Thursday, November 6, 2014

***ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ NHẤT TRONG KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC



Tác giả: LIỄU TÂM 

Cảm nhận về điều giác ngộ thứ nhất trong kinh Bát Đại Nhân Giác
Điều giác ngộ thứ nhất trong kinh Bát Đại Nhân Giác được thế hiện trong 11 câu kệ chữ Hán gồm 44 chữ, phiên âm như sau:
Đệ nhất giác ngộ: Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát, tiệm ly sanh tử. Có nghĩa là: điều đầu tiên mà các bậc đại nhân thấy biết một cách rõ rệt là mọi sự vật trong cuộc đời vốn không mãi mãi tồn tại một cách cố định; các cõi nước đều mong manh; bốn yếu tố tạo nên hình sắc con người thực chất là trống không và chỉ mang lại khổ não; năm yếu tố tạo nên một chúng sinh không hề mang lại một bản ngã chắc thực; tất cả đều được sinh ra rồi diệt mất, thay đổi khác lạ, chỉ là những thứ giả dối không có chủ; tâm chúng sinh chính là nguồn ác còn hình sắc của chúng sinh là nơi tập trung mọi tội lỗi; bậc đại nhân quán sát rõ như vậy mà dần dần rời được sự sinh tử.

Có thể nói đoạn kinh văn này thể hiện toàn bộ vũ trụ quan, thế giới quan và nhân sinh quan của người học Phật.
Về phương diện vũ trụ, đoạn kinh văn nói trên khẳng định môi trường sinh sống của mọi chúng sinh luôn có sự biến đổi một cách bất thường, không hề ổn định để nâng đỡ cho cuộc sống của mọi sinh vật như có nhiều nguồn tư tưởng cho rằng vũ trụ này được tạo dựng để phục vụ cho cuộc sống của con người vì con người đã được ban cho vai trò làm chủ thế giới. Quả thật, những sự kiện về sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như những hiện tượng biến đổi của thiên nhiên không nhằm phục vụ sự sống mà giới khoa học khám phá gần đây đã khiến loài người mở mắt để thấy con người là người không hề có vai trò là người chủ của vũ trụ.

Về phương diện thế giới, kinh văn khẳng định mọi sự tổ hợp thành các cộng đồng người có thể xây dựng những đế quốc hùng mạnh, những dân tộc văn minh, những xã hội tiến bộ… đã từng lúc trở nên yếu hèn, dã man, trì trệ. Nếu có những bộ tộc kết hợp lại thành các quốc gia hùng mạnh thì cũng đã có những quốc gia bị phân liệt trở lại thời kỳ bộ tộc yếu hèn; nếu có những dân tộc văn minh có những phát kiến tân kỳ thì những phát kiến đó cũng không làm cho họ trở nên thuần hậu hơn, thay vào đó, đã có những kẻ lợi dụng những phát kiến tân kỳ ấy để xây dựng những cuộc sống đầy bản năng đầy dã man, chỉ nhằm thỏa mãn dục vọng riêng mình trên đau khổ của đồng loại; nếu có những xã hội tiến bộ đến mức độ tưởng như đạt đến lý tưởng của loài người thì cũng chính những xã hội ấy đã có lúc rơi vào khủng hoảng trì trệ vì tham vọng của xã hội ấy đã mang lại những xáo trộn không cần thiết. Rõ ràng, không một quốc độ nào tồn tại vững chắc mãi mãi.

Về phương diện nhân sinh, kinh văn nêu rõ con người chỉ là tập hợp của tứ đại và ngũ uẩn, là những thành tố trống không, không hề biểu hiện cho một bản ngã chắc thật; tất cả đều sinh ra rồi mất đi với sự thay đổi liên tục, hoàn toàn giả dối không có điều gì làm chủ, trong đó tâm chỉ là nguồn ác và thân là nơi tập trung tội lỗi. Về mặt này, nếu không hiểu rõ về thân và tâm, về tứ đại và ngũ uẩn, một người bình thường khó mà có thể lĩnh hội được ý của kinh văn. Qua sự quán sát, Đức Phật đã chỉ ra con người chỉ là một tập hợp không thể tách rời của thân và tâm, trong đó, thân là tập hợp của tứ đại; còn tâm là tập hợp của thọ, tưởng, hành, và thức là bốn bộ phận chính của ngũ uẩn; bộ phận kia là sắc, tượng trưng cho thân. 

Theo phân tích của giáo lý nhà Phật, thân được duy trì bởi các phần cứng chắc như xương, thịt, da, móng, gân…gọi là địa đại; các phần có thể dịch chuyển ở thể lỏng như máu, nước miếng, nước tiểu, nước mắt… gọi là thủy đại; các phần chứa năng lượng như nhiệt phát sinh trong quá trình chuyển hóa thực phẩm trong cơ thể… gọi là hỏa đại; các phần dịch chuyển ở thể khí như không khí để thở, như các chất khí xuất sinh trong quá trình chuyển hóa thực phẩm trong cơ thể… gọi là phong đại. Những yếu tố duy trì thân xác đó đều không thật có một cách bền vững mà luôn thay đổi; chẳng những thế, khi những yếu tố đó thiếu sự hòa hợp chúng sẽ đem lại sự đau đớn cho thân xác, đó là một trong những nỗi khổ mà con người phải chịu. 


Đức Phật lại quán sát thấy thân và tâm là hai mặt không thể tách rời của mỗi chúng sinh; trong đó, tâm thể hiện từ cạn đến sâu qua thọ, tưởng, hành, rồi thức. Thọ là cảm giác tiếp nhận bởi thân khi thân tiếp xúc với ngoại sắc. Những cảm giác đó tạo thành kinh nghiệm làm cơ sở cho chúng sanh có sự nhận biết mang tính phân biệt; chính sự nhận biết có tính phân biệt này được gọi là tưởng. Dẫn xuất từ những nhận thức mang tính phân biệt, chúng sinh bắt đầu có những suy tính so đo, gọi chung là hành; và toàn bộ những nhận thức đó được lưu trữ, được phân loại, được xử lý để chúng sinh đưa ra những phản ứng có tính toán mỗi khí tiếp xúc với ngoại sắc, gọi là thức. 

Khi thân tiếp xúc với ngoại sắc, toàn thể năm tầng nhận biết từ sắc đến thức đều được kích hoạt cùng một lúc. Sắc có nội sắc và ngoại sắc; nội sắc là tập hợp tứ đại tạo nên thân chúng sinh, ngoại sắc là tập hợp tứ đại bên ngoài biên giới thân thể ấy. Nội sắc lại có thô và tế, thô là các bộ phận của cơ thể, tế là hệ thống thần kinh não tủy. Do khát vọng sống, mọi chúng sanh đều tìm cách chiếm hữu ngoại sắc để bồi đắp cho sự sống của chính mình, hy vọng nhờ đó có thể xây dựng cho mình một sự tồn tại miên viễn. Do tưởng, chúng sinh phân biệt được những ngoại sắc mang lại cảm giác êm dịu, thích ý với những ngoại sắc mang lại sự khó chịu, đau đớn, bực dọc. 

Nhờ vào hành, chúng sinh so đo tính toán sao cho luôn luôn chiếm hữu được những ngoại sắc được yêu thích và triệt tiêu những ngoại sắc bị ghét bỏ. Tổng hợp tất cả những kinh nghiệm có trước, thức sẽ đưa ra những hành vi nhằm đạt được sự tính toán so đo của hành. Vì không nhận thức được tính cách của vô thường của vạn sư vạn vật, chúng sinh trở nên đau khổ mỗi khi những so đo tính toán của hành uẩn không thực hiện được, hoặc đã thực hiện được rồi nhưng không duy trì được; hơn nữa, ngay khi thực hiện rồi lại thấy không vừa ý. Điều đó khiến nỗi khổ là một thực tế chắc thật nhất mà mọi chúng sinh trên khắp thế gian đều phải chịu đựng. Chính yếu tố hành trong nhận thức của chúng sinh đã đưa chúng sinh đến chỗ phải có những hành vi tạo nghiệp ác , và hành chính là một phần của tâm; vì thế mà kinh văn khẳng định tâm là đầu mối của mọi ác nghiệp. Nhưng nếu không có sự tiếp xúc của thân với ngoại sắc mang lại những cảm giác thì không hề có sự so đo tính toán của hành uẩn, vì vây, kinh văn nói hình sắc chính là nơi mà mọi tội lỗi tập trung về (tội tẩu).

Kinh văn đưa ra một kết luận chắc thực, rằng nếu quán sát được tất cả những điều ấy một cách đúng như thật,  một hành giả sẽ dần dần xa lìa được mọi nỗi khổ của sinh tử.
Có thể thấy đoạn kinh văn trên đây đã nhắc nhở cho người học Phật nhớ đến khổ đế, tập đế và đạo đế trong giáo lý nhà Phật. Xét về mặt tu tập, đây là đoạn kinh văn cô đọng và đầy sự thiết tha nhằm nhắc nhở người học Phật phải luôn nghĩ đến mục đích của việc tu tập là đạt đến việc xa lìa nỗi khổ của sự sinh tử. Đoạn kinh văn này phải được tụng đọc hàng ngày đối với những người đã hiểu sâu sắc giáo nghĩa, đã lấy lý tưởng giải thoát làm mục tiêu tối hậu của đời minh. 

Tuy nhiên, về một mặt khác, sự cô đọng của đoạn kinh văn này cũng có một tác dụng khiến người sơ cơ lấy làm ngạc nhiên về kết luận của nó, buộc người đó phải tìm hiểu sâu hơn, vì lý do nào và phải quán sát những gì kinh văn đã nêu ra có thể dần dần xa rời sự sinh tử; từ đó, một người chưa biết gì về Phật học, lần đầu tiên tiếp xúc với đoạn kinh văn này, cũng phải bỏ công sức tìm hiểu, để được dẫn dắt vào sâu trong Phật pháp.
Phải chăng, khi soạn lại toát yếu giáo lý nhà Phật bằng những bài kệ trong kinh
Bát Đại Nhân Giác ngài An Thế Cao đã có cả hai dụng ý như trên cùng một lúc?
Theo: Văn hóa Phật giáo 


BÀ MẸ HẠNH PHÚC

Họ biết yêu cầu được giúp đỡ, đi chơi với các cô bạn thân, lên kế hoạch cho kỳ nghỉ... để tạo niềm vui khi có con nhỏ.

Có con đồng nghĩa với bận rộn và không còn thời gian cho riêng mình. Thực tế, nếu biết sắp xếp mọi việc khoa học và tạo cho mình những thói quen tích cực, bạn sẽ vẫn nhàn tản và hạnh phúc. Dưới đây là những bí quyết từ Parents:

Đề nghị sự giúp đỡ
Người mẹ hạnh phúc không e ngại khi đề nghị bạn bè hay người thân giúp đỡ. Trong khi các bà mẹ đau khổ bỏ lỡ những cuối tuần dã ngoại và các bộ phim tối với chồng vì không thể tìm được người trông trẻ hay một người thân sẵn sàng giúp đỡ, thì người mẹ hạnh phúc chỉ cần nói "làm ơn giúp...".

Ra khỏi nhà
Hôm nay bạn đã ra khỏi nhà chưa? Không khí trong lành, ánh nắng mặt trời và thiên nhiên được cho là chất hỗ trợ tâm trạng quan trọng đối với phụ nữ. Các bà mẹ có thể nhận được "liều thuốc bổ" này khi đẩy con dạo chơi hay đi bộ. Bạn thử nhìn xung quanh sân vui chơi xem ai là người hạnh phúc. Hãy đến trò chuyện với họ ngay.

Lên kế hoạch cho những niềm vui lớn
Nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ hạnh phúc làm việc cật lực để có thời gian và tiền bạc cho kỳ nghỉ. Bỏ qua chiếc đồng hồ báo thức, bài tập ở nhà, các hạn hoàn thành công việc... để đến với ánh nắng mặt trời, lâu đài cát, những trò chơi vui, đó là thời gian bạn tận hưởng cuộc sống của chính mình, ở bên người thân và tái tạo năng lượng.

Dành điều ngọt ngào cho "nửa kia"
Bạn gọi chồng là "anh yêu" và chàng gọi bạn là "em yêu", nhưng hai người đã dành cho nhau đủ những ngọt ngào, âu yếm chưa? Người mẹ hạnh phúc cũng bận rộn nhưng không bao giờ quên những cử chỉ yêu thương dành cho bạn đời. Đôi khi điều đó chỉ đơn giản là nở một nụ cười thật tươi. Chắc chắn, chồng bạn cũng sẽ hạnh phúc vì điều đó, và muốn mang đến cho bạn thêm nhiều niềm vui.

Ăn, ngủ và vui vẻ
Bị mất ngủ có thể là "huy hiệu danh dự" cho những người có con nhỏ nhưng càng sớm tìm ra cách để lấy lại 8 giờ ngon giấc bạn càng nhanh tìm được niềm vui cho mình. Buổi sáng, bạn xứng đáng thưởng thức một bát bột yến mạch và quả chuối thay vì 3 tách cà phê và thức ăn thừa của con. Hãy ăn và ngủ điều độ, bạn sẽ thấy sự khác biệt trong cuộc sống của mình.

Duy trì cơ thể khỏe khoắn
Thói quen chính của một bà mẹ hạnh phúc là tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên làm họ cảm thấy hưng phấn, sảng khoái. Không những thế, cách rèn luyện sức khỏe này giúp các bà mẹ cảm thấy mình cũng nuông chiều bản thân, và làm điều gì đó vì chính mình.

Một không phải là số cô đơn nhất
Thi thoảng hãy để con lại với người khác, dù đơn giản chỉ là đi dạo cùng mấy cô bạn thân hay nhẩn nha tắm với tờ tạp chí bên cạnh. Hãy cho phép mình tách con một chút, và đừng cảm thấy áy náy gì hết.

Tử tế với hàng xóm
Bạn từng nghĩ hàng xóm chỉ cần xã giao vài ba câu là được. Những người mẹ hạnh phúc nhất lại thường xuyên đối xử tử tế với hàng xóm. Họ cho đó là một thói quen của mình, bất kể là nướng một món bánh cho gia đình có thành viên mới hay đề nghị dìu người già về nhà. Hãy nhớ, sự giúp đỡ của bạn với người khác là một khoản gửi trong ngân hàng nghiệp đời của chính bạn.

Yêu những gì đang có
Những bà mẹ hạnh phúc không so sánh và cạnh tranh. Họ không bắt mình phải là người thông minh nhất, con cái mình không cần đáng yêu nhất, chiếc xe của mình là mới nhất so với bạn bè, ngôi nhà mình ở thì to rộng nhất... Con quái vật của lòng tham và sự đố kỵ đã lấy mất niềm hạnh phúc của nhiều bà mẹ. Sự hài lòng lớn hơn sự giàu có, vì thế hãy yêu những gì mình có.

Chơi với các cô bạn gái
Những bà mẹ hạnh phúc gần gũi với những người bạn - các bà mẹ khác. Một bà mẹ cho biết, từ những vấn đề nhỏ xíu tới khủng hoảng nghiêm trọng chết người, họ sẽ biết làm thế nào nếu không có cô bạn thân luôn bên cạnh. Qua tháng năm, những người bạn này sẽ luôn kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện của bạn, từ chủ đề cực kỳ quan trọng đến cả những việc nhỏ nhặt hàng ngày.

Chuẩn bị cho niềm vui nho nhỏ
Những người mẹ hạnh phúc thỉnh thoảng mua hoa cho chính mình, hẹn hò chồng ăn trưa, đi massage mặt hay tân trang lại chiếc xe... Chính những niềm vui nho nhỏ đó khiến cuộc sống của bạn thêm sinh động và mới mẻ.

Dành thời gian cho từng con
Thi thoảng, hãy tách riêng từng con và tận hưởng thời gian vui vẻ với mỗi bé. Không ngắt quãng, không tranh cãi, không tung hứng, chỉ đơng giản là dành cho con sự yêu thương, niềm vui. Bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa mình và các con đặc biệt thế nào.

Nhìn về phía trước
Khi hạnh phúc của bạn bị đe dọa biến mất, hãy nhắc nhở mình rằng "Mọi điều rồi sẽ qua". Cách này giúp bạn có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn khi hiểu rằng nó không tồn tãi mãi mãi, đồng thời nhắc mình về những điều tốt đẹp có thể đang chờ đón.

Tha thứ và quên
Tất cả chúng ta đều muốn sống theo lý tưởng nuôi dạy con cái của mình và luôn làm mọi việc thật đúng đắn. Nhưng thực tế, có những lúc chúng ta nóng nảy, mất bình tĩnh, cư xử không phù hợp, để rồi sau đó lại tự trách móc bản thân hay hối lỗi và "hối lộ" con bằng bánh kẹo... Thực tế, thời gian bạn dành để nghiền ngẫm và trừng phạt mình vì có khi còn nhiều hơn để bạn làm điều gì đó tốt hơn cho con. Những người mẹ hạnh phúc biết rằng ngay cả những người tốt nhất cũng có những ngày tồi tệ như ở địa ngục. Họ để những ngày đó qua đi, làm những điều khác tốt hơn, tận hưởng niềm vui và chuẩn bị kế hoạch cho kỳ nghỉ mới.

Cười to
Trẻ con thích nhìn thấy nụ cười của mẹ và nghiên cứu cho thấy nụ cười bắt đầu bằng cái nheo mắt của bạn, rồi xuất hiện nơi khóe miệng, bật lên thành tiếng to có thể khiến não bộ sản xuất ra chất serotonin giúp con người cảm thấy hạnh phúc. Ít nhất nó sẽ làm bạn trông thực sự buồn cười, điều này sẽ khiến con nhoẻn miệng. Cười hết mình với các con là một trong những bí mật hay nhất của tất cả các bà mẹ hạnh phúc.

Những cái ôm
Hãy có thói quen ôm con mỗi ngày. Những bà mẹ hạnh phúc ôm con mỗi khi có thể. Thực tế, khi lớn lên, các con sẽ xa dần vòng tay ôm của bạn, và đến lúc bọn trẻ có thể lấy bằng lái xe, chúng sẽ ngại ngùng, né tránh hơn là thích thú khi bạn ôm. Vì thế, hãy ôm con khi có thể, lúc con vẫn luôn khao khát điều đó.
Vương Linh


  

Chắp tay trong cõi vô thường

Nhón chân trong cõi hư vô,
Vời trông quê mẹ mấy bờ ruộng thưa?
Cúi nhìn ngọn cỏ đong đưa,
Chắp tay xin một hạt mưa giữa trời.

Lòng người xin được tựa vai,
Thì thầm khe khẽ một lời yêu thương.
Cùng đi trong cõi vô thường,
Nắm tay âm ấm ngón xương ngón gầy.

Mong sao hé mở lòng người,
Cho tôi úp mặt chắp mười ngón tay.
Xương xương mười đốt tay gầy,
Che nghiêng nửa giọt mặn này trong tôi.

Bao giờ giọt nước giữa trời,
Ruộng khô hạt lúa, lòng người hạt mưa.
Tay gầy khép lại ngón thưa,
Cho tôi hứng lấy hạt mưa cõi người.

Bao giờ mở rộng lòng người,
Cho tôi quỳ xuống chắp mười ngón tay,
Rưng rưng nữa giọt mặn này,
Run run  mười đốt tay gầy hiến dâng.

Hoàng Phong


SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
ĐƯỜNG ĐẾN AN BÌNH THẬT SỰ
CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH HẠNH PHÚC
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
NỖI SỢ MUÔN THUỞ
ĐỜI ĐÁNG YÊU HAY ĐÁNG CHÁN
BIẾT SỐNG TRONG VÔ THƯỜNG