http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2024/01/chuoi-ngoc-tran-bao-phap-thi.html
Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí
TKN Thích Nữ Chân Liễu
Mỗi năm Tết đến, nơi
nơi hân hoan đón mừng xuân mới, chúc nhau an lành và hạnh phúc. Mùa xuân trở về
mang niềm vui đến cho mọi người trên thế gian, trong đó có những người con
Phật. Chuông trống Bát Nhã thâm trầm vang lên trong các chùa, mang âm hưởng
tỉnh thức cho phút giây đón mừng năm mới. Phút nhập từ bi quán như nhắc nhở tâm
từ bi của chư Bồ Tát gởi đến muôn loài và lời cầu nguyện quốc thái dân an, thế
giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Mùi hương trầm lan tỏa, như hương xuân cúng
dường mười phương chư Phật nhân dịp đầu năm. Nụ cười từ bi của Ðức Phật luôn
luôn hiện hữu, tạo cho đạo tràng một không khí ấm áp đầy đạo vị, mặc dù ngoài
kia mùa đông Canada, tuyết đang rơi lạnh buốt người.
Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ
Môn Phẩm, trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, gọi ngắn là Kinh Pháp Hoa, Chư Tôn Ðức
Tăng Ni hướng dẫn Phật tử đọc tụng vào dịp đầu năm, là cầu mong tứ chúng vui
xuân an lành trọn vẹn và được nhiều hạnh phúc trong năm mới.
Trong phẩm Phổ Môn,
có đoạn:
“Bồ Tát Quán Thế Âm
nhận Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí của Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường, vì thương xót
hàng tứ chúng cùng Trời Rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na
la, Ma hầu la già, người và không phải người. Liền khi đó, Bồ Tát Quán Thế Âm
chia Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí làm hai phần: một phần dâng Đức Phật Thích
Ca, một phần dâng Đức Phật Ða Bảo”.
Quán Thế Âm nghĩa là
quán sát âm thanh từ thế gian phiền não, chuyển hóa thành ý thức lắng nghe mầu
nhiệm nơi tâm giác ngộ, để tùy duyên cứu độ nhân gian. Nếu hiểu được ý nghĩa vô
cùng thậm thâm vi diệu của Phẩm Phổ Môn và hạnh nguyện từ bi cao thượng của Bồ
Tát Quán Thế Âm, con người sẽ không rơi vào tà kiến si mê và khai mở trí tuệ
bát nhã. Với trí tuệ bát nhã, người phát tâm tu hành hạnh nguyện Bồ Tát Quán
Thế Âm hằng sống với lục độ ba la mật, và luôn giữ tâm trong bát chánh đạo, ví
như những chuỗi hạt châu ngọc quí giá chiếu sáng nối kết nhau không rời, cho
đến khi giác ngộ viên mãn.
* Lục độ ba la mật gồm có:
- Bố thí là dùng vật chất, chánh pháp giúp đỡ và an ủi người.
- Trì giới là giữ giới thanh tịnh trong mọi ý nghĩ lời nói và hành động .
- Nhẫn nhục là kham nhẫn và cam chịu dù bị khinh khi hoặc gặp khó khăn.
- Tinh tấn là cố gắng vượt mọi thử thách, giữ tâm chí vững bền.
- Thiền định là tâm an nhiên tự tại, không não loạn trong mọi hoàn cảnh.
-
Trí tuệ là nhận thức sáng suốt đưa đến giác ngộ, không còn si mê.
*Bát chánh đạo gồm có:
- Chánh kiến là kiến thức thấy biết đúng, hiểu rõ vô thường, nhân quả.
- Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, không trái với chân lý và lẽ phải.
- Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không nói những lời thô ác, dối gạt.
- Chánh nghiệp là hành vi chân thật, không làm những việc ác nghiệp.
- Chánh mạng là nếp sống chân chánh, không làm những nghề bất thiện.
- Chánh tinh tấn là tâm chuyên cần trì giới, tu hành, không lười mỏi.
- Chánh niệm là tâm hiểu rõ việc đang nghĩ, đang nói và đang làm.
-
Chánh định là tâm bình tĩnh thản nhiên, không còn si mê loạn động.
Bồ Tát Quán Thế Âm
nhận Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí của Bồ Tát Vô Tận Ý cúng dường, vì lợi lạc
của chúng sinh, và đem cúng dường Ðức Phật Thích Ca, nghĩa là cúng dường Giáo
Pháp giải thoát tối thượng; và cúng dường Đức Phật Ða Bảo, nghĩa là cúng dường
Phật Tánh thanh tịnh sáng suốt.
Cúng dường Ðức Phật Thích Ca:
Ðức Phật Thích Ca là
một vị Phật lịch sử. Giáo lý của Ngài trong sáng như vầng nhật nguyệt, giúp cho
người tu theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm, kinh Pháp Hoa, còn gọi là Hành Giả Pháp
Hoa, giác ngộ tri kiến Phật. Ngài chỉ dạy vô vàn pháp môn tự giải thoát sự trói
buộc của phiền não, tự giác ngộ chân lý vượt trên mọi tín ngưỡng dân gian. Phần
nhiều mọi sự khổ não xuất phát từ tâm tham sân si, tâm tưởng tượng cố chấp, hay
tâm lo buồn sợ hãi. Con người thường hay lo lắng, buồn rầu, sợ nghèo, sợ đói,
sợ khát, sợ bịnh, sợ già, sợ chết, sanh ly tử biệt. Tưởng tượng, cố chấp, lo sợ
càng nhiều, thì dễ sanh tâm sân hận, hung ác, việc tội lỗi gì cũng dám làm.
Người tu theo Phật muốn giải thoát sự khổ não trong cuộc đời, nên phát tâm hành
trì tinh tấn giáo pháp của Đức Phật giảng dạy, sống trong bát chánh đạo, trí
tuệ khai mở, thấu hiểu được chân lý nhân quả. Con người sẽ hưởng được pháp vị
an lạc vô biên.
Tham ái sanh ưu tư
Tham ái sanh sợ hãi
Ai giải thoát tham ái
Không ưu, không sợ hãi.
(Kinh Pháp Cú)
Tâm từ thắng nóng giận
Tâm thiện thắng ác hung
Tâm thí thắng tham lam
Tâm chơn thắng dối trá.
(Kinh Pháp Cú)
Hành Giả Pháp Hoa thực
hành tự lợi và lợi tha, luôn luôn hành trì lục độ ba la mật, với lòng từ bi
chân thật vì lợi ích chúng sinh mới có thể xả thân cứu độ tha nhân, còn gọi là
“vô ngã vị tha”, hay “quên mình vì người”. Tâm hạnh Bồ Tát đạo ví như trân bảo
quí giá hiếm có, cũng là Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí cúng dường Đức Phật Thích
Ca thù thắng nhất.
Cúng
dường Đức Phật Ða Bảo:
Ðức Phật bên trong
Tháp Ða Bảo hiện ra trên hư không, chính là hình ảnh tiêu biểu cho tri kiến
Phật, cũng là Chân tâm hay Phật tánh, tức là trí tuệ bát nhã tự thân, không
dính mắc với chuyện đối đãi, thị phi, nguyên nhân gây nên phiền não khổ đau của
thế gian. Do đó, con người muốn được giải thoát nên phát tâm tu hành hạnh
Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát là tâm từ bi cứu giúp nhân loại, tâm hoan hỷ làm tất
cả công đức và phước đức, mà không chấp có công đức và phước đức, đó chính là
tâm xả. Bồ Tát không có tâm tự mãn, không có tâm mong đợi sự tán thán ngợi
khen, nghĩa là Bồ Tát có tâm phá chấp và vô trụ, tức là “vô ngã vị tha”
tuyệt đối.
Ðức Phật dạy: “Phụng
sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Trên thế giới, với tự tánh thiện
lành sẵn có, nhiều người tự nguyện đến những nơi chiến nạn, đói nghèo, bịnh
tật, thiên tai. Với tâm từ bình đẳng bố thí tài vật và lòng bi mẫn không phân
biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, họ dùng bàn tay khéo léo dịu dàng và tài năng
sẵn có, xoa dịu nỗi thống khổ cho nhân loại. Chính họ là những người hành theo
hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, quên mình vì người, nghe theo tiếng kêu cứu
khổ đau của thế nhân và hiện thân cứu giúp. Cũng có người tu theo hạnh nguyện
của Bồ Tát Quán Thế Âm một cách nghiêm mật, giải bày, giảng nói Chánh Pháp vô
ngại, đem ánh sáng trí tuệ Phật Pháp cho mọi người. Đó chính là Chuỗi Ngọc Trân
Bảo Pháp Thí giá trị hơn trăm nghìn lạng vàng, xứng đáng đem cúng dường Đức
Phật Ða Bảo vi diệu vô cùng.
Bồ Tát Quán Thế Âm là
hình ảnh biểu hiện tượng trưng của sự cứu độ giải thoát về mặt tâm linh, thuộc
lãnh vực tâm tánh và ý thức của Bồ Tát hạnh, thực hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát Quán
Thế Âm không phải là một vị thần quyền linh thiêng có thể ban phước hay thỏa
mãn hết sự cầu khẩn van xin do mê tín và lòng tham ích kỷ của thế gian như
nhiều người tưởng tượng. Thâm nghĩa của hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm là sự thanh
tịnh cao thượng của tâm từ bi hỷ xả. Mọi người đều tự có khả năng đoạn tận
phiền não, phá trừ tâm ô nhiễm của tham sân si và khai mở trí tuệ, phát tâm từ
bi hỷ xả lợi tha tuyệt đối, thực hành hạnh nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm cứu khổ
cứu nạn cho đời.
Hiểu rõ chân lý nhân quả, con người tự làm chủ bản thân từ sự suy nghĩ, đến lời nói, và hành động; sống không ỷ lại sự cứu rỗi, van xin, không còn tâm mong cầu, chờ đợi sự huyền bí linh thiêng hay phép lạ đến từ bên ngoài. Phép lạ chính là sự chuyển hóa nội tâm, chuyển hóa phiền não thành bồ đề, chuyển hóa khổ đau thành an lạc. Cầu xin nhiều thất vọng nhiều. Nếu như cầu gì được nấy sẽ tăng trưởng lòng tham lam và ích kỷ. Còn nếu cầu không được gì cả, chính là con đường dẫn đến đau khổ triền miên không lối thoát. Cầu bất đắc thì đương nhiên là khổ! Nếu như không được những gì mong muốn thì hãy vui với những gì đang có, con người ít mong cầu, ít đòi hỏi, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, thì thân tâm được an ổn tự tại.
Ða dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại.
(Kinh Bát Ðại Nhân Giác)
Như lòng cha mẹ thương
con, dạy cho con nhân nghĩa, dạy tri thức sống chân chính, chứ không tùy theo ý
muốn vô minh dại khờ của con trẻ mà ban cho tất cả; đó là hại chứ không phải
thương. Tình thương trong đời cũng cần phải sáng suốt và cân nhắc, lòng từ mẫn
của tâm hạnh Bồ Tát thương tất cả chúng sanh không bỏ ai, nhưng chân lý thuộc
về nhân quả không thay đổi. Chư Phật và Chư Bồ Tát cứu độ chúng sanh là dạy làm
lành tránh dữ, gieo hạt giống từ bi sẽ nhận hoa trái từ bi, tạo hạnh phúc cho
người sẽ nhận kết quả hạnh phúc cho mình.
Trì niệm hồng danh của
Bồ Tát Quán Thế Âm mang ý nghĩa nhắc nhở chúng sanh trở về trí tuệ sáng suốt
giác ngộ của Phật tâm, Phật tánh tự thân. Khi nếm được Hương Vị Phật Pháp, còn
gọi là Pháp Vị, con người sẽ mạnh dạn dứt bỏ lòng tham lam sân hận si mê, và
dẹp tan được nạn nước lửa, dao gậy, xiềng xích, phá trừ tâm ma và trị tận gốc
nghiệp ác. Đó là sự tiêu diệt các nguyên nhân sanh đau khổ triền miên từ trước
đến giờ.
. Nạn lửa: Niệm Quán Âm để bỏ lòng sân hận, nóng giận tiêu diệt, lửa tắt.
. Nạn nước cuốn: Niệm Quán Âm để bỏ lòng tham dục, nước tham ái tự khô kiệt.
. Nạn dao gậy: Niệm Quán Âm để bỏ lòng si mê, dao gậy không làm hại được.
. Nạn xiềng xích: Niệm Quán Âm để bỏ lòng bất chánh, xiềng xích không trói buộc.
. Nạn quỷ la sát: Niệm
Quán Âm để bỏ lòng hung ác, ác tâm tự điều phục.
Có câu chuyện đáng suy
ngẫm như sau:
Theo thông lệ các chùa
mỗi tháng thường tổ chức thọ bát quan trai giới một ngày một đêm, giới tử về
tham dự rất đông, có khi không còn chỗ để nghỉ đêm, ngoại trừ phòng thờ linh
vị. Không ít lời đồn đãi về chuyện hiển linh, hay linh ứng của các người đã
mất, linh vị được thờ trong chùa, vì vậy phòng thờ này vẫn thường trống. Với
tâm ích kỷ, tinh thần yếu đuối, con người sẽ dễ bị nhiễu loạn bởi những lời đồn
vô căn cứ, sanh tâm sợ sệt vu vơ. Người biết cách tu, khi thọ bát quan trai,
với lòng thanh tịnh, khởi tâm từ bi, thương xót tất cả chúng sinh dù ở cảnh
giới nào và phát nguyện rằng:
“Công đức và
phước đức trọn một ngày một đêm thọ bát quan trai hôm nay, xin tâm nguyện hồi
hướng cho tất cả pháp giới chúng sinh, cùng chư vong linh ký tự tại chùa, đều
được giác ngộ Chánh pháp và trọn thành Phật đạo”.
Khi khởi tâm từ bi
thanh tịnh, tương ưng với tâm Chư Phật, với tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, giới
tử thọ bát quan trai không còn tâm ma hay tâm sợ hãi nữa. Tâm thiện sẽ giúp
người biết tu có một giấc ngủ thật an lành, dù ở bất cứ nơi đâu, và trong bất
cứ cảnh ngộ nào.
Tóm lại, Bồ Tát Quán Thế Âm chính là pháp tu cao quí
lợi lạc cho thế gian, tạo phước đức đạo tâm cho người, đem lại ánh sáng giác
ngộ chân thật cho chúng hữu tình. Trước giờ phút Ðức Phật Thích Ca chứng đạt
toàn giác viên mãn, ma quỉ dạ xoa dùng mọi vũ khí tham ái quyến rũ ngăn cản,
nhưng nhờ định lực cao siêu, Ðức Phật an nhiên tự tại tâm không dao động. Hơn nữa,
Ngài phát khởi từ bi tâm, thương xót hóa độ, thu phục tâm ma, binh khí biến
thành hoa tươi cúng dường và sau đó Đức Phật chứng vô thượng chánh đẳng chánh
giác.
Lòng tôn kính cúng
dường Chư Phật, Chư Bồ Tát không chỉ là vật chất thế gian, mà là giá trị nhân
cách ở đời, là tâm từ bi hỷ xả hành đạo, tu hạnh thanh tịnh, tinh tấn trì giới,
đạt được trí tuệ bát nhã viên mãn.
Đó chính là “Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp Thí”, “vô ngã vị tha”, “quên mình vì người” cúng dường bình đẳng thập phương chư Phật và chư Bồ Tát một cách cao quí tối thượng nhất.
Qua cơn mê
TK Thích Chân Tuệ
Trong cuộc sống hằng ngày, tất cả mọi người, từ tấm bé cho đến khi trưởng thành, đều phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Lúc còn nhỏ, chúng ta chỉ biết ăn cho no, ngủ cho đã, chơi cho sướng, còn mọi chuyện khác, có người lớn lo. Lớn lên một chút, chúng ta được cha mẹ cho đến trường để học. Ở quê nhà, trước đây, chúng ta được học lễ giáo, trước khi học chữ nghĩa. Chắc chúng ta ai cũng còn nhớ câu: "Tiên học lễ hậu học văn". Còn ở hải ngoại, học sinh được dạy dỗ nhiều về trí dục và thể dục, phần đức dục có phần khiếm khuyết, có nơi hầu như không có!
Sau khi tốt nghiệp, tiểu học trung học, hoặc là đại học, cũng có những người, kém may mắn hơn, chưa kịp học xong, tất cả mọi người, đều phải bước qua, ngưỡng cửa cuộc đời. Có người bước được, những bước chắc chắn, vững chải tốt đẹp, thành công tốt đẹp, vui vẻ hạnh phúc. Dưới góc cạnh cuộc đời, trong con mắt thế gian, người ta thường cho rằng: đó là những người "có tài". Dưới cái nhìn trong nhà đạo, đó là những người "có phước". Cũng có nhiều người, bước đi những bước, loạng quạng vào đời, có khi vấp ngã, thiệt thòi thương đau, người đời gọi là "bất tài", hay là "vô phước"!
Dù có tài hay có phước, dù bất tài hay vô phước, sau sáu mươi năm cuộc đời, người sống lâu hơn, hơn kém trăm năm, người ta bắt đầu, cảm thấy mệt mỏi, tuổi già sức yếu, lưng còm gối mỏi, da dẻ nhăn nheo, bệnh hoạn triền miên, cuối cùng thì sao, kết thúc thế nào? Ít người có thời gian, có can đảm, chịu suy nghĩ về ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Một nấm mồ với tấm mộ bia, hay một cái hủ đựng xương cốt với tấm biển đồng, khắc ghi tên họ, bằng cấp chức tước, là cái phước cuối cùng, con người có thể hưởng, lúc cuối đời! Thế là xong hết! Xong hết thiệt rồi! Một đời đã qua! Người nào cũng vậy! Ðời nào cũng vậy! Nơi nào cũng vậy! Thánh phàm cũng vậy!
* * *
Trên thế gian này, từ ngàn xưa cho đến ngày nay, tất cả mọi người sinh ra trên quả địa cầu này đều chấp nhận diễn tiến, tuần tự của cuộc đời mình như vậy, sinh lão bệnh tử, không ai nghĩ là có thể làm bất cứ điều gì khác hơn được. Cho nên, trong cuộc sống hằng ngày, con người thường đấu tranh, giành giựt, để được phần thắng, phần lợi, phần tốt, phần hơn, phần phải về phía mình, gia đình mình. Còn phần thua, phần thiệt, phần xấu, phần lỗ, phần quấy, dành cho mọi người, họ có ra sao cũng mặc kệ, chẳng có gì quan trọng, chẳng có điều gì đáng quan tâm, miễn sao, mình và gia đình mình vui sướng là được rồi! Con người thường suy nghĩ đơn giản như vậy. Ðến khi nào chính mình gặp khổ nạn, bất trắc, tai họa, nguy biến, phiền não, hệ lụy, con người bèn la hoảng lên, than trời trách đất, kêu gào thảm thiết, van xin cầu khẩn, thánh thần thiên địa, phù hộ độ trì, cứu tai cứu khổ, ban ơn ban phước, cho mình đều được, tai qua nạn khỏi, hết chuyện xui xẻo, qua cơn khốn khó. Khi qua được rồi, cuộc đời con người lại trôi nổi bềnh bồng, lại tiếp tục đấu tranh giành giựt, không cần biết ngày sau mình sẽ ra sao!
Trong cuộc sống hằng ngày, để được sống còn, để được sung sướng, để được hưởng thụ, dù quan niệm "đời hãy còn dài", hoặc suy nghĩ "đời quá ngắn ngủi", con người sẵn sàng làm bất cứ điều gì, lợi mình hại người, không cần đếm xỉa đến quyền lợi, danh dự, sự nghiệp, đời sống và gia đình của người khác. Nhứt là đối với những người mình không ưa, và những người không ưa mình, hoặc những kẻ oán thù, con người thường mang tâm niệm muốn cho họ biến mất trên thế gian này, càng sớm càng tốt, cho khuất mắt mình. Con người sẵn sàng, làm đủ thứ chuyện, đủ mọi thủ đoạn, mưu sâu kế hiểm, nghe lời xúi bảo, thưa gởi kiện tụng, vu oan giá họa, để hại người đời, làm cho người khác, thân bại danh liệt, suy sụp nguy khốn, gia đình tan nát, phiền não khổ đau, họ mới hả dạ, họ mới vui lòng!
Lòng tham lam của con người vô cùng vô tận, được một đòi mười, được mười đòi trăm, được trăm đòi triệu, một vốn bốn lời, nhứt bổn vạn lợi, được voi đòi tiên, được tiên đòi tiền, được tiền đòi danh, được danh đòi thọ, trường sinh bất tử, cải lão hoàn đồng, không muốn chết uổng.
Than ôi, tâm địa người đời, thực khó mà hiểu, thấu cho cùng được!
Tục ngữ có câu: "Dò sông dò biển dễ dò. Ðố ai lấy thước mà đo lòng người".
Lòng sân hận của con người vô lượng vô biên, cao ngất trời xanh, một điều không vừa ý có thể đòi lấy mạng người, hay đòi hủy hoại danh dự và đời sống người khác, hoặc muốn cho người khác ở tù chung thân! Người nào không chịu giúp mình, như mình mong muốn, dù gian hay ngay, mình phải ra tay, hãm hại họ trước, bằng đủ mọi cách, không hề từ nan, nộp đơn thưa kiện, vu khống cáo gian, đặt điều thêm bớt, làm đủ thứ chuyện, miễn sao người đó, khốn nạn điêu linh, tán gia bại sản, sống khổ không yên, thiệt mới hả dạ!
Lòng si mê của con người vô bờ vô bến, những chuyện hiểm nguy, tàn ác vô nhân, cũng đều dám làm, những lời độc hại, có thể giết người, hãm hại người khác, cũng đều dám nói, mưu sâu kế độc, tinh vi khôn lường, tàn bạo dã man, thỏa lòng tự ái, cũng đều dám nghĩ! Khi mình gặp nạn, bởi tâm si mê, nhứt định trả thù, mong muốn người khác, nhứt là kẻ thù, cũng phải khốn khổ, khốn nạn như mình, hoặc khổ hơn mình, thiệt mới hài lòng!
Những hành động do tâm tham lam, những lời nói do tâm sân hận, những ý nghĩ do tâm si mê thúc đẩy, quả thực đã tạo ra, không biết bao nhiêu, tội lỗi nghiệp báo, khiến cho con người, xô nhau đẩy nhau, chìm đắm trong biển, phiền não khổ đau, trầm luân sinh tử, đền trả quả báo, trong bao nhiêu kiếp, không bao giờ dứt, không thoát ra được. Vì thế cho nên, chư Phật Bồ Tát, chư hiền thánh Tăng, vì lòng từ bi, xuất hiện trên đời, để giúp chúng sanh, tự mình biết rằng, đang sống trong mê, sống trong điên đảo, sống trong mộng tưởng, đến khi lìa đời, con đường trước mặt, mờ mờ mịt mịt, không biết về đâu, đâm ra hoảng hốt, sợ hãi khủng khiếp, thì đã quá muộn!
* Tổ Sư Qui Sơn có dạy: "Tiền lộ mang mang vị tri hà vãng", chính là nghĩa đó vậy. Người nào thức tỉnh, giác ngộ như vậy, xa hẳn cơn mê, điên đảo mộng tưởng, không còn tạo nghiệp, tức là đạt được, cứu kính niết bàn, mà thập phương tam thế chư Phật hằng tâm nguyện chỉ bày cho tất cả chúng sanh.
* * *
A. Trong cơn mê : Có thể nói rằng: hầu hết mọi người, khi được sinh ra, trên trái đất này, đều không biết mình, từ đâu đến đây, đến để làm gì, sau khi từ giả, sẽ đi về đâu? Con người chỉ biết, cuộc đời hiện tại, cho nên cảm thấy, mấy mươi năm sống, ở trên thế gian, quả là dài lắm, tưởng chừng mọi việc, đều như vậy mãi, không hề thay đổi, không có nổi trôi. Ðến khi về già, nhìn lại cuộc đời, tưởng là giấc mơ, nhưng mà quả đúng, thực là cơn mê.
Khi gặp hoạn nạn, phiền não khổ đau, khó khăn trắc trở, con người cầu mong, mọi chuyện xui xẻo, trôi qua cho mau. Khi gặp an ổn, dễ dàng sung sướng, suôn sẻ vui vẻ, con người cầu mong, cuộc đời mãi mãi, cứ y như vậy. Ðến khi những chuyện, bất trắc bất thường, bất như ý muốn, xảy đến cho mình, người đời đau khổ, vì những mất mát, vật chất tinh thần. Chẳng hạn như là: buôn bán thua lỗ, mất tiền mất của, mất nhà mất xe, mất việc làm tốt, đưa đến quẩn trí, mắc bệnh tâm thần, có thể mất mạng! Chẳng hạn như là: người thân qua đời, từ giả ra đi, qua thế giới khác, chúng ta đau khổ. Chẳng hạn như là: người thân ngỏ ý, từ giả ra đi, lập cuộc sống khác, chúng ta phiền não, cảm thấy chới với, không còn muốn sống, cảm thấy cuộc đời, chỉ toàn màu đen, đen thủi đen thui, tối thủi tối thui!
Con người không biết rằng cuộc đời hiện tại này chỉ là một đoạn, một mắc xích trong chuỗi dài sinh tử luân hồi, nhiều đời nhiều kiếp. Cuộc đời hiện tại chỉ là một dòng chuyển biến không ngừng. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Hết cơn bỉ cực, tới hồi thới lai. Trăng tròn rồi khuyết. Bèo hợp rồi tan. Hoa nở rồi tan. Cuộc đời dâu biển. Không có cái gì tồn tại vĩnh viễn. Không có việc gì kéo dài vĩnh cửu. Mọi sự mọi việc, mọi vật mọi thứ, trên thế gian này, thay đổi đổi thay, liên tục liên miên, trong từng sát na, từng giây từng phút, từng giờ từng ngày, từng tháng từng năm. Chẳng hạn như là: cái tấm thân này, nay khỏe mai đau, nay trẻ mai già, nay còn mai mất. Chẳng hạn như là: chính tâm tính mình, nay vui mai buồn, nay an mai động, nay thiện mai ác, nay ác mai thiện, thường xuyên thay đổi. Con người không ai có khả năng, cũng như không vị giáo chủ nào có thể, dừng được bánh xe thời gian!
Con người chỉ có thể dùng trí tuệ bát nhã, dừng bánh xe luân hồi nghiệp báo, nếu muốn, nếu giác ngộ. Nghĩa là chỉ khi nào thức tỉnh, vượt qua cơn mê, con người mới hiểu được: tại sao mình phải ngưng làm những việc bất thiện, tại sao mình phải ngưng nói những lời thô ác, tại sao mình phải ngưng suy nghĩ những điều lợi mình hại người! Còn trong cơn mê, những việc bất thiện dễ làm hơn những điều thiện, những lời thô ác dễ nói hơn những lời êm dịu ngọt ngào, những điều lợi mình hại người dễ suy nghĩ hơn những điều vị tha, vì ích lợi của người khác.
Trong cơn mê, con người sẵn sàng nhảy vào căn nhà lửa, mà cứ tưởng là đang vui hưởng ngũ dục. Căn nhà lửa chính là cái thân tứ đại của mình, đang bị lửa thời gian thiêu đốt, từng giây từng phút, bị lửa tham lam, lửa sân hận, lửa si mê, thiêu đốt qua từng cơn, qua từng cơn mê. Căn nhà lửa cũng chính là cái thế giới đầy dẩy những cám dỗ, những cạm bẫy hiểm nguy vô cùng. Con người luôn luôn mơ ước thụ hưởng ngũ dục thế gian gồm có: tài, sắc, danh, thực, thùy. Con người luôn luôn mơ ước lắm của nhiều tiền, trúng số độc đắc, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền. Con người luôn luôn mơ ước được sắc đẹp mỹ miều, trẻ mãi không già. Ai khen mình trẻ đẹp thì thích. Ai nói sự thực thì mích lòng mình. Con người luôn luôn mơ ước được danh tiếng lẫy lừng, nhiều người biết đến, vỗ ngực xưng tên, nhưng lại chẳng tài cán chi. Con người luôn luôn mơ ước được ăn ngon mặc đẹp, sơn hào hải vị, không ngại giết hại, mạng sống sinh vật, bằng đủ mọi cách, để được ăn ngon. Con người luôn luôn mơ ước được ngủ nghỉ thoải mái, giường cao nệm tốt, đầy đủ tiện nghi.
Không được thỏa mãn ngũ dục, con người luôn luôn tìm đủ mọi cách, để đoạt cho bằng được, bất chấp mọi thủ đoạn, dù phải hại người hại vật cũng chẳng ngại, dù phải chà đạp người khác để hưởng lợi hay để bước lên đài danh vọng, dù phải khen mình khinh người cũng chẳng sao, dù phải nhận người khác xuống bùn đen cũng thấy thích thú. Chỉ vì ngũ dục mà con người tạo không biết bao nhiêu là tội nghiệp, để rồi phải đền trả quả báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi.
Trong cơn mê, con người tưởng rằng tấm thân tứ đại là "mình", quanh năm suốt tháng, làm lụng vất vã, thức khuya dậy sớm, không từ bất cứ việc gì, miễn là cung phụng cho tấm thân được no ấm, sung sướng mà thôi. Bởi vậy bất cứ ai động đến tấm thân này, con người đều cảm thấy khổ đau, cảm thấy bị chạm tự ái, cho nên phải trả thù, phải hại người khác, dù mười năm sau cũng chẳng muộn! Cho đến lúc thở hơi ra, mà chẳng có khả năng hít hơi khác vào, con người mới biết tấm thân tứ đại này phải trở về với cát bụi, phải xuống nấm mồ hay phải vào lò thiêu. Lúc đó, con người mới nhận biết được: tấm thân tứ đại này không phải là "mình" thì đã quá muộn màng! Biết bao nhiêu tội nghiệp đã tạo trong đời, để rồi phải đền trả quả báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi.
Trong cơn mê, con người tưởng rằng cái tâm suy nghĩ lăng xăng lộn xộn là "mình". Bởi vậy khi tâm tham nổi lên, con người liền theo, bất chấp thủ đoạn để thỏa mãn lòng tham, khi tâm sân nổi lên, con người liền theo, bất chấp nhân nghĩa để thỏa mãn lòng sân, khi tâm si nổi lên, con người liền theo, bất chấp lý lẽ để thỏa mãn lòng si. Cho nên con người tạo không biết bao nhiêu là tội nghiệp, để rồi phải đền trả quả báo sau này, bởi vì trong cơn mê, mình không hay biết đó thôi. Con người suốt đời cứ bị cái vọng tâm lăng xăng lộn xộn sai khiến, điều khiển, quên mất cái bản tâm thanh tịnh sẵn có từ lâu, ít ra cũng từ khi lọt lòng mẹ. Sách có câu: "Nhân chi sơ tánh bổn thiện".
Trong cơn mê, những khi gặp hoạn nạn, con người bực tức, thù hận cuộc đời, chán ghét người khác, sẵn sàng trả thù, sẵn sàng gây đau khổ cho bất cứ ai, mà con người có thể làm được, để thỏa mãn tâm sân hận và si mê. Con người thường không hiểu tại sao tai nạn xảy đến cho mình, không hiểu tại sao có người đến chửi mắng mình, làm nhục mình, không hiểu tại sao người thân từ giả, bỏ mình ra đi! Hằng ngàn hằng muôn câu hỏi "tại sao" những chuyện như vậy, xảy ra thường xuyên, trong cuộc đời mình?
Con người không bao giờ chịu đáp lại bằng câu trả lời: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!". Hoặc ít ra cũng suy nghĩ được rằng: "Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi một phần! ". Thông thường con người nghĩ rằng tất cả đều do lỗi của người khác, lỗi của ai đâu không, tại người này thế này, tại người kia thế khác, không có tại mình, chút xíu nào cả, thậm chí có lúc bực quá, con người la lên: "Tại ông trời đó! ".
Con người gặp tai nạn là do kém phước báu, và do con người đã gieo nghiệp nhân không tốt, trong kiếp trước hay kiếp này. Kiếp trước làm gì không tốt, con người chưa có tu chứng nên không thể biết được. Kiếp này tai nạn xảy ra, do con người có một phần bất cẩn trọng. Nếu không có nghiệp nhân xấu, không thể có nghiệp quả tự nhiên xấu được. Hãy thử suy nghĩ: tại sao tai nạn không xảy ra cho người này, người khác, mà lại xảy ra cho mình? Chuyện xui xẻo không xảy ra cho người khác, tại sao lại đến với mình? Không chịu suy nghĩ, không hiểu như vậy, con người sẽ hết sức tức giận kẻ gây ra tai nạn cho mình, kẻ gây ra phiền toái cho mình, kẻ gây ra thương tích cho mình, kẻ đã làm khổ làm nhục mình.
Không thấu hiểu được như vậy, con người sẽ đòi hỏi sự bồi thường quá mức, do lòng tham lam của chính mình và lòng tham lam của những người chung quanh, hay trong gia đình, thúc đẩy sai kiến, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi mưu kế, hại bất cứ người nào liên can, miễn đoạt được lợi! Nghĩa là con người lại tiếp tục tạo tội nghiệp, gây quả báo cho đời sau, cho kiếp sau, tiếp tục trầm luân, trong lục đạo sinh tử luân hồi, không biết đến bao giờ mới dứt!
Bánh xe luân hồi nghiệp báo chỉ dừng, không tiếp tục quay, khi con người qua cơn mê mà thôi. Tỉnh người sau cơn mê, nghĩa là con người đã giác ngộ, sau đó sẽ được giải thoát khỏi vòng trầm luân sinh tử luân hồi vậy.
Có câu chuyện sau đây để chúng ta cùng nhau suy gẫm: Có hai vị thiền sư đi qua sông, gặp một chiếc thuyền chài đang lưới cá. Mẻ lưới đầy ắp cá đang được kéo lên thuyền. Có một con cá ra sức vùng vẫy, nhảy thoát khỏi lưới, rớt trở lại sông, bơi lội tung tăng, có vẻ mừng rở, vì mới thoát nạn. Vị thiền sư thứ nhứt nói: Con cá giỏi thiệt, chỉ phóng một cái, thoát ra khỏi lưới! Vị thiền sư thứ hai bèn nói: Nếu con cá giỏi thiệt, sao lại để bị lưới?
Cũng vậy, con người thường bị lưới tình cảm, lưới tiền tài, lưới danh vọng, lưới sắc đẹp, lưới ăn ngủ, nói chung là lưới ngũ dục của thế gian, vây chặt, xiết chặt, nhưng có mấy ai muốn thoát ra khỏi đâu? Con người vẫy vùng bơi lội trong màn lưới mê mờ đó, từ lúc còn bé thơ cho đến khi thành người lớn, lại lấy làm thỏa thích vô cùng. Ðến khi tuổi già sức yếu, nhiều người vẫn chưa có phước duyên thức tỉnh, vẫn tiếp tục bơi lội trong lưới, không ngại tróc vẩy trầy vi, bám lấy tiền bạc, danh vọng địa vị, cho đến hơi thở cuối cùng! Những người thức tỉnh, giác ngộ, đều hết sức cố gắng, nhảy một cái ra khỏi lưới, không được thì cố gắng lần thứ hai, thứ ba, cho đến khi nào, được giải thoát mới thôi. Lúc được giải thoát, tức là lúc thoát ra khỏi lưới, con người đã qua được cơn mê, đến bờ giác ngộ.
Nghĩa là trong cơn mê, bất chợt lúc nào đó, thấy được cảnh trần khổ đau phiền não, chẳng hạn như người thân qua đời, con người liền giựt mình thức tỉnh, hiểu rằng cuộc đời vui ít khổ nhiều, không phải "đời còn dài" như mình mộng tưởng, mình có thể ra đi bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi đâu. Cho nên con người liền quay đầu hướng thiện, xa lánh những cuộc vui giả tạm của cuộc đời, xa lánh những bạn ăn nhậu đua đòi ngày trước, xa lánh những cuộc tranh chấp, xa lánh những chốn bụi trần, xa lánh những nơi ồn ào náo nhiệt, tìm nơi thanh tịnh, tìm gặp thiện hữu tri thức, để gặp Chánh Pháp, để thấy Chánh Ðạo, để bắt đầu tu tâm dưỡng tánh, để cuối cùng qua được cơn mê ngàn đời!
Con người thường hay nằm mơ. Cơn mơ có thể là các giấc mơ đẹp, có hoa có bướm, trời cao mây xanh, gió mát hiu hiu. Cơn mơ cũng có thể là các cơn ác mộng, các giấc mơ hãi hùng, các giấc mộng ghê sợ. Lúc đó mình sẽ ú ớ la hét, tay chân quờ quạng, nhưng không tỉnh được. Trong cơn mơ, chuyện gì xảy ra, mình đều cho là thực. Nếu có người bên cạnh đánh thức mình dậy, thì hay biết mấy. Cũng vậy, hiện nay, chúng ta đang sống trong cơn mê ngàn đời, chúng ta đang sống trong điên đảo mộng tưởng, nếu có người đánh mình thực đau, giúp mình thức tỉnh, thì hay biết mấy. Người này có thể là người ơn, giúp đỡ mình hiểu được đạo lý, chỉ dẫn mình đường lối tu tâm dưỡng tánh. Người này cũng có thể là kẻ thù người oán, luôn luôn hại mình, làm mình điêu đứng, khốn khổ triền miên, hết làm chuyện này, đến gây chuyện khác.
Trong kinh sách, hai hạng người này đều được gọi là thiện hữu tri thức. Hạng người trước, ví như thầy lành bạn tốt, chỉ dạy, giúp đỡ mình tận tâm, tận sức tận tình, trên mọi phương diện, được gọi là bồ tát thuận hạnh, chuyên tạo thuận cảnh, giúp đỡ người tu học. Hạng người thứ hai, ví như giám khảo, hạch hỏi, tra xét, cật vấn, để chứng nhận mình đang ở trình độ tu học nào, tiến bộ ra sao, có đạt gì không, được gọi là bồ tát nghịch hạnh, chuyên tạo nghịch cảnh, giúp đỡ người tu học tiến bộ nhanh hơn.
* * *
B. Sau cơn mê : Người đã từng ngụp lặn trong biển mê, có nhiều phước duyên, gặp được minh sư, gặp được Chánh Pháp, ví như được phao, giựt mình thức tỉnh, cảm thấy từ lâu mình đã phí phạm cả quãng đời trong cơn mê, bèn hạ quyết tâm, tu tâm dưỡng tánh, tìm ra đường đạo, nếm được thiền vị giác ngộ, giải thoát khỏi sự trói buộc của dục lạc thế gian, cuộc sống được an lạc và hạnh phúc. Sau cơn mê, con người được tâm khinh an, không còn lo âu, sợ hãi phập phồng, thấp tha thấp thỏm, nếm được thiền vị giải thoát, không còn tâm tham, không còn tâm sân, không còn tâm si, xa lìa hết thảy, điên đảo mộng tưởng.
Sau cơn mê, con người không còn suy nghĩ đến chuyện trả thù, tâm từ bi hỷ xả phát triển cao tột, con người cảm thấy chúng sanh đau khổ, cũng như mình đau khổ, không khác. Sau cơn mê, con người không còn suy nghĩ đến lỗi lầm, hay tội lỗi của người khác, không quan tâm đến quá khứ của người khác, luôn luôn quán xét tự tâm, luôn luôn quan tâm đến những gì mình đang làm, đang nói, đang nghĩ mà thôi. Người đã thức tỉnh, đã biết chuyển hóa, trở thành người tốt, tự lâu lắm rồi, mình chẳng hay biết, còn mình thì sao, có gì tốt chăng, có gì hay chăng, đã biết dừng nghiệp, chuyển nghiệp hay chưa?
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan".
Sau cơn mê, con người không còn ham thích những bửa ăn ngon miệng, trên sự đau khổ của chúng sanh, không còn thích tìm giết những con vật sống, để thỏa mãn cái khẩu vị, như lúc còn trong cơn mê. Tại sao vậy? Bởi vì trong cơn mê, con người không hiểu được các sinh vật có thể là người thân, từ nhiều đời nhiều kiếp của mình, vì tạo nhiều nghiệp báo trong cơn mê, cho nên phải đọa lạc vào đường súc sinh, phải mang lông đội sừng, phải mang vi mang vẩy. Những sinh vật đó cũng biết đau đớn, biết sợ hãi, biết chạy trốn, khi bị rượt đuổi, bắt giết làm thịt.
Sau cơn mê, con người không còn bị tâm lăng xăng lộn xộn, tâm tham lam dụ dẫn, tâm sân hận xui khiến, tâm si mê lôi kéo, bởi vì con người đã thức tỉnh, đã có trí tuệ bát nhã, đã nhìn muôn sự mọi việc, đúng như thực tướng, không còn mơ mộng viễn vông, không còn điên đảo mộng tưởng. Sau cơn mê, con người đã hiểu tại sao mình phải tu tâm dưỡng tánh, tại sao mình phải nhẫn nhịn, tại sao mình phải từ bi hỷ xả. Bởi vì không có gì quí hơn sự bình yên trong tâm hồn! Sống an lạc và hạnh phúc, được giác ngộ và giải thoát là mục đích cứu kính của người theo đạo Phật, mặc dù trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn phải tiếp xúc với cuộc đời, vẫn gặp những điều bất trắc, những cảnh ngộ bất như ý. Qua cơn mê, mọi việc không còn thành vấn đề!
Trong kinh A Hàm, đức Phật có dạy "Thập nhị nhân duyên", gồm có mười hai nhân duyên phát sinh muôn sự muôn việc, đó là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, tử. Thập nhị nhân duyên là giáo lý giảng dạy nguyên nhân nào sự việc này sinh khởi, sự việc này sinh khởi đều có quan hệ với sự việc đã sinh khởi trước đó. Trong thập nhị nhân duyên, cơn mê của con người, từ muôn kiếp trước, gọi là "vô minh". Vô minh là nguyên nhân của mọi phiền não khổ đau, dẫn dắt chúng sanh trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Vô minh là không sáng suốt, là si mê lầm lạc, là không nhận được thực tướng của cuộc đời, là điên đảo mộng tưởng, là chấp ngã và chấp pháp. Cho nên, muốn giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, chấm dứt phiền não khổ đau, con người phải phá cho bằng được màn vô minh đen tối, tức là phải "qua cơn mê", phải thức tỉnh, bằng cách thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ bát nhã của mình qua Chánh Pháp.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
"Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Thắp lên với Chánh Pháp".
* * *
Tóm lại, một khi qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, xa mộng tưởng điên đảo, được cứu kính niết bàn, ta lại về bên nhau. Ngày gió mưa không còn, nên đường đời thật dài, ta mặc tình rong chơi. Tỉnh người sau cơn mê, ta thấy đời an lành, thấy mọi người hiền từ, nên đời đẹp như tranh. Ta sẽ ươm thật nhiều, trái yêu thương ngọt ngào, hái đem cho mọi người.
Nghĩa là qua được cơn mê, chúng ta sẽ xa lìa được cuộc sống bềnh bồng, điên đảo mộng tưởng, chúng ta không còn thấy mình tốt hơn người, không còn thấy mình và người khác nhau. Trái lại, sau khi lòng lắng xuống, không còn khổ đau phiền não, không còn tức giận hận thù, không còn đố kỵ ganh tị, không còn thương ghét giận hờn, không còn quay lưng ngoảnh mặt, chúng ta thấy được mọi người đều có "bản tâm thanh tịnh" như nhau, thấy được "tâm cảnh nhất như", không khác.
Do đó, chúng ta đạt được cảnh giới cứu kính Niết bàn, an lạc hạnh phúc, ngay cuộc sống hiện tại, chúng ta lại có thể về bên nhau, sống chung nhau theo tinh thần lục hòa. Tại sao vậy? Bởi vì, tỉnh người sau cơn mê, chúng ta thấy được vạn vật vũ trụ đồng nhất thể, tuổi thọ của con người không hạn chế trong cuộc đời này, không phải chỉ có trăm năm mà thôi. Sống được với bản tâm thanh tịnh, không còn chịu ảnh hưởng của thời gian và không gian, chúng ta mới thực sự thấy đường đời không giới hạn, chúng ta mặc tình rong chơi, tiêu dao tháng ngày, an nhàn tự tại, ở khắp mọi nơi, không bị ràng buộc, không còn phiền não, chẳng còn khổ đau, quên hết sự đời, an hưởng cảnh giới niết bàn. Cho nên chúng ta thấy cuộc đời hết sức an lành.
Chúng ta nhìn mọi người với cặp mắt từ bi, cho nên thấy mọi người hiền từ. Chúng ta nhìn thế gian với cặp mắt lạc quan, cho nên thấy đời đẹp như tranh. Từ đó, cuộc sống của chúng ta sẽ an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời, chúng ta sẽ sống với tâm lượng từ bi hỷ xả, đem yêu thương đến cho mọi người chung quanh, chúng ta sẽ sống đời như lời Ðức Phật dạy, niết bàn cực lạc chính là đây, không còn chờ đến sau khi từ giả cuộc đời, mới được niết bàn cầu nguyện, phân ưu mộng tưởng, trên mặt báo chí! Tại sao vậy? Bởi vì khi còn sống, chưa biết được niết bàn thế nào, thì làm sao, sau khi chết, được niết bàn?
Muốn đạt được cảnh giới thanh tịnh của chư Phật chứng được, con người phải thật cố gắng, kiên tâm trì chí, dũng kiệt mạnh mẽ, cắt đứt mọi cám dỗ của cuộc đời. Muốn đạt được an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời hiện tại trên thế gian, trong lúc chúng ta vẫn phải đối diện với muôn ngàn khó khăn, phải đối phó với mọi hoàn cảnh bất trắc, bất như ý chung quanh, chúng ta phải sống thực với chính mình, với chính bản thân mình, với tâm lượng khiêm tốn, thực hành hạnh từ bi hỷ xả, và cố gắng giúp đỡ tất cả chúng sanh, sống chung quanh mình, đều được thức tỉnh, giác ngộ, quay về với chánh đạo.
Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Ðức Phật có dạy: "Bồ đề tát đõa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh niết bàn". Nghĩa là chúng ta muốn phát tâm tu tập, để thoát khỏi phiền não khổ đau, như các vị bồ tát đã làm, thì chúng ta phải nương theo trí tuệ bát nhã ba la mật, tức là trí tuệ nhìn thấy thực tướng của các pháp trên thế gian, nói cách khác là trí tuệ giúp chúng ta qua được cơn mê, qua được bể khổ nguồn mê, sớm đến bờ giác ngộ.
Ðược trí tuệ bát nhã ba la mật, chúng ta nhìn cuộc đời đúng như thực, không còn si mê lầm lạc, không còn điên đảo mộng tưởng, cho nên tâm không còn quái ngại, không còn việc gì khủng bố được, không còn chuyện gì làm cho sợ hãi. Từ đó chúng ta xa lìa điên đảo mộng tưởng, xa lìa cơn mê nhiều đời nhiều kiếp, cũng như mây đen tan biến thì trăng sáng hiện tiền. Lúc đó, chúng ta hiểu được, thấy được, ngộ được, đạt được, chứng được, sống được trong cảnh giới niết bàn cực lạc, như lời chư Phật dạy, ngay tại thế gian này vậy./.
DIỆU ĐẠO NAN CẦU
TKN Thích Nữ Chân Liễu
Ngài Viễn Công nói: “Trong trời đất thực có
những vật dễ sinh. Nhưng, một ngày ấm mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật
nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm, và ngay trước mắt
mình, nên cũng dễ thấy được. Song cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì
ngay nơi mình, đứng, ngồi cũng có thể mong đợi mà đạt tới được. Nếu một ngày
tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó mà
thấy được, tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn cách xa diệu đạo vậy”. (Thiền Lâm Bảo Huấn - Phẩm Tự Cường).
“Thiền Lâm Bảo Huấn” là cơ duyên may mắn cho tứ chúng
đồng tu, cảm nhận hỷ lạc trong mưa pháp, kiếp sống con người vén được màn vô
minh, khổ đau phiền não do sự chiêu cảm từ nhiều đời kiếp luân hồi như được
giải tỏa. Trên đời không có cuộc vui nào vui hơn sống trong biển giáo pháp.
Nhân
thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu.
(Thân người khó được
Diệu đạo khó cầu).
Từ khi được cha mẹ sanh ra, có được thân người đầy
đủ trang nghiêm, đó là phước báo thiện lành. Hãy thường tư duy rằng trải qua
nhiều đời nhiều kiếp ta mới được nhàn cảnh thân người như vậy. Nhưng đã sanh ra
đời thì có khổ, nhờ đau khổ mà ta phát sinh tâm chán lìa sinh tử, kiêu căng tan
biến, phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi, tự hổ thẹn về
việc ác và hoan hỷ làm điều lành.
Tuổi đời càng thêm lớn, những chướng duyên cùng thuận duyên đưa đến càng nhiều,
thân tâm có lúc an vui, có lúc phiền não, buồn giận, thương ghét, tự ti, tự
tôn. Tâm sanh diệt luôn luôn hiện hữu chi phối, làm cho con người đôi khi quên
mất mình và quên luôn thời gian đang lướt qua trước mắt, khi giật mình thì tóc
đã đổi màu, vô thường kề ở bên mình. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều theo
luật nhân quả mà thọ sanh. Đường sinh tử luân hồi sáu nẽo không biết về đâu?!
Tâm đại từ đại bi của Đức Phật vì thương xót sự vô minh của chúng sinh mà thị
hiện ra đời, để chỉ diệu đạo - con đường vi diệu - ngay trước
mắt. Diệu đạo là những gì Đức Phật đã chứng nghiệm và đã trải qua bằng trí tuệ
giác ngộ cao thượng của bậc chánh đẳng chánh giác. Diệu đạo không do mong cầu
mà có được, cũng không do lễ bái khấn nguyện mà có thể thấy được.
Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy:
“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành. Trong cuộc sống ta có thể tự giải thoát cho chính mình. Giải thoát không tự nhiên mà có, cũng không do cầu xin mà được, mà chỉ cần phát triển nổ lực vào trí tuệ. Ta không nên tin một cách mù quáng bất cứ việc gì mà chưa thông qua trí tuệ, phải sáng suốt nhận định một cách rõ ràng đứng đắn rồi mới hành trì. Nếu thấy bình an và hạnh phúc là giải thoát. Nếu thấy trói buộc và phiền não là sai đường”.
Tu theo Phật nghĩa là phải chuyên tâm giữ chánh
niệm, không theo tạp niệm, như kẻ đội bát dầu trên đầu, bị người đưa gươm kề cổ
dọa sẽ giết chết nếu đổ đi một giọt.
Bản chất thực sự của đời sống, là nguyên nhân sanh đau khổ và nguyên nhân sanh
hạnh phúc. Người tu thấy rõ bằng mắt rất chân và rất thật, thì khi ấy mới quyết
tâm chuyển đổi trở nên con người đạo đức nhằm đưa đến giải thoát cùng tột, đồng
thời đem về trạng thái quân bình cho cuộc sống.
Giây phút hiện tại, chúng ta có thể nhận thức được thực tế cuộc đời không mơ
hồ, không mộng tưởng điên đảo, thì sẽ cảm nhận và thấu hiểu được sự chân thật
của diệu pháp không còn xa cách nữa, mà ở trong từng hơi thở, trong từng
tâm thức vắng lặng bình an. Tâm không còn sanh chấp vào tướng, chấp vào pháp,
mà hoàn toàn chánh định, vô trụ và vô niệm.
Trong kinh thường nói, chỉ có trí tuệ mới đem đến cho người tu một sự kiên nhẩn
bền chí để đi đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Nhu cầu cuộc sống nếu biết
đủ, sống thanh đạm, không đòi hỏi nhiều, không tranh chấp hơn thua được mất,
thì người tu có rất nhiều thì giờ để tận dụng khả năng nghiên cứu, suy tư học
đạo và luôn giữ tâm ý trong sạch. Phụng trì giới luật, trang nghiêm thân tướng,
ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành thì không lo gì không thấy được "diệu
đạo" vậy.
Theo như Ngài Viễn Công dạy, nếu như có ngày tu học
tinh tấn, có ngày buông xuôi trì trệ, bản tánh dễ duôi, khiến con người rơi vào
tình trạng giãi đãi, mất hết năng lực tự tin về mình, hiện tượng vọng tâm vọng
niệm xấu ác, ganh tị đố kỵ sẽ xâm nhập và quấy nhiễu chế ngự người tu một cách
dễ dàng. Diệu đạo suốt đời khó gặp, thật uổng phí một đời tu!
Khi bước trên đường đạo, chúng ta mang nhiều nghiệp bất tịnh của luân hồi cho
nên hành động từ thân, khẩu, ý tha hồ tạo tác. Do đó khi chuyển thân trên
bước đường tu hành thường rơi vào trạng thái mê và tỉnh, thiện và ác lẫn lộn.
Cho nên không phải xấu tốt ở bên ngoài không thôi, mà xấu tốt thiện ác nằm thật
sự ở ngay trong tâm. Biết xấu hổ, sợ quả báo, tâm an tịnh, siêng năng đem an
vui cho mình và cho người, nhận thức sớm được chừng nào thì “diệu đạo”
ngay trước mắt.
Để giúp hành giả tiến đến đời sống thánh thiện và
trọn lành vi diệu trên đường tu, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ban truyền các giới
luật cao thượng. Giới luật mới nghe qua chừng như một sự răn cấm khắt khe, đầy
những điều kiện khó khăn, nhưng khi thấu hiểu và cố gắng sống với thân tâm một
cách chân thành và thực sự, thì giới luật giúp ích cho người tu rất nhiều.
Khi ấy, giới là người bạn đạo chân thật, là phương pháp thực tập chánh niệm hữu
hiệu nhất. Đó là sự bảo vệ an lành nhẹ nhàng trong sáng của thế giới tuyệt đẹp,
mà người tu theo Phật được thừa hưởng, như "Chuỗi Ngọc Trân Bảo Pháp
Thí" vô giá, sáng ngời trí tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại cúng dường Bồ
Tát Quán Thế Âm trong phẩm “Phổ Môn” vậy.
Tóm lại, an lạc thay khi sống trong pháp vị, thật sự buông bỏ những lo
âu phiền muộn, mưa pháp cam lồ liên tục đã nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Phước
báo thay tứ chúng đồng tu, tất cả đều hoan hỷ vì thấm nhuần được sự lợi ích của
"Diệu đạo", khi áp dụng Phật Pháp vi diệu vào cuộc sống tỉnh
tu hằng ngày ở nơi trụ xứ. Mưa pháp làm hạt giống Phật tánh ở nơi mỗi con
người, từ lâu bị chôn vùi khô cạn, nay như được nẩy mầm, đâm chồi kết lộc.
“Qua lẽ tuần hoàn của vũ trụ, sự vật có trải qua sự
nghiêm khắc của mùa đông, khi sức sống trỗi dậy, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh
tươi, mới thấy ánh xuân đầm ấm là quí. Tất cả hiện tượng tốt xấu của xã hội đều
do tâm chúng ta sáng tạo. Chúng ta phải có tinh thần tự chủ. Tự thân chúng ta,
luôn luôn phải thúc liễm, phải tỉnh thức, phải trong sạch hóa tâm hồn, hành
động, nói năng, suy nghĩ, mới có thể đem lại lợi ích cho tha nhân, cho quốc
gia, cho cộng đồng và cho nhân loại”.(Tiếng vọng thời gian HT Thích Tâm Châu)
Đối trước mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, con xin chắp
tay đảnh lễ, chí thành cầu khẩn các Ngài trụ thế lâu dài và hãy vì chúng sanh
đau khổ mê mờ mà đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. []
AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2015/06/cu-kho-bau-niem-tin-va-tri-tue.html
XUÂN BÌNH YÊN
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/02/xuan-binh-yen.html
Sen Hồng Một Đóa
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2019/03/800x600-normal-0-false-false-false-en.html
XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/04/xuan-trong-net-ep-nguoi-tu.html
BÁT CHÁNH ĐẠO
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/03/normal-0-false-false-false-en-us-x-none.html
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/05/muoi-ieu-tam-niem-kinh-mung-ai-le-phat.html
HẠNH BỐ THÍ TRONG ĐẠO PHẬT - DỌN KHO ĂN TẾT
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2021/02/hanh-bo-thi-trong-ao-phat.html