TÁC GIẢ: HOÀNG ĐỘ
TVĐĐ - 02/14/2012
Nhìn cảnh tượng người ta chen lấn, giẫm đạp nhau để vào chùa làm lễ “dâng sao giải hạn” ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 14 tháng Giêng vừa rồi và những cảnh chen lấn ở các lễ hội mà không khỏi ngao ngán!
"Dâng sao giải hạn" xâm thực vào một số chùa chiền!!
Cầu an đầu năm cho bản thân và gia đình là nhu cầu tâm linh chính đáng, cần tôn trọng, nhất là trong xã hội hiện nay. Cuộc sống vốn không có gì chắc chắn lại chồng chất thêm nhiều sự lo lắng vì đời sống kinh tế quá bấp bênh, con người càng ngày càng có nhiều nỗi lo sợ hơn. Để yên tâm, và theo niềm tin “lan truyền” từ người này qua người khác, từ đời này sang đời sau, người ta tìm đến các chùa để làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn…
Cũng chưa bao giờ một số chùa lại lạm dụng giáo lý “tùy thuận chúng sinh” như hiện nay. Trước nhiều phản ánh của dư luận, những thắc mắc của bạn đọc là Phật tử, phóng viên Giác Ngộ đã thực tế nhiều chùa cả ba miền Bắc, Trung, Nam và nhận thấy điều đáng buồn là một số chùa đã bày biện việc tổ chức lễ “dâng sao giải hạn” (vốn không phù hợp với giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo mà Đức Phật đã dạy) một cách công khai bằng các bảng niêm yết “cách tính sao”, “thời khóa các lễ dâng sao giải hạn”… Một số phản ánh cho biết các hoạt động này có thu phí dưới dạng “phiếu công đức”.
Tùy duyên để thức tỉnh con người theo tinh thần từ bi và trí tuệ là điều đúng. Nhưng “phương tiện” đến mức làm cho nhiều người rơi vào “thiên la địa võng” của thế giới mệnh danh là “tâm linh” mơ mơ hồ hồ, hiểu sai về Phật giáo thì đó là sự lạm dụng giáo lý này một cách thái quá.
Báo chí đã phản ánh sự ta thán của nhiều người. “Giải hạn” nhưng nạn vẫn cứ đến, nửa tin nửa ngờ vào những điều mà mình không thể nhận thức, biết được. Nhưng không đi “dâng sao giải hạn” thì lòng cảm thấy… không an! Để có được một cảm giác “bình an” cho bản thân và gia đình mình như thế, nên người ta sẵn sàng xô đẩy, chen lấn, nhịn đói, chịu rét để tranh một chỗ ngồi ở nơi mà người ta cũng nghe “đồn” là… thiêng liêng!
Hàng ngàn lượt người đã đến đăng ký như thể cảnh tượng mua bán bên ngoài thế tục, không một lời dẫn giải khuyến tấn sự ý thức trách nhiệm với suy nghĩ, lời nói và hành vi của mỗi cá nhân, làm việc phước đức, cải thiện nghiệp xấu, hướng đến nhân cách tương đối giữa đời sống này. “Dâng sao giải hạn”, cuối cùng cũng chỉ là cầu sự bình an. Đó là nhu cầu có thật (nếu không muốn nói là rất nhiều) nhưng nhà chùa không thể đáp ứng tâm lý ấy bằng cách “phương tiện” một chiều như thế.
Giá mà các chùa “phương tiện” số đông với nhu cầu cầu an kiểu đó, tổ chức các buổi thuyết giảng, phần nào thức tỉnh con người, hướng dẫn họ dần dần có nhận thức đúng hơn, phù hợp với quan điểm Phật giáo, gần gũi với đức tin theo Chánh pháp và đời sống hiện đại. Đồng thời qua đó, hướng dẫn con người điều chỉnh hành vi, có những ứng xử phù hợp nơi chốn tôn nghiêm cũng như trong đời sống hàng ngày bằng các tài liệu Phật pháp nhỏ, dễ đọc, dễ hiểu…
Được biết, đây không phải là điều mới mẻ, mà đã được thực hiện từ lâu, từ thời kỳ chấn hưng Phật giáo, đặc biệt là qua các bậc danh tăng ở miền Bắc như các ngài Tố Liên, Trí Hải, Thiều Chửu ở những năm giữa thế kỷ XX… Và đây cũng không phải là điều “hão huyền” ở hiện tại, vì một số chùa đã kiên nhẫn thực hiện, bước đầu đã có dấu hiệu rất tốt, điều chỉnh hành vi do bắt chước của người dân đến chùa lễ Phật, cầu nguyện, đặc biệt là trong các ngày trọng lễ như Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy.
Xin hãy vận dụng đúng nghĩa thâm diệu của giáo lý “phương tiện”, và xin đừng lạm dụng hai chữ này!
Kính mời quí vị xem bài viết cùng chủ đề:
DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN THEO LINK;
PHƯỚC BÁU CỦA NGƯỜI HỌC ĐƯỢC CHÁNH PHÁP
Hôm nay chúng ta, ngoài sự may mắn được làm người, lại còn được may mắn hơn vô số người khác, gặp được giáo pháp của PHẬT. Vậy hãy có quyết tâm, ngay trong kiếp này, phải học và phải đắc cho được CHÁNH PHÁP, đừng để chết đi rồi trầm luân ngụp lặn thêm một lần nào nữa. Cũng cố gắng học đúng CHÁNH PHÁP của PHẬT. Đừng phung phí hết cả cuộc đời tu theo những TÀ PHÁP hoặc những pháp tu MÙ MỜ, không giúp bạn thấy được NIẾT BÀN ngay trong kiếp này.
Bạn mến:
1.* Bạn nghĩ thế nào về trường hợp của 2 người chạy xe: Một người chạy xe không thắng (brake), và một người chạy xe có thắng. Người nào sẽ bị đau khổ vì tai nạn? Người nào có khả năng chạy nhanh hơn? Bạn có hiểu ý tôi muốn nói gì không? Đời không có Đạo cũng như người chạy xe không thắng, chắc chắn sẽ bị đau khổ. Đời có Đạo như người chạy xe có thắng, dầu hưởng thụ nhiều cũng khó bị khổ đau. Các bạn đang say sưa xây đắp cuộc đời thường có thành kiến thấy Đạo như là một cái gì ngăn cản những thú vị của Đời. Nhưng bạn đâu có biết rằng Đạo cũng như cái Thắng xe, Thắng là để ngăn cản sự chạy. Nhưng nhờ có Thắng bạn mới dám Chạy Nhanh.
2.* Bạn nghĩ thế nào về trường hợp của một người vì quá hớn hở cho một cuộc đi chơi xa mà không kiên nhẫn nghe những lời dặn dò về những khó khăn trên con đường đi, những sửa soạn cần thiết cho những bất thường có thể xảy ra của thời tiết. Người hăm hở sống, không muốn bỏ thì giờ học Đạo cũng như vậy đó! Mặc dầu Đạo nói nhiều điều không vui về Đời, nhưng để sửa soạn cho bạn đầy đủ khả năng đối phó và sẽ không than thở về những bất thường có thể xảy ra.
3.* Bạn nghĩ thế nào khi một người đang nghèo túng, trúng được số độc đắc. Hạnh phúc biết mấy phải không! Người gặp được Chánh Pháp còn có Phước báu nhiều hơn thế. Vì hạnh phúc do Tiền Của mang lại có lúc cũng mất (ta không mất nó thì nó cũng mất ta, khi ta chết) rồi chỉ thêm đau khổ vì tiếc nuối; Trái lại hạnh phúc do Chánh Pháp thì vô điều kiện, trong hoàn cảnh nào vẫn thấy an vui, đời này qua đời khác. Chính vì vậy mà nhiều vị vua chúa, có trí tuệ, kể cả Đức Phật, đã đánh đổi cả cung vàng điện ngọc để đi tìm Chánh Pháp, Đạo Hết Khổ.
4.* Bạn nghĩ thế nào khi một người bị bệnh kinh niên, hoặc bị ung thư, bỗng nhiên tìm được thuốc, chữa lành hết bệnh. Rất vui mừng và may mắn phải không! Người tìm được Chánh Pháp còn may mắn hơn thế. Vì Chánh Pháp còn có khả năng chữa hết mọi bệnh KHỔ triền miên từ đời này qua đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác.
Bạn mến!
Có phải nắng vừa lên sáng nay mà bây giờ nắng chiều sắp tắt rồi không? Một ngày đi qua như một chớp mắt và cuộc đời cũng đi nhanh như thế. Tiếng hát ai kia, mới ngày nào còn đầy mộng mơ mà bây giờ đầu đã bạc. Bạn còn muốn làm giàu thêm bao nhiêu năm nữa để bạn có thể thành triệu phú? Tiền của nào có thể đi theo bạn, khi bạn lìa đời? Những vinh hiển thế gian rồi cũng chỉ để mất mát trong đau khổ, tiếc nuối, làm cho tâm thức u tối dễ đi vào đọa xứ mà thôi.
Các bậc Trí Tuệ như Đức Phật vì đã thấy trước như vậy nên dễ dàng từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sanh. Người con Phật há không đủ trí tuệ bỏ được chút ít thì giờ của cuộc đời phiền não, để học Phật hay sao? Dầu bạn xả thân sống hết cho Đời, chắc chắn Đời vẫn phũ phàng làm khổ bạn. Bản chất của nó là giấc mơ! Dầu bạn chưa tin như thế, nhưng chắc chắn bạn sẽ tin, trong hơi thở cuối cùng. Bao nhiêu công sức miệt mài, bây giờ còn nắm giữ được gì, mang theo được gì trong sự ra đi bơ vơ và vô định. Giờ phút này bạn sẽ bối rối vô cùng nếu bạn không có Chánh Pháp để hộ thân.
Chánh Pháp như một người mẹ hiền, luôn luôn che chở, an ủi bạn trong những lúc buồn khổ. Nếu hiện tại, bạn đang ở trong hoàn cảnh kém vui, thì đây cũng là dịp may mắn để bạn tìm về Chánh Pháp, chấn chỉnh lại Phước Trí cho đời này và đời sau. Phước Đức và Trí Tuệ, là vốn liếng duy nhất mà bạn có thể đem theo sau khi chết, để tạo dựng cuộc đời mới, bảo đảm hạnh phúc, trong kiếp tới. Cho nên nếu phát tâm học Đạo thì không những kiếp này bạn được vui, mà kiếp sau bạn cũng được vui.
Hỡi những ai thiết tha đi tìm Chân Lý! Phật tử hoặc không phải Phật tử, thân người khó được, Chánh Pháp khó gặp. Ngày mai chết đi, ta lại hòa nhập với các sinh linh trùng trùng điệp điệp trong vũ trụ, biết đến chừng nào mới lại được làm người trở lại! Nếu chết đi mà có thể được làm người trở lại một cách dễ dàng thì có lẽ ta đã đắc đạo giải thoát từ lâu rồi. Thế nhưng từ vô thủy cho đến giờ, tại sao ta vẫn chưa được giải thoát? Tại vì thân người mỗi khi đã mất đi rồi, khó được làm người trở lại lắm bạn ạ (xem Tương Ưng bộ kinh).
Khoa học ngày nay cũng đã chứng minh điều đó. Hẳn bạn cũng biết rằng ánh sáng mỗi giây đồng hồ đi được 300000 km. Thế mà các nhà thiên văn đã nhìn ra xa ngoài vũ trụ bao la, đến tận các hành tinh cách đây nhiều tỉ năm ánh sáng vẫn chưa tìm thấy được một xã hội loài người khác. Trong khi đó chúng ta ra vườn cuốc lên một chút đất, thì đã thấy lúc nhúc vô số chúng sanh khác. Rõ ràng số chúng sanh thấp kém thì vô số lượng, mà số chúng sanh được làm người thì vô cùng nhỏ nhoi. Như vậy, sinh được làm người thật vô cùng đại Phước phải không bạn?
Hôm nay chúng ta, ngoài sự may mắn được làm người, lại còn được may mắn hơn vô số người khác, gặp được giáo pháp của PHẬT. Vậy hãy có quyết tâm, ngay trong kiếp này, phải học và phải đắc cho được CHÁNH PHÁP, đừng để chết đi rồi trầm luân ngụp lặn thêm một lần nào nữa. Cũng cố gắng học đúng CHÁNH PHÁP của PHẬT. Đừng phung phí hết cả cuộc đời tu theo những TÀ PHÁP hoặc những pháp tu MÙ MỜ, không giúp bạn thấy được NIẾT BÀN ngay trong kiếp này.
Thân ái. Hoavouu.com
Kính mời quí vị xem bài viết "Đi Chùa Đúng Chánh Pháp" theo link