Thích Đạt Ma Phổ Giác
TÂM VÔ
THƯỜNG
Trước khi đi sâu vào tâm vô thường, chúng ta cũng cần tìm hiểu, xác
thân này do đâu mà có? Phải chăng do ta điên đảo vọng tưởng mà có thân
này? Đức Phật đã chỉ rõ, con người do vô minh vọng động, bám víu
trần cảnh, tham đắm sắc dục, chạy theo gió nghiệp thức, chấp chặt
vào đó, tạo ra ý thức hệ, nên nỗi khổ, niềm đau bắt đầu có mặt.
Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về tâm vô thường. Nói về
tâm thì ai cũng cho rằng, cái hay suy tư, nghĩ tưởng là tâm mình, nhưng
nhìn kỹ lại thì tâm suy nghĩ đó khi có, khi không. Bình thường thì
tâm hay suy tư, nghĩ tưởng lăng xăng đó lúc nào cũng quấy rầy chúng ta, nhưng
khi nhìn lại, tìm kiếm chúng thì không thấy đâu. Bởi tâm luôn thay đổi
và biến dạng, khi thì buồn thương, giận ghét, buổi sáng nghĩ chuyện
này, buổi chiều nghĩ chuyện kia, lúc nhớ về quá khứ, khi nghĩ đến
tương lai, còn hiện tại thì bồn chồn, lo lắng, tính toán đủ thứ, cho nên
không được yên.
Vì thế, đức Phật gọi “tâm viên ý mã” là vậy, nó giống như con khỉ
chuyển cành, hay con ngựa chạy rong. Như hai vợ chồng nọ sống với nhau
rất hạnh phúc, được ba mặt con, hai vợ chồng gây cãi nhau suốt ngày
không thể nào khuyên can; mặc dù đã được ban tư vấn hôn nhân hạnh phúc
gia đình nhiều lần hoà giải, nhưng hai vợ chồng vẫn nhất quyết ly hôn.
Trước lúc xa nhau, người vợ hỏi ba đứa con, “nay ba mẹ không thể sống
cùng nhau được, các con bây giờ muốn theo mẹ hay cha?”
Đứa con thứ nhất nói “con theo mẹ”. Đứa con thứ hai cũng nói “theo
mẹ”, đến thằng cu Tí nhỏ nhất chẳng chờ mẹ hỏi, nó nói “con theo
mẹ à”. Nghe đến đây, người chồng liền nói, “ba đứa tụi nó theo bà thì
tôi cũng theo em luôn”.
Bởi tâm con người luôn thay đổi, khi thì suy nghĩ chuyện này, lúc lại suy
nghĩ chuyện kia, không bao giờ ngừng nghỉ. Như hai vợ chồng nọ, ai cũng
muốn mình có quyền quyết định mọi thứ trong nhà, chẳng ai nhường
nhịn ai. Làm chồng thì có nghiệp của người nam, làm vợ thì có nghiệp
của người nữ, không ai giống ai, vì nghiệp của người nam và nữ khác nhau, ta
không thể buộc mọi người theo ý riêng của mình.
Vì vậy, vợ chồng cần phải biết thông cảm và tha thứ lẫn nhau, ai
cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề tận dụng cái tốt cho nhau.
Nhìn chung, từ cuộc sống cá nhân, gia đình, cho đến quan hệ xã hội,
không thể có khuôn mẫu giống nhau được. Người nam thì lúc nào cũng cứng
rắn, mạnh mẽ, còn người nữ thì yếu mềm, dịu dàng; do đó, nam
và nữ gặp nhau rất khó mà hòa hợp với nhau được.
Khi hình thành một gia đình, một bên cương, một bên nhu và bất đồng như
vậy, nên muốn hoà hợp, tạo hạnh phúc, không phải là chuyện dễ dàng.
Theo lời Phật dạy, cả hai vợ chồng cần phải biết thông cảm, tha thứ
cho nhau, chồng nói vợ nghe, vợ khuyên chồng biết hối cải thì mới
được, chứ vợ chồng không chịu nhường nhịn lẫn nhau, cứ ngấm ngầm
bất đồng quan điểm, cho đến khi “tức nước vỡ bờ”, dẫn đến ly thân, ly
dị là điều không tránh khỏi.
Như vậy, con người sống trong thế gian không thể có hạnh phúc tuyệt
đối. Vậy mà ai cũng đòi được an vui, hạnh phúc, mà chúng ta không chịu
nhường nhịn nhau. Tâm con người lúc nào cũng tham muốn đủ thứ, lúc thì
muốn cái này, khi thì muốn cái kia.
Người nam thường quan niệm rằng, mình là trụ cột gia đình, vợ chỉ là
người tuân theo, nếu không làm theo đúng ý mình thì chửi mắng, hành hạ,
đánh đập. Bởi vì người nam thường cho rằng, mình là phái mạnh, là
trụ cột gia đình, có quyền quyết định tất cả theo quan niệm khi xưa của
thời phong kiến, “chồng chúa vợ tôi”.
Đó là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, gây đau khổ và làm tan vỡ
hạnh phúc. Vì vậy, sống trong cõi đời này, chúng ta phải biết tu tập
để thấy rõ được nguyên nhân sâu xa của nó, cố gắng vượt qua những bất hạnh,
khổ đau do hai vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau. Trong cuộc
sống hiện tại của một số gia đình, tuy dường như thấy hạnh phúc, nhưng
hạnh phúc trong gượng gạo, không phải là thứ hạnh phúc chân thật và
lâu bền.
Do đó, để tạo được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống gia đình, mọi
người phải biết nhường nhịn lẫn nhau, chồng nói vợ nghe, chồng giận vợ
nhịn, vợ khuyên thì chồng phải biết hối cải, mỗi người phải biết
cảm thông, bao dung và tha thứ. Cho nên, ca dao Việt Nam có câu:
Chồng giận thì vợ bớt lời,
Cơm sôi, bớt lửa, mấy đời cơm khê.
Nhân duyên nói về tâm vô thường, tôi kể câu chuyện trên để chúng ta cùng
nhau suy ngẫm lời Phật dạy. Tâm con người luôn thay đổi và biến dạng,
không lúc nào ngừng nghỉ; vì vậy chúng ta phải khéo tu, nhờ tu mà
mình dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau.
Như trường hợp hai vợ chồng trong câu chuyện trên, đã quyết chí ly hôn
dù nhiều người khuyên nhủ, cả hai người vẫn khăng khăng trước sau như
một, nhất quyết ra toà ly dị, nhưng khi người vợ hỏi mấy đứa con theo
ai, ba đứa đều trả lời theo mẹ. Lúc đó, người chồng nghe ba đứa con nói
vậy nên chìu theo ý mấy đứa con, “chúng nó theo bà, thì tôi cũng theo
em luôn.” Thế là từ đó về sau, hai vợ chồng chung sống với nhau rất
hoà thuận và hạnh phúc, nhờ biết cảm thông và nhường nhịn lẫn nhau.
Cũng nhờ tâm con người vô thường, luôn thay đổi, chúng ta mới tu được,
mới chuyển hóa được những ý nghĩ xấu xa, hại người vật, thay vào đó là
những tâm tư thiện lành, tốt đẹp, có tính cách giúp đỡ, an ủi nhau. Trong
kinh Phật dạy rằng, “tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô
hình dạng, như ẩn náu hang sâu, nếu điều phục được tâm thì thoát
khỏi khổ đau, mê lầm từ muôn kiếp.”
Có một chú tiểu xuất gia với thầy mình, nguyên là cậu ruột ngoài
đời, vị thầy này đã chứng quả A-La-Hán. Một hôm, chú tiểu được thí
chủ cúng dường cho hai xấp vải. Chú mừng quá, nhanh chân đi về chùa
để cúng dường lại cho thầy, nhưng chú năn nỉ mãi mà thầy vẫn không
nhận, buồn quá, chú nản chí, không muốn tu tập nữa.
Hôm nọ, chú đang đứng quạt hầu thầy, trong lòng vẫn còn buồn về
chuyện thầy không chịu nhận hai xấp vải, chú mơ màng để tư tưởng trở
về với dòng đời: Mình mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, chỉ có cậu là
người thân yêu duy nhất, nay là thầy mình, vậy mà thầy không thương
tưởng, đoái hoài đến mình, thôi thì mình không theo thầy tu học nữa, mình
ra đời gầy dựng sự nghiệp thế gian cho rồi. Nhưng ra đời rồi phải làm gì
để sống đây?
Chú cứ miên man trong dòng suy tư, nghĩ tưởng, mà lòng càng thêm
buồn rầu, lo lắng, bất an. Đang lúc mơ mộng chạy theo dòng suy tư, nghĩ
tưởng, bỗng nhiên chú loé lên một vấn đề:À đúng rồi, hay là mình đem hai
xấp vải này ra chợ bán đi, lấy tiền mua một con bò cái về nuôi, bò
chỉ ăn cỏ ngoài đồng, không tốn tiền mua thức ăn cho nó, còn mình
hằng ngày chỉ việc dẫn bò đi ăn. Sống như thế thật là sung sướng và
hạnh phúc làm sao? Bò thì mỗi năm sanh một con, đến chừng tám năm sau,
mình có thêm một đàn bò chừng hơn chục con. Thế thì tốt quá, rồi
mình sẽ bán hết số bò đó, chỉ chừa lại một con nuôi tiếp, còn lại bao
nhiêu mình mua nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Khi đó, mình sẽ là ông chủ
một gia tài đồ sộ, và sẽ cưới một cô vợ trẻ xinh đẹp. Sau khi đứa
con đầu lòng được sinh ra đời, mình sẽ dẫn vợ con về thăm thầy, cho
quy y làm đệ tử Phật.
Nghĩ như thế xong, trong lòng chú tiểu mừng vô hạn, bỗng dưng cô vợ
trượt chân té, thằng bé đang bồng trên tay kháu khỉnh rơi xuống đất,
khóc bù lu bù loa, tức quá, không kìm hãm được cơn giận, chú sẵn trên
tay cầm cây quạt khỏ lên đầu vợ liền mấy cái, đã bảo mà, đi không
nhìn trước ngó sau gì hết, để con bị té như vậy, đàn bà gì mà không
ý tứ chút nào”.
Bỗng nhiên, chú nghe một giọng nói điềm đạm, “con đang gõ lên đầu
thầy, con có thấy không?”
Giật mình, chú tiểu tỉnh lại giấc chiêm bao mà sám hối xin thầy tha thứ tội
lỗi.
Câu chuyện trên đã nói lên tâm ý của con người lúc nào cũng toan
tính, tham muốn đủ thứ, suy nghĩ hết chuyện này lại đến chuyện kia; vì chúng ta
cho rằng tâm này là ta, là mình, nên ta nói, ta suy nghĩ đủ thứ. Chú tiểu đang
đứng hầu thầy mà tâm tư cứ tưởng nghĩ đâu đâu, chẳng khác nào loài
vượn khỉ đang chuyển cành. Cho nên, Phật dạy, tâm suy tư nghĩ tưởng là vô
thường không thật có, khi ta nhìn lại thì thấy nó mất tiêu.
Bởi tâm ý con người vô thường thay đổi, nên mình mới tu được; còn nếu tâm
con người không thay đổi được thì trước sau như một, làm sao mình tu tập
được và cũng chẳng cần tu để làm gì? Vì có tu nó cũng như vậy, không thể
thay đổi được, chúng ta vẫn suốt đời, suốt kiếp sống trong vô minh,
phiền não mà thôi.
Trong cuộc sống, chúng ta ít nhiều ai cũng có thể cảm nhận được
rằng, tâm này là vô thường. Cho nên, vua Trần Thái Tông, một vị Thiền
sư đời nhà Trần, Việt Nam nói về tâm suy nghĩ như sau: Nghiệp căn ý
là nghĩ vơ nghĩ vẩn, không lúc nào dừng, mắc mứu tình trần, kẹt tâm
chấp tướng như tằm kéo kén, càng buộc càng bền, như bướm lao đèn,
tự thiêu tự đốt.
Chúng ta ai cũng nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, nào là buồn,
thương, giận, ghét, khen chê, đúng sai, phải quấy, tốt xấu, lo lắng đủ
thứ, khi thì điên đảo vọng tưởng, nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ,
nên khi có quyền hành trong tay thì muốn” bình thiên hạ”, do đó vua Trần
Thái Tông mới nói:
Tâm đã suy nghĩ lăng xăng, còn cho mình là ta, là tôi, nên dính mắc,
chấp trước vào đó, và còn cho rằng cái hay suy nghĩ của mình là nhất
thiên hạ. Đôi khi, chúng ta suy tư, nghĩ tưởng muốn vỡ tung cái đầu, mà
vẫn cứ suy nghĩ hoài không để nó yên; đó là ta tự chuốt hoạ vào thân
như con tằm kéo kén, càng buộc càng bền, rồi rốt cuộc rồi bị người ta
cho vào nồi nước sôi.
Cái hay suy nghĩ, tính toán, phân biệt hơn thua đủ thứ hết luôn thay đổi
trong từng phút giây, mới vừa buồn khóc đó, chưa ráo nước mắt liền vui vẻ
khi gặp người thân, mới giận liền thương. Trong một ngày, có hàng trăm
cái hay suy nghĩ như vậy, có khi nghĩ điều thiện lành, tốt đẹp như
Phật, có lúc nghĩ điều xấu, ác giống như cọp sói.
Tâm niệm của chúng ta lúc nào cũng luôn thay đổi không dừng, vì thế
đức Phật mới nói, tâm suy tư nghĩ tưởng là vô thường, đã vô thường mà
cứ nhận lầm mình là ta, là tôi; từ đó, ai không đồng quan điểm với
mình thì chống đối lẫn nhau, dẫn đến thù hằn, ghét bỏ, rồi tìm cách
giết hại nhau.
Phật dạy, “chúng ta thấy rõ tâm vô thường để mọi người đồng cảm
thông với nhau, ai cũng có cái suy nghĩ riêng của mình, nên không ai
giống ai. Do suy nghĩ và quan niệm không hợp nhau, sinh ra oán giận, thù hận
và chống đối lẫn nhau. Trong gia đình, con cái không biết kính trên nhường
dưới, vợ chồng không vui vẻ, hoà thuận, chỉ vì chấp trước cho rằng tư
tưởng của mình là đúng, không ai nhường nhịn ai.
Chúng ta vẫn biết, tâm vô thường không phải là gươm đao hay súng đạn,
nhưng nó có thể giết chết mình vì bất đồng quan điểm, giết chết mình
trong từng ý niệm. Một ý nghĩ vừa dấy lên, muốn lấy trộm đồ của người khác,
nếu ta không biết kịp thời ngăn dừng, thì bao tai họa sẽ bắt đầu ập đến bởi tâm
tham lam của mình.
Chính vì vậy, người Phật tử chân chính phải biết tu ngay nơi ý nghĩ ban đầu
vừa mới chớm lên, để chuyển hoá chúng trở về bản thể ban đầu. Chúng ta chỉ
cần điều phục ngay nơi tâm ý của mình, bằng cách nghĩ điều có lợi cho người và
vật, nên duy trì và tiếp tục phát huy.
Những suy nghĩ làm tổn hại cho người vật thì mình tìm cách chuyển hóa, không
cho chúng phát sinh; tu như vậy thì mọi người sẽ được bình yên, hạnh phúc ngay
tại đây và bây giờ, khỏi mong cầu đâu xa.
HOÀN CẢNH
VÔ THƯỜNG
Đức
Phật dạy, “mọi hiện tượng, sự vật đều tương quan mật thiết, nương nhờ lẫn
nhau, cho nên, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia
không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Tất cả các pháp có hình tướng trên thế gian này đều do nhân duyên sanh, nên
hoàn cảnh sự vật cũng đều đổi thay vô thường.
Lớn như quả địa cầu chúng ta đang sống, dù nó có trụ hàng tỉ tỉ
năm, nhưng đến một lúc nào đó, nó cũng sẽ hoại diệt, nên Phật nói,
“thành-trụ-hoại-không” là vậy.
Kính thưa quý vị, hoàn cảnh, tức là những sự vật có mặt trong bầu vũ
trụ bao la này như trời, đất, trăng, sao, đủ các thứ thiên hình, vạn
trạng, cho đến vật nhỏ nhất như hạt cát, hạt bụi, cũng đều bị sự vô
thường chi phối, đổi thay.
Mới xưa kia là lầu cát nguy nga, tráng lệ, mà nay là biển cả mênh mông,
xưa là rừng hoang vắng vẻ, nay thì phố xá, chợ búa đông đúc; đó là lẽ
đương nhiên thường tình của thế gian. Do hoàn cảnh, sự vật luôn thay
đổi, biến dạng, tuỳ theo nhân duyên thuận nghịch, không có gì là cố
định, nên nói hoàn cảnh chúng ta đang sống là vô thường.
Ai cũng biết, con người phải chịu sự chi phối của
sinh-già-bệnh-chết, nên gọi là vô thường; còn các vật thể lớn như trời,
đất, trăng, sao có chịu sự chi phối của luật vô thường hay không?
Trong Kinh Kim Cang nói, “phàm cái gì có hình tướng đều hư hoại”.
Chính núi sông cũng có lớn, có nhỏ, khi lỡ, khi bồi, rồi thời gian,
khí hậu bốn mùa thay đổi, sớm nắng, chiều mưa; mùa nắng thì cây cối
ủ rủ, cằn cỗi, héo tàn; mùa mưa thì cây cối xanh tươi, nẩy nở; và
thời gian cứ như thế trôi qua nhanh chóng, trên thế gian này không có một
thứ gì là cố định; nhưng chúng ta cứ mãi chấp chặt vào đó, cho rằng
cái gì cũng thường còn vĩnh viễn, để khi mất mát thì sanh tâm tiếc
nuối, khổ đau.
Tóm lại, chúng ta học đạo lý vô thường để không sanh tâm cống cao, ngã
mạn lúc thành công, không bi quan, chán nản khi thất bại, mà biết
nhìn nhận đúng lẽ thật cuộc đời để mình sống tốt hơn. Thân của chúng
ta cũng phải già-bệnh-chết, mình cũng đâu thể cưỡng lại được, vì bản
chất của nó là không thật có, nên gọi là vô thường; còn cái gì
thường thì trước sau như một, nguyên vẹn, không bao giờ thay đổi.
Do chúng ta chấp thân này là thật, nên mới thấy nó cao quý, lâu dài,
cố bám víu, đắm say, đam mê, tham lam, giành giựt vì nó. Bởi chúng ta
si mê, chấp thân này là thường, tưởng nó là thật, nên mình sanh lòng
tham lam, giành lấy mọi thứ về cho riêng mình, mà hễ tham được thì
càng thêm tham, tham không được thì sanh ra oán ghét, hận thù, chờ cơ
hội trả đũa.
Trên cõi đời này, người nào nhận rõ được thân này là vô thường thì
ít sanh lòng tham lam, ích kỷ, cho đến khi già-bệnh-chết không lo lắng,
sợ hãi, không luyến tiếc một thứ gì. Do đó, khi sống người ấy được bình
yên, hạnh phúc, đến khi chết vẫn bình thản, an nhiên, tự tại ra đi.
Đức Phật chỉ dạy đạo lý vô thường để giúp chúng ta ý thức được cái gì
có hình tướng đều hư hoại mà cố gắng tu hành, vượt qua nỗi khổ, niềm
đau, biết gầy dựng cuộc sống tốt đẹp ngay tại đây và bây giờ; và cũng
nhờ vô thường nên con người cho đến các loài vật mới đổi thay và
phát triển sao cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.
ÔNG GIÀ
VÔ THƯỜNG
Có một ông già nọ tuổi đã già, nhưng hàng ngày vẫn phải làm lụng
vất vả để nuôi thân. Một hôm, sau khi vào rừng đốn củi mang về, vì
đường sá xa xôi, lại phải vác nặng, nên ông cụ kiệt sức giữa đường.
Ông đặt bó củi xuống đất rồi ngồi than thở một mình, “khổ cho thân già tui
quá trời! Đến từng tuổi này mà còn gian nan, vất vả quá chừng! Giá mà bây giờ
thần chết đến rước mình đi thì hay biết mấy! Mình muốn bỏ quách cái
thân già khốn khổ này đi cho rồi”.
Ông nói vừa dứt lời, vị thần chết xuất hiện ngay, “ta là thần chết
đây, ông lão cần gì, ta sẽ giúp cho ông được toại nguyện?” Ông già nghe nói
vậy, sợ quá, run lên cằm cặp nói, “dạ, kính lạy thần chết! Xin ngài nhấc
hộ dùm bó củi lên vai để lão vác về kẻo trời tối”.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy con người khi khổ quá thì muốn chết,
doạ chết, đòi chết, trối chết, nhưng đến khi cái chết đến gần thì
sợ hãi, không muốn chết. Ông già tiều phu kia cũng vậy, lúc thấy
mình quá khổ, phát sinh ý chết quách để hết khổ, thân xác khỏi
phải nhọc nhằn, nhưng khi thần chết hiện ra thì ông hoảng hồn, sợ
chết, muốn đặt gánh củi lên vai và cảm thấy việc gánh củi về nhà
là điều hạnh phúc nhất.
SỐNG CÓ
ÍCH VÌ BIẾT VÔ THƯỜNG
Đức Phật dạy chúng ta hiểu được lý vô thường, mục đích là để ta
biết sống có bổn phận và dám chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác
của mình đối với gia đình, xã hội, không bi quan, không yếm thế, không
chán nản, không buồn lo trước cuộc sống tạm bợ, mong manh này.
Cũng bởi kiếp người vốn vô thường, ngắn ngủi, mong manh, nên trong Khế
Kinh có kể rằng: Có một người chuyên làm việc ác, khi chết bị quỷ
sứ bắt vong hồn dẫn đến trình vua Diêm Vương. Vua hỏi, “ở trần gian, sao
ngươi không làm việc thiện mà hay làm việc ác như vậy, để bây giờ bị
đoạ xuống đây chịu hành hình?” Vong hồn ấy trả lời, “thưa Diêm chúa,
ở trần gian chúng tôi, nhà nước muốn làm việc gì còn phải thông báo
trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt người chết đột ngột thế này, thử
hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp được?” “ngươi ở trần gian có
thường thấy người già, người bệnh, người chết hay không?” “Dạ thưa
có.” “Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho người trần gian
biết rồi đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không phải già-bệnh-chết
không?” “Dạ thưa không.” “Vậy tại sao ngươi không lo tu tập, lo làm việc
thiện, để bây giờ bị giải xuống đây rồi ngươi lại cãi chày, cãi cối
với ta?”
Lúc bấy giờ, một vong hồn trẻ tuổi ngồi bên cạnh liền lên
tiếng phản đối Diêm Vương, “dạ thưa Ngài, tôi không chịu đâu, Ngài thật
là không công bằng chút nào; đối với ông già kia, Ngài đã gửi nhiều
thông điệp cho ông ta, còn tôi Ngài chưa hề gửi cho một thông điệp nào
mà bắt tôi xuống đây, thật oan uổng cho tôi quá chừng!” Diêm chúa nghe
vong hồn trẻ khiếu nại, liền cười, “tại nhà ngươi không chịu mở mắt to
ra mà thấy, chứ ta làm việc rất công bằng, không bao giờ có chuyện
thương người này, mà ghét bỏ người kia. Ta lúc nào cũng có gửi tin
báo trước cho mọi người hay biết, tại nhà ngươi không chịu để ý đó
thôi.” “Ngài gửi thông báo lúc nào, sao tôi không
thấy?” Diêm chúa mới cười nói, “nhà ngươi có thấy
đứa bé ở nhà đối diện với ngươi hay không? Nó mới năm tuổi mà bị chết
vì tai nạn giao thông đó! Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không
chết. Ta lúc nào cũng công bằng liêm chính, chí công vô tư, tại ngươi
không chịu để ý, hoặc ngươi thấy mà vẫn làm càn, làm bướng đó thôi”.
Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn vô thường, ngắn ngủi, giống
như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt đi bất cứ lúc nào. Thân
người cũng vậy, không phải ai cũng chờ đến già, bệnh mới chết, mà
mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do, vì vậy mà
có câu:
Chớ bảo đến già mới tu tập
Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh.
Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố
gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng
trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này
mà làm khổ luỵ cho nhau. Câu chuyện trên cho ta một bài học đạo lý
về mạng sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Quý vị nên nhớ rằng, sau
khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay
hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi
người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.
Thế gian này không có gì là mất hẳn dù là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ
thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống
có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có
ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau.
Ai sống được như vậy, đến khi thần chết hiện đến, ta không sợ hãi,
hốt hoảng, mà bình thản ra đi với một hành trang tốt đẹp; còn những
thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc, nhà cửa, mình đều bỏ lại,
không mang theo được món nào, lúc ấy chỉ có nghiệp báo tốt, xấu do
ta tạo dựng lúc còn sống sẽ theo mình suốt đời mà thôi. Biết được như
vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi, không tiếc nuối bất cứ một
thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.
Tạo nghiệp theo sự si mê của súc sinh
NGHIỆP VÀ
SỰ SỐNG
Tất cả
mọi người, ai sinh ra trên cõi đời này đều phải chịu sự chi phối của
nghiệp. Người Phật tử mà không hiểu rõ ràng, cặn kẽ về nghiệp báo, thì
sự tu hành khó mà đạt đến chỗ an lạc, giác ngộ và giải thoát. Vậy
nghiệp là gì mà Phật tử chúng ta cần phải hiểu để áp dụng trong
đời sống hằng ngày?
Nghiệp rất đa dạng, phức tạp và phong phú, bởi nghiệp là sự kết tụ
của những năng lực, những hành động được lặp đi, lặp lại nhiều lần
qua thân-miệng-ý, lâu ngày trở thành thói quen; rồi thói quen đó có
sức mạnh chi phối, dẫn dắt thần thức chúng ta đi vào trong luân hồi
sanh tử.
Tuy nghiệp rất đa dạng và phức tạp, không cố định như ta lầm tưởng, do đó
mình có thể thay đổi thông qua sự tinh cần tu tập, hành trì những lời
Phật dạy, chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Nghiệp gồm có cộng
nghiệp và biệt nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp chung của nhiều người,
biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng người.
Nghiệp là thói quen huân tập lâu ngày thuần thục, tạo thành sức
mạnh, có khả năng chi phối mọi người sinh hoạt trong cuộc sống hằng
ngày. Ngay từ khi mở mắt chào đời, con người đã chịu nghiệp nhân của
quá khứ, dần dần khôn lớn, con người tiếp tục tạo tác và huân tập
thêm những nghiệp nhân mới.
Ai biết sống gần gũi những người hiền thiện, đạo đức, có nhân cách
và phẩm chất cao đẹp, hay làm những điều hay lẽ phải, nhờ sống gần người
hiền thiện nên mình cũng bắt chước làm người tốt theo, và có thể giúp ích
cho gia đình, xã hội, không vì quyền lợi cá nhân.
Còn người hay sống gần gũi những kẻ xấu ác, bất lương, bất thiện,
lâu ngày sẽ bị tiêm nhiễm thói hư, tật xấu, tự làm khổ mình, hại
người, và sẽ bị mọi người khinh chê, xa lánh.
Cũng vậy, chúng ta sanh ra trong cuộc đời này, mỗi người đều phải mang
theo nghiệp riêng của mình. Vì thế, trong một gia đình, nhiều người
cùng sống chung với nhau, nhưng mỗi người chấp giữ và làm theo nghiệp
riêng của mình, nên không ai chịu thừa nhận nghiệp riêng của người
khác. Do đó, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em trong nhà không có sự hòa hợp
với nhau là vậy đó, vì ta không biết tôn trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Chính vì thế, trong một cộng đồng xã hội mới có sự tranh chấp, cãi
vã, xung đột, không chịu nhường nhịn, gây đau khổ, bất hạnh cho
nhau.Trong gia đình, người chồng huân tập nghiệp của người nam, người
vợ huân tập nghiệp của người nữ, hai nghiệp này không giống nhau, đôi
khi nghiệp của hai vợ chồng có nhiều điểm sai biệt và tương đồng với
nhau. Cho nên, có nhiều cặp vợ chồng gây cãi, đánh đập với nhau hoài,
chỉ vì người nào cũng chấp cái lý lẽ, cái hành động của mình là
đúng, không chịu thông cảm, tha thứ cho nhau, để tạo nên bầu không khí
gia đình ấm êm, an lành, hạnh phúc.
NGHIỆP CHUNG VÀ NGHIỆP RIÊNG
Trong thời Phật còn tại thế, tại núi Linh Thứu, cùng lúc có nhiều
đoàn Tỳ kheo đi thiền hành. Đoàn thứ nhất đi theo ngài Xá Lợi Phất,
đoàn thứ hai đi theo ngài Mục Kiền Liên, đoàn thứ ba đi theo ngài Phú
Lâu Na, đoàn thứ tư đi theo ngài A Na Luật, đoàn thứ năm đi theo ngài
Đề Bà Đạt Đa… Khi thấy các đoàn tỳ kheo hành thiền riêng biệt như
vậy, đức Phật mới nói rằng,
Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Xá Lợi Phất có nghiệp chung với Ngài, nên có trí tuệ đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Mục Kiền Liên có nghiệp chung là thần thông đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Phú Lâu Na có cộng nghiệp là thuyết pháp đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài A Na Luật có nghiệp chung là thiên nhãn đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Đề Bà Đạt Đa có nghiệp chung xấu ác, tranh giành, giết chóc, sau này dễ bị đoạ lạc.
Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Xá Lợi Phất có nghiệp chung với Ngài, nên có trí tuệ đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Mục Kiền Liên có nghiệp chung là thần thông đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Phú Lâu Na có cộng nghiệp là thuyết pháp đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài A Na Luật có nghiệp chung là thiên nhãn đệ nhất. Đoàn Tỳ kheo đi theo ngài Đề Bà Đạt Đa có nghiệp chung xấu ác, tranh giành, giết chóc, sau này dễ bị đoạ lạc.
Muốn được trọn vẹn đường tu, chúng ta phải thường xuyên sám hối,
quyết tâm chừa bỏ lỗi lầm, phát nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo con
đường Phật đạo. Chúng ta phải phát nguyện mãnh mẽ và ý thức rằng, làm ác
sẽ chịu quả báo khổ đau trong hiện tại và mai sau, nhờ vậy mình mới đủ sức
vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Phát nguyện để làm mới lại chính mình và tin sâu Tam bảo, giúp chúng ta có đủ
niềm tin trên bước đường tu học. Mỗi khi gặp điều bất hạnh, ta biết đó là
nghiệp xấu quá khứ còn rơi rớt lại, nên không thối chí, nản lòng, mà
còn cố gắng nhiều hơn để vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền.
Chúng ta hãy nên bắt chước ông vua Thiền sư Phật hoàng Trần Nhân Tông, xem ngai
vàng như dép rách, chẳng màng đến vinh hoa phú quý, một lòng nhất tâm tu hành,
buông xả quyền cao chức trọng, để sống đời trong sạch, giải thoát.
TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ
TỰ TÁNH TAM BẢO
VÌ CON MẸ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
HÃY TỰ MÌNH VƯỢT QUA NỖI ĐAU
PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHƠN
PHÓNG SINH CHIM TỘI HAY PHƯỚC
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT