Sunday, January 1, 2012

*** CUỘC ĐỜI VÔ GIA CƯ - GIAO TIẾP BẰNG TRÁI TIM



GNO - Đó là tên của bức ảnh, do một nhiếp ảnh gia người Hong Kong - anh Chan Kwok Hung chụp cảnh hai đứa bé đang an ủi nhau trong bãi phế liệu ở Kathmandu,Nepal.
 
Bức ảnh gây xúc động mạnh cho nhiều người và xuất sắc đoạt được giải nhất chung cuộc trong cuộc thi ảnh về môi trường năm 2011 do Viện Chartered, London tổ chức dành cho dân chuyên nghiệp hoặc chưa chuyên nghiệp.

Chính vì tính thời sự và nhân văn của bức ảnh nên nó đã đánh bại nhiều bức ảnh nặng ký khác và vượt qua trên 10.000 tác phẩm dự thi để dành ngôi “quán quân”.

 Bức ảnh "Vô gia cư" đoạt giải nhất chung cuộc trong cuộc thi ảnh môi trường năm 2011
Bỏ qua tính nghệ thuật của bức ảnh, chỉ nói về nội dung bức ảnh: hai em bé đầu tóc bù xù, áo quần dơ dấy ngồi bên đống rác, nước mắt lưng tròng, bạn suy nghĩ đến điều gì?

Riêng tôi, nghĩ đến một nỗi sợ đang phủ trùm lên hai tâm hồn bé dại, giữa cái mênh mông của rác cũng là cái mênh mông của đời, của đói nghèo, bệnh tật, mù chữ. Và vòng lẩn quẩn ấy sẽ còn đè nặng không biết bao nhiêu kiếp người, thân phận nhỏ bé nơi cõi đời này. Họ khổ, mà mình không thương sao được, lương tâm mách bảo điều đó và trái tim co thắt lại, nước mắt chực trào theo giọt nước mắt sắp rơi ra của hai em bé.

Rồi tôi liên tưởng đến tuổi thơ của mình, đã từng chạy đi tìm mẹ và ngoại giữa mênh mông mưa gió trong một ngày mưa tháng 10, tầm tả, vì nỗi sợ giông gió, khi mẹ và ngoại để tôi ở nhà một mình và đi bắt công dặm lúa. Nỗi sợ của đứa trẻ giữa mênh mông gió bão, ký ức về sự cô đơn, thiếu thốn, về sự nghèo khó, đơn độc giữa cuộc đời là ký ức in hằn sâu sắc mà mỗi khi có dịp nó lại trỗi dậy và đồng cảm.

Đôi khi mình khổ, mình trải nghiệm nỗi khổ đau nơi cuộc đời này cũng là điều tốt, điều đó dễ giúp mình bắt mạch cuộc sống, đồng điệu và sẻ chia trước những số phận con người thăm thẳm, mù tăm như mình đã từng… Để mình không vô cảm! Như hai câu thi kệ mà tôi tâm đắc: “Không khổ đau lấy chi làm chất liệu/ Không buồn thương sao biết chuyện con người…”.

Rồi tôi lại nhớ đến hình ảnh một vị sư trẻ đã từng kể tôi nghe về hành trình xuất gia ba chìm bảy nổi của mình. Rằng sư từng ở “lộn chỗ”, nơi một ngôi chùa mà thời đó người ta xây dựng là để quy tập những trẻ em nghèo, côi cút hầu biến thành “trung tâm từ thiện”.

Sư bảo: “Nói ra thì thật đau lòng nhưng không phải không có điều đó”. Nhận ra nên sư đã rời chốn đó trong một đêm lạnh, cũng là nỗi cô đơn và vô định như ánh mắt hai đứa trẻ giữa bãi rác này. Tôi hình dung thế và thấy thương đến lạ lùng trước mơ ước của sư trong đêm đó, lúc mà sư còn là đứa trẻ, mới học lớp 7, rằng: “Mình đi ngoài đường, lội trong đêm tối mà ước ao ai đó hỏi mình một tiếng, chìa bàn tay ra giúp mình thì hạnh phúc biết nhường nào”.

Vị sư trẻ ngày ấy không được sự giúp đỡ của người khác có lẽ vì đêm khuya, nhưng sư đã không thối thất tâm Bồ đề, không từ bỏ đường tu, cũng không mất niềm tin nơi đời nên đến bây giờ sư vẫn mang hình tướng tu sĩ, đầu tròn áo vuông, hành thiện và hiến tặng cho đạo, cho đời những ý tưởng đẹp, dấn thân, chia sẻ…

Nhưng, không phải ai cũng làm được điều đó, nhất là với những đứa trẻ vô gia cư, lớn lên từ những bãi rác, tiếp xúc với rác thật và “rác đời” (với những cái nhìn rẻ khinh, những sự lạm dụng của những con người có tâm hồn bẩn…). Cuộc sống và sự khắc nghiệt ấy sẽ đẩy những thân phận vô gia cư đi xa nẻo thiện và biết đâu trong muôn trùng sóng gió cuộc đời ấy các em sẽ bị đồng hóa thành những con người mang trái tim đớn hèn trước vật chất, trước những vết nhơ cuộc đời?
Thế giới 7 tỉ người (vào hôm qua, 31-10), thế giới chật chội, đông đúc và lắm nỗi âu lo như là đói nghèo, bệnh tật, môi trường bị tàn phá, ô nhiễm… Tất cả những nỗi ưu tư ấy ta biết gửi về đâu cho tâm hồn bằng an? 

Câu hỏi sẽ được trả lời ngay, rằng hãy quay về tự thân, “nương tự tánh làm lành”, tự tánh - Phật tánh ấy chính là chiếc phao cứu con người và chúng sanh vượt thoát sanh tử, trở về ngôi nhà tịnh độ, ngôi nhà vô sinh bất diệt… Và như vậy, sự vô gia cư hình tướng nơi cõi Ta bà này sẽ chỉ là biểu hiện tạm bợ bởi nó không phải thật tướng, bởi ai cũng có đường đi, có nẻo về, đường bát chánh, nẻo về của tâm giải thoát rồi!

Lưu Đình Long





                            GIAO TIẾP BẰNG TRÁI TIM

HT Thích Thánh Ngiêm

Một số người có quan niệm rằng tu hành chỉ giới hạn trong việc ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, nhập thất… Thực ra quan niệm như thế chỉ đúng được một nửa. Tu tập theo quan điểm của Phật giáo không giới hạn ở những việc như thế mà còn cần phải biết điều chỉnh, tu tập hành vi của chúng ta qua ba hình thức là tu thân, tu khẩu và tu ý. Tức là sửa đổi, chỉnh đốn hành vi, động tác của tất cả việc làm của mình thể hiện trên ba nghiệp gồm thân nghiệp – hành động của thân thể; khẩu nghiệp – lời ăn tiếng nói của miệng và ý nghiệp – suy nghĩ, tư duy của ý thức.

Then chốt của việc tu hành chính là giữ gìn cho tâm ý trong sạch mọi lúc mọi nơi, không để lòng mình còn những ý niệm xấu, thân không làm việc xấu, miệng không nói lời xấu. Có thể tổng kết tất cả công hạnh tu hành thành hai công dụng là tu phúc và tu tuệ, trong đó, công hạnh tu tập nhằm giảm thiểu hoặc hóa giải phiền não của bản thân được gọi là tu tuệ. 

Tu tuệ như tụng kinh, lễ Phật, sám hối, ngồi thiền đều là những phương pháp tự thức tỉnh, thay đổi, cải thiện các quan niệm, tập khí cũng như phiền não trong tâm mình, giúp trí tuệ tăng trưởng, hóa giải phiền não. Song song với việc tu tuệ, chúng ta cần phải tu phúc, tức là phải giúp đỡ mọi loài chúng sinh, nói là mọi loài chúng sinh nhưng ở đây quan trọng nhất là những người chung sống, đồng nghiệp, bạn bè xung quanh mình. Thế nhưng, làm thế nào để giúp đỡ người khác? Chúng ta có thể giúp người khác về các phương diện như giúp về trí tuệ, thời gian, tài sản, thể lực… Giúp đỡ người khác là một phương pháp tu tập để tạo phúc báo, gieo trồng nhân lành, tích góp công đức, công đức đó có thể giúp cho nhiều người thoát khỏi nghèo nàn, khổ nạn, vượt qua gian khó đến bờ bình yên, hạnh phúc, vui vẻ.

Nếu hiểu công hạnh tu tập theo định nghĩa như trên thì chúng ta có thể tu tập được ngay trong quá trình lao động, làm việc. Người ta có câu “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Tại sao tu ở nhà và ở chợ là nơi tu tập khó nhất nhưng lại hiệu quả nhất? Tu chợ ở đây nên hiểu là tu trong công việc đời thường, tu trong cương vị lãnh đạo của mình vì ở đó mới là nơi có cơ hội tốt nhất cho sự tu tập các việc thiện, tích tập công đức của mình. 

Một vị lãnh đạo, một người cấp trên cứ nỗ lực đưa ra những chính sách, biện pháp đúng đắn, có lợi thiết thực cho số đông, hợp tình hợp lí thì mọi người cấp dưới sẽ hưởng ứng theo, tạo không khí, môi trường tốt cho việc tu tập các công hạnh thiện. Khi đó chúng ta sẽ thực hiện được “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện”.

Khi chúng ta làm bất kì việc gì đều làm với tất cả sự tập trung và chân thành của mình thì bản thân việc làm đó là sự tu tập vì tu tập và công việc vốn không phải là hai việc trái ngược nhau. Đương nhiên, chúng ta có thể tận dụng thêm những giờ rảnh rỗi trong công việc để tu tập những pháp môn yêu cầu cao hơn để tiếp nối công hạnh tu hành của mình, thực ra tu tập trong công việc và tu tập ngoài công việc có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. 

Chạy đua với thời gian thường khiến thân thể và tâm lí chúng ta trở nên căng thẳng. Vì vậy, ta cần phải tập luyện thư giãn cho tâm hồn, học cách “coi cuộc sống như là một công việc ưa thích, coi công việc như là sự thú vị của cuộc sống”, hưởng thụ công việc, hưởng thụ cuộc sống, cảm nhận được đây chính là hạnh phúc, tâm hồn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, không còn căng thẳng và áp lực. Muốn có một cuộc sống thanh nhàn, hạnh phúc, chúng ta cần phải “tri thức”, người biết đủ chính là người hạnh phúc. Một số người quan niệm rằng, hưởng thụ tức là ăn ngon, mặc đẹp, đi xe đắt tiền. Thực ra hưởng thụ cuộc sống một cách đúng nghĩa, đích thực nhất đó là hưởng thụ sự thư thái, an nhàn cho thân thể lẫn tâm hồn chứ không phải chỉ đơn thuần là sự hưởng thụ vật chất. Hưởng thụ một cách thích hợp giúp thân tâm an lạc, thoải mái. Hít thở không khí trong lành, sống trong môi trường thanh thản, nhẹ nhàng, điều hòa cân đối nhịp sống là sự hưởng thụ đích thực. 

Theo nhân quả của nhà Phật, chúng ta cần cố gắng hoàn thành công việc của mình, không cần để ông chủ mình biết, cũng không cần mong được sự khen ngợi, chúng ta cần làm tốt công việc, bổn phận của mình, không cần quan tâm tới người khác có nhìn mình hay không mà khi ở cùng với đồng nghiệp cần tận tâm, tận lực, nên vì mọi người, vì công ty, không nên tị nạnh với người khác. Những lời ác ý, chê bai người khác không những tổn thương người khác mà đối với mình cũng bất lợi thế nên chúng ta cần cố gắng tránh nó. Trong văn phòng vẫn thường xuyên xảy ra những lời nói đầy bạo lực. Lý do để nói ra những lời tổn thương người khác có thể là mong cho người ta thất bại, hoặc là vì lợi ích của mình, ngăn không cho người khác có cơ hội thăng tiến với nhiều thủ đoạn không chính đáng như bịa đặt, chê bai đối phương.

Hơn nữa, trong bất kỳ cơ quan, đơn vị nào cũng sẽ có một vài đồng nghiệp rất hợp nhau, thường xuyên tụ tập lại để cùng nói xấu hoặc phê phán những đồng nghiệp khác, như vậy cũng là một loại ngồi lê đôi mách. Những người bị phê phán nên ý thức rằng chuyện lớn đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện nhỏ trở thành không có chuyện gì và không nên tính toán đến sự được mất. 

Nếu bạn coi như không nghe thấy, mỉm cười cho qua, sự việc sẽ vẫn bình thường. Nếu ngược lại, ý kiến ở hai bên tai mình sẽ trở nên rõ ràng, tạo nên hai mặt trận đối lập nhau, đấu tranh với nhau, như vậy việc vận hành trong công ty sẽ trở nên tồi tệ. Nói xấu là sự bới móc, thuộc về “nhiều chuyện”, cũng có thể nói là “bịa chuyện”. Đối với các tín đồ Phật giáo, đó là một việc không có đạo đức. Thái độ làm việc của chúng ta cần phải chân thành, thực sự cầu thị, không nên dùng những cách không chính đáng, đặc biệt là những thủ đoạn đê tiện, ác độc để đạt được mục đích mong giành được danh lợi về mình. Tuy nhiên, nếu không may gặp phải loại người này, bị người hãm hại bằng ác ý, nên giải quyết thế nào?

Trường hợp này, trước hết chúng ta nên xem cấp trên có phải là người sáng suốt, xử sự công bằng không. Nếu là một cấp trên sáng suốt, thì họ có thể nhận ra ai là người hãm hại, ai là người bị hại, ai là người luôn thích nịnh nọt, nên dùng loại người nào, không dùng loại người nào. Ngược lại, người không sáng suốt, họ sẽ thích nghe những lời ác ý, hãm hại, không thể phân biệt được sự thật giả. Nếu bạn vẫn muốn ở lại công ty, tốt nhất bạn hãy để cho thời gian giải quyết vấn đề đó, đợi đến thời cơ chín muồi, sự việc rồi sẽ hiện rõ chân tướng, đợi khi cấp trên phát hiện ra được sự thật, biết được trước đây là do người khác cố ý hãm hại bạn, ông ấy sẽ hồi tâm chuyển ý, phục hồi lại chức vụ của bạn như cũ. Nếu cấp trên không nhận ra được sự thật, không phân biệt phải trái, vậy nên làm thế nào? Trước tiên, hãy nghĩ nên lùi một bước, hãy nghĩ đến vấn đề thu nhập, nếu sau khi từ chức mà ảnh hưởng đến gia đình, khiến cho kinh tế gia đình gặp khó khăn, thì hãy tạm thời nhẫn nhịn, bởi vì hiện tại cấp trên của mình là như vậy, nói thế nào ông cũng không hiểu được. Nếu một công ty khác muốn tuyển dụng bạn, bạn hãy thử xem sao, có thể đó là điểm khởi đầu mới của bạn, nếu hiện tại vẫn chưa có cơ hội, vậy hãy chờ đợi thời cơ để tìm việc khác.

Ngoài những điều đó, chúng ta cần ứng phó ra sao? Chúng ta vẫn có thể dùng trái tim nhân hậu độ lượng để xem xét, nhìn nhận việc mình bị hãm hại. Từ góc độ tu tập, nói xấu là việc người ta chứ không phải mình, họ có nói xấu tôi đến mức nào, đó cũng chỉ là cách nhìn của họ chứ thực sự không phải là của tôi, vậy tôi cần gì phải tức giận. Khi đạt được sự tu dưỡng đó, chúng ta sẽ không bị những lời bịa đặt làm gục ngã.