Monday, August 1, 2011

*** GIÁO DỤC GIA ĐÌNH ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG




Trong thời đại ngày nay, với hệ thống thông tin toàn cầu, người phương đông có thể tìm hiểu văn hóa phương tây hay ngược lại, một cách dễ dàng, dù ở bất cứ phương trời nào.

Trong lãnh vực giáo dục gia đình, nếu biết áp dụng giáo lý đạo Phật một cách khéo léo, chúng ta có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc. Giáo lý đạo Phật có hai yếu tố: từ bi và trí tuệ.

1. Với từ bi, cha mẹ và các con cảm thông và thương yêu lẫn nhau. Bày tỏ sự cảm thông và tình thương yêu qua lời nói (ái ngữ, chánh ngữ), cũng như qua hành động (chăm sóc, quan tâm lẫn nhau).

Cha mẹ biết tu tâm dưỡng tánh, trải rộng tâm từ bi hỷ xả, các con được hưởng phước nhờ đó, cho nên có thể nói lời từ ái với các con, có thể bỏ qua lỗi lầm của các con, không cố chấp, không có vấn đề đánh đập hay hành hạ các con, cho bỏ ghét, không đòi hỏi các con cung phụng một cách quá đáng.

Cũng vậy, do biết tu tâm dưỡng tánh, các con cảm thông với hoàn cảnh chung của gia đình, có lúc dễ dàng, có lúc khó khăn, nên không trách hờn, không đòi hỏi cha mẹ phải lo lắng, chăm sóc, cung cấp nhu cầu vật chất cũng như tinh thần theo ý các con mong đợi.

2. Với trí tuệ, cha mẹ và các con cùng hiểu rõ rằng: mỗi người đều có nghiệp lực riêng; dù có cộng nghiệp là: cùng sống chung trong một gia đình. Cho nên cha mẹ chỉ hướng dẫn các con xây dựng tương lai, chứ không áp đặt ý muốn, mơ ước của cha mẹ, bất chấp ý kiến và khả năng của các con.

Do biết tu tâm dưỡng tánh, biết rõ mọi người đều có bản tâm sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, thường gọi là chân tâm, cho nên cha mẹ và con cái kính trọng, tôn trọng lẫn nhau, luôn luôn ngồi xuống cùng nhau bàn bạc, giải quyết chuyện gia đình trong tinh thần cảm thông và thương yêu lẫn nhau.

Tóm lại, nếu gia đình nào biết tu tâm dưỡng tánh; biết giáo lý trung đạo: không quá khắc khe, không quá nuông chiều; biết giáo lý vô ngã: không có ta đây bắt vợ con phải tuân lệnh dù đúng hay sai, không có ta đây dễ giận, dễ hờn, dễ tự ái; biết giáo lý nhân quả: không dám tạo nghiệp xấu, ngược đãi cha mẹ hay ngược đãi các con, thì gia đình này nhứt định sống trong an lạc và hạnh phúc, không nghi. []

************************

ÔNG GIÀ MẤT DÉP


Tôi có quen một ông già, ông là bạn vong niên của tôi. Các con ông đều ở xa, một mình ông sáng chiều độc thoại. Buổi sáng ông lụm cụm chống gậy ra thăm khóm trúc già, săm soi mấy bông lài trắng muốt.

Các con ông biết cha già cô đơn, trồng cho ông vài bụi bông nhỏ. Vậy cũng đủ cho ông vui suốt ngày và mấy bụi bông trở thành đề tài để con ông gọi điện thoại về nói chuyện phiếm. Cũng may thời buổi văn minh, chỉ cần nhấc điện thoại lên thì mười nghìn cây số cũng gần như gang tấc.

Ở xứ Tây, cha con ôm nhau tỏ tình thương mến, mình da vàng thương cha đâu dám tỏ bày tình cảm như vậy. Có hôm buồn nẫu ruột, vậy mà gọi thăm cha phải đổi giọng vui như ngày mồng một Tết. Không dám nói thương cha, làm bộ hỏi bụi bông nào đang trổ. Câu chuyện cũng chỉ lẩn quẩn loanh quanh khóm trúc, buồng cau, cây sứ đại già, cành bông giấy tím. Vậy cũng đủ để người cha không quên giọng nói của đứa con xa, và người con lòng bùi ngùi nghe tiếng cha cười như thời tuổi nhỏ.

Sáng sáng, vẫn một mình, ông mở cửa ra trước nhà nhìn người qua lại, miễn thấy người thì lòng cũng đỡ cô đơn. Chiều chiều, trước màn hình xanh đỏ, tôi hỏi ông đang coi phim gì, ông trả lời coi mà có biết gì đâu, rồi ông cười hiền. Tuổi già nước mắt như sương, bao nhiêu năm quen ông, thế sự thăng trầm, ông mất nhà mất cửa, mất luôn một người con gái mà tôi chưa từng thấy giọt nước mắt nào của ông. Tôi nhớ như in hình ảnh ông ngồi bệt dưới đất ngoài sân bệnh viện hôm con ông mất, mặt hằn đau khổ, ông nói mà như khóc: “Phượng chết rồi con ơi”. Chỉ vậy thôi. Giọng nói khóc thay nước mắt. Những hạt lệ khô. Ông kín đáo đến nỗi niềm đau cũng giấu luôn trong lòng, làm sao biết để mà an ủi?

Ngày con ông về, tôi thấy gương mặt ông sáng hẳn và mắt ông có nét cười, là ông vui đó. Chỉ biểu hiện có vậy thôi.
Hay người cha nào cũng đều trầm lặng?

Một tháng trời con ông có mặt, sáng ông vẫn ra thăm bụi bông lài mộc mạc. Người con lại làm sang thêm mấy khóm đỗ quyên đài các, giới thiệu với ông đây là hoa xứ lạnh nơi con ở, người ta lấy giống về trồng. Con ông kể chuyện trên trời, dưới đất “xứ con”, ông thích thú nghe, sao chuyện tầm phào vậy mà ông vui, cười khoe hàm răng sún? Hay người cha nào cũng đều đơn giản như ông?


 Ông chưa bao giờ đòi hỏi con đưa ông qua “xứ con”, “nhà con” cho biết. Tôi cũng quên hỏi xem ông có ao ước đó không. Ngày thường ông nói với tôi già rồi chân hay đau nhức. Những lúc con ông về, khuya trở dậy ông mò mẫm trong bóng đêm đi ngang phòng con không cầm gậy, sợ tiếng lộp cộp đánh thức giấc ngủ say. Buổi sáng sum họp bên ly cà phê nóng, ông cũng không kể chuyện ông lo lắng canh chừng từng giấc ngủ của con. Người con cũng giấu cha mình hồi đêm nằm nghe từng bước chân cao chân thấp, lòng thổn thức bồi hồi. Ông âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng.
Hay người cha nào cũng ít biểu hiện cảm xúc như ông?

Vậy mà hôm con ông đi, ông quýnh. Đang nằm trong phòng, nghe tiếng dưới nhà nhộn nhịp, sực nhớ giờ con đi, nhìn đồng hồ, ông hoảng kinh bật dậy, quên xỏ đôi dép, quên cả cây gậy chống đỡ tuổi già, quên là người con thế nào cũng phải trở lên thưa cha con “về nước”, ông chạy chân không chớp nhoáng đã hết mấy bậc thang mà ngày thường ông rị mọ.
Hay tình thương con nơi người cha nào cũng thắm thiết sâu xa?

Xưa, một người đọc kinh nghe nói Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, quyết đi tìm. Năm tháng trôi qua, sơn cùng thủy tận, vẫn không thấy Phật đâu. Nghe vị sư già nói thời mạt pháp, Phật thị hiện như một người thường, đồng sự mà hóa độ chúng sanh, cứ theo đường cũ trở về, gặp người nào chân phải mang dép trái, chân trái mang dép phải, đó là Phật. Tìm mãi vẫn không thấy ai mang dép ngược, người lãng tử buồn bã trở về nhà. Đêm khuya, gọi cửa, bà mẹ mừng rỡ chạy ra, chân phải mang dép trái, chân trái mang dép phải, chàng đã gặp Phật.

Tôi gọi ông là ông già mất dép. Nơi đất nước tôi đang ở đầy tuyết trắng này, làm sao tìm được một người già không dép? Còn ông già tôi quen đã không còn dép thì làm sao mang ngược được, vậy mà ông vẫn là một “ông Phật” của tôi. Tôi không cần hỏi tên ông già mất dép của tôi đâu, ông là ba tôi đó.

Thiếu Lan