Saturday, April 14, 2012

*** BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN

TKN.Thích Nữ Chân Liễu

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn còn có các danh hiệu: Bồ Tát Chuẩn Đề, Bồ Tát Quán Thế Âm hay Bồ Tát Quán Tự Tại .

Qua hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn chúng ta cũng có thể thấy được ý nghĩa Công Đức và Phước Đức của Bồ Tát Hạnh. Với tư tưởng giải thoát rốt ráo tuyệt đối của đạo Phật, nhận thức tâm lý con người ở thế gian thân, miệng, ý là nguyên nhân tạo những nghiệp thiện hay ác qua nhiều kiếp luân hồi, chỉ có tu hạnh bồ tát mới chuyển đổi được nhân quả.

Cho nên những tôn tượng bồ tát vẫn luôn luôn là đề tài thu hút một cách mãnh liệt các tín đồ Phật giáo. Hiểu theo chánh kiến một cách sáng suốt, thì tín ngưỡng dân gian chỉ nhằm mục đích giác ngộ thật tánh chân như bình dị tự nhiên và cốt tủy đạo Phật dạy: “Tu tâm chuyển ý hành bồ tát đạo”.

Trên mạng lưới Internet, nhiều người phổ biến rộng rãi một đoạn phim ngắn vũ khúc ngàn tay ngàn mắt, do các nghệ nhân câm điếc biểu diễn rất công phu điêu luyện. Hình ảnh đẹp của những nghệ nhân khuyết tật, múa theo mẫu pho tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn, một biểu tượng tuyệt vời về tư tưởng Từ Bi và Trí Tuệ của đạo Phật.

Ngoài những đường nét tinh tế điêu luyện, họ thể hiện tuyệt đỉnh của nghệ thuật Đông Nam Á, bằng con tim (tâm) và khối óc (ý), vì họ hoàn toàn không nghe được âm thanh của tiếng nhạc. Tuy họ bất hạnh, nhưng khi biểu diễn, gương mặt các nghệ nhân khuyết tật nầy toát ra sự bình an từ nội tâm trong ánh hào quang của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn. 




TRÍ TUỆ (CÔNG ĐỨC) CỦA BỒ TÁT
THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

Trong những khóa lễ thường có phẩm trì chú Đại Bi: “Thiên Thủ Thiên Nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni…” là sự truyền đạt cho người tụng đọc cảm nhận đại trí lực, đại từ bi, vô quái ngại của vị Bồ Tát ngàn tay ngàn mắt. 

Các Bậc tu hành giác ngộ trong dân gian ngày xưa có lẽ cảm nhận được sự mầu nhiệm bất khả tư nghì nầy, khó nói hết được, nên các Ngài tạo tôn tượng bồ tát từ những tảng đá trong thiên nhiên. Đó là những phương pháp giáo hóa chúng sanh không bằng lời, mà bằng “Tâm”, thật sự bản chất của tảng đá không có sự linh thiêng nào cả.

Hình ảnh tôn tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mỗi bàn tay đều có con mắt trí tuệ, trong tay cầm nhiều pháp khí dùng hàng phục ma chướng, những cánh tay cầm kiếm, búa, tràng hoa, châu báu, vải lụa gấm vóc, hoa sen, bánh xe pháp, bình tịnh thủy, chày kim cang.. cũng tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống trên thế gian này.

Ý nghĩa tượng trưng vị bồ tát có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của mọi cảnh trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp), không khuất phục mọi quyền lực ngoại đạo tà giáo, tuyệt đối bình đẳng trong khi cứu độ chúng sanh, biểu trưng công đức và phước đức siêu việt. Mọi người sanh ra đều có sáu cơ quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Kinh sách gọi là lục căn.

Khi sống trên đời, con người tiếp xúc hàng ngày với cảnh trần. Mắt thấy sắc (các vật có hình tướng). Tai nghe tiếng (âm thinh, lời nói). Mũi ngửi mùi hương. Lưỡi nếm vị. Thân xúc chạm. Ý nghĩ duyên theo pháp trần. Kinh sách gọi chung sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháplục trần.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi tiếp xúc với trần cảnh như vậy, tâm con người hay phê phán: đẹp hay xấu (mắt), dễ nghe hay khó nghe (tai), dễ ngửi hay khó ngửi (mũi), ngon hay dở (lưỡi), mịn màng hay thô nhám (thân), thương hay ghét (ý). Những sự phê phán trong tâm thức như vậy, kinh sách gọi chung là lục thức.

Người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh trí tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.

- Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

- Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.

- Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.

- Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.

- Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.

- Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.

Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sanh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy:
"Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát".


Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn hiểu, vẫn biết tất cả các cảnh trên trần đời, nếu tâm không dính mắc, không tham đắm, thì không phiền não.  Không phiền não tức là giải thoát. 

Hành Bồ Tát đạo là con đường nhập thế của người tu, 84 ngàn pháp môn diệt trừ phiền não tự thân và muôn ngàn phương cách đưa giáo lý đạo Phật giúp người cùng tu giải thoát. Con người trải qua trăm ngàn kiếp tái sanh luân hồi trong thập loại chúng sinh, tâm còn nhiều chánh tà lẫn lộn, tốt có, xấu cũng có.

Khi được thân người, thiện duyên kỳ ngộ với Phật Pháp, con người phát tâm tu muốn trở về Thật tánh chân như của mình, trước hết phải tẩy trừ nghiệp chướng sâu dầy nơi thân khẩu ý. Kinh sách dạy 84 ngàn pháp môn trừ sạch phiền não ma, phiền não chướng, chính là ngàn tay cầm pháp khí trừ ma, ngàn mắt trí tuệ sáng suốt xóa trừ vô minh.

Con đường cứu cánh của Bồ Tát là sự kiên định, ý chí bền vững để giác ngộ được khổ, không, vô ngã, vô thường trong Thật tánh của mỗi người. Để đạt được tâm thiền định và ý chí bền vững, cần áp dụng pháp tu quán Tứ Niệm Xứ, gồm có: thân, thọ, tâm, pháp.

Niệm thân: Quán thân bất tịnh. Biết rõ thân là bất tịnh, nhiều phiền lụy, không trau chuốt theo nhu cầu đòi hỏi của thân, tu thân đoan chính trang nghiêm, đơn giản.

Niệm thọ: Quán thọ thị khổ. Thọ nhận nhiều thì khổ nhiều. Không thọ vui buồn sướng khổ, không tham đắm quyền lợi vật chất, biết tri túc sống thanh bần, đạt được an lạc trong đời sống.

Niệm tâm: Quán tâm vô thường. Tâm con người nay thương mai ghét, nay tốt mai xấu. Hoặc ngược lại. Do đó, khi có hạnh phúc không vui quá, khi gặp khổ nạn không than trách. Không tự tôn, chẳng tự ti, thì tâm tự tại.

Niệm pháp:  Quán pháp vô ngã. Mọi sự việc xảy ra trên đời đều do nhiều nguyên nhân, nguyên do, xa và gần, không có một nguyên nhân đơn độc gây ra sự việc, nên gọi là vô ngã. Thấy được, hiểu được như vậy, tâm không còn phiền não.

Chúng sanh lăn lộn đầu thai trong lục đạo sanh tử luân hồi do nhiều căn bịnh từ vô minh ngàn kiếp, gồm: tham ái, dục vọng, chấp thủ, đoạn kiến, thường kiến, ngã mạn. Sự chân thật của Thật Tánh là người tu theo con đường Đức Phật dạy, đạt được tâm thanh tịnh, đầy đủ trí tuệ, có thể chuyển phàm phu trở thành thánh nhân hay bồ tát. 

Đức Phật Thích Ca chứng đắc tam minh: Thiên nhãn minh, Túc mạng minh, Lậu tận minh. Mắt trí tuệ của Ngài thấy được tam thiên đại thiên thế giới, thấy nhân quả trong nhiều đời nhiều kiếp, phá vô minh phiền não chấp ngã chấp pháp không còn sanh tử, ra khỏi lục đạo luân hồi. Lục đạo là sáu cảnh giới luân hồi mà con người phải đầu thai chuyển kiếp, nếu chưa sạch hết nghiệp chướng, gồm: Thiên, nhơn, a tu la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh.

Cõi Thiên: Sanh về cõi thiên, nơi cực lạc thế gian, hưởng phước báo thiện căn nhiều đời, được giàu sang, đủ ăn đủ mặc, có người hầu hạ, nhà cao cửa rộng, an lạc hạnh phúc.

Cõi Nhơn: Sanh vào cõi người, giàu có nghèo có, ưa thích làm việc phước thiện, cũng có khi tạo nghiệp bất thiện, hưởng phước báo và cũng chịu quả báo đau khổ, sanh, lão, bịnh tử.

Cõi A Tu La: Sanh vào nhà quyền quí, hưởng phước tốt của gia đình, có danh tiếng, có tiền của, tánh tình nóng nảy và kiêu mạn, thích bạo động, có trí thức đời và thông minh, không khéo dễ tạo nghiệp ác.

Cõi Địa Ngục: Sanh vào cõi đau khổ, vì nghiệp ác hại người sâu nặng, bị hành hạ tra tấn ngày đêm, sống không được chết không xong, đau khổ vô cùng.

Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, thường bị hãm hại, không chỗ dung thân, luôn đói khát, không có sức tự kiếm ăn, sống nhờ vào lòng tốt của mọi người.

Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát quá nặng mà đọa vào cõi nầy, lúc nào cũng sợ bị giết, sống nơi ẩm thấp rừng sâu nước độc, mang lông đội sừng suốt kiếp.

Phật dạy: Rời xa kiến chấp, an lạc niết bàn, hàng phục ma chướng, chứng đắc trí tuệ sáng suốt, thoát ra khỏi lục đạo luân hồi, vượt khỏi giả danh, không còn chỗ thọ của bản ngã, không bị ràng buộc các pháp ác của tà ma ngoại đạo. Đó là chỗ nhận biết của người trí tuệ và là chỗ cư trú các bậc thánh, các bồ tát, các bậc giác ngộ.
(Kinh Duy Ma Cật)



TỪ BI (PHƯỚC ĐỨC) CỦA BỒ TÁT
THIÊN THỦ THIÊN NHẢN

Xuất gia hay tại gia được các vị Tôn túc hay Sư phụ thường khuyến khích thọ bồ tát giới, vì đó là gieo căn lành cho người tu chuyển hóa phàm phu thành bồ tát. Nghĩa là nhiều đời nhiều kiếp, bằng trí tuệ sáng suốt, hạnh nguyện một vị Bồ Tát trong dân gian có thể cứu khổ cùng một lúc hàng trăm, hàng ngàn người, hoặc nhiều hơn nữa, mà không làm tổn hại bản thân hay một ai khác.

 Những Bồ Tát  sống trong nhân gian có rất nhiều hình tướng, tùy cơ nghi xiển dương chánh pháp, hóa độ chúng sanh, diệt ác sanh thiện, cứu khổ ban vui.

Với tâm Bồ Tát con người có thể khuyên nhủ vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng bị áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gắm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nỗi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.

Uy đức thiện lành từ các vị chân tu thật học, phước trí trang nghiêm có biện tài thuyết phục nhân vật quyền thế, kêu gọi hòa bình, hòa giải chiến tranh. Đó là trí lực nhiệm mầu của Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian, đã cứu được hàng ngàn, hàng vạn sanh linh trong biển lửa đao binh. Tâm nguyện của người tu hành:

Thượng cầu Phật đạo,
hạ hóa chúng sanh.
*
Trên cầu giác ngộ,
dưới cứu dân gian.

Có rất nhiều người trên thế gian phát tâm từ thiện, vô úy thí, bố thí ngoại tài, nội tài vô điều kiện cho những mãnh đời bất hạnh, nghèo khổ, thiên tai, bịnh tật, phiền não sầu bi, gia đình tan vỡ.

Khi mới bắt đầu chỉ có một tấm lòng với hai tay đơn độc, cùng đôi mắt từ bi biểu lộ tình thương và cảm thông. Nhưng lòng từ bi của họ lâu dần lan rộng, cảm ứng tâm từ thiện đến những người xung quanh, thêm người, góp thêm một bàn tay, ngàn người tạo thành ngàn cánh tay, với tinh thần vô ngã vị tha tuyệt đối không danh không lợi.

Đó chính là những vị Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong nhân gian ở khắp mọi nơi.

Tóm lại, sức mạnh thiện căn của Phật Tâm Phật Tánh con người ở thế gian rất thâm sâu khó nói hết được. Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng địa dũng xuất, Đức Phật ca ngợi đức độ và tin tưởng tuyệt đối, sự việc người phàm xuất thân cõi ta bà chuyển pháp luân, đầy đủ bi trí dũng, hành Bồ Tát đạo, tự tu, tự độ. Khi một người tu học Phật hiểu và hành trì giới, được định lực, có trí tuệ và từ bi, tinh thần rất mạnh mẽ cao thượng vô cùng, họ làm được những chuyện kỳ diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn.

Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn trong dân gian xả thân cứu độ mọi loài, hành đạo giúp đời có thật không phải là hoang tưởng và Bồ Tát cũng là tâm Phật, là “Thật Tánh” của những con người biết tu tâm dưỡng tánh, rốt ráo đoạn trừ ma chướng tự thân.

Đạo Phật không dựa vào cầu khẩn, mê tín, trông chờ sự cứu độ của Bồ Tát bên ngoài, mà dạy phải tự chuyển đổi nghiệp xấu nơi tâm, tự cứu và phát tâm thành bồ tát muốn cứu độ những người hữu duyên sống xung quanh.

Người có tâm bất thiện nhìn thấy oai lực hình tượng Bồ Tát Thiên Thủ Thiên nhãn cảm giác sợ hãi kinh hoàng, tưởng tượng phép lạ, mơ ước kỳ nhân, chỉ biết cầu khẩn van lạy xin thật nhiều thứ. Một khi con người phước đức thiện tâm có tu, thì có cảm ứng sự dịu mát kính ngưỡng khó nghĩ bàn, tự phát nguyện tu giới hạnh và hành trì theo đức độ Bồ Tát.

Tôn tượng các vị Bồ Tát thường được ngầm ý biểu trưng thuộc về tâm thức, muốn tán thán đức hạnh cao thượng của những người tu xuất thế gian có đủ Từ Bi và Trí Tuệ.

Đó là tất cả ý nghĩa thâm sâu của Vi Diệu Pháp cần suy ngẫm thấu đáo. [ ]

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
 TKN.Thích Nữ Chân Liễu




 Kính mời quí vị tham khảo những bài viết theo link:
HOA SEN TRONG BÙN (HT Thanh Từ)
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ

ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT - CÀNH HOA SEN MÀU XANH

Saturday, April 7, 2012

*** BIẾT VỌNG KHÔNG THEO

Chân Hiền Tâm 

Tôi quyết định “Biết vọng không theo” với một niềm tin rất lớn. Tôi tin nó sẽ giúp mình thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, tôi có thể hiểu những gì mình chưa hiểu.

Khơi dậy niềm tin
Mấy hôm nay, Phật tử đã được vào thăm Sư ông(1).Tôi nhìn thấy bàn tay Sư ông rị lại nơi cánh cửa. Chỉ là cái rị tay bình thường, nhưng chứa đựng trong đó bao nhiêu yêu thương.
Tôi cũng đã luồn theo đám đông để nhìn cho được Sư ông. Rồi vội lách ra. Phật tử trông ngóng háo hức thấy tội. Đông quá, biết làm sao giờ!

Được thấy Sư ông là diễm phúc rất lớn với những người Phật tử ở xa như tôi. Nhỏ Ngọc thủ thỉ giọng đầy xúc động: “Hòa thượng nhìn em ánh mắt từ bi vô hạn. Phiền não tan hết chị ơi! Thấy lòng nhẹ nhàng khó tả. Nhìn thấy Hòa thượng mà nghĩ lại thân, thấy xấu hổ quá! Phải gắng tu hành, đền đáp ít nhiều công ơn của Hòa thượng”. Phiền não đeo con nhỏ như cục nợ ba đời. Tôi nói xuôi, nói ngược, nói tới, nói lui thế nào con nhỏ cũng ôm mớ đó mà đi. Vậy mà chỉ một cái nhìn, cục nợ vẫy tay. Nó còn lập chí nhất quyết tu hành. Giờ thì nhỏ hiểu vì sao tôi cứ giục nhỏ vào gặp Sư ông. Cội tâm thanh tịnh có thể khơi dậy cái chủng bình an cho chúng hữu tình một khi đủ duyên.

Cũng có người cọc cạch xe đạp suốt thời học trò, qua bao ngõ phố, đến bao nhiêu chùa, chỉ để theo thầy “Thính pháp, văn kinh, và khóc - giống như Phật tử bây giờ”. Rồi đu xe than ra tận Thường Chiếu xin tu. Chẳng qua vì một nụ cười. “Tất cả đều rất lạ. Chỉ có nụ cười vẫn cứ quen”(2).  

Còn tôi ngày đó…

Đến với thiền là nhờ những bài Sư ông đã giảng, được quay ronéo bán ở chợ trời. Sáu cửa vào động Thiếu Thất, kinh Pháp bảo đàn và một quyển Thiền đốn ngộ. Chữ thì trình độ lớp ba là đã đọc được. Nhưng hiểu, thì phải thứ gì ngang với tâm thức của mình, mình mới hiểu được. Thành hiểu thì rất khiêm nhường. Chánh văn nhường Tổ, con chỉ khiêm nhường đọc lời chú giải mà thôi. Cũng không được nhiều. Chỉ nhớ một chữ ma-ha. Cái tâm ma-ha có thể giúp mình vượt qua khổ nạn trong cuộc đời này. Không cần phải chuyển đi đâu mất công, tốn tiền. Chỉ cần chuyển tâm.

Lại thêm cái Báo oán hạnh(3). Khổ nạn đời mình phải nói là nhiều. Khổ nhất là thấy nhân quả rành rành mà mình không phải thứ hiền. Khổ nữa là thấy tiền tình vô thường, muốn tới lúc nào đó tới, muốn đi lúc nào đó đi, trở tay không kịp. Ba lần trắng tay đủ mất phương hướng với việc kiếm tiền. Chưa kể người thân bỗng dưng trở thành kẻ oán. Sao nhiều thống khổ nhiêu khê! Cái “Báo oán hạnh” nó giúp mình hiểu ít nhiều cái khổ của mình. Thôi thì ráng tu để sống cho được với tâm ma-ha, cái tâm rộng lớn mà ai cũng có, chỉ vì bỏ quên không chịu nhận ra. Sống được, khổ nạn không còn, đời sẽ an vui. Địa ngục không khác Niết-bàn.

Đốn ngộ thì nói nhận lại ma-ha không khó. Ăn thua có chí không thôi. Vì nó ở tại ngay mình. Có thể thành Phật ngay trong kiếp này. Nghĩ Tổ dụ khị nhưng vẫn cứ tin. Bởi vì quá ngán cuộc đời này rồi. Phải có niềm tin để sống. Tôi tin Phật Tổ không dối bao giờ. Sư ông cũng nói. Nhất định Ông phải nhận được cái gì từ nơi Phật Tổ, câu cú mới mạnh thế kia. Nó xuyên cái đầu vô minh, cho tôi đóm lửa vin đó mà đi.

Sư ông đã khiến cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều.
Tôi tự kê gối hành thiền.
Cuộc sống của tôi khởi sắc.


Phải nói niềm tin mang lại hạnh phúc rất nhiều. Bất hạnh cho ai không có niềm tin trong cuộc đời này. 

Những ngày an bình
Phải đến lâu sau, tôi mới có duyên gặp được Sư ông.

Lần đầu tiên gặp Sư ông chỉ có anh là vào được. Không nhớ vì sao như vậy. Đông quá chen chân không lọt thì phải. Sư ông cho anh cuốn kinh Kim cang và dạy: “Đạo và đời phải cân bằng”.

Đời và đạo, kinh sách và tôi, tọa thiền và kiếm cơm, đạo và đời, hai bờ mé ấy phải có sự cân bằng. Tôi đã dùng cách lý luận như thế để hiểu về những gì có lợi cho tôi. Tôi thấy Sư ông nhân ái quá đỗi! Người chủ gia đình, không thể nói tu rồi thí cô hồn tất cả. Anh không thể dành tất cả thời gian cho kinh sách, còn tôi thì bỏ mặc một mình với lũ trẻ nhóc nhoi. Cũng không thể ngồi thiền cả ngày, còn tôi thì phải bươn chải kiếm tiền cực khổ. Tôi tin tưởng vào lòng nhân ái của ngài rất mực. Sư ông đã gieo cho tôi một mầm sống, lại còn ban cho tôi một lu nước để mầm sống được lớn lên.

Những ngày cuối tháng sau đó, tôi đều gặp được Sư ông. Trong sự im lặng thanh bình. Không phải không biết hỏi gì mà mọi câu hỏi đều được trả lời trong những bài giảng. Điều đó trở thành quy luật, không cần hỏi nữa. Tôi dành thời gian ngắn ngủi của mình để nhìn Sư ông. Tôi thích cái tướng “an ổn chắc nịch” của ngài. Tôi đã diễn nôm tướng trạng “định tỉnh uy nghi” bằng cách như thế. Một lực gì đó lan tỏa rất mạnh. Cái lực giúp tôi kiên cố băng qua khó khăn, bỏ mặc chê khen của đời. 

Cảm kích uy đức
Đã một thời xôn xao, khi Sư ông nêu ra những việc “không hay” có trong Phật giáo. Không phải chỉ với người ngoài mà ngay cả trong các Chiếu, những gì bất lợi cho việc tu học đều được nêu ra trong các băng giảng. Điều đó có thể đã làm mất lòng một số ít người. Nhưng với đa phần, tôi thấy ở họ một sự cảm kích. Với hàng Long tượng, lại càng không vì những lời nói đó mà sinh bất mãn.

Đa phần Phật tử cười ồ khi bị Sư ông điểm trúng tật xấu của mình. Sư ông nhắc nhở như đùa. Phật tử biết lỗi nhưng không mặc cảm hay thấy bực bội. Chất giọng nhân từ chỉ khiến chúng tôi cảm thấy yên vui khi rời thiền viện. 

Ngài không quan tâm đến việc cúng dường. Quan trọng là biết đường tu. Tôi thấy Sư ông rất vui khi có ai đó hỏi ngài về việc tu hành. Cũng không vì việc cúng dường cho mình mà không nói lời hữu ích cho người. Sư ông nói với lão bà bạn tôi, người hay nhận tiền bạn bè mang đến cúng dường Sư ông: “Không cần phải làm những việc khổ nhọc đó nữa. Tuổi đã lớn rồi, cần dành thời gian tu tập cho mình”.

Một hoài bão nữa của ngài là muốn Phật tử phát triển trí tuệ. Phật tử nếu có trí tuệ, những việc mê tín đáng buồn trong chốn già lam không thể xảy ra. Tăng Ni cũng phải giữ mình tu hành tinh tấn, không thể giải đãi. Cũng không vì phải tùy duyên đến nỗi mất mình. Sư ông thấy rõ được mặt duyên khởi của pháp, nên muốn làm sao nâng cao trình độ hiểu pháp của hàng Phật tử tại gia. 

Cư sĩ, nếu đủ khả năng truyền pháp, vẫn được Sư ông khuyến khích không khác Tăng Ni. Sư ông thường lấy hình ảnh ngày xưa của các cư sĩ đại lão, khuyến khích cư sĩ ngày nay noi theo. Cố gắng tu hành, truyền pháp.     

Sư ông dụng pháp đúng thời, đúng duyên và rất dứt khoát. Thương yêu chúng sinh rất mực, nhưng nếu ảnh hưởng đến việc tu học, Sư ông dứt khoát không cho. Cúng dường âm nhạc giúp giới ca sĩ gieo duyên với Tam bảo, cũng là một duyên giúp người vào đạo rất hay. Sư ông cũng từng nói về lợi ích của nó. Nhưng đó là việc dẫn đạo ngoài đời. Còn với nhân duyên tu hành nơi chốn thanh tịnh, Sư ông dứt khoát không cho. Âm nhạc không tốt đối với thiền sinh. Thiền sinh nghe nhạc, dù là nhạc đạo, thì cũng đang để nhĩ căn chạy theo thanh trần. Sám pháp ngày nào cũng tụng, lại là giới của Sa-di, đâu thể nào phạm. Cho nên, Sư ông nhất quyết không cho.

Còn biết bao việc…Sư ông đã tạo cho tôi niềm tin rất lớn đối với Tăng bảo.

Lợi ích muôn người
Thời Sư ông còn đi giảng, Ông đi tới đâu Phật tử theo tới đó. Tôi cũng bỏ việc chạy theo. Ngày Sư ông được mời đi giảng ở Vạn Hạnh, người bạn đảo khắp một vòng rồi quay lại nói: 
“Mỗi lần Hòa thượng đi giảng như vầy, nhiều người được lợi ích lắm. Không phải chỉ có Tăng Ni, Phật tử. Tôi thấy phòng phát hành sách chật ních, căng-tin cũng đông. Rồi cả xe thồ, xích lô. Mọi người đều thấy có phần”. Song đó chỉ là mặt nổi. Nhận pháp tu hành mới là lợi ích lớn lao. Có lẽ hiện giờ cũng không nơi nào Tăng Ni tập trung tu hành nề nếp đông đảo như ở Thường Chiếu, Viên Chiếu v.v… 

Trong việc xây dựng, hoằng pháp v.v… thuận duyên cũng nhiều, khó khăn cũng có. Đức Phật còn không tránh khỏi. Nhưng nhờ việc đó, tôi nhận ra mặt duyên khởi đối đãi của pháp ở thế tương sinh. Những ngày Sư ông đi giảng nước ngoài. Vài việc gây cấn xảy ra. Qua rồi, Phật tử hồ hởi, những người không biết Sư ông, tò mò đi tìm băng giảng. Mọi thứ khuấy động, đánh trúng tâm lý ưa thích thị phi ở đời. Họ muốn xem ông Thanh Từ là ai và cách ông đã xử lý tình huống khó khăn thế nào. Có người phát tâm theo ngài từ đó.

Thứ mình thấy khó không hẳn là khó. Ngoài việc chứng minh nội lực tu hành, nó còn có thể trở thành trợ duyên cho việc hoằng pháp nếu mình có đủ định tỉnh, xử lý công việc trí tuệ. Nghịch duyên biến thành trợ duyên. Đúng là tuệ đức tôn nghiêm, tướng nào cũng làm lợi ích cho chúng hữu duyên. Thật khó nghĩ bàn! Tất cả đều là diệu dụng của từ tâm.

Pháp môn “Biết vọng không theo”
  Tôi tin tưởng. Tôi muốn chuyển đời. Nên không thể chỉ nghe và đọc. Vả lại, nghe và đọc là một chuyện, mà hiểu hay không lại là chuyện khác. Hiểu như kiểu của tôi cũng chẳng giúp gì cho tôi trong việc thoát khổ.  

Tôi quyết định “Biết vọng không theo” với một niềm tin rất lớn. Tôi tin nó sẽ giúp mình thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh, tôi có thể hiểu những gì mình chưa hiểu. Có thể sống ở cõi Ta-bà mà không thấy khổ đau. Tôi tin vào sự thành công và đã dụng nó mọi lúc, mọi nơi.

Việc ứng dụng thật ra không khó: Nhận biết tất cả những gì hiện lên trong tâm khi chúng xuất hiện. Không để nối tiếp dù là niệm thiện hay ác. Nó giống như pháp quán tâm mà Phật đã dạy. Cái khó là niệm đã được nuôi dưỡng quá lâu. Lực của vọng niệm quá mạnh. Dù chỉ cần biết là niệm đã dừng, nhưng rồi lại quên. Giữ lâu thì thấy đau đầu…  

Nhiều người đã chê pháp môn Sư ông đã dạy. Nói “Pháp không được rốt ráo. Chỉ như lấy đá đè cỏ. Hết đè, cỏ lại mạnh lên”.

Có người cũng đã bỏ cuộc. Thân còn mà tâm không thể công phu. Tôi có cái khổ sau lưng giục tới. Còn có niềm tin mạnh mẽ trong lòng. Không thể bỏ cuộc dễ dàng. Tôi phải đi đến cuối đường những gì đã chọn. Tôi sẽ nhận ra những gì mình đã đi qua, có thể là trễ nhưng không hối tiếc về sau. Nghiệp duyên đâu chỉ một đời. Còn vô số kiếp về sau để rút kinh nghiệm. Vấn đề là phải có đi, mới biết thực hư thế nào.

Tôi nhận ra rằng: Pháp môn chỉ là phương tiện, không phải cứu cánh. Nên lập pháp môn đồng như cứu cánh là việc không thể. Tuy vậy, phương tiện có thể đưa đến cứu cánh. Nếu ta đưa được cái tâm “đa niệm” về lại “nhất niệm” hoặc là “không niệm”, thì việc bùng vỡ nhất định xảy ra. Niệm Phật, tham thiền v.v… đều theo hướng đó mà đi. Đều có khả năng giúp tâm bùng vỡ.
Khi lực của những động niệm còn mạnh, thì dù niệm Phật, tham thiền hay là “biết vọng không theo”, ít nhiều đều có chữ “đè” trong đó. Nếu ta sợ “đè” rồi để niệm tưởng thoải mái thì không bao giờ dừng được lực nghiệp.

Cũng nhận ra rằng: Hết vọng hay không, không phải vấn đề. Quan trọng là ở chữ “lực”. Niệm tưởng có lực, sáu đường thiên biến vạn hóa như thực. Niệm tưởng không lực, vọng chính là vọng, thân tâm, thế giới hiện nguyên bản chất huyễn hư. Cũng vì lực đó mà thấy có đè hay không. Lực đã yếu rồi, vọng đâu còn sức để bung mà nói đè hay không đè. Cái khó của mình là làm thế nào để thừa niềm tin và đủ năng lực mà vượt cho qua giai đoạn “đè” này.

Tôi cũng nghiệm ra một điều: 
Thế giới khổ đau là do không thể nhận chân những gì đã huân trong tâm trước đây cho tới bây giờ. Đủ duyên liền khởi, không có thời gian để thấy là nên hay không. Không đủ định lực để dừng, nên lỡ tới rồi cứ thế tới luôn. Thành ra, dù chưa được cứu cánh, thì việc nhận rõ những gì đang hiện trong tâm và đủ khả năng dừng nó, cũng giúp rất nhiều trong việc thoát khổ gây nghiệp.

Một khi đã đủ định tỉnh điểm mặt vọng niệm, ác nghiệp nhất định phải dừng, thiện nghiệp nhất định phát sinh. Khổ đau chấm dứt. Nó thật rất cần cho những con người nửa đời nửa đạo như tôi. Có thể hiện giờ tôi chẳng bằng ai. Nhưng với con người trước đây, nhút nhát, lo âu, sân giận, sợ hãi… giờ đã thay đổi rất nhiều. Pháp bảo giúp tôi thay đổi, an vui, giúp tôi củng cố niềm tin đối với Tăng bảo, Phật bảo rất nhiều.

Lòng từ của bậc Tôn sư
Đã đến giờ, chư Tăng phải đưa Sư ông vào nghỉ…
Rồi cũng sẽ vào...
Nhưng nán lại vài giây để nhiều người được hạnh phúc.
Nán lại vài phút để lắm kẻ bớt lo âu.
Khổ nhọc đời thường với bao lo toan bức xúc sẽ được đặt xuống nơi đất thiền tông thanh tịnh. Dù chỉ vài phút cũng khiến cuộc đời ấm dịu hơn lên, giúp kẻ lữ hành đi hết con đường mà mình đã chọn.

Nguyện học cho được lòng từ vô hạn của bậc Tôn sư đối với chúng sinh…
Tác giả: Chân Hiền Tâm
(Xin phép tác giả,có sửa đổi tựa đề)


 CÂU CHUYỆN HAI CÁI BỊ của người đời
 - Thưa Thầy, tôi không phải là người theo đạo Phật. Xin Thầy chỉ dẫn cho phương pháp tu tập.
-  Quí vị muốn phương pháp tu tập với mục đích gì và tại sao lại chọn chúng tôi để đặt câu hỏi ?
 - Tôi thấy cuộc đời này sao mà khổ quá, như tôi đây cũng có trình độ học thức, có công ăn việc làm tốt, gia cảnh đầm ấm, nhưng vẫn thấy khổ tâm nhiều chuyện, nhiều lúc cảm thấy bất an đến độ ăn không yên ngủ không ngon, nhiều điều lo lắng, bực mình lắm!
Tôi muốn được an tâm nên đì tìm phương pháp tu tập để thoát khổ.  Tôi chọn qúi Thầy để đặt câu hỏi, bởi tôi thường nhận các emails củaPHTQ.CANADA do các bạn bè chuyển tới, với các bài viết mang hình thức Phật giáo, nhưng nội dung hay quá, các bạn của tôi thấy có ích lợi nên chuyển cho tôi, mặc dù tôi không phải theo đạo Phật.
- Trên đời này, người nào không có tâm cố chấp, không có tâm phân biệt, không mang nặng hình thức thế gian thì người đó sống đời an lạc với hạnh phúc xuất thế gian.
-  Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
-  Người đời thường mang hai cái đảy (cái bị).
*Một cái trước ngực chứa đầy lỗi lầm của người khác.
*Một cái sau lưng chứa đầy lỗi lầm của chính bản thân.
Do đó, người đời thường bực bội, bất an trước các lỗi lầm quá dễ thấy của người khác. Trái lại, với các lỗi lầm của chính bản thân, người đời thường che giấu, không muốn ai thấy, chính mình cũng không thừa nhận, không nhận ra, cho nên khó khá được, cho nên khổ dài dài. Muốn hết khổ, muốn bớt khổ, người đời - dù theo tôn giáo nào - nên đổi vị trí của hai cái bị nói trên.
Khi nhận thấy chính bản thân cũng có quá nhiều khuyết điểm, nhược điểm, người đời chắc chắn không còn dám cất cao giọng chỉ trích nhục mạ người khác, cũng như không còn chỉ trích tôn giáo, tín ngưỡng của người khác đang theo.
-  Kính cảm tạ lời chỉ giáo của Thầy. Thực hay quá. Nhưng riêng tôi, tôi không muốn đổi vị trí của hai cái bị đó thì sao, thưa Thầy ?
-  À, quí vị không muốn đổi vị trí của hai cái bị, thì quí vị đổi nội dung của chúng cũng được mà.
 - Tôi chưa hiểu rõ ý của Thầy ?
Nếu quí vị vẫn giữ vị trí của hai cái bị :
Cái bị trước ngực qúi vị chứa đựng toàn là ưu điểm của người khác. Cái bị sau lưng quí vị chứa đựng toàn là ưu điểm của bản thân.
- Tôi vẫn chưa tỏ tường ?
-  À, khi đó quí vị sẽ thấy ưu điểm của người khác quá nhiều, lắm khi vượt trội hơn mình, mình thực ra chẳng bằng nhiều người lắm. Từ đó, mình bớt đi tánh phê phán, phỉ báng người khác, mình thu lại, quan sát chính bản thân, quan sát chính bản tâm, mình sẽ được bình an ngay.
- Thực là quí hoá, tôi hiểu rồi. Kính chúc Thầy tâm luôn bình an.
 Kính cảm tạ. Ban Biên-Tập PHTQ.CANADA 
http://www.phtq-canada.blogspot.com
http://phathoctinhquang.chuaphat.com

HOA SEN TRONG BÙN (HT Thanh Từ)
  BÁT PHONG
LỜI DẠY ĐỨC PHẬT VỀ KHỔ ĐAU VÀ HẠNH PHÚC
CUỘC ĐỜI VÔ GIA CƯ

Friday, April 6, 2012

***PHẬT GIÁO VÀ SỰ THỜ CÚNG. Ý NGHĨA DÂNG HOA - ĐÈN - HƯƠNG





Viên Minh và Trần Minh Tài

Khi thấy Phật tử đến chùa lễ bái, hay những nhà sư đang kính cẩn nghiêng mình trước đài sen trong khung cảnh trang nghiêm, tịch mịch đầy trầm hương nghi ngút, chắc hẳn có người hỏi rằng: 
Phật tử có cầu nguyện hay không? Họ làm gì khi đến chùa? Và thái độ của người Phật tử ra sao đối với sự nguyện cầu?

Trước hết chúng ta phải biết cầu nguyện là gì? Đó là một danh từ có nhiều nghĩa. Trong các tôn giáo tin tưởng và thờ phụng Thượng Đế (mà họ tin là đấng tối cao, toàn năng, toàn thiện, toàn tri đã dựng nên thế gian và được coi là Đấng Tạo Hóa hay Thủy Tổ của muôn loài), cầu nguyện có nghĩa là thỉnh cầu ở nơi Ngài một sự chỉ đạo, hộ trì hoặc cầu xin Ngài ban cho sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng, bình an và đôi khi xin Ngài tha thứ những tội lỗi đã vi phạm.

Chúng ta có thể nói ngay rằng, vì người Phật tử không tin tưởng nơi thần linh hay bất cứ một đấng quyền uy ban phúc giáng họa nào, nên cầu nguyện cũng không có ý nghĩa như trên. Mặt khác, Phật tử tin tưởng ở nghiệp lực theo đó hạnh phúc hay đau khổ đều là kết quả của hành động, lời nói, ý nghĩ mà mỗi cá nhân tạo ra có ý thức hay có chủ ý. Đó là một luật tự động vận hành chứ không do một ai hướng dẫn, sắp đặt hay an bài. Vì tự động vận chuyển theo một luật tắc nhất định nên nó không thể thiên vị, thương tình hay tội nghiệp mà tha thứ cho những ai vi phạm. 
Cũng theo luật này (nghiệp) tội lỗi không thể được tha thứ bởi một uy lực bên ngoài, mà chỉ được sửa sai bằng tâm hồi đầu hướng thiện. Bởi vì tội lỗi theo Phật giáo không phải gây ra do vi phạm hay bất tuân những quy định của một đấng quyền uy nào, mà chính vì tự mình hành động sai lầm qua thân, khẩu, ý đưa đến ô nhiễm, phiền não và khổ đau cho mình và người.

Như vậy trong Phật giáo không có cầu nguyện theo nghĩa cầu xin được ban ơn, xá tội, vì mỗi người phải chịu trách nhiệm với chính mình chứ không ai khác về những hành động tội, phước, lành, dữ do mình tạo ra. Thế thì người Phật tử làm gì khi đến chùa? Nếu là Phật tử chân chính chắc chắn họ không đến chùa chỉ để cầu nguyện gì đó cho mình.

Chúng ta hãy theo dõi những người Phật tử đến viếng chùa để xem họ hành động như thế nào và ý nghĩa hành động ấy ra sao. Trong Phật giáo không ai buộc Phật tử phải đến chùa vào một ngày nhất định, họ có thể đến lúc nào họ muốn, nhưng phần đông Phật tử đi chùa vào những ngày lễ sám hối, rằm và ba mươi, hoặc những ngày trai giới, vì phần lớn quần chúng thích tập thể hơn là đơn độc. Họ thường mặc áo trắng, lam hay nâu vì đó là những màu sắc tượng trưng cho tinh khiết, giản dị và khiêm nhường. Họ đem cả hương, đèn, trầm và hoa quả, kính cẩn đi vào chánh điện, nơi đó một tượng Phật uy nghi được tôn trí ở chỗ cao trọng nhất và thành kính dâng những lễ vật lên Đức Phật. 
Hình tượng tự nó không phải là vật thờ cúng mà chỉ là hình ảnh tượng trưng cho họ dễ tưởng niệm đến Đức Phật. Thực ra dù có hình tượng hay không họ cũng tôn thờ Đức Phật, hình tượng chỉ có tác dụng giúp họ dễ chú ý và định tâm hơn. Vì thế, tuy dùng hình tượng để thờ cúng nhưng người Phật tử không có thái độ như những tín đồ vật tổ giáo, thờ cúng những vật hay những biểu tượng mà họ cho là linh thiêng có thể chứng giám cho những lời cầu của họ. Nên đạo Phật không phải là tôn giáo chủ trương thờ cúng hình tượng như một số tôn giáo khác.

Một điểm đáng chú ý nữa là người Phật tử lễ bái tượng Phật không có nghĩa là họ tin rằng Đức Phật sau khi nhập diệt vẫn còn hiện diện trên thế gian, để thị hiện trong các pho tượng khiến cho các pho tượng này trở nên linh ứng có thể hộ trì cho những người lễ bái hay quở phạt những người bất tôn kính đối với Ngài. 
Hình tượng chỉ có thể nhắc nhở lại những hình ảnh sống động lúc Đức Phật còn tại thế, như lúc tham thiền nhập định, lúc thành đạo, lúc chuyển pháp luân, lúc nhập diệt v.v. khiến cho người Phật tử có cảm tưởng như Đức Từ Phụ đang hiện diện để sách tấn họ siêng năng tu tập. Cũng vì thế mà việc đắp tượng phải làm thế nào để diễn tả được những đức tính trí tuệ và từ bi... của Đức Phật, nếu không hình tượng có thể làm sai lạc trí tưởng tưởng của người sơ cơ.

Mặc dù Đức Phật đã nhập diệt nhưng đời sống và giáo pháp của Ngài vẫn còn có một ảnh hưởng lớn lao đối với nhân loại ngày nay, ảnh hưởng đó sống động và thực tế đến nỗi người Phật tử có cảm tưởng như Đức Phật còn tại thế, có người muốn biến cảm tưởng đó thành sự thật bằng cách cúng cả vật thực đến Đức Phật mặc dù họ thừa biết rằng Ngài không thọ dụng.

Linh động hóa như vậy rất hữu ích và người Phật tử càng vững tin và tinh tấn trên đường đạo, đồng thời sự thờ cúng càng tăng thêm ấm cúng và trang nghiêm. Đó là một cách để chứng tỏ rằng ảnh hưởng của Đức Phật đối với con người mọi thời vẫn mạnh mẽ không kém thời nguyên thủy.

Theo thông lệ, cúng dường đèn, hương, hoa quả là một hành động tỏ dấu kính trọng tôn thờ hay tri ân chứ thực ra những vật cúng dường ấy tự nó không có giá trị đặc biệt nào. Đi xa hơn những thông lệ ấy, người Phật tử có một thái độ sáng suốt hơn chỉ là thuần hành động thờ cúng. Như khi dâng hoa trước đài sen người Phật tử suy nghĩ đến chân tướng vô thường của vạn hữu qua bài kệ mà họ thường đọc:

Dâng hoa cúng đến Phật đà
Nguyện mau giải thoát sinh, già, khổ đau.
Hoa tươi nhưng sẽ úa sầu.
Tấm thân tứ đại tránh sao điêu tàn.


Bài kệ trên chứng tỏ người Phật tử khi dâng cúng hay tụng niệm không cầu xin được hộ trì hay ban phước, nhưng đến với Đức Phật như người đệ tử kính mến bậc đạo sư và nguyện theo gương Ngài để sớm thoát khỏi khổ ải trầm luân.

Chúng ta nên lưu ý đến sự khác biệt giữa thái độ của một tín đồ thờ thần linh và một người Phật tử khi họ cùng kính cẩn nghiêng mình trước giáo chủ của họ. Trong khi tín đồ thờ thần linh cầu xin được ban phước hay cứu rỗi, nghĩa là đời đời họ muốn làm nô lệ cho thần linh hay thượng đế của họ. Người Phật tử trái lại, kính cẩn tôn thờ Đức Phật chỉ vì Ngài là người đã đi trước, là người hướng đạo, chứ họ không muốn làm nô lệ Ngài. Họ cũng cố gắng để được giải thoát, được chứng ngộ Phật quả như Ngài. Vì vậy tuy tôn kính Đức Phật nhưng người Phật tử vẫn được quyền bình đẳng với Ngài trong lãnh vực giác ngộ.

Chúng ta hãy tạm lấy so sánh giữa chế độ dân chủ ngày nay và chế độ quân chủ xưa kia để làm thí dụ. Trong chế độ quân chủ mọi người dân là con cái hoặc nô lệ của vị đế vương. Họ phải tuân phục mọi phán xét, thưởng phạt của vua chúa, vì thế "Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Nhưng trong chế độ dân chủ thật sự, mọi người dân đều có quyền bình đẳng, dù là tổng thống hay thủ tướng cũng là một công dân như bao người khác. Người dân kính trọng vị nguyên thủ quốc gia vì vị này thay thế họ để lãnh đạo, để lo việc chung. Và tất cả mọi người dân đều có thể trở thành nhà lãnh đạo nếu họ có đủ tài, đủ đức và những điều kiện cần thiết để trở thành vị nguyên thủ.

Bình đẳng và dân chủ hơn, Đức Phật dạy rằng: Không nên tôn kính Ngài bằng cách cúng dường lễ bái. Dù cúng dường bằng những trân châu quý báu cũng không phải là cách tôn kính cao thượng. Phải thực hành theo pháp mà Ngài đã chứng ngộ và chỉ bày để sớm được giải thoát và đạt đến quả vị như Ngài.

Thật hiếm có một vị giáo chủ nào lại không muốn được tôn trọng và chỉ muốn học trò sớm ngang hàng với mình. Người Phật tử chân chính hẳn phải biết như vậy để không phụ lòng từ ái của Đức Phật, không cố chấp vào những hình thức lễ bái mà phải tự tu sửa hầu một ngày kia được giải thoát như Ngài.

Tóm lại, tất cả mọi hình thức thờ cúng tưởng niệm của người Phật tử không phải để cầu xin Đức Phật cứu vớt mà chỉ có mục đích tôn kính và tự nguyện noi gương Ngài để hoàn thành sứ mạng tự giác giác tha.



Ý Nghĩa Dâng Hoa Cúng Phật
TỲ KHƯU THÍCH CHÂN TUỆ

Dâng hoa cúng Phật mang ý nghĩa dâng cúng những điều thiện lành, tốt đẹp, thơm tho, chúng ta làm được trong cuộc sống hằng ngày, theo lời chư Phật dạy. Chẳng hạn như chúng ta làm được việc thiện nào trong ngày, chúng ta dừng được việc ác nào trong ngày, đó là những bó hoa tươi thắm đem dâng cúng chư Phật.

Việc dâng hoa cúng Phật là một hành động thành kính ngưỡng mộ, bày tỏ tâm biết ơn sự chuyển hóa vô thượng của giáo pháp, mặc dù giá trị vật chất không đáng quan tâm. Tiếp theo việc dâng hoa cúng Phật là lời tán tụng và tâm người Phật tử hồi tưởng lại đời sống cao thượng, phẩm hạnh vi diệu của đức Phật, quyết cố gắng noi theo, không cầu khẩn van xin gì cả.

Đức Phật là một bậc sáng suốt, đã chấm dứt sự phiền não và khổ đau, một đấng hoàn hảo, chứng được trí tuệ bát nhã và  giác ngộ chân lý vô thượng, đáng được tôn kính và đảnh lễ. Người Phật tử quyết tâm noi theo chánh đạo, đưa đến chánh kiến và chánh tín, để hiện tại đạt an lạc hạnh phúc, mai sau được giác ngộ giải thoát. 


Ý Nghĩa Lễ Cúng Đèn


 Trong hình thức nghi lễ, khi cúng dường một ngọn đèn lên đức Phật, không nên nghĩ hay cho rằng mình đang làm một ân huệ và cầu khẩn van xin phước báo. Trái lại, nên ý thức một cách trọn vẹn rằng: chúng ta đang nâng cao nguồn sáng trí tuệ, mà chúng ta tiếp nhận từ đức Phật. Nguồn ánh sáng này xua đuổi bóng đêm trong tâm thức chúng ta, hướng dẫn chúng ta và tất cả chúng sinh tìm thấy con đường đi đến giác ngộ.

Theo cách này, đối với người thực hiện nghi lễ, ngọn đèn cúng dường lên đức Phật là phương tiện để quán niệm về cái ánh sáng giác ngộ đã và đang chiếu sáng trong mỗi người chúng ta từ thời vô thủy, và ánh sáng đó thường  bị những bức tường do tự ngã che khuất trong bóng tối. Mục đích của sự tu tập chính là để dẹp trừ cái bản ngã đó. []

 

Ý Nghĩa Dâng Hương Cúng Phật

Theo kinh sách, khi làm lễ dâng hương cúng Phật có 5 ý nghĩa, gọi là Ngũ Phần Hương, gồm có:

1. Giới hương,
2. Định hương,
3. Tuệ hương,
4. Giải thoát hương, và
5. Giải thoát tri kiến hương.

Đức Lục Tổ Huệ Năng giải thích trong Kinh Pháp Bảo Đàn như sau:

1. GIỚI HƯƠNG: Tức trong tự tâm chẳng quấy, chẳng ác, chẳng ganh tỵ, chẳng tham sân, chẳng cướp hại, gọi là GIỚI HƯƠNG.

2. ÐỊNH HƯƠNG: Thấy những cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn, gọi là ÐỊNH HƯƠNG.

3. TUỆ HƯƠNG: Tự tâm vô ngại, thường dùng trí tuệ chiếu soi tự tánh, chẳng tạo điều ác, dù tu nhiều thiện mà tâm chẳng chấp trước, kính trên mến dưới, thương xót kẻ cô đơn nghèo nàn, gọi là TUỆ HƯƠNG.

4. GIẢI THOÁT HƯƠNG: Tự tâm chẳng phan duyên, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại vô ngại, gọi là GIẢI THOÁT HƯƠNG.

5. GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG: Tự tâm đã chẳng phan duyên thiện ác, chớ nên trầm không trệ tịch, phải tu học pháp tối thượng thừa, nhận tự bản tâm, thông đạt lý Phật, hạ mình để tiếp người, vô nhơn vô ngã, thẳng đến Bồ đề, chơn tánh chẳng đổi, gọi là GIẢI THOÁT TRI KIẾN HƯƠNG.

Thiện tri thức !  Năm thứ hương này mỗi người tự huân tập trong tâm, chớ tìm bên ngoài. []

Dâng cúng Phật
hương, đăng, hoa, quả, thủy.

Trong các thứ trên,
cúng dường pháp là hơn hết.

Ý Nghĩa: Đối với chư Phật mười phương, chúng ta phát khởi tín tâm, tin tưởng sâu sắc, hiểu biết rõ ràng, thành tâm dâng cúng: những điều tốt đẹp, những thành tựu cao quí nhứt, trên bước đường tu học (học hỏi chánh pháp và tu sửa thân tâm).

Không tu tập và không làm như thế, dù thành tâm đến đâu, dâng hương cầu nguyện nào có được gì? Tại sao vậy? - Bởi cầu khẩn van xin mà được như ý, người ta đền ơn đáp lễ, đốt hương cả bó, cháy luôn ngôi chùa!

Dâng cúng hương mang ý nghĩa dâng cúng những hương thơm kết tụ do việc giữ gìn giới luật, những hương thơm kết tụ do việc luôn giữ tâm thiền định, những hương thơm kết tụ do việc phát triển trí tuệ, những hương thơm kết tụ do việc tu hạnh giải thoát và những hương thơm kết tụ do việc giải thoát sự hiểu biết phiền lụy của thế gian.

Tóm lại dâng hương cúng Phật gồm có: 1. Giới hương 2. Định hương    3. Tuệ hương 4. Giải thoát hương và 5. Giải thoát tri kiến hương. []


CHUYỆN TRONG CHÙA

-   Tôi có nghe một vị sư giảng: khi cúng đèn dâng lên Phật phải thành tâm, thì cầu gì cũng được. Không biết điều này có đúng chánh pháp không?
-   Khi chúng ta dâng cúng hương, đăng, hoa, quả, thủy, tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng dâng cúng sự phát tâm tu tập theo lời Phật dạy, dâng cúng thành tựu trong quá trình tinh tấn tu tập, chuyển hóa tâm mê mờ thành trí sáng suốt. 
-  Dâng cúng mà cầu gì cũng được, đó là tà pháp. Người giảng điều đó là tà sư, mê hoặc và dụ dẫn chúng lạc vào tà đạo.
-  Chư Phật và chư Bồ tát đâu cần thụ dụng các thứ vật chất chúng ta dâng cúng. Dâng cúng một ngọn đèn chưa tới 25 xu, dù thành tâm,cầu gì cũng được, đó là tâm tham lam hết biết! []

BAN BIÊN TẬP PHẬT HỌC TỊNH QUANG
 

Kính mời quí vị tham khảo bài viết theo link:


Tuesday, April 3, 2012

*** CÂU CHUYỆN TÔ MÌ NGÀY CUỐI NĂM


Trong cuộc sống ngày nay, xin đừng quên rằng còn tồn tại lòng nhân ái. Đây là một câu chuyện có thật, chúng tôi gọi là "Câu chuyện bát mì"..Chuyện xảy ra cách đây năm mươi năm vào ngày 31/12, một ngày cuối năm tại quán mì Bắc Hải Đình, đường Trát Hoảng, Nhật Bản.

Đêm giao thừa, ăn mì sợi đón năm mới là phong tục tập quán của người Nhật, cho đến ngày đó công việc làm ăn của quán mì rất phát đạt. Ngày thường, đến chạng vạng tối trên đường phố hãy còn tấp nập ồn ào nhưng vào ngày này mọi người đều lo về nhà sớm hơn một chút để kịp đón năm mới. Vì vậy đường phố trong phút chốc đã trở nên vắng vẻ.

Ông chủ Bắc Hải Đình là một người thật thà chất phát, còn bà chủ là một người nhiệt tình, tiếp đãi khách như người thân. Đêm giao thừa, khi bà chủ định đóng cửa thì cánh cửa bị mở ra nhè nhẹ, một người phụ nữ trung niên dẫn theo hai bé trai bước vào. đứa nhỏ khoảng sáu tuổi, đứa lớn khoảng 10 tuổi. Hai đứa mặc đồ thể thao giống nhau, còn người phụ nữ mặc cái áo khoác ngoài lỗi thời.
- Xin mời ngồi!
Nghe bà chủ mời, người phụ nữ rụt rè nói:
- Có thể... cho tôi một… bát mì được không?
Phía sau người phụ nữ, hai đứa bé đang nhìn chăm chú.
- Đương nhiên… đương nhiên là được, mời ngồi vào đây.
Bà chủ dắt họ vào bàn số hai, sau đó quay vào bếp gọi to:
- Cho một bát mì.

Ba mẹ con ngồi ăn chung một bát mì trông rất ngon lành, họ vừa ăn vừa trò chuyện khe khẽ với nhau. “Ngon quá” - thằng anh nói.
- Mẹ, mẹ ăn thử đi - thằng em vừa nói vừa gắp mì đưa vào miệng mẹ.

Sau khi ăn xong, người phụ nữ trả một trăm năm mươi đồng. Ba mẹ con cùng khen: “Thật là ngon ! Cám ơn !” rồi cúi chào và bước ra khỏi quán.
- Cám ơn các vị ! Chúc năm mới vui vẻ - ông bà chủ cùng nói.

Công việc hàng ngày bận rộn, thế mà đã trôi qua một năm. Lại đến ngày 31/12, ngày chuẩn bị đón năm mới. Công việc của Bắc Hải Đình vẫn phát đạt. So với năm ngoái, năm nay có vẻ bận rộn hơn. Hơn mười giờ, bà chủ toan đóng cửa thì cánh cửa lại bị mở ra nhè nhẹ. Bước vào tiệm là một người phụ nữ dẫn theo hai đứa trẻ. Bà chủ nhìn thấy cái áo khoác lỗi thời liền nhớ lại vị khách hàng cuối cùng năm ngoái.
- Có thể… cho tôi một… bát mì được không?
- Đương nhiên… đương nhiên, mời ngồi!
Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai như năm ngoái, vừa nói vọng vào bếp:
- Cho một bát mì.
Ông chủ nghe xong liền nhanh tay cho thêm củi vào bếp trả lời:
- Vâng, một bát mì!
Bà chủ vào trong nói nhỏ với chồng:
- Này ông, mình nấu cho họ ba bát mì được không?
- Không được đâu, nếu mình làm thế chắc họ sẽ không vừa ý.

Ông chủ trả lời thế nhưng lại bỏ nhiều mì vào nồi nước lèo, ông ta cười cười nhìn vợ và thầm nghĩ: “Trông bà bề ngoài khô khan nhưng lòng dạ cũng không đến nỗi nào!”
Ông làm một tô mì to thơm phức đưa cho bà vợ bưng ra. Ba mẹ con ngồi quanh bát mì vừa ăn vừa thảo luận. Những lời nói của họ đều lọt vào tai hai vợ chồng ông chủ quán.

- Thơm quá!
- Năm nay vẫn được đến Bắc Hải Đình ăn mì thật là may mắn quá!
- Sang năm nếu được đến đây nữa thì tốt biết mấy!
Ăn xong, trả một trăm năm mươi đồng, ba mẹ con ra khỏi tiệm Bắc Hải Đình.
- Cám ơn các vị! Chúc năm mới vui vẻ!

Nhìn theo bóng dáng ba mẹ con, hai vợ chồng chủ quán thảo luận với nhau một lúc lâu.
Đến ngày 31/12 lần thứ ba, công việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn rất tốt, vợ chồng ông chủ quán bận rộn đến nỗi không có thời gian nói chuyện. Đến 9g30 tối, cả hai người đều cảm thấy trong lòng có một cảm giác gì đó khó tả. Đến 10 giờ, nhân viên trong tiệm đều đã nhận bao lì xì và ra về. Ông chủ vội vã tháo các tấm bảng trên tường ghi giá tiền của năm nay là “200đ/bát mì” và thay vào đó giá của năm ngoái “150đ/bát mì”. Trên bàn số hai, ba mươi phút trước bà chủ đã đặt một tờ giấy “Đã đặt chỗ”. Đúng 10g30, ba mẹ con xuất hiện, hình như họ cố chờ khách ra về hết rồi mới đến. Đứa con trai lớn mặc bộ quần áo đồng phục cấp hai, đứa em mặc bộ quần áo của anh, nó hơi rộng một chút, cả hai đứa đêu đã lớn rất nhiều.

- Mời vào! Mời vào! - bà chủ nhiệt tình chào đón.
Nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của bà chủ, người mẹ chậm rãi nói:
- Làm ơn nấu cho chúng tôi…hai bát mì được không?
- Được chứ, mời ngồi bên này!

Bà chủ lại đưa họ đến bàn số hai, nhanh tay cất tờ giấy “Đã đặt chỗ” đi, sau đó quay vào trong la to: "Hai bát mì”
- Vâng, hai bát mì. Có ngay.
Ông chủ vừa nói vừa bỏ ba phần mì vào nồi.
Ba mẹ con vừa ăn vừa trò chuyện, dáng vẻ rất phấn khởi. Đứng sau bếp, vợ chồng ông chủ cũng cảm nhận được sự vui mừng của ba mẹ con, trong lòng họ cũng cảm thấy vui lây.
- Tiểu Thuần và anh lớn này, hôm nay mẹ muốn cảm ơn các con!
- Cảm ơn chúng con? Tại sao ạ?
- Chuyện là thế này: vụ tai nạn xe hơi của bố các con đã làm cho tám người bị thương, công ty bảo hiểm chỉ bồi thường một phần, phần còn lại chúng ta phải chịu, vì vậy mấy năm nay mỗi tháng chúng ta đều phải nộp năm mươi ngàn đồng.

- Chuyện đó thì chúng con biết rồi - đứa con lớn trả lời.
Bà chủ đứng bên trong không dám động đậy để lắng nghe.
- Lẽ ra phải đến tháng ba năm sau chúng ta mới nộp hết nhưng năm nay mẹ đã nộp xong cả rồi!
- Hả, mẹ nói thật đấy chứ?
- Ừ, mẹ nói thật. Bởi vì anh lớn nhận trách nhiệm đi đưa báo, còn Tiểu Thuần giúp mẹ đi chợ nấu cơm làm mẹ có thể yên tâm làm việc, công ty đã phát cho mẹ một tháng lương đặc biệt, vì vậy số tiền chúng ta còn thiếu mẹ đã nộp hết rồi.
- Mẹ ơi! Anh ơi! Thật là tốt quá, nhưng sau này mẹ cứ để con tiếp tục nấu cơm nhé.
- Con cũng tiếp tục đi đưa báo. Tiểu Thuần chúng ta phải cố gắng lên!
- Mẹ cám ơn hai anh em con nhiều!
- Tiểu Thuần và con có một bí mật chưa nói cho mẹ biết. Đó là vào một ngày chủ nhật của tháng mười một, trường của Tiểu Thuần gửi thư mời phụ huynh đến dự một tiết học. Thầy giáo của Tiểu Thuần còn gửi một bức thư đặc biệt cho biết bài văn của Tiểu Thuần đã được chọn làm đại diện cho Bắc Hải đảo đi dự thi văn toàn quốc. Con nghe bạn của Tiểu Thuần nói mới biết nên hôm đó con đã thay mẹ đến dự.

- Có thật thế không? Sau đó ra sao?

- Thầy giáo ra đề bài: “Chí hướng và nguyện vọng của em là gì?” Tiểu Thuần đã lấy đề tài bát mì để viết và được đọc trước tập thể nữa chứ. Bài văn được viết như sau: “Ba bị tai nạn xe mất đi để lại nhiều gánh nặng. Để gánh vác trách nhiệm này, mẹ phải thức khuya dậy sớm để làm việc”. Đến cả việc hàng ngày con phải đi đưa báo, em cũng viết vào bài nữa. Lại còn: “Vào tối 31/12, ba mẹ con cùng ăn một bát mì rất ngon. Ba người chỉ gọi một tô mì, nhưng hai vợ chồng bác chủ tiệm vẫn cám ơn và còn chúc chúng tôi năm mới vui vẻ nữa. Lời chúc đó đã giúp chúng tôi có dũng khí để sống, khiến cho gánh nặng của ba để lại nhẹ nhàng hơn”. Vì vậy Tiểu Thuần viết rằng nguyện vọng của nó là sau này mở một tiệm mì, trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất ở Nhật Bản, cũng sẽ nói với khách hàng của mình những câu như: “Cố gắng lên ! Chúc hạnh phúc ! Cám ơn !”

Đứng sau bếp, hai vợ chồng chủ quán lặng người lắng nghe ba mẹ con nói chuyện mà nước mắt lăn dài.

- Bài văn đọc xong, thầy giáo nói: anh của Tiểu Thuần hôm nay thay mẹ đến dự, mời em lên phát biểu vài lời.

- Thật thế à? Thế lúc đó con nói sao?

- Bởi vì quá bất ngờ nên lúc đầu con không biết phải nói gì cả, con nói: “Cám ơn sự quan tâm và thương yêu của thầy cô đối với Tiểu Thuần. Hàng ngày em con phải đi chợ nấu cơm nên mỗi khi tham gian hoạt động đoàn thể gì đó nó đều phải vội vả về nhà, điều này gây không ít phiền toái cho mọi người. Vừa rồi khi em con đọc bài văn thì trong lòng con cảm thấy sự xấu hổ nhưng đó là sự xấu hổ chân chính. Mấy năm nay mẹ chỉ gọi một bát mì, đó là cả một sự dũng cảm. Anh em chúng con không bao giờ quên được… Anh em con tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa, quan tâm chăm sóc mẹ nhiều hơn. Cuối cùng con nhờ các thầy cô quan tâm giúp đỡ cho em con.”

Ba mẹ con nắm tay nhau, vỗ vai động viên nhau, vui vẻ cùng nhau ăn hết tô mì đón năm mới rồi trả 300 đồng, nói câu cám ơn vợ chồng chủ quán, cúi chào và ra về. Nhìn theo ba mẹ con, vợ chồng ông chủ quán nói với theo:
- Cám ơn! Chúc mừng năm mới!

Lại một năm nữa trôi qua. Bắc Hải Đình vào lúc 9g tối, bàn số hai được đặt một tấm giấy “Đã đặt chỗ” nhưng ba mẹ con vẫn không thấy xuất hiện. Năm thứ hai rồi thứ ba, bàn số hai vẫn không có người ngồi. Ba mẹ con vẫn không thấy trở lại. Việc làm ăn của Bắc Hải Đình vẫn như mọi năm, toàn bộ đồ đạc trong tiệm được thay đổi, bàn ghế được thay mới nhưng bàn số hai thì được giữ lại y như cũ.

“Việc này có ý nghĩa như thế nào ?” Nhiều người khách cảm thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh này nên đã hỏi. Ông bà chủ liền kể lại câu chuyện bát mì cho mọi người nghe. Cái bàn cũ kia được đặt ngay chính giữa, đó cũng là một sự hy vọng một ngày nào đó ba vị khách kia sẽ quay trở lại, cái bàn này sẽ dùng để tiếp đón họ. Bàn số hai “cũ” trở thành “cái bàn hạnh phúc”, mọi người đều muốn thử ngồi vào cái bàn này. Rồi rất nhiều lần 31/12 đã đi qua.

Lại một ngày 31/12 đến. Các chủ tiệm lân cận Bắc Hải Đình sau khi đóng cửa đều dắt người nhà đến Bắc Hải Đình ăn mì. Họ vừa ăn vừa chờ tiếng chuông giao thừa vang lên. Sau đó, mọi người đi bái thần, đây là thói quen năm, sáu năm nay. Hơn 9g30 tối, trước tiên vợ chồng ông chủ tiệm cá đem đến một chậu cá còn sống. Tiếp đó, những người khác đem đến nào là rượu, thức ăn, chẳng mấy chốc đã có khoảng ba, bốn chục người. Mọi người rất vui vẻ. Ai cũng biết lai lịch của bàn số hai. Không ai nói ra nhưng thâm tâm họ đang mong chờ giây phút đón mừng năm mới. Người thì ăn mì, người thì uống rượu, người bận rộn chuẩn bị thức ăn… Mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện, từ chuyện trên trời dưới đất đến chuyện nhà bên có thêm một chú nhóc nữa. Chuyện gì cũng tạo thành một chuỗi câu chuyện vui vẻ. Ở đây ai cũng coi nhau như người nhà. Đến 10g30, cửa tiệm bỗng nhiên mở ra nhè nhẹ, mọi người trong tiệm liền im bặt và nhìn ra cửa. Hai thanh niên mặc veston, tay cầm áo khoác bước vào, mọi người trong quán thở phào và không khí ồn ào náo nhiệt trở lại. Bà chủ định ra nói lời xin lỗi khách vì quán đã hết chỗ thì đúng lúc đó một người phụ nữ ăn mặc hợp thời trang bước vào, đứng giữa hai thanh niên.
Mọi người trong tiệm dường như nín thở khi nghe người phụ nữ ấy nói chầm chậm:

- Làm ơn… làm ơn cho chúng tôi ba bát mì được không?

Gương mặt bà chủ chợt biến sắc. Đã mười mấy năm rồi, hình ảnh bà mẹ trẻ cùng hai đứa con trai chợt hiện về và bây giờ họ đang đứng trước mặt bà đây. Đứng sau bếp, ông chủ như mụ người đi, giơ tay chỉ vào ba người khách, lắp lắp nói:

- Các vị… các vị là…

Một trong hai thanh niên tiếp lời:

-Vâng! Vào ngày cuối năm của mười bốn năm trước đây, ba mẹ con cháu đã gọi một bát mì, nhận được sự khích lệ của bát mì đó, ba mẹ con cháu như có thêm nghị lức để sống. Sau đó, ba mẹ con cháu đã chuyển đến sống ở nhà ông bà ngoại ở Tư Hạ. Năm nay cháu thi đỗ vào trường y, hiện đang thực tập tại khoa nhi của bệnh viện Kinh Đô. Tháng tư năm sau cháu sẽ đến phục vụ tại bệnh viện tổng hợp của Trát Hoảng. Hôm nay, chúng cháu trước là đến chào hỏi bệnh viện, thuận đường ghé thăm mộ của ba chúng cháu. Còn em cháu mơ ước trở thành ông chủ tiệm mì lớn nhất Nhật Bản không thành, hiện đang là nhân viên của Ngân hàng Kinh Đô. Cuối cùng, ý định nung nấy từ bao lâu nay của chúng cháu là hôm nay, ba mẹ con cháu muốn đến chào hỏi hai bác và ăn mì ở Bắc Hải Đình này.

Ông bà chủ quán vừa nghe vừa gật đầu mà nước mắt ướt đẫm mặt. Ông chủ tiệm rau ngồi gần cửa ra vào đang ăn đầy miệng mì, vội vả nhả ra, đứng dậy nói:
- Này, ông bà chủ, sao lại thế này? Không phải là ông bà đã chuẩn bị cả mười năm nay để có ngày gặp mặt này đó sao ? Mau tiếp khách đi chứ. Mau lên!
Bà chủ như bừng tỉnh giấc, đập vào vai ông hàng rau, cười nói:
- Ồ phải… Xin mời! Xin mời! Nào bàn số hai cho ba bát mì.
Ông chủ vội vàng lau nước mắt trả lời:
- Có ngay. Ba bát mì.
Thật ra cái mà ông bà chủ tiệm bỏ ra không có gì nhiều lắm, chỉ là vài vắt mì, vài câu nói chân thành mang tính khích lệ, động viên chúc mừng. Với xã hội năng động ngày nay, con người dường như có một chút gì đó lạnh lùng, nhẫn tâm. Nhưng từ câu chuyện này, tôi đi đến kết luận rằng : chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh, chỉ cần bạn có một chút quan tâm dành cho người khác thì bạn có thể đem đến niềm hạnh phúc cho họ rồi. Chúng ta không nên nhỏ nhoi ích kỷ bởi tôi tin trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa một tấm lòng nhân ái. Hãy mở kho tàng ấy ra và thắp sáng nó lên dù chỉ là một chút ánh sáng yếu ớt ,nhưng trong đêm đông giá rét thì nó có thể mang lại sự ấm áp cho mọi người.
Câu chuyện này xuất hiện làm xúc động không ít độc giả Nhật Bản. Có người nhận xét rằng : "Đọc xong câu chuyện này không ai không rơi nước mắt." Đây chỉ là lời nhận xét mang tính phóng đại một chút nhưng nó không phải là không thực tế. Quả thật, nhiều người đọc xong câu chuyện đã phải rơi lệ, chính sự quan tâm chân thành và lòng nhân hậu trong câu chuyện đã làm cho họ phải xúc động.

Theo petalia