Người phương Tây
ngày nay đến với đạo Phật ...
Cao Huy Thuần
***
Con người Tây phương đang đặt vấn đề của đạo Phật đáp ứng với nhu cầu
của thời đại mới như thế nào. Tây phương đang chối từ Thượng Đế, thì đạo Phật giải thích không có
Thượng Đế. Tây phương phải nhờ Darwin để cắt nghĩa rằng vũ trụ không phải do
một Đấng nào sáng tạo ra cả trong bảy ngày thì đạo Phật đã nói cách đây hơn
2500 năm rằng thời gian là vô thủy vô chung, vũ trụ là vô cùng vô tận.
Tây phương đã ngay ngáy lo sợ từ thế kỷ thứ nhất đến nay (#
đã 20 thế kỷ) về ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế, thì Phật giáo nói:
không có ai phán xét ta cả, chỉ có con người phán xét con người thôi.
Tây phương trăn trở về những vấn đề siêu hình thì Phật giao kể chuyện
mũi tên: khi anh bị mũi tên độc bắn vào thân thì anh phải rút nó ra ngay hay
anh cứ tiếp tục "ca vọng cổ" hỏi mũi tên do ai bắn, lý lịch thế nào,
hộ khẩu ở đâu. Rút mũi tên ra: đó là nhu cầu giải phóng con người ở Tây phương,
và họ thấy nơi Phật giáo một đáp số hợp với lý tính, đặt nặng trên kinh nghiệm,
trên thực hành, và kiểm chứng được bằng kết quả bản thân, ở ngay đời này, chứ
không phải đợi đến khi lên thiên đường, xuống địa ngục.
Hợp với lý tính: người Tây phương ngưỡng mộ nét đặc biệt đó của Phật
giáo: Phật giáo từ chối lòng tin nếu không đặt cơ sở trên trí tuệ.
Bởi vậy, trong Phật giáo không có tín điều. Tây phương ngưỡng mộ kinh
Kâlâma khi Phật dạy: Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi trong
kinh điển hay sách vở. Hãy quan sát, suy tư, thể nghiệm, thực chứng rồi mới
tin. Tinh thần đó xuyên suốt kinh kệ Phật giáo. Người trí thức Tây
phương thấy tinh thần đó hợp với tính khoa học, hợp với đầu óc phê phán. “Phật
giáo là tôn giáo duy nhất thích ứng với khoa học hiện đại”, Einstein
đã phát biểu như vậy.
Tại sao Phật giáo không tương khắc với khoa học? Tại vì Phật giáo không
nói điều gì mà không có kiểm chứng. Phật giáo nói: sự vật là vô thường. Hãy
nhìn chung quanh với mắt của mình, kinh nghiệm của mình: có cái gì là thường
còn đâu? Cái thường còn duy nhất chỉ là khoảnh khắc này đây. Vậy thì tìm thiên
đường ở đâu nếu không phải nơi chính cái khoảnh khắc này? Hạnh phúc nằm ngay
nơi mỗi khoảnh khắc: đó là bài học hiện đại quý giá nhất mà Phật giáo đem đến
cho người Tây phương.
Và hãy nhìn thêm nữa: mọi sự mọi vật đều tương quan lẫn nhau mà
sinh ra và tương quan lẫn nhau mà biến đi. Màu hồng nơi
đóa hoa kia có phải tự nó mà có không? Đâu phải! Nếu không có mặt trời thì nó
đâu có hồng thắm như vậy? Nhưng mặt trời có phải là tác giả duy nhất của màu
hồng kia không? Không! Vì nếu không có mưa thì làm sao hoa sống? Nhưng mưa có
cũng là do mây, mây có cũng là do hơi nước. Cái này có thì cái kia có, cái này
không thì cái kia cũng không. Đó là luật vô ngã (= không
thực thể: nghĩa là mọi sự vật tuy có mà không thực có) của
Phật giáo, và cũng là luật tương quan tương sinh. Ai đọc sách của
nhà vũ trụ vật lý học Trịnh Xuân Thuận đều có thể thấy những điểm hội tụ về
luật này. Áp dụng được luật đó vào đời sống bản thân, đời sống gia đình, đời
sống xã hội, cam đoan không cần tìm thiên đường ở đâu xa. Đó là chưa kể đến
luật nhân quả mà ai cũng có thể dễ kiểm chứng.
Từ đó, người Tây phương đi đến một cái nhìn hiện đại hơn nữa vào bản
chất của cuộc đời để hiểu chữ“khổ” trong Phật giáo. Họ chất vấn
Thượng Đế: "Nếu Thượng Đế là toàn năng thì sinh ra làm chi các thiên
tai: động đất, triều cường, dịch này dịch nọ giết hại phút chốc hàng trăm
ngàn người như vậy? Nếu Ngài là nhân từ thì sao con người khổ thế, con người
khổ thế thì Ngài ở đâu?" Phải chăng, người Tây phương hỏi, khổ nằm
ngay trong bản chất của cuộc đời như muối nằm trong biển, mà sinh lão bệnh tử
chỉ là những khía cạnh dễ thấy nhất?
Vì thế, từ thế kỷ 19, Tây phương hiểu chữ “Niết-bàn” của Phật giáo đúng đắn hơn: niết bàn là hết khổ, mà hết khổ là tự mình. Bản thân tôi, mỗi khi tôi nghe ai cầu cho người chết được siêu thoát, tôi không khỏi nghĩ thầm, bởi vì “siêu” là vượt lên, “thoát” là không bị trói buộc, là tự do. Vượt lên trên tham-sân-sithì tự do, vậy thì nên cầu cho cả người sống được siêu thoát.
Vì thế, từ thế kỷ 19, Tây phương hiểu chữ “Niết-bàn” của Phật giáo đúng đắn hơn: niết bàn là hết khổ, mà hết khổ là tự mình. Bản thân tôi, mỗi khi tôi nghe ai cầu cho người chết được siêu thoát, tôi không khỏi nghĩ thầm, bởi vì “siêu” là vượt lên, “thoát” là không bị trói buộc, là tự do. Vượt lên trên tham-sân-sithì tự do, vậy thì nên cầu cho cả người sống được siêu thoát.
Tôi không dám đùa đâu, người Tây phương hiểu điều đó hơn ta, bởi vì họ
hiểu tư tưởng nhân bản của chính họ: nhân bản có nghĩa là con người vượt lên
trên chính con người, con người có đủ khả năng để vượt lên trên chính
mình. Nhưng vượt lên như thế nào, cụ thể bằng cách nào? Đây là cái mới mà
Phật giáo đem đến cho Tây phương và đem đến trong tinh thần khoa học. Trong
lịch sử, Tây phương đã vượt quá ta hằng mấy thế kỷ nhờ khám phá thế giới bên
ngoài. Nhưng đến một lúc họ bỗng giật mình thấy rằng khám phá thế giới bên
ngoài không đủ để đem lại hạnh phúc như họ tưởng, bởi vì con người còn có đời
sống ở bên trong.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma nhắc họ: “Những vấn đề của chúng
ta, dù đến từ bên ngoài, như chiến tranh, như bạo lực, như tội ác, hay đến từ
bên trong dưới hình thức khổ đau về tâm lý hay tình cảm, đều sẽ không tìm ra
giải pháp chừng nào chúng ta còn không hiểu chiều sâu nội tâm của ta” .
Đó là lúc mà ngài và các vị sư đắc đạo của Tây Tạng đến Âu Mỹ, mang theo
một ánh sáng khoa học mới rọi soi vào nội tâm của con người, để làm một cuộc
cách mạng thứ hai mà người Tây phương gọi là“Cách mạng ở bên trong”, bổ
túc cho “Cách mạng ở bên ngoài” mà Tây phương đã từng làm,
từng biết với khoa học. Chìa khóa của hạnh phúc không nằm ở đâu khác hơn là
trong nội tâm mỗi cá nhân. Mà muốn nhìn thấy cái chìa khóa đó thì phải rọi soi
vào bên trong bằng những kỹ thuật thiền học mà các nhà sư Tây Tạng đã thực
chứng do chính kinh nghiệm của họ.
Trong lĩnh vực này, đừng hòng các lang băm đến làm ăn bịp bợm: khoa học
Âu Mỹ đã đặt nền móng vững chắc cho cuộc thám hiểm vào não bộ của con người.
Các nhà sư Tậy Tạng đã đem chính bản thân để các máy móc tối tân trong các đại
học danh tiếng nhất của Mỹ đo lường ảnh hưởng của thiền trên não bộ. Họ không
phải chỉ đem lời nói, họ đem thực hành, họ đem kỹ thuật, phương pháp cụ thể để
các nhà khoa học quan sát, phán xét tính hiệu nghiệm của thiền, góp phần lớn
vào sự phát triển của ngành sinh học thần kinh. Tôi xin thú thực: bản thân tôi
có tính đa nghi, khi đọc lịch sử đức Phật, tôi không hiểu làm sao Phật có thể
ngồi thiền được dưới bóng cây bồ đề trong suốt 49 ngày. Bây giờ thì tôi hiểu:
mỗi người chúng ta đều có một sức dự trữ tiềm tàng mà ta không ngờ, bởi vì chưa
bao giờ sử dụng. Tôi sẽ trở lui lại điểm này - cuộc hành trình của ta: tìm ta
để chữa bệnh cho chính ta và chữa bệnh cho thời đại.
Bây giờ, tiếp tục vấn đề nhân bản và khoa học, có phải sức quyến rũ của
Phật giáo chỉ nằm ở tính khoa học của Phật giáo mà thôi hay không? Tôi không
nói đến chiều sâu của triết lý Phật giáo ở đây, cũng không nói đến tính minh
triết mà Tây phương đang tìm lại. Tôi chỉ hạn chế trong một vấn đề nữa thôi:
đạo đức. Đạo đức học ở Tây phương trước đây là những răn cấm, những mệnh
lệnh. Người Tây phương hiện đại có cảm tưởng như có ngón tay chỉ vào trán và ra
lệnh: mày không được thế này, mày không được thế kia, mày làm là phạm tội. Phạm
tội với ai? Tại sao như thế là phạm tội? Tại sao tội đó phải nhờ một người khác
giải tội? Đạo đức đó, con người hiện đại phản tỉnh, vì họ cảm thấy như vậy là
hãy còn vị thành niên. Đạo đức của Phật giáo trái hẳn, bắt nguồn từ con người.
Không ai ra lệnh, không ai răn cấm.
Phật giáo nói: tham thì
khổ, sân thì khổ, si thì khổ. Từ thì vui, bi
thì vui, hỷ thì vui, xả thì vui. Từ bi hỷ xả, cứ thực hành sẽ thấy vui.
Tham sân si, cứ mắc vào sẽ thấy khổ. Đừng giết hại, đừng nói dối, đừng trộm
cắp, đừng tà dâm, đừng say rượu: đó là năm điều tôi tự nguyện với tôi, làm được
đến đâu chính tôi nhẹ nhàng đến đó. Đạo đức của Phật giáo là thực nghiệm, nhắm
mục đích làm cho con người tốt hơn đã đành, nhưng cốt nhất là làm nội
tâm thanh thản, bởi vì thanh thản chính là hạnh phúc thực sự.
Hơn thế nữa, đạo đức Phật giáo còn thức tỉnh con người hiện đại ở Tây
phương ở chỗ nới rộng lòng từ bi và ý thức liên đới ra khắp chung quanh, không
những giữa người với người, mà còn giữa người với thú vật, với thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Cách mạng
bên ngoài, Tây phương đã cổ vũ, huy động từ thế kỷ 17 mọi cố
gắng để chinh phục, cai trị thiên nhiên. Chiến công đó, nhân loại cám ơn. Xẻ
sông, lấp núi: cái gì con người cũng làm được, thiên nhiên đã ít nhiều bị chinh
phục. Nhưng thiên nhiên cũng đã bị khai thác, bóc lột đến kiệt quệ, rừng trọc
đầu, mưa hóa chất, nước nhiễm độc, chúng ta biết rõ hơn ai hết.
Và rốt cục, con
người ăn trong miếng ăn nhiễm chất độc do chính con người tạo ra. Đạo đức đối
với thiên nhiên trở thành trách nhiệm của chính con người. Các tôn giáo khác
nói: không được giết người. Phật giao nói: tôi nguyệnkhông
sát sinh, nghĩa là không giết sự sống, và sự sống đó, thú vật đều có, cây cối
thiên nhiên đều có, vũ trụ, khí quyển, trái đất đều có, tất cả đều liên đới với
con người, phải yêu thương nhau như một thì mới sống còn với nhau.
Tôi vừa động đến một vấn đề hiện đại có tính tiêu cực: vấn đề môi
trường. Bởi vì hiện đại không phải cái gì cũng hay. Hiện đại cũng có lắm tiêu
cực. Hiện đại cũng đang gặp khủng hoảng. Bởi vậy, sau khi tán thưởng hiện đại
và giải thích Phật giáo như thế nào, tôi bắt qua điểm thứ ba, trình bày những
khủng hoảng của hiện đại.
Trích
trong bài viết HÃY BAY VỚI HAI CÁNH VÀO HIỆN ĐẠI - Tản văn Chuyện Trò – GS Cao
Huy Thuần
Matthieu Ricard
Con đường từ một nhà khoa học
tài ba trở thành một tỳ kheo thông tuệ
Matthieu
Ricard
Matthieu Ricard sinh ngày 15/2/1946 tại Aix-les-Bains (Savoie, Pháp), là
con trai của ông Jean-François Revel - một triết gia Pháp nổi tiếng, và bà
Yahne Le Toumelin - một nữ họa sĩ theo trường phái trừu tượng đã đi theo tiếng
gọi của Phật giáo từ năm 1968. Sinh trưởng trong một môi trường như vậy,
Matthieu Ricard đã sớm hình thành những tư tưởng triết học và Phật giáo và mang
trong mình niềm đam mê và khát khao được tìm hiểu về cuộc sống tu hành chốn
thiền môn.
Bởi vậy, sau khi theo đuổi ngành Sinh học phân tử học tại trường đại
học, làm việc tại Viện Pasteur và hoàn thành luận án tiến sĩ Sinh học của Đại
học Sorbonne vào năm 1972, chàng trai Matthieu Ricard khi ấy mới 26 tuổi đã
thông báo với cha mẹ, các thầy giáo và bạn bè về quyết định sẽ từ bỏ sự nghiệp
khảo cứu khoa học, bỏ học bổng sang Hoa Kỳ nghiên cứu thêm về Sinh vật học, bỏ
cả tương lai của một nhà khoa học có hạng phía trước để xuống tóc đi tu, làm
một tỳ kheo học đạo tại vùng đất Tây Tạng.
Đây quả là một tin quá bất ngờ khiến tất cả mọi người đều vô cùng ngạc
nhiên, nhất là đối với cha mẹ của Matthieu Ricard – những người đã đặt biết bao
kỳ vọng vào cậu con trai tài giỏi của mình. Để giải thích về quyết định được cho là khó hiểu này, Matthieu Ricard đã
có một cuộc nói chuyện thú vị với cha mình, giữa một nhà tu hành Phật giáo và
một triết gia, trong đó có đoạn:
“Con đã theo đuổi khoa học là vì con thích khảo cứu. Nhưng rồi con thấy khảo cứu khoa học có hay đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề căn bản của con người. Con đã thấy làm khảo cứu là miên man đi sâu vào mọi chi tiết, mà riêng con, con thấy không thể làm mãi như thế được. Trong khi đó, con lại để ý đến đời sống tâm linh. Mới đầu, không có gì là rõ rệt. Khi 15 tuổi, con đã tìm đọc vài cuốn sách về tôn giáo, về Thiên Chúa giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, nhưng kỳ thay, không đọc Phật giáo. Hồi đó, sách về Phật giáo, khảo cứu hay dịch thuật rất ít, được viết dưới nhãn quan của người Tây phương hiểu sai Phật giáo là một triết học hư vô (nihilism) không màng đến trần thế…
Nhưng thực ra con để tâm vào đạo Phật là vào năm 1966, khi đó con 20
tuổi, còn ở đại học, sắp vào Viện Pasteur. Con được xem một bộ phim của một
người bạn là Arnaud Desjardins về những vị Lạt Ma Tây Tạng đã phải di cư sang
Bhutan khi Trung Cộng tiến chiếm xứ này. Cũng khoảng thời gian đó, con được nói
chuyện với một người bạn khác - tiến sĩ Frederick Leboyer - mới ở Darjeeling
(Ấn Độ) về, kể lại có gặp mấy vị Lạt Ma đó.
Chính những hình ảnh của Arnaud, của Frederick và chuyện họ kể lại đã
gặp các vị Lạt Ma đó đã giúp con có quyết định phải sang Hy Mã Lạp Sơn. Vì con
có cảm tưởng con đã thấy ở các vị Lạt Ma đó hình ảnh của chính những điều họ
dạy dỗ, khuyên răn mọi người. Con không hiểu rõ tại sao, chỉ thấy họ đúng là
những bậc hoàn hảo, những nhà hiền triết mà bấy giờ ở Tây phương rất khó tìm
thấy.
Muốn gặp các ngài Socrates hay Plato hay ngồi dưới chân thánh Francis
d’Assisi thì làm sao được? Nhưng sẵn đây chính các ngài là hiện thân của những
bậc thánh hiền. Con tự nhủ, nếu có ai đạt được đến sự toàn thiện, toàn hảo thì
phải là các vị này”.
Vậy là, Matthieu Ricard đã thực hiện chuyến đi đầu tiên của mình tới Ấn
Độ vào năm 1967, khi ấy ông tròn 21 tuổi. Trong chuyến đi định mệnh, ông
đã có cơ duyên gặp gỡ với một vị đại sư Lạt Ma tên là Kangyur Rinpoché
đầy lòng nhân ái và từ bi. Matthieu Ricard được thầy chỉ dạy về tâm linh, nhưng
chưa bao giờ học một lớp học liên tục về Phật giáo nào cả.
Ricard kể lại với cha mình: Thầy con nói rằng: “Phật giáo có rất nhiều
điều hay để học, nhưng điều quan trọng là chớ bao giờ chuyên chú quá vào sách
vở lý thuyết mà quên mất thực hành, bởi thực hành mới là trọng tâm của tu tập
đạo pháp”. Học với thầy, con tự khám phá ra điều căn bản của quan hệ thầy/ trò
là tâm mình phải hoà đồng được với tâm của thầy. Có thế mới học được phép
quán tưởng để đi đến sự hiểu biết giác ngộ”...
Về đến Paris thì mệt nhoài nhưng con thấy chuyến đi đó là một mặc khải
đã chi phối ý nghĩa và hướng đi của đời con, mà con không biết nói ra thế nào.
Sau khi ở Ấn Độ về, học năm đầu tại Viện Pasteur con mới thấy rõ phải gặp
lại thầy con là một điều quan trọng nhường nào. Lúc nào, con cũng nghĩ đến
điều ấy”.
Vì thế mà, đến năm 1972, Matthieu Ricard quyết tâm từ bỏ cuộc sống
hiện đại và sự nghiệp đầy hứa hẹn của một nhà khoa học để lên đường sang Tây
Tạng, tập trung vào việc thực hành Phật giáo. Ông sống ở dãy Himalaya, học tập
với vị đại sư Kangyur Rinpoché và một số bậc thầy vĩ đại khác trong giới Phật
giáo. Năm 1979, Ricard chính thức trở thành tu sĩ, là người học trò gần gũi và
thân thiết nhất của đại sư Dilgo Khyentse Rinpoché.
Năm 1980, cũng nhờ có đại sư Khyentse Riponché, ông đã có cơ hội lần đầu
tiên được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma mà sau này ông đã trở thành phiên dịch viên
tiếng Pháp cho ngài bắt đầu từ năm 1989. Sau khi người thầy Khyentse Rinponché
qua đời vào năm 1991, kể từ đó, Ricard đã dành mọi tâm huyết và hoạt động của
mình để thực hiện tư tưởng đã được thầy truyền dạy.
Bàn về những bí quyết của hạnh phúc
Matthieu Ricard đã sống trên rặng núi Himalaya từ hơn gần bốn chục năm
nay bên những vị thầy tâm linh lớn. Ông ở tại tự viện Shéchèn (Nepal), cống
hiến cuộc đời cho tu hành, bảo tồn nền văn hóa Tây Tạng và cho những dự
án nhân đạo ở Tây Tạng.
Ngoài thời gian thu tập và phiên dịch tiếng Pháp cho Đức Đạt Lai Lạt Ma,
ông còn có nhiều hoạt động khác trong vai trò của một nhà nhiếp ảnh, dịch giả
và đã xuất bản những tác phẩm bàn về triết lý cuộc sống của nhà Phật cũng như
mối tương quan giữa Phật giáo và khoa học.
Tiêu biểu trong số các tác phẩm của ông là cuốn “Tu sĩ và triết gia” ghi
lại cuộc trò chuyện giữa ông và cha ông (là triết gia) được dịch ra 21 thứ
tiếng, cuốn “Vô tận trong lòng bàn tay” với đồng tác giả là giáo sư Trịnh Xuân
Thuận - một nhà vật lý thiên văn học nổi tiếng người Việt mang quốc tịch Mỹ,
cuốn “Biện luận về hạnh phúc, Thành tuyết, Nghệ thuật thiền định và Hạnh
phúc": Hướng dẫn phát triển kỷ năng quan trọng nhất trong cuộc sống. Ngoài ra,
Ricard còn là dịch giả của rất nhiều sách Phật giáo Tây Tạng.
Bàn về chân hạnh phúc, Matthieu Ricard đã bày tỏ quan điểm của mình như
sau: Thực ra,hạnh phúc là một khái niệm mơ hồ và người ta thường bị lẫn lộn
giữa hạnh phúc đích thực và những cảm giác thích thú. Khi thích thú, chúng ta
nhảy lên, làm động tác này, động tác nọ, rồi chúng ta ngã xuống, mệt nhoài và
chán nản. Sự thích thú thì tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nó bị điều kiện hoá. Nếu ăn
một ly kem thì tuyệt, hai ly thì cũng được, nhưng ăn đến ly thứ ba thì bạn sẽ
muốn nôn ra. Sự thích thú là thế đấy.
Còn hạnh phúc, đó là nhận thức bẩm sinh của chúng ta. Chúng ta đi trên
tuyết, đi dưới bầu trời đầy sao và cảm thấy rất thích thú, không có một xung
đột nội tâm nào cả. Khi bạn có một cử chỉ thân thương với một đứa bé, không có
ràng buộc gì cả, không đòi hỏi khen hay thưởng gì cả, bạn sẽ cảm thấy được tình
yêu thương thuần tuý. Rồi dần dần, bạn bắt đầu phân biệt các trạng thái khác nhau của tâm
mình, gồm những trạng thái mang lại an vui và những trạng thái mang lại phiền
não cho mình và cho người khác. Bạn tự hỏi không biết mình có thể
loại bỏ trạng thái gây phiền não để nuôi dưỡng trạng thái an vui hay không. Vấn
đề ở chỗ là: Những cảm xúc gây phiền não đó có phải là một phần thực chất của
tâm bạn hay không?
Thông
thường, khi ta có một cảm xúc như tức giận chẳng hạn, chúng ta hoàn toàn gắn
mình với cảm xúc đó: ta là nỗi tức giận. Rồi chúng ta tiếp tục thoát khỏi
mình và đi đến mục tiêu của nỗi tức giận, chính là kẻ đã làm ta nổi giận. Cứ
thế, chúng ta bực dọc vì nỗi giận. Bất cứ khi nào ta nhìn thấy hoặc nhớ đến
người đó, cơn giận lại nổi lên, không bao giờ chấm dứt.
Tuy nhiên, thay vì nhìn vào mục tiêu của cơn giận, bạn có thể tách cái
tâm của mình ra khỏi cơn giận. Bạn có thể nhìn cơn giận như nhìn một ngọn lửa
hay một ngọn núi lửa. Bạn nhìn vào nó, quan sát nó như một hiện tượng. Nếu bạn
làm như vậy, bạn có thể tách rời nó ra khỏi nguồn nhiên liệu của nó, tức là mục
tiêu của cơn giận. Rồi từ từ, cơn giận sẽ tan đi, giống như người ta thường nói
là sương mai tan đi khi mặt trời lên. Ta không đè nén cơn giận vào một nơi nào
đó như một quả bom hẹn giờ. Ta lờ nó đi, không để cho nó nổ. Ta giải
quyết nó theo cách làm cho nó bị vô hiệu hóa.
Có một hình ảnh rất hay trong giáo lý nhà Phật. Tâm của chúng ta giống
như bề mặt của tấm gương soi. Tính chất của tấm gương là phản chiếu tất cả mọi
hình ảnh: những nét mặt giận dữ hoặc tươi cười hay những nét mặt buồn bã, trầm
tư. Nhưng những hình ảnh này không thâm nhập vào trong tấm gương. Chúng không
phải là một phần của tấm gương. Nếu chúng là một phần của tấm gương, chúng sẽ
ngăn cản những hình ảnh khác.
Nét mặt giận dữ sẽ vẫn nằm lại trong gương và nét mặt tươi cười sẽ không
bao giờ hiện lên được. Tương tự như vậy, có một sự tỉnh giác thuần khiết, từ đó
mọi ý niệm khởi phát. Nếu quả đúng như vậy thì những cảm xúc gây đau khổ được
gắn kết với những nguyên nhân và những điều kiện. Bằng cách luyện tâm, sử dụng đúng thuốc trị, thay thế sự căm ghét bằng
lòng yêu thương, thay lòng tham lam bằng tự do nội tâm, bạn có thể thay đổi
được cảnh quan của tâm hồn. Đấy là thiền. Thiền là một từ rất xa lạ, nhưng thật
sự, thiền chỉ có nghĩa là làm quen với một cách hiện hữu, nuôi dưỡng những phẩm
chất nội tâm của mình.
Mai Châu (Tổng hợp)
Theo Phunutoday
Câu chuyện
đời
Tuệ Viên sưu tầm
CON BƯỚM
Một người nọ tìm thấy một
cái kén của con bướm . Anh ta nhận thấy cái kén này bắt đầu được cắn rách, sâu
bướm bắt đầu bò ra. Quan sát một hồi lâu, anh thấy con sâu bướm cố hết sức lách
thân mình qua lỗ hổng mà không được. Rồi con sâu có vẻ ráng hết sức mà không
lọt ra nổi và nằm im như chịu thua.
Động lòng thương, người nọ muốn giúp con
sâu bướm, anh ta lấy mũi kéo nhỏ cắt vết rách của cái kén để sâu bướm ta vuợt ra
ngoài dễ dàng. Sau khi sâu bướm ra khỏi kén, thì thân hình lớn ra nhưng đôi
cánh thì lại nhỏ. Người nọ cố chờ xem con bướm có thể phát triển thêm ra không?
mong rằng đôi cánh kia có thể nở rộng thêm để đủ sức bay đi?
Than ôi! vô ích! con bướm
đã bị trọn đời tàn tật, lê lết với chiếc cánh nhỏ bé không thể bay đi được.
Người nọ vì lòng thương mà hấp tấp làm hỏng cuộc đời con bướm. Anh không
biết là luật tạo hóa bắt buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để?vượt ra khỏi lỗ
nhỏ của cái kén. Trong lúc phấn đấu đó, huyết mạch sẽ được luân lưu từ thân
mình cho đến đôi cánh và sau khi vượt ra khỏi chiếc kén, bướm ta mới có đủ sức
vuơn đôi cánh lớn ra mà bay bổng.
* * *
Sức phấn đấu cũng rất cần
thiết cho đời sống chúng ta vậy.
Nếu cuộc đời không có những
trở ngại thì chúng ta sẽ bị bại liệt như con bướm kia. Chúng ta không có đủ sức
để bay bổng. Trước những thăng trầm thế sự, chúng ta phải có đủ trí phấn đấu
ngõ hầu vươn lên trong cuộc sống.
Chúng ta sẽ có sức dũng
mãnh, vì cuộc đời có những trở ngại khiến chúng ta phải đấu tranh.
Chúng ta sẽ có trí tuệ, vì
cuộc đời có những vấn đề nan giải khiến chúng ta phải giải quyết.
Chúng ta sẽ có can đảm, vì
cuộc đời có những chông gai nguy hiểm khiến chúng ta phải vượt qua.
Chúng ta sẽ có lòng từ bi,
vì cuộc đời có những kẻ bất hạnh để cho chúng ta giúp đỡ.
Chúng ta sẽ có thịnh vượng,
vì cuộc đời tạo ra những trí óc và bắp thịt khiến chúng ta phải vận dụng.
Các bạn có thấy đúng không
?
****************************
TẠM THỜI
Một vị thầy tâm linh nổi tiếng đến trước cửa lâu đài của vị vua nọ. Vì
Thầy nổi tiếng rồi, nên các người lính canh không ai chặn ông lại khi ông đi
vào và tiến thẳng đến trước mặt nhà vua đang ngồi trên ngai vàng.
- Ông muốn gì? nhà vua hỏi.
- Tôi muốn có một chỗ để ngủ trong cái quán trọ này. Ông ta đáp.
- Nhưng đây không phải là quán trọ, đây là tòa lâu đài của ta. Vua trả
lời.
- Xin hỏi bệ hạ rằng ai là sở hữu tòa lâu đài này trước bệ hạ?
- Vua cha ta, Ngài đã chết rồi.
- Và ai là sở hữu trước cha của bệ hạ?
- Ông nội của ta, Ngài cũng đã chết.
- Và cái chỗ này, nơi mà người ta sống một thời gian ngắn rồi dọn đi,
như vậy thì nó không phải là quán trọ như bệ hạ nói hay sao?
Lời bàn:
1. Vị thầy muốn cho nhà vua biết tòa lâu đài không phải của ông ấy. Nếu
tòa lâu đài tiêu biểu cho sự sống của nó, thì nó thuộc về ai? Sự sống có thuộc
về người nào hay không?
2. Sớm hay muộn gì tất cả chúng ta đều phải dọn đi, kể cả đời này và
nhiều đời sau nữa!
3. Chuyện này biểu lộ rằng người quyền thế nghĩ là quyền lực của họ
thường hằng. Nhưng không có gì trong cuộc đời này là thường hằng. Người như vậy
cần được đặt vào vị trí của họ.
4. Chúng ta sống và chết và không bao giờ thực sự sở hữu bất cứ thứ gì.
Có mấy người nghĩ sâu xa về điều này.
5. Vật chất và của cải làm cho bạn nghĩ rằng mọi thứ tồn tại vĩnh viễn.
Điều đó ngược lại sự nhận biết rằng mọi thứ trên đời này đều vô thường.
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT
CÂU CHUYỆN VỀ BUÔNG XẢ
PHÁ RỪNG TRE GAI
TRÍ TUỆ VÀ PHƯỚC ĐỨC THEO LỜI PHẬT DẠY
TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT
CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT