Sunday, March 20, 2011

*** NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN


TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU

Nắng mùa hè ấm áp, giúp cho vườn hoa ở Canada cảnh sắc rực rỡ.  Một hồ sen điểm vài cánh hoa hiếm quí tươi nhuần thanh khiết, làm ấm lòng người thưởng ngoạn. Lá sen màu xanh thẫm, trải khắp mặt hồ, tuyệt đẹp như bức tranh vẽ nghệ thuật. 


Vài giọt nước nằm yên giữa dòng lá sen tự lúc nào, một làn gió thổi qua, những giọt nước rơi nhẹ xuống mặt hồ. Sự yên tĩnh trong sạch và phẳng lặng của hồ sen, có thể trưởng dưỡng những tâm hồn an tịnh, không tranh chấp, không hơn thua, không phiền não.


Ai sống trên đời nầy
Tham ái được hàng phục
Sầu khổ tự tiêu diệt 
Như giọt nước lá sen. 
(Kinh Pháp Cú) 


Tất cả mọi người trên thế gian đều có chung một số phận "sanh lão bệnh tử", đó là cái khổ lớn của đời người. Con người có sanh ra, tất có già, có bệnh và sẽ đi đến cái chết. Con người tỉnh thức nhận rõ điều này. Diệu dụng của sự tỉnh thức đưa con người thoát khỏi vô minh, phiền não, khổ đau của luân hồi.


Căn tánh của chúng sanh không đồng, nên Ðức Phật giáo hóa tùy duyên, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chỉ dạy nhưng cũng không ngoài một vị giải thoát. Phương pháp tu cốt yếu là giúp con người hiểu biết cách thực hành tinh tấn, tận sức kiên trì, chiến thắng tâm ma cho đến khi đạt được giác ngộ giải thoát, mới mong thoát khỏi đau khổ sanh lão bệnh tử, thân chứng Niết bàn tịch tịnh.


Như hoa sen và lá không nhiễm bùn tanh và nước đọng. Diệu dụng của sự tỉnh thức là phát huy trí tuệ cao thượng để có được kết quả viên mãn.


Ðức Phật dạy: "Chánh pháp là tặng phẩm quý báu nhất. Pháp vị là hương vị đậm đà thanh tịnh nhất. Pháp hỷ là niềm hoan hỷ an lạc cao cả nhất. Ái tận là công đức thù thắng nhất, vì đưa đến quả vị giải thoát tối thượng". 


Ðệ tử của Như Lai
Luôn sống trong tỉnh thức
Bất luận ngày hay đêm
Tâm không nhiễm ái dục
Thường tu niệm tỉnh giác 
Lậu hoặc ắt tiêu trừ.      
(Kinh Pháp Cú).


Chư Tổ ví tâm như nước hồ thu không gợn sóng, trăng soi bóng nước. Như ly nước đầy cáu bẩn, cần thời gian để yên một nơi, cáu bẩn lắng xuống, ly nước được trong dần. Người tu muốn được thấy sự diệu dụng của Phật pháp, cần phải có không gian yên tĩnh thích hợp để hành thiền và tu học. Khi không còn thấy sự yên tĩnh là buồn chán, ly nước tâm cáu bẩn được lọc sạch.

Người sống không thẹn với lòng là người không tìm hạnh phúc trong quyền lực, trong sự tranh đấu hơn thua, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác. Chúng ta nhận ra được sự tai hại của lòng tham và ích kỷ sẽ gây thù oán khắp mọi nơi, không có hạnh phúc nào bền vững cả. Cuối cuộc đời là sự tự hủy diệt trong cô đơn và đau khổ.


Người có trí tuệ hàng phục được tham sân si, xa lánh được nhân xấu ác, tâm sáng suốt, sẽ thấy được đâu là hạnh phúc bền vững chân thật. Khi cảm nhận được hạnh phúc xuất thế gian là vô giá, thì đối với họ thắng bại, danh vọng, quyền lực, vật chất không còn là quan trọng nữa. 


Chư vị tôn túc thường nói: "Nhịn một câu sóng yên biển lặng, Lùi một bước biển rộng trời cao". Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Phiền não trên đời như túi đá nặng trên vai, người nào biết buông bỏ xuống thì nhẹ nhàng như cỡi mây ngao du sơn thủy.   

Vận dụng từ bi để trừ sân hận, hiểu được sự bất tịnh sẽ dẹp trừ tham dục, khai mở trí tuệ phá tan được si mê. Hạnh phúc cao quý là ở nhân phẩm trong sạch và lòng từ ái mà có được. Quá nhiều thủ đoạn và ích kỷ tham cầu cho riêng mình chỉ chuốc lấy khổ đau và thù hận mà thôi. 

Trong đời sống hiện đại, mật độ dân cư càng tăng, tiện nghi vật chất phục vụ con người càng lôi cuốn hấp dẫn, áp lực đồng tiền càng mạnh. Con đường sa đọa mê đắm đưa nhiều người đến vực thẳm không còn kiềm chế được. Nếu họ không thỏa mãn được những tham vọng điên cuồng, hậu quả đưa đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, tội lỗi và bất hạnh trước mắt.

Lúc đó con người tự hành hạ mình bằng sự sân hận, oán người, hận đời, đôi khi đi đến loạn tâm điên rồ, mất tự chủ và sáng suốt, để rồi việc ác gì cũng dám làm, thật là nguy hiểm vô cùng. 

Khi nghĩ đến những bất hạnh mà họ phải gánh chịu, với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi, mọi người nên thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta không khinh khi, cũng không bỏ mặc họ, kiên nhẫn tùy duyên, đúng lúc nào đó có thể sẵn sàng giúp họ bằng tấm lòng khoan dung độ lượng, đưa họ về con đường bình an trong Chánh pháp. 

Muốn có được sự bình an thực sự, con người bớt vị kỷ, sống đơn giản, xa rời hơn thua tranh chấp, trau giồi đức hạnh, khiêm hạ vô tư, vì người không vì mình, trong tất cả hành động của thân khẩu ý. Sự toàn thiện về thân và tâm chưa đủ, chúng ta còn phải làm nhiều phước thiện. Tâm an lạc hạnh phúc khi mọi người xung quanh đều có hạnh phúc.

Tuy lá sen không được nhiều người ca tụng và chiêm ngưỡng như hoa sen tròn vẹn hương sắc, nhưng lá cũng góp phần làm cho cảnh sắc của hồ sen tươi nhuần và tăng thêm giá trị thiện pháp cho tâm người biết thưởng ngoạn. Người có trí tuệ thấy rõ nhân quả của thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, thì mới quyết tâm buông bỏ được tham lam, sân hận và si mê.

 

Người giữ được tâm trong sạch, thân đoan chính thanh tịnh, những đam mê của cảnh trần không làm họ dính mắc bận tâm, như giọt nước trên lá sen.


Người tu khi hành đạo thường gặp "bát phong", nghĩa là những sự tôn vinh hay phỉ báng, khen hay chê, sướng hay khổ, lợi dưỡng hay ngược đãi, tất cả đều không màng. Bát phong là tám ngọn gió đời làm tâm con người loạn động bất an, nhưng với người biết cách tu, tâm không bị phiền não chi phối. Bát phong gồm 4 cặp đối nghịch: 


** Lợi: khi gặp lúc lợi lộc, tâm không ham muốn vui thích. 

** Suy: khi gặp cảnh suy sụp, bất như ý, tâm không sầu não, bi lụy. 

** Hủy: khi gặp sự hủy nhục, tâm không sân hận, thù oán. 

** Dự: khi gặp sự danh dự, tâm không dính mắc, tự mãn.

** Xưng: khi gặp sự xưng tán, tâm không ngã mạn, tự kiêu. 

** Cơ: khi gặp sự chỉ trích, tâm không đau khổ, buồn rầu.

** Khổ: khi gặp lúc khổ nạn, tâm không mặc cảm, oán than.

** Lạc: khi gặp cảnh vui mừng, tâm không tham đắm, si mê. 


Chư Phật hóa độ chúng sanh bằng tâm "Ðại hùng, Ðại lực, Ðại từ bi". Các Ngài vượt qua hết trở ngại của sự phân biệt và chia cách. Người tu theo Phật phải dũng mãnh tinh tấn rũ bỏ hết tham lam, sân hận và si mê, đem ánh sáng trí tuệ và tâm từ bi, xua tan bóng tối của vô minh nhiều đời nhiều kiếp cho mình và cho người hữu duyên. 


Muốn thanh tịnh hóa tâm hồn đã quá nhiều mệt mỏi vì sự cạnh tranh ồn ào của cảnh đời, như giọt nước lá sen, chỉ cần nhân duyên của cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho giọt nước phiền não rơi xuống hồ, trả lại sự trong sạch nguyên vẹn cho lá. Sự diệu dụng của Phật pháp, đem lợi lạc cho con người ở mọi thành phần giai cấp xã hội cũng như vậy.   


Ngày nay, băng giảng, kinh sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được phát hành rộng rãi, các khóa tu học được tổ chức tại các tự viện, chúng ta có thể tham khảo và tìm một pháp môn thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh để tu học. Các vị học giả trí thức đã bỏ nhiều tâm huyết và công phu thành lập các website Phật pháp có giá trị tu học, đem nhiều lợi lạc cho tứ chúng, xuất gia và tại gia.


Giáo lý đạo Phật cũng được nhân loại đón nhận như nước cam lồ cứu khổ chúng sanh, với lòng tôn kính và sự biết ơn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng vô tận. 


Dù sống một trăm năm
Không thấy pháp tối thượng
Chẳng bằng sống một ngày
Ðược thấy pháp tối thượng
 (Kinh Pháp Cú, 115). 

Dù sống một trăm năm
Không tuệ, không thiền định
Không bằng sống một ngày
Có tuệ, tu thiền định.
(Kinh Pháp Cú, 111). 

Sự tu học không đòi hỏi phải ngộ tức thời, hay nóng lòng cầu mong chứng đắc, nhưng cũng đừng trì trệ. Niệm Phật hay tọa thiền để đi đến thanh tịnh tâm, là các pháp môn thực hành, đồng thời với việc tìm hiểu lời Phật dạy, để biết rõ cách tu tâm sửa tánh, đúng theo Chánh pháp.

Kết quả trừ dứt tất cả nghiệp ác và các duyên gây đau khổ, sau đó cứu người giúp đời, tạo công đức và phước đức. Nguyện đem công đức và phước đức hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều thành Phật đạo.



Nguyện chánh pháp lưu truyền
Phổ cập khắp thế gian,
Chúng sanh thường tịnh lạc,
Phật đạo chóng viên thành. 

thichnuchanlieu@yahoo.com 


 
TỊCH LẠC

Năm uẩn thảy đều không

Có chi là gánh nặng

Tự chuyển hóa thân tâm

Đó mới mong diệt khổ

Tâm như đài gương sáng

Trí tuệ giác thường hằng

Luân hồi không tái sanh

Tâm không thường tịnh lạc.


KHO BÁU

Người thấm nhần CHÁNH PHÁP

Thanh lọc thân và tâm

Sống trong niềm hạnh phúc

Thiền định thật an lạc

Như kẻ tìm kho báu

Được lợi lớn cho mình

Hiền trí điều phục tâm

Tham ái chẳng mong cầu

Như tảng đá kiên cố

Bão tố không lay động.


                            
VÌ NGƯỜI HAY VÌ MÌNH?
-     Ngoại à! Ngoại mua mấy cái bánh cam nầy hôi hết rồi làm sao mà ăn đây, lần sau Ngoại đừng có mua nữa!.
-     Cháu à! Con thấy ăn được thì ăn, không thì bỏ đi. Vì Ngoại thấy đứa nhỏ bằng tuổi đi học giống như cháu, mà không được đi học phải bưng rỗ bánh cam đi bán, áo quần cũng không lành lặn. Nghĩ vậy thay gì Ngoại cho nó tiền, Ngoại mua hết rỗ bánh cam còn lại đó thôi, cháu hiểu thì đừng cằn nhằn Ngoại nữa được không?.
-     Cám ơn Ngoại, đã dạy cho con biết suy nghĩ vì người không vì mình quá nhiều!!!

CHẤP HAY KHÔNG CHẤP?
-     Má à! anh rể và chị Hai mê tín chấp rằng trong nhà mình đang có tang Ba xui lắm, không muốn Má đi dự đám cưới cháu ngoại, thôi thì Má cũng đừng thèm đi nha!
-     Hồi sáng nầy, anh rể và chị Hai của con có đến xin lỗi và xin Má tha thứ những lời nói vô tình xúc phạm đến Má. Năn nỉ Má thương con cháu đừng chấp. Má quyết định rồi, Má sẽ đi đưa cháu ngoại về nhà chồng. Nếu Má không đi, thì người chấp, người mê tín là Má đó.

PHƯỚC Ở ĐÂU?
-     Anh làm người tốt có ích gì, phải nghĩ cho bản thân, cho vợ con gia đình anh sung sướng, đầy đủ giàu có trước, khi nào có dư giả rồi hãy nghĩ đến làm tốt giúp người khác có được không?
-     Được chứ! Như vậy anh sẽ hưởng hết phước rồi, còn đâu dành cho em và con nữa!! khi muốn em thỏa mãn sung sướng và giàu có thì anh phải tạo nghiệp bất thiện, vì gia đình hại người, cuối cùng thì phước hay họa tới đây?!!..Anh làm chuyện tốt giúp người là đang tạo phước an lành, hạnh phúc cho các con và em đó.

CÓ NÊN MUA HAY KHÔNG MUA?
-     Thưa Ba, có một số người đến nhà con bán nhang đèn, có khi mặc y phục tu sĩ. Con lưỡng lự, không biết có nên mua không, họ là người tu thật hay giả?
Con có cần dùng nhang đèn hay không? Đó mới là điều cần thiết phải suy nghĩ mua hay không mua. Họ là người bán con là người mua, có sự trao đổi, việc gì không thiệt thòi mình cũng không hại người thì con làm đúng 
MỤC ĐÍCH CỦA NIỆM PHẬT 
Phan Minh Đức
 
Nếu dành thời gian cho việc niệm Phật để tâm định tĩnh, sáng suốt trước những sự việc, biến cố không may, thì nhờ đó mà mình bớt khổ, bớt não; hoặc khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc mà mình biết niệm Phật để có được sự bình tâm, tỉnh trí, nhờ nhiếp tâm vào câu niệm Phật mà tâm an ổn, trí sáng suốt, từ đó có thể tìm ra những giải pháp làm thay đổi hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Nhờ tâm an định, trí sáng suốt, hành giả nhìn thấy rõ vấn đề đang đối mặt là gì, nguyên nhân sanh ra những vấn đề đó nằm ở đâu và cách giải quyết nó. Từ đó hành giả chủ động giải quyết nhưng trên tinh thần tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không cố chấp, làm hết sức mình, hết khả năng mình, nhưng làm trên tinh thần duyên sanh nhân quả, phù hợp với quy luật duyên sanh nhân quả. 

Không nên niệm Phật với tâm cầu Phật gia hộ cho mình bình an. Bởi vì nếu tâm không thanh tịnh, vọng niệm điên đảo, phiền não tham sân si dẫy đầy (thương, ghét, tham muốn, giận hờn, đố kỵ, oán thù…) thì không thể nào có sự bình an được, dù niệm Phật ngày đêm cũng khó có sự cảm ứng, làm sao Phật gia hộ cho mình an được? Phật và ta không phải là một, cũng không phải khác. Phật không phải ngoài ta, cũng không phải trong ta; không phải ở xa, cũng không phải ở gần. Khi tâm là tâm Phật (thanh tịnh, sáng suốt) thì Phật hiện, tâm không cầu mà có Phật, vắng bóng phiền não, vọng tưởng đảo điên thì tâm tự bình an mà không cần ai gia hộ.

Không nên niệm Phật với ý niệm cầu Phật đưa lối dẫn đường hoặc giải quyết giúp mình những khó khăn trong đời sống. Nên niệm Phật để lòng bình an, tâm định tĩnh, sáng suốt, từ đó trí tuệ soi sáng cho hành giả tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn, khai thông những bế tắc gặp phải trong đời sống. Tùy nhân quả, nghiệp duyên mà việc làm của mình có thành tựu hay không, những vấn đề mình gặp phải có giải quyết được hay không dù mình đã cố gắng, tuy nhiên nếu tâm an ổn, trí sáng suốt thì mình vẫn thấy bình an, vẫn không khổ, không não, hoặc ít khổ, ít não. Nếu thành tựu được niệm Phật tam muội thì mọi vấn đề chẳng còn là vấn đề nữa.

Người niệm Phật phải có niềm tin chân chính, đúng đắn, phải căn cứ vào lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong các kinh và những lời khai thị dựa trên kinh nghiệm của chư vị Tổ sư, các bậc thiện hữu tri thức mà thực hành, không nên tu tập theo niềm tin, theo hiểu biết, suy luận của riêng mình. 
Phan Minh Đức


LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT?
TÁM ĐIỀU NGƯỜI TRÍ CẦN BIẾT RÕ.(PHTQ 16)
HẠNH BỐ THÍ (CTLĐ 1)
QUA CƠN MÊ (CTLĐ 2)
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
BÀN VỀ THIỆN VÀ ÁC
 *TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
*TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU
*BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
*CHO TRỌN NIỀM VUI MÙA VU LAN