta đã dạy.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 4, phẩm 1, phần Sữa, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.314)


Suy Nghĩ :

 Hầu hết chúng ta lớn khôn đều bắt đầu từ dòng sữa mẹ. Tạo hóa đã ban cho mẹ
 một bầu sữa ngọt ngào, giúp trẻ sơ sinh có đầy đủ các dưỡng chất và kháng thể
 mà hiếm có một hợp chất dinh dưỡng nhân tạo nào có thể thay thế được.
Và những dòng sữa ấy cũng chính là một phần thân thể của mẹ.

Trước đó, khi biết mình đã mang thai, mẹ đã sống vì con. Gần mười tháng cưu mang,
 ba năm bú mớm, mẹ đã dồn hết sinh lực của mình để san sẻ cho con. Với mẹ,
 con là tất cả, thậm chí có thể vì con mà quên đi tính mạng của mình. Con ngày càng
 khôn lớn thì sức mẹ cũng hao mòn, cạn kiệt dần nhưng mẹ luôn vui về điều đó.
 Mẹ đã cho con tấm hình hài bằng tất cả tình thương và máu thịt. Vì thế, khi nói sữa
 mẹ mà chúng ta đã uống trong khi lưu chuyển luân hồi từ vô thủy đến nay
 nhiều hơn nước trong bốn biển cũng chẳng cường điệu chút nào.

 Vẫn biết “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình” nhưng cuộc sống với vô vàn biến động,
 mãi lo kiếm sống nên nhiều khi lãng quên, chểnh mảng bổn phận làm con.  Vì thế,
 những người con hiếu thảo cần phải quán niệm thường xuyên về thâm ân
dưỡng dục để nuôi lớn và giữ trọn hiếu tâm, hiếu hạnh đới với những đấng sanh thành.

 Nhận thức được thâm ân sanh dưỡng của cha mẹ bao la như trời biển là cơ sở quan trọng
 để thực hành trọn vẹn hạnh hiếu. “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Tâm làm nền tảng cho hành động, vì thế, một khi đã thành tựu tâm hiếu thì chắc chắn
 sẽ viên thành hạnh hiếu.

 



Bóng Mát


Cách đây rất lâu, ở một làng nọ có một cây táo cổ thụ. Hàng ngày có một cậu bé

hay ra chơi đùa với cây. Cậu leo trèo lên ngọn cây, hái táo để ăn và khi đã mệt mỏi
 cậu ngủ thiếp đi dưới bóng râm của nó. Cậu rất yêu quí cây táo và cây táo  cũng thích
 chơi đùa với cậu. Thời gian trôi đi, cậu bé ngày nào đã lớn và không còn chơi đùa với cây
 táo nữa. Một ngày nọ cậu xuất hiện với vẻ mặt rất buồn bã. Cây táo muốn cậu chơi đùa
với nó, nhưng cậu từ chối :

- Tôi không còn nhỏ nữa và tôi không muốn chạy xung quanh cây. Tôi muốn chơi đồ

chơi kia nhưng tôi không có tiền để mua chúng.

- Tôi cũng không có tiền - Cây táo nói: Nhưng cậu có thể hái các trái táo để bán và
cậu sẽ có tiền. Cậu trai rất mừng khi nghe đề nghị như vậy. Cậu hái hết các quả táo
mang đi bàn  và không trở lại nữa. Cây táo rất buồn vì nhớ cậu.

Một ngày kia, cậu bé ngày nào đã trở thành một chàng trai, đến bên cây táo. Nó rất
vui mừng và đề nghị cậu chơi đùa với nó. Nhưng chàng trai từ chối và đề nghị cây táo
 hãy cho chàng một ngôi nhà để gia đình của chàng trú ẩn.

- Tôi không có nhà để cho cậu - cây táo nói - nhưng cậu có thể chặt những tán cây
 của tôi để làm nhà.

Và thế là chàng trai chặt hết các tán cây, vui vẻ mang đi. Cây táo rất hạnh phúc
 khi thấy chàng trai vui nhưng không thấy chàng quay lại. Nó trở nên buốn bã và cô độc.
Vào một ngày hè nóng nực rất lâu sau đó, người đàn ông - cậu bé lại xuất hiện. Và cây
 táo lại rất vui mừng. Nó muốn chơi đùa, nhưng người đàn ông ấy từ chối vì mệt mỏi.
Ông ấy muốn có một chiếc thuyền để nghỉ ngơi và muốn cây táo giúp mình. Cây táo
đề nghị người đàn ông hãy đốn thân cây to lớn của nó đề làm thuyền. Người đàn ông
đốn cây và không xuất hiện nữa.

Cuối cùng , vào một buổi chiều , ông lão - cậu bé đã xuất hiện.

- Ôi con trai ,bây giờ thì ta không còn gì để cho con nữa rồi - cây táo nói
 - Không còn những quả táo chín ngọt.
- Con không còn răng để ăn táo…
- Cũng không còn cành để con leo...
- Con không đủ sức để làm việc đó.
- Thật sự ta không còn gì nữa, chỉ còn mỗi gốc cây - Cây táo khóc…
- Con không cần cái gì nữa cả. Chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi thôi.
Nói rồi ông lão ngồi lên gốc cây. Cây táo rất đỗi vui mừng.
Nó cười qua làn nước mắt.

Đây là một câu chuyện ngụ ngôn dành cho tất cả mọi người. Cây táo là cha mẹ
chúng ta.  Khi chúng ta còn bé chúng ta rất thích chơi đùa với Bố, Mẹ. Nhưng khi chúng
ta lớn thì chúng ta rời bỏ họ và chỉ quay về khi chúng ta cần lấy thứ gì hay chúng ta
có những  nỗi phiền muộn. Cha mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ đón nhận chúng ta và làm
 tất cả những  gì miễn là chúng ta được hạnh phúc. Cha mẹ đã hy sinh một đời vì con cái.

Vì vậy hãy yêu quý cha mẹ dù ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào bạn nhé!


Tâm Ngôn
 



Vọng Mãi Lời Ru
À ơi con ngủ cho tròn
Mẹ ru.. bể cạn non mòn vẫn ru
Ơi à.. giấc ngủ mùa thu
Mẹ đưa qua những sương mù tháng năm.
Bàn tay lót chỗ con nằm
Dịu dàng ấp ủ, âm thầm sớm khuya
Lời ru thắm đượm tình quê
Ầu ơ.. lặng cả tiếng ve muộn phiền.

Ơi lời ru mẹ dịu hiền
Cho ngày thơ dại thần tiên ngọt ngào,
Bàn tay mang phép nhiệm mầu
Chắt chiu, mưa nắng dãi dầu vì con
À ơi.. con ngủ cho ngon..
Một vầng trăng khuyết đã tròn giữa đêm.

Lời ru gieo hạt bình yên
Mây trời rủ xuống ngoài hiên ngủ vùi
Mẹ ru ấm chỗ Ngoại ngồi
Cho phai thương nhớ ngậm ngùi tử sinh.
Ru con, mẹ cũng ru mình
Ru niềm đau thủa bóng hình cách xa
Ru cho vẹn cả tình cha
Quan san vạn lý thiết tha giống nòi..

- Lớn khôn cách biệt mẹ rồi
Lời ru theo vạn bước đời của con..
Ru Đời, ru Đạo vuông tròn
Thiên thu tiếng mẹ hóa hồn núi sông..

Thích Tánh Tuệ



*Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng ta.......Khi đêm đến bạn sẽ thấy những vì sao.....

*Bạn chớ nên bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. không có gì là hoàn toàn bế tắc, sự việc chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa.

*Mỗi ngày là một món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta.

*Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng, mà ở hướng ta đang đi.

*Niềm tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành điều có thể.

*Người ta có thể quên đi điều bạn nói, nhưng những gì bạn để lại trong lòng họ thì không bao giờ nhạt phai.

*Thật dễ nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi nhưng sẽ rất khó nhận ra và trân trọng những gì ta đang có...

*Niềm tin vào chính mình có sức mạnh xua tan bất kì sự hoài nghi nào của người khác.

*Khi tự nhìn nhận cuộc sống của mình đã hoàn hảo, không còn mục đích lớn lao gì nữa thì có nghĩa là cuộc sống của bạn đang mất đi rất nhiều ý nghĩa.

*Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại.

*Cách nhìn sự việc quan trọng hơn những gì đã diễn ra.

*Khi là chính mình, bạn không có bất cứ điều gì phải sợ hãi.

*Với thế giới, bạn chỉ là một hạt cát nhỏ - nhưng với một người nào đó, bạn là cả thế giới của họ.

*Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài của một người thì có lẽ bạn sẽ thất vọng, nhưng nếu bạn nhìn một người theo cách mà bạn mong muốn thì nhất định họ sẽ trở thành người như bạn mong đợi.

*Chúng ta sẽ nhận lại những gì chúng ta cho đi.

*Hãy nhìn ra thế giới xung quanh để thấy rằng bạn vẫn còn rất hạnh phúc so với những đau khổ mà người khác đang phải gánh chịu.

*Cuộc sống không bao giờ là bế tắc thực sự hay có khái niệm mất tất cả một khi bạn còn có niềm tin.

*Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng người biết hi sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng.

*không tin vào chính mình - tức là bạn đã thất bại một nửa trước khi bắt đầu.

*Sự chia sẻ và tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời.

*Cho dù hoàn cảnh hiện tại có tồi tệ thế nào đi nữa, sẽ không có thời điểm nào cho sự bắt đầu tốt hơn là ngay từ bây giờ.

*Những kí ức và kỉ niệm đẹp sẽ giúp con người vượt qua những thử thách của cuộc sống.

*Người bi quan luôn tìm thấy những khó khăn trong mọi cơ hội.

Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn.

*Sự thay đổi của cuộc sống là điều không thể tránh khỏi - Việc của chúng ta đơn giản là lựa chọn cách để vượt qua mà thôi.

*Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết - mà chính là ở ý chí.

*Hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường.

*Có một nghịch lí: Hạnh phúc thật sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi - chứ không phải nắm giữ thật chặt. [Christopher Hoare]

*Đôi khi, trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ đều dường như chống lại bạn, đến nỗi bạn có cảm tưởng mình không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa. Nhưng hãy cố đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi. [Harriet Beecher Stowe]


1 Hiểu rõ ước mơ
 “Nếu không biết mình sẽ đi đâu, thì cũng sẽ không đi tới được đâu cả.” (Laurence J. Peter)
Nếu chúng ta thấy rõ được những mục tiêu phía trước mình, thì nhiều khả năng sẽ đạt được những mục tiêu ấy hơn. Đặt ra các mục tiêu cho chính mình dường như dễ dàng trong khi đạt được chúng lại là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều, nhưng qua câu nói này, Lawrence J. Peter nhắc nhở chúng ta: nếu đặt những mục tiêu của mình vào những hành động có thể đo lường thì chúng ta sẽ thấy được sự sáng suốt, điều này cho phép chúng ta đi những bước cần thiết để biến các ước mơ kia thành hiện thực.

2. Chiến thắng nỗi sợ hãi
“Một lời khuyên rất có giá trị dành cho người trẻ tuổi mà tôi đã từng nghe như thế này: anh hãy luôn làm những gì mình sợ làm.” (Ralph Waldo Emerson)
Cách tốt nhất để học cái gì đó, hoặc thực sự là để chiến thắng nỗi sợ hãi, là xử trí nó trước hết bằng cách lao vào thách thức gian nan ngay tức khắc. Sợ hãi là một vật cản có thể ngăn chúng ta tìm ra tình yêu, hạnh phúc, hoặc cuộc sống no đủ. Nếu chúng ta tự hứa sẽ vượt qua những nỗi sợ hãi bằng cách đương đầu với chúng, thì những nỗi sợ hãi của chúng ta sẽ biến mất.

3. Ý định và khao khát
“Tất cả những gì chúng ta đang có là kết quả của những gì chúng ta suy nghĩ bấy lâu nay. Tâm trí là tất cả. Những gì ta nghĩ thì ta sẽ trở thành.” (Gautama Buddha).
Những suy nghĩ của chúng ta có thể quyết định chúng ta là ai và người chúng ta sẽ trở thành. Nếu tập trung suy nghĩ vào những gì chúng ta muốn chứ không phải vào những gì chúng ta không muốn, thì cuộc sống chúng ta có nhiều cơ hội thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Thay vì hành động chống lại những ý định và ước ao của mình, chúng ta nên cố gắng sống cùng những ý định và ước ao ấy.

4. Hạnh phúc
“Hạnh phúc tuỳ thuộc nhiều vào thế giới nội tâm hơn là vào hoàn cảnh bên ngoài.” (Benjamin Franklin)
Hạnh phúc đến từ trong lòng chúng ta chứ không đến từ tình trạng bên ngoài. Nếu chúng ta có một tâm hồn bình yên, sự chấp nhận và sự hiểu biết về cuộc sống của chúng ta, thì sẽ tìm thấy hạnh phúc thực sự. Hãy cố nhận ra hạnh phúc là một lựa chọn.

5. Chấp nhận là chính mình
“Nếu một ngôi nhà tự tách rời ra, thì nó không thể đứng vững được.”
Để chấp nhận là chính mình, chúng phải thôi cố gắng trở thành những gì chúng ta không thuộc về. Nhờ đó chúng ta sẽ nhận ra tính chất xác thực của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta luôn nghĩ về sự hoàn hảo và cố trở thành người mình muốn những người khác thấy. Nhưng bằng cách làm điều này, chúng ta sẽ khiến bản thân chúng ta rối bời bời và cuối cùng chúng ta sẽ lại tin vào điều dối trá của sự không hoàn hảo. Chúng ta càng sớm nhận ra điều này, chúng ta càng sớm chấp nhận mình là ai và có khả năng sống mãn nguyện với những gì mình có.

6. Sự cảm kích và lòng biết ơn
“Bấy lâu nay mọi người cho tôi quá nhiều, tôi không có thời gian để suy nghĩ về những gì mình bị từ chối”. (Helen Keller)
Đôi khi chúng ta dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về những nỗi bất hạnh chúng ta phải chịu và xót thương cho số phận của mình đến nỗi quên bằng lòng với những gì mình có và không biết ơn những gì mình được ban tặng. Khi dành thời gian để hiểu được điều kỳ diệu của cuộc sống, chúng ta có thể thấy rất nhiều món quà mình đã được ban tặng. Thực hiện điều này là một cách chắc chắn làm cho tâm trạng trở nên tích cực hơn nhiều.

7. Nghệ thuật thuộc về cái đơn giản
"Tôi viết bức thư này dài hơn thường lệ vì tôi thiếu thời gian để viết nó ngắn ngủn. " (Pascal Blaise).
Sự hoàn hảo không phải là khi chẳng có gì bổ sung vào được nữa mà là khi chẳng thể lấy đi thêm được cái gì nữa. Cách đúng đắn làm chủ cuộc sống chúng ta là hiểu ra rằng những thứ có thể yêu thương được nhất là những niềm vui giản dị nhất của cuộc đời, mà không phải những gì thuộc về vật chất và những thú tiêu khiển như vậy khác.



Ý NGHĨA VÀ MỤC ĐÍCH CỦA NIỆM PHẬT

Không phải tất cả hành giả niệm Phật đều có chí nguyện vãng sanh. Có một số người niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng một số khác lại niệm Phật cầu phước báo, niệm Phật để cho tâm bình an, niệm Phật để thiết lập chánh niệm, niệm Phật để nhiếp tâm trừ vọng tưởng, niệm Phật để thành tựu chánh định, niệm Phật để khai ngộ, niệm Phật để gieo chủng tử Phật vào tâm thức, niệm Phật để thành Phật. Một số người có mục đích niệm Phật tầm thường hơn: niệm Phật để được Phật gia hộ, niệm Phật để được Phật thương tưởng, niệm Phật để Phật chấm công mà rước về Cực lạc. Một số khác niệm Phật để quên những chuyện buồn, những phiền não khổ đau trong lòng, niệm Phật để chạy trốn những khó khăn, chạy trốn thực tại bất như ý v.v…

Dù niệm Phật với mục đích nào cũng đáng khích lệ. Bởi vì nếu có niềm tin, có sự hành trì tinh tấn đều đạt được những thành tựu, lợi ích. Tuy nhiên, muốn có được nhiều giá trị từ pháp môn Niệm Phật thì việc xác lập mục tiêu và phương pháp hành trì, chọn lựa những cách thức phù hợp với căn cơ, trình độ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh tu tập là điều cần thiết. 

Phải xác định rõ vì sao mình niệm Phật, mục đích niệm Phật của mình là gì để có sự dụng tâm, dụng công phù hợp. Cũng như người đi đường phải xác định rõ mục tiêu mình đang hướng đến để chọn cho mình con đường thích hợp, để mang theo những hành trang cần thiết giúp mình đi đến đích. Nếu không chọn đúng con đường vừa nhanh, vừa an toàn, vừa dẫn mình đi đến nơi cần đến, không trang bị cho mình những thứ cần thiết trên đường đi thì có thể mình sẽ bị lạc đường hoặc là chậm đến đích, mà cũng có thể không đến đích. Ví dụ niệm Phật vì cầu vãng sanh thì phải có đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh. Nếu chỉ có Tín và Hạnh, hành giả có thể đạt được nhất tâm, có thể thành tựu chánh định, nhưng khó có thể vãng sanh vì không có chí hướng vãng sanh. 

Khi xác định rõ mình niệm Phật để cầu được vãng sanh thì phải trang bị cho mình đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh và một số điều kiện hỗ trợ cho chánh nhân niệm Phật, chẳng hạn như trì trai, giữ giới, làm phước, bố thí, phóng sanh. Phải chọn cho mình phương pháp hành trì phù hợp với căn cơ trình độ của mình, phù hợp với sức khỏe, điều kiện, hoàn cảnh sống và tu tập, như trì danh niệm Phật hay quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật; sắp xếp thời gian niệm Phật ở giai đoạn đầu, giữa, cuối nhiều ít như thế nào; ăn chay kỳ hay ăn chay trường; thọ trì những giới pháp nào; tùy khả năng mà tu tạo công đức phước báo để trợ duyên như thế nào (Về chánh nhân và trợ duyên niệm Phật, hành trang Tín, Nguyện, Hạnh, các phương pháp niệm Phật…nên xem các kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và các bộ luận, sớ thuộc tông Tịnh Độ).

Có rất nhiều điều hành giả tu niệm Phật cần lưu ý. Người mà gia đình đang gặp phải khó khăn trong đời sống, rơi vào hoàn cảnh bế tắc chưa tìm được hướng giải quyết, nếu không đoái hoài mọi việc, cứ mặc tình chuyện gì xảy đến, ai ra sao mặc ai, chỉ biết suốt ngày niệm Phật, bỏ mặc bổn phận, trách nhiệm của mình, muốn niệm Phật để tìm quên những buồn phiền, đau khổ, trốn tránh, không muốn đối mặt hoàn cảnh khó khăn, hoặc niệm Phật để cầu Phật giúp đỡ, bảo bọc, chở che hay giải quyết giúp những khó khăn cho mình, như thế là đã đi sai con đường, đã dụng tâm và dụng công chưa đúng, chẳng những không đạt được kết quả mà còn rơi vào tình trạng bế tắc. Bởi chúng ta không thể chạy trốn nhân quả. Những gì xảy đến cho chúng ta không phải là vô duyên vô cớ, nó là nhân là duyên do chúng ta tạo ra trong quá khứ đời trước hoặc đời này, chúng ta không thể trốn chạy, mà chỉ có thể dùng nhân, dùng duyên để chuyển hóa nó hoặc nhìn nó dưới ánh sáng tuệ giác, thấy nó là vô ngã không có thật tướng, thật thể (Muốn có tuệ giác giác ngộ hành giả phải có công phu tu tập Giới, Định, Tuệ hoặc thành tựu niệm Phật tam muội). 

Nếu hành giả niệm Phật với dụng tâm sai, thực hành không đúng phương pháp, dùng phương tiện không thiện xảo (khéo léo), niệm Phật như thế sẽ không có kết quả. Khi không thấy kết quả như mình mong đợi sẽ mất niềm tin nơi pháp môn mình đang hành trì, mất tín tâm mà không biết nguyên nhân do mình tu không đúng. 

Nếu dành thời gian cho việc niệm Phật để tâm định tĩnh, sáng suốt trước những sự việc, biến cố không may, thì nhờ đó mà mình bớt khổ, bớt não; hoặc khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc mà mình biết niệm Phật để có được sự bình tâm, tỉnh trí, nhờ nhiếp tâm vào câu niệm Phật mà tâm an ổn, trí sáng suốt, từ đó có thể tìm ra những giải pháp làm thay đổi hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Nhờ tâm an định, trí sáng suốt, hành giả nhìn thấy rõ vấn đề đang đối mặt là gì, nguyên nhân sanh ra những vấn đề đó nằm ở đâu và cách giải quyết nó. Từ đó hành giả chủ động giải quyết nhưng trên tinh thần tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không cố chấp, làm hết sức mình, hết khả năng mình, nhưng làm trên tinh thần duyên sanh nhân quả, phù hợp với quy luật duyên sanh nhân quả. 

Không nên niệm Phật với tâm cầu Phật gia hộ cho mình bình an. Bởi vì nếu tâm không thanh tịnh, vọng niệm điên đảo, phiền não tham sân si dẫy đầy (thương, ghét, tham muốn, giận hờn, đố kỵ, oán thù…) thì không thể nào có sự bình an được, dù niệm Phật ngày đêm cũng khó có sự cảm ứng, làm sao Phật gia hộ cho mình an được? Phật và ta không phải là một, cũng không phải khác. Phật không phải ngoài ta, cũng không phải trong ta; không phải ở xa, cũng không phải ở gần. Khi tâm là tâm Phật (thanh tịnh, sáng suốt) thì Phật hiện, tâm không cầu mà có Phật, vắng bóng phiền não, vọng tưởng đảo điên thì tâm tự bình an mà không cần ai gia hộ.

Không nên niệm Phật với ý niệm cầu Phật đưa lối dẫn đường hoặc giải quyết giúp mình những khó khăn trong đời sống. Nên niệm Phật để lòng bình an, tâm định tĩnh, sáng suốt, từ đó trí tuệ soi sáng cho hành giả tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn, khai thông những bế tắc gặp phải trong đời sống. Tùy nhân quả, nghiệp duyên mà việc làm của mình có thành tựu hay không, những vấn đề mình gặp phải có giải quyết được hay không dù mình đã cố gắng, tuy nhiên nếu tâm an ổn, trí sáng suốt thì mình vẫn thấy bình an, vẫn không khổ, không não, hoặc ít khổ, ít não. 

Nếu thành tựu được niệm Phật tam muội thì mọi vấn đề chẳng còn là vấn đề nữa.
Người niệm Phật phải có niềm tin chân chính, đúng đắn, phải căn cứ vào lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong các kinh và những lời khai thị dựa trên kinh nghiệm của chư vị Tổ sư, các bậc thiện hữu tri thức mà thực hành, không nên tu tập theo niềm tin, theo hiểu biết, suy luận của riêng mình. 

Phan Minh Đức