Thursday, December 1, 2011

*** TÌM VỊ THÁNH TĂNG

NI SƯ THÍCH NỮ TRÍ HẢI
 

 
Tại một ngôi chùa Trung Quốc hồi xưa, có một vị sư nổi tiếng về hạnh ở dơ. Thầy lại không đủ điều kiện thân tướng trang nghiêm để thọ giới, vì thế mặc dù ở chùa đã lâu, thầy vẫn giữ chức vụ của chú tiểu là làm các công việc ở nhà vệ sinh và trong bếp, ngoài vườn.

Tất cả những công việc nặng nhọc dơ dáy đại chúng đều giao cho thầy phụ trách. Thầy làm tất cả mọi sự với tâm hoan hỷ, không phàn nàn, lúc nào nụ cười cũng nở trên môi. Mặc dù y phục rách rưới dơ dáy nét mặt thầy luôn luôn rạng rỡ, có điều đáng phàn nàn nhất về thầy là mặc dù đã lớn tuổi, không còn bé bỏng gì, thế mà thầy luôn luôn để mũi chảy thò lò như một cậu bé, không chịu lau chùi, không bao giờ rửa mặt. Cho nên, tuy thầy rất dễ thương, cũng ít ai dám đến gần vì nhờm gớm. Mỗi khi các bạn đồng tu đề nghị:
 
-  Xin chú mày làm phúc quẹt mũi giùm đi. Dơ dáy lắm.
 
Thầy chỉ cười hề hề!
 
-  Em không có thì giờ quẹt mũi, Sư huynh ạ!
 
Rồi bỏ đi một nước. Một hôm, nhân ngày lễ Vu Lan, nhà vua thỉnh tất cả chư Tăng trong chùa không phân biệt vị nào, vào cung để dự trai Tăng. Nhà vua tha thiết yêu cầu vị Hòa thượng đừng để một vị nào ở lại chùa, vua sẽ cho người đến giữ chùa trong thời gian Tăng chúng vào cung.
 
Sở dĩ nhà vua muốn như vậy là vì Ngài có dụng ý. Vua vốn là người mộ đạo tha thiết, cầu gặp Thánh Tăng để khai thị cho mình yếu nghĩa bộ kinh Kim Cang. Do lòng chí thành, một hôm vua được thần nhân báo mộng trong ngôi chùa lớn có vị Thánh Tăng, hãy thỉnh về cung thuyết pháp. Tỉnh dậy, nhà vua hoang mang không biết Thánh Tăng ấy là ai, trong ngôi chùa đông cả ngàn Tăng chúng đó. Sau một hồi bàn luận với cận thần, vua được bày một kế hay ho và vội thực hành ngay kế đó để tìm gặp Thánh Tăng. Thế là vua cho sửa soạn một buổi trai Tăng cúng dường toàn thể Tăng chúng trong ngôi chùa.
 
Về phần Tăng chúng trong chùa, họ bàn nhau:
 
-  Hôm nay vua thỉnh toàn thể Chư Tăng vào cung thọ trai không chừa một vị nào ở lại giữ chùa. Nghĩa là phải cho cái chú ở dơ của mình đi theo. Chú ấy chưa thọ giới, vậy trong khi chúng ta đắp y đi có hàng ngũ chỉnh tề thì hãy để chú ấy đi một mình sau rốt khỏi mất thể diện chúng Tăng.
 
Tăng chúng bằng lòng theo sự sắp đặt ấy và báo tin cho chú ở dơ sửa soạn theo hầu chư Tăng vào cung dự lễ. Họ không quên dặn chú làm phúc quẹt mũi giùm trước khi ra đi. Chú cười hề hề:
 
-  Dạ được rồi, quý huynh đừng lo. Lần này em xin lau mặt mũi sạch sẽ để theo hầu quý sư huynh.
 
Vua và đình thần đứng xếp thành hàng rào danh dự đón chư Tăng đông đủ uy nghi từ từ bước qua cổng chính để vào cung. Mặt nhà vua hơi lộ vẻ thất vọng khi thấy gần hết chư Tăng đều điềm nhiên bước qua cổng lớn. Khi người cuối cùng của hàng dài Tăng chúng đắp y đã đi qua cửa cung, sắp có lệnh đóng cửa, thì một vị sư không đắp y, ăn mặc dơ dáy ở đâu nhảy bổ tới, lộn nhào hai ba vòng để tránh dẫm chân lên ngưỡng cửa, vừa lẩm bẩm nói một mình:
 
-  Chết chửa! Ai dám dẫm chân lên pháp bảo của Như Lai.
 
Vua và đình thần quỳ mọp xuống trước vị Thánh Tăng, dâng bộ y quý giá:
 
-  Ngưỡng bạch Hòa thượng, đệ tử xin cung thỉnh người thăng pháp tòa, để chúng con được ân triêm pháp nhủ.
 
Thánh Tăng bước lên pháp tòa dành sẵn, giảng kinh Kim Cang như nước chảy hoa bay cho tất cả đại chúng và triều đình. Ðến đoạn: “Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật” nhà vua thoát nhiên đại ngộ.
 
Sau thời thuyết pháp nhà vua quỳ sám hối trước đại chúng. Vì lòng tha thiết cầu gặp Thánh Tăng, nhà vua buộc lòng phạm đến pháp bảo bằng cách chôn một quyển kinh Kim Cang ngay lối vào cung điện. Với kế đó, nhà vua đã tìm ra vị Thánh Tăng trong hơn nghìn Tăng chúng, ấy là vị có thần thông biết được chỗ chôn kinh và tránh dẫm chân lên pháp bảo bằng cách lộn nhào qua cửa ngọ môn.
 
 “Nhạn lướt mặt hồ không để bóng,
Gió luồn khóm trúc chẳng lưu vang”.


 

 
 
SỐNG ĐỜI VUI ĐẠO
(Sống trong tương đối - Vui với tuyệt đối)

Thương ghét, phải quấy, đẹp xấu, đúng sai, hơn thua, chính là vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính thực là con trâu, mà người tu theo Phật phải chăn phải dắt, phải kềm phải chế, phải điều phải khiển, phải thuần phải phục, thúc liễm luôn luôn.

Chăn trâu thành công thì Tánh Giác hiển lộ. Ðiều quan trọng là: "Con người hãy chăn dắt con trâu, chớ để con trâu dẫn dắt con người! Nếu để con trâu dẫn dắt, không biết con người sẽ đi về đâu?". Cho nên mới có pháp tu gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu", chính là nghĩa đó vậy.

Chăn trâu nghĩa là: áp dụng Chánh Pháp, vào trong cuộc sống, của mình hằng ngày, dẹp trừ vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm liên miên, chuyển hóa ba nghiệp, thân khẩu ý mình, bất lương bất thiện, thành ra ba nghiệp, hoàn toàn thanh tịnh. Chăn trâu nghĩa là: không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tâm tham lam, sân hận si mê.

Ðây mới chính là ý nghĩa thiết yếu của việc tu tâm dưỡng tánh theo đạo Phật: Trong tâm khởi niệm, nếu giác kịp thời, liền biết không theo, đó là Chơn Tâm. Trong tâm khởi niệm, nếu còn mê muội, không giác kịp thời, liền theo niệm đó, trở thành vọng tâm. Cũng ví như là: Khi có gió thổi, mặt biển nổi sóng, gọi là biển động. Mặc dù có gió thổi, mặt biển vẫn bình yên, đó là biển thái bình, ví như bản tâm thanh tịnh. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, không còn gì khác!

Nếu con người biết sẵn sàng tha thứ cho người khác, cũng như đã từng nhiều lần trong đời, tha thứ cho chính bản thân mình, thì cảnh giới thiên đàng niết bàn cực lạc chính là đây, ngay trên thế gian này!

Sinh sự thì sự sinh. Nhân nào thì quả nấy. Gieo gió thì gặt bão. Có lửa thì có khói. Cầu nguyện khấn vái chỉ đem lại sự bình an tâm hồn tạm thời mà thôi. Bình an thực sự chỉ có cho người thiện tâm. Thiên đàng hay địa ngục, tuy là hai tâm trạng khác nhau, nhưng tất cả thực sự chỉ là các trạng thái ở trong thâm tâm của tất cả chúng ta. Cũng ví như biển động hay biển lặng, tuy khác nhau, nhưng đều là hai trạng thái của biển mà thôi vậy.

Cảnh giới tịch diệt an lạc đó không dành riêng cho bất cứ ai, không thuộc bất cứ tôn giáo nào, không thuộc bất cứ sắc dân nào, không thuộc bất cứ thời đại nào. Bất cứ ai dẹp được một phần các tâm niệm sanh diệt, thì người đó sống được một phần trong cảnh giới an lạc tịch diệt.


TÁC GIẢ: CƯ SĨ CHÍNH TRỰC

CƯ TRẦN LẠC ĐẠO T ẬP 2  (CUTRANLACDAO@YAHOO.COM)